Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2019/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 25 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHUNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BTC-BTTTT ngày 27/12/2013 của liên Bộ: Xây dựng, Công thương, Thông tin và Truyền thông quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định xây dựng, quản lý và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 11 năm 2019 và thay thế Quyết định số 1555/2011/QĐ-UBND ngày 05/12/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc ban hành Quy định việc xây dựng và sử dung chung cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- TTTU, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Văn phòng UBND tỉnh: Các phòng, đơn vị,
các CVNC, các PCVP, CVP;
- Lưu: VT, XDCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Nhường

 

QUY ĐỊNH

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHUNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 25/10/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quy định này quy định về công tác quản lý, xây dựng và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà, trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm: cống, bể, hào và tuynel kỹ thuật,…); sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật; ngầm hóa, chỉnh trang mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

b) Những nội dung khác liên quan không có trong Quy định này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, xây dựng, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật; ngầm hóa, chỉnh trang mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Tại Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình hạ tầng kỹ thuật: Bao gồm các công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý các chất thải và các công trình khác.

2. Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm: Bao gồm các tuynel; hào kỹ thuật; hệ thống cống, bể kỹ thuật để lắp đặt các đường dây, cáp viễn thông, cáp truyền hình, cáp điện lực, chiếu sáng và cáp truyền dẫn tín hiệu khác.

3. Cơ sở hạ tầng viễn thông: Là tập hợp các thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn, mạng viễn thông và các công trình viễn thông.

4. Công trình viễn thông: Là công trình xây dựng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà, trạm, cột, cống, bể) và thiết bị lắp đặt trên đó.

5. Mạng viễn thông: Là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.

6. Thiết bị viễn thông: Là thiết bị kỹ thuật, bao gồm phần cứng và phần mềm, được dùng để thực hiện viễn thông.

7. Nhà trạm: Là công trình xây dựng để bảo vệ thiết bị viễn thông và các thiết bị phụ trợ khác.

8. Cống, bể cáp: Là hệ thống cống, ống, bể cáp phục vụ việc kéo cáp thông tin ngầm dưới mặt đất.

9. Cột treo cáp: Là cột bằng thép hoặc bê tông cốt thép dùng để treo cáp viễn thông, cáp truyền hình.

10. Trạm BTS: Trạm thu, phát sóng thông tin di động bao gồm cột anten, nhà trạm, các trang thiết bị đảm bảo việc thu, phát sóng thông tin di động và các thiết bị phụ trợ khác.

11. Cột BTS: Là các cột dùng để treo anten thu, phát sóng thông tin di động.

12. Chủ sở hữu hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động: là cơ quan, đơn vị được ủy quyền quản lý, khai thác, vận hành hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

13. Một đổi một: Nghĩa là các doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi cơ sở hạ tầng cho nhau theo nguyên tắc đơn vị A sử dụng chung hạ tầng của đơn vị B và ngược lại đơn vị B được đơn vị A cho phép sử dụng chung hạ tầng tại các vị trí tương ứng.

14. Doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin, doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, doanh nghiệp truyền hình cáp: Gọi chung là doanh nghiệp viễn thông.

15. Cáp, dây thuê bao và các thiết bị của doanh nghiệp viễn thông; cáp và thiết bị của doanh nghiệp truyền hình cáp: Gọi chung là cáp, dây thuê bao và các thiết bị viễn thông.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, xây dựng và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động

Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc tại Điều 3, Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012, việc quản lý, xây dựng và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn, phân cấp trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn.

2. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồ án quy hoạch hệ thống hạ tầng, đường dây thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; quy hoạch của các ngành có liên quan; đảm bảo an toàn thông tin, an ninh quốc phòng, mỹ quan đô thị, an toàn cho người và phương tiện.

3. Khuyến khích, ưu tiên, tạo điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung theo các hình thức đầu tư phù hợp.

4. Công trình trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đầu tư mới phải được thiết kế đảm bảo nhu cầu dùng chung cho tối thiểu 02 (hai) doanh nghiệp viễn thông trở lên.

5. Đối với khu đô thị mới, khu chung cư,… chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

DÙNG CHUNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG

Điều 4. Công bố thông tin

1. Công bố thông tin:

a) Việc công bố thông tin phải được thực hiện công khai, kịp thời và chính xác.

b) Chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có trách nhiệm công bố các thông tin về dung lượng, các điều kiện kỹ thuật trong quá trình vận hành, khai thác và giá thuê của những công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có khả năng cho thuê/dùng chung.

c) Hình thức công bố: đơn vị sở hữu công trình hạ tầng viễn thông thụ động có khả năng cho thuê/dùng chung thực hiện việc công bố thông tin trên website chính thức và niêm yết công khai tại trụ sở của đơn vị; đồng thời báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông định kỳ hằng năm.

d) Khi có thay đổi về công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động cho thuê/dùng chung, chủ sở hữu công trình phải điều chỉnh nội dung công bố trên trang website chính thức, tại trụ sở của đơn vị và thông báo bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Quy tắc cung cấp thông tin:

a) Khi có yêu cầu cung cấp thông tin để sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đơn vị có nhu cầu thuê, dùng chung gửi văn bản cho đơn vị sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và Sở Thông tin và Truyền thông. Trong thời hạn tối đa 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, đơn vị sở hữu hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải cung cấp thông tin theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều này cho đơn vị có nhu cầu thuê/dùng chung, đồng gửi Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Trước thời điểm tổ chức sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt thiết bị liên quan trên hạ tầng kỹ thuật viễn thông dùng chung tối thiểu 05 (năm) ngày làm việc, đơn vị chủ sở hữu hoặc đơn vị đi thuê/dùng chung phải có thông báo bằng văn bản cho đơn vị liên quan đang sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Trường hợp ứng cứu thông tin đột xuất, thực hiện thông báo và thống nhất phương án xử lý qua điện thoại hoặc Fax.

Điều 5. Giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông phải tuân thủ quy định tại Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT .

2. Đối với giá thuê dùng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh được áp dụng theo quy định của UBND tỉnh và các quy định khác có liên quan.

Điều 6. Sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng tòa nhà có nhiều chủ sử dụng (chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn…), công trình xây dựng công cộng có trách nhiệm thiết kế, lắp đặt hệ thống cáp viễn thông, điểm truy nhập trong tòa nhà; đồng thời bố trí mặt bằng để doanh nghiệp viễn thông lắp đặt cột anten trên nóc tòa nhà, lắp đặt thiết bị thu, phát sóng trong tòa nhà, trong công trình xây dựng công cộng nếu việc lắp đặt là khả thi về kỹ thuật và phù hợp với quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh.

2. Chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trung tâm dịch vụ, thương mại và các công trình giao thông có trách nhiệm bố trí mặt bằng để các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định của pháp luật xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

3. Chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, thiết kế theo quy định; đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo việc sử dụng chung để lắp đặt cáp, dây thuê bao và các thiết bị viễn thông phù hợp với quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh.

4. Cáp, dây thuê bao, thiết bị viễn thông được phép lắp đặt trong các công trình hạ tầng kỹ thuật. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương và UBND cấp huyện hướng dẫn tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cho doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng để lắp đặt cáp, dây thuê bao và các thiết bị viễn thông.

5. Đối với các khu vực: đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trung tâm dịch vụ, thương mại và các công trình giao thông đã có các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho việc sử dụng chung. Các doanh nghiệp viễn thông không được xây dựng hệ thống cống, bể cáp mà phải phối hợp sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sẵn có.

6. Đối với các khu vực đã có các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật nhưng không đáp ứng được cho việc sử dụng chung thì khi nhận được đề nghị thuê sử dụng chung cơ sở hạ tầng, đơn vị sở hữu công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cùng cải tạo, nâng cấp, mở rộng sau đó phân chia dung lượng sử dụng theo tỷ lệ đầu tư và chi phí quản lý vận hành, bảo trì. Nghiêm cấm việc đầu tư, xây dựng nhiều hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật trên cùng một tuyến.

7. Đơn vị sở hữu các công trình hạ tầng kỹ thuật khi nhận được văn bản đề nghị sử dụng chung cơ sở hạ tầng, trong thời hạn 07 ngày làm việc phải có văn bản trả lời các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Nếu quá thời hạn nêu trên mà đơn vị sở hữu các công trình hạ tầng kỹ thuật không có văn bản trả lời, đơn vị có nhu cầu sử dụng chung cơ sở hạ tầng đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, giải quyết.

Điều 7. Sử dụng chung hệ thống nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel kỹ thuật

Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 12 Nghị định số 72/2012/NĐ-CP và Điều 4, Điều 5, Điều 6 Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 06/4/2016 của UBND tỉnh, việc sử dụng chung hạ tầng cống, bể cáp, hào, tuynel phải đảm bảo các quy định như sau:

1. Đối với các khu vực có hệ thống nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel có sẵn đáp ứng việc sử dụng chung. Chủ sở hữu hệ thống nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel phải tạo điều kiện cho các đơn vị có nhu cầu thuê dùng chung. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, chủ sở hữu phải có văn bản trả lời các đơn vị có nhu cầu thuê sử dùng chung.

2. Trường hợp không đạt được thỏa thuận dùng chung, đơn vị có nhu cầu thuê sử dụng chung nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel gửi văn bản đến Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của đơn vị có nhu cầu thuê sử dụng chung, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì việc thỏa thuận dùng chung hệ thống nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel:

a) Trường hợp hạ tầng nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel hiện có đủ khả năng cho thuê dùng chung, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan yêu cầu đơn vị chủ sở hữu cho đơn vị có nhu cầu thuê dùng chung.

b) Trường hợp hạ tầng nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel hiện có đủ khả năng dùng chung nếu được nâng cấp, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến khích, hướng dẫn đơn vị chủ sở hữu phối hợp với đơn vị có nhu cầu thuê dùng chung bàn bạc thống nhất việc cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng chung.

c) Trường hợp hạ tầng nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel hiện có không có khả năng dùng chung, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền xem xét và cho ý kiến đối với việc đầu tư hệ thống cống, bể cáp, hào, tuynel mới.

4. Những khu vực theo quy hoạch được xây dựng hệ thống nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel để ngầm hóa đường dây, cáp viễn thông, Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và cho các doanh nghiệp thuê lại; Đơn vị đầu tư hạ tầng cống, bể cáp, hào, tuynel phải thiết kế đảm bảo nhu cầu dùng chung cho tối thiếu 03 (ba) doanh nghiệp viễn thông và các công trình hạ tầng ngành điện, nước.

5. Đơn vị chủ sở hữu hạ tầng nhà trạm, cống, bể cáp, hào, tuynel sử dụng chung chủ trì, phối hợp với các đơn vị dùng chung xây dựng quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây, cáp ngầm đảm bảo các tiêu chuẩn ngành, yêu cầu kỹ thuật và an toàn cho mạng lưới.

Điều 8. Sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp

Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 14 Nghị định số 72/2012/NĐ-CP, việc sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp phải đảm bảo các quy định như sau:

1. Không lắp đặt cột treo cáp hoặc sử dụng hệ thống cột điện lực, cột đèn chiếu sáng để treo cáp ở các khu vực bắt buộc ngầm hóa theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh đã được phê duyệt.

2. Không đầu tư, xây dựng 02 (hai) hệ thống cột treo cáp trên cùng một tuyến trong khu vực đô thị.

3. Các tuyến cột treo cáp đầu tư mới phải thiết kế đảm bảo nhu cầu dùng chung cho tối thiểu 03 (ba) doanh nghiệp.

4. Không tự ý treo cáp trên hệ thống cột điện lực, cột đèn chiếu sáng, cột treo cáp khi chưa được đơn vị chủ sở hữu cho phép.

5. Đối với các tuyến đường đã có hệ thống cột treo cáp: Các doanh nghiệp khi có nhu cầu kéo cáp treo phải phối hợp sử dụng chung cơ sở hạ tầng sẵn có.

a) Đơn vị chủ sở hữu cột treo cáp có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân dùng chung khai thác hệ thống cột treo cáp đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về an toàn, mỹ quan theo quy định.

b) Nếu trên một tuyến cùng tồn tại tuyến cột treo cáp và tuyến cống, bể ngầm thì việc sử dụng chung hạ tầng phải ưu tiên sử dụng tuyến cống, bể ngầm (với điều kiện tuyến cống, bể ngầm đủ năng lực để sử dụng chung).

6. Đơn vị chủ trì việc thi công, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa cáp treo, trụ treo cáp phải phối hợp với đơn vị chủ sở hữu và các đơn vị dùng chung có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn đối với hệ thống điện lực, viễn thông.

Điều 9. Sử dụng chung cột, nhà trạm BTS

Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 14, Nghị định số 72/2012/NĐ-CP, việc sử dụng chung cột, trạm BTS phải đảm bảo các quy định như sau:

1. Đối với các khu vực có cột, nhà trạm BTS hiện có phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình trạm BTS và đủ năng lực đáp ứng việc dùng chung, chủ sở hữu cột ăng ten phải chia sẻ hạ tầng với tổ chức, cá nhân khác.

2. Các cột BTS phải đảm bảo khoảng cách: khác mạng tối thiếu là 150m đối với khu vực đô thị và tối thiểu 300m đối với khu vực ngoài đô thị; cùng mạng tối thiểu là 400m đối với khu vực đô thị và tối thiểu 600m đối với khu vực ngoài đô thị, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Đối với những cột BTS không đáp ứng quy định về khoảng cách quy định tại Khoản 2 Điều này, bắt buộc các doanh nghiệp phải dùng chung cơ sở hạ tầng.

4. Chủ đầu tư xây dựng cột, nhà trạm BTS mới (cột cồng kềnh hoặc cột thân thiện với môi trường) phải thiết kế kết cấu, chiều cao cột BTS đảm bảo độ an toàn và đáp ứng nhu cầu dùng chung cho tối thiểu 02 (hai) doanh nghiệp viễn thông; Nhà trạm BTS có diện tích đảm bảo tương xứng với số trạm BTS sử dụng chung; các trường hợp khác phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Chương III

NGẦM HÓA, CHỈNH TRANG MẠNG CÁP VIỄN THÔNG, TRUYỀN HÌNH TRẢ TIỀN

Điều 10. Xây dựng kế hoạch ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền

1. Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồ án quy hoạch hệ thống hạ tầng, đường dây thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch các ngành liên quan và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hàng năm Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và phương án ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền.

2. Nguyên tắc thực hiện kế hoạch ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền:

a) Ưu tiên việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

b) Việc ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, đảm bảo an toàn an ninh mạng lưới và mỹ quan đô thị.

c) Việc ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền của các huyện, thị xã, thành phố phải phù hợp với lộ trình chỉnh trang, ngầm hóa công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh.

Điều 11. Triển khai Kế hoạch ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền

1. Căn cứ Kế hoạch ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, triển khai và giám sát các doanh nghiệp tổ chức thực hiện.

2. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phối hợp, tự chủ về kinh phí và nhân lực phục vụ việc ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền thuộc sở hữu của đơn vị theo Kế hoạch và phương án đã phê duyệt.

3. Tổ chức ngầm hóa, chỉnh trang mạng cáp viễn thông, truyền hình trả tiền:

a) Tối thiểu 10 (mười) ngày làm việc trước thời điểm chính thức thi công, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có văn bản gửi đơn vị chủ sở hữu và các đơn vị đang sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đồng thời gửi Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện.

b) Trong quá trình ngầm hóa, chỉnh trang nếu có doanh nghiệp không phối hợp thực hiện hoặc không xác định được đơn vị chủ sở hữu đối với công trình hoặc thiết bị lắp đặt trên/trong công trình hạ tầng kỹ thuật, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sẽ xử lý phần tài sản này theo quy định của pháp luật.

4. Đối với mạng cáp, dây thuê bao treo hiện có chưa thể ngầm hóa, các doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chỉnh trang, bó gọn; thu hồi, tháo dỡ cáp, dây thuê bao không sử dụng theo đúng tiến độ của từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 12. Quy định nhận diện hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động các doanh nghiệp

Việc đánh dấu, nhận diện đường dây, cáp viễn thông và thiết bị phụ trợ trong các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông. Cụ thể như sau:

1. Các hệ thống cống, bể ngầm, ống cáp, tuyến cáp, đường dây và các thiết bị phụ trợ phải được gắn, in thẻ nhận diện.

a) Kích thước thẻ nhận diện: kích thước (dài x rộng) không nhỏ hơn 60x40 mm và không lớn hơn 130x80 mm.

b) Mầu sắc thẻ nhận diện: mầu vàng.

c) Thông tin trên thẻ nhận diện: Các thông số kỹ thuật của đường dây, cáp và đường ống; Thông tin về chủ sở hữu hoặc đơn vị được ủy quyền quản lý đường dây, cáp và đường ống.

d) Vị trí gắn, in thẻ nhận diện: Thẻ nhận diện được gắn trên đường dây, cáp hoặc đường ống tại bể cáp, hố ga kỹ thuật; Vị trí và khoảng cách lắp đặt thẻ nhận biết tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Đường dây, cáp viễn thông treo nổi qua các khu vực giao thông phải treo biển báo hiệu độ cao.

Kích thước, màu sắc của biển báo hiệu độ cao thực hiện theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này.

a) Thông tin thể hiện trên biển báo hiệu độ cao gồm thông tin về tính chuyên ngành, chủ sở hữu hoặc đơn vị được ủy quyền quản lý đường dây, cáp viễn thông và chỉ số độ cao (theo khoảng cách thẳng đứng tính từ điểm thấp nhất tới mặt đường bộ hoặc đường thủy, đơn vị là mét, lấy sau dấu phẩy một chữ số).

b) Vị trí lắp đặt biển báo hiệu độ cao: gắn trên đường dây, sợi cáp thấp nhất và tại vị trí thấp nhất.

Điều 13. Khắc phục sự cố đối với công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động

1. Xử lý sự cố trạm BTS:

a) Trường hợp xảy ra sự cố đối với thiết bị lắp đặt tại trạm, doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo việc khắc phục sự cố, khôi phục liên lạc trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố.

b) Trường hợp gẫy, đổ trạm BTS, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:

- Báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện các thông tin về sự cố.

- Giải phóng mặt bằng và triển khai phương án dự phòng đảm bảo khôi phục liên lạc trong thời gian 06 (sáu) giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan.

- Khôi phục hoặc lắp đặt mới trạm BTS tại khu vực xảy ra sự cố (trong trường hợp cần thiết) đảm bảo thông tin liên lạc và an toàn mạng lưới.

2. Xử lý sự cố hệ thống truyền dẫn:

a) Trường hợp xảy ra sự cố đối với cáp viễn thông và các thiết bị truyền dẫn, doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo khôi phục liên lạc trong vòng 12 (mười hai) giờ kể từ thời điểm nhận được thông báo.

b) Trường hợp xảy ra sự cố đối với hệ thống cột treo cáp, đơn vị sở hữu cột có trách nhiệm thay thế bằng cột mới hoặc kéo dây gia cường để treo tạm cáp trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố. Nếu khắc phục sự cố bằng phương án hạ ngầm, trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ ngày xảy ra sự cố, doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án hạ ngầm gửi Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

3. Đối với sự cố gây gián đoạn thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác an ninh quốc phòng, doanh nghiệp phải đảm bảo khôi phục liên lạc theo chỉ đạo của chính quyền địa phương và các đơn vị có thẩm quyền.

4. Bảo vệ và xử lý sự cố trong quá trình sửa chữa, nâng cấp và chỉnh trang các công trình có khả năng gây ảnh hưởng đến công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

a) Trước thời điểm thi công tối thiểu 05 (năm) ngày làm việc, đơn vị chủ trì việc sửa chữa, nâng cấp và chỉnh trang các công trình có khả năng gây ảnh hưởng đến công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông liên quan chủ động triển khai cái phương án bảo vệ mạng lưới và sắp xếp cán bộ trực ứng cứu trong quá trình thi công.

b) Trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan phối hợp xác định nguyên nhân, thống nhất phương án và chi phí khắc phục sự cố;

c) Tiến độ khắc phục các sự cố đảm bảo theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này.

5. Trường hợp xảy ra sự cố đối với công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động do thiên tai, đơn vị sở hữu có trách nhiệm khắc phục hậu quả sau thiên tai, thực hiện chỉnh trang, sắp xếp lại mạng lưới đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

Điều 14. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có liên quan lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện việc chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăngten; hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông trên cơ sở đảm bảo tối đa việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, an toàn và cảnh quan môi trường.

2. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền quy định này. Hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ và khách quan thông tin về an toàn bức xạ sóng điện từ đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng; các quy định về xây dựng, lắp đặt các trạm thu, phát sóng vô tuyến điện nói chung và trạm BTS nói riêng.

3. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về xây dựng, lắp đặt, sử dụng các công trình viễn thông; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành viễn thông và các quy định có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và lắp đặt, cải tạo, sắp xếp các đường dây, cáp trên địa bàn tỉnh.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ để cập nhật dữ liệu về hiện trạng, quy hoạch và các dữ liệu khác có liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh.

6. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan giải quyết các thông tin phản ánh của người dân liên quan đến việc xây dựng và sử dụng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn.

7. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức giải quyết các vướng mắc đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông dùng chung. Thẩm định thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động sử dụng chung.

8. Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các trường hợp quy định tại mục b, khoản 3, Điều 11 của Quy định này.

9. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang sử dụng hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Điều 15. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình viễn thông sử dụng chung và phối hợp tham gia chỉnh trang, ngầm hóa mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Điều 16. Sở Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trên địa bàn tỉnh; thẩm định giá thuê trên cơ sở phương án giá thuê do chủ sở hữu hoặc đơn vị được giao quản lý công trình lập.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hiệp thương giá theo thẩm quyền khi bên thuê và bên cho thuê không thống nhất được về giá; kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá theo quy định hiện hành.

Điều 17. Sở Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các quy định không còn phù hợp của tỉnh về quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

2. Chỉ đạo thanh tra xây dựng thanh tra, kiểm tra, phát hiện và phối hợp xử lý vi phạm các quy định về xây dựng đối với công trình viễn thông.

3. Cung cấp thông tin liên quan về quy hoạch, dự án, kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh để Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chuyên môn có liên quan và doanh nghiệp viễn thông biết, chủ động phối hợp quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phù hợp, đảm bảo tuân thủ định hướng của các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

4. Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông thiết kế, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động kết hợp với các công trình xây dựng công cộng, khu đô thị, tòa nhà nhiều chủ sử dụng (chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn...) và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

5. Cấp phép xây dựng công trình viễn thông thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Sở Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải; giải quyết đề nghị của các đơn vị có nhu cầu sử dụng một phần hành lang an toàn đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Cung cấp thông tin về dự án, kế hoạch xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh cho Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chuyên môn có liên quan và doanh nghiệp viễn thông biết để chủ động phối hợp di chuyển cũng như phối hợp đầu tư, mở rộng tuyến cống, bể để tiết kiệm chi phí, tránh thiệt hại và mất liên lạc do sự cố trong quá trình thi công.

3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình thi công công trình trong phạm vi quỹ đất dành cho xây dựng công trình giao thông đảm bảo an toàn công trình và an toàn giao thông.

4. Hướng dẫn doanh nghiệp viễn thông thiết kế, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động kết hợp với các công trình giao thông.

5. Cấp phép xây dựng công trình viễn thông thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Sở Công Thương

1. Chỉ đạo Công ty Điện lực Bắc Ninh treo gông và cáp chịu lực trên tuyến cần chỉnh trang, bó gọn cáp theo quy định; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông xây dựng và triển khai kế hoạch chỉnh trang, sắp xếp đường dây, cáp viễn thông treo trên cột điện dọc theo các tuyến phố, tuyến đường chính, tại các khu đô thị đảm bảo mỹ quan, chất lượng và an toàn; ưu tiên cấp điện cho các công trình hạ tầng viễn thông.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn việc sử dụng chung hệ thống cột điện trong phạm vi quyền hạn quản lý với giá thuê trên cơ sở giá thành, hợp tác cùng phát triển và vì lợi ích cộng đồng để treo đường dây, cáp điện lực và viễn thông đối với những khu vực chưa thể ngầm hóa và không thể bố trí thêm cột tại cùng vị trí.

3. Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông thiết kế, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động kết hợp với các công trình điện lực và hạ tầng cụm công nghiệp.

Điều 20. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức giao đất hoặc cho thuê đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 21. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

1. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quản lý.

2. Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động kết hợp với hạ tầng kỹ thuật trong địa bàn quản lý.

3. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các quy định chuyên ngành viễn thông đối với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn quản lý.

Điều 22. Công an tỉnh

1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn, an ninh trên địa bàn, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại, cố tình cản trở việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

2. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 23. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Phối hợp với Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan hỗ trợ và tạo điều kiện về thủ tục đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình viễn thông; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong việc chỉnh trang, hạ ngầm, xây dựng, lắp đặt các công trình viễn thông trên địa bàn.

2. Chỉ đạo đài phát thanh, đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định về quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

3. Cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo thẩm quyền được phân cấp.

4. Thông tin về quy hoạch, dự án, kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình xây dựng, khu đô thị, tuyến đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn quản lý cho Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chuyên môn có liên quan và doanh nghiệp viễn thông biết, để chủ động phối hợp quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

5. Bố trí kinh phí xây dựng đề án, phương án thực hiện Kế hoạch chỉnh trang, ngầm hóa mạng ngoại vi, giải quyết dùng chung hạ tầng trên địa bàn quản lý.

6. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến chỉnh trang, ngầm hóa mạng ngoại vi được UBND tỉnh giao.

Điều 24. Các cơ quan báo chí, tuyên truyền

Đưa tin, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của việc xây dựng, chỉnh trang, ngầm hóa, dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông và trách nhiệm bảo vệ công trình viễn thông trên địa bàn.

Điều 25. Các Doanh nghiệp viễn thông

1. Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp nhận thông tin về quy hoạch, dự án, kế hoạch xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, tuyến đường giao thông, tòa nhà có nhiều chủ sử dụng và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác để tiến hành đồng thời kế hoạch xây dựng, lắp đặt các công trình viễn thông của doanh nghiệp mình tại địa phương. Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là công trình mạng ngoại vi.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án phòng ngừa và khắc phục sự cố đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Có trách nhiệm thu hồi, xử lý các cáp ngoại vi viễn thông và thiết bị phụ trợ đã hỏng, không sử dụng.

3. Báo cáo kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin về cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi trực tiếp quản lý địa bàn. Chấp hành nghiêm chỉnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tiếp tục phổ cập dịch vụ viễn thông, nâng cao mật độ thuê bao điện thoại và Internet.

5. Tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông trên cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm định công trình, quy hoạch, đầu tư và xây dựng cơ bản.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Chế độ báo cáo

Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) các Sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy định này đến Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 27. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy định này; trước ngày 31/12 hàng năm, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc đến Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.