Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2274/QĐ-UBND

An Giang, ngày 27 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 được Quốc Hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 22/2014/NQ-HĐND ngày 05/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2435/TTr-SXD ngày 24/12/2014 về việc thẩm định và trình phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Ranh giới và phạm vi nghiên cứu:

- Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh An Giang. Ranh giới được xác định như sau:

+ Phía Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia;

+ Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp;

+ Phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ;

+ Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang.

- Phạm vi nghiên cứu mở rộng bao gồm vùng Quốc gia, vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

II. Mục tiêu phát triển:

- Cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang đến năm 2030.

- Xây dựng An Giang trở thành tỉnh phát triển bền vững, có trình độ công nghệ cao, nguồn nhân lực có chất lượng, trở thành một trung tâm khoa học công nghệ và thương mại dịch vụ của vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường với thế trận quốc phòng - an ninh và bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực phòng thủ.

- Định hướng phát triển không gian toàn vùng đến năm 2030 gồm không gian xây dựng đô thị, dân cư nông thôn, không gian các khu công nghiệp tập trung, du lịch, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, không gian cảnh quan. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân ở các đô thị và vùng nông thôn.

- Làm cơ sở để chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền lập các dự án quy hoạch chuyên ngành, chương trình đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển.

- Làm công cụ quản lý phát triển kiểm soát không gian toàn vùng. Tạo cơ hội đầu tư.

III. Các dự báo phát triển vùng:

1. Dự báo quy mô dân số:

- Đến năm 2020: dân số toàn tỉnh khoảng 2.300.000 người ÷ 2.475.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 870.000 ÷ 940.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 36 - 40%.

- Đến năm 2030: dân số toàn tỉnh khoảng 2.550.000 người ÷ 2.800.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 1.020.000 ÷ 1.100.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40 - 42%.

2. Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị:

- Đến năm 2020: khoảng 13.000 ha ÷ 14.000 ha (150 m2/người).

- Đến năm 2030: khoảng 15.000 ha ÷ 16.000 ha (150 m2/người).

3. Dự báo quy mô đất xây dựng công nghiệp: (KCN và CCN)

- Đến năm 2020: khoảng 1.300 ÷ 1.500 ha.

- Đến năm 2030: khoảng 2.000 ÷ 2.200 ha.

IV. Tính chất và chức năng vùng:

- Vị trí cửa ngõ kết nối giao thương các vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và vùng Campuchia.

- Là một trong các vùng kinh tế động lực của cả nước về nông sản, thủy sản chất lượng cao, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL - có vai trò là một đầu tàu tăng trưởng của vùng ĐBSCL.

- Là tỉnh phát triển đô thị - công nghiệp tập trung, trung tâm thương mại dịch vụ đa ngành cấp vùng.

- Vùng phát triển nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao.

- Vùng phát triển du lịch tín ngưỡng, du lịch sinh thái, văn hóa lễ hội.

- Có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng.

V. Tầm nhìn đến 2050:

Đến 2050 An Giang là tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao; hệ thống đô thị và công nghiệp phát triển tiên tiến, theo hướng bền vững bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống thương mại dịch vụ phát triển cao, giao thương mạnh trên phạm vi toàn quốc và các quốc gia trong vùng ASEAN; là một trong những trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

VI. Định hướng phát triển không gian vùng:

1. Phân vùng phát triển kinh tế:

Trên cơ sở đặc điểm địa hình, địa thế, tài nguyên thiên nhiên, các cơ sở về hạ tầng kỹ thuật, các hành lang kinh tế đô thị và mối liên hệ vùng. Quy hoạch vùng tỉnh An Giang được phân thành 3 tiểu vùng phát triển kinh tế cụ thể như sau:

● Tiểu vùng 1: tiểu vùng trung tâm

Nằm phía Tây Nam của tỉnh, gồm TP. Long Xuyên, Huyện Châu Thành, Huyện Thoại Sơn. Trung tâm tiểu vùng là TP. Long Xuyên.

- Tiềm năng của tiểu vùng:

Đây là tiểu vùng trung tâm về hành chính - chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học - công nghiệp - nông nghiệp của Tỉnh.

Trên địa bàn tiểu vùng kết nối thuận tiện với các trục hành lang kinh tế Quốc gia quan trọng (đường QL.91, QL.80, QL.N2, sông Hậu).

Vùng I sẽ là khu vực gắn kết An Giang với các trung tâm vùng ĐBSCL, vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Thủ đô Phnompenh.

- Động lực phát triển:

Phát triển đô thị (TP. Long Xuyên, TT An Châu, TT Núi Sập)

Phát triển CN tập trung (KCN Vàm cống, KCN Bình Hòa)

Phát triển thương mại dịch vụ, du lịch.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khai thác nuôi trồng thủy sản.

● Tiểu vùng 2: tiểu vùng phát triển nông nghiệp - thủy sản

Nằm ở phía Đông Bắc và Đông Nam của tỉnh, gồm TX Tân Châu, Huyện Phú Tân, Huyện Chợ Mới, một phần Huyện An Phú (ranh giới là bờ Đông sông Hậu). Trung tâm tiểu vùng là TX. Tân Châu và TT Chợ Mới.

- Tiềm năng của tiểu vùng:

Đây là tiểu vùng phát triển nông nghiệp đa ngành và nuôi trồng thủy sản.

Nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, có KDL Cù Lao Giêng, chùa Giồng Thành, thánh đường Mubarak,.. có tiềm năng phát triển du lịch.

Phía Bắc của tiểu vùng giáp ranh biên giới Campuchia, có các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thuận lợi phát triển kinh tế về thương mại biên mậu.

- Động lực phát triển:

Phát triển đô thị (TX. Tân Châu, TT Chợ Mới, TT Phú Mỹ,..)

Phát triển nông nghiệp chuyên canh (trồng lúa, rau màu, cây lương thực, cây ăn trái), nuôi trồng thủy sản.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch vùng sông nước, bảo tồn sinh học.

Phát triển kinh tế cửa khẩu qua cửa khẩu Vĩnh Xương.

● Tiểu vùng 3: tiểu vùng phát triển kinh tế phía Tây

Nằm ở phía Tây của Tỉnh, gồm TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, Huyện Châu Phú, Huyện Tri Tôn, một phần Huyện An Phú (ranh giới là bờ Tây sông Hậu). Trung tâm tiểu vùng là TP. Châu Đốc.

- Tiềm năng của tiểu vùng:

Toàn bộ ranh giới phía Bắc của tiểu vùng là biên giới với Campuchia, có 3 cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông.

Kết nối thuận tiện với các trục hành lang kinh tế quốc gia là tuyến N1, QL.91, QL.91C, đường Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nối với QL.2, QL.21 của Campuchia.

Tiểu vùng 3 nằm trong vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam, có đô thị hạt nhân của vùng biên giới Tây Nam là TP. Châu Đốc.

Tiểu vùng này có điều kiện thích hợp nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cây công nghiệp và chăn nuôi.

Có cảnh quan đẹp đa dạng do điều kiện địa hình phong phú, nhiều công trình tôn giáo có giá trị kiến trúc và giá trị văn hóa cao, có khả năng phát triển du lịch (núi Sam, núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên,..).

- Động lực phát triển:

Phát triển đô thị (TP.Châu Đốc, TX.Tịnh Biên, TT.Tri Tôn, TT.An Phú).

Phát triển CN tập trung (KCN Bình Long, KCN Xuân Tô,..), khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản.

Phát triển thương mại dịch vụ cửa khẩu.

Phát triển du lịch văn hóa tín ngưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tham quan mua sắm,..

Phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

* Định hướng phát triển kinh tế biên giới:

Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu An Giang gồm 03 khu vực: khu vực Tịnh Biên, khu vực Khánh Bình và khu vực Vĩnh Xương. Trong đó, có một số nội dung chính liên quan đến định hướng phát triển kinh tế biên giới như sau:

- Xây dựng cấu trúc khu Kinh tế cửa khẩu An Giang với khung giao thông gồm đường bộ và đường thủy gắn kết giữa các khu vực kinh tế cửa khẩu, giữa các khu chức năng với nhau và giữa các khu vực kinh tế cửa khẩu khác trong vùng biên giới Tây Nam.

- Hình thành khu phi thuế quan gồm công nghiệp, thương mại dịch vụ; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất.

2. Phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn:

● Định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng:

- Dự báo đô thị:

Năm 2020: có 22 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Long Xuyên), 1 đô thị loại II (Châu Đốc), 7 đô thị loại IV (TX.Tân Châu, TX.Tịnh Biên, Phú Mỹ, Chợ Mới, Núi Sập, Cái Dầu, An Châu), 13 đô thị loại V (Tri Tôn, An Phú, Vĩnh Thạnh Trung, Ba Chúc, Óc Eo, Phú Hòa, Long Bình, Chợ Vàm, Mỹ Luông, Cần Đăng, Vĩnh Bình, Bình Hòa, Cồn Tiên).

Năm 2030: có 26 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Long Xuyên), 1 đô thị loại II (Châu Đốc), 2 đô thị loại III (TX.Tân Châu, TX.Tịnh Biên), 7 đô thị loại IV (Phú Mỹ, Chợ Mới, Núi Sập, Cái Dầu, An Châu, Tri Tôn, An Phú), 15 đô thị loại V (Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung, Mỹ Đức, Ba Chúc, Cô Tô, Óc Eo, Phú Hòa, Long Bình, Chợ Vàm, Hòa Lạc, Cần Đăng, Vĩnh Bình, Mỹ Luông, Bình Hòa, Cồn Tiên).

- Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, TT. Chợ Mới, trong đó:

Thành phố Long Xuyên đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của tỉnh An Giang vừa là trung tâm hạt nhân của Vùng 1, là trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật của tỉnh, trung tâm đào tạo - chuyển giao công nghệ - trung tâm công nghiệp chế biến nông sản - thủy sản của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Châu Đốc là đô thị hạt nhân của Vùng 3, vừa là trung tâm kinh tế - đô thị du lịch - thương mại dịch vụ vùng biên giới Tây Nam, đầu mối giao thông thủy - bộ của khu vực - điểm trung chuyển hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Campuchia, là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều di tích văn hóa được xếp hạng quốc gia (phát triển du lịch tâm linh - hành hương, du lịch sinh thái,...).

Thị xã Tân Châu là đô thị hạt nhân của Vùng 2, vừa là đô thị trung tâm thương mại - dịch vụ - sản xuất quan trọng của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, đầu mối giao thông thủy bộ của khu vực, điểm trung chuyển hàng hóa giao thương qua biên giới Campuchia.

Thị trấn Chợ Mới là đô thị hạt nhân của Vùng 2, vừa là trung tâm phát triển nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản (phát triển kinh tế vườn, cây ăn trái, lúa, rau màu,..), phát triển du lịch cảnh quan sông nước, tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề.

● Định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn

- Các hình thái, mô hình phân bố dân cư nông thôn:

Hình thái dân cư nông thôn tỉnh An Giang chủ yếu là hình thái tuyến - cụm dân cư trong các khu vực chuyên lúa, chuyên nuôi trồng thủy sản. Mô hình phân bố dân cư nông thôn tỉnh An Giang là vùng đồng bằng trên cơ sở các cộng đồng dân cư hiện hữu. Quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới, để đảm bảo tiện nghi về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Hình thành các vùng chuyên canh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp để phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

- Sắp xếp, tổ chức dân cư dần theo mô hình tập trung tại trung tâm xã và các điểm dân cư tập trung. Đưa dân định cư phân tán rải rác trong nội đồng, trên các tuyến kênh rạch vùng sâu vào các điểm dân cư tập trung nhằm nâng cao chất lượng sống các cộng đồng dân cư nông thôn.

- Quy hoạch, cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đặc biệt giao thông, cấp nước, cấp điện theo xu hướng tiếp cận nếp sống đô thị.

3. Phân bố phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

- Gồm 5 khu công nghiệp phát triển đến năm 2020 và 2030 với quy mô như sau:

+ Khu công nghiệp Vàm cống: 100 ha (năm 2020) và 200 ha (năm 2030)

+ Khu công nghiệp Xuân Tô: 157 ha (năm 2020) và 157 ha (2030)

+ Khu công nghiệp Hội An: 50 ha (năm 2020) và 100 ha (2030)

+ Khu công nghiệp Bình Long: 130 ha (năm 2020) và 150 ha (2030)

+ Khu công nghiệp Bình Hòa: 182 ha (năm 2020) và 250 ha (2030)

Và 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị, thành với quy mô định hướng đến năm 2020 là 880 ha; năm 2030 là 1.360 ha.

4. Phân bố các vùng trung tâm, cụm và tuyến du lịch:

- Tiểu vùng 1: gồm TP. Long Xuyên, Huyện Châu Thành, Huyện Thoại Sơn, khu vực hạ lưu sông Hậu với nhiều địa điểm ven sông và cù lao có cảnh quan đẹp.

Là vùng cung cấp dịch vụ tổng hợp, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử và nhân văn, du lịch vui chơi giải trí, thể thao.

Các điểm du lịch chính: Bảo tàng An Giang, khu Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng, Khu di tích lịch sử văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn), Khu du lịch thị trấn Núi Sập,...

- Tiểu vùng 2: gồm TX. Tân Châu, Huyện Phú Tân, Huyện Chợ Mới, một phần huyện An Phú (từ bờ Đông sông Hậu), đây là vùng cù lao nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, có giá trị cảnh quan đẹp.

Phát triển du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng.

Cù lao du lịch sinh thái (Cù lao Giêng) với các công trình kiến trúc độc đáo (nhà thờ Cù lao Giêng, chùa Phật nằm) và hệ sinh thái đa dạng thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

- Tiểu vùng 3: gồm TP. Châu Đốc, Huyện Châu Phú, Huyện Tịnh Biên, Huyện Tri Tôn, một phần Huyện An Phú (từ bờ Tây sông Hậu).

Phát triển du lịch tâm linh hành hương, văn hóa lễ hội, tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch mua sắm, ẩm thực,

Các điểm du lịch chính: Khu du lịch tâm linh Núi Sam (Miếu bà Chúa Xứ, Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu), chợ Châu Đốc, làng cá bè Châu Đốc, làng Chăm, các thánh đường (Islam), Khu du lịch núi Cấm, các chùa XVay-ton (Xà Tón), chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, Búng Bình Thiên, Rừng Tràm Trà Sư, cánh đồng thốt nốt Tịnh Biên, làng Chăm Châu Giang, làng dệt Khmer Văn Giáo, khu di tích lịch sử Tức Dụp,..

5. Phân bố vùng nông, lâm nghiệp, thủy sản:

● Vùng nông nghiệp:

- Vùng chuyên canh sản xuất lúa:

Giai đoạn 2014 - 2020, vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung chủ yếu ở các huyện: Thoại Sơn (23,8% của tỉnh), Châu Phú (16,2%), Châu Thành (14,3%), Phú Tân (13,1%), riêng Phú Tân là vùng chuyên canh nếp với diện tích 18.425 ha;

Giai đoạn 2020 - 2030, gần 90% diện tích vùng chuyên canh nằm chủ yếu trên địa bàn 7 huyện: Thoại Sơn (17,2%), Châu Phú (16%), Tri Tôn (15,1%), Châu Thành (13,9%), Phú Tân (10,2%), Chợ Mới (8%), Tịnh Biên (7,7%).

- Vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa:

Định hướng đến năm 2020: Tỉnh xác định 5 vùng chuyên canh quy mô lớn ở các huyện, thị: Chợ Mới (14.100 ha), An Phú (4.500 ha), Châu Phú (3.630 ha), Tân Châu (1.750 ha) và Châu Thành (1.100 ha). Các vùng chuyên canh tại 5 huyện, thị này chiếm hơn 90% diện tích chuyên sản xuất rau màu của tỉnh.

Định hướng đến năm 2030: Tập trung tại Chợ Mới, An Phú, Tân Châu, Châu Thành, Phú Tân và Châu Phú. Diện tích các vùng chuyên canh sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh là 41.745 ha. Chợ Mới tiếp tục khẳng định là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất của tỉnh, chiếm 50% diện tích chuyên canh rau màu của tỉnh.

- Vùng trồng cây công nghiệp hàng năm:

Xây dựng các vùng chuyên canh đậu phộng, đậu xanh khoảng 2.000 ha năm 2020, 3.000 ha năm 2030, tập trung chủ yếu ở An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên.

- Vùng chuyên canh cây ăn trái:

Cây xoài: Tập trung trồng ở các huyện Chợ Mới, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn.

Cây nhãn: Ổn định diện tích trồng nhãn đến năm 2020, trồng phân bố chủ yếu ở huyện Châu Phú, Tịnh Biên và Chợ Mới.

Cây thanh long ruột đỏ: Trồng chủ yếu ở huyện Tịnh Biên, Tri Tôn.

- Vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu:

Quy hoạch vùng trồng cây dược liệu tập trung chủ yếu ở 3 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn.

- Vùng chuyên canh tác cây lương thực:

Quy hoạch vùng sản xuất bắp lai tập trung chủ yếu ở An Phú, Tân Châu và Châu Phú.

● Vùng lâm nghiệp:

Thành lập mới Vườn quốc gia Thất Sơn với diện tích khoảng 14.000 ha;

Bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư, Núi Sam và Thoại Sơn.

● Vùng thủy sản:

Định hướng đến năm 2020 (vừa được Chính phủ phê duyệt năm 2013), đất nuôi trồng thủy sản năm 2015 là 6.282 ha, năm 2020 là 7.769 ha. Trong tổng số 7.769 ha đất nuôi trồng thủy sản (2020), huyện Thoại Sơn chiếm tỷ lệ lớn nhất 18% kế tiếp là Phú Tân 14%, Châu Phú 13%, Chợ Mới 13%, Tân Châu 10%, Long Xuyên 9%, Châu Thành 8%, các địa phương còn lại (An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn) chiếm 16%.

6. Phân bố hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ:

● Phân bố hệ thống đào tạo vùng:

- Trường Đại học An Giang: quy mô đào tạo 15.000 sinh viên

- Trường Cao đẳng nghề An Giang: phát triển quy mô đào tạo 5.000 học sinh - sinh viên hệ chính quy.

- Trung cấp chuyên nghiệp: quy mô đào tạo 7.800 học viên.

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đặt tại TP.Long Xuyên và 05 trung tâm cấp huyện (TP.Châu Đốc, TX.Tân Châu, Tri Tôn, Chợ Mới, Mỹ Luông).

- Trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên: 06 trung tâm cấp huyện tại huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Phú Tân và An Phú.

- Trung cấp nghề: có 05 trường (Tri Tôn, Chợ Mới, TP.Châu Đốc, TX.Tân Châu và trường Kinh tế-Kỹ thuật công đoàn).

- Đầu tư phát triển trường học các cấp và cơ sở vật chất đảm bảo bán kính phục vụ theo quy định.

Mầm non: 198 trường.

Trường tiểu học: 347 trường.

Trường trung học cơ sở: 157 trường.

Trường trung học phổ thông: 52 trường.

- Phấn đấu có trên 50% trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020.

● Phân bố hệ thống y tế vùng:

- Các bệnh viện tuyến tỉnh:

Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh: hoàn thành xây dựng mới với quy mô 600 giường bệnh.

Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc: hoàn thành bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc mới với quy mô 500 giường.

Phát triển bệnh viện đa khoa thị xã Tân Châu thành bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh, quy mô 230 giường bệnh.

Đầu tư xây dựng mới bệnh viện Tim mạch quy mô 600 giường.

Thành lập bệnh viện Sản - Nhi với quy mô 500 giường, trên cơ sở đầu tư, nâng cấp cơ sở bệnh viện đa khoa trung tâm hiện nay.

Thành lập và xây dựng mới bệnh viện lao và phổi với quy mô 100 giường. Thành lập và xây mới bệnh viện Tâm thần 100 giường ở địa điểm mới. Thành lập bệnh viện Y học cổ truyền với quy mô 100 giường.

Tiếp tục đầu tư phát triển bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt theo hướng chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao với quy mô 150 giường.

Đầu tư phát triển bệnh viện phục hồi chức năng với quy mô 100 giường.

- Các bệnh viện tuyến huyện: Tất cả các huyện, thị, thành đều có bệnh viện đa khoa từ hạng 3 trở lên.

● Phân bố hệ thống văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao vùng:

- Cấp tỉnh:

Khu Liên hợp văn hóa, thể thao tại phường Mỹ Hòa TP. Long Xuyên (11ha) với Sân vận động trung tâm khán đài sức chứa 25.000 chỗ ngồi; Trung tâm hội chợ triển lãm phường Mỹ Hòa TP. Long Xuyên; Nhà thi đấu thể thao khán đài sức chứa 3.000 chỗ ngồi trong khuôn viên trường đại học An Giang

Đường đua xe đạp địa hình tại Núi Cấm, huyện Tịnh Biên và Khu tập luyện thi đấu bắn cung huyện Tịnh Biên

Khu thi đấu thể thao dưới nước Búng Bình Thiên, huyện An Phú

Trường đua bò huyện Tri Tôn

Khu Bảo tồn di sản văn hóa Óc Eo huyện Thoại Sơn.

Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên.

- Cấp huyện:

Trung tâm văn hóa

Sân bóng đá khán đài 1.000 chỗ ngồi

Nhà thi đấu thể thao sức chứa 1.000 - 2.000 chỗ

Hồ bơi 25m.

7. Phân bố hệ thống dịch vụ thương mại:

- Quy hoạch phát triển hệ thống chợ bao gồm:

Chợ dân sinh (chợ bán lẻ tổng hợp) ở các xã, phường.

Chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp loại I: ở trung tâm thành phố, thị xã, trung tâm huyện, thị trấn. Chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp loại I có vai trò phát luồng hàng hóa đến các chợ dân sinh và các loại hình thương mại khác.

Chợ đầu mối nông sản: ở các vùng sản xuất hoặc ở các trung tâm phù hợp với quá trình tập trung hóa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Nâng cấp, cải tạo và xây mới chợ ở các xã biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch.

- Quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị:

Đối với đại siêu thị và siêu thị hạng I: chỉ định hướng phát triển 01 đại siêu thị/ siêu thị hạng I ở thành phố Long Xuyên.

Đối với siêu thị hạng II: sẽ được phát triển chủ yếu tại thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, TX Tân Châu, TX Tịnh Biên.

Đối với siêu thị hạng III: sẽ được phát triển tại các đô thị huyện lỵ.

- Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm thương mại: trong khu vực nội ô các đô thị loại IV trở lên.

- Quy hoạch phát triển các trung tâm hội chợ triển lãm: tại 2 thành phố Long Xuyên và Châu Đốc.

8. Định hướng về an ninh quốc phòng:

- Kết hợp chặt chẽ các công trình lưỡng dụng theo Đề án xây dựng khu vực phòng thủ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- An ninh biên giới: xây dựng và cải tạo đường tuần tra biên giới dọc biên giới Việt Nam - Campuchia mặt đường 3.5m, nền đường 6.5m và hệ thống các đồn biên phòng dọc tuyến đường tuần tra biên giới.

VII. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

1. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng

- Mực nước tính toán tại các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp với tần suất 1%, các khu nhà ở với mật độ thấp, khu cây xanh ứng với tần suất 5%.

Cao độ khống chế của các đô thị như sau:

Thành phố Long Xuyên: Hxd ≥ +3,10m.

Thành phố Châu Đốc:     Hxd ≥ +5,00m

Thị xã Tân Châu:            Hxd ≥ + 5,20m.

Thị trấn Nhà Bàng:         Hxd ≥ + 4,10m

Thị trấn Tịnh Biên:          Hxd ≥ + 5,00m

Thị trấn An Phú:             Hxd ≥ + 5,60m

Thị trấn Long Bình:         Hxd ≥ + 6,30m

Thị trấn Chợ Mới:          Hxd ≥ + 3,80m

Thị trấn Chợ Vàm:         Hxd ≥ + 4,80m

Thị trấn Núi Sập:            Hxd ≥ + 3,10m

- Thoát nước mưa:

Đối với các khu đô thị mới, xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa riêng và nước thải riêng.

2. Giao thông

● Giao thông đường bộ:

- Giao thông đối ngoại:

Đường cao tốc: Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 145km, quy mô 4 làn xe.

Quốc lộ 91: Nâng cấp, cải tạo đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Lộ Tẻ dài 52km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô 2 làn xe.

Quốc lộ 91C: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, quy mô 2 làn xe.

Tuyến N1: Hoàn thiện xây dựng, nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, quy mô 2 làn xe.

Đường tỉnh 941 và tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy nâng cấp thành quốc lộ.

Quốc lộ 80B: Trên cơ sở định hướng nâng cấp Đường tỉnh 942, Đường tỉnh 952, Đường tỉnh 954.

- Giao thông trong tỉnh:

Đường tránh Quốc lộ 91 qua thành phố Long Xuyên: xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

Đường tránh thị trấn Cái Dầu: xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng.

Tỉnh lộ: hệ thống tỉnh lộ nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng: Đường tỉnh 941, Đường tỉnh 943, Đường tỉnh 944, Đường tỉnh 945, Đường tỉnh 946, Đường tỉnh 947, Đường tỉnh 948, Đường tỉnh 951, Đường tỉnh 957, Đường tỉnh 955A, Đường tỉnh 955B...

Huyện lộ: Hệ thống huyện lộ xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng.

- Giao thông công cộng:

Định hướng phát triển giao thông công cộng bằng phương tiện xe buýt là chủ yếu.

Tuyến xe buýt liên tỉnh: tổ chức các tuyến xe buýt liên tỉnh đi Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tuyến xe buýt nội tỉnh từ thành phố Long Xuyên: tổ chức các tuyến giao thông công cộng bằng xe buýt trên các trục đường chính đi tới các trung tâm huyện, khu công nghiệp, cửa khẩu.

Các tuyến xe buýt đô thị.

● Giao thông đường thủy:

- Hệ thống đường thủy nội địa:

Sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao thuộc cấp đặc biệt.

Kênh Xáng Tân Châu - Châu Đốc thuộc cấp I.

Kênh Tám Ngàn, kênh Vĩnh tế, kênh Tri Tôn, kênh Vịnh Tre, Kênh Long Xuyên - Rạch Giá thuộc kênh cấp III.

Kênh Ba Thê, kênh Mặc Cần Dưng thuộc cấp IV.

- Bến cảng:

Khu bến Mỹ Thới cho tàu tải trọng lớn nhất 10.000 DWT.

Cảng Bình Long huyện Châu Phú cho tàu tải trọng lớn nhất 3000 DWT.

Cảng Tân Châu xây mới cho tàu tải trọng lớn nhất 5000 DWT.

Cảng khu công nghiệp Bình Hòa cho tàu tải trọng 2000 DWT.

Xây dựng mới cảng Long Bình huyện An Phú cho tàu trọng tải lớn nhất 2000 DWT.

Xây dựng các bến xếp dỡ hàng hóa tại các khu trọng điểm hàng hóa cặp kênh cấp III trở lên tải trọng đạt từ 1000 DWT trở lên.

● Giao thông đường hàng không:

Sân bay An Giang: đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Là sân bay nội địa, dùng cho mục đích bay taxi, là sân bay dùng chung trong lĩnh vực dân dụng và quân sự.

Quy mô đường băng 1,85kmx45m (đảm bảo hoạt động khai thác máy bay ATR72 hoặc tương đương).

● Hệ thống cửa khẩu:

Theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 26 tháng 08 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đến năm 2020, danh mục các cửa khẩu ưu tiên mở, nâng cấp hạ tầng và hiện đại hóa trang thiết bị gắn theo phân kỳ đầu tư đến năm 2020 bao gồm:

- Cửa khẩu Tịnh Biên đã là cửa khẩu quốc tế.

- Cửa khẩu Vĩnh Xương (đường sông): cửa khẩu quốc tế giai đoạn 2016 - 2020.

- Cửa khẩu Khánh Bình: cửa khẩu chính giai đoạn 2016 - 2020.

- Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông: cửa khẩu chính giai đoạn 2016 - 2020.

- Ngoài ra theo phê duyệt Kế hoạch 67/KH-UBND: Chuẩn bị mở và xây dựng cơ sở hạ tầng cho 3 khẩu phụ là: Vĩnh Gia, Vĩnh Ngươn và Bắc Đai.

3. Cấp nước:

- Nguồn nước:

Nguồn nước cấp cho vùng tỉnh chủ yếu là nguồn nước mặt từ các sông Tiền, sông Hậu, các hệ thống sông chính của tỉnh.

- Dự báo tổng hợp nhu cầu dùng nước:

Nhu cầu dùng nước đô thị đến năm 2020 khoảng 170.000 - 180.000 m3/ngày, đến năm 2030 khoảng 220.000 m3/ngày - 230.000 m3/ngày.

Nhu cầu dùng nước nông thôn đến năm 2020 là khoảng 240.000 - 250.000 m3/ngày, đến năm 2030 là khoảng 260.000 - 270.000 m3/ngày.

Nhu cầu dùng nước các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020 là khoảng 20.000 - 25.000 m3/ngày, đến năm 2030 là khoảng 30.000 - 35.000 m3/ngày.

- Giải pháp cấp nước:

Phân vùng cấp nước thành các vùng - tuyến chính cấp nước; liên kết mạng lưới cấp nước các đô thị; cân đối nguồn nước, nhu cầu dùng nước trên cơ sở mạng truyền tải và nhà máy nước vùng.

Hoàn chỉnh và nâng cấp mạng lưới, tăng hiệu quả hệ thống cấp nước hiện có, giảm tối đa thất thoát nước.

Hệ thống các nhà máy nước cấp toàn vùng:

Xây dựng nhà máy nước mặt sông Hậu II, khu vực Châu Thành có công suất đợt đầu là 1.000.000 m3/ngày đêm, khi có nhu cầu nâng công suất lên 2.000.000 m3/ngày đêm: phục vụ các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và một phần các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu.

Xây dựng nhà máy nước mặt sông Hậu III, khu vực Châu Đốc có công suất đợt đầu là 200.000 m3/ngày đêm, khi có nhu cầu nâng công suất lên 500.000 m3/ngày đêm: phục vụ các đô thị tuyến biên giới Tây Nam.

Các dự án nhà máy nước chính của tỉnh: nhà máy nước Bình Đức (Q = 60.000 m3/ngày), Vàm cống (Q = 20.000 m3/ngày), Tân Châu (Q = 12.000 m3/ngày), Châu Đốc (Q = 20.000 m3/ngày).

4. Cấp điện

- Nguồn điện:

Nguồn điện từ nguồn lưới quốc gia qua các tuyến và trạm biến thế 220kV, 110kV. Nghiên cứu phát triển điện năng từ năng lượng mặt trời.

- Nhu cầu dùng điện:

Tổng công suất điện yêu cầu toàn tỉnh đến năm 2020 là 719 MW, năm 2030 là 1.175 MW.

- Lưới điện:

Cùng với sự phát triển của các nhà máy điện, nhu cầu phụ tải sẽ nâng cấp, xây dựng mới các trạm biến thế và các tuyến 220kV, 110kV cho phù hợp.

5. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang

● Thoát nước thải:

- Đối với các khu vực xây dựng mới phải xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa tách riêng với hệ thống thoát nước thải.

- Nước thải sinh hoạt tại các thành phố, thị xã, thị trấn phải được xử lý đạt giới hạn theo QCVN14-2008/BTNMT, nước thải ở các khu công nghiệp tập trung phải được xử lý đạt loại B của QCVN40-2011/BTNMT trước khi xả ra môi trường.

● Xử lý chất thải rắn:

- Khu xử lý chất thải rắn vùng tỉnh (5 khu): KXL Bình Hòa: 50ha (huyện Châu Thành), KXL kênh 10: 18ha (TP.Châu Đốc), KXL Phú Thạnh: 13,4ha (huyện Phú Tân), KXL Vọng Thê: 10ha (huyện Thoại Sơn), KXL Hòa An: 10ha (Chợ Mới).

- Khu xử lý chất thải rắn vùng huyện (5 khu): KXL ấp Vĩnh Thành (thị trấn Cái Dầu): 4ha, KXL Phước Hưng: 5,5ha (huyện An Phú), KXL Lê Trì: 3ha (huyện Tri Tôn), KXL Thoại Giang: 6ha (huyện Thoại Sơn), KXL Mỹ Luông: 9ha (huyện Chợ Mới).

- Ngoài ra còn có 9 khu xử lý rác xã, liên xã quy mô mỗi khu từ 0,3 - 0,5 ha như: KXL Vĩnh Lộc, KXL An Hảo, KXL Bình Thạnh, KXL Bình Thủy, KXL Hòa Bình, KXL Mỹ Hiệp, KXL Mỹ Hòa Hưng, KXL Phú Bình và KXL Khánh Hòa.

● Nghĩa trang:

Hệ thống nghĩa trang nhân dân tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh với nhu cầu đất xây dựng từ năm 2020 - 2030: 260ha - 300ha.

Quy hoạch hệ thống nhà hỏa táng cấp huyện, khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng để thay thế dần hình thức địa táng.

6. Bảo vệ môi trường sinh thái:

- Tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường đô thị, xử lý triệt để các loại nước thải, chất thải rắn, kiểm soát khí thải.

- Tăng cường trồng rừng và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại trong các KCN, các cơ sở TTCN và làng nghề.

- Kiểm soát hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

VIII. Các dự án ưu tiên đầu tư:

(theo phụ lục đính kèm)

Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam và các Sở, ngành liên quan tổ chức công bố đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Lưu.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Anh Kiệt