Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2002/QĐ.CT-UBBT

Phan Thiết, ngày 13 tháng 03 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V: BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

UBND TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật tổ chức của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa IX, kỳ hợp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ Chỉ thị 34/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu đến năm 2000 về trẻ em và xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2001 -2010;

- Xét đề nghị của Uỷ ban Dân số - Gia đình & Trẻ em tại văn bản số 199/DSGĐTE, ngày 27 tháng 12 năm 2001 về việc thẩm định Chương trình hành động vì trẻ em 2001 -2010; đề nghị của Sở Kế hoạch - Đầu tư tại tờ trình số 496TT/KH-VX, ngày 28 tháng 02 năm 2002 về việc ban hành Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 -2010;

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Nay ban hành kèm theo quyết định này " Chương trình hành động vì trẻ em Bình Thuận giai đoạn 2001 - 2010".

Điều II: Các Ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số - Gia đình & Trẻ em Tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ tưởng các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- ủy ban Dân số GĐ TE Việt Nam (B/c)
- Thường trực Tỉnh uỷ (B/c)
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c)
- Chủ tịch, PChủ tịch UBND tỉnh.
- Như điều II
- Lưu VP, VX

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

VÌ TRẺ EM BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2001-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2002/QĐ/UBBT, ngày tháng 03 năm 2002 của UBND tỉnh)

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 1993-2000

Thực hiện chương trình hành động Vì trẻ em Bình Thuận giai đoạn 1993-2000 trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản là: công cuộc đổi mới của cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng đã thu được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực : kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được ổn định, từng bước được cải thiện và nâng cao. Nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có những chủ trương, chính sách trực tiếp tác động đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và xã hội quan tâm, thực thi có hiệu quả…

Nhiều chỉ tiêu của chương trình hành động vì trẻ em Bình Thuận giai đoạn 1993-2000 đã được triển khai, tổ chức thực hiện đạt và vượt kế hoạch như :

- Giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi từ 72%0 xuống còn 33%0 (chỉ tiêu là 50%0). Tiêm chủng phòng chống 6 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em đạt trên 95% (chỉ tiêu là 90%). Giảm tỷ lệ chết mẹ từ 2%0 xuống còn 0,7%0 (chỉ tiêu là 1%0). Nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ 44,8% lên 80% (chỉ tiêu là 80%).

- Đã hoàn thành chương trình xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng thời hạn đề ra. Nâng tỷ lệ huy động các cháu đi nhà trẻ từ 1,45% lên 7,5% (kế hoạch là 2,5%). Nâng số trẻ đến tuổi được vào lớp 1 từ 79,3% lên 95,8%.

- Tỷ lệ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc từ 56% lên 71,4% (kế hoạch là 70%).

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch như : Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm từ 49,8% xuống 36% (chỉ tiêu là dưới 30%). Số hộ có hố xí còn thấp (57,3%). Tỷ lệ trẻ ở tuổi mẫu giáo đến trường tăng từ 30,2% lên 48,1% (kế hoạch là 65%). Tỷ lệ trẻ khuyết tật được chăm sóc từ 33,2% lên 46,1%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi giải trí cho trẻ em từ 5% lên 30% (kế hoạch là 50%)…

Qua việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình hành động Vì trẻ em Bình Thuận giai đoạn 1993-2000 có thể rút ra những ưu, khuyết điểm chủ yếu như sau :

1. Ưu điểm :

- Các cấp ủy Đảng và Chính quyền có nhiều quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em, từng bước đưa mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình hành động vì trẻ em của nhiều địa phương đã đề ra mục tiêu, giải pháp thiết thực, sát với yêu cầu, khả năng nguồn lực của mình, giảm bớt sự trong chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Trên cơ sở những mục tiêu và biện pháp của Chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh 1993 – 2000, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội có liên quan và 8/9 huyện, thành phố (trừ Phú Quý) xây dựng kế hoạch hành động vì trẻ em 1996 – 2000; 20% số xã trong toàn tỉnh xây dựng chương trình kế hoạch vì trẻ em. Các kế hoạch này trở thành một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp đã chủ động trong việc lập và thực hiện kế hoạch của mình.

- Sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế và ổn định xã hội trong những năm qua đã tạo điều kiện cho tỉnh và các địa phương quan tâm tăng thêm nguồn đầu tư cho trẻ em hàng năm, các gia đình có cơ hội chăm lo trẻ em tốt hơn. Trong 8 năm qua, mức chi ngân sách Nhà nước ở tỉnh và từng địa phương cho trẻ em hàng năm đều tăng.

Nhiều huyện, thành phố đã có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế; khơi dậy nguồn lực từ cộng đồng, từ các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh, cá nhân từ thiện … để tạo ra nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu của chương trình.

- Công tác chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành, giữa các sở ban ngành, giữa các địa phương cũng như trong cùng địa phương với nhau đã có bước tiến bộ đáng kể, nhất là tăng cường lồng ghép đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình của tổ chức quốc tế, hạn chế được tình trạng chồng chéo công việc và nâng cao hiệu quả các chương trình.

- Đã chú trọng hơn công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho xã hội, gia đình tham gia hành động tương lai của trẻ em.

2. Tồn tại, thiếu sót :

- Việc cụ thể hóa chương trình hành động vì trẻ em Bình Thuận thời kỳ 1993-2000 ở cấp huyện rất chậm. Đến năm 1997 chỉ có 8/9 huyện, thành phố có chương trình hành động. Ngân sách hàng năm chưa được cân đối để thực hiện chương trình hành động vì trẻ em ở cấp huyện, thành phố. Việc giám sát các mục tiêu vì trẻ em chưa được quan tâm đúng mức.

- Hằng năm, UBND các cấp chưa quan tâm đánh giá kết quả để đề ra các giải pháp cụ thể phấn đấu. Các ngành chuyên môn chưa chủ động tham mưu UBND điều chỉnh các mục tiêu sát hợp với thực tế và giải pháp chỉ đạo cụ thể đối với các mục tiêu khó đạt.

- Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em tỉnh, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính -vật giá chưa phối hợp chặt chẽ trong việc điều phối nguồn lực hàng năm để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình. Công tác lập kế hoạch, dự báo còn nhiều bất cập. Việc giám sát, kiểm tra chương trình có tổ chức thực hiện nhưng chưa đi sâu vào các mục tiêu khó đạt.

- Cơ chế đánh giá, giám sát có thể hiện trong chương trình hành động nhưng giám sát việc thực hiện chưa làm được. Các tổ chức đoàn thể chưa thực hiện hết chức năng của mình trong việc thực hiện chương trình hành động vì trẻ em trong thời gian qua.

3. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại yếu kém trong quá trình thực hiện :

3.1 Nguyên nhân khách quan :

Mức sống của dân cư còn thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đối với phúc lợi của trẻ em. Ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm chưa đạt yêu cầu đề ra nên việc huy động các nguồn lực cho chương trình hành động vì trẻ em còn hạn chế. Mặt khác, do điều kiện kinh tế giữa các vùng, các gia đình tăng trưởng chưa đồng đều, nên mức độ chăm sóc, đầu tư cho trẻ em cũng khác nhau, khó khăn nhất là vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

3.2- Nguyên nhân chủ quan :

- Một số chỉ tiêu đề ra quá cao, không sát với thực tế như giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em, phổ cập tiểu học, nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng các tụ điểm vui chơi giải trí.

- Công tác truyền thông giáo dục vận động chưa sâu rộng, chưa phù hợp với từng đối tượng, từng vùng. Tài liệu truyền thông còn thiếu, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Nhiều gia đình thiếu kiến thức chăm sóc trẻ em và thiếu kỷ năng bảo vệ con em trước tệ nạn xã hội.

- Đầu tư còn dàn trải, việc tổ chức lồng ghép các chương trình chưa tốt. Năng lực quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình còn hạn chế, đặc biệt là ở cơ sở.

- Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thi hành các chính sách đối với trẻ em còn hạn chế nên chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời một số vụ việc, những hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em.

PHẦN II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. Những thuận l ợi và thách thức trong giai đoạn mới:

1/. Thuận lợi :

- Đảng và Nhà nước quan tâm, các ngành các cấp nhận thức được vai trò, vị trí của trẻ em và trách nhiệm của từng đơn vị, từng ngành… trình độ dân trí được tăng lên cùng với môi trường kinh tế - xã hội được cải thiện.

- Kinh tế - xã hội phát triển, năng suất lao động xã hội cao, dân chủ được mở rộng, trẻ em có nhiều điều kiện phát triển toàn diện, có điều kiện phát huy tính năng động, tự chủ thể hiện tài năng bản lĩnh của mình.

- Hình thành được một tổ chức chuyên trách, có hệ thống từ trung ương đến địa phương.

2/. Khó khăn :

- Bất bình đẳng về thu nhập : phân cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt phân hóa giàu nghèo giữa các giai tầng trong xã hội ngày càng biểu hiện rõ.

- Mức sống dân cư, trình độ dân trí còn thấp, khả năng huy động các nguồn lực cho bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn hạn chế.

- Sự phai nhạt truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và suy thoái về đạo đức, lối sống do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.

- Những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khoẻ nhân dân như : tỷ lệ tăng dân số còn cao, môi trường bị ô nhiễm chưa được ngăn chặn, phong tục tập quán lạc hậu chưa được giải quyết một cách triệt để, có nơi còn phát sinh những hủ tục mới. Nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đang lan ra diện rộng ở nhiều vùng trong tỉnh.

- Các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng : mại dâm, hiếp dâm trẻ em, buôn bán phụ nữ và trẻ em, nghiện hút ma tuý học đường, trẻ em lang thang xin ăn…

- Sự không đồng bộ trong việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội, giữa chính sách phân bổ nguồn lực, giữa chính sách và việc chỉ đạo điều hành thực hiện…

3/. Dự báo một số vấn đề nảy sinh, liên quan đến trẻ em :

- Do môi trường sinh thái bị ô nhiễm, hủy hoại, khí hậu thay đổi khác thường, lũ lụt, thiên tai, tài nguyên cạn kiệt, tầng ôzôn bị phá huỷ… Sự tàn phá của thiên nhiên mạnh mẽ cả nhịp độ và cường độ. Một số bệnh dịch mới phát sinh và “nhờn thuốc" đối với một số bệnh truyền nhiễm. Gánh nặng xã hội đối với trẻ em càng tăng khi mô hình gia đình truyền thống bị tác động tiêu cực trên nhiều góc độ : kinh tế, văn hóa, xã hội… sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm gia đình, quan hệ xã hội và thuần phong mỹ tục vốn có.

Tội phạm trong thanh thiếu niên tăng lên do tiếp xúc với những văn hóa phẩm đồi trụy không được được kiểm soát, do nuông chiều khi điều kiện chăm sóc con cái dễ dàng… và các điều kiện để thực hiện hành vi phi đạo đức dễ dàng hơn trước. HIV/AIDS, nghiện hút và bạo lực là hiểm hoạ chung của quốc gia, đang phát triển trong đó có tỉnh ta.

II. Mục tiêu - giải pháp:

 1/. Mục tiêu tổng quát :

Tạo điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển và các quyền cơ bản của mọi trẻ em; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện.

2/. Mục tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện :

2.1- Mục tiêu 1 : Sức khỏe - dinh dưỡng:

- Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 01 tuổi từ 26%o xuống còn 21%o vào năm 2005 và 15%o vào năm 2010.

- Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 05 tuổi từ 33%o xuống còn 26,5%o vào năm 2005 và 20%o vào năm 2010.

- Giảm tỷ lệ Suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi từ 36% xuống còn 23% vào năm 2005 và dưới 15% vào năm 2010.

- Giảm tỷ lệ tử vong mẹ /100.000 trẻ sinh ra sống từ 100 xuống còn 75 vào năm 2005 và 50 vào năm 2010.

- Giảm Tỷ lệ trẻ sinh ra thiếu cân (dưới 2500 gr) từ 10% xuống còn 7% vào năm 2005 và 5% vào năm 2010.

- Nâng tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm phòng uống ván từ 89,59% lên 100% vào năm 2010.

- Nâng tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần theo định kỳ từ 45% lên 65% vào năm 2005 và 85% vào năm 2010.

*Các giải pháp thực hiện

- Đào tạo chuẩn hoá nhân viên y tế cộng đồng, đào tạo cán bộ chuyên trách làm công tác dinh dưỡng từ tuyến tỉnh xuống huyện và xã.

- Tiếp tục thực hiện chủ trương xoá đói- giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nhân dân. Thiết lập các dự án đầu tư của Nhà nước đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế tài trợ các chương trình như: VAC, nước sạch nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm...

- Nâng cao trách nhiệm gia đình và giáo dục kiến thức nuôi dạy con cho người mẹ.

- Nâng tỷ lệ tiêm chủng đủ 06 loại vácxin cho trẻ em trên 95%; duy trì việc thanh toán bênh bại liệt, uốn ván; duy trì tiêm phòng uốn ván hàng năm trên 95% cho các phụ nữ đang mang thai.

- Duy trì chương trình phòng chống bệnh tiêu chảy ở 100% xã - phường trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo có 85% trẻ em được sử dụng oesol khi bị tiêu chảy vào năm 2005 và trên 95% vào năm 2010.

2.2-Mục Tiêu 2: Giáo dục.

- Đến năm 2005 :

+ Có khoảng 11 - 12 % số trẻ em trong độ tuổi được vào Nhà trẻ; 45 -50% số trẻ em trong độ tuổi được vào Mẫu giáo; 95 - 97% trẻ em trong độ tuổi được vào Tiểu học; 90% trẻ em trong độ tuổi được vào Trung học cơ sở.

+ Duy trì, củng cố phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và xóa mù chữ, phấn đấu đạt 99% xã - phường - thị trấn trong toàn Tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mùa chữ.

+ 100% trường học các cấp có đủ nước sạch và nhà vệ sinh.

+ Xóa lớp học ca ba, xóa phòng học tạm bợ.

- Đến năm 2010:

+ Có 16-17% số trẻ em trong độ tuổi được vào Nhà trẻ; 65 - 70% trẻ em trong độ tuổi được vào Mẫu giáo; 98 - 100% trẻ em trong độ tuổi được vào Tiểu học; 95% trẻ trong độ tuổi được vào Trung học cơ sở; 60 -70% thanh thiếu niên trong độ tuổi được vào Trung học phổ thông; không còn trẻ bị mù chữ ở độ tuổi bằng và trên 15 tuổi.

+ 100% xã - phường- thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và xóa mù chữ.

+ 8/9 huyện thành phố được công nhận hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở.

* Các giải pháp thực hiện:

Kết hợp ba loại hình giáo dục:

+ Đại trà, chú trọng phát triển nhân tài.

+ Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp.

+ Huy động mọi nguồn lực tập trung cho phát triển giáo dục- đào tạo.

Phương châm thực hiện:

+ Phát triển giáo dục trên cả ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.

+ Đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, loại hình trường lớp. Tăng mức đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục đi dôi với vận động, khuyến khích mở trường bán công, dân lập, tư thục cho các ngành, các cấp học.

+ Tăng cường đào tạo cơ bản, phát triển đội ngũ giáo viên và củng cố bộ máy tổ chức. Tập trung huy động mọi nguồn vốn, kế cả vốn vay lãi suất để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học.

2.3- Mục tiêu 3: Bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

- Đảm bảo cho 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc vào năm 2005 và 95% vào năm 2010.

- Bảo vệ trẻ em không bị xâm hại bởi các tệ nạn xã hội, phòng ngừa bạo lực đối với trẻ em; chống mọi sự phân biệt, đối xử với trẻ em; phòng ngừa trẻ em bị tai nạn, thương tích.

* Các giải pháp thực hiện:

- Động viên toàn xã hội có thái độ tích cực trong việc chăm lo cho trẻ tàn tật, khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em hòa nhập vào cuộc sống như những trẻ em bình thường khác. Vận động những nhà từ thiện, các tổ chức xã hội đóng góp tài lực, vật lực để chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề cho các em, tiến đến hình thành ở mỗi xã - phường một mái ấm để nuôi dưỡng các em.

- Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi lợi dụng trẻ em để tổ chức các hoạt động phi pháp. Tổ chức trợ cấp, khám chữa bệnh cho trẻ em tàn tật, mở lớp dạy nghề thích hợp cho trẻ em lang thang, trẻ em phạm pháp sau khi cải tạo.

- Ngành giáo dục tổ chức các lớp dạy văn hóa hòa nhập cho trẻ khuyết tật, mở trường dạy học chuyên biệt cho các cháu bị câm, điếc.

2.4- Mục tiêu 4: Nước sạch và vệ sinh môi trường:

- Nâng tỷ lệ dân trong Tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 85% vào năm 2005 và 95% vào năm 2010.

- Nâng tỷ lệ hộ dân trong Tỉnh sử dụng hố xí hợp vệ sinh lên 75% vào năm 2005 và trên 90% vào năm 2010.

* Các giải pháp thực hiện:

- Triển khai chương trình nước sạch nông thôn bằng các giải pháp kỹ thuật rẻ tiền và phù hợp với điều kiện địa chất, thủy văn của mỗi vùng. Tập trung đầu tư những công trình nước tự chảy ở những vùng có điều kiện.

- Chuyển giao công nghệ mô hình hố xí hợp vệ sinh rẻ tiền, thực hiện điểm ở một số địa phương để rút kinh nghiệm và tiến hành nhân rộng trong nhân dân.

- Song song với tạo nguồn nước sạch và hố xí hợp vệ sinh phải luôn luôn coi

trọng công tác truyền thông giáo dục trong nhân dân để tạo thành thói quen văn minh trong việc sử dụng nước sạch và giữ vệ sinh môi trường.

- Đảm bảo ở tất cả các trường học và khu công cộng phải có công trình cung cấp nước sạch và hố xí hợp vệ sinh.

2.5- Mục tiêu 5 : Văn hóa - vui chơi - giải trí:

- Đảm bảo có 80% các xã -phường có điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em vào năm 2005 và 100% vào năm 2010.

- Đến năm 2010 có 100% huyện, thành phố có nhà văn hóa thiếu nhi.

* Các giải pháp thực hiện:

- Vận động Quỹ bảo trợ trẻ em tập trung xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho các huyện, xã -phường -thị trấn, ưu tiên cho những xã khó khăn.

- Thiết lập các dự án kêu gọi các tổ chức quốc tế và cung cấp thiết bị đồ chơi lành mạnh, hấp dẫn cho trẻ em. Khuyến khích và giúp đỡ các cơ sở sản xuất đồ chơi cho trẻ em.

- Các xã phải có khu quy hoạch dành riêng cho việc vui chơi, giải trí của trẻ em.

Bên cạnh những giải những mục tiêu pháp đã đề ra, các ngành, các cấp cần phải tăng cường công tác tuyền thông, vận động xã hội với nội dung và hình thức phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi gia đình, nhà trường, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội và mọi công dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chú trọng về hình thức tư vấn, công tác xã hội về vận động trực tiếp đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chú trọng đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng hải đảo và căn cứ kháng chiến cũ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng cơ chế chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quyền của trẻ em và các mục tiêu của Chương trình.

III. Nhu cầu kinh phí và tổ chức thực hiện chương trình:

1. Nhu cầu kinh phí:

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của chương trình nhu cầu kinh phí như sau :

1/. Giai đoạn 2001-2005 :

a) Tổng nhu cầu kinh phí (5 năm) :           420.021 triệu đồng

Trong đó : + Trung ương :           73.236,7 triệu đồng

 + Địa phương : 81.145,3 triệu đồng

 + Nguồn khác : 265.639 triệu đồng

b) Nhu cầu kinh phí bình quân hàng năm :            84.004,2 triệu đồng

 Trong đó : + Trung ương :          14.647,34 triệu đồng

 + Địa phương : 16.229,06 triệu đồng

 + Nguồn khác : 53.127,8 triệu đồng

 2/. Giai đoạn 2006-2010 :

a) Tổng nhu cầu kinh phí (5 năm) :           401.076 triệu đồng

Trong đó : + Trung ương :           67.630,3 triệu đồng

 + Địa phương : 83.772,7 triệu đồng

 + Nguồn khác : 249.673 triệu đồng

b) Nhu cầu kinh phí bình quân hàng năm :            80.215,2 triệu đồng

 Trong đó : + Trung ương :          13.526,06 triệu đồng

 + Địa phương : 16.754,54 triệu đồng

 + Nguồn khác : 49.934,6 triệu đồng

* Ghi chú : Trong kinh phí nguồn khác giai đoạn (2001-2010) có 103.062,4 triệu đồng kêu gọi viện trợ nước ngoài nếu hàng năm không đáp ứng nguồn cần phải có giải pháp huy động.

Biểu tổng hợp các nguồn lực cho mục tiêu :

ĐVT : triệu đồng

Các mục tiêu

2001-2010

Tổng số

Trong đó

Nhà nước

Viện trợ

Cộng đồng

Trung ương

Địa phương

1. Y tế

49.268

20.030

27.738

1.500

 

- Phòng chống SDD

11.000

3.000

7.000

1.000

 

- Chương trình TCMR

2.000

2.000

 

 

 

- Phòng chống sốt xuất huyết

2.000

2.000

 

 

 

- Phòng chống sốt rét

22.500

13.000

9.000

500

 

- Phòng chống bướu cổ

4.000

 

4.000

 

 

- Miễn viện phí trẻ 0 đến dưới 6 tuổi

7.438

 

7.438

 

 

- C. trình vitamin A

330

30

300

 

 

2. Giáo dục

718.000

107.800

107.800

107.800

394.600

- Phổ cập GDTH

 

 

 

 

 

- Phổ cập GDTHCS

 

 

 

 

 

- Xoá mù chữ

 

 

 

 

 

- Xây dựng CSVC

 

 

 

 

 

3. Nước sạch VSMT

31.431

9.428

15.715

 

6.288

- Truyền thông

 

 

 

 

 

- Đào tạo

 

 

 

 

 

- Xây dựng CSVC

 

 

 

 

 

- Chi phí hành chính

 

 

 

 

 

4. Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK

10.668

 

7.350

3.318

 

- Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi

9.720

 

6.750

2.970

 

- Phục hồi trẻ tàn tật

780

 

480

300

 

- Dạy chữ dạy nghề trẻ em khó khăn

168

 

120

48

 

5. Vui chơi giải trí

11.730

3.609

6.315

1.806

 

- Cấp xã

9.030

2.709

4.515

1.806

 

- Cấp huyện

2.700

900

1.800

 

 

Tổng cộng

821.097

140.867

164.918

114.424

400.888

2. Tổ chức thực hiện:

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại những vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng dân tộc ít người, vùng căn cứ kháng chiến cũ và những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đảm bảo sự phối hợp thực hiện tốt giữa các ngành và các cấp trong thực hiện, cụ thể:

- Hàng năm HĐND các cấp có nghị quyết về những nội dung chủ yếu có liên quan chương trình hành động vì trẻ em đề có cơ sở tổ chức thực hiện.

- UBND các cấp là cấp quản lý Nhà nước của chương trình, trực tiếp chỉ đạo Chương trình hành động, đưa ra kết luận cuối cùng về hiệu quả thực hiện Chương trình ở cấp mình quản lý.

- Uỷ ban Dân số, Gia đình & Trẻ em Tỉnh là cơ quan thường trực giúp UBND Tỉnh trong khâu xây dựng chương trình hành động, lập kế hoạch hàng năm; quản lý, theo dõi, giám sát; truyền thông vận động xã hội; xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em, tạo nguồn lực để thực hiện các mục tiêu Chương trình; đánh giá kết quả hàng năm và chương trình hành động.

- Sở Kế hoạch - Đầu tư: tổng hợp các mục tiêu dành cho trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình HĐND Tỉnh và tham mưu choUBND Tỉnh có kế hoạch thực hiện; hướng dẫn các ngành xây dựng và thực hiện các kế hoạch có liên quan đến trẻ em, phân bổ kế hoạch cho các hoạt động vì trẻ em; theo dõi việc thực hiện các kế hoạch mục tiêu dành cho trẻ em; tìm nguồn dầu tư thêm cho các mục tiêu Chương trình hành động vì trẻ em.

- Sở Tài chính - Vật giá đảm bảo cung cấp kinh phí đúng, đủ cho các hoạt động liên quan đến trẻ em, theo dõi, giám sát các hoạt động tài chính có liên quan đến Chương trình hành động vì trẻ em.

- Cục Thống kê: Kết hợp lồng ghép các chỉ tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cấp với các cuộc điều tra của ngành để tổng hợp; phối hợp đánh giá các mục tiêu đã đề ra của Chương trình hành động hàng năm và nhiều năm; hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ thu thập số liệu theo các chỉ tiêu về trẻ cho các cán bộ chuyên trách trẻ em và các ngành liên quan.

- Các Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Văn hóa - Thông tin, Công an Tỉnh, Sở Tư pháp giúp UBND Tỉnh: nắm tình hình trẻ em trong phạm vi của ngành mình, lồng ghép các kế hoạch mục tiêu dành cho trẻ em vào kế hoạch mục tiêu hàng năm và nhiều năm của ngành; xây dựng các hoạt động cụ thể để thực hiện mục tiêu, tham gia xây dựng các đề án, dự án cho trẻ em liên quan đến ngành mình; theo dõi, giám sát việc thực hiện các hoạt động đã đề ra theo kế hoạch; tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của ngành mình theo chỉ tiêu giao.

- Đề nghị các thành viên: Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, liện đàn Lao động chủ động cùng phối hợp hoạt động với các ngành liên quan đến mục tiêu vì trẻ em theo chức năng của mình.

 Căn cứ vào Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 -2010, UBND các huyện, thành phố đưa ra các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn và dài hạn của địa phương. Đẩy mạnh việc phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để cùng tham gia chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động hàng năm và định kỳ 5 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và báo cáo định kỳ hàng năm kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình vì trẻ em về UBND Tỉnh./.

CÁC PHỤ LỤC

Phụ lục 1 : Các số liệu cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội

Chỉ tiêu

ĐVT

TH 1993

TH 1995

TH 1999

TH 2000

2000/1993 (%)

1. Dân số

1000 người

844,52

932,00

1.038,246

1.060.049

125,5

2. Lao động

1000 người

382,70

427,596

477,00

488,000

3,1

3. Đất đai

1000ha

784,86

784,86

784,86

784,86

 

4. Thu nhập bình quân

đồng/ năm

545.000

 

2.904.000

 

532

5. Hộ nghèo đói

Hộ

51.131

48.125

32.468

31.415

61,4

6.Trẻ dưới 1 tuổi

Em

32.438

31.860

19.814

19.003

58,58

7.Trẻ dưới 5 tuổi

Em

153.943

157.280

123.203

110.854

72,0

8. Trẻ dưới 16 tuổi

Em

398.988

422.702

426.957

419.541

105,1

9. Kinh tế

tỷ đồng

201,8

317,9

 

646,8

320,5

- Nông lâm thuỷ sản

²

135

176,8

 

263

 

+ Nông lâm

²

110

139,6

 

200

 

+ Thuỷ sản

²

25

37,2

 

63

 

-Công nghiệp xây dựng

²

17,14

51,45

 

163,9

 

+Công nghiệp

²

15,5

32,2

 

111,5

 

+ Xây dựng

²

2,9

19,25

 

52,4

 

- Dịch vụ

²

48,4

89,5

 

220

 

10. Xã hội

 

 

 

 

 

 

- Giáo viên

Người

 

 

 

10.789

 

- Bác sĩ

²

185

233

353

415

224

- Y sĩ

²

 

 

 

 

 

- Cán bộ ĐH

²

 

 

 

 

 

Phục lục 2 : Tổng hợp nguồn lực

Các chỉ tiêu

2001

2002

2003

2004

2005

2010

1. Y tế

5.176,8

5.176,8

4.926,8

4.926,8

4.926,8

24.134

2. Giáo dục

74.000

74.000

74.000

74.000

74.000

346.000

3. Nước, VSMT

3.276,6

3.276,6

3.276,6

3.276,6

3.276,6

15.048

4. Văn hoá VCGT

634

634

634

634

634

5.860

5. Chăm sóc trẻ em ĐBKK

1.066,8

1.066,8

1.066,8

1.066,8

1.068,8

5.334

Tổng cộng

79.284,8

79.284,8

79.284,8

79.284,8

79.284,8

396.376