Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2269/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 9 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ GIỮA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong Hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Văn bản số 4137/STC-VP ngày 19/9/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này 04 (bốn) thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của ngành Tài chính áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành;

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Giám đốc Trung tâm Công báo - Tin học; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm soát TTHC, VPCP;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- PCVP Trần Công Thành;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NC4.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



Nguyễn Hồng Lĩnh

 

DANH MỤC VÀ NỘI DUNG QUY TRÌNH TTHC NỘI BỘ GIỮA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÀNH TÀI CHÍNH ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

(Kèm theo Quyết định số: 2269/QĐ-UBND ngày 26/9/2024 của UBND tỉnh)

PHẦN I: DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

STT

Tên thủ tục hành chính

Lĩnh vực

Cơ quan thực hiện

1

Chuyển giao công trình điện là hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định pháp luật.

Quản lý công sản

Cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác; Chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác.

2

Xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước.

Quản lý công sản

Sở Tài chính; Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện; đơn vị điện lực.

3

Quyết định sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Quản lý công sản

Chủ tịch UBND tỉnh.

4

Thanh toán chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản công.

Quản lý công sản

Cơ quan được giao nhiệm vụ chủ tài khoản tạm giữ

PHẦN II:

NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

1: Chuyển giao công trình điện là hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho nhà nước theo quy định pháp luật

1.1 Trình tự thực hiện

Bước 1: Chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác (bên giao) lập hồ sơ đề nghị, gửi cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác (bên nhận).

Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình điện, cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác có văn bản về việc chuyển giao công trình điện kèm theo các hồ sơ do bên giao lập, gửi bên nhận theo công bố của Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác gửi, bên nhận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác và bên giao thực hiện kiểm tra thực trạng công trình điện, đánh giá về việc đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2024/NĐ- CP ngày 10/01/2024 của Chính phủ và lập Biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 02/2024/NĐ-CP; trên cơ sở đó:

- Trường hợp công trình điện đủ điều kiện chuyển giao thì thực hiện kiểm kê, xác định giá trị công trình điện chuyển giao; việc kiểm kê, xác định giá trị công trình điện chuyển giao được lập thành Biên bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 02/2024/NĐ-CP;

- Trường hợp công trình điện không đủ điều kiện chuyển giao thì bên nhận có văn bản thông báo cho bên giao và cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác biết công trình điện không đủ điều kiện chuyển giao, trong đó xác định cụ thể điều kiện không đáp ứng. Sau khi bên giao khắc phục các tồn tại để đáp ứng các điều kiện chuyển giao để thực hiện chuyển giao theo quy định thì tiếp tục thực hiện các bước để chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 02/2024/NĐ-CP.

Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc kiểm kê, xác định giá trị công trình điện, Thủ trưởng cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác có trách nhiệm ban hành Quyết định chuyển giao công trình điện.

1.2. Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua Dịch vụ bưu chính công ích hoặc qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trong trường hợp đã có chữ ký số.

1.3. Thành phần, số lượng hồ sơ

- Văn bản của chủ đầu tư đề nghị chuyển giao công trình điện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;

- Các hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định lại Phụ lục IX Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng: 01 bản sao;

- Văn bản phê duyệt quyết toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có): 01 bản sao;

- Hồ sơ đất đai liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất gắn với công trình và các giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao;

- Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); phương án chữa cháy, phương án phòng cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy: 01 bản sao.

Các bản sao phải đóng dấu treo xác nhận của bên giao. Trường hợp các hồ sơ này không có hoặc bị mất, bên giao có văn bản xác nhận về việc mất hồ sơ hoặc không có hồ sơ và chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình; văn bản xác nhận được thay thế cho các hồ sơ bị mất hoặc không có.

- Số lượng: 01 bộ

1.4. Thời hạn giải quyết: 44 ngày làm việc tính từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

1.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác.

1.6. Cơ quan thực hiện TTHC: Cơ quan nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác.

1.7. Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định chuyển giao công trình điện.

1.8. Phí, lệ phí (nếu có): Không.

1.9. Tên, mẫu đơn, mẫu tờ khai: theo quy định tại Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam

1.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC (nếu có): Không.

1.11. Căn cứ pháp lý của TTHC:

Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2: Xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước

2.1. Trình tự thực hiện

Bước 1: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện (Bên giao) lập hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình điện, gửi đơn vị điện lực (Bên nhận).

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do bên giao gửi, bên nhận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bên giao thực hiện kiểm tra thực trạng công trình điện, đánh giá về việc đáp ứng các điều kiện chuyển giao theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2024/NĐ-CP và lập Biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 02/2024/NĐ-CP; trên cơ sở đó:

- Trường hợp công trình điện đủ điều kiện chuyển giao thì thực hiện kiểm kê, xác định giá trị công trình điện chuyển giao theo quy định tại khoản 4 Điều này; việc kiểm kê, xác định giá trị công trình điện được lập thành Biên bản theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Trường hợp công trình điện không đủ điều kiện chuyển giao thì bên nhận có văn bản thông báo cho bên giao biết công trình điện không đủ điều kiện chuyển giao, trong đó xác định cụ thể điều kiện không đáp ứng. Trường hợp bên giao khắc phục các tồn tại để đáp ứng điều kiện chuyển giao thì được thực hiện các bước tiếp theo để chuyển giao theo quy định tại Nghị định này.

Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc kiểm kê, xác định giá trị, bên nhận có trách nhiệm lập hồ sơ trình Sở Tài chính để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị không phù hợp.

2.2. Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua Dịch vụ bưu chính công ích hoặc Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trong trường hợp đã có chữ ký số.

2.3. Thành phần, số lượng hồ sơ

- Hồ sơ đề nghị chuyển giao (do tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện lập), gồm:

+ Văn bản của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện đề nghị chuyển giao quyền sở hữu công trình điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo Mẫu số 01 Phụ lục đính kèm Nghị định số 02/2024/NĐ-CP: 01 bản chính;

+ Quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công liên quan đến công trình điện, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình độc lập có liên quan đến công trình điện, Thông báo kết quả thẩm định dự án/công trình, Thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật, báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có): 01 bản sao;

+ Hồ sơ hoàn công, sơ đồ mặt bằng hành lang tuyến dây và mặt bằng trạm biến áp (nếu có): 01 bản sao;

+ Hồ sơ đất đai liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để đầu tư công trình và các giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao;

+ Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); phương án chữa cháy, phương án phòng cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy: 01 bản sao.

Các bản sao là bản được chứng thực bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trường hợp các hồ sơ này không có hoặc bị mất, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện có văn bản xác nhận về việc mất hồ sơ hoặc không có hồ sơ và chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình.

- Hồ sơ đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (do đơn vị Điện lực lập), gồm:

+ Văn bản của bên nhận đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 01 bản chính;

+ Danh mục công trình điện do bên nhận lập (thông số kỹ thuật, tình trạng công trình điện, năm đưa vào sử dụng, giá trị công trình điện): 01 bản chính;

+ Biên bản kiểm kê, xác định giá trị công trình điện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;

+ Văn bản của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện đề nghị chuyển giao quyền sở hữu công trình điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 01 bản chính.

- Số lượng: 01 bộ.

2.4. Thời hạn giải quyết: 67 ngày làm việc tính từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện; đơn vị điện lực.

2.6. Cơ quan thực hiện TTHC:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND tỉnh.

- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Sở Tài chính

- Cơ quan phối hợp thực hiện TTHC: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình điện; đơn vị điện lực.

2.7. Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2.8. Phí, lệ phí (nếu có): Không.

2.9. Tên, mẫu đơn, mẫu tờ khai: Mẫu số 01 Phụ lục đính kèm Nghị định số 02/2024/NĐ-CP .

2.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC (nếu có):

- Phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao (đối với công trình điện quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định số 02/2024/NĐ-CP);

- Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;

- Công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;

- Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác;

- Phải có khả năng cấp điện hoặc phát triển cấp điện cho các tổ chức, hộ dân tại địa phương.

2.11. Căn cứ pháp lý của TTHC

Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Văn bản số 1674/UBND-KT2 ngày 29/3/2024 của UBND tỉnh về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

3: Quyết định sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư

3.1. Trình tự thực hiện

Bước 1: Cơ quan nhà nước có tài sản công lập 01 bộ hồ sơ đề nghị sử dụng tài sản công hiện có để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư xem xét, quyết định.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định sử dụng tài sản công hiện có để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị sử dụng tài sản công hiện có để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư không phù hợp. Trường hợp sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm gửi lấy ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cho ý kiến về đề nghị sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện có để tham gia dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức đối tác công - tư, về sự phù hợp của việc sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp sau đầu tư xây dựng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, tiêu chuẩn, định mức, công năng sử dụng tài sản công, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nội dung khác có liên quan đến việc sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định sử dụng trụ sở làm việc hiện có để tham gia dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị sử dụng trụ sở làm việc hiện có để tham gia dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư không phù hợp.

3.2. Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua Dịch vụ bưu chính công ích hoặc Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trong trường hợp đã có chữ ký số.

3.3. Thành phần, số lượng hồ sơ

- Văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản (trong đó nêu rõ sự cần thiết, thời hạn, tính khả thi, phương án sử dụng tài sản công tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư): 01 bản chính;

- Văn bản đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;

- Danh mục tài sản (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán): 01 bản chính;

- Các hồ sơ có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

3.4. Thời hạn giải quyết: 67 ngày làm việc tính từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhu cầu sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

3.6. Cơ quan thực hiện TTHC: Chủ tịch UBND tỉnh.

3.7. Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư hoặc văn bản hồi đáp.

3.8. Phí, lệ phí (nếu có): Không.

3.9. Tên, mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không quy định.

3.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC (nếu có): Không.

3.11. Căn cứ pháp lý của TTHC:

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

4: Thanh toán chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản công

4.1. Trình tự thực hiện

Bước 1: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán gửi chủ tài khoản tạm giữ để chi trả chi phí xử lý tài sản. Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của khoản chi đề nghị thanh toán.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm cấp tiền cho cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản để thực hiện chi trả các khoản chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản công.

4.2. Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua Dịch vụ bưu chính công ích hoặc qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trong trường hợp đã có chữ ký số.

4.3. Thành phần, số lượng hồ sơ

- Văn bản đề nghị thanh toán của cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản (trong đó nêu rõ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản, tổng chi phí xử lý tài sản, thông tin về tài khoản tiếp nhận thanh toán) kèm theo bảng kê chi tiết các khoản chi: 01 bản chính;

- Quyết định xử lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;

- Các hồ sơ, giấy tờ chứng minh cho các khoản chi như: Dự toán chi được duyệt; Hợp đồng thuê dịch vụ thẩm định giá, đấu giá, phá dỡ; hóa đơn, phiếu thu tiền (nếu có): 01 bản sao.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

4.4. Thời hạn giải quyết: 30 ngày làm việc tính từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý tài sản công.

4.6. Cơ quan thực hiện TTHC: Cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ tài khoản tạm giữ.

4.7. Kết quả thực hiện TTHC: Thông báo thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản công.

4.8. Phí, lệ phí (nếu có): Không.

4.9. Tên, mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không quy định.

4.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC (nếu có): Không.

4.11. Căn cứ pháp lý của TTHC

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công./.