ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2015/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 23 tháng 11 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số Quốc gia đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 44/TTr-STTTT ngày 13 tháng 5 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. UBND TỈNH |
VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH THÔNG TIN THUỘC LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (sau đây gọi tắt là cơ quan).
2. Quy chế này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Mục đích, nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin
1. Việc áp dụng Quy chế này nhằm giảm thiểu được các nguy cơ gây mất an toàn thông tin và đảm bảo an ninh thông tin trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan.
2. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải tuân theo nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin được quy định tại Điều 41, Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Chương II
QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO AN TOÀN THÔNG TIN
Điều 3. Về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
1. Các cơ quan phải xây dựng các yêu cầu, trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin đối với từng vị trí công việc. Trước khi tiếp nhận nhân sự, các cơ quan phải kiểm tra khả năng đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin của nhân sự mới. Trong các hợp đồng lao động, phải có các điều khoản về trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin.
2. Các cơ quan phải thường xuyên tổ chức phổ biến các quy định về an toàn thông tin, nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin của từng cá nhân trong cơ quan.
3. Hủy tài khoản, quyền truy cập các hệ thống thông tin, thu hồi lại tất cả các tài sản liên quan tới hệ thống thông tin (khóa, thẻ nhận dạng, thư mục lưu trữ, thư điện tử, máy vi tính) đối với các cá nhân nghỉ việc, chuyển công tác.
Điều 4. Phòng chống Virus, mã độc
1. Tất cả các máy trạm, máy chủ phải được trang bị phần mềm phòng chống Virus, mã độc. Các phần mềm phòng chống Virus, mã độc phải được thiết lập chế độ tự động cập nhật; chế độ tự động quét khi sao chép, mở các tập tin.
2. Các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan phải được hướng dẫn về phòng chống Virus, mã độc và các rủi ro do Virus, mã độc gây ra; không được tự ý cài đặt hoặc gỡ bỏ các phần mềm trên máy trạm khi chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền theo quy định của cơ quan.
3. Tất cả các máy tính của đơn vị phải được cấu hình nhằm vô hiệu hóa tính năng tự động thực thi (autoplay) các tập tin trên các thiết bị lưu trữ di động.
4. Tất cả các tập tin, thư mục phải được quét Virus, mã độc trước khi sao chép, sử dụng.
5. Khi phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến việc bị nhiễm Virus, mã độc trên máy trạm, người sử dụng phải tắt máy và báo trực tiếp cho bộ phận có trách nhiệm của đơn vị để xử lý.
Điều 5. Sao lưu dữ liệu dự phòng
1. Các dữ liệu quan trọng của cơ quan phải được sao lưu, bao gồm: Thông tin cấu hình của hệ thống mạng, máy chủ; phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu; tập tin ghi nhật ký.
2. Các cơ quan phải lập kế hoạch và thực hiện sao lưu dữ liệu phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đảm bảo khả năng phục hồi dữ liệu khi có sự cố xảy ra.
Điều 6. Quản lý thiết bị tường lửa
1. Các hạ tầng công nghệ thông tin phải được trang bị tường lửa để ngăn chặn và phát hiện các xâm nhập trái phép vào mạng nội bộ.
2. Nhật ký hoạt động của thiết bị tường lửa phải được lưu giữ an toàn để phục vụ công tác khảo sát, điều tra khi có sự cố xảy ra.
Điều 7. Quản lý nhật ký trong quá trình vận hành các hệ thống thông tin
1. Các cơ quan phải thực hiện việc ghi nhật ký trên các thiết bị mạng máy tính, phần mềm ứng dụng, hệ điều hành, cơ sở dữ liệu nhằm đảm bảo các sự kiện quan trọng xảy ra trên hệ thống được ghi nhận và lưu giữ.
2. Các nhật ký này phải được bảo vệ an toàn nhằm phục vụ công tác kiểm tra, phân tích khi cần thiết.
3. Các sự kiện tối thiểu cần phải được ghi nhật ký gồm: Quá trình đăng nhập hệ thống; tạo, cập nhật hoặc xóa dữ liệu; các hành vi xem, thiết lập cấu hình hệ thống; việc thiết lập các kết nối bất thường vào và ra hệ thống; thay đổi quyền truy cập hệ thống.
4. Thường xuyên thực hiện việc theo dõi bản ghi nhật ký của hệ thống và các sự kiện khác có liên quan để đánh giá, báo cáo các rủi ro và mức độ nghiêm trọng các rủi ro đó.
Điều 8. Quản lý truy cập
1. Các quy định về quản lý truy cập vào hệ thống thông tin, mạng máy tính, thiết bị, phần mềm ứng dụng của đơn vị phải được quy định chi tiết và tổ chức thực hiện nghiêm túc, phù hợp với các quy định của pháp luật về an toàn thông tin.
2. Mỗi tài khoản truy cập các hệ thống thông tin chỉ được cấp cho một người quản lý và sử dụng.
3. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chỉ được phép truy cập các thông tin phù hợp với chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của mình, có trách nhiệm bảo mật tài khoản truy cập thông tin.
4. Các hệ thống thông tin cần giới hạn số lần đăng nhập sai liên tiếp vào hệ thống. Hệ thống tự động khóa tài khoản trong một khoảng thời gian nhất định trước khi tiếp tục cho đăng nhập, nếu liên tục đăng nhập sai vượt quá số lần quy định.
5. Tất cả máy trạm, máy chủ phải được đặt mật khẩu truy cập và thiết lập chế độ tự động bảo vệ màn hình sau 10 phút không sử dụng.
6. Khi thiết lập mạng không dây trong nội bộ đơn vị, phải đặt mật khẩu truy cập vào mạng không dây và chỉ cho phép truy cập Internet.
7. Mật khẩu đăng nhập vào các hệ thống thông tin phải có độ phức tạp cao (có độ dài tối thiểu 8 ký tự, có ký tự thường, ký tự số và ký tự đặc biệt như !, @, #, $, %) và phải được thay đổi ít nhất 3 tháng/lần.
Điều 9. Quản lý sự cố
1. Khi có sự cố hoặc nguy cơ mất an toàn thông tin thì lãnh đạo đơn vị phải chỉ đạo kịp thời để khắc phục và hạn chế thiệt hại, báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý và Sở Thông tin và Truyền thông.
2. Trường hợp có sự cố nghiêm trọng ở mức độ cao, khẩn cấp hoặc vượt quá khả năng khắc phục của đơn vị, lãnh đạo đơn vị phải báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và Sở Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Tạo ra, cài đặt, phát tán vi rút máy tính, phần mềm độc hại trái pháp luật.
2. Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của cơ quan, cá nhân khác.
3. Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin.
4. Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của cơ quan, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
5. Bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của cơ quan, cá nhân khác trên môi trường mạng.
6. Hành vi khác làm mất an toàn, bí mật thông tin của cơ quan, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.
Chương III
TRÁCH NHIỆM ĐẢM BẢO AN TOÀN THÔNG TIN
Điều 11. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan
1. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức phụ trách an toàn thông tin:
a) Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin của đơn vị.
b) Tham mưu lãnh đạo cơ quan ban hành các quy định, quy trình nội bộ, triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin.
c) Thực hiện việc giám sát, đánh giá, báo cáo Thủ trưởng cơ quan các rủi ro mất an toàn thông tin và mức độ nghiêm trọng của các rủi ro đó.
d) Phối hợp với các cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc kiểm soát, phát hiện và khắc phục các sự cố an toàn, an ninh thông tin.
2. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị:
a) Nghiêm túc chấp hành Quy chế này và các quy định khác của pháp luật về an toàn thông tin. Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao.
b) Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải có trách nhiệm tự quản lý, bảo quản thiết bị mà mình được giao sử dụng; không tự ý thay đổi, tháo lắp các thiết bị trên máy tính; không được vào các trang web không rõ về nội dung; không tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, không liên quan đến công việc chuyên môn; không nhấp chuột vào các đường dẫn lạ không rõ về nội dung.
c) Khi phát hiện nguy cơ hoặc sự cố mất an toàn thông tin, phải báo cáo ngay với cấp trên và bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin của đơn vị để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
d) Tham gia các chương trình đào tạo, hội nghị về an toàn an ninh thông tin do cơ quan hoặc Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại Quy chế này và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác đảm bảo an toàn thông tin của đơn vị mình.
2. Phân công một bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách đảm bảo an toàn thông tin của đơn vị; tạo điều kiện để các cán bộ phụ trách an toàn thông tin được học tập, nâng cao trình độ về an toàn thông tin.
3. Xây dựng quy định, quy trình nội bộ về đảm bảo an toàn thông tin phù hợp với Quy chế này và các quy định của pháp luật.
4. Phối hợp, cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho các đơn vị có thẩm quyền triển khai công tác kiểm tra khắc phục sự cố xảy ra một cách kịp thời, nhanh chóng và đạt hiệu quả.
5. Phối hợp chặt chẽ với công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an toàn, an ninh thông tin.
6. Định kỳ hàng quý, các cơ quan lập báo cáo về tình hình an toàn thông tin và gửi về Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.
2. Hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin phục vụ cho việc vận hành các hệ thống thông tin được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý.
3. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất; kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu, hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.
4. Hàng năm xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin cho lực lượng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các cơ quan, đơn vị.
5. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thông tin theo quy định của nhà nước.
6. Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận và xử lý các sự cố về an toàn thông tin.
7. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và tuyên truyền về an toàn, an ninh thông tin trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
8. Tổng hợp và báo cáo về tình hình an toàn, an ninh thông tin theo định kỳ cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Điều 14. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm lợi dụng hệ thống thông tin gây hại đến an toàn, an ninh thông tin trong cơ quan nhà nước.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong trao đổi biện pháp kỹ thuật, kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
3. Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý các vi phạm an toàn, an ninh thông tin.
4. Điều tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh thông tin theo thẩm quyền.
5. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn các công trình quan trọng về an ninh quốc gia trên lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế tại đơn vị mình.
Điều 16. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các đơn vị gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1 Quyết định 03/2018/QĐ-UBND về Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2016 xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bạc Liêu
- 3 Quyết định 56/2014/QĐ-UBND về Quy chế bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc
- 4 Quyết định 61/2014/QĐ-UBND Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 5 Quyết định 17/2014/QĐ-UBND về Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang
- 6 Quyết định 1399/QĐ-UBND năm 2014 Quy chế quản lý, sử dụng hộp thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 7 Quyết định 63/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 9 Luật Công nghệ thông tin 2006
- 10 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 17/2014/QĐ-UBND về Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang
- 2 Quyết định 61/2014/QĐ-UBND Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3 Quyết định 56/2014/QĐ-UBND về Quy chế bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc
- 4 Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2016 xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bạc Liêu
- 5 Quyết định 1399/QĐ-UBND năm 2014 Quy chế quản lý, sử dụng hộp thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 6 Quyết định 03/2018/QĐ-UBND về Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh