ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2309/2005/QĐ-UB | Thanh Hóa, ngày 24 tháng 08 năm 2005 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TRUNG TÂM VÙNG MIỀN NÚI PHÍA TÂY, TỈNH THANH HÓA
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND công bố ngày 10/12/2003.
Căn cứ Luật xây dựng năm 2003, Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng.
Căn cứ Quyết định số: 1645/QĐ-BXD ngày 04/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt nhiệm vụ dự án Quy hoạch xây dựng đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng tại công văn số: 1586/BXD-KTQH ngày 09 tháng 8 năm 2005, về việc thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Theo đề nghị của UBND huyện Ngọc Lặc tại tờ trình số: 52/TTr-UB ngày 11 tháng 4 năm 2005 và đề nghị của Sở Xây dựng Thanh Hóa số 1134 /SXD-QH ngày 09 tháng 08 năm 2005, về việc xin phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều1 :
Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây :
1/ Mục tiêu :
Xác định vị trí, chức năng quy mô của đô thị trong mối quan hệ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa, khu vực 11 huyện miền núi phía Tây, kết hợp xây dựng đô thị với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Xây dựng đô thị trung tâm vùng trở thành đô thị hiện đại mang bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi Thanh Hóa, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của cả vùng miền núi nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
2/ Phạm vi quy hoạch:
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng đô thị gồm 6 xã (thuộc huyện Ngọc Lặc ): Thị trấn Ngọc Lặc, xã Quang Trung, xã Ngọc Liên, xã Ngọc Sơn và một phần xã Ngọc Khê, xã Thuý Sơn. Ranh giới quy hoạch đô thị được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp: Xã Thuý Sơn, xã Quang Trung;
- Phía Nam giáp: Xã Minh Sơn;
- Phía Đông giáp: Xã Ngọc Sơn, xã Ngọc Liên;
- Phía Tây giáp: Xã Cao Ngọc, xã Mỹ Tân.
Diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng: 5 531,0 ha
3/ Tính chất : Là đô thị tổng hợp
+ Giai đoạn đầu: Là huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Ngọc Lặc.
+ Giai đoạn sau: Thị xã trực thuộc tỉnh (trung tâm vùng)
- Là đô thị mới của tỉnh được hình thành trên cơ sở phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản và công nghiệp vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp – Dịch vụ thương mại, du lịch .
- Là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, chuyển giao công nghệ, đầu mối giao thông, đầu mối các công trình hạ tầng kỹ thuật của vùng. Có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh và quốc phòng.
4/ Quy mô dân số :
- Dân số hiện trạng : 43 957 người
+ Dự báo đến năm 2010 khoảng: 60 000 người
+ Dự báo đến năm 2020 khoảng: 100 000 người
5/ Quy mô đất đai :
- Đến năm 2010 đất xây dựng đô thị khoảng 944 ha, trong đó đất dân dụng khoảng: 504 ha, với chỉ tiêu 157 m2/người.
- Đến năm 2020 đất xây dựng đô thị khoảng 1 750 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 900 ha, với chỉ tiêu 175 m2/người.
6/ Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị:
a- Phân khu chức năng :
*. Đất công nghiệp – TTCN : Có diện tích 150 ha bao gồm :
- Khu công nghiệp sản xuất VLXD: Sản xuất xi măng, gạch tấm lợp, đá XD...v.v. Diện tích 60 ha, xây dựng tại phía Đông Bắc của núi Sắt, xã Thuý Sơn.
- Khu công nghiệp chế biến nông lâm sản…v.v. Diện tích 60 ha, xây dựng tại phía Đông Bắc núi Lương Sơn, xã Thuý Sơn.
- Khu tiểu thủ công nghiệp (công nghiệp địa phương): Diện tích 30 ha, xây dựng tại 2 khu vực : Hạ Sơn, xã Ngọc Khê và Quang Hưng, xã Quang Trung.
*. Hệ thống các trung tâm:
+ Hệ thống trung tâm hành chính, chính trị đô thị có quy mô 50 ha, được xây dựng tại xã Quang Trung, Ngọc Khê theo trục quốc lộ 15 A .
+ Trung tâm công cộng – thương mại, dịch vụ: Được tổ chức thành các cấp: Cấp phục vụ hàng ngày, được gắn với các đơn vị ở, cấp phục vụ định kỳ được bố trí gắn với trung tâm đô thị có quy mô khoảng 25 ha. Xây dựng tại các khu vực thuộc xã Thuý Sơn, Ngọc Khê, Ngọc Liên và thị trấn Ngọc Lặc.
+ Trung tâm văn hóa, du lịch gồm : Nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, tượng đài, nghỉ dưỡng, du lịch..vv. Có diện tích khoảng 40 ha được xây dựng tại các khu vực thuộc xã Ngọc Khê, thị trấn Ngọc Lặc.
+ Trung tâm giáo dục - đào tạo gồm : Trường dạy nghề, trường bồi dưỡng nghiệp vụ, trường chính trị, trường chuyên nghiệp, trường phổ thông trung học...v.v. Có diện tích khoảng 27 ha được bố trí tại các khu vực thuộc thị trấn Ngọc Lặc, xã Ngọc Khê, Ngọc Liên và xã Ngọc Sơn.
+ Trung tâm y tế: Giữ nguyên vị trí như hiện nay thuộc thị trấn. Có diện tích khoảng 8,0 ha.
+ Trung tâm thể dục thể thao – cây xanh : Gồm sân thể thao cơ bản, nhà thi đấu, hồ bơi, các khu công viên cây xanh, mặt nước, phục vụ cho luyện tập, vui chơi nghỉ ngơi của dân cư đô thị và vùng. Diện tích khoảng 150 ha, được bố trí tại các khu vực thuộc thị trấn Ngọc Lặc, xã Ngọc Khê, Ngọc Sơn và xã Ngọc Liên.
+ Các khu dân cư :
- Khu dân cư mới được bố trí chủ yếu về phía Đông đường Hồ Chí Minh thuộc các xã Quang Trung, Ngọc Sơn và Ngọc Liên có quy mô đến 2010 là: 300 ha, đến 2020: 450 ha.
- Dân cư hiện có : Gồm các khu dân cư nông, lâm nghiệp (làng bản) sẽ đươc cải tạo nâng cấp, chỉnh trang được sát nhập vào đô thị có quy mô: 200 ha.
+ Các khu đất an ninh quốc phòng:
Trên cơ sở các khu vực hiện có công trình an ninh, quốc phòng, các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan chức năng, lập quy hoạch sử dụng đất an ninh, Quốc phòng gắn với cơ cấu quy hoạch đô thị, trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
+ Các khu đất khác: Phát triển hệ thống cây xanh ven sông cầu Chày, cây xanh trên các đồi có độ dốc lớn, cây xanh cách ly giữa khu dân dụng và khu công nghiệp, cây xanh cách ly tuyến điện 500 KV và 110 KV, bảo đảm các tiêu chuẩn quy phạm về vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị.
b- Kiến trúc và cảnh quan đô thị :
Bảo vệ tôn tạo và giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan trong khu vực, cải tạo nâng cấp các khu dân cư, làng bản kết hợp với các khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
7/ Quy hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
a- Về quy hoạch giao thông :
- Đường đối ngoại: Tuân thủ hướng tuyến, mặt cắt ngang của đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15A. Gắn phát triển các tuyến giao thông này với phát triển đô thị, đồng thời khai thác an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Riêng đường Hồ Chí Minh tương lai, khi đô thị phát triển sẽ được cải dịch ra ngoài đô thị về phía đông.
- Đường nội thị: Xây dựng các tuyến đường nội thị đảm bảo giao thông thuận tiện giữa các khu chức năng và liên hệ hợp lý với đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 15A. Mặt cắt ngang các đường trục chính có chỉ giới đường đỏ từ 25 – 60 m, các đường khu vực có chỉ giới đường đỏ từ : 17,5 – 20,5 m.
b- Về chuẩn bị kỹ thuật đất đai :
- Do địa hình đồi núi : Phương án san nền trong đô thị chủ yếu là san nền cục bộ không phá vỡ địa hình tự nhiên.
- Chọn cốt trung bình cho đô thị là +31 m, +56 m.
c- Về cấp nước:
- Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt :
+ Đến năm 2010 là 130 l/người/ngđ;
+ Đến năm 2020 là 150 l/người/ngđ; 90-100% dân số đô thị được cấp nước.
- Chỉ tiêu cấp nước công nghiệp :
+ Đến năm 2010 là 45 m3/ha
+ Đến năm 2020 là 55 m3/ha
- Nguồn nước: Khai thác nguồn nước ngầm tại chỗ kết hợp sử dụng nguồn nước mặt hồ cống Khê và hồ Cửa Đạt.
d- Thóat nước và VSMT :
- Xây dựng hệ thống thóat nước mưa, thóat nước thải đồng bộ hiện đại. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp phải được xử lý trước khi xả vào hệ thống thóat nước chung của đô thị.
- Khu xử lý chất thải rắn: Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn (công nghệ chế biến rác để làm phân hữu cơ) phục vụ sản xuất nông nghiệp, bố trí tại xã Thuý Sơn diện tích 10 ha.
- Khu nghĩa địa: Xây dựng khu nghĩa địa đảm bảo quy mô và yêu cầu vệ sinh. Địa điểmiaxsc định tại xã Thuý Sơn, diện tích 5 ha.
e- Cấp điện:
Xây dựng trạm cấp điện trung gian 110 KV phục vụ cho vùng và cho đô thị công suất: 60 – 100 MW theo quy hoạch của ngành điện.
h- Thông tin liên lạc:
Đầu tư mạng lưới thông tin liên lạc đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc trong khu vực, trong nước và Quốc tế.
Điều 2:
1- Giao Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc phối hợp với các ngành chức năng:
- Tổ chức công bố rộng rãi Quy hoạch chung xây dựng Đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa để các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật hiện hành.
- Tổ chức lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Lập kế hoạch hàng năm và dài hạn cùng gắn với các biện pháp để thực hiện quy hoạch chung xây dựng đô thị, trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài thônmg qua các chính sách và cơ chế thích hợp.
2- UBND huyện Ngọc Lặc là chủ thể quản lý quy hoạch trên địa bàn chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng thời tuân thủ sự hướng dẫn chuyên môn của cơ quan quản lý chuyên ngành: Xây dựng; Tài nguyên - Môi trường; Kế hoạch - Đầu tư, Tài Chính ... về quản lý và đầu tư xây dựng theo quy hoạch chung được duyệt.
3- Các chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng trong khu đô thị phải được chấp thuận địa điểm, lập Dự án đầu tư theo quy định trong quản lý đầu tư và xây dựng, đảm bảo đúng đồ án quy hoạch và Điều lệ quản lý theo đồ án quy hoạch được phê duyệt; đồng thời phải chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, sử dụng đất đai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3:
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Công nghiệp và Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận | TM. UBND TỈNH THANH HÓA |
- 1 Quyết định 5042/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 5042/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030