Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2317/QĐ-UB

Huế, ngày 07 tháng 10 năm 1999.

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU KINH THÀNH HUẾ THÀNH PHỐ HUẾ- TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được quốc hội nước CHXHCUVN thông qua ngày 21/6/1994.

- Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1995 của Bộ xây dựng hướng dẫn xét duyệt đồ án qui hoạch xây dựng đô thị.

-Căn cứ Công văn số:174/BXD-KTQH ngày 27/1/1999 của Bộ Xây dựng việc thoả thuận quy hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế- thành phố Huế - Tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Theo đề nghị của Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế tại Công văn số: 230/SXD-QH ngày 21/6/1999 của UBND Thành phố Huế tại công văn số: 107/TT-UB ngày 26/2/1999 về việc phê duyệt qui hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế- Thành phố Huế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt qui hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi ranh giới quy hoạch

Khu Kinh thành Huế nằm ở trung tâm thành phố Huế, bao gồm 4 phường thành nội: Tây Lộc, Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hoà và một phần các phường Phú Thuận, Phú Bình, Phú Hoà với diện tích 486,23 ha có ranh giới cụ thể như sau:

- Bắc giáp sông An Hoà;

- Nam giáp sông Hương;

- Đông giáp sông Đông Ba;

- Tây giáp sông Kẻ Vạn :

2- Tính chất:

a- Là trung tâm đô thị cổ của thành phố Huế , khu du lịch văn hoá lịch sử tiêu biểu của cố đô Huế, di sản của quốc gia và quốc tế.

b-Là khu du lịch dịch vụ với 1 hệ thống các thiết chế văn hoá đa dạng: Bảo tàng, đình Phú Xuân,công viên gắn với hệ thống nhà nước mang đậm nét Á Đông và phong cách sinh hoạt, nếp sống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

c- Là khu dân cư được bảo trì ở mức hợp lý ,hài hoà với các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy quần thể di tích trong kinh thành.

3- Quy mô dân số:

+ Hiện trạng 1995: 58.732 người

+ Năm 2005: 45.000 người

+ Năm 2020: 42.000 người

4- Quy hoạch sử dụng đất đai:

4.1- Cơ cấu sử dụng đất đai:

TT

Loại đất

Diện tích(ha)

Tỷ lệ (%)

1

Đất di tích

91,14

18,75

2

Đất ở

193,46

39,79

3

Đất công cộng khu ở

27,16

5,58

4

Đất cây xanh

32,7

6,73

5

Đất giao thông

62,00

12,75

6

Đất cơ quan, trường đào tạo

2,83

0,58

7

Đất công nghiệp TTCN

4,42

0,91

8

Đất quốc phòng

43,18

8,88

9

Đất ao hồ, kênh mương

29,34

6,03

 

Cộng

486,28

100

4.2- Phân khu chức năng:

4.2.1- Khu du lịch : Có diện tích 91,14 ha gồm những di tích đã được xếp hạng loại 1 như: Đại nội, hệ thống kênh hồ, khu Lục Bộ và một số Dinh phủ, Mang Cá lớn, Mang Cá nhỏ, quảng trường Ngọ Môn, đình làng Phú Xuân,Đàn Xã Tắc; được quản lý theo pháp lệnh “ Bảo vệ và sử dụng lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh” số 14/LCT/HĐNN ngày 31-3-1984 của Hội đồng Nhà nước, Nghị định số 288 ngày 31-12-1985 của HỘi đồng Bộ trưởng quy định việc thi hành pháp lệnh và Thông tư 206/VHTT ngày 22-7-1986 của Bộ Văn Hoá hướng dẫn thi hành pháp lệnh

- Vùng tiếp cận trong và ngoài cửa thành: Tạo một số vùng đệm bảo vệ thuộc phạm vi đất phía Tây Bắc Nam của Đại Nội cho các điểm di tích trên; không cho phép xây dựng mới, từng bước giải toả dãn dân cư trong khu vực.Khôi phục các công trình di tích trọng yếu, thực hiện các biện pháp quản lý xây dựng chặt chẽ.

4.2.2- Khu ở: Có diện tích 193,46 ha, được bố trí ở 4 phường nội thành theo dạng:

a)- Nhà biệt thự có diện tích 19 ha; nằm rải ở phường Thuận Hoà và phường Thuận Thành, mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình 1,5 tầng, hệ số sử dụng đất:0,45 lần

b)- Nhà vườn có diện tích 96,49 ha, nằm rải rác ở cả 4 phường, mật độ xây dựng 20%, tầng cao trung bình 1,2 lần, hệ số sử dụng 0,24 lần.

c)- Nhà liền kề có diện tích 77,97 ha, nằm tập trung ở các tuyến đường Nguyễn Trãi, Đinh Tiên Hoàng, Mai Thúc Loan, mật độ xây dựng 60-70%, tầng cao trung bình 1,3 lần, hệ số sử dụng đất 0,8 lần.

d)- Khu ở trong các eo bầu, tường thành, ven sông NGự Hà, khu Đàn Xã Tắc, từng bước giải toả để trả lại nguyên trạng di tích đồng thời trồng cây xanh tạo sự thông thoáng nhằm giảm mật độ dân cư, mật độ xây dựng trong kinh thành.

4.2.3- Trung tâm công cọng: Có diện tích 29,99 ha, gồm:

a) Khu cơ quan hành chính diện tích3,32 ha gồm các công trình hành chính cấp thành phố, cấp trường , cơ quan các ngành, trường đào tạo bố trí rải rác ở 4 phường,mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình 1,3 tầng, hệ số sử dụng đất 0,39 lần.

b)Khu dịch vụ. thương mại cấp thành phố và khu ở gồm các chợ,cửa hàng, kiốt bố trí rải rác ở 4 phường, có diện tích 10,3 ha, mật độ xây dưụng 40%, tầng cao trung bình 1,2 tầng, hệ số sử dụng đất 0,48 lần.

c) Khu công trình y tế giáo dục có diện tích 12.37 ha, gồm các trạm xá, nhà trẻ, mẫu giáo, trường cấp I,II,III bố trí rải rác ở 4 phường, mật độ xây dựng 25-30%, tầng cao trung bình 1,2 tầng, hệ số sử dụng đất 0,3 lần

d) Khu trung tâm văn hoá thể thao có diện tích 4,0 ha, gồm các nhà văn hoá, công trình thể dục thể thao nằm ở 4 phường. Mở rộng sân thể thao hiện tại của phường Tây Lộc tại khu vực sân bay Tây Lộc để cải tạo nâng cấp thành khu TDTT phục vụ cho khu dân cư.

4.2.4- Khu cây xanh giải trí: Có diện tích 32,7 ha, gồm hệ thống hồ thuộc Hộ thành hào và một số di tích đã xếp hạng nằm rải rác trong các khu dân cư, được tôn tạo, khai thác công viên cây xanh. Vườn hoa Trân Quốc Toản, vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi, vườn hồ Tĩnh Tâm, vườn trước Ngọ Môn được cải tạo và khai thác phục vụ dân sinh và khác du lịch

4.2.6- Khu quốc phòng: Có diện tích 43,18 ha, gồm khu Mang Cá lớn, Mang Cá nhỏ nằm ở phường Thuận Lộc; Giữ nguyên chức năng sử dụng đất, chỉnh trang, tôn tạo khai thác phục vụ du lịch hiện có.

5.Định hướng kiến trúc cảnh quan:

a) Việc bảo vệ cảnh quan kiến trúc của các di tích trong kinh thành Huế cần tuân thủ nghiêm ngặt theo pháp lệnh “ Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh” số 14/LCT-HĐND ngày 31-3-1984 của Hội đồng Nhà nước. Nghị định số 288 ngày 31-12-1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc thi hành pháp lệnh và Thông tư 206-VHTT ngày 22-7-1986 của Bộ Văn Hoá hướng dẫn thi hành pháp lệnh , bảo vệ vùng thông thoáng trước Kinh thành,chỉnh trang tôn tạo những di tích trọng yếu và hệ thống công viên bao quanh Hoàng thành mặt trước kinh thành; Không cho phép xây dựng mới và từng bước giải toả, dãn dân ở các khu vực bảo vệ các di tích.

b) Bảo tồn không gian chuyển tiếp giữa các đường phố với cảnh quan di tích, có giải pháp chỉnh trang về kiến trúc các công trình dọc các trục đường Nguyễn Trãi, Yết Kiêu, Thái Phiên, đường quanh Ngự Hà, Hộ Thành Hào, đường Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng theo hướng khai thác, nâng cao giá trị kiến trúc, tạo một bộ mặt hài hào với cảnh quan và di tích khu Kinh Thành.

c) Bảo vệ hệ thống nhà vườn ở Huế, đặc biệt là các phường quanh Đại Nội với hình thức kiến trúc đặc trưng: Nhà mái ngói với các kiểu dáng hoa văn phù hợp. Giữ gìn hệ cây xanh, đảm bảo chiều cao và mật độ xây dựng ; giữ hình khối, đường nét, màu sắc công trình hài hào với cảnh quan xung quanh, không sử dụng vật liệu kính nhôm mảng lớn,bảo tồn phong cách kiến trúc dân gian kết hợp với kiến trúc cung đình quanh khu vực Đại nội.

d) Bảo vệ cảnh quan hệ thống nước. Việc xây dưụng trong kinh thành phải đảm bảo sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố kiến trúc-cây xanh-mặt nước-khôi phục lại diện tích các hồ bị lấn chiếm trái phép.

6.Quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật:

a)Giao thông: Hoàn thành mạng lưới đường hiện có, quy hoạch mới các đường ven hồ, ven sông để bảo vệ cảnh quan và chống sự lấn chiếm.Xây dựng 100m cầu mới(theo phong cách kiến trúc cầu Kiều) trên đường Phùng Hưng nối quan sông Ngự hà. Bốn tuyến chính nối với 4 cổng thành là đường Nguyễn Trãi, Mai Thúc Loan,Thái Phiên, Đinh Tiên Hoàng có mặt cắt đường đỏ 15m- 18,5m, chiều rộng lòng đường: 7m.

- Các đường còn lại rộng 10-14m (lòng đường 5m-6m),đường bao quanh các hồ di tích 5,5,m( lòng đường 3,5m).

- Tổng chiều dài đường qui hoạch mới là 1,5km

- Giao thông tĩnh: Bố trí thêm bảy bãi đậu xe với diện tích bình quân từ 0,2 -0,5 ha/1 bãi, vị trí ở rải rác 4 phường nội thành.

b). San nền: không tổ chức san lắp lớn trong khu vực kinh thành . Đầu tư các khu vực xây dựng mới, và đường ở cổng thành xây dựng có cốt lớn ≥+3,5m.

c). Thoát nước mưa : nạo vét , tu sửa các hồ, kênh, mương đã có , đặc biệt khai thông sông Ngự Hà, hộ Thành Hoà, sông Bạch Yến, đồng thời cải tạo hệ thống mương , cống độ dốc tối thiểu ≥0,001.

d) Cấp nước: Chỉ tiêu 150lít/người/ngày đêm. Nguồn nước cấp từ nhà máy nước Giã Viên và Quảng Tế. Tổng nhu cầu nước đến 2020 là 12.000 m3 /ngày/đêm. Mạng lưới đường ống thiết kế dạng vòng khép kín và mạng cành cây.

e) Cấp điện : Chỉ tiêu điện sinh hoạt giai đoạn đầu 280W/người/ngày, tương lai 350W/người/ngày.Tổng phụ tải Pd đ = 14,5 MW.

Nguồn : Cải tạo mạng lưới 6KV. từ thanh cái 22 KV của trạm Huế 2: 110/22KV sẽ có các tuyến cáp ngầm dẫn đến kinh thành.

g) Thoát nước bẩn: Nước thải thoát theo hệ thống cống riêng tới trạm xử lý phía Bắc, cách Kinh thành 3 km, quan trạm bơm tăng áp. Nước thải sinh hoạt công nghiệp phải được xử lý đúng tiêu chuẩn trước khi thải vào hệ thống cống chung thành phố.

7.Các dự án ưu tiên xây dựng đợt I:

7.1- Các dự án ưu tiên tôn tạo,bảo vệ và khôi phục di tích:

- Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích cố đô Huế.

- Dự án hồ Tịnh Tâm

- Dự án sông Ngự Hà

- Dự án, khai thác kiến trúc các trục phố chính

- Dự án , khai thác nhà vườn Huế phục vụ du lịch

- Chuyển đổi chức năng 1 số cơ sở và khu vực phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ di sản văn hoá.

7.2- Các dự án đầu tư cải tạo phát triển hạ tầng xã hội (dân cư và công trình công cộng).

- Giải toả 6 eo bầu phía sát sông Hương

- Xây dưụng khu văn hoá Tây Lộc

- Các khu dịch vụ phường, liên phường. Như mở rộng công viên Nguyễn Văn Trỗi, khu nghỉ ngơi, giải trí ở hồ Tĩnh Tâm.

7.3- Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật:

- Dự án cấp nước

- Dự án thoát nước

- Dự án cải tạo và nâng cấp các tuyến đường trong kinh thành Huế

- Dự án kè hồ di tích

- Dự án cải tạo lưới điện gồm:

+ Cải tạo tuyến đường dây tải điện mạch kép tả ngạn 22KV 2-5 theo vốn của (WB)

+ Cải tạo tuyến đường dây tải điện mạch kép tả ngạn 22KV 3-4 theo vốn của (ODA)

Điều II: Biện pháp tổ chức thực hiện việc quản lý qui hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế.

Trên cơ sở qui hoạch chi tiết khu Kinh thành Huế. Giao trách nhiệm Giám Đốc Sở Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Huế và các ban ngành có liên quan thực hiện một số vấn đề sau:

1- Lập và trình UBND Tỉnh phê duyệt , ban hành điều lệ quản lý xây dựng theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu Kinh Thành.

2- Xây dựng kế hoạch đầu tư nhằm từng bước thực hiện qui hoạch, báo cáo UBND Tỉnh xem xét quyết định để chỉ đạo tổ chức thực hiện.

3- Tổ chức việc công bố qui hoạch chi tiết trên để nhân dân biết và thực hiện.

- Nghiêm cấm việc thay đổi đồ án qui hoạch đã được duyệt. Tổ chức và cá nhân nếu thấy cần thiết thay đổi đồ án được duyệt thì có văn bản gửi về Sở Xây dựng và UBND Thành phố. Sở Xây dựng phối hợp UBND Thành phố và các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu báo cáo UBND Tỉnh xem xét xử lý.

- Sở xây dựng chủ trì phối hợp với các ban ngành chức năng có liên quan lựa chọn các giải pháp xây dựng phù hợp , kế hoạch xây dựng chi tiết các khu chức năng, các dự án…trình UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt để có cơ sở quản lý đất đai, Xây dựng công trình theo đúng pháp luật quy định của Nhà nước

Điều III: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều IV: Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Giám đốc các sở: Xây dựng, Địa chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính- vật giá, Văn hoá- Thông tin, Giao thông vận tải,Công nghiệp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ và môi trường, Cục đầu tư phát triển, Chủ tịch UBND thành phố Huế và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Mễ