ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 232/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 2 tháng 12 năm 1978 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ MẠNG LƯỚI THƯƠNG NGHIỆP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Căn cứ nghị định số 24/CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ quyết định số 612/QĐ-UB ngày 16-11-1977 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành bản quy định tạm thời về phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp thành phố và cấp quận, huyện;
Để tăng cường sự lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc phục vụ đời sống nhân dân, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trên lãnh vực lưu thông phân phối, đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ hàng hóa, tiền vốn, cán bộ và lao động trong hệ thống thương nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Việc tổ chức và quản lý mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trong thành phố Hồ Chí Minh được quy định như sau:
1. Thương nghiệp quốc doanh
- Thương nghiệp quốc doanh cấp thành phố làm nhiệm vụ chủ yếu là thu mua nắm nguồn hàng, khai thác nguồn hàng trong phạm vi thành phố và các tỉnh theo hợp đồng kinh tế trong kế hoạch chung của Nhà nước; tổ chức bán buôn cho mạng lưới bán lẻ quận, huyện, đồng thời cũng làm nhiệm vụ bán lẻ.
- Thương nghiệp cấp quận, huyện chủ yếu quản lý khâu bán lẻ, đồng thời có thu mua một số mặt hàng tiêu thụ ngay ở địa phương theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc làm đại lý thu mua cho các công ty chuyên doanh cấp thành.
2. Thương nghiệp hợp tác xã
Thương nghiệp hợp tác xã phải được củng cố để làm vai trò trợ thủ đắc lực cho thương nghiệp quốc doanh, cùng thương nghiệp quốc doanh đấu tranh hạn chế đi đến thủ tiêu thị trường không có tổ chức, với nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Hợp tác xã tiêu thụ trong các quận nội thành làm đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng và thu mua phế liệu, phế phẩm cho thương nghiệp quốc doanh, mở rộng hoạt động tự doanh các mặt hàng ngoài diện Nhà nước quản lý và tổ chức kinh doanh dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu bữa ăn hàng ngày của nhân dân lao động.
- Hợp tác xã mua bán các huyện ngoại thành làm đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng, thu mua nông sản thực phẩm và phế liệu, phế phẩm, triển khai hoạt động tự doanh và dịch vụ, bao gồm cả việc phục vụ đám cưới, đám tang ở nông thôn.
Điều 2. Giải thể các Công ty Tổng hợp bán lẻ ở các quận, huyện và thành lập ở mỗi quận, huyện, phường, xã các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh dưới đây:
1. Cửa hàng thương nghiệp quốc doanh trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện
a) Một cửa hàng bán lẻ tổng hợp công nghệ phẩm;
b) Một cửa hàng bán lẻ tổng hợp thực phẩm (thịt, cá, mắm, muối, thực phẩm công nghệ);
c) Ở mỗi quận nội thành, có một cửa hàng bán lẻ tổng hợp vật liệu xây dựng và chất đốt (ở các huyện ngoại thành, không lập riêng cửa hàng này mà nhập vào cửa hàng bán lẻ tổng hợp công nghệ phẩm).
Các cửa hàng này là những đơn vị kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện. Mỗi cửa hàng phải phát triển từng bước điểm bán hàng xuống tận phường, xã.
Ngoài các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh nói trên, còn có cửa hàng tổng hợp của thương nghiệp hợp tác xã trực thuộc Ủy ban Nhân dân quận, huyện.
2. Cửa hàng thương nghiệp quốc doanh trực thuộc công ty chuyên doanh thành phố đặt tại quận, huyện
a) Một cửa hàng bán lẻ rau quả trực thuộc Công ty Rau, quả thành phố;
b) Một cửa hàng mua bán đồ cũ và phế liệu, phế phẩm trực thuộc Công ty Mua bán đồ cũ và phế liệu, phế phẩm thành phố. (Cửa hàng này có nhiệm vụ thu mua các mặt hàng phế liệu, phế phẩm trong khu vực nhân dân).
Các cửa hàng này là đơn vị kinh doanh hạch toán kinh tế định mức, trực thuộc công ty chuyên doanh ngành dọc thành phố. Mỗi cửa hàng phát triển dần điểm mua bán xuống tận phường, xã.
3. Cửa hàng thương nghiệp quốc doanh đặt tại phường, xã
Số cửa hàng thương nghiệp phường, xã ấn định như sau:
a) Cứ khoảng 2.000 dân, có một điểm bán lẻ tổng hơp thực phẩm, một điểm bán rau,
b) Cứ khoảng 4.000 dân, có một điểm bán hàng bách hóa nhật dụng, một điểm bán than, củi, chất đốt.
Điều 3. Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong lĩnh vực quản lý mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được quy định như sau:
1) Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm trực tiếp về việc chăm lo đời sống quần chúng trong địa phương mình, phải nắm và lãnh đạo chặt chẽ việc phân phối ở địa phương, kể cả những ngành do đơn vị cấp thành còn trực tiếp đảm nhiệm việc phân phối cho nhân dân các quận, huyện, phường, xã.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện được quyền trực tiếp quản lý hàng hóa, tiền vốn và lao động phục vụ của các cửa hàng bán lẻ thương nghiệp quốc doanh (cửa hàng bán lẻ tổng hợp công nghệ phẩm, cửa hàng bán lẻ tổng hợp thực phẩm, cửa hàng bán lẻ tổng hợp vật liệu xây dựng và chất đốt) và cửa hàng tổng hợp của thương nghiệp hợp tác xã trực thuộc quận, huyện theo đúng chế độ, chính sách, kế hoạch của trung ương và thành phố quy định.
Ủy ban Nhân dân các phường, xã được quyền quản lý trực tiếp hàng hóa, tiền vốn và nhân viên phục vụ của các cơ sở hợp tác xã tiêu thụ phường hay hợp tác xã mua bán xã.
Những điểm bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh trên đây tuy là những đơn vị thuộc quyền quản lý của thành hay của quận, huyện, nhưng hoạt động ở phường, xã nào thì phải chịu sự lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân phường, xã đó về các mặt: Ủy ban Nhân dân phường, xã có quyền chỉ đạo phân phối quỹ hàng hóa phân bố về phường, xã theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước. Ủy ban Nhân dân phường, xã chịu trách nhiệm lãnh đạo về chính trị, tư tưởng, bảo vệ đối với những cán bộ, nhân viên của các điểm bán lẻ quốc doanh, có quyền kiểm tra, yêu cầu báo cáo, đề nghị khen thưởng đối với những cán bộ, nhân viên tốt và đề nghị kỷ luật đối với những người vi phạm chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Sở Thương nghiệp thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, xây dựng, tổng hợp và điều chỉnh kế hoạch: Căn cứ vào kế hoạch đã được Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt, chỉ đạo các đơn vị cấp II ký hợp đồng kinh tế với các cửa hàng quận, huyện; phân bố, điều chỉnh vốn kinh doanh, tổng hợp quyết toán; hướng dẫn nghiệp vụ chỉ đạo về tiêu chuẩn, chế độ, phương thức theo phương hướng, chính sách của trung ương và thành phố, kiểm tra, đôn đốc và quản lý việc đào tạo cán bộ trong ngành.
Điều 4. Để giúp Ủy ban Nhân dân quận, huyện quản lý công tác thương nghiệp, tại mỗi quận, huyện lập tổ thương nghiệp nằm trong ban vật tư thương nghiệp và đời sống của quận, huyện, có hai chức năng: quản lý hành chính thương nghiệp và quản lý kinh doanh.
Tổ thương nghiệp gồm có:
- Tổ trưởng phụ trách chung và trực tiếp quản lý các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh trực thuộc quận, huyện;
- Một tổ phó phụ trách công tác cải tạo và quản lý thị trường;
- Một tổ phó là Trưởng Ban Quản lý hợp tác xã quận, huyện; và các bộ phận giúp việc như sau:
+ Bộ phận tổ chức cán bộ và lao động tiền lương;
+ Bộ phận kế hoạch, nghiệp vụ và giá cả;
+ Bộ phận kế toán, tài vụ;
+ Bộ phận cải tạo và quản lý thị trường;
+ Đội kiểm soát kinh tế.
Để giúp Ủy ban Nhân dân phường, xã chỉ đạo công tác thương nghiệp tại phường, xã sẽ lập ban thương nghiệp có từ 2-3 cán bộ.
Điều 5. Trong khi quản lý khâu bán lẻ, Ủy ban Nhân dân quận, huyện phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành dọc để bảo đảm thống nhất thị trường.
Ngành dọc có trách nhiệm quản lý toàn ngành một cách chặt chẽ trong phạm vi mình phụ trách, phải chăm lo tổ chức và xây dựng ngành chuyên môn của mình ở cấp cơ sở.
Quan hệ giữa các công ty chuyên doanh cấp II với các cửa hàng bán lẻ quận, huyện là quan hệ hợp đồng kinh tế và quan hệ ủy thác đại lý thu mua một số mặt hàng trong quận, huyện.
Điều 6. Giao cho Sở Thương nghiệp thành phố hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quyết định này và tổ chức thí điểm tại quận 1, quận Bình Thạnh và huyện Củ Chi, để đầu năm 1979 triển khai thực hiện trong toàn thành phố.
Điều 7. Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền, Chủ nhiệm các Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Vật giá thành phố, Giám đốc các Sở Thương nghiệp, Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Điều 8. Mọi quy định trước đây, trái với quyết định nay đều bãi bỏ.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 1 Quyết định 170/QĐ.UB năm 1990 ban hành quy chế tạm thời về chức năng, nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế Thương nghiệp do tỉnh An Giang ban hành
- 2 Nghị định 24-CP năm 1976 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 3 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp 1962