Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2312/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 29 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT SÉT NUNG BẰNG LÒ THỦ CÔNG LẠC HẬU, LÒ VÒNG, LÒ ĐỨNG, LÒ THỦ CÔNG CẢI TIẾN SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung;

Căn cứ Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2537/TTr-SXD ngày 02 tháng 8 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công lạc hậu, lò vòng, lò đứng, lò thủ công cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2017 – 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục đích, yêu cầu:

a) Mục đích:

- Giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch.

- Đưa hoạt động sản xuất gạch đất nung phù hợp với định hướng đầu tư theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

b) Yêu cầu:

- Đến năm 2020, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công lạc hậu, lò vòng, lò đứng, lò thủ công cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Phân công trách nhiệm cụ thể, đồng thời tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Xác định được các giải pháp chung và giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục đích đề ra.

2. Kế hoạch thực hiện:

a) Kế hoạch lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất đến hết năm 2018: đối với các lò thủ công lạc hậu, lò vòng, lò đứng, lò thủ công cải tiến không có khu vực khai thác nguyên liệu cụ thể sẽ không cho phép mở rộng sản xuất. Việc duy trì hoạt động sản xuất nhằm sử dụng hết nguồn nguyên liệu tồn đọng, cụ thể như sau:

Quận Cái Răng: 03 cơ sở; Quận Ô Môn: 04 cơ sở; Quận Thốt Nốt: 07 cơ sở; huyện Cờ Đỏ: 01 cơ sở, huyện Vĩnh Thạnh: 03 cơ sở.

(Chi tiết Phụ lục đính kèm)

b) Về chuyển đổi và hoàn thiện công nghệ: Đối với các lò tuynel sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa đang hoạt động thì vẫn duy trì sản xuất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 nhằm hạn chế tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, cụ thể như sau: quận Thốt Nốt 01 cơ sở.

(Chi tiết Phụ lục đính kèm).

c) Về điều kiện để sản xuất gạch đất nung:

- Đối với các lò thủ công lạc hậu, lò vòng, lò đứng, lò thủ công cải tiến phải thực hiện chuyển đổi giải pháp công nghệ và thực hiện thẩm định giải pháp công nghệ và các nội dung khác theo quy định pháp luật hiện hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

- Đối với cơ sở sản xuất theo công nghệ lò tuynel sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa, phải tổ chức thẩm định giải pháp công nghệ và các nội dung khác theo quy định pháp luật hiện hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

- Đối với các dự án đầu tư mới, việc cấp phép hoạt động phải đảm bảo theo quy định pháp luật.

d) Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức công bố công khai và thông báo đến từng cơ sở sản xuất gạch đất nung trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc kiểm tra thực hiện kế hoạch.

3. Giải pháp thực hiện:

a) Giải pháp chung: Nhằm đạt được mục đích, yêu cầu đã đề ra, một số giải pháp chung cần thực hiện như sau:

- Bảo đảm các tổ chức, các hộ sản xuất gạch đất nung trên địa bàn thành phố Cần Thơ nắm bắt được chủ trương, định hướng của Chính phủ và kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Các ngành, các cấp có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của kế hoạch này tích cực, khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Xây dựng.

b) Các giải pháp cụ thể:

- Giải pháp hành chính:

+ Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tổ chức hướng dẫn thẩm định giải pháp công nghệ và các nội dung an toàn môi trường theo quy định pháp luật đối với các cơ sở sản xuất có nhu cầu chuyển đổi công nghệ hoặc các dự án đầu tư mới; Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng gạch đất nung theo quy định hiện hành.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân quận, huyện dừng cấp phép đầu tư các dự án xây mới và các cơ sở chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất nung mà chưa được cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn thẩm định giải pháp công nghệ và các nội dung an toàn môi trường theo quy định pháp luật.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra việc quản lý khai thác và sử dụng đất sét để sản xuất gạch bảo đảm phù hợp với quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tăng cường kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; tổ chức công bố Quy hoạch khai thác khoáng sản.

- Giải pháp hỗ trợ chuyển đổi công nghệ:

+ Các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynen phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; tiết kiệm tài nguyên, khuyến khích đầu tư công nghệ lò tuynen có sử dụng nhiên liệu trấu, mùn cưa.

+ Sở Xây dựng tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về các mô hình sản xuất sản phẩm đất nung tiên tiến, hiệu quả phù hợp với định hướng đầu tư theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với điều kiện địa phương, phối hợp với các tổ chức khoa học trong việc phổ biến các giải pháp công nghệ sản xuất.

+ Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc đặt hàng các tổ chức khoa học, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia, …, về giải pháp công nghệ sản xuất gạch đất nung từ nguồn đất dôi dư của các dự án nạo vét kênh mương, các dự án giao thông, xây dựng và phế phẩm công nghiệp,.., để phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương; ưu tiên phát triển sản phẩm đất sét nung có giá trị kinh tế cao phục vụ xây dựng, xuất khẩu.

- Cơ chế chính sách:

+ Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các chính sách ưu đãi về chuyển đổi công nghệ sản xuất sản phẩm đất nung có giá trị cao phục vụ xây dựng và xuất khẩu, sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ chuyển đổi giải pháp công nghệ tiên tiến, hiệu quả trong sản xuất sản phẩm đất nung.

+ Sở Tài chính nghiên cứu Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và các văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác tài nguyên sét làm gạch xây lên mức tối đa; Tham mưu kinh phí thực hiện trên cơ sở các đề xuất của các cấp, các ngành nhằm bảo đảm thực hiện các giải pháp của kế hoạch này;

4. Tổ chức thực hiện:

a) Giao Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì triển khai, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch này.

b) Giao Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện theo nhiệm vụ được phân công chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15 tháng 10 hàng năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng tổng hợp, tham mưu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thị Hồng Ánh

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC CƠ SỞ CHẤM DỨT SẢN XUẤT HOẶC CHUYỂN ĐỔI CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT SÉT NUNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2017)

A. Các cơ sở theo kế hoạch dừng sản xuất vào cuối năm 2018

STT

Tên cơ sở

Công suất (viên/tháng)

Nguồn cung cấp sét

Công nghệ

QUẬN CÁI RĂNG

1

Cơ sở Nguyễn Văn Nghĩa

520.000

Vĩnh Long

Đốt bằng trấu

2

Cơ sở Võ Hồng Thanh

80.000

3

Cơ sở Ngô Xuân Thắng

400.000

QUẬN Ô MÔN

1

Cơ sở Tuấn Trân

150.000

Long Xuyên, An Giang

Ép gạch

2

Cơ sở Hồ Phước Lộc

250.000

3

Cơ sở Phạm Hữu Thạnh

83.000

Đốt bằng trấu

4

Cơ sở Phạm Văn Lý

150.000

QUẬN THỐT NỐT

1

Cơ sở Trần Văn Một

30.000

Long Xuyên, An Giang

Đốt bằng trấu

2

Cơ sở Phương Chi

210.000

3

Cơ sở Phước Điền

600.000

4

Cơ sở Tám Tha

300.000

5

Cơ sở Thanh Vân

5.000

6

Cơ sở Diệu Cường

5.000

7

Cơ sở Năm Khiết

150.000

HUYỆN CỜ ĐỎ

1

Cơ sở Sáu Tấn

100.000

Không xác định

Đốt bằng trấu

HUYỆN VĨNH THẠNH

1

Cơ sở Lê Thị Hồng

450.000

Không xác định

Đốt bằng trấu

2

Cơ sở Đức Thành

140.000

Không xác định

3

Cơ sở Phan Văn Bình

120.000

Không xác định

B. Cơ sở vẫn duy trì sản xuất đến 01 tháng 01 năm 2020, sau thời điểm này phải thực hiện thẩm định giải pháp công nghệ và các nội dung về môi trường, an toàn khác theo quy định pháp luật.

STT

Tên cơ sở

Công suất

(viên/tháng)

Nguồn cung cấp sét

Công nghệ

QUẬN THỐT NỐT

1

Cơ sở Bình Thạnh

900.000

Long Xuyên, An Giang

Hoffman