ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2300/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 13 tháng 12 năm 2013 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH DỪA TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Công văn số 1072/SCT-KHTC ngày 23 tháng 8 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, cụ thể hóa thực hiện Chương trình Phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN NGÀNH DỪA TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Cây dừa thích nghi tốt trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng phát triển tốt nhất trên đất cát nhiễm mặn nhẹ, đồng thời cũng phát triển rất tốt trên nền đất phù sa sông nhiễm mặn ven biển. Cây dừa có địa bàn khu trú khá rộng và đặc biệt phát triển tốt từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến mũi Cà Mau và chủ yếu tập trung ở các vùng đồng bằng ven biển.
Dừa là cây trồng dài ngày, được trồng phổ biến, gắn bó với nhiều thế hệ người Bến Tre và có giá trị đặc biệt về văn hóa xã hội, cảnh quan môi trường. Riêng về kinh tế, toàn bộ cây dừa đều hữu ích đối với cuộc sống con người; qua chế biến, có thể cho ra hàng trăm loại sản phẩm từ thông dụng đến cao cấp, tạo ra chuỗi giá trị lớn. Năm 2011, diện tích dừa chiếm 31,14% diện tích đất nông nghiệp, các sản phẩm dừa chế biến chiếm 20,69% tổng giá trị công nghiệp và 42,51% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo việc làm cho hàng vạn lao động.
Cũng như nhiều loại cây trồng khác, cây dừa có lúc cũng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh; sự bấp bênh và thất thường của thị trường, làm cho ngành dừa tuy phát triển, nhưng chưa thật vững chắc. Lãnh đạo các cấp cũng như nhân dân Bến Tre rất quan tâm phát triển ngành dừa; vừa qua đã thực hiện một số dự án đầu tư trồng dừa, cải tạo vườn dừa kém hiệu quả, phát triển các mô hình xen canh trong vườn dừa; phát triển nhanh công nghiệp chế biến dừa và tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về cây dừa và chuỗi giá trị dừa. Mặc dầu cây dừa đã hình thành và phát triển lâu đời và xem là một cây trồng lâu năm nhưng do chiếm vai trò khá khiêm tốn trong cơ cấu nông nghiệp chung cả nước, nên cây dừa chưa có các chiến lược quốc gia về phát triển toàn diện, cả địa phương và Trung ương đều chưa có quy hoạch, chương trình dài hạn và chính sách thỏa đáng để phát triển cây dừa và ngành dừa lâu dài và bền vững.
Trong xu hướng bối cảnh biến đổi khí hậu, việc gia tăng xâm nhập mặn và lũ lụt bất thường là những đe dọa cho những vùng ở đồng bằng sông Cửu Long và ven biển. Dừa là loại cây trồng được đánh giá có khả năng chịu mặn và chịu ngập tốt hơn so với các loại cây nông nghiệp khác, có khả năng chống chịu được các nguy cơ trên, trở thành một đối tượng cây trồng quan trọng trong hệ thống canh tác góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lưu ý: Bến Tre cần đẩy mạnh các nghiên cứu toàn diện về cây dừa, cần đầu tư công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến dừa xuất khẩu và đa dạng hóa các sản phẩm để tạo thế đứng mới vững chắc cho cây dừa trên thị trường khu vực và thế giới; phải có chính sách phù hợp mở rộng vườn dừa hơn nữa từ đó rút ngắn khoảng cách và theo kịp các nước sản xuất chế biến dừa hàng đầu trong vài năm tới.
Với những lý do trên, việc xây dựng “Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020” là rất cấp thiết.
2. Cơ sở xây dựng Chương trình:
2.1. Cơ sở pháp lý:
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa IX nhiệm kỳ 2010-2015;
Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020;
Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2020;
Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”;
Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn;
Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 tháng 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Thông tư số 84/2011/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP;
Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013;
Ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại buổi khai mạc Festival Dừa tỉnh Bến Tre lần III năm 2012,
2.2. Cơ sở thực tiễn và hệ thống tài liệu xây dựng Chương trình dừa:
Bến Tre có diện tích dừa chiếm 38,8% tổng diện tích dừa của cả nước, có điều kiện khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng phù hợp với cây dừa, có lực lượng nông dân có kinh nghiệm trồng dừa lâu đời nên cho năng suất trái khá cao. Ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre có bước phát triển liên tục, khá nhanh và đã tiếp cận, chuyển giao được một số công nghệ tương đối hiện đại. Sản phẩm ngành dừa đa dạng và được chế biến ở các cấp độ khác nhau.
Tuy nhiên chế độ canh tác, chăm sóc vườn dừa chưa được nông dân quan tâm đúng mức, do đó chưa khai thác hết lợi thế và tiềm năng của cây dừa. Công nghiệp chế biến dừa đã có bước phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Thị trường các sản phẩm dừa có sự biến động thường xuyên làm mất tính ổn định của ngành chế biến nội địa. Hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Bến Tre chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sự liên kết trong ngành dừa còn lỏng lẻo, lợi ích không hài hoà. Tình trạng thiếu liên kết và cạnh tranh không lành mạnh, làm cho các doanh nghiệp chế biến dừa trong tỉnh thường bị rơi vào thế yếu so với các đối tác bên ngoài.
Vì vậy, Bến Tre cần phải có Chương trình, kế hoạch cụ thể để có biện pháp phát huy các ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của mình, đề ra các biện pháp, chính sách để định hướng phát triển, góp phần ổn định và phát triển kinh tế.
Việc xây dựng Chương trình dựa vào hệ thống các tài liệu và cơ sở sau:
- Tình hình hiện trạng phát triển ngành dừa của tỉnh giai đoạn 2006-2010 và năm 2011;
- Các quy định về tổ chức hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại;
- Chương trình nâng cao năng suất chất lượng tỉnh;
- Các quy hoạch và dự án chuyên ngành nông nghiệp đã được phê duyệt;
- Báo cáo nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị dừa Bến Tre; tài liệu cuộc hội thảo về nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa tại Festival dừa tỉnh Bến Tre lần III; tài liệu của một số hội thảo khác về cây dừa và ngành dừa đã được tổ chức trong thời gian qua; một số tài liệu, số liệu nghiên cứu về ngành dừa trong tỉnh và của các trường, viện;
- Niên giám thống kê Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC) năm 2011 và các tài liệu của APCC có liên quan.
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CHẾ BIẾN VÀ THƯƠNG MẠI DỪA
1. Tình hình sản xuất, chế biến và thương mại các sản phẩm dừa trên thế giới:
1.1. Diện tích, năng suất, sản lượng dừa các nước:
Theo số liệu của FAO (2011), thế giới có khoảng 11,86 triệu ha đất canh tác dừa. Cây dừa được phân bố nhiều nhất ở vùng Đông Nam Á 60,89%; Nam Á (19,74%); Châu Đại Dương (4,6%). Các quốc gia có diện tích canh tác dừa lớn là Indonesia, Philippines và Ấn Độ chiếm ¾ diện tích dừa thế giới, Việt Nam chỉ chiếm xấp xỉ 1% diện tích dừa thế giới.
Diện tích, năng suất, sản lượng dừa các nước
TT | Tên quốc gia | Diện tích (ha) | Năng suất (trái/ha/năm) | Sản lượng (triệu trái/năm) |
1 | Indonesia | 3.800.000 | 4.000 | 16.235 |
2 | Philippines | 3.560.000 | 3.719 | 15.540 |
3 | Ấn độ | 1.900.000 | 7.748 | 14.744 |
4 | Sri Lanka | 395.000 | 7.364 | 3.000 |
5 | Thái Lan | 247.000 | 4.800 | 1.186 |
6 | Việt Nam | 144.800 | 8.294 | 1.201 |
Nguồn: APCC 2011
(Năng suất và sản lượng dừa thế giới tuỳ thuộc vào khả năng thâm canh tăng năng suất ở các quốc gia quan trọng. Hai nước có diện tích lớn là Indonesia và Philippines có năng suất dừa khá thấp, trong khi một vài nước khác như Ấn Độ, Sri Lanka, nhất là Việt nam có năng suất dừa cao hơn nhiều).
1.2. Thị trường và cơ cấu sản phẩm dừa chủ yếu:
- Cơm dừa, hàng năm các quốc gia trồng dừa tạo ra sản lượng trên 5 triệu tấn cơm dừa. Mức sản lượng này tương đối ổn định, dao động từ 5,1 đến 5,9 triệu tấn/năm. Phần lớn cơm dừa dùng để ép dầu (95%).
- Dầu dừa, hàng năm thế giới sản xuất từ 3,2 đến 3,6 triệu tấn dầu dừa, các quốc gia sản xuất dầu dừa cũng chính là thị trường tiêu thụ lớn (có từ 85-95% dầu dừa sản xuất ra được tiêu thụ tại thị trường nội địa) lượng dầu dừa xuất khẩu dao động trong khoảng 1,7 đến 2 triệu tấn/năm. Châu Âu là thị trường nhập khẩu chủ yếu dầu dừa trên thế giới, với 43,9% thị phần. Thị trường lớn thứ hai là Hoa Kỳ, chiếm 23,5%, thứ ba là Trung Quốc với 12,5%.
- Cám dừa (bã dầu dừa) là sản phẩm phụ của quá trình trích ly dầu dừa từ nguyên liệu cơm dừa, thường được dùng làm thức ăn gia súc. Hàng năm, thế giới sản xuất từ 1,6 đến 1,9 triệu tấn cám dừa (hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu cám dừa lớn nhất thế giới là Philippines và Indonesia chiếm 93,1%).
- Cơm dừa nạo sấy, lượng cơm dừa nạo sấy xuất khẩu năm 2010 từ ba quốc gia sản xuất chính là 184,616 ngàn tấn trong đó (Philippines 109,171 ngàn tấn; Indonesia 47,097 ngàn tấn và Sri Lanka 28,348 ngàn tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,14%/năm). Theo số liệu của FAO, Hoa Kỳ dẫn đầu trong 20 quốc gia nhập khẩu cơm dừa nạo sấy lớn nhất, còn lại chủ yếu Châu Âu, Trung Đông và một số quốc gia khác.
Xơ dừa, sản lượng xơ dừa toàn cầu năm 2010 vào khoảng 723 ngàn tấn và có tốc độ tăng trưởng trung bình 6,7%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Sri Lanka và Ấn Độ rất mạnh về công nghiệp chế biến xơ dừa và các sản phẩm xơ dừa, chiếm đến 90% tổng lượng sản xuất. Thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu các sản phẩm xơ dừa lớn nhất thế giới chiếm 64% sợi xơ dừa thô (năm 2010), tăng trưởng với tốc độ 25%/năm trong giai đoạn 2004-2010.
Than hoạt tính, là thế mạnh của Philippines, Indonesia, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2010, tổng lượng than hoạt tính xuất khẩu từ các quốc gia này là 107,638 ngàn tấn tăng 11,3%. Tổng nhu cầu nhập khẩu than hoạt tính từ than gáo dừa tăng trưởng với tốc độ 7,73%/năm trong vòng 5 năm qua. Thị trường than hoạt tính chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, và Anh quốc. Than hoạt tính có nhu cầu rất chắc chắn trên thị trường thế giới.
(Các quốc gia trồng dừa nhiều nhưng cũng tiêu thụ nội địa phần lớn dừa và cơm dừa họ sản xuất được như Indonesia: 38,7%, Philippines: 35%, Sri Lanka: 84% và Ấn Độ >100%).
1.3. Diễn biến giá sản phẩm dừa:
Diễn biến giá sản phẩm dừa có xu hướng giảm giá sâu, từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2009, sau đó giá tăng lên cho đến đầu năm 2011. Đối với nhóm sản phẩm chế biến từ cơm dừa, xu hướng giảm giá từ giữa năm 2011 hiện đang giảm xuống mạnh và chỉ ra dấu hiệu hạ nhiệt cơn sốt giá. Biên độ biến động giá các sản phẩm khá cao, thể hiện sự không chắc chắn về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Cơm dừa nạo sấy có mức độ biến động giá giữa các năm và giữa các tháng khá lớn từ 15%-200%.
Giá các loại sản phẩm chế biến xếp theo thứ tự từ cao tới thấp là than hoạt tính, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, cơm dừa. Nhóm sản phẩm có giá trị thấp là than gáo dừa, xơ dừa, và khô dầu dừa. Tuy nhiên, một vài loại sản phẩm chế biến từ xơ dừa lại có giá trị rất cao như vải địa chất làm từ xơ dừa.
2. Tình hình sản xuất, chế biến và thương mại dừa ở Bến Tre:
Theo các số liệu không chính thức, hiện tại Việt Nam có khoảng gần 145 ngàn ha dừa. Cây dừa ở Việt Nam được trồng phân tán ở nhiều tỉnh khác nhau, tuy nhiên được trồng tập trung với quy mô lớn tại hai tỉnh Bình Định, Phú Yên của vùng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 76% diện tích dừa của cả nước, với quy mô khoảng xấp xỉ 110 ngàn ha.
2.1. Tình hình sản xuất dừa Bến Tre:
Bến Tre là tỉnh có quy mô dừa lớn nhất cả nước và được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn. Trước năm 2005, diện tích dừa ổn định trong khoảng 37.000ha - 38.000ha. Sau đó tăng nhanh và đạt đến 55.870ha vào năm 2011 (chiếm 31,14% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh) và đạt khoảng 58.440ha năm 2012. Toàn tỉnh có 163.082 hộ trồng dừa, đa số hộ trồng dừa có diện tích đất ít: 122.964 hộ trồng dưới 0,5ha, 31.652 hộ trồng từ 0,5 đến 1ha và 8.466 hộ trồng trên 1ha.
Khoảng 12,5% diện tích dừa Bến Tre trồng các giống dừa thuộc nhóm cho trái tươi (dừa uống nước) phổ biến như các giống dừa Xiêm. Khoảng 87,5% diện tích còn lại trồng các giống dừa cho chế biến công nghiệp hoặc đa dụng. Các vùng trồng dừa tươi phân bố xen kẽ với vùng dừa chế biến công nghiệp.
Năng suất dừa Bến Tre thuộc vào nhóm cao (9.703 trái/ha/năm), cao hơn so với năng suất dừa Ấn Độ và Sri Lanka. Sản lượng gia tăng khá nhanh, từ 259 triệu trái năm 2005 lên khoảng 469 triệu trái năm 2012.
Về kỹ thuật, chủ yếu là bón phân, bồi bùn hàng năm. Thành quả đáng chú ý nhất là ứng dụng công nghệ sinh học (ong ký sinh) phòng trừ bọ cánh và phát triển các loại hình canh tác tổng hợp trong vườn dừa (dừa xen ca cao, chanh, cây có múi, măng cụt, nuôi tôm cá trong mương dừa, nuôi ong mật trong vườn dừa)…
Xét về triển vọng phát triển, Bến Tre vẫn còn quỹ đất tiềm năng để phát triển vùng chuyên canh dừa trên nền đất chuyển đổi từ cây trồng khác, như đất trồng mía, trồng lúa năng suất thấp hoặc đất lúa nhỏ lẻ. Quỹ đất tiềm năng có không dưới 10 ngàn ha. Về năng suất, vẫn có khả năng nâng cao năng suất dừa từ 20-30% trên diện rộng nếu được đầu tư trồng mới với các giống dừa có năng suất cao, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân và bảo vệ thực vật tốt.
2.2. Tình hình chế biến dừa Bến Tre:
Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre tuy mới hình thành không lâu, nhưng đã có sự phát triển nhanh khá chắc chắn và phong phú về mặt hàng. Công nghiệp chế biến dừa đã tiêu thụ 85,74% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh và chiếm tỷ trọng khá lớn so với ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo số liệu tổng hợp thống kê và điều tra ngành chế biến dừa giai đoạn 2005-2010 và năm 2011 như sau:
- Số lượng doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa: Giai đoạn 2005-2010 tăng bình quân 3,04%/năm, từ 1.399 cơ sở và doanh nghiệp năm 2005 tăng lên 1.625 đơn vị năm 2010, chiếm 16,67% số cơ sở ngành công nghiệp. Năm 2011 tăng lên 1.929 đơn vị, chiếm 15,53% tổng số cơ sở toàn ngành công nghiệp (biểu 2,3).
- Lao động tham gia trong các doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa: Chiếm tỷ lệ khá cao trong lao động ngành công nghiệp, giai đoạn 200-2010 tăng bình quân 5,8%/năm, từ 15.414 người năm 2005, lên 20.429 người năm 2010, chiếm 41,76% tổng lao động ngành công nghiệp. Năm 2011 tăng lên 22.639 lao động, chiếm 38,71% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp của tỉnh (biểu 2,3).
- Giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến dừa: Tăng đều và giữ vững tỷ trọng cao trong cơ cấu chung của ngành. Năm 2006 giá trị sản xuất ngành chế biến dừa là 480 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,91% trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, đến năm 2010 giá trị sản xuất các sản phẩm từ dừa 820 tỷ đồng, chiếm 24,58% so với giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng bình quân 13,52%/năm (giá cố định 1994) (biểu 4).
- Trình độ công nghệ (thiết bị, quản lý, nhân lực và thông tin): Ngành dừa có thể phân thành 3 nhóm:
+ Nhóm có trình độ khá tập trung các phân ngành sản xuất sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, than hoạt tính... có quy mô vừa và có trình độ khá về đầu tư thiết bị, quản lý, nhân lực và thông tin, đa số doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng, đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường...
+ Nhóm ngành chế biến được đánh giá trung bình (kẹo dừa, chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ, thạch dừa) các tiêu chí trình độ thiết bị, trình độ nhân lực và đào tạo lao động được đánh giá là thấp và các chỉ tiêu như mức độ sử dụng thông tin, quản lý của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.
+ Nhóm ngành xuất than thiêu kết: Tiềm năng áp dụng khoa học công nghệ ở mức trung bình - thấp vì đa phần các đơn vị có quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, quy trình sản xuất đơn giản, chỉ có thể áp dụng những giải pháp quản lý nội vi hay đầu tư thay đổi công nghệ mới.
2.3. Thị trường và các sản phẩm dừa chủ yếu của Bến Tre:
2.3.1. Thị trường tiêu thụ dừa:
* Kênh tiêu thụ nội địa: Chủ yếu là trái dừa tươi (làm nước giải khát) cho các thị trường: Đô thị ở các tỉnh phía Nam, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả Hà Nội. Một lượng trái dừa khô cũng được tiêu thụ trong nước để làm thực phẩm nấu nướng hoặc bánh kẹo. Các sản phẩm chế biến cũng được tiêu thụ trên thị trường nội địa nhưng tỷ trọng còn khiêm tốn.
* Kênh xuất khẩu: Tiêu thụ phần lớn các sản phẩm dừa của Bến Tre.
- Dưới hình thức nguyên liệu thô chủ yếu cho sản phẩm trái dừa khô lột vỏ, khách hàng chủ yếu là thương nhân Trung Quốc.
- Dưới hình thức sản phẩm đã chế biến: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, kẹo dừa, thạch dừa thô, than gáo dừa (đã xay), than hoạt tính, xơ dừa, mụn dừa, dầu dừa... xuất khẩu đi đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu từ 51,439 triệu USD (năm 2006) và tăng lên 84,8 triệu USD năm 2010 bình quân tăng 14,38%/năm (chiếm tỷ trọng 32,12% kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh năm 2010 và tăng đột biến lên 155,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 42,51% kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh năm 2011). Thị trường xuất khẩu các sản phẩm dừa tăng khá nhanh, từ 48 nước và vùng lãnh thổ năm 2005, đến năm 2010 sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 65 nước và vùng lãnh thổ; cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch phù hợp theo định hướng của chương trình phát triển xuất khẩu của tỉnh và phát triển theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế (biểu 5).
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa được mở rộng, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch từ một số nước là thị trường trung gian ở Châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore sang thị trường trực tiếp EU, Bắc Mỹ có nhiều tiềm năng.
2.3.2. Các sản phẩm dừa:
Từ nguyên liệu của cây dừa Bến Tre hiện nay đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao: Cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng lon, than hoạt tính...
+ Cơm dừa nạo sấy: Giai đoạn 2006-2010 sản lượng sản phẩm sản xuất tăng bình quân 8,62%/năm, cao nhất là năm 2009 đạt hơn 44.300 tấn; năm 2010 sản xuất được 30.305 tấn, tương đương 182 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 5,45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
+ Sữa dừa: Có 2 dự án sản xuất sữa dừa, tổng công suất dự kiến khoảng 37.000 tấn/năm, hiện 1 dự án đã đi vào hoạt động ổn định, dự án còn lại đang ở giai đoạn sản xuất thử, sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng nhưng mức khai thác công suất còn thấp, năm 2010 sản xuất được 5.052 tấn thành phẩm, năm 2011 đã sản xuất được 20.291 tấn thành phẩm.
+ Kẹo dừa: Giai đoạn 2006-2010 sản lượng sản phẩm tăng bình quân 7,89%/năm, và đạt hơn 18.100 tấn năm 2010; tương đương 217 tỷ đồng giá trị sản xuất, chiếm 23,87% trong tổng giá trị sản xuất ngành chế biến dừa và chiếm 6,51% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
+ Chỉ xơ dừa: Giai đoạn 2006-2010 sản lượng tuy có xu hướng tăng nhưng không ổn định, tăng bình quân 4,13%/năm, năm 2010 sản xuất được 67.500 tấn, tương đương 105 tỷ đồng giá trị sản xuất, chiếm 11,5% trong tổng giá trị sản xuất ngành chế biến dừa và chiếm 3,14% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
+ Mụn dừa: Hiện toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp hoạt động sản xuất mụn dừa, tổng công suất khoảng 70.000 tấn/năm; giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 67,64% và đạt sản lượng 11.690 tấn tương đương 10 tỷ đồng giá trị sản xuất.
+ Than thiêu kết: Công suất đốt than thường xuyên biến động theo tình hình tiêu thụ, trong giai đoạn 2006-2010 sản lượng than thiêu kết cũng có nhiều biến động, từ 17.300 tấn năm 2005 giảm xuống 12.370 tấn năm 2006 và tăng dần đến năm 2010 đạt 28.000 tấn, tương đương 32 tỷ đồng giá trị sản xuất, chiếm 0,97% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
+ Than hoạt tính: Hiện tỉnh có 3 dự án sản xuất than hoạt tính, công suất đăng ký khoảng 22.000 tấn/năm, các dự án đều dự tính sản xuất từ nguyên liệu là than gáo dừa; đến năm 2010 mới chỉ có 1 nhà máy đi vào hoạt động với sản lượng 936 tấn; năm 2011 sản lượng than hoạt tính đạt 4.491 tấn, tương đương 43 tỷ đồng giá trị sản xuất.
+ Hàng TCMN từ dừa: Rất phong phú và đa dạng, có 8 doanh nghiệp, 65 cơ sở cá thể (không kể các làng nghề, hộ gia công) sản xuất trên 200 chủng loại các sản phẩm khác nhau, đã tận dụng tất cả những phụ phẩm từ cây dừa để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu và khách du lịch. Phần lớn các đơn vị có quy mô nhỏ, thiếu đội ngũ thiết kế.
+ Thạch dừa: Sản lượng thạch dừa giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 58,65%/năm, từ 1.460 tấn năm 2005 tăng lên 14.672 tấn năm 2010. Ngoài sản phẩm thạch dừa thô, các cơ sở trong tỉnh đã đầu tư sản xuất được sản phẩm thạch dừa thành phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đây là phụ phẩm của hoạt động chế biến trái dừa vốn đầu tư ít nhưng giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, góp phần làm tăng giá trị cho cây dừa.
Chuỗi giá trị dừa Bến Tre hình thành dựa trên sự gắn kết giữa nhiều nhóm tác nhân tham gia. Các tác nhân chính đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị dừa là những hộ nông dân trồng dừa, hộ thu gom, cơ sở sơ chế dừa, các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm dừa và thương nhân Trung Quốc.
3.1. Nông dân trồng dừa:
Nông dân trồng dừa ở Bến Tre, có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành và thu nhập từ cây dừa cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của hộ nông dân trồng dừa.
* Hiệu quả sản xuất trên 1.000 trái dừa sản xuất trong năm 2010:
- Giá thành dừa trái khô 1.735 đồng/trái, (21.000 đồng/chục). Giá bán trung bình là 6.000 đồng/trái (72.000 đ/chục) thì doanh thu 6 triệu/1.000 trái.
- Chi phí trung gian chiếm 8% doanh thu (chủ yếu phân bón khoảng 95%).
- Giá trị gia tăng chiếm 92% doanh thu (tỷ trọng lao động 17%, lãi gộp 82%).
- Với giá bán 6.000 đồng/trái thì lãi ròng 75% doanh thu (khoảng 4,5 triệu đồng/1000 trái) khi giá dừa trái còn 32.000 đồng/chục thì lãi ròng 34,4% (932.000đ/1000 trái).
Lợi nhuận của trồng dừa là khá cao so chi phí. Tuy lợi nhuận cao so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị dừa, nhưng phần lớn các hộ trồng dừa trong tỉnh có quy mô diện tích nhỏ nên thu nhập của hộ nông dân trồng dừa thấp, nếu chỉ dựa vào thu nhập từ trái dừa thì người nông dân không thể trang trải được chi phí sinh hoạt gia đình mà phải thực hiện các mô hình kinh tế nông hộ có hiệu quả như trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa thì mới cải thiện được đời sống.
3.2. Thương lái thu gom dừa trái:
Mạng lưới người thu gom nhỏ có vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị, là thành phần không thể thiếu, đặc biệt là những vùng nông thôn xa, giao thông khó khăn. Họ cũng bảo đảm việc thu hái tại vườn và vận chuyển tập kết dừa trái. Quan hệ thương mại giữa người thu gom dừa trái và nông dân mang tính địa phương chặt chẽ, được xây dựng nhiều năm dựa trên nền tảng tình làng nghĩa xóm và sự tin cậy lẫn nhau.
* Hiệu quả sản xuất trên 1.000 trái dừa sản xuất trong năm 2010:
- Giá bán chênh lệch giữa mua và bán của các lái thu gom nhỏ từ 5.000 đồng-10.000 đồng/chục (12 trái).
- Chi phí trung gian chiếm 87% doanh thu,.
- Giá trị gia tăng chiếm 13% doanh thu (lao động 35%, lãi gộp 57%, khác..).
- Hộ thu gom đạt mức lãi ròng 7,3% doanh thu (khoảng 421.000 đồng/1.000 trái) và thu nhập gia đình (lãi gộp cộng thu hái, vận chuyển) là 13% (khoảng 750.000 đồng/1.000 trái).
Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu của thương lái thu gom dừa trái tương đối thấp nhưng do hoạt động thu gom chủ yếu là lao động gia đình theo hình thức lấy công làm lời, mặt khác số lượng thu gom nhiều nên thu nhập của thương lái thu gom dừa trái tương đối khá.
3.3. Cơ sở sơ chế dừa trái:
Sự hình thành, phát triển và cơ chế vận hành của hệ thống sơ chế dừa trái xuất phát từ tính phân tán (theo hộ) và quy mô sản xuất nhỏ của nông dân cùng với doanh nghiệp chế biến và sản xuất đơn ngành nên các doanh nghiệp chế biến không hình thành mạng lưới thu mua dừa trái và cũng không có bộ phận sơ chế trái dừa nguyên liệu. Cơ sở sơ chế có vai trò quyết định trong cung cấp nguyên liệu, có khả năng tác động lớn đến giá dừa trái nguyên liệu, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm đầu ra của nhà máy và tạo ra sự thao túng về giá nguyên liệu trong điều kiện khan hiếm dừa trái.
* Hiệu quả sản xuất trên 1.000 trái dừa sản xuất trong năm 2010:
- Doanh thu trung bình ở các cơ sở sơ chế 1.000 trái dừa là 8,58 triệu đồng (cơm dừa chiếm 67,65%, nước dừa 18%, vỏ dừa và gáo dừa 5,24%).
- Chi phí trung gian 73% doanh thu.
- Giá trị gia tăng chiếm 27% doanh thu (tỷ trọng lao động 23%, lãi gộp 77%).
- Lãi ròng 20,4% doanh thu (khoảng 1,78 triệu đồng/1.000 trái).
Tỷ lệ lợi nhuận khá cao, tuy nhiên trên thực tế thu nhập của cơ sở sơ chế còn phụ thuộc rất nhiều vào biến động sản lượng và nhất là biến động giá nguyên liệu so với giá sản phẩm bán ra.
3.4. Doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm dừa:
Do tính đa dạng của sản phẩm dừa mà chuỗi giá trị dừa Bến Tre khá phức tạp và có nhiều kênh sản phẩm khác nhau. Hiện nay, các dòng sản phẩm chế biến và xuất khẩu chủ lực của ngành dừa Bến Tre điển hình là cơm dừa nạo sấy.
Doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy có vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của ngành dừa, quyết định trình độ công nghệ chế biến và khả năng mở rộng thị trường thế giới cho ngành dừa Bến Tre. Doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy sử dụng một phần đáng kể nguồn nguyên liệu dừa của tỉnh cũng như từ các tỉnh lân cận (năm 2012 sản xuất cơm dừa nạo sấy tiêu thụ khoảng 66,67% lượng dừa trái của tỉnh) tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn cho địa phương, cũng là tác nhân có vai trò quyết định giá trên thị trường địa phương và là đối trọng cạnh tranh của thương nhân Trung Quốc.
* Hiệu quả sản xuất cho 1 tấn cơm dừa nạo sấy (khoảng 6.000 trái dừa) năm 2010:
- Doanh thu cho 1 tấn cơm dừa nạo sấy khoảng 26 triệu đồng/tấn.
- Chi phí trung gian chiếm 84% doanh thu (mua cơm dừa khoảng 95% ...).
- Giá trị gia tăng chiếm 16% doanh thu (tỷ trọng lao động 18%, lãi gộp chiếm 65%, khác 7%).
- Lãi ròng chiếm 9,6% doanh thu (khoảng 2,5 triệu/tấn, khoảng 416.000 đồng/1.000 trái).
Tuy tỷ lệ lợi nhuận khá, nhưng các doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy phải chịu nhiều rủi ro trong kinh doanh, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường xuất khẩu.
3.5. Thương nhân nước ngoài:
Trong chuỗi giá trị dừa Bến Tre, thương nhân nước ngoài vừa đóng vai trò hỗ trợ, vừa đóng vai trò cạnh tranh với thị trường trong nước. Cần nhìn nhận một cách khách quan cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, trong ngắn hạn và trong dài hạn, đối với khía cạnh kinh tế đồng thời cả khía cạnh xã hội từ đó mới có chính sách và chiến lược phù hợp phát triển ngành dừa bền vững.
a) Tác động tích cực:
- Trong ngắn hạn, cầu về dừa trái nguyên liệu tăng nhanh nhờ vào hoạt động thu mua tích cực của thương nhân nước ngoài, tạo cơ hội cho giá dừa trái tăng nhanh. Kết quả tích cực là giúp người nông dân trồng dừa có thu nhập cao hơn.
- Trong dài hạn, sự có mặt của các thương nhân nước ngoài tạo môi trường kinh doanh rất cạnh tranh và tạo áp lực phát triển với các doanh nghiệp trong tỉnh, thúc đẩy phát triển công nghệ và phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từ đó nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và mua nguyên liệu. Và đặc biệt, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ phải thay đổi chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu, chiến lược liên kết cho phù hợp với cạnh tranh, tăng cường hợp tác và hỗ trợ người nông dân, điều mà hiện nay còn rất yếu hay gần như không có ở các doanh nghiệp hiện tại.
b) Tác động tiêu cực:
- Hậu quả trước mắt, là các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng nguồn nguyên liệu biến động mạnh dẫn đến giảm công suất chế biến, hoặc sản xuất không ổn định, trong khi vẫn phải duy trì một lực lượng lao động tối thiểu, doanh nghiệp có thể gặp phải nguy cơ phá sản rất cao.
- Hậu quả trong dài hạn của vấn đề thương nhân nước ngoài thu mua dừa nguyên liệu tự do như hiện nay làm cho ngành chế biến dừa ở Bến Tre thiếu hụt nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến dừa không phát triển sẽ tăng tỷ lệ thất nghiệp và không tạo ra được việc làm và giá trị gia tăng cho xã hội.
4.1. Mặt mạnh:
- Bến Tre có diện tích dừa chiếm 38,8% tổng diện tích dừa của cả nước, có điều kiện khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng phù hợp với cây dừa, có đội ngũ nông dân có kinh nghiệm trồng dừa lâu đời nên cho năng suất trái khá cao. Ngành dừa Bến Tre đã tạo ra vị thế kinh tế - xã hội hết sức quan trọng đối với nền kinh tế địa phương, góp phần tích cực cho quá trình phát triển nông thôn bền vững, đóng vai trò như là hạt nhân của ngành công nghiệp chế biến dừa của Việt Nam và kích thích sự phát triển của vùng dừa các tỉnh lân cận ở đồng bằng Sông Cửu Long.
- Ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre có bước phát triển liên tục, khá nhanh và toàn diện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; đã tiếp cận, chuyển giao được một số công nghệ tương đối hiện đại để sản xuất một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Than hoạt tính, sữa dừa đóng lon, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa sạch…
- Sản phẩm ngành dừa đa dạng và được chế biến ở các cấp độ khác nhau, từ hộ nông dân đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tận dụng hầu hết các sản phẩm có được từ cây dừa.
- Thương mại các sản phẩm dừa ở Bến Tre phát triển khá mạnh, đặc biệt là sự gắn kết với thị trường nội địa và thị trường thế giới.
4.2. Mặt yếu:
- Ngành dừa Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng có vị trí khiêm tốn trên bản đồ dừa thế giới. Vì vậy, ngành dừa chỉ đóng vai trò người chấp nhận giá, chứ không thể đóng vai trò người định giá trên thị trường. Do vậy, biến thiên giá các sản phẩm dừa trên thị trường thế giới sẽ tác động rất lớn đến giá dừa trái nguyên liệu và các sản phẩm chế biến trong nước và nội tỉnh Bến Tre.
- Cây dừa chiếm vị thế quá nhỏ trong cơ cấu nông nghiệp chung của vùng và cả nước, mặc dầu đã hình thành và phát triển lâu đời và xem là một cây công nghiệp lâu năm, nhưng cây dừa còn thiếu các chiến lược quốc gia về phát triển toàn diện, cả địa phương và Trung ương đều chưa có quy hoạch, chương trình dài hạn và chính sách thỏa đáng để phát triển cây dừa và ngành dừa lâu dài và bền vững.
- Cây dừa Bến Tre có năng suất cao nhưng mật độ trồng và chế độ canh tác, chăm sóc vườn dừa chưa được nông dân quan tâm đúng mức, do đó chưa khai thác hết lợi thế và tiềm năng của cây dừa.
- Công nghiệp chế biến dừa đã có bước phát triển nhanh và liên tục, tuy nhiên chưa bền vững, phần lớn các doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre có quy mô vừa và nhỏ; trình độ công nghệ, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; chưa tạo được uy tín thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp trên thương trường.
- Thị trường các sản phẩm dừa có sự biến động thường xuyên làm mất tính ổn định của ngành chế biến nội địa. Hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Bến Tre chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sự thâm nhập quá sâu của hệ thống thương nhân nước ngoài gây ra những tác động bất lợi cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với ngành chế biến dừa ở Bến Tre. Chênh lệch về năng lực tài chính và thị trường quá lớn giữa thương nhân nước ngoài và các doanh nghiệp chế biến Việt Nam tạo ra bất lợi cho các nhà chế biến nội địa.
- Sự liên kết trong ngành dừa còn lỏng lẻo. Quan hệ giữa nông dân - thương lái - doanh nghiệp chế biến là mua đứt bán đoạn, lợi ích không hài hoà. Tình trạng thiếu liên kết và cạnh tranh không lành mạnh, làm cho các doanh nghiệp chế biến dừa trong tỉnh thường bị rơi vào thế yếu so với các đối tác bên ngoài.
DỰ BÁO CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NGÀNH DỪA
1. Sự tác động và ảnh hưởng điều kiện nước ngoài đến ngành dừa Bến Tre:
Những công nghệ mới cùng sự nghiên cứu và phát triển cập nhật nhiều thông tin về sự cải tiến cây dừa, hệ thống canh tác dừa, nền khoa học và dinh dưỡng dừa, sự phát triển các sản phẩm dừa và sản phẩm có giá trị gia tăng, những phát hiện y học về các lợi ích có lợi cho sức khoẻ của dầu dừa/dầu dừa tinh khiết (VCO) cũng như những phát triển về việc tiêu thụ các sản phẩm dừa tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Dự báo trong thời gian tới, các nước sẽ tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm dừa có hàm lượng công nghệ cao, đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín, chi phí sản xuất sẽ giảm xuống, dẫn đến giá thành sản phẩm thấp và rất cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp các nước cũng chú trọng đến chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, là yếu tố làm tăng giá trị gia tăng các sản phẩm dừa. Xu hướng phát triển của các công ty xuyên quốc gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm dừa sẽ tăng nhanh với sức mạnh toàn diện (khoa học công nghệ, tài chính, sự liên kết, mạng lưới phân phối) các công ty xuyên quốc gia sẽ là lực lượng chủ đạo quyết định thị trường các sản phẩm dừa trên thế giới.
Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm dừa như: Dầu dừa tinh khiết, sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa và nhiều sản phẩm khác từ dừa tăng cao. Do người dân đang ngày càng nhận thức rõ tính có lợi cho sức khỏe của dầu dừa nên nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng thay đổi. Dừa đang có xu hướng tăng trở lại trong các chế độ ăn của người Mỹ do dừa được xem là thực phẩm nguyên chất và đang đạt được sức thu hút. Nền tảng tiêu thụ trên bao gồm các sản phẩm dừa như một thực phẩm có lợi cho sức khỏe, một siêu thực phẩm đã được chứng nhận có tính hữu cơ. Các sản phẩm dừa khác như chỉ xơ dừa và những sản phẩm từ chỉ xơ dừa như mụn dừa, lưới phủ đất, than hoạt tính từ than gáo dừa được xem là những sản phẩm chứa hàm lượng cácbon rất thấp, không gây hại môi trường. Vì thế, khuynh hướng tiêu thụ các sản phẩm dừa dự kiến tăng cao, quy mô thị trường liên tục phát triển, đặc biệt là ở thị trường Châu Âu, Đông Bắc Á, Trung Đông cũng là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm từ dừa.
Các hoạt động hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tạo ra nhận thức tốt hơn về vai trò của ngành dừa Bến Tre, thúc đẩy các hoạt động phát triển và hỗ trợ người nghèo gắn kết với sự phát triển của ngành. Các hoạt động của cộng đồng dừa Châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia thành viên góp phần mở rộng và quảng bá hình ảnh của sản phẩm dừa Bến Tre; đồng thời tạo cơ hội để ngành dừa Bến Tre tiếp cận sâu hơn với thị trường thế giới và tăng khả năng nâng cấp công nghệ chế biến. Ngành dừa có khả năng tiếp cận và du nhập công nghệ chế biến của các quốc gia có thế mạnh về chế biến.
2. Ảnh hưởng của điều kiện trong nước:
Điều kiện tự nhiên của tỉnh Bến Tre và vùng đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung là phù hợp cho cây dừa. Cây dừa có khả năng phát triển trên các vùng sinh thái nước lợ ở các ven biển, thay thế cho cây lúa và cây trồng khác năng suất thấp. Bến Tre còn khả năng tăng diện tích và sản lượng dừa trong dài hạn.
Dự báo đến năm 2015, những tiềm năng kinh tế của tỉnh từng bước được khai thác để tập trung cho xuất khẩu, cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, các chính sách đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp chế biến sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Trong những năm tới, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố từng bước được mở rộng sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm dừa.
Thị trường nội địa có quy mô lớn, đang đô thị hóa và có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến, tiện dụng, an toàn cho sức khoẻ.
Xu hướng phát triển ngành dừa chính là đi vào khai thác hiệu quả chuỗi giá trị, tức là tăng cường năng lực cạnh tranh cả khâu: Trồng dừa, chế biến, tiêu thụ. Đây là yếu tố quyết định tính bền vững của cây dừa Bến Tre trong tương lai.
3. Những thách thức ngành dừa trong thời gian tới:
Trong ngắn hạn khó có khả năng phát triển quy mô ngành dừa vì không tăng được diện tích canh tác ở quy mô lớn. Hiện tượng dừa treo và vấn đề kiểm soát dịch bệnh mà chủ yếu là bọ dừa chưa được khắc phục, gây ảnh hưởng bất lợi đến năng suất, sản lượng và chất lượng dừa Bến Tre. Biến đổi khí hậu trong dài hạn có thể tác động xấu đến quy mô canh tác và năng suất, sản lượng của ngành dừa Bến Tre.
Nhìn chung, tình hình sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành dừa tỉnh Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn bởi tác động tiêu cực do xuất khẩu dừa trái nguyên liệu và thao túng của thương nhân Trung Quốc, các doanh nghiệp chế biến dừa vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng nguồn nguyên liệu đầu vào và nhu cầu thị trường đầu ra không ổn định. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với áp lực đổi mới công nghệ, một số doanh nghiệp nếu vẫn duy trì sản xuất, chế biến xuất khẩu các sản phẩm thô thì hiệu quả kinh doanh sẽ rất thấp hoặc không có hiệu quả hoặc thua lỗ. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp trở ngại khi thâm nhập vào thị trường thế giới do quy định của các nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra rất nghiêm ngặt sẽ là rào cản lớn cho hoạt động xuất khẩu. Dự báo đến năm 2015, năng lực cạnh tranh các sản phẩm dừa của Bến Tre tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhất là khi Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế trong khuôn khổ của AFTA và WTO, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trên thị trường quốc tế cũng như ngay cả trên thị trường trong nước.
MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1.1. Mục tiêu chung:
Gia tăng năng suất, sản lượng dừa và thu nhập của người trồng dừa, đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dừa trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy sự gắn kết và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành dừa tập trung hợp lý hài hòa ở cả khâu: Trồng dừa, chế biến, tiêu thụ và phát triển du lịch gắn với cây dừa, góp phần thúc đẩy ngành dừa phát triển nhanh và bền vững.
1.2.1. Đến năm 2015:
- Diện tích trồng dừa tập trung đạt khoảng 60.000ha, năng suất 9.800 trái/ha/năm, sản lượng 588 triệu trái. Trong đó:
+ Dừa công nghiệp chiếm 80-85% (khoảng 48.000-51.000ha), và dừa uống nước khoảng 15-20% (9.000-12.000ha).
+ Diện tích dừa trồng xen chiếm 27.000ha (quy đổi). Trong đó, xen ca cao dự kiến đạt gần 15.000ha.
- Giá trị sản xuất của ngành chế biến dừa tăng bình quân 13,58 %/năm.
- Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa tăng bình quân 18,72%/năm đạt 200 triệu USD năm 2015.
1.2.2. Định hướng mục tiêu chiến lược đến năm 2020:
- Diện tích dừa tập trung khoảng 60.000ha, năng suất 10.000 trái/ha/năm, sản lượng 600 triệu trái. Trong đó:
- Phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến; đa dạng hóa sản phẩm chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên 11,57%/năm.
- Phát triển gắn kết thị trường nội địa với thị trường nước ngoài, trong đó thị trường nước ngoài chủ đạo (> 70%); xây dựng được các thương hiệu sản phẩm dừa có uy tín. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa tăng bình quân 12,47%/năm, dự kiến đạt 360 triệu USD năm 2020.
2.1. Phát triển và ổn định vùng dừa theo hướng tối ưu hóa khai thác tổng hợp tiềm năng kinh tế vườn dừa (thâm canh, trồng xen, nuôi xen) tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác:
- Về diện tích, căn cứ vào hiện trạng, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phân bố diện tích trồng dừa; đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những cây có hiệu quả kinh tế thấp, khó tiêu thụ, những cây không phải là thế mạnh của tỉnh, bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khắc nghiệt của tự nhiên như xâm nhập mặn, nhiễm phèn, lũ lụt, hạn hán,... sang trồng dừa, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tiếp tục điều tra, nghiên cứu sâu thêm về thực tế sản xuất, về thổ nhưỡng, dự báo tác động về biến đổi khí hậu, để xác định rõ vùng đất cần đưa cây dừa vào thay thế những cây trồng khác, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của tỉnh; xác định những cây trồng vật nuôi xen trong vườn dừa phù hợp ở từng vùng, để khuyến cáo, hướng dẫn cho nông dân sản xuất.
- Về hệ thống canh tác, tập trung phát triển hệ thống canh tác tổng hợp trong vườn dừa (dừa xen ca cao, chanh, cây có múi, măng cụt, nuôi tôm cá trong mương dừa, nuôi ong mật trong vườn dừa)… Nhân rộng những mô hình trồng xen, nuôi xen hợp lý có hiệu quả trong vườn dừa; xây dựng mô hình vườn xanh, nhà đẹp kết hợp tham quan, du lịch góp phần xây dựng mô hình kiểu mẫu nông thôn mới;… nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất đai vườn dừa để đảm bảo độ bền vững của sản xuất. Hình thành vùng chuyên canh dừa để hợp tác trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ.
- Về quy mô sản xuất dừa: chủ yếu vẫn là nông hộ, tuy nhiên cần đẩy mạnh việc hình thành các vùng sản xuất dừa phù hợp với điều kiện sinh thái, theo từng mục tiêu khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận cho người trồng dừa, thuận lợi trong công tác quản lý và ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; hỗ trợ tốt các cơ sở thu mua, chế biến và tích cực phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch tại các địa bàn có tiềm năng. Xây dựng sự liên kết hợp tác giữa người trồng dừa với nhau và với doanh nghiệp để ổn định sản xuất và giúp người trồng dừa bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp.
- Về giống: Tuyển chọn, quản lý công tác sản xuất giống, xây dựng tiêu chuẩn các giống dừa. Đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn các cây đầu dòng, xây dựng vườn dừa giống gốc trọng điểm của các giống dừa địa phương thông qua dự án “Thiết lập và Bình tuyển cây dừa mẹ để cải thiện giống dừa trong sản xuất đại trà, giai đoạn 2013-2015”. Chú trọng đến các giống dừa có năng suất và giá trị kinh tế cao phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương. Xây dựng hệ thống cung cấp giống dừa đủ tiêu chuẩn cho nhu cầu phát triển ngành dừa.
- Về kỹ thuật trồng, chăm sóc: Chú trọng canh tác theo hướng hữu cơ, đồng thời ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vườn dừa như cơ giới hóa bồi bùn, bón phân, khuyến cáo nông dân tưới nước cho dừa trong mùa khô hạn; nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh tại hộ gia đình.
- Về kết cấu hạ tầng thủy lợi, kiểm soát tốt nguồn nước và các công trình đầu mối nhằm phát triển nuôi tôm cá trong vườn dừa và tạo điều kiện phát triển các cây trồng xen trong vườn.
2.2. Phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến; đa dạng hóa sản phẩm chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới: Cấu trúc lại ngành công nghiệp chế biến dừa tập trung cả 3 khâu: Công nghệ, sản phẩm và doanh nghiệp:
2.2.1. Về công nghệ:
- Phát triển công nghiệp chế biến dừa theo hướng đầu tư chiều sâu sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.
- Hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, cải tiến bao bì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
- Tổ chức các khu vực tập trung và nâng cấp công nghệ sơ chế, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn và kiểm định chất lượng tại các cơ sở sơ chế để bảo đảm và nâng cao chất lượng nguyên liệu, giảm chi phí và hạn chế việc thao túng giá dừa.
2.2.2. Về sản phẩm:
- Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến mang tính chiến lược và đã được khẳng định trên thị trường; tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm chất lượng cao đã có như: sữa dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính,...
- Khuyến khích nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm và sản xuất các sản phẩm mới, chất lượng cao, có triển vọng về thị trường như: Dầu dừa sạch, dầu VCO (Virgin coconut oil), mỹ phẩm từ dừa, các loại thực phẩm và thực phẩm chức năng, dược phẩm…
- Hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu dừa nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
2.2.3. Về doanh nghiệp:
- Sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng khuyến khích, hỗ trợ hình thành phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn có đủ tiềm năng và năng lực cạnh tranh.
- Hỗ trợ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống để tạo việc làm thu hút lao động nông thôn đồng thời tạo ra các sản phẩm có nhu cầu thị trường, hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm tinh như các loại chỉ xơ dừa, than thiêu kết, thạch dừa thô,…
2.3. Phát triển gắn kết thị trường nội địa với thị trường nước ngoài, trong đó thị trường nước ngoài chủ đạo (>70%); xây dựng được các thương hiệu sản phẩm dừa có uy tín.
2.3.1. Tích cực khai thác và phát triển thị trường nội địa:
- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm dừa; cẩm nang ngành dừa…
- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh thông tin thị trường tiêu thụ, thông qua báo, đài, các hội chợ tại tỉnh, trong nước; thiết lập các kênh phân phối hệ thống bán buôn và bán lẻ hiện đại (các siêu thị) trong nước; tham gia các showroom, giao thương với các doanh nghiệp trong nước.
2.3.2. Phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng củng cố thị trường truyền thống, tập trung xuất khẩu vào thị trường mục tiêu, mở rộng thị trường tiềm năng, thâm nhập thị trường mới, tập trung triển khai:
- Thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm của sản phẩm dừa.
- Tổ chức khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm thương mại tại nước ngoài, lựa chọn những hội chợ chuyên ngành, có uy tín, phù hợp với sản phẩm, năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các hoạt động giao dịch thương mại, nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại.
- Tập huấn cho doanh nghiệp về nghiệp vụ sản xuất kinh doanh, nghiên cứu thị trường, ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng và quảng bá thương hiệu.
2.3.3. Xây dựng và quảng bá thương hiệu để nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp và giá trị niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm:
- Hỗ trợ xây dựng và khai thác giá trị thương mại dừa phục vụ uống nước.
- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài.
2.4. Tổng hợp định hướng công nghệ, sản phẩm và thị trường chủ yếu: Tập trung đầu tư nâng cấp công nghệ; kiểm soát chất lượng; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ cho dòng 21 sản phẩm chế biến dừa chủ yếu (trong đó: 15 sản phẩm đã được khẳng định, 06 sản phẩm tiềm năng). Với định hướng sản phẩm như trên, đến năm 2020 ngành công nghiệp chế biến dừa trên địa bàn tỉnh sẽ tiêu thụ khoảng 572 triệu trái dừa nguyên liệu, bên cạnh việc tiêu thụ hết sản lượng dừa chế biến công nghiệp dự kiến thu hoạch được trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 448 triệu trái, ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre sẽ tiêu thụ khoảng 114 triệu trái dừa của các tỉnh trong khu vực lân cận (biểu số 10).
2.5. Phát triển du lịch:
- Đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng “Hình ảnh du lịch Bến Tre” với đặc trưng “Xứ dừa”, thể hiện và khai thác tối đa sắc thái riêng của Bến Tre với biểu tượng cây dừa. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng cho Bến Tre với chủ đề “Cây dừa” nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của cây dừa.
- Xây dựng nhà triển lãm về dừa, giới thiệu hoạt động canh tác vườn dừa, đời sống văn hóa xứ dừa, các sản phẩm sản xuất chế biến từ dừa.
- Tổ chức khu ẩm thực từ dừa, giới thiệu các món ăn chế biến từ dừa, giới thiệu du khách thưởng thức và mua đặc sản chế biến từ dừa.
- Phát triển hệ thống các cửa hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, hàng đặc sản chế biến từ dừa để phục vụ du khách.
- Xây dựng các khu du lịch sinh thái vườn dừa, xây dựng mô hình vườn xanh, nhà đẹp kết hợp các chương trình du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng, du lịch tham quan làng quê vườn dừa, phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu tự nhiên vườn dừa, tìm hiểu về cây dừa, hoạt động canh tác vườn dừa, đời sống văn hóa xứ dừa.
- Xây dựng các chương trình du lịch tham quan làng nghề, tham quan cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, giới thiệu quy trình và hoạt động sản xuất; phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch với mô hình sản xuất phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ; khuyến khích phát triển đa dạng mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, từ dừa. Giới thiệu du khách mua sắm sản phẩm làng nghề như hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm từ dừa ngay tại nơi sản xuất. Đây cũng là kênh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm dừa hiệu quả.
2.6. Phát triển hạ tầng phục vụ ngành dừa: Thiết lập 2 cụm công nghiệp chế biến dừa trên cơ sở nâng cấp cụm công nghiệp Phong Nẫm và cụm công nghiệp An Thạnh, thực hiện 2 chức năng:
+ Thu hút các nhà máy doanh nghiệp sơ chế - chế biến tập trung.
+ Thiết lập một hệ thống thu mua (chợ đầu mối) - sơ chế - chế biến liên hoàn các sản phẩm, sản phẩm đầu ra của cơ sở, nhà máy này sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến khác.
2.7. Một số chương trình dự án tập trung đầu tư (biểu số 11, 12).
2.7.1. Lĩnh vực nông nghiệp:
(1) Dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả:
- Thời gian: Từ năm 2013-2016.
- Mục tiêu: Cải tạo 4.410ha vườn dừa kém hiệu quả: tỉa thưa, thay giống và đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật phù hợp để tăng năng suất từ 15-20%.
- Địa điểm: ở 6 huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú.
- Kinh phí: 61,87 tỷ (vốn NS 13.157 triệu, vốn dân 48.710 triệu đồng).
(2) Dự án thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển cây dừa mẹ để cải thiện giống dừa trong sản xuất đại trà:
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2013-2015.
- Mục tiêu: Bình tuyển 18.000 cây dừa mẹ theo tiêu chuẩn, hướng dẫn chăm sóc cây dừa mẹ đáp ứng nhu cầu giống phục vụ cho sản xuất; phát triển trồng mới 90ha vườn dừa đạt chuẩn vườn dừa giống đáp ứng nhu cầu cây dừa giống cho những năm về sau.
- Địa điểm: 5 huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại.
- Kinh phí: 1.794 tỷ đồng (vốn NS SNNN 777 triệu, vốn dân 1.017 triệu).
(3) Dự án phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa:
- Thời gian: Giai đoạn 2011-2015 (Dự án đang được triển khai).
- Mục tiêu: Phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa nhằm tạo thêm thu nhập ổn định cho người trồng dừa, nhân rộng mô hình nuôi tôm liền canh, liền cư.
- Quy mô diện tích: 20ha.
Địa điểm thực hiện: Xã Thuận Điền, xã Lương Phú huyện Giồng Trôm, xã Định thủy, xã Phước Hiệp huyện Mỏ Cày Nam.
- Kinh phí: 2.110 triệu (vốn NS SNKH 1.000 triệu, vốn dân 1.110 triệu).
(4) Dự án trồng xen ca cao trong vườn dừa phục vụ xuất khẩu:
- Thời gian: Giai đoạn 2011-2020 (Dự án đang được triển khai).
- Mục tiêu: Phát triển 10.000ha trồng xen trong vườn dừa nhằm tạo thêm thu nhập ổn định cho người trồng dừa, cung cấp nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.
- Địa điểm thực hiện: Toàn tỉnh.
- Kinh phí: 313.339 triệu (vốn NS tỉnh 15.644 triệu, vốn dân 297.695 triệu).
(5) Dự án thành lập tổ liên kết sản xuất trồng và tiêu thụ sản phẩm dừa:
- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2012-2015 (Dự án đang được triển khai).
- Mục tiêu: Huy động các nguồn lực có liên quan, xây dựng cơ chế hợp tác, lồng ghép giữa các chương trình của các ngành, đoàn thể, gắn kết sản xuất và tiêu thụ; thúc đẩy liên kết ngang, liên kết dọc, tăng hiệu quả sản xuất.
- Địa điểm: 17 xã trong vùng dự án DBRP.
- Kinh phí: 4.169 triệu đồng (vốn dự án DBRP 2.445,66 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 1.223 triệu đồng, vốn dân 500 triệu đồng).
2.7.2. Lĩnh vực công thương:
a* Nhóm dự án đầu tư các doanh nghiệp đến 2015:
(1) Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa đóng lon và nước dừa đóng lon và cơm dừa nạo sấy béo thấp:
- Chủ đầu tư: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới.
- Thời gian thực hiện: 2012-2013.
- Địa điểm thực hiện: Khu công nghiệp An Hiệp.
- Quy mô công suất: Sữa dừa và nước dừa công nghiệp đóng lon: 14.400 tấn/năm; cơm dừa nạo sấy béo thấp 1.440 tấn/năm.
- Tổng vốn đầu tư: 78,5 tỷ đồng.
(2) Dự án đầu tư nhà máy chế biến sữa dừa và nước dừa đóng lon:
- Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre.
- Thời gian thực hiện: Năm 2013.
- Địa điểm thực hiện: Xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm.
- Quy mô công suất: 14.000 tấn sữa dừa/năm và 14 triệu lít nước dừa đóng lon/năm; 1.500 cơm dừa nạo sấy béo thấp/năm.
- Tổng vốn đầu tư: 140 tỷ đồng.
(3) Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa và cơm dừa nạo sấy béo thấp:
- Chủ đầu tư: Công ty Ngưu Dừa (Trung Quốc).
- Thời gian thực hiện: 2012-2013.
- Địa điểm thực hiện: Xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc.
- Tổng vốn đầu tư: 10 tỷ đồng.
(4) Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa đóng lon.
- Chủ đầu tư: Công ty TNHH Dừa Định Phú Mỹ.
- Thời gian thực hiện: 2013.
- Địa điểm thực hiện: Khu công nghiệp Giao Long.
- Quy mô công suất: 4.500 tấn sữa dừa/năm.
- Tổng vốn đầu tư: 87 tỷ đồng.
(5) Dự án đầu tư nhà máy sản xuất than hoạt tính:
- Chủ đầu tư: Công ty TNHH Shinkwang Entech VN.
- Thời gian thực hiện: Năm 2013.
- Địa điểm thực hiện: Khu công nghiệp Giao Long.
- Quy mô công suất: 8.800 tấn/năm.
- Tổng vốn đầu tư: 84 tỷ đồng (4 triệu USD).
b* Nhóm dự án kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp:
(1) Đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến mùn dừa xuất khẩu, tổng công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm/năm.
(2) Dự án sản xuất dầu dừa tinh luyện công suất 4.000 tấn/năm.
(3) Dự án sản xuất dầu dừa tinh khiết công suất 2.000 tấn/năm.
(4) Dự án sản xuất nệm xơ dừa công suất 3.000 tấn/năm.
(5) Dự án xây dựng không gian dừa.
Mục tiêu: Tổ chức xây dựng không gian dừa tạo nơi đến cho khách du lịch, giới thiệu, tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, hàng đặc sản chế biến từ dừa để phục vụ du khách; giới thiệu các món ăn chế biến từ dừa.
Kinh phí thực hiện: 210 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp đầu tư).
c* Các Chương trình dự án ưu tiên sử dụng vốn ngân sách:
(1) Chương trình khuyến công hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến dừa (đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực.....).
Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2020.
Tổng vốn: 100 tỷ đồng (vốn khuyến công địa phương 12 tỷ đồng, vốn khuyến công quốc gia 15 tỷ đồng, doanh nghiệp: 73 tỷ đồng) kinh phí được phê duyệt hàng năm.
Địa điểm thực hiện: Các đơn vị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
(2) Chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm dừa đến năm 2020: Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2020; Kinh phí thực hiện: 37 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 9 tỷ đồng, kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia: 12 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 16 tỷ đồng), kinh phí được phê duyệt hàng năm, cụ thể như sau:
(2.1) Dự án hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại:
- Mục tiêu: Tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành dừa thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước.
- Kinh phí thực hiện: 32,5 tỷ đồng (vốn xúc tiến thương mại tỉnh 4,5 tỷ đồng, vốn xúc tiến thương mại quốc gia: 12 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 16 tỷ đồng).
(2.2) Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm dừa và cẩm nang ngành dừa:
- Mục tiêu: Hệ thống các thông tin về sản phẩm từ dừa, công nghệ sản xuất chế biến dừa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2015.
- Kinh phí thực hiện: 1,5 tỷ đồng - vốn ngân sách.
(2.3) Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm của sản phẩm dừa:
- Mục tiêu: Cập nhật hệ thống các thông tin về các thị trường xuất khẩu trọng điểm của sản phẩm dừa.
- Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2015;
- Kinh phí thực hiện: 2 tỷ đồng - vốn ngân sách.
(2.4) Dự án tăng cường năng lực doanh nghiệp về quản trị, marketing, ứng dụng thương mại điện tử:
- Mục tiêu: Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực quản trị, xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.
- Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2015.
- Kinh phí thực hiện: 1 tỷ đồng - vốn ngân sách.
d* Hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng 02 cụm công nghiệp chế biến dừa: Trên cơ sở nâng cấp 02 cụm Công nghiệp Phong Nẫm (40,3ha Giồng Trôm) và An Thạnh (35ha Mỏ Cày Nam) để thu hút các nhà máy, doanh nghiệp sơ chế - chế biến tập trung và thiết lập một hệ thống thu mua (chợ đầu mối) - sơ chế - chế biến liên hoàn các sản phẩm, sản phẩm đầu ra của cơ sở, nhà máy này sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến khác trong cụm công nghiệp.
Khái toán kinh phí thực hiện 300 tỷ đồng. Trong đó, vốn giải phóng mặt bằng khoảng 175 tỷ đồng, ngân sách hỗ trợ 20% vốn giải phóng mặt bằng tương đương 35 tỷ đồng (theo Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre).
2.7.3. Lĩnh vực khoa học công nghệ:
- Dự án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ.
+ Thời gian thực hiện: Đến năm 2020 (Dự án đang được triển khai).
+ Kinh phí thực hiện: 22 tỷ đồng (ngân sách 8 tỷ đồng, doanh nghiệp 14 tỷ đồng).
- Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng:
+ Thời gian thực hiện: Đến năm 2020 (Dự án đang được triển khai).
+ Kinh phí thực hiện: 8 tỷ đồng (ngân sách 2 tỷ đồng, doanh nghiệp 6 tỷ đồng).
- Dự án hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp:
+ Thời gian thực hiện: Đến năm 2020; (Dự án đang được triển khai).
+ Kinh phí thực hiện: 4,6 tỷ đồng (ngân sách 1,4 tỷ đồng, doanh nghiệp 3,2 tỷ đồng).
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện chương trình
ĐVT: Triệu đồng
TT | Nguồn vốn | Tổng vốn | Tỷ trọng |
| TỔNG NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN | 1.568.179 | 100,00% |
I | VỐN NGÂN SÁCH | 124.978 | 7,97% |
1 | Vốn ngân sách TW hỗ trợ (vốn KCQG và XTTMQG) | 27.000 | 1,72% |
2 | Vốn ngân sách địa phương: | 97.978 | 6,25% |
| + Chi cho lĩnh vực nông nghiệp | 30.578 | 1,95% |
| + Chi cho lĩnh vực công – thương | 21.000 | 1,34% |
| + Chi cho lĩnh vực KH&CN: (vốn SNKH) | 11.400 | 0,73% |
| + Vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng 2 cụm CN CB dừa | 35.000 | 2,23% |
II | VỐN DOANH NGHIỆP VÀ VỐN KHÁC | 1.443.201 | 92,03% |
| Trong đó: Vốn DBRP | 2.446 | 0,16% |
3. Tác động của Chương trình đến kinh tế - xã hội:
- Sẽ mở rộng diện tích trồng dừa một cách phù hợp với những điều kiện tự nhiên của tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý, tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cho trái của cây dừa, tăng thu nhập cho nông dân.
- Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chế biến dừa cả quy mô và chất lượng, tạo ra thêm nhiều sản phẩm tinh có giá trị cao, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đồng thời với tăng giá trị thương mại và kim ngạch xuất khẩu. Do đó, góp phần quan trọng nâng cao chuỗi giá trị dừa, phát huy được ngành kinh tế dừa, vốn là thế mạnh mang tính đặc thù của Bến Tre.
- Giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng chục vạn lao động trồng dừa, chế biến, tiêu thụ dừa và các lĩnh vực liên quan; góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Từng bước tạo ra mối quan hệ hợp tác trong ngành dừa, khắc phục dần phương thức mua đứt bán đoạn và những hình thức cạnh tranh không lành mạnh trong ngành dừa.
- Góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ở tỉnh nhà.
- Hạn chế rủi ro do thiên tai, sâu bệnh và những diễn biến bất lợi của thị trường.
4. Giải pháp và cơ chế chính sách:
4.1. Giải pháp:
4.1.1. Giải pháp về huy động và sử dụng vốn: Nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa rất lớn, nên cần phải đa dạng hóa các nguồn vốn, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương từ Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình khoa học công nghệ (KHCN); vốn đối ứng của tỉnh; vốn của doanh nghiệp trong nước; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
* Vốn ngân sách nhà nước: Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghiệp, giao thông tại các vùng được quy hoạch trồng dừa tập trung.
Ngân sách nhà nước (khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, vốn sự nghiệp KHCN) ưu tiên cho phát triển ngành dừa: Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu phục vụ công nghiệp chế biến dừa nhất là đối với sản phẩm từ cơm dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; trồng và thâm canh vườn dừa; nhân rộng các mô hình thâm canh vườn dừa; đào tạo nguồn nhân lực. Mở rộng khả năng tiếp cận của nhiều đối tượng đối với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho đổi mới công nghệ trên cơ sở cạnh tranh, tuyển chọn công khai; bảo đảm các dự án đầu tư đổi mới công nghệ do ngân sách nhà nước hỗ trợ phải gắn liền với nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp.
Hỗ trợ một phần ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp đi nghiên cứu, thị trường, quảng cáo, giới thiệu tìm kiếm khách hàng nước ngoài.
* Vốn đầu tư của doanh nghiệp và vốn vay tín dụng:
- Tập trung cho đầu tư phát triển năng lực sản xuất mới, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, xây dựng, tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; xây dựng và quảng bá thương hiệu cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp; đầu tư bảo đảm các điều kiện cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc và áp dụng bảo vệ môi trường và đào tạo nhân lực của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ cho người trồng dừa vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước để phát triển vùng nguyên liệu theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng cơ chế hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định của từng dự án cụ thể. Ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với những hộ dân trồng dừa, nhất là những hộ thay đổi giống dừa mới cho năng suất cao và phát triển trồng mới nguồn nguyên liệu.
4.1.2. Giải pháp phát triển hạ tầng và dịch vụ phục vụ ngành dừa:
- Đẩy nhanh tốc độ đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, cơ sở hạ tầng, điện, nước, giao thông, dịch vụ kho bãi, cảng bốc dỡ vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất.
- Tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển các loại hình dịch vụ trên các lĩnh vực như dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, internet, phát triển dịch vụ du lịch để xuất khẩu hàng hóa tại chỗ.
4.1.3. Tăng cường hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư: Phối hợp hoặc thuê các tổ chức tư vấn, tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các tổ chức có kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu và tài liệu phục vụ công tác kêu gọi đầu tư, tổ chức các cuộc hội thảo tại nước ngoài để tiếp thị các dự án đầu tư có yếu tố chuyển giao công nghệ vào Bến Tre.
4.1.4. Phát triển khoa học công nghệ phục vụ cây dừa:
- Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong việc chọn tạo giống, thâm canh, xen canh tổng hợp trong vườn dừa để nâng cao năng suất và hiệu quả canh tác trên 1 đơn vị diện tích.
- Đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu chuyên ngành, tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao từ dừa như: Dầu dừa tinh khiết, rượu mật hoa dừa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ dừa; chú trọng ưu tiên nâng cấp các công nghệ chế biến các mặt hàng có quy mô sản xuất lớn và có tỷ trọng doanh thu cao; tìm kiếm, phát triển hoặc giới thiệu và du nhập các công nghệ chế biến mới, hiện đại nhưng phù hợp với khả năng vốn và trình độ quản lý của cơ sở, doanh nghiệp chế biến; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa của tỉnh xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng.
4.1.5. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành dừa:
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cả đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý, công nhân và nông dân. Xây dựng chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật, nâng cao chất lượng lao động, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động có tay nghề của các doanh nghiệp sản xuất. Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu phát triển của các khu, cụm công nghiệp và nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4.1.6. Về tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn nguyên liệu dừa:
- Triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng với các doanh nghiệp; giữa các doanh nghiệp với Hiệp hội ngành hàng, trong đó nòng cốt là Hiệp hội Dừa, các chi hội và các doanh nghiệp chế biến dừa. Mô hình liên kết giữa Chi hội nông dân trồng dừa - thương lái - cơ sở, doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp du lịch dựa trên nền tảng:
+ Xây dựng liên kết ngang giữa nông dân trồng dừa hình thành Chi hội nông dân trồng dừa trên địa bàn từng ấp, xã.
+ Xây dựng liên kết dọc giữa nông dân trồng dừa và thương lái - sơ chế, chế biến.
+ Xây dựng liên kết giữa các doanh nghiệp ngành du lịch với Hiệp hội dừa, các chi hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm dừa để tạo ra các sản phẩm du lịch của “Xứ Dừa”.
- Liên kết với các tỉnh (Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long) trong việc kêu gọi đầu tư khai thác và phát triển các vùng trồng dừa tập trung, liên kết cả về chính sách quản lý, khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, đặt trong quan hệ lợi ích của vùng dừa đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm cân đối giữa năng lực sản xuất nguyên liệu dừa trái và năng lực chế biến ngành dừa trong vùng.
4.1.7. Tăng cường quản lý nhà nước: Các cơ quan quản lý nhà nước: Hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, khuyến khích tài chính, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận của nhiều đối tượng đối với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trên cơ sở cạnh tranh, tuyển chọn công khai; đồng thời cung cấp thông tin tốt hơn về công nghệ, sản phẩm; xu hướng phát triển của thị trường hàng hóa, dịch vụ và các nguồn vốn đầu tư bên ngoài; tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ môi trường pháp lý cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có cơ hội đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường…
4.2. Cơ chế chính sách hỗ trợ ngành dừa:
- Chính sách khuyến nông, khuyến công cho ngành dừa.
- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu trong ngành dừa.
- Nghiên cứu xây dựng Quỹ Phát triển thị trường xuất khẩu dừa Bến Tre trên cơ sở tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, với sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
- Tiếp tục vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách về đầu tư, tín dụng, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới trang thiết bị dây chuyền sản xuất tiên tiến, áp dụng công nghệ mới nhằm mục đích giảm lượng tiêu hao vật tư và năng lượng, lựa chọn công nghệ khép kín đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu chất thải nhằm bảo vệ môi trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và các chính sách khác theo quy định hiện hành.
- Tổ chức các chương trình khảo sát, nghiên cứu chính sách quản lý, phát triển ngành dừa của các nước nhiều dừa để từng bước vận dụng nhằm nâng cao năng lực quản lý trên phạm vi vĩ mô.
- Có cơ chế phối hợp liên ngành trong tỉnh để phát triển ngành dừa, đồng thời có giải pháp hạn chế các nguyên nhân tác động tiêu cực của thương nhân nước ngoài trong chuỗi giá trị dừa Bến Tre.
- Nghiên cứu kiến nghị bổ sung các sản phẩm chế biến dừa vào danh mục hàng hóa được hỗ trợ xuất khẩu để hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành dừa.
1. Phân công thực hiện (biểu 13 về khung kế hoạch thực hiện Chương trình).
1.1. Thành lập Ban Điều phối Chương trình: Do đặc điểm ngành dừa là thường xuyên biến động, tác động vào nhiều lĩnh vực khác nhau nên cần phải thành lập Ban Điều phối Chương trình để kịp thời cân đối, tác động đúng mức cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Ban Điều phối do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và có sự tham gia của các sở, ban ngành liên quan như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Hiệp hội Dừa để tổ chức điều phối chỉ đạo thực hiện Chương trình.
1.2. Sở Công Thương: Làm đầu mối tham mưu cho Ban Điều phối triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các dự án phát triển công nghiệp chế biến và xúc tiến thương mại các sản phẩm dừa Bến Tre. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết chương trình vào năm 2015, tổng kết chương trình vào năm 2020.
1.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì triển khai các vùng trồng dừa chuyên canh, xen canh phù hợp với nhu cầu phát triển; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp; phối hợp với Hiệp hội Dừa xây dựng các mô hình liên kết để làm cơ sở nhân rộng, xây dựng chuỗi giá trị dừa hoàn thiện và vững chắc.
1.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tính toán cân đối, huy động các nguồn lực, phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển, đồng thời hỗ trợ các ngành tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương để thực hiện các đề án, dự án thuộc Chương trình này.
1.5. Sở Khoa học và Công nghệ: Cân đối vốn sự nghiệp khoa học hàng năm để thực hiện các đề tài, dự án nâng cao chất lượng giống, thâm canh vườn dừa; hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ, áp dụng các công cụ quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm dừa trong tỉnh.
1.6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xây dựng Nhà triển lãm về cây dừa Bến Tre; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa xứ dừa nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của cây dừa và hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm từ dừa.
1.7. Sở Tài chính: Cân đối và ưu tiên phân bổ nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động hỗ trợ của Chương trình này theo đề xuất của các đơn vị.
1.8. Ban Quản lý các khu công nghiệp: Kêu gọi các nhà đầu tư triển khai thực hiện Quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp nói chung và sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa nói riêng.
1.9. Trung tâm Xúc tiến đầu tư: Chủ động phối hợp với các ngành xây dựng các dự án, tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư; triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp để được hưởng các ưu đãi đầu tư; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn các dự án ưu tiên để phát triển chế biến dừa.
1.10. Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh: Chỉ đạo cho các Ngân hàng Thương mại thực hiện nghiêm các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp và nông dân trồng dừa; vận động, hỗ trợ Ngân hàng Thương mại thực hiện các chủ trương ưu tiên phát triển nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1.11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu phát triển của các khu, cụm công nghiệp và nhu cầu của các doanh nghiệp.
1.12. Hiệp Hội Dừa Bến Tre: Chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo Xây dựng Nông thôn mới và Hội Nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - thương mại chặt chẽ để chủ động điều tiết giá theo hướng bảo vệ người trồng dừa và tạo sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
1.13. Các sở, ngành, đoàn thể có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện tốt Chương trình này.
1.14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Phối hợp với các sở, ngành vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện tốt các dự án theo Chương trình này; tập trung hình thành và phát triển cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt tạo mặt bằng để phát triển sản xuất kinh doanh của ngành dừa.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh, địa phương thực hiện tốt trách nhiệm được phân công, tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan để đảm bảo Chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Khi có khó khăn vướng mắc phải kịp thời báo cáo với Ban Điều phối để được xem xét, hỗ trợ.
2.1. Kết luận: Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020 là một chương trình mang tính toàn diện đầu tiên về cây dừa của Bến Tre, được hình thành trên cơ sở các nghiên cứu về ngành dừa và thực tiễn quá trình quản lý, sản xuất kinh doanh ngành dừa, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của Bến Tre. Để đảm bảo thực hiện được các nội dung, mục tiêu của Chương trình đòi hỏi các ngành, các cấp trong tỉnh phải hết sức phấn đấu, phối hợp, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đồng thời cũng cần có sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
2.2 Kiến nghị: Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh xin kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương:
- Cho phép đưa các sản phẩm từ dừa vào danh mục mặt hàng được hỗ trợ xuất khẩu.
- Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ kinh phí để Bến Tre thực hiện công tác khuyến công và xúc tiến thương mại theo kế hoạch hàng năm. Xem xét tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại.
- Bộ Công Thương chỉ đạo Trung tâm Thực nghiệm dừa Đồng Gò có dự án xây dựng Vườn dừa mẫu để làm mô hình nhân rộng.
- Bộ Công Thương xem xét giao lại Trung tâm Thực nghiệm dừa Đồng Gò cho tỉnh quản lý để công tác nghiên cứu, thực nghiệm về dừa phù hợp hơn với nhu cầu của ngành dừa nhằm phát huy tối đa vai trò của khoa học công nghệ đối với ngành dừa./.
BIỂU 1: DIỆN TÍCH - NĂNG SUẤT - SẢN LƯỢNG DỪA 2005-2011
Năm | Tổng diện tích (ha) | NS trái/ha/năm | Sản lượng (triệu trái) |
2005 | 37,595 | 7,508 | 258.80 |
2006 | 34,104 | 7,961 | 271.50 |
2007 | 34,906 | 8,520 | 297.40 |
2008 | 47,569 | 7,425 | 353.20 |
2009 | 49,920 | 7,851 | 391.90 |
2010 | 51,560 | 8,150 | 420.20 |
2011 | 55,870 | 9,700 | 427.90 |
DIỆN TÍCH CÂY DỪA PHÂN THEO HUYỆN
Đơn vị tính: ha
| 2005 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
TỔNG SỐ | 37,595 | 47,569 | 49,920 | 51,560 | 55,870 |
Thành phố Bến Tre | 1,336 | 1,492 | 1,500 | 1,528 | 1,869 |
Châu Thành | 4,960 | 5,297 | 5,453 | 5,451 | 6,352 |
Chợ Lách | 914 | 1,154 | 771 | 803 | 1,098 |
Mỏ Cày Nam | 12,908 | 17,956 | 12,607 | 12,869 | 13,625 |
Mỏ Cày Bắc | 6,955 | 7,244 | 8,120 | ||
Giồng Trôm | 10,071 | 12,048 | 12,569 | 13,007 | 13,957 |
Bình Đại | 4,452 | 5,204 | 5,435 | 5,840 | 5,445 |
Ba Tri | 750 | 1,371 | 1,370 | 1,413 | 1,490 |
Thạnh Phú | 2,204 | 3,047 | 3,260 | 3,315 | 3,914 |
SẢN LƯỢNG DỪA PHÂN THEO HUYỆN
Đơn vị tính: Nghìn tấn
| 2005 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
TỔNG SỐ | 258.80 | 353.20 | 391.90 | 420.20 | 427.90 |
Thành phố Bến Tre | 8.80 | 12.40 | 12.70 | 13.10 | 12.50 |
Châu Thành | 35.2 | 46.9 | 49.4 | 50.4 | 49.2 |
Chợ Lách | 4.70 | 9.90 | 7.00 | 7.30 | 7.90 |
Mỏ Cày Nam | 93.80 | 122.40 | 88.30 | 97.60 | 102.40 |
Mỏ Cày Bắc | 48.80 | 52.60 | 53.80 | ||
Giồng Trôm | 71.40 | 100.70 | 112.10 | 120.70 | 117.20 |
Bình Đại | 26.60 | 34.80 | 42.00 | 44.70 | 46.60 |
Ba Tri | 4.20 | 7.80 | 10.30 | 10.50 | 11.00 |
Thạnh Phú | 14.00 | 18.30 | 21.30 | 23.20 | 27.30 |
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Bến Tre 2011
BIỂU 2: TÌNH HÌNH CƠ SỞ, LAO ĐỘNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN DỪA
TT | Chỉ tiêu | ĐVT | Năm | Tăng trưởng bình quân 2005-2010 | |||
2005 | 2009 | 2010 | 2011 | ||||
I | SỐ CƠ SỞ |
|
|
|
|
|
|
1 | Toàn ngành công nghiệp | cơ sở | 8,980 | 9,207 | 9,747 | 12,422 | 1.65 |
2 | Ngành chế biến dừa | cơ sở | 1,399 | 1,085 | 1,625 | 1,929 | 3.04 |
3 | Tỷ trọng | % | 15.5 | 11.8 | 16.67 | 15.53 |
|
II | SỐ LAO ĐỘNG |
|
|
|
|
|
|
1 | Toàn ngành công nghiệp | người | 35,347 | 45,105 | 48,919 | 58,480 | 6.71 |
2 | Ngành chế biến dừa | người | 15,414 | 18,371 | 20,429 | 22,639 | 5.80 |
3 | Tỷ trọng | % | 43.61 | 40.73 | 41.76 | 38.71 |
|
BIỂU 3: SỐ CƠ SỞ, LAO ĐỘNG MỘT SỐ NGÀNH CHẾ BIẾN DỪA TỈNH BẾN TRE NĂM 2011
Số TT | CHỈ TIÊU | Số cơ sở sản xuất CN | Lao động | ||
Tổng số | Doanh nghiệp | Kinh tế cá thể | (người) | ||
A | B | 1 | 2 | 3 | 4 |
I | TOÀN NGÀNH CÔNG NGHIệP | 12,422 | 262 | 12,160 | 58,480 |
II | NGÀNH SẢN XUẤT CHẾ BIẾN DỪA | 1,929 | 116 | 1,813 | 22,639 |
1 | Dầu dừa thô | 14 | 8 | 6 | 3,429 |
2 | Thạch dừa | 368 | 3 | 365 | 3,018 |
3 | Chỉ xơ dừa; thảm, lưới xơ dừa | 634 | 38 | 596 | 6,329 |
4 | Cơm dừa nạo sấy | 51 | 12 | 39 | 1,309 |
5 | Than thiêu kết | 57 | 11 | 46 | 622 |
6 | Thủ công mỹ nghệ từ dừa | 73 | 8 | 65 | 573 |
7 | Kẹo dừa | 83 | 26 | 57 | 3,271 |
8 | SXCB từ dừa khác | 649 | 10 | 639 | 4,088 |
BIỂU 4: CƠ CẤU, GIÁ TRỊ, SẢN LƯỢNG SẢN PHẨM CHẾ BIẾN TỪ DỪA CHỦ YẾU
TT |
| ĐVT | Thực hiện qua các năm | Tăng trưởng | Giá trị SX 2010 | Tỷ trọng GTSX 2010 | ||||||||
2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2006-2010 | 2012-2011 | Toàn tỉnh | Chế biến | ||||
A | B | C | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | trđ | % | Dừa % |
1 | Cơm dừa nạo sấy | Tấn | 11,766 | 27,300 | 35,040 | 44,325 | 30,305 | 30,020 | 49,500 | 8.62 | 164.89 | 181,830 | 5.45 | 19.98 |
2 | Sữa dừa | Tấn | - | - | - | - | 5,052 | 20,291 | 20,750 | - | 102.26 | 50,520 | 1.51 | 5.55 |
3 | Bột sữa dừa | Tấn | 63 | 150 | 560 | 715 | 426 | 640 | 650 | 18.00 | 101.56 | 6,416 | 0.19 | 0.71 |
4 | Chỉ xơ dừa | Tấn | 66,676 | 59,606 | 53,110 | 68,094 | 67,500 | 71,533 | 82,500 | 4.13 | 115.33 | 104,625 | 3.14 | 11.50 |
5 | Than thiêu kết | Tấn | 12,368 | 16,040 | 25,560 | 26,475 | 28,000 | 21,356 | 26,200 | 10.12 | 122.68 | 32,200 | 0.97 | 3.54 |
6 | Than hoạt tính | Tấn | - | - | - | - | 936 | 4,491 | 5,200 | 44.22 | 115.79 | 8,892 | 0.27 | 0.98 |
7 | Thạch dừa | Tấn | 2,158 | 2,350 | 6,650 | 12,488 | 14,672 | 16,500 | 12,000 | 58.65 | 72.73 | 16,139 | 0.48 | 1.77 |
8 | Mụn dừa | Tấn | 1,541 | 5,760 | 5,807 | 6,182 | 11,690 | 9,037 | 12,000 | 67.64 | 132.79 | 9,820 | 0.29 | 1.08 |
9 | Kẹo dừa | Tấn | 14,539 | 15,430 | 14,715 | 15,350 | 18,100 | 20,000 | 16,000 | 7.89 | 80.00 | 217,200 | 6.51 | 23.87 |
| … |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng GTSX CN CB Dừa | tr đồng | 480,000 | 575,000 | 672,000 | 790,000 | 820,000 | 910,000 | 1,030,000 | 13.52 | 113.19 |
|
|
|
| Tổng giá trị SXCN | tr đồng | 2,295,901 | 2,597,246 | 2,907,157 | 3,011,788 | 3,336,345 | 4,399,176 | 5,200,000 | 10.91 | 118.20 |
|
|
|
| Tỷ trọng GTSXCN ngành CBD so với GTSXCN toàn tỉnh | % | 20.91 | 22.14 | 23.12 | 26.23 | 24.58 | 20.69 | 19.81 |
|
|
|
|
|
Giá trị SXCN ngành chế biến dừa 2011 tăng 11% so với năm 2010.
Giá trị SXCN ngành chế biến dừa 2012 tăng 13,2% so với năm 2011.
(Giá trị tính bằng giá cố định 94).
BIỂU 5. XUẤT KHẨU CÁC SẢN PHẨM TỪ DỪA
Số TT | Diễn giải | ĐVT | Thực hiện qua các năm | Tăng trưởng BQ | |||||||
2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2006-2010 | 2011-2012 | |||
I | TỔNG KIM NGẠCH XK | 1000 USD | 124,394 | 141,354 | 184,318 | 188,351 | 264,014 | 366,727 | 430,200 | 22.58 | 117.31 |
II | KN XK SP TỪ DỪA | 1000 USD | 51,439 | 58,850 | 80,386 | 67,311 | 84,800 | 155,881 | 108,698 | 14.38 | 69.73 |
III | TỶ TRỌNG | % | 41.35 | 41.63 | 43.61 | 35.74 | 32.12 | 42.51 | 25.27 |
|
|
IV | SẢN PHẨM XK CHỦ YẾU |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Cơm dừa nạo sấy | Tấn | 6,098 | 14,488 | 14,480 | 17,205 | 16,472 | 17,855 | 26,801 | 4.21 | 150.10 |
2 | Sữa dừa | Tấn |
|
|
|
|
| 20,349 | 18,752 |
| 92.15 |
3 | Bột sữa dừa | Tấn |
|
|
|
|
| 417 | 497 |
| 119.18 |
4 | Than gáo dừa | Tấn | 6,796 | 12,516 | 14,564 | 18,038 | 16,031 | 6,203 | 6,856 | 3.12 | 110.53 |
5 | Chỉ xơ dừa | Tấn | 78,145 | 58,583 | 64,561 | 84,747 | 76,782 | 66,819 | 68,452 | 3.23 | 102.44 |
6 | Dừa trái | Triệu trái | 86 | 99 | 92 | 110 | 105 | 85 | 65 | 7.84 | 76.47 |
7 | Kẹo dừa | Tấn | 8,312 | 9,303 | 9,202 | 8,052 | 8,000 | 5,634 | 5,917 | 8.64 | 105.02 |
8 | Lưới xơ dừa | Tấn | 9,727 | 8,075 | 7,151 | 8,200 | 8,000 | 11,409 | 6,118 | 2.34 | 53.62 |
9 | Thạch dừa | Tấn | 2,118 | 3,819 | 3,264 | 3,931 | 3,500 | 1,279 | 2,934 | 19.11 | 229.40 |
10 | Hàng TCMN | Tr. USD | 0.465 | 0.499 | 0.803 | 0.315 | 0.600 | 1.264 | 0.752 | 21.35 | 59.49 |
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2011 tăng 83,82% so với năm 2010.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2012 giảm 30,27% so với năm 2011.
BIỂU 6: ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DIỆN TÍCH TRỒNG DỪA ĐẾN NĂM 2020
STT | Địa bàn | Năm 2015 | Năm 2020 | ||
Tổng số (ha) | TĐ: Dừa uống nước (ha) | Tổng số | TĐ: Dừa uống nước | ||
1 | TP Bến Tre | 2,100 | 400 | 2,100 | 400 |
2 | Châu Thành | 6,600 | 1,200 | 6,600 | 1,200 |
3 | Chợ Lách | 1,000 | 200 | 1,000 | 200 |
4 | Mỏ Cày Nam | 13,500 | 2,000 | 13,500 | 2,000 |
5 | Mỏ Cày Bắc | 8,500 | 1,300 | 8,500 | 1,400 |
6 | Giồng Trôm | 14,500 | 2,300 | 14,500 | 2,300 |
7 | Bình Đại | 6,300 | 900 | 6,300 | 900 |
8 | Ba Tri | 2,500 | 300 | 2,500 | 200 |
9 | Thạnh Phú | 5,000 | 400 | 5,000 | 400 |
| Tổng số | 60,000 | 9,000 | 60,000 | 9,000 |
BIỂU 7: MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN NGÀNH TRỒNG DỪA
STT | Nội dung | ĐVT | 2015 | 2020 | Ghi chú |
1 | Tổng diện tích trồng dừa | Ha | 60,000 | 60,000 |
|
| Dừa chế biến công nghiệp | Ha | 51,000 | 51,000 |
|
| Dừa uống nước | Ha | 9,000 | 9,000 |
|
| Dừa xen canh | Ha | 27,000 | 28,500 |
|
2 | Năng suất trung bình | Trái/ha | 9,880 | 10,000 |
|
| Dừa chế biến công nghiệp | Trái/ha | 9,500 | 9,600 |
|
| Dừa uống nước | Trái/ha | 12,000 | 12,300 |
|
3 | Tổng sản lượng dừa | Tấn | 494,000 | 550,000 |
|
| Dừa chế biến công nghiệp | Tấn | 408,500 | 448,000 |
|
| Dừa uống nước | Tấn | 85,500 | 102,000 |
|
4 | Tỷ lệ % diện tích sử dụng giống mới | % | 50 | 70 |
|
5 | Tổng số lao động phục vụ trong ngành trồng dừa | Hộ | 164,000 | 165,000 |
|
6 | Thu nhập bình quân/ha | Triệu đồng | 50 | 59 |
|
7 | Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư phục vụ trồng dừa | Triệu đồng | 303,279 | 80,000 |
|
| Cải tạo giống | Triệu đồng | 58,545 | 5,116 |
|
| Dự án thâm canh, xen canh | Triệu đồng | 240,565 | 74,884 |
|
| Dự án liên kết sản xuất | Triệu đồng | 4,169 | - |
|
BIỂU 8: DỰ KIẾN GIÁ TRỊ SẢN XUẤT, KIM NGẠCH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM DỪA ĐẾN NĂM 2020
Chỉ tiêu | ĐVT | Năm | Tăng trưởng b.quân | ||||
2010 | 2011 | 2015 | 2020 | 2011-2015 | 2016-2020 | ||
Giá trị SXCN |
|
|
|
|
|
|
|
GTSXCN toàn tỉnh | Tỷ đồng | 3,336 | 4,399 | 9,780 | 24,350 | 24.00 | 20.01 |
GTSXCN SP Dừa | Tỷ đồng | 820 | 910 | 1,550 | 2,680 | 13.58 | 11.57 |
Tỷ trọng | % | 24.58 | 20.69 | 15.85 | 11.01 |
|
|
Kim ngạch xuất khẩu |
|
|
|
|
|
| |
KNXK toàn tỉnh | 1.000 USD | 264,014 | 366,727 | 640,000 | 1,640,000 | 19.37 | 20.71 |
KN XK các SP dừa | 1.000 USD | 84,800 | 155,881 | 200,000 | 360,000 | 18.72 | 12.47 |
Tỷ trọng | % | 32.12 | 42.51 | 31.25 | 21.95 |
|
|
BIỂU 9: ĐỊNH HƯỚNG SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU CÁC SẢN PHẨM TỪ DỪA
TT | Dòng sản phẩm | ĐVT | Sản lượng chế biến | Giá trị sản xuất | Giá trị XK | Tiêu thụ dừa trái | ||||
2,015 | 2,020 | 2015 | 2020 | 2015 | 2020 | 2015 | 2020 | |||
A | Sản phẩm chế biến từ cơm dừa: |
|
|
|
|
|
|
| 424,500 | 571,500 |
1 | Cơm dừa nạo sấy | Tấn | 45,000 | 50,000 | 270,000 | 300,000 | 54,000 | 67,500 | 270,000 | 300,000 |
2 | Sữa dừa đóng lon | Tấn | 35,000 | 50,000 | 266,350 | 380,500 | 37,800 | 60,750 | 87,500 | 125,000 |
3 | Bột sữa dừa | Tấn | 2,500 | 7,000 | 37,650 | 105,420 | 6,188 | 17,325 | 25,000 | 70,000 |
4 | Kẹo dừa | Tấn | 20,000 | 25,000 | 240,000 | 300,000 | 10,500 | 13,125 | 42,000 | 52,500 |
5 | Dầu dừa thô | Tấn | 5,000 | 6,000 | 29,750 | 35,700 |
|
| - | - |
6 | Cám dừa | Tấn | 2,500 | 3,000 | 1,379 | 1,654 | - | - | - | - |
| Sản phẩm tiềm năng | Tấn |
|
|
|
| - | - | - | - |
7 | Dầu tinh luyện | Tấn | 2,000 | 4,000 | 16,428 | 32,856 | 1,600 | 3,200 |
|
|
8 | Dầu dừa tinh khiết (VCO) | Tấn |
| 2,000 | - | 88,235 | - | 16,000 | - | 24,000 |
9 | Mỹ phẩm cao cấp | tr đồng | 10,000 | 50,000 | 10,000 | 50,000 | - | - |
|
|
B | Chế biến từ nước dừa khô | Tấn |
|
|
|
| - | - |
|
|
1 | Thạch dừa thô | Tấn | 20,000 | 50,000 | 22,000 | 55,000 | 2,400 | 6,000 |
|
|
2 | Thạch dừa chế biến | Tấn | 10,000 | 30,000 | 33,200 | 99,600 | 3,000 | 9,000 |
|
|
| Sản phẩm tiềm năng | Tấn |
|
|
|
| - | - |
|
|
3 | Nước dừa đóng lon | Tấn | 15,000 | 40,000 | 72,750 | 194,000 | 11,250 | 30,000 |
|
|
4 | Mặt nạ dưỡng da | 1000 sp | 15,000 | 40,000 | 14,700 | 39,200 | 2,025 | 5,400 |
|
|
C | Chế biến từ vỏ dừa | Tấn |
|
|
|
| - | - |
|
|
1 | Chỉ xơ dừa | Tấn | 72,000 | 80,000 | 111,600 | 124,000 | 9,360 | 10,400 |
|
|
2 | Lưới xơ dừa | 1.000 m2 | 15,000 | 30,000 | 55,800 | 111,600 | 4,800 | 9,600 |
|
|
3 | Mụn dừa | Tấn | 25,000 | 50,000 | 66,750 | 133,500 | 3,750 | 7,500 |
|
|
| Sản phẩm tiềm năng | Tấn |
|
|
|
| - | - |
|
|
4 | Nệm xơ dừa | Tấn |
| 3,000 | - | 105,000 | - | - |
|
|
5 | Vải địa chất | Tấn |
| 6,000 | - | 67,240 | - | 9,600 |
|
|
D | Chế biến từ gáo dừa | Tấn |
|
|
|
| - | - |
|
|
1 | Than gáo dừa | Tấn | 30,000 | 30,000 | 34,500 | 34,500 |
|
|
|
|
2 | Than hoạt tính | Tấn | 15,000 | 25,000 | 142,500 | 237,500 | 27,000 | 45,000 |
|
|
3 | Thủ công mỹ nghệ | tr. Đồng | 20,000 | 50,000 | 20,000 | 50,000 | 10,000 | 20,000 |
|
|
| Sản phẩm khác |
|
|
| 105,000 | 135,000 | 16,500 | 30,000 |
|
|
| Cộng |
|
|
| 1,550,357 | 2,680,506 | 200,173 | 360,400 |
|
|
BIỂU 10. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG NGHỆ, SẢN PHẨM VÀ THỊ TRƯỜNG CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020
TT | Dòng sản phẩm | Sản lượng chế biến (tấn/năm) | Công nghệ | Thị trường |
|
| SẢN PHẨM TRUYỀN THỐNG |
|
| ||
A | Sản phẩm chế biến từ cơm dừa |
| |||
1 | Cơm dừa nạo sấy | 50,000 (300 triệu trái) | - Nâng cấp, cải tiến công nghệ - Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP...) - Nâng cao năng lực quản trị DN | - Duy trì, mở rộng thị trường truyền thống ở các nước Hồi giáo; Trung Đông - Thâm nhập thị trường EU, Mỹ, Canada, các nước Châu Á-Thái Bình Dương (Úc, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc) - Bảo hộ nhãn hiệu |
|
2 | Sữa dừa đóng lon | 50.000 (125 triệu trái) | - Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP..) - Nâng cao năng lực quản trị DN | - Phát triển thị trường nội địa - Tiếp cận các thị trường trọng điểm EU, Mỹ - Bảo hộ nhãn hiệu |
|
3 | Bột sữa dừa | 7.000 (70 triệu trái) | - Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP..) - Nâng cao năng lực quản trị DN | - Phát triển thị trường nội địa - Duy trì, mở rộng thị trường truyền thống ở các nước Hồi giáo; |
|
4 | Kẹo dừa | 25.000 (52,5 triệu trái)
| - Cải tiến, nâng cấp công nghệ - Phát triển sản phẩm mới - Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP..) - Nâng cao năng lực quản trị DN | - Ổn định thị trường nội địa 30% sản lượng sản xuất - Củng cố thị trường truyền thống (Trung Quốc) - Thâm nhập thị trường Mỹ và EU |
|
5 | Dầu dừa thô | 6.000 (từ vỏ lụa) | - Nâng cấp công nghệ - Kiểm soát chất lượng đầu vào sản phẩm. | - Phát triển thị trường Trung Quốc, Liên bang Nga, Hàn Quốc |
|
6 | Cám dừa | 3.000 |
| - Thị trường nội địa, chế biến thức ăn gia súc trong nước | |
B | Chế biến từ nước dừa khô |
| |||
7 | Thạch dừa thô | 50.000 (nước của 60 triệu trái) | - Nâng cấp, cải tiến công nghệ - Kiểm soát chất lượng sản phẩm - Đảm bảo điều kiện VSATTP và môi trường | - Ổn định thị trường truyền thống (Trung Quốc, Đài Loan) - Phát triển thị trường mới |
|
8 | Thạch dừa chế biến | 30.000 (từ thạch dừa thô) | - Cải tiến, nâng cấp công nghệ - Đa dạng hóa sản phẩm - Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP..) | - Bảo hộ nhãn hiệu - Phát triển thị trường tiêu thụ nội địa - Thâm nhập thị trường tiềm năng: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật |
|
9 | Mặt nạ dưỡng da | 40 triệu sản phẩm | - Hoàn thiện công nghệ, nâng cao hiệu suất, giảm giá thành. - Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (GMP, HACCP…) | - Bảo hộ nhãn hiệu nước ngoài - Phát triển thị trường Nhật, Hàn Quốc |
|
C | Chế biến từ vỏ dừa |
|
| ||
10 | Chỉ xơ dừa | 80.000 (500 triệu vỏ) | - Cải tiến thiết bị, công nghệ - Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm - Kiểm soát môi trường | - Ổn định thị trường truyền thống (Trung Quốc, Hàn Quốc) - Thâm nhập thị trường mới: Nhật
|
|
11 | Lưới xơ dừa | 30.000 | - Cải tiến thiết bị - Phát triển làng nghề | - Duy trì, mở rộng thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc |
|
12 | Mụn dừa | 50.000 (từ 360 triệu vỏ) | - Cải tiến, nâng cấp công nghệ - Kiểm soát môi trường | - Duy trì, mở rộng thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản |
|
D | Chế biến từ gáo dừa |
|
| ||
13 | Than gáo dừa | 30.000 | - Cải tiến công nghệ sản xuất - Xử lý ô nhiễm môi trường - Kiểm soát chất lượng SP | - Cung cấp nguyên liệu cho sản xuất than hoạt tính trong nước - Duy trì thị trường xuất khẩu |
|
14 | Than hoạt tính | 25.000 | - Hoàn thiện công nghệ sản xuất - Đảm bảo ổn định chất lượng | - Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu |
|
15 | Thủ công mỹ nghệ | GTSX 50 tỷ đồng | - Nâng cao trình độ thiết kế; - Đa dạng hóa sản phẩm; - Bảo hộ kiểu dáng sản phẩm; | - Phát triển tiêu thụ nội địa qua ngành du lịch - Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu |
|
| SẢN PHẨM TIỀM NĂNG |
|
|
| |
A | Chế biến từ cơm dừa |
|
| ||
1 | Dầu tinh luyện | 4.000 (từ dầu thô) | - Chuyển giao công nghệ sản xuất | - Thị trường nội địa |
|
2 | Dầu dừa tinh khiết (VCO) | 2.000 (24 triệu trái) | - Chuyển giao công nghệ SX | - Thị trường EU, Mỹ, Úc, Canada. |
|
3 | Mỹ phẩm cao cấp | ( từ VCO) | - Chuyển giao công nghệ sản xuất |
|
|
B | Chế biến từ nước dừa khô |
|
| ||
4 | Nước dừa đóng lon | 40.000 (nước của 150 triệu trái) | - Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất - Kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm - Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP..) | - Phát triển thị trường nội địa; - Phát triển thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc, Úc |
|
C | Chế biến từ vỏ dừa |
|
| ||
5 | Nệm xơ dừa | 3.000 | Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất | Nghiên cứu phát triển thị trường EU, Mỹ | |
6 | Vải địa chất | 6.000 | Nghiên cứu phát triển công nghệ | Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản | |
BIỂU 11: CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỀN NGÀNH DỪA TÌNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2011-2020
Số TT | Tên dự án | Tổng vốn đầu tư (triệu đ) | Trong đó | Ghi chú | |||
Vốn ngân sách | Vốn khác | ||||||
Đến 2015 | 2016-2020 | Đến 2015 | 2016-2020 | ||||
| TỔNG SỐ | 1,568,179 | 66,406 | 58,572 | 877,823 | 565,378 |
|
I | NGÀNH NÔNG NGHIỆP | 383,279 | 25,556 | 5,022 | 277,723 | 74,978 |
|
1 | Dự án thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển cây dừa mẹ để cải thiện giống dừa trong sản xuất đại trà, giai đoạn 2013-2015 | 1,794 | 777 | - | 1,017 | - | Vốn SN nông nghiệp |
2 | Dự án “Cải tạo vườn dừa kém hiệu quả - giai đoạn 2013-2016” | 61,867 | 11,879 | 1,278 | 44,872 | 3,838 |
|
3 | Dự án nuôi tôm càng xanh liền canh trong vườn dừa 2011-2015 | 2,110 | 1,000 | - | 1,110 | - | Vốn SN khoa học |
4 | Dự án trồng xen ca cao trong vườn dừa phục vụ xuất khẩu | 313,339 | 11,900 | 3,744 | 226,555 | 71,140 | Vốn SN nông nghiệp |
5 | Dự án thành lập tổ liên kết sản xuất trồng và Tiêu thụ sản phẩm dừa | 4,169 | - | - | 4,169 | - | Vốn dự án DBRP 2.446 |
II | NGÀNH CÔNG THƯƠNG | 640,300 | 18,000 | 30,000 | 454,300 | 138,000 |
|
A | Dự án đầu tư | 399,500 | - | - | 399,500 | - |
|
1 | Đầu tư nhà máy SX sữa dừa và nước dừa đóng lon 14.400 tấn/năm | 78,500 |
|
| 78,500 | - | Cty Thành Vinh |
2 | Đầu tư nhà máy SX sữa dừa (14.000tấn/năm), nước dừa CN đóng lon (14 triệu lít/năm) và cơm dừa béo thấp (1.500 tấn/năm) | 140,000 | - | - | 140,000 | - | Cty XNK |
3 | Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa đóng lon | 87,000 |
|
| 87,000 |
| Công ty TNHH Dừa Định Phú Mỹ |
4 | Dự án đầu tư nhà máy SX sữa dừa và cơm dừa béo thấp | 10,000 | - | - | 10,000 | - | Cty Ngưu Dừa |
5 | Dự án đầu tư nhà máy sản xuất than hoạt tính | 84,000 | - | - | 84,000 |
| CT Shinkwang Entech VN |
B | Dự án kêu gọi đầu tư | 103,800 | - | - | 23,800 | 80,000 |
|
1 | Đầu tư xây dựng 2 nhà máy chế biến mùn dừa xuất khẩu | 50,000 | - | - | 20,000 | 30,000 |
|
2 | Dự án SX dầu dừa tinh luyện (4.000 tấn/năm) | 1,800 | - | - | 1,800 | - | Cty XNK |
3 | Dự án SX dầu dừa tinh khiết (2.000 tấn/năm) | 2,000 | - | - | 2,000 | - |
|
4 | Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nệm xơ dừa, công suất khoảng 3.000 tấn/năm | 50,000 | - | - | - | 50,000 |
|
C | Xây dựng các dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ và phát triển thị trường (Chương trình KC và XTTM) | 137,000 | 18,000 | 30,000 | 31,000 | 58,000 |
|
1 | Chương trình khuyến công (*) hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, mở rộng SX, trình diễn kỹ thuật, đào tạo ,... Nâng cao năng lực chế biến dừa | 100,000 | 9,000 | 18,000 | 25,000 | 48,000 | Vốn KCQG 15 tỷ, |
2 | Chương trình Xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại(**) | 37,000.0 | 9,000 | 12,000 | 6,000 | 10,000 | Vốn XTTM QG 12 tỷ, XTTM ĐP: 9 tỷ |
| + DA hỗ trợ khảo sát thị trường và tham gia hội chợ trong nước và ngoài nước | 32,500 | 4,500 | 12,000 | 6,000 | 10,000 |
|
| + Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm dừa và cẩm nang ngành dừa | 1,500 | 1,500 | - | - | - | Vốn xúc tiến thương mại |
| + Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm của sản phẩm dừa | 2,000 | 2,000 | - | - | - | Vốn xúc tiến thương mại |
| + Dự án tăng cường năng lực doanh nghiệp về quản trị, marketing, ứng dụng thương mại điện tử | 1,000 | 1,000 | - | - | - | Vốn xúc tiến thương mại |
D | Đầu tư 2 cụm công nghiệp chế biến dừa | 300,000 | 20,000 | 15,000 | 140,000 | 125,000 | Ưu đãi đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng CCN |
III | KHOA HỌC CÔNG NGHỆ | 34,600 | 2,850 | 8,550 | 5,800 | 17,400 |
|
1 | Hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ | 22,000 | 2,000 | 6,000 | 3,500 | 10,500 | Vốn sự nghiệp KH |
2 | Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến | 8,000 | 500 | 1,500 | 1,500 | 4,500 | Vốn sự nghiệp KH |
3 | Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp | 4,600 | 350 | 1,050 | 800 | 2,400 |
|
IV | Dự án liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch xứ dừa | 210,000 | - | - | - | 210,000 |
|
BIỂU 12: DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
TT | Nội dung | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Dự kiến thời gian thực hiện |
| Tổng số |
|
|
|
1 | Dự án thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển cây dừa mẹ để cải thiện giống dừa trong sản xuất đại trà, giai đoạn 2013-2015 | Sở Nông nghiệp | UBND huyện, xã, hộ dân 5 huyện nhiều dừa: CT, MCB, MCN, GT, BĐ, | 2013 - 2015 |
2 | Dự án “Cải tạo vườn dừa kém hiệu quả - Giai đoạn 2013-2016 | Sở Nông nghiệp | UBND huyện, xã, hộ dân 6 huyện nhiều dừa: CT, MCB, MCN, GT, BĐ, T.Phú | 2013 - 2016 |
3 | Dự án nuôi tôm càng xanh liền canh trong vườn dừa 2011-2015. | Sở Nông nghiệp | UBND xã, hộ dân các xã: Thuận điền, Lương Phú (GT); Định thủy, Phước Hiệp (MCN) | 2011 - 2015 |
4 | Dự án khai thác tổng hợp vườn dừa | Sở Nông nghiệp | UBND các huyện, TP, Hộ dân trồng dừa toàn tỉnh | 2011 - 2020 |
5 | Dự án trồng xen ca cao trong vườn dừa | Sở Nông nghiệp | UBND các huyện, TP, Hộ dân trồng dừa toàn tỉnh | 2011 - 2020 |
6 | Dự án thành lập tổ liên kết sản xuất trồng và Tiêu thụ sản phẩm dừa | Sở Nông nghiệp | 17 xã vùng dự án DBRP | 2012 - 2015 |
7 | Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. | Sở KHCN | Sở Tài chính, DN | 2011 - 2020 |
8 | Hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ | Sở KHCN | Sở Tài chính, DN | 2011 - 2020 |
9 | Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp. | Sở KHCN | Sở Tài chính, DN, Đơn vị tư vấn | 2011 - 2020 |
10 | Hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, mở rộng SX, trình diễn kỹ thuật, đào tạo,.. Nâng cao năng lực chế biến dừa từ Chương trình khuyến công | Sở Công Thương | Sở Tài chính, Doanh nghiệp | 2013 - 2020 |
11 | Hỗ trợ DN phát triển thị trường từ Chương trình Xúc tiến thương mại | Sở Công Thương | Sở Tài chính, Doanh nghiệp, đơn vị tư vấn | 2013 - 2020 |
| + Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm dừa và cẩm nang ngành dừa | Sở Công Thương | Sở Tài chính, doanh nghiệp, đơn vị tư vấn | 3013 - 2015 |
| + Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm của sản phẩm dừa | Sở Công Thương | Sở Tài chính, DN, Đơn vị tư vấn | 2013 - 2015 |
| + Dự án tăng cường năng lực Doanh nghiệp về quản trị, marketing, ứng dụng thương mại điện tử | Sở Công Thương | Sở Tài chính, DN, Đơn vị tư vấn | 2013 - 2015 |
| + Dự án hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại | Sở Công Thương | Sở Tài chính, Doanh nghiệp. | 2013 - 2015 |
12 | Hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng 2 khu phức hợp chế biến dừa (2 cụm công nghiệp) | UBND các huyện: Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm | Các Sở, Doanh nghiệp | 2013 - 2020 |
BIỂU 13: KHUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH DỪA TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020
TT | Nội dung công việc | Sản phẩm chính | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện | Ghi chú |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
1 | Thành lập Ban điều phối thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa | Quyết định thành lập | Sở Nội vụ | Các sở: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Hiệp hội Dừa | Quý IV/2013 |
|
2 | Quy chế làm việc Ban điều phối | Quy chế | Sở Công Thương | Thành viên Ban điều phối | Quý IV/2013 |
|
3 | Xây dựng và triển khai dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả | Dự án | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND và nông dân các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, thành phố Bến Tre. | 2013-2014 | DA mới |
4 | Xây dựng và triển khai dự án thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển cây dừa mẹ | Dự án | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Khoa học và Công nghệ, UBND và nông dân các huyện: Châu Thành, MCB, MCN, Giồng Trôm, Bình Đại, Thành phố Bến Tre. | 2013-2014 | DA mới |
5 | Triển khai Dự án phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa | Dự án | Sở Nông nghiệp và PTNT | Sở Khoa học và Công nghệ, UBND và nông dân các xã: Thuận Điền, Lương Phú (Giồng Trôm), Định thủy, Phước Hiệp (MCN) | 2011-2016 | Dự án đang triển khai |
6 | Triển khai Dự án trồng xen ca cao trong vườn dừa phục vụ xuất khẩu | Dự án | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện, thành phố, hộ trồng dừa | 2011-2020 | Dự án đang triển khai |
7 | Triển khai Dự án thành lập tổ liên kết sản xuất trồng và Tiêu thụ sản phẩm dừa | Dự án | Sở Nông nghiệp và PTNT | Hiệp hội Dừa, UBND các huyện và 17 xã vùng dự án | 2012-2015 | Dự án đang triển khai |
8 | Nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh tại hộ gia đình | Dự án | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND các huyện, các hộ, trang trại trồng dừa | 2013-2020 | Dự án đang triển khai |
9 | Triển khai Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa đóng lon, nước nước dừa đóng lon và cơm dừa nạo sấy béo thấp | Đầu tư nhà máy | Cty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới | Ban Quản lý các khu Công nghiệp, các sở, ngành liên quan | 2013 | Dự án đang được triển khai |
10 | Triển khai Dự án đầu tư nhà máy chế biến sữa dừa và nước dừa đóng lon | Đầu tư nhà máy | Cty cổ phần XNK Bến Tre | UBND huyện Giồng Trôm, các sở, ngành liên quan | 2013-2014 | Dự án đang triển khai |
11 | Triển khai Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa và cơm dừa nạo sấy béo thấp | Đầu tư nhà máy | Đầu tư nước ngoài | Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương Mại | 2013 | Dự án đang triển khai |
12 | Triển khai Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa đóng lon | Đầu tư nhà máy | Cty TNHH Dừa Định Phú Mỹ | Ban Quản lý các khu Công nghiệp, các sở ngành liên quan | 2013 | Dự án đang triển khai |
13 | Triển khai Dự án đầu tư nhà máy sản xuất than hoạt tính | Đầu tư nhà máy | Cty TNHH Shinkwang Entech VN | Ban Quản lý các khu Công nghiệp, các sở ngành liên quan | 2013-2014 |
|
14 | Kêu gọi đầu tư 2 Dự án nhà máy chế biến mùn dừa xuất khẩu | Hồ sơ kêu gọi đầu tư | TT Xúc tiến đầu tư và TM | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố | Quý IV/2013 | Kêu gọi đầu tư |
15 | Kêu gọi đầu tư Dự án sản xuất dầu dừa tinh luyện | Hồ sơ kêu gọi đầu tư | TT Xúc tiến đầu tư và TM | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố | Quý IV/2013 | Kêu gọi đầu tư |
16 | Kêu gọi đầu tư Dự án sản xuất dầu dừa tinh khiết | Hồ sơ kêu gọi đầu tư | TT Xúc tiến đầu tư và TM | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố | Quý IV/2013 | Kêu gọi đầu tư |
17 | Kêu gọi đầu tư Dự án sản xuất nệm xơ dừa | Hồ sơ kêu gọi đầu tư | TT Xúc tiến đầu tư và TM | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố | Quý IV /2013 | Kêu gọi đầu tư |
18 | Kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng không gian dừa | Hồ sơ kêu gọi đầu tư | TT Xúc tiến đầu tư và TM | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố | Quý IV/2013 | Kêu gọi đầu tư |
19 | Xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm dừa và cẩm nang ngành dừa | Dự án | Sở Công Thương | TT Xúc tiến đầu tư và TM, các sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố; các đơn vị sản xuất kinh doanh ngành dừa | Quý I/2014 | DA mới |
20 | Xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm của sản phẩm dừa | Dự án | Sở Công Thương | Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNN, TT Xúc tiến đầu tư và TM | Quý I/2014 | DA mới |
21 | Tăng cường năng lực doanh nghiệp về quản trị,marketing, ứng dụng thương mại điện tử | Dự án | Sở Công Thương | Sở Thông tin và Truyền thông, TT Xúc tiến đầu tư và TM, doanh nghiệp, làng nghề | Quý I/2014 | DA mới |
22 | Triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ | Chương trình | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở: Công Thương, Tài Chính, Kế hoạch Đầu tư, các doanh nghiệp | 2013-2020 | Đang triển khai |
23 | Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng | Chương trình | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp | 2013-2020 | Đang triển khai |
24 | Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu công nghiệp | Chương trình | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp | 2013-2020 | Đang triển khai |
25 | Xây dựng Nhà triển lãm dừa Bến Tre | Dự án | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, TT Xúc tiến Đầu tư và TM | Quý I/2014 | DA mới |
26 | Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa xứ dừa | Dự án | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, các doanh nghiệp | Quý I/2014 | DA mới |
27 | Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho dừa uống nước của Bến Tre | Dự án | Sở Công Thương | Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Dừa, UBND các huyện, thành phố | Quý II/2014 | DA mới |
28 | Xây dựng Dự án biểu trưng xứ dừa gắn với hình ảnh du lịch Bến Tre | Dự án | Hiệp hội Dừa | Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp | Quý I/2014 | DA mới |
29 | Đề án tổ chức Festival dừa 2015. | TT Xúc tiến đầu tư và TM | Đề án | Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương; Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp | Quý I/2014 | ĐA mới |
30 | Sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Chương trình | Báo cáo | Sở Công Thương | Thành viên Ban điều phối | Quý I/2016 Quý I/2020 | Sơ kết giai đoạn 2013-2015 |
- 1 Chỉ thị 01/2015/CT-UBND về nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa tỉnh Bến Tre
- 2 Quyết định 2837/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long Bình Thuận
- 3 Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plong tỉnh Kon Tum
- 4 Quyết định 124/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 25/2011/QĐ-UBND về chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 6 Thông tư 84/2011/TT-BTC hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- 7 Quyết định 974/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bến tre đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 8 Quyết định 315/QĐ-TTg năm 2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Quyết định 83/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 11 Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 13 Quyết định 23/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14 Quyết định 92/2009/QĐ-TTg năm 2009 về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plong tỉnh Kon Tum
- 2 Quyết định 2837/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long Bình Thuận
- 3 Chỉ thị 01/2015/CT-UBND về nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa tỉnh Bến Tre