Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2014/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 29 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1705/TTr-SNV ngày 06 tháng 10 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp quản lý công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

- Bãi bỏ các nội dung quy định đối với công chức xã, phường, thị trấn tại Quyết định số 1671/2004/QĐ-UB ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành quy định phân cấp quản lý sử dụng cán bộ, công chức cấp xã.

- Bãi bỏ Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ủy quyền cho Giám đốc Sở Nội vụ có ý kiến bằng văn bản về điều động, tiếp nhận công chức cấp xã ra ngoài tỉnh và từ tỉnh khác đến làm việc tại tỉnh Bắc Kạn.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (t/h);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Cục KTVB-Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐB QH đơn vị tỉnh BK;
- Sở, ban, ngành;
- LĐVP;
- Cổng thông tin ĐT tỉnh, TT Công báo;
- Lưu: VT, Lệ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về phân cấp quản lý công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức.

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp quản lý công chức cấp xã

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất phân cấp quản lý công chức cấp xã trong phạm vi toàn tỉnh theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, có sự phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan.

2. Công tác phân cấp quản lý công chức cấp xã đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo tính ổn định trong bố trí, sử dụng công chức cấp xã, không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức cấp xã theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của tỉnh.

Điều 3. Nội dung phân cấp, quản lý

- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công chức cấp xã;

- Quy định số lượng đối với các chức danh công chức cấp xã;

- Xây dựng quy hoạch công chức cấp xã;

- Tuyển dụng, đánh giá tập sự, bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ đối với công chức cấp xã:

- Điều động, tiếp nhận, xếp lương, nâng bậc lương, chuyển xếp lương, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ đối với công chức cấp xã;

- Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm, quyết định khen thưởng, xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức cấp xã;

- Quyết định thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức cấp xã;

- Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê công chức cấp xã.

- Lập và quản lý hồ sơ công chức cấp xã.

Chương II.

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Chỉ đạo thực hiện các nội dung quản lý công chức cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 112/2011/NĐ-CP).

2. Ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã và hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với công chức cấp xã theo quy định.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Cho ý kiến về việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức cấp xã không qua thi tuyển đối với các trường hợp quy định tại Điều 15 Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06/2012/TT-BNV).

2. Cho ý kiến về việc xếp lương đối với các trường hợp người được tuyển dụng vào công chức đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và chưa hưởng trợ cấp một lần.

3. Ủy quyền cho Giám đốc Sở Nội vụ có ý kiến bằng văn bản trước khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định điều động, tiếp nhận đối với các chức danh công chức cấp xã chuyển ra ngoài tỉnh và từ tỉnh khác đến.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện)

1. Lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng, sử dụng đội ngũ công chức cấp xã.

2. Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, Thông tư số 06/2012/TT-BNV và Quyết định số 532/2013/QĐ-UBND ngày 15/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn;

Công nhận đối với người hoàn thành chế độ tập sự và hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với người tập sự được thực hiện theo khoản 2, Điều 25 và khoản 2, Điều 26 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP.

3. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã theo hướng dẫn và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về công chức cấp xã.

5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức cấp xã theo quy định của pháp luật.

6. Tổng hợp thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng đội ngũ công chức cấp xã trên địa bàn cấp huyện.

7. Hướng dẫn, kiểm tra việc lập và quản lý hồ sơ công chức cấp xã theo quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức; Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức; Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Quyết định người trúng tuyển trong tuyển dụng công chức cấp xã đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP.

2. Quyết định nâng bậc lương, chuyển xếp lương, chính sách đãi ngộ, thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức cấp xã.

3. Quyết định điều động, tiếp nhận công chức cấp xã theo quy định tại khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 27 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP; thay đổi chức danh, chuyển đổi vị trí việc làm đối với công chức cấp xã;

Đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã: Việc điều động được thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc điều động, tiếp nhận khi có văn bản đề nghị của Ban Chỉ huy Quân sự huyện (trước khi đề nghị điều động, tiếp nhận Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện phải thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp xã);

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã báo cáo Sở Nội vụ bằng văn bản trước khi thực hiện các nội dung quy định tại khoản này.

4. Quyết định cử (hoặc đồng ý) cho công chức cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch, quy hoạch.

5. Quyết định khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức cấp xã theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tiếp nhận và phân công nhiệm vụ, vị trí việc làm cho công chức xã theo quyết định tuyển dụng, điều động, tiếp nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đánh giá quá trình tập sự và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận kết quả tập sự của công chức cấp xã mới được tuyển dụng.

2. Trực tiếp quản lý và sử dụng công chức cấp xã.

3. Thực hiện chế độ, chính sách, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, tạo nguồn đối với công chức cấp xã.

4. Đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở cấp huyện khen thưởng công chức cấp xã.

5. Lập hồ sơ và đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp huyện về xử lý vi phạm đối với công chức cấp xã theo quy định của pháp luật.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức cấp xã theo quy định của pháp luật và đúng thẩm quyền được giao.

7. Thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng đội ngũ công chức cấp xã.

8. Lập và quản lý hồ sơ công chức cấp xã theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện 02 bộ (lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã 01 bộ, gửi Phòng Nội vụ 01 bộ để quản lý và theo dõi).

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chỉ đạo, quản lý công chức cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao. Ngoài ra, có thể giao một số nhiệm vụ khác cho công chức cấp xã ngoài lĩnh vực phụ trách của công chức đó theo sự chỉ đạo của cấp trên theo quy định của pháp luật.

2. Nhận xét, đánh giá hằng năm mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc đối với công chức cấp xã.

3. Quyết định khen thưởng, kỷ luật theo thẩm quyền đối với công chức cấp xã.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở Nội vụ

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nội dung quản lý công chức cấp xã quy định tại Điều 4, Điều 5 Quy định này;

2. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã.

3. Hằng năm báo cáo Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh việc tiếp nhận công chức không qua thi tuyển và xếp lương đối với công chức cấp xã được quy định tại khoản 2, Điều 5 Quy định này.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và cử công chức tham gia Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5. Theo dõi, cho ý kiến việc điều động, thay đổi vị trí làm việc của công chức cấp xã trong địa bàn tỉnh, huyện, xã.

6. Kiểm tra việc lập và quản lý hồ sơ công chức cấp xã.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Các nội dung khác về quản lý công chức cấp xã không nêu trong Quy định này được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.

3. Sở Nội vụ có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.