Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 233/2006/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 07 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;

- Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

- Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Căn cứ Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng;

- Căn cứ Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái tại tờ Trình số 192/TTr-SXD ngày 09/5/2006 về việc phân cấp quản lý chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh Yên Bái,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và các cá nhân, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Bình

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 233/2006/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này quy định về phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm đảm bảo thực hiện đúng Luật xây dựng; Các Nghị định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng đồng thời phân cấp chức năng, trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công xây dựng, bảo hành và bảo trì, quản lý và sử dụng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 3. Sở Xây dựng:

Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái giao cho Sở Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái và có trách nhiệm:

1. Trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm Pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn;

2. Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân tỉnh các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân đầu tư công trình xây dựng và tham gia hoạt động xây dựng thực hiện các văn bản quy phạm Pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn. Kết quả kiểm tra được lập thành biên bản theo mẫu tại phụ lục 2 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng;

4. Chủ trì, phối hợp với các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn;

5. Hướng dẫn chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng về nghiệp vụ giải quyết sự cố đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; báo cáo Bộ Xây dựng kết quả giải quyết sự cố của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng;

6. Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng;

a. Kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng tại Nghị định số 209/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ đối với các Chủ đầu tư và các nhà thầu hoạt động xây dựng;

b. Kiểm tra điều kiện năng lực của Ban quản lý dự án và các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn theo các quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

7. Báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

8. Đôn đốc các đơn vị thực hiện báo cáo tình hình quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định và tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn định kỳ 6 tháng (Trước ngày 25/6), 1 năm (Trước ngày 25/12);

9. Hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước khi bàn giao đưa vào sử dụng theo Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng.

10. Kiểm tra hoạt động chứng nhận chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Tiếp nhận và quản lý giấy chứng nhận chất lượng do Chủ đầu tư gửi và tổng hợp báo cáo về Bộ Xây dựng. Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành kiểm tra hoạt động chứng nhận chất lượng đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt.

11. Giải quyết các khiếu nại kết quả chứng nhận chất lượng công trình trên địa bàn, trường hợp phức tạp báo cáo về Bộ Xây dựng hoặc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để có hướng dẫn thực hiện.

12. Đình chỉ công việc chứng nhận chất lượng đối với các công trình trên địa bàn nếu phát hiện thấy có vi phạm trong công tác chứng nhận chất lượng công trình và chỉ định tổ chức chứng nhận thực hiện công việc này khi thấy cần thiết.

13. Kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn công các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp (Trừ các công trình công nghiệp do Sở Công nghiệp kiểm tra) và các công trình khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu theo Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng. Việc thực hiện kiểm tra tiến hành trước khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng.

14. Lưu trữ hồ sơ thiết kế cơ sở do mình thẩm định, hồ sơ thiết kế do mình cấp giấy phép xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật về lưu trữ.

Điều 4. Các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (bao gồm Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải) có trách nhiệm:

1. Quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành;

2. Thực hiện các công việc tại khoản 1, khoản 3 Điều 3 Quy định này đối với công trình xây dựng chuyên ngành;

3. Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 3 Quy định này đối với công trình xây dựng chuyên ngành;

4. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15/6 đối với Báo cáo định kỳ 6 tháng, trước ngày 15/12 đối với Báo cáo định kỳ 1 năm.

5. Kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn công theo Thông tư số 12/2005/TT-BXD của bộ Xây dựng đối với các công trình xây dựng chuyên ngành. Việc thực hiện kiểm tra tiến hành trước khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng.

a. Sở Công nghiệp kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn công các công trình: Công trình khai thác than, khai thác quặng, công trình hầm mỏ, công trình hoá chất, công trình kho xăng, dầu, khí hoá lỏng và các tuyến ống dẫn khí, dẫn dầu; công trình luyện kim, công trình cơ khí, chế tạo; công trình công nghiệp điện tử- tin học; công trình năng lượng (Đường dây tải điện, trạm biến áp, nhà máy thuỷ điện); công trình công nghiệp nhẹ; công trình công nghiệp thực phẩm; công trình sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.

b. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn công các công trình: Hồ chứa nước; đập; cống; trạm bơm; giếng; đường ống dẫn nước; kênh; công trình trên kênh, đê và bờ bao các loại; công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn;

c. Sở Giao thông Vận tải kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn công các công trình: công trình đường bộ; công trình đường sắt; công trình đường thuỷ; cầu; hầm; sân bay;

6. Lưu trữ hồ sơ thiết kế cơ sở do mình thẩm định theo tiêu chuẩn kỹ thuật về lưu trữ.

Điều 5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được Uỷ ban nhân dân tỉnh phân cấp quyết định đầu tư và các nguồn vốn đầu tư trong địa bàn hành chính do mình quản lý có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng đối với các huyện, thị; có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng đối với thành phố Yên Bái.

2. Phòng Hạ tầng kinh tế, phòng quản lý đô thị giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý có trách nhiệm:

a. Hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; tuyên truyền, phổ biến thông tin, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng;

b. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn được đầu tư từ mọi nguồn vốn có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng. Đối với Phòng quản lý đô thị Thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra đối với các công trình có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng.

c. Đối với các công trình có tổng mức đầu tư lớn hơn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phòng Hạ tầng kinh tế, phòng quản lý đô thị cấp huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp kiểm tra chất lượng công trình với Sở Xây dựng và các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành.

d. Kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn công đối với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách xây dựng trên địa bàn có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng đối với các huyện, thị; có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng đối với thành phố Yên Bái theo Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng.

e. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu khảo sát, thiết kế xây dựng và hồ sơ hoàn công công trình thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Pháp luật.

f. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn gửi Sở Xây dựng và Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trước ngày 15/6 đối với Báo cáo định kỳ 6 tháng, trước ngày 15/12 đối với Báo cáo định kỳ 1 năm.

Điều 6. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

1. Tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cho nhân dân trên địa bàn;

2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng theo thẩm quyền;

3. Quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng và trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; xử lý vi phạm hành chính hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong xây dựng.

4. Tổ chức thực hiện việc xây dựng, cải tạo, duy tu, bảo trì các công trình trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện;

5. Tổ chức giám sát cộng đồng đối với các công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

MỤC 1. CHỦ ĐẦU TƯ

Điều 7. Trách nhiệm của Chủ đầu tư về quản lý chất lượng công trình xây dựng:

1. Chịu trách nhiệm quản lý toàn diện chất lượng công trình xây dựng và hiệu quả dự án đầu tư xây dựng của mình theo Luật Xây dựng và các quy định tại các chương III, IV, V của Nghị định số: 209/2004/NĐ-CP .

2. Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 72 của Luật Xây dựng;

3. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương (Phòng hạ tầng kinh tế; phòng quản lý đô thị) về công trình xây dựng do mình làm chủ đầu tư được đầu tư xây dựng trên địa bàn theo quy định;

4. Kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các nhà thầu: Khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu về nhân lực, thiết bị máy móc sử dụng thi công;

5. Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và nhiệm vụ khảo sát xây dựng bổ sung được lập theo quy định tại các Điều 6,7,9 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP. Trước khi phê duyệt, khi cần thiết chủ đầu tư có thể thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực về khảo sát xây dựng thẩm tra nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng; cử người có chuyên môn phù hợp để giám sát công tác khảo sát xây dựng theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ; tổ chức nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP và mời các chuyên gia, tổ chức chuyên môn tham gia khi cần thiết.

6.Có trách nhiệm lập hoặc thuê tư vấn lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình đã tại điểm a khoản 2 Điều 7 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP và tại điểm a khoản 1 các Điều 13,14 của Nghị định 209/2004/NĐ-CP. Nhiệm vụ thiết kế phải nêu rõ các yêu cầu và điều kiện để nhà thầu thiết kế thực hiện. Tại các bước thiết kế, nhiệm vụ thiết kế có thể được bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả cho dự án đầu tư xây dựng công trình. Nhiệm vụ thiết kế được chủ đầu tư phê duyệt là căn cứ để nhà thầu thiết kế thực hiện. Trước khi phê duyệt, chủ đầu tư mời chuyên gia góp ý nhiệm vụ thiết kế khi thấy cần thiết. Chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư sau khi phê duyệt nhiệm vụ thiết kế.

7. Khi lựa chọn nhà thầu để thực hiện các công việc trong hoạt động xây dựng, chủ đầu tư phải căn cứ vào các quy định về điều kiện năng lực tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thiệt hại do việc lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc;

8. Tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo nội dung quy định. Trường hợp Chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực giám sát thì phải thuê tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thực hiện. Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình.

9. Chịu trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng cho nhà thầu thi công xây dựng công trình; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi nghiệm thu không bảo đảm chất lượng làm sai lệch kết quả nghiệm thu, nghiệm thu khối lượng không đúng, sai thiết kế và các hành vi vi phạm khác. Khi phát hiện các sai phạm về chất lượng công trình xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng công trình thì phải buộc nhà thầu dừng thi công và yêu cầu khắc phục hậu quả.

10. Các công trình thi công xây dựng trước khi bàn giao đưa vào sử dụng chủ đầu tư phải tổ chức kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn công và lập biên bản theo Phụ lục số 2 Thông tư số 12/2005/TT-BXD ;

11. Các công trình (Công trình tập trung đông người. Nhà hát, rạp chiếu bóng, hội trường, trường học, sân vận động, nhà thi đấu, siêu thị, nhà chung cư, bệnh viện, khách sạn, trụ sở làm việc; Các công trình hoá chất, hoá dầu, chế biến khí, kho chứa dầu; Các công trình đê đập, cầu hầm từ cấp II trở lên; Các công trình khi có yêu cầu của Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức bán bảo hiểm, tổ chức, cá nhân sử dụng hoặc quản lý công trình) trước khi bàn giao đưa vào sử dụng chủ đầu tư phải tổ chức kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng theo Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng;

12. Báo cáo chất lượng công trình xây dựng định kỳ 6 tháng, 1 năm (trước ngày 15/6 đối với Báo cáo chất lượng công trình xây dựng định kỳ 6 tháng và trước ngày 15/12 đối với Báo cáo chất lượng công trình xây dựng định kỳ 1 năm) và công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng gửi cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp.

13. Lưu trữ hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, bản vẽ hoàn công công trình xây dựng theo quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng.

Điều 8. Điều kiện năng lực của Ban quản lý dự án:

1. Ban quản lý dự án do chủ đầu tư ra quyết định thành lập phải đảm bảo điều kiện năng lực (được quy định tại Khoản 4 Điều 48 và Điều 55 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP).

2. Cá nhân đảm nhận chức danh giám đốc tư vấn quản lý dự án không được đồng thời đảm nhận quá một công việc theo chức danh trong cùng một thời gian.

3. Giám đốc tư vấn quản lý dự án phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án. Năng lực của Giám đốc tư vấn quản lý dự án được phân thành 2 hạng theo loại dự án và đáp ứng các điều kiện tương ứng với mỗi hạng dưới đây:

a. Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng 1: Có thời gian liên tục làm công tác thiết kế, thi công xây dựng tối thiểu 7 năm, đã là giám đốc hoặc phó giám đốc tư vấn quản lý dự án của 1 dự án nhóm A hoặc 2 dự án nhóm B cùng loại hoặc đã là chỉ huy trưởng công trường hạng 1 hoặc chủ nhiệm thiết kế hạng 1. Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng 1 được quản lý dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C ;

b. Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng 2: Có thời gian liên tục làm công tác thiết kế, thi công xây dựng tối thiểu 5 năm, đã là Giám đốc hoặc Phó giám đốc tư vấn quản lý dự án của 1 dự án nhóm B hoặc 2 dự án nhóm C cùng loại hoặc đã là chỉ huy trưởng công trường hạng 2 hoặc chủ nhiệm thiết kế hạng 2. Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng 2 được quản lý dự án nhóm B, C ;

c. Đối với vùng sâu, vùng xa, những người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với loại công trình, có kinh nghiệm trong công tác lập dự án hoặc thiết kế hoặc thi công xây dựng tối thiểu 5 năm được giữ chức danh Giám đốc tư vấn quản lý dự án hạng 2.

MỤC 2. NHÀ THẦU KHẢO SÁT, THIẾT KẾ, GIÁM SÁT THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THẨM TRA THIẾT KẾ KỸ THUẬT, DỰ TOÁN,

Điều 9. Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của nhà thầu khảo sát:

1. Thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng được quy định tại các chương III,IV,V của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ; Đảm bảo các điều kiện năng lực quy định tại chương V Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia khảo sát xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án; loại, cấp công trình và công việc theo quy định.

3. Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm khảo sát xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định;

4. Quản lý chất lượng đối với công tác khảo sát:

a. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát xây dựng lập và được chủ đầu tư phê duyệt. Khảo sát xây dựng chỉ được tiến hành theo nhiệm vụ khảo sát đã được Chủ đầu tư phê duyệt.

b. Nhiệm vụ khảo sát phải phù hợp với yêu cầu từng loại công việc, từng bước thiết kế;

c. Bảo đảm tính trung thực, khách quan, phản ánh đúng thực tế;

d. Khối lượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật đối với khảo sát xây dựng phải phù hợp với nhiệm vụ khảo sát, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng;

e. Kết quả khảo sát phải được đánh giá, nghiệm thu theo quy định của pháp luật ;

f. Ghi chép kết quả theo dõi, kiểm tra vào nhật ký khảo sát xây dựng

g. Nhà thầu khảo sát xây dựng phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về tính trung thực và tính chính xác của kết quả khảo sát; bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát, phát sinh khối lượng do khảo sát sai; sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Lưu trữ hồ sơ khảo sát do mình thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng.

Điều 10. Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của nhà thầu thiết kế:

1. Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm đồ án thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng công trình; chủ trì các đồ án thiết kế và cá nhân hành nghề độc lập thực hiện các công việc thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng công trình phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định ;

2. Một tổ chức tư vấn được thực hiện một, một số hoặc tất cả các công việc về lập dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý dự án, thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình nếu có đủ điều kiện năng lực theo quy định. Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình không được ký hợp đồng tư vấn giám sát với chủ đầu tư đối với công trình do mình thiết kế;

3. Quản lý chất lượng đối với công tác thiết kế:

a. Nhiệm vụ thiết kế do chủ đầu tư lập hoặc chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn thiết kế lập và được chủ đầu tư phê duyệt. Thiết kế xây dựng chỉ được tiến hành theo nhiệm vụ thiết kế đã được Chủ đầu tư phê duyệt.

b. Nội dung thiết kế xây dựng công trình phải phù hợp với yêu cầu của từng bước thiết kế, thỏa mãn yêu cầu về chức năng sử dụng; bảo đảm mỹ quan, giá thành hợp lý;

c. Phù hợp với quy hoạch xây dựng cảnh quan, điều kiện tự nhiên, và các quy định về kiến trúc; dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt;

d. Thiết kế xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải được thể hiện trên các bản vẽ theo quy định. Thiết kế phải thể hiện được các khối lượng công tác xây dựng chủ yếu để làm cơ sở xác định chi phí xây dựng công trình;

e. Bản vẽ thiết kế xây dựng công trình phải có kích cỡ, tỷ lệ, khung tên và được thể hiện theo các tiêu chuẩn xây dựng. Trong khung tên từng bản vẽ phải có tên, chữ ký của người trực tiếp thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế, người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế và dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, trừ trường hợp nhà thầu thiết kế là cá nhân hành nghề độc lập. Các bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế, dự toán phải được đóng thành tập hồ sơ thiết kế theo quy định thống nhất có danh mục, đánh số, ký hiệu để tra cứu và bảo quản lâu dài.

f. Tổ chức, cá nhân thiết kế phải bàn giao hồ sơ thiết kế xây dựng công trình với số lượng đủ đảm bảo phục vụ thi công xây dựng công trình, yêu cầu quản lý và lưu trữ nhưng không ít hơn 7 bộ đối với thiết kế kỹ thuật và 8 bộ đối với thiết kế bản vẽ thi công.

g. Bản vẽ phải thể hiện chi tiết về các kích thước, thông số kỹ thuật chủ yếu, vật liệu chính đảm bảo đủ điều kiện để lập dự toán, tổng dự toán và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình xây dựng;

h. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước khi khởi công xây dựng công trình phải có thiết kế, dự toán và tổng dự toán được duyệt.

i. Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng thiết kế xây dựng công trình và phải bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.

k. Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình thực hiện giám sát tác giả theo quy định, có trách nhiệm tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư. Qua giám sát, nếu phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng không đủ điều kiện nghiệm thu thì nhà thầu thiết kế xây dựng công trình phải có văn bản gửi chủ đầu tư nêu rõ lý do từ chối nghiệm thu.

4. Lưu trữ hồ sơ thiết kế do mình thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng.

Điều 11. Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình:

1. Tất cả các công trình xây dựng trong quá trình thi công phải thực hiện chế độ giám sát. Việc giám sát thi công xây dựng công trình phải được thực hiện để theo dõi, kiểm tra về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình;

2. Người thực hiện việc giám sát thi công xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng phù hợp với công việc, loại, cấp công trình ;

3. Việc giám sát thi công xây dựng công trình phải bảo đảm các yêu cầu:

a. Thực hiện ngay từ khi khởi công xây dựng công trình;

b. Thường xuyên, liên tục trong quá trình thi công xây dựng;

c. Căn cứ vào thiết kế được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng;

d. Trung thực, khách quan, không vụ lợi.

4. Kiểm tra và giám sát thường xuyên có hệ thống quá trình nhà thầu thi công xây dựng công trình triển khai các công việc tại hiện trường. Kết quả kiểm tra đều phải ghi nhật ký giám sát của chủ đầu tư hoặc biên bản kiểm tra theo quy định;

5. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư khi nghiệm thu không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật được áp dụng, sai thiết kế và các hành vi khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

6. Cá nhân giám sát thi công xây dựng công trình không được đồng thời đảm nhận quá một công việc trong cùng một thời gian;

7. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng không được ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng đối với công trình do mình giám sát.

Điều 12. Điều kiện năng lực, trách nhiệm của tổ chức cá nhân thực hiện thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán:

1. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia thẩm tra thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án; loại, cấp công trình và công việc theo quy định.

2. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng thẩm tra thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán và phải bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.

3. Các tổ chức, cá nhân không được thẩm tra thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán đối với những công trình do mình thiết kế.

MỤC 3. NHÀ THẦU THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 13. Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình:

1. Nhà thầu thi công xây dựng thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng được quy định tại các chương III, IV, V của Nghị định số: 209/2004/NĐ-CP ; Đảm bảo các điều kiện năng lực quy định tại chương V Nghị định số: 16/2005/NĐ-CP .

2. Nhà thầu thi công xây dựng phải có hệ thống quản lý chất lượng để thực hiện nội dung quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận thi công xây dựng công trình trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng;

3. Có quy trình quản lý chất lượng phù hợp với từng công trình được chủ đầu tư phê duyệt;

4. Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường không được đồng thời đảm nhận quá một công việc theo chức danh trong cùng một thời gian.

5. Công trình xây dựng trước khi triển khai phải được lập tiến độ thi công xây dựng. Tiến độ thi công xây dựng công trình phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án đã được phê duyệt;

6. Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người và công trình trên công trường xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận. Các biện pháp an toàn, nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành. Ở những vị trí nguy hiểm trên công trường, phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.

7. Thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế;

8. Lập và ghi nhật ký thi công xây dựng công trình, Sổ nhật ký thi công xây dựng công trình được đánh số trang, đóng dấu giáp lai của nhà thầu thi công xây dựng;

9. Tổ chức nghiệm thu nội bộ các công việc xây dựng, bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng, các hạng mục công trình và công trình trước khi phát hành phiếu yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu;

10. Các vật tư, thiết bị sử dụng xây dựng công trình phải có chứng chỉ kỹ thuật xuất xưởng, xác nhận chất lượng vật liệu và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

11. Nhà thầu thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công việc do mình đảm nhận; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, thi công không bảo đảm chất lượng hoặc gây hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường và các hành vi khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

12. Lưu trữ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, bản vẽ hoàn công công trình xây dựng do mình thực hiện. Riêng nhà thầu đảm nhận tổng thầu thi công xây dựng phải lưu trữ toàn bộ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, bản vẽ hoàn công do mình và các nhà thầu phụ thi công xây dựng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng.

MỤC 4. GIÁM SÁT NHÂN DÂN

Điều 14. Giám sát của nhân dân về chất lượng công trình xây dựng:

1. Chủ đầu tư phải treo biển báo tại công trường thi công ở vị trí dễ nhìn, dễ đọc với nội dung quy định tại Điều 74 của Luật Xây dựng để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát.

2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm chất lượng công trình xây dựng thì phải phản ánh kịp thời với chủ đầu tư, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt công trình xây dựng hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng.

3. Người tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản ánh.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Xử lý vi phạm:

1. Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình các hành vi vi phạm đều bị xử lý. Hành vi vi phạm thuộc khâu nào thì người thực hiện khâu đó, người phụ trách trực tiếp và các cá nhân, tổ chức liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm của mình.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường.

Điều 16. Tổ chức thực hiện.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quy định này và tổng hợp các ý kiến đề xuất, kịp thời tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.