Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 233/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 27 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 861/TTr-SNN-CCTL ngày 29/6/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 18/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Ban Chỉ đạo TW PCTT (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP;
- Lưu: VT, NN;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn

 

PHƯƠNG ÁN

PHÒNG, TRÁNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Kèm theo Quyết định số 233/QĐ-UBND ngày 27/6/2021 của UBND tỉnh)

Phần I

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI, TÌNH HÌNH THIÊN TAI NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lý

Tỉnh Bắc Ninh nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội. Bắc Ninh nằm trong tọa độ từ 20058’ đến 21016’ vĩ độ Bắc và 105054’ đến 106019’ kinh độ Đông, phía Bắc giáp với tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương. Với diện tích tự nhiên 822,71km2, có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện với 126 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 31 phường, 6 thị trấn và 89 xã. Tỉnh Bắc Ninh có các hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh trong vùng như quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; Đường cao tốc 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; Trục đường sắt xuyên Việt chạy qua Bắc Ninh đi Lạng Sơn và Trung Quốc; Mạng đường thủy sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình rất thuận lợi, nối Bắc Ninh với hệ thống cảng sông và cảng biển của vùng. Lợi thế này tạo cho Bắc Ninh trở thành địa bàn mở gắn với phát triển của thủ đô Hà Nội, theo định hướng xây dựng các thành phố vệ tinh và sự phân bố công nghiệp của Hà Nội. Đây là những yếu tố rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu của Bắc Ninh với khu vực lân cận.

2. Địa hình, địa chất

Địa hình của tỉnh Bắc Ninh tương đối bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, được thể hiện qua các dòng chảy mặt đổ về sông Đuống và sông Thái Bình. Mức độ chênh lệch địa hình không lớn, vùng đồng bằng thường có độ cao phổ biến từ 3 - 7 m, địa hình trung du đồi núi có độ cao phổ biến 300 - 400 m. Diện tích đồi núi chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,53%) so với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở 2 huyện Quế Võ và Tiên Du. Ngoài ra còn một số khu vực thấp trũng ven đê thuộc các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong.

Đặc điểm địa chất của Bắc Ninh mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất thuộc vùng trũng sông Hồng và vòng cung Đông Triều vùng Đông Bắc, có bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng. Chủ yếu là thành tạo Đệ Tứ dày: 30-50m và thành tạo Trias muộn dày: 100m. Với đặc điểm này địa chất của tỉnh Bắc Ninh có tính ổn định hơn so với Hà Nội và các đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ khác trong việc xây dựng công trình. Bên cạnh đó có một số vùng trũng nếu biết khai thác có thể tạo ra cảnh quan sinh thái đầm nước vào mùa mưa để phục vụ cho các hoạt động văn hoá và du lịch.

3. Khí hậu

- Nhiệt độ: Tỉnh Bắc Ninh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhìn chung, Bắc Ninh có nhiệt độ khá cao, nhiệt độ trung bình năm là 25,3°C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 30,9°C (tháng 6), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 17,2°C (tháng 1).

- Mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm dao động trong khoảng 1.600 – 2.100mm nhưng phân bố không đều trong năm. Mưa tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm. Hai tháng mưa nhiều nhất là tháng 7 và tháng 8, tổng lượng mưa hai tháng này chiếm từ 35-38% tổng lượng mưa năm, lượng mưa tháng của các tháng này đều từ 200-300mm/tháng, số ngày mưa lên tới 15 - 20 ngày trong đó có tới 9-10 ngày có mưa dông với tổng lượng mưa đáng kể, thường gây úng. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.

- Nắng: Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.530 – 1.776 giờ, trong đó tháng có nhiều giờ nắng trong năm là tháng 7, tháng có ít giờ nắng trong năm là tháng 1.

- Độ ẩm: Độ ẩm không khí có quan hệ chặt chẽ với nhiệt độ không khí và lượng mưa. Vào các tháng mùa mưa độ ẩm có thể đạt 80 ÷ 90%. Các tháng mùa khô độ ẩm chỉ từ 70 ÷ 80%.

- Bốc hơi: Khả năng bốc hơi trên lưu vực phụ thuộc vào các yếu tố khí hậu: Nhiệt độ không khí, nắng, gió, độ ẩm, mặt đệm… Tỉnh Bắc Ninh có nền nhiệt độ khá cao kết hợp với tốc độ gió cũng tương đối lớn nên lượng bốc hơi ở đây tương đối cao, trung bình nhiều năm từ 950 đến 990 mm/năm.

- Gió, bão: Hướng gió thịnh hành trong tỉnh vào mùa hè là gió Nam và Đông Nam, vào mùa đông, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc. Tốc độ gió trung bình của tỉnh vào khoảng 1,5 – 2,5 m/s. Tốc độ gió lớn nhất quan trắc được tại trạm Bắc Ninh là 28 m/s.

4. Thủy văn

Bắc Ninh có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, mật độ mạng lưới sông khá cao, trung bình 1,0 - 1,2 km/km², có 3 hệ thống sông lớn chảy qua gồm sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình và một số sông ngòi nhỏ khác.

- Sông Đuống: Sông Đuống dài 67 km, là phân lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ làng Xuân Canh, chảy theo hướng từ Tây sang Đông và đổ vào sông Thái Bình. Đoạn qua địa phận Bắc Ninh có chiều dài 42 km, bắt đầu từ Đình Tổ (huyện Thuận Thành) đến Đức Long (huyện Quế Võ). Mùa lũ trên lưu vực sông Hồng và sông Đuống kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Lũ trên sông có dạng mập, nhiều đỉnh, tập trung trong tháng 7 và tháng 8 và kéo dài nhiều ngày. Mực nước lũ trên sông Đuống khá cao, tại Thượng Cát Hmax =13.68m (tháng 8/1971). Độ dốc mặt nước mùa lũ trên sông Đuống trung bình 0,1% nên việc tiêu nước trong nội đồng ra sông Đuống tương đối khó khăn.

- Sông Cầu: Bắt nguồn từ dãy núi Văn Ôn ở độ cao 1170m tỉnh Bắc Cạn, chảy theo hướng Bắc - Nam đến Thái Nguyên chuyển sang hướng Tây Bắc - Đông Nam, đến Phả Lại nhập với sông Thái Bình. Sông có chiều dài 290 km, diện tích lưu vực 6.030 km2. Sông Cầu chảy qua tỉnh Bắc Ninh bắt đầu từ xã Tam Giang (huyện Yên Phong) đến xã Đức Long (huyện Quế Võ) có chiều dài 69 km. Sông Cầu là nguồn cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt và cũng là nơi nhận nước tưới tiêu cho vùng phía Bắc tỉnh Bắc Ninh.

- Sông Thái Bình: Là con sông lớn ở miền Bắc nước ta, thượng lưu sông Thái Bình bao gồm lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Tổng diện tích lưu vực tính đến Phả Lại là 12.080 km2. Xuống dưới Phả Lại chừng vài km sông hợp lưu với sông Đuống tạo thành dòng chính thức sông Thái Bình. Sông Thái Bình dài 385km, đoạn chảy qua Bắc Ninh dài 16km từ xã Đức Long (huyện Quế Võ) đến xã Minh Tân (huyện Lương Tài). Sông Thái Bình có đặc điểm lòng sông rộng, độ dốc nhỏ, bị bồi lấp nhiều nên đáy sông nông, việc thoát lũ chậm làm mực nước sông dâng cao và kéo dài nhiều ngày nên lũ sông thường xuyên đe dọa các vùng ven sông trong đó có 16km thuộc tỉnh Bắc Ninh. Việc tiêu thoát nước ra sông trong mùa lũ cũng gặp nhiều trở ngại, phần lớn phải bơm tiêu động lực. Theo tài liệu thực đo mực nước lũ lịch sử sông Thái Bình đo được tại Phả Lại ngày 22/8/1971 đạt tới 721cm tương ứng với lưu lượng lớn nhất tại Cát Khê đạt tới trên 5.000 m3/s.

- Sông Cà Lồ: Sông Cà Lồ bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo nhập vào bờ phải của sông Cầu tại Lương Phúc, chiều dài sông là 89km, diện tích lưu vực 881km2, hệ số uốn khúc của sông lớn (3,7). Đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 6,25km từ xã Yên Phụ (huyện Yên Phong) đến xã Tam Giang (huyện Yên Phong).

- Sông Ngũ Huyện Khê: Nhiệm vụ chủ yếu để chứa và tiêu nước nội đồng được bắt nguồn từ Đông Anh (Hà Nội) đi qua địa phận thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Yên Phong, TP Bắc Ninh (thuộc tỉnh Bắc Ninh) đổ ra sông Cầu tại cống Đặng Xá với chiều dài chảy qua địa phận Bắc Ninh gần 25km. Khi mực nước sông Cầu lên trên mức báo động 3, cống Đặng Xá đóng lại, việc tiêu nước của sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu phải sử dụng trạm bơm vợi Đặng Xá và ngừng toàn bộ các trạm bơm tiêu đổ nước ra sông Ngũ Huyện Khê để khống chế mực nước tại cống Đặng Xá ở mức ( 6.80m).

- Sông Ngụ: Khởi nguồn từ Đại Bái kết thúc ở Kênh Vàng, sông dài 19,4 km. Đây là trục tiêu chính của các trạm bơm Kênh Vàng, Văn Thai, kết hợp lấy nước tưới cho hầu hết các trạm bơm cục bộ thuộc huyện Lương Tài và Gia Bình.

- Sông Dâu - Đình Dù: Sông Dâu chảy từ Đại Trạch đến Cửu Yên thì hợp với sông Đình Dù chảy qua Liễu Khê xã Song Liễu huyện Thuận Thành đến trạm bơm Như Quỳnh.

- Sông Đồng Khởi: Đây là sông nhân tạo, làm nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp, sông được đào từ những năm 1967-1968, dài 7,6 km nối sông Ngụ với sông Bùi. Sông Đồng Khởi phân cách giữa hai vùng cao - thấp của huyện Lương Tài, làm trục tiêu tự chảy cho vùng bắc sông Ngụ tiêu về sông Bùi.

- Sông Đông Côi - Đại Quảng Bình: Là trục sông đào trong hệ thống thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải được xây dựng vào năm 1957, sông dài 23,8 km, sông bắt đầu từ Đại Trạch huyện Thuận Thành và kết thúc tại Ngọc Quan huyện Lương Tài. Sông Đông Côi - Đại Quảng Bình là trục tiêu tự chảy của khu vực Đại Đồng Thành, An Bình (Thuận Thành), Đại Bái - Quảng Phú - Bình Định (Gia Bình và Lương Tài) đổ ra sông Tràng Kỷ.

- Sông Bùi: Sông Bùi là ranh giới phía Nam của tỉnh Bắc Ninh với Hải Dương, dài 14,5km nối sông Cẩm Giàng với sông Thái Bình, đây là sông tiêu chính cho hai huyện Gia Bình và Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh.

 Với hệ thống sông này, nếu biết khai thác trị thuỷ và Điều tiết nước, sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu thoát nước của tỉnh. Tổng lưu lượng nước mặt của Bắc Ninh ước khoảng 177,5 tỷ m3, trong đó lượng nước chủ yếu chứa trong các sông là 176 tỷ m3; được đánh giá là khá dồi dào.

Cùng với kết quả thăm dò địa chất cho thấy trữ lượng nước ngầm cũng khá lớn, trung bình 400.000 m3/ngày, tầng chứa nước cách mặt đất trung bình 3-5 m và có bề dày khoảng 40 m, chất lượng nước tốt. Toàn bộ nguồn nước này có thể khai thác để phục vụ chung cho cả sản xuất và sinh hoạt trong toàn tỉnh, trong đó có các hoạt động của đô thị.

II. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Về dân sinh

Bắc Ninh có dân số 1.378.592 người, chiếm 1,4% dân số cả nước và đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố, trong đó nam giới 680.980 người (chiếm 49,4% dân số) và nữ giới 697.612 người; khu vực thành thị 446.000 người, chiếm 32.4% dân số toàn tỉnh và khu vực nông thôn 932.600 người, chiếm 67,6%. Mật độ dân số hiện nay đã lên tới 1,676 người/km², gần gấp 5 lần mật độ dân số bình quân của cả nước và là địa phương có mật độ dân số cao thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ thấp hơn mật độ dân số của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Bắc Ninh có một dân số trẻ với nhóm tuổi lao động từ 15 trở lên là 881.602 người. Xét cơ cấu lực lượng lao động, tỷ lệ lao động nam tham gia vào lực lượng lao động đạt 49,6% thấp hơn tỷ lệ 50,4% của nữ. Cơ cấu theo khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn, lực lượng lao động của tỉnh chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn chiếm tới 73,4%; khu vực thành thị chỉ chiếm 26,6%.

Bảng thống kê dân số tỉnh Bắc Ninh

Địa điểm

Diện tích

(km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

Hộ gia đình

Dân số trong độ tuổi lao động

Tổng

Nam

Nữ

Số lượng

Tỷ lệ hộ nghèo

Toàn tỉnh

822,7

1.378.592

680.980

697.612

1.676

435.017

1,62

881.602

Thành phố Bắc Ninh

82,6

250.175

122.029

128.146

3.027

81.801

>1%

164.470

Thị xã Từ Sơn

61,1

177.373

90.825

86.548

2.904

52.986

0,9%

111.022

Huyện Yên Phong

96,9

194.641

91.556

103.085

2.008

64.656

1.39%

131.539

Huyện Quế Võ

155,1

197.391

96.527

103.085

1.273

62.979

1.51%

128.431

Huyện Tiên Du

95,6

177.951

90.406

100.864

1.861

62.674

>2%

117.998

Huyện Thuận Thành

117,8

172.633

86.315

87.545

1.465

46.170

0,7%

105.502

Huyện Gia Bình

107,6

103.781

51.437

52.344

965

30.837

1,43%

60.756

Huyện Lương Tài

105,9

104.647

51.885

52.562

988

32.914

1,43%

61.884

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh năm 2019)

2. Về kinh tế - xã hội

Tốc độ tăng trưởng đạt 1%; quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tiếp tục được mở rộng, ước 204,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước 144,2 triệu đồng gấp 2,1 lần bình quân cả nước. Về môi trường đầu tư, thống kê giai đoạn 2015 - 2019, điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh tăng dần đều, từ 59,91 điểm vào năm 2015 vượt lên 70,79 điểm trong lần công bố mới đây. Đến tháng 6/2020, trên địa bàn có 1.575 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đạt 19,4 tỷ USD. Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn như Canon, Nippon Steell, Nikon Seiki, Samsung, Sentec, Nokia… đã đầu tư, mở cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh.

3. Hệ thống giao thông vận tải

3.1. Đường bộ

Những năm gần đây, hạ tầng giao thông tỉnh Bắc Ninh được đầu tư xây dựng quy mô và bài bản khiến Bắc Ninh có lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong mắt các nhà đầu tư. Mạng lưới giao thông mang tính liên kết vùng cao tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và du lịch. Mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh hiện có 3.906,8km đường bộ, trong đó:

- Quốc lộ có 4 tuyến quan trọng chạy qua gồm: Tỉnh lộ 295B từ Đáp Cầu đến Đình Bảng dài 20,2 km, quốc lộ 18 gồm các tuyến QL.18 cao tốc Bắc Ninh - Nội Bài dài 15,7 km, tuyên QL.18 Bắc Ninh - Phả Lại dài 26,4 km và đường quốc lộ 38 dài 22,4 km, với tổng chiều dài 4 tuyến là 84,7 km. Ngoài ra còn có Quốc lộ 1B là tuyến đường đặc biệt quan trọng nối Hà Nội với Lạng Sơn (đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 25 km).

- Đường tỉnh lộ có 14 tuyến, với tổng chiều dài 274,44 km.

- Đường huyện nội thị có tổng chiều dài 441,2 km.

- Đường trục xã có tổng chiều dài 755km.

- Đường thôn xóm có tổng chiều dài 2.392km.

Nhìn tổng thể, hệ thống giao thông của tỉnh Bắc Ninh có một số đặc điểm cơ bản sau:

- Về mạng lưới: được hình thành từ nhiều năm trước đây nhưng mạng lưới giao thông của tỉnh cơ bản là khá hợp lý về quy hoạch mạng lưới chung, đảm bảo cho xe ô tô đi từ tỉnh đến các xã, các thôn trong toàn tỉnh và liên hoàn với mạng lưới giao thông quốc gia. Liên hệ với đường sắt và đường sông cũng có các tuyến đường bộ được nối với các cảng, ga và các bến bãi ven sông.

- Về tình trạng kỹ thuật đường bộ: Trừ các tuyến quốc lộ, còn lại các tuyến đường địa phương trong những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể. Các tuyến Tỉnh lộ đã và đang xây dựng với quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật cao, từ năm 2005 đến nay nâng cấp cải tạo được 79km (khoảng 30% tổng chiều dài tỉnh lộ) với quy mô đạt tối thiểu cấp IV đồng bằng (nền đường rộng 9,0m, mặt đường rộng 7,0m), trong phạm vi nội thị hoặc qua khu dân cư được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị; các tuyến còn lại cơ bản là đường nhựa và đường đất mới đạt cấp V, cấp IV đồng bằng (nền đường 6,5m, mặt đường rộng 3,5m).

Các tuyến đường huyện cơ bản đạt cấp V đồng bằng, một số tuyến đạt cấp IV đồng bằng, đường đô thị. Các tuyến đường xã, đường thôn, đường xóm đều được cứng hóa mặt bằng nhựa hoặc bê tông xi măng với quy mô tối thiểu GTNT A, GTNT B (bề rộng nền đường 4-5m, bề rộng mặt đường 3-3,5m). Các tuyến đường đô thị, đường chuyên dùng đến nay cơ bản được xây dựng với quy mô tiêu chuẩn cao.

Hiện ngành GTVT tiếp tục triển khai hàng chục dự án xây dựng giao thông tập trung, trong đó trọng điểm là dự án cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động. Khi cây cầu này hoàn thành, kết hợp với Đường tỉnh 287 và Quốc lộ 17 hiện hữu sẽ tiếp tục đánh thức tiềm năng của nhiều vùng đất mới, lực thu hút đầu tư, trở thành cửa ngõ huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa đến sân bay, cảng biển quốc tế tạo thêm những “xung lực” phát triển mới, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

3.2. Đường sắt

Bắc Ninh có một tuyến đường sắt: Tuyến Hà Nội - Lạng Sơn đi qua đất Bắc Ninh dài 20km. Hiện tại, chất lượng đường và ga đều đã xuống cấp nghiêm trọng, khả năng sử dụng khai thác còn hạn chế, các ga chủ yếu tiếp nhận một số hàng vật liệu xây dựng, phân bón và hàng tiêu dùng, lượng hành khách qua lại ngày càng có xu hướng giảm.

Hiện nay đang xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long đi qua đất Bắc Ninh đoạn từ Lim đến Phả Lại với tổng chiều dài 35,19km với tổng mức đầu tư 2.012,7 tỷ đồng.

3.3. Đường sông

Bắc Ninh có 3 con sông lớn chảy qua là sông Cầu dài 70 km, sông Đuống 42 km và sông Thái Bình 17 km. Cả 3 sông này đều có khả năng cho các phương tiện thủy có tải trọng 200 - 400 tấn đi qua, riêng sông Cầu còn 10 km thượng nguồn vào mùa khô chỉ có khả năng cho thuyền 50 tấn đi qua.

- Trên mạng lưới đường sông của Bắc Ninh hiện tại có 3 cảng lớn là:

Cảng Đáp Cầu có bãi chứa 2 ha, trước đây lượng hàng lưu thông qua là 200.000 tấn/năm, nay chỉ còn 100.000 tấn/năm chủ yếu là vật liệu xây dựng.

Cảng chuyên dùng nhà máy kính Đáp Cầu có công suất trên 30.000 tấn/năm.

Cảng chuyên dùng nhà máy kính nổi Quế Võ tại Đáp Cầu có công suất 35.000 tấn/năm.

Ngoài 3 cảng này còn có nhiều bãi xếp dỡ vật liệu khai thác cát chưa được đầu tư xây dựng như: Hồ, Đông Xuyên, Kênh Vàng ... hàng năm xếp dỡ một lượng hàng lớn chủ yếu là vật liệu xây dựng.

4. Hệ thống điện lưới

Bắc Ninh là tỉnh có thế mạnh về lưới điện hiện đại, đồng bộ cụ với tổng số 25 TBA 110kV, 45 MBA 110kV, tổng công suất đặt đến thời điểm hiện tại 2.531MVA, trong đó có 37 MBA 63MVA, 05 MBA 40MVA.

Tổng số 41 đường dây 110kV, với tổng chiều dài 400km, trong đó 35km đường dây mạch đơn, 182,5km đường dây mạch kép, 0,7km đường dây cáp ngầm. Đến nay, mặc dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng sản lượng điện thương phẩm của Công ty Điện lực Bắc Ninh đứng thứ 03 toàn quốc, chỉ sau Công ty Điện lực Đồng Nai & Bình Dương. Tính chung cả năm 2020, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 7.536,2 triệu kWh.

Đến nay đã có 100% huyện, thành phố có lưới điện quốc gia, 100% số xã có điện, tỷ lệ dùng điện đạt 100%, phát triển năng lượng góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

III. TÌNH HÌNH THIÊN TAI NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Là một tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, nên Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi một số loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trong khu vực, đây là thách thức to lớn trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo số liệu thống kê trong 10 năm trở lại đây cho thấy, tình hình thiên tai đã và đang có xu thế gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại. Các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh như mưa lớn, lũ, úng ngập nội đồng, nắng nóng và sạt lở bờ sông. Ngoài ra một số loại thiên tai khác cũng có xuất hiện mặc dù không liên tục nhưng cũng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và lao động như động đất, rét đậm, giông, lốc.

1. Bão và áp thấp nhiệt đới

Đối với bão, Bắc Ninh không thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng ảnh hưởng của hoàn lưu do bão gây ra mưa dẫn đến hệ quả sinh ra các loại thiên tai khác là lũ, ngập úng nội đồng, sạt lở bờ sông, bờ kè.

 Tổng hợp các trận bão gây mưa trên địa bàn tỉnh trong những năm qua

Năm

Số cơn bão ảnh hưởng

Rủi ro thiên tai

2012

03

Tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng bởi 3 cơn bão số 4, số 5 và số 8. Trong đó, hoàn lưu bão số 4, số 5 gây ra mưa lớn trong thời gian ngắn tập trung vào 2 đợt (đợt 1 từ 28-29/7, đợt 2 từ 17-19/8) với tổng lượng mưa xấp xỉ 300mm

2013

04

Tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng bởi 4 cơn bão số 2, số 5, số 6 và số 14. Trong đó, bão số 5, số 6 gây ra mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được tính từ ngày 26/7 đến ngày 09/8 là 413,4 mm. Mưa lớn gây ra ngập, úng ở một số vùng trũng với tổng diện tích hơn 4.900 ha lúa và hoa màu.

2014

02

Tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 2, gây ra gió mạnh cấp 4, cấp 5 và giật cấp 7, cấp 8. Tổng lượng mưa từ ngày 15-17/7 là 117,4mm.

2016

01

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại Bắc Ninh đo được gió cấp 5- 6 giật cấp 7. Tổng lượng trung bình mưa từ 19h ngày 17/8 đến 19h ngày 19/8/2016 các nơi trong tỉnh là 125,0mm

2017

01

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh làm cho 607 ha diện tích lúa, hoa mầu bị ngập úng.

2018

01

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh làm cho 5.595 ha diện tích lúa, hoa mầu bị ngập úng.

2019

01

Hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây ra mưa lớn làm 1.552 ha diện tích lúa, hoa mầu bị đầy nước.

2. Mưa lũ, ngập úng

* Năm 2012:

- Trên sông Cầu tại trạm Đáp Cầu Hmax = 530 cm thấp hơn đỉnh lũ TBNN là 62cm (TBNN = 592cm) và cao hơn đỉnh lũ năm 2011 là 330 cm, đạt mức báo động II

- Trên sông Đuống tại trạm TV Bến Hồ Hmax = 546 cm thấp hơn đỉnh lũ TBNN là 116cm (TBNN = 662cm), cao hơn năm 2011 là 322 cm, thấp hơn BĐ I là 134cm

* Năm 2013: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và hoàn lưu cơn bão số 5, số 6 một số vùng trũng trên địa bàn tỉnh có mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn đã gây ra ngập, úng ở một số vùng trũng với tổng diện tích hơn 4.900 ha lúa và hoa màu. Toàn bộ diện tích này đã được BCH PCLB tỉnh chỉ đạo các trạm bơm chủ động bơm tiêu nước đệm và cho bơm tối đa công suất nên trên địa bàn tỉnh không có diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại.

* Năm 2014: Do ảnh hưởng mưa của hoàn lưu cơn bão số 2 trên địa bàn tỉnh có 391,5 ha lúa và hoa màu bị ngập nước. Tuy nhiên do chủ động bơm tiêu nước đệm và các trục bơm tiêu hoạt động hết công suất khi nước đầy nên đã kịp thời cứu được lúa và hoa màu.

* Năm 2016: Tổng lượng mưa toàn tỉnh năm 2016 đạt 1.628 mm, cao hơn TBNN (1047 mm), nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (2160 mm). Do ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số các sự cố như: Sạt lở kè Cầu Hồng, kè Yên Hậu đê hữu Cà Lồ, huyện Yên Phong; Sạt lở kè Hoài Thượng huyện Thuận Thành; kè Hữu Ái huyện Gia Bình; Nứt đê tả Đuống huyện Tiên Du, Sạt lở kè Kiều Lương huyện Quế Võ, Sạt lở mái đê phía đồng đoạn từ K33 800 ÷ K33 900 đê hữu Đuống huyện Thuận Thành.

* Năm 2017: Ảnh hưởng của rãnh áp thấp và cơn bão số 10 đã gây ra mưa cho khu vực tỉnh Bắc Ninh làm cho 607 ha diện tích lúa, hoa mầu bị ngập úng và đầy nước. Đặc biệt là sự cố rò rỉ nước qua khớp nối cống lấy nước Long Phương tại K44 555 đê tả Đuống, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ.

* Năm 2018: Trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 đợt mưa lớn, một số ngày có lượng mưa lớn hơn 100mm, cụ thể ngày 27/4 đạt 103,9 mm; ngày 02/5 đạt 112,3 mm; ngày 18/9 đạt 114,4mm; ngày 27/9 đạt 140,2mm. Trong đó có đợt mưa từ ngày 24/8 - 30/8 với tổng lượng mưa là 231,5mm, do ảnh hưởng của đợt mưa này trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 sự cố như: Tại vị trí K58 100 đê hữu Cầu thành phố Bắc Ninh xuất hiện sự cố sạt trượt mái đê phía sông và sự cố sạt lở bờ bãi sông tuyến đê hữu Đuống tại khu vực đoạn từ K51 500 ÷ K53 700 đê hữu Đuống huyện Gia Bình.

* Năm 2019: Tổng lượng mưa năm 2019 là 1.624,7 mm, cao hơn TBNN 93,6 mm và thấp hơn năm 2018 là 382,7 mm. Toàn tỉnh xảy ra 21 trận mưa lớn, trong đó có 7 trận có lượng mưa hơn 50 mm, ngày mưa to nhất là 24/6/2019 có lượng mưa 92,7 mm.

3. Nắng nóng

- Năm 2014: Địa bàn tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của 9 đợt nắng nóng gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân.

- Năm 2016: Cả mùa có 10 đợt nắng nóng ảnh hưởng tới tỉnh Bắc Ninh xảy ra vào tháng 6,7, 8, 9. Trong đó có 01 đợt nắng nóng gay gắt diễn ra từ ngày 12/6-15/6 (nhiệt độ từ 37.90C - 39.80C, vượt giá trị lịch sử).

- Năm 2018: Có 4 đợt nắng nóng ảnh hưởng tới tỉnh Bắc Ninh, xảy ra vào tháng 6,7 với nền nhiệt độ cao nhất là 39,80C.

- Năm 2019: Có 14 đợt nắng nóng ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong các tháng 5, 6,7, 8 (Trong đó có 01 đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất là 39,30C vào ngày 15/5-20/5/2019).

4. Các loại thiên tai khác cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động con người, đời sống kinh tế - xã hội và sản xuất là:

- Động đất: Đối với loại hình này, mặc dù không trực tiếp xảy ra tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhưng các dư chấn của nó ảnh hưởng không nhỏ như trận động đất mới nhất xảy ra lúc 12h14 ngày 27/7/2020, có tọa độ 20,83 độ vĩ Bắc, 104,65 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 14km tại khu vực tỉnh Sơn La. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 tại vùng tâm chấn. Nhưng đã gây dư chấn mạnh khiến các tòa nhà ở Bắc Ninh rung lắc mạnh, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng đến an toàn của các công trình xây dựng.

Rét đậm, rét hại: Đối với Bắc Ninh thì nhiệt độ mùa đông bị hạ thấp dưới mức 13oC không nhiều. Năm 2012 không khí lạnh hoạt động mạnh gây ra 7 đợt rét đậm rét hại:

Đợt 1 từ 10÷13/12/2011 nhiệt độ thấp nhất 9.40C;

Đợt 2 từ 24÷27/12/2011 nhiệt độ thấp nhất 8.10C;

Đợt 3 từ 31/12÷13/1/2012 nhiệt độ thấp nhất 7.80C;

Đợt 4 từ 22/1÷4/2/2012 nhiệt độ thấp nhất 9.10C;

Đợt 5 từ 9/2÷12/2 nhiệt độ thấp nhất 10.10C;

Đợt 6 từ 27/2÷1/3 nhiệt độ thấp nhất 9.50C;

Đợt 7 từ 10/3÷14/3 nhiệt độ thấp nhất 13.30C.

Tổng số có 25 ngày xảy ra rét đậm và 17 ngày xảy ra rét hại.

Ngoài ra, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn chịu ảnh hưởng bởi các loại thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá, sương mù, rét đậm, rét hại, sương muối với các cấp độ rủi ro như sau:

Cấp độ rủi ro về nắng nóng đã xảy ra ở Bắc Ninh là cấp 1.

Cấp độ rủi ro thiên tai đã xảy ra tại Bắc Ninh do lốc, sét, mưa đá là cấp 1.

Cấp độ rủi ro do sương mù đã xảy ra ở Bắc Ninh là cấp 1.

Đối với rét hại, sương muối: cấp độ rủi ro đã xảy ra là cấp 2.

Phần II

ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI

I. ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI

Căn cứ theo tình hình thiên tai trong những năm qua trên địa bàn tỉnh và dự báo theo biến đổi khí hậu các năm tiếp theo và dựa trên Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai về cấp độ rủi ro thiên tai. Cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra đối với các loại thiên tai có nguy cơ ảnh hưởng đến tỉnh như sau:

1. Đối với áp thấp nhiệt đới và bão: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 5.

2. Đối với lốc, sét và mưa đá: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

3. Đối với mưa lớn: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

4. Đối với lũ, ngập lụt: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 4.

5. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 1.

6. Đối với nắng nóng: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

7. Đối với hạn hán: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp độ 2.

8. Đối với rét hại, sương muối: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

9. Đối với sương mù: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 1.

10. Đối với động đất: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

II. NĂNG LỰC ỨNG PHÓ

1. Hệ thống chỉ huy phòng, chống thiên tai

1.1. Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp

Hệ thống Ban chỉ huy PCTT&TKCN được kiện toàn xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp cho công tác chỉ huy, ứng phó được đồng bộ, hiệu quả.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh được kiện toàn vào quý I hàng năm theo Nghị định 160/2018/NĐ-CP và Kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Ninh về thực hiện Nghị định 160/2018/NĐ-CP; tham mưu cho UBND tỉnh quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ huy, Điều hành công tác PCTT&TKCN trên phạm vi toàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN để chỉ huy, điều hành công tác PCTT&TKCN trên địa bàn quản lý. Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, triển khai công tác PCTT&TKCN ở đơn vị mình.

1.2. Lực lượng xung kích PCTT cơ sở

Lực lựng xung kích PCTT cơ sở là lực lượng chủ chốt tại chỗ được thành lập ở cấp xã để tham gia xử lý giờ đầu và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Mỗi xã thành lập 01 đội xung kích trung bình 110 người gồm: Dân quân tự vệ xã (lực lượng chủ chốt), Công an xã, Hội chữ thập đỏ xã, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Địa chính xã, Công chức thống kê xã.... Tổng số lực lượng xung kích PCTT cấp xã trên địa bàn tỉnh khoảng 10.200 người.

2. Hệ thống công trình phòng, chống thiên tai

2.1. Hệ thống đê điều

Hệ thống đê điều của tỉnh Bắc Ninh gồm 195,36 km đê, 109 cống và 41 kè hộ bờ và chống sóng. Trong đó:

- Tuyến đê cấp I ¸ III bao gồm tuyến tả, hữu Đuống, hữu Thái Bình, hữu Cầu và hữu Cà Lồ với 139,12 km đê, 61 cống qua đê và 36 kè.

Tuyến đê hữu Đuống từ Km21.600 -:- Km59.600 dài 38,0Km;

Tuyến đê hữu Thái Bình từ Km0.000 -:- Km9.680 dài 9,68Km.

Tuyến đê tả Đuống từ Km22.300 -:- Km54.000 dài 31,70Km.

Tuyến đê hữu Cầu từ Km28.860 -:- Km82.350 dài 53,49Km;

Tuyến đê hữu Cà Lồ từ Km8.100 -:- Km14.350 dài 6,25Km.

- Tuyến đê cấp V bao gồm các tuyến đê đê bối: Thị trấn Hồ, Hoài Thượng, Mão Điền, Song Giang, Giang Sơn (hữu Đuống), Cảnh Hưng, Đào Viên (tả Đuống), Quả Cảm, Đẩu Hàn, Ba Xã (hữu Cầu) với 56,24 km đê, 48 cống qua đê và 05 kè.

Được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương và của Tỉnh, trong những năm gần đây, hệ thống đê điều của Tỉnh đã được đầu tư tu bổ hoàn thiện về cao trình, mặt cắt, cải tạo nâng cấp và cứng hóa mặt đê, gia cố hoàn chỉnh và kéo dài các kè xung yếu, làm mới bổ xung và xây lại các cống dưới đê, tăng khả năng chống lũ. Tuy nhiên do hệ thống đê đi qua nhiều khu vực có nền địa chất mềm yếu, đất đắp thân đê có hàm lượng pha cát lớn, không đồng nhất, một số khu vực ven đê còn các ao hồ, thùng đấu nên vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường gây uy hiếp đến an toàn của đê nhất là khi có lũ cao, ngâm lâu và gặp tổ hợp có gió bão lớn, đó là:

- Một số khu vực nền đê mềm yếu thường xuất hiện sủi, đùn khi mực nước sông cao: Khu vực Đình Tổ, Đại Đồng Thành (Thuận Thành); Đại Lai, Cao Đức (Gia Bình); Cáp Điền, Cáp Thủy, Lai Hạ (Lương Tài); Tri Phương (Tiên Du); Hán Quảng, Chi Lăng, Việt Thống, Quế Tân (Quế Võ); Phù Yên, Phù Cầm (Yên Phong).

- Do đất đắp không đồng nhất có hàm lượng pha cát lớn, đắp qua nhiều thời kỳ nên tại những vị trí có mặt cắt lòng sông rộng, khi lũ sông lên cao gặp gió bão thường xuất hiện sạt lở phía sông trên diện rộng. Điển hình là khu vực Vạn Ninh, Cao Đức (Gia Bình); Trung Kênh, Lai Hạ (Lương Tài); Tri Phương, Tân Chi (Tiên Du); Hán Quảng, Chi Lăng, Cách Bi (Quế Võ).

- Một số Kè sát đê tại các khu vực sông cong có diễn biến lòng dẫn phức tạp thường xuất hiện sự cố sạt lở trong mùa lũ uy hiếp đến an toàn của đê: Kè Thị Thôn Mão, Đức Tái (tả Đuống), kè Việt Thống, Yên Ngô (đê hữu Cầu).

- Khu vực đê đi qua khu vực lòng sông cổ như tuyến đê hữu Đuống đoạn từ K41 000 ÷ K45 000 chưa được đầu tư nâng cấp cần được quan tâm theo dõi.

- Cống lấy nước trạm bơm Xuân Viên qua đê hữu Cầu xây dựng từ lâu đã xuống cấp chưa được đầu tư xây lại cần đề phòng sự cố. Chú ý những cống mới xây dựng chưa qua thử thách cần đề phòng sự cố rò rỉ, lún, nứt theo đê, như cống Tri Phương, cống Long Phương (đê tả Đuống), cống Vạn Ninh (đê hữu Đuống), cống Cầu Ma (đê hữu Cà Lồ).

- Hang cầy, tổ mối đã được kiểm tra phát hiện và xử lý song cần đề phòng sự cố đột xuất do tổ mối chưa phát hiện xử lý triệt để ở tất cả các tuyến đê.

- Sự cố mạch sủi, mạch đùn sạt lở tại các vị trí ao, hồ thùng đấu cần được quan tâm chú ý.

- Các khu vực đê đi qua làng cổ như Tam Đa, Đại Lâm, Vạn An cần chú ý diễn biến sự cố nứt lún đê do tác động của tải trọng công trình gây ra.

2.2. Hệ thống công trình thủy lợi

a. Hệ thống Trạm bơm

- Trạm bơm tưới tiêu chính: Tổng số 110 trạm với 640 máy bơm các loại. Trong đó có 313 tổ máy bơm kết hợp, 180 tổ máy bơm tiêu và 147 tổ máy bơm tưới;

- Trạm bơm cục bộ: Tổng số 566 trạm với 748 máy bơm các loại. Trong đó có 316 tổ máy bơm kết hợp, 63 tổ máy bơm tiêu và 369 tổ máy bơm tưới;

Các trạm bơm này hiện đang được giao cho Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Đuống và Nam Đuống khai thác, quản lý và bảo vệ. Hiện tại, cơ bản các trạm bơm đang vận hành và khai thác ổn định, một số trạm bơm xuống cấp Tỉnh đã có kế hoạch cải tạo, nâng cấp.

b. Hệ thống kênh tưới

Hệ thống kênh mương thuộc tỉnh Bắc Ninh có tổng cộng 427 tuyến kênh phục vụ tưới tiêu cho 227.378ha do hai Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Đuống và Nam Đuống khai thác, quản lý: 245 tuyến kênh tưới và tưới tiêu kết hợp với tổng chiều dài là 593km, trong đó có 360km kênh đã được cứng hóa; 182 tuyến kênh tiêu và tưới tiêu kết hợp, với tổng chiều dài gần 663km, trong đó có 14km được cứng hóa. Ngoài ra còn có hệ thống kênh tưới và tiêu nội đồng được khai thác và quản lý với các huyện trên địa bàn tỉnh: Hệ thống kênh tưới phục vụ cho 39.201 ha, hệ thống kênh tiêu phục vụ cho 46.480 ha.

2.3. Các công trình phòng, chống thiên tai khác

Ngoài hệ thống đê điều, kênh tưới tiêu, trạm bơm, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều công trình phòng chống thiên tai khác như: Các ngầm, tràn trên các tuyến tỉnh lộ; các trạm khí tượng, thủy văn, trạm đo mưa; các cống điều tiết lũ trên các tuyến sông nội đồng, hệ thống thông tin liên lạc...

Đánh giá chung: Hệ thống đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai của tỉnh hiện nay đang vận hành tốt và được đầu tư nâng cấp, tu bổ hàng năm, cơ bản đảm bảo khả năng phòng, chống các loại hình thiên tai theo thiết kế. Tuy nhiên, hệ thống đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai còn tiềm ẩn những ẩn hoạ, khuyết tật khó lường cần được tu bổ, nâng cấp hàng năm.

3. Vật tư, phương tiện phòng, chống thiên tai

a. Vật tư để tại các kho dự trữ của tỉnh

Toàn tỉnh hiện có 07 kho vật tư dự trữ được xây dựng kiên cố tại các trụ sở các hạt quản lý đê điều khu vực: Kho tại hạt Quản lý đê thành phố Bắc Ninh, kho tại hạt Quản lý đê Quế Võ, kho tại hạt Quản lý đê Tiên Du, kho tại hạt Quản lý đê Gia Bình, kho tại hạt Quản lý đê Lương Tài, kho tại hạt Quản lý đê Thuận Thành và kho tại văn phòng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Ninh.

Số lượng vật tư chính dự trữ tại các kho gồm:

Bao tải : 979.399 chiếc

Rọ thép : 5.090 chiếc

Dây thép : 18.356 kg

Vải lọc : 5.275 m2

Bạt chống sóng : 3.026 tấm (Kt: 5x24)m/tấm.

b. Vật tư dự trữ để tại các vị trí xung yếu dọc các tuyến đê trong tỉnh

Ngoài các vật tư bảo quản tại các kho ở trụ sở hạt quản lý đê, một số loại vật tư dự trữ được bố trí tại các khu vực trọng điểm để chủ động cho việc xử lý sự cố trong trường hợp khẩn cấp gồm:

Đá hộc : 19.438 m3

Đá dăm : 1.545 m3

Cát vàng : 592 m3

c. Phương tiện, xe, máy có thể huy động từ các đơn vị bộ đội và BCH Quân sự các cấp để phục vụ công tác PCTT

- Ca nô 4 chiếc (Bộ CHQS tỉnh: 1 chiếc, Quân đoàn 2: 3 chiếc)   

- Phà 2 chiếc (Quân đoàn 2) Nhà bạt 50 chiếc (Cấp a,b,c/BCH QS tỉnh).

- Ô tô 130 chiếc: Tỉnh 23 chiếc có 1 xe ca, Bộ CHQS tỉnh 2 chiếc xe tải, các đơn vị tự bảo đảm tổng số: 105 chiếc, trong đó xe tải 92 chiếc, xe con 13 chiếc.

- Máy ủi 1 chiếc (Lữ đoàn 229), Xà lan 2 chiếc (Quân đoàn 2), Thuyền 1.613 chiếc các loại ( huy động ở địa phương ).

- Xuồng máy 2 chiếc (Bộ CHQS tỉnh).

- Thuyền cao su 4 chiếc (Quân đoàn 2).

- Xe tải dưới 5 tấn 440 chiếc (huy động của dân).

- Máy phát điện 10 chiếc (huy động của dân).

- Phao cứu sinh 244 chiếc, áo phao 670 chiếc (Bộ CHQS tỉnh)

4. Nguồn tài chính dự phòng

Các nguồn lực tài chính phục vụ công tác PCTT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bao gồm:

- Nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: Mỗi năm tỉnh Bắc Ninh được Trung ương hỗ trợ với ngân sách khoảng 20 tỷ sử dụng cho kế hoạch vốn duy tu hàng năm;

- Nguồn vốn ngân sách tỉnh dùng cho việc tu bổ đê điều, công trình PCTT;

- Nguồn kinh phí sự nghiệp Thủy lợi: Sử dụng cho việc sửa chữa, nâng cấp và xây mới các công trình Thủy lợi;

- Quỹ phòng chống thiên tai: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2020 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Ninh; Theo đó, quỹ PCTT được sử dụng cho các nội dung: Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các hoạt động ứng phó và phòng ngừa thiên tai, chi thù lao và các chi phí hành chính phát sinh khác liên quan đến công tác thu quỹ;

- Ngoài ra, còn có các nguồn hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp đến nhân dân trong việc xây dựng lại nhà kiên cố, hỗ trợ thực phẩm, hàng tiêu dùng.

III. CÁC YẾU TỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG DO THIÊN TAI

Thiên tai những năm qua gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó những lĩnh vực (đối tượng) bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm có:

* Về con người: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo.

* Cơ sở hạ tầng:

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhà ở: Nhà tạm, nhà đơn sơ, nhà ở khu vực thấp trũng, nhà ven sông.

Đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều là những cơ sở hạ tầng hàng năm bị ảnh hưởng, sạt trượt do ngập lụt trên địa bàn tỉnh.

* Sản xuất nông nghiệp: Đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt đối với các khu vực thường xuyên bị ngập lụt nội đồng do khả năng tiêu thoát lũ chủ yếu dựa vào hệ thống sông nội. Tính từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 13.000 ha lúa bị ảnh hưởng.

Phần III

CƠ SỞ PHÁP LÝ, MỤC TIÊU CỦA PHƯƠNG ÁN

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi một số điều của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 122-KH/TU ngày 02/6/2020 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII;

Căn cứ Kế hoạch số 315/KH-UBND ngày 06/8/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Sổ tay hướng dẫn xây dựng Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.

II. MỤC TIÊU CỦA PHƯƠNG ÁN

1. Mục tiêu chung

Huy động các nguồn lực để chủ động ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xẩy ra trên địa bàn tỉnh, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu do thiên tai gây ra; góp phần quan trọng phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trên cơ sở phương án tổng thể của tỉnh, chủ động xây dựng phương án của đơn vị, địa phương mình sát với tình hình thực tế nhằm ứng phó kịp thời, đạt hiệu quả với từng tình huống mà thiên tai gây ra.

2. Mục tiêu cụ thể

Nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai như: Bão, lũ, mưa lớn, lốc, sét, hạn hán, rét đậm rét hại, sương muối, động đất, sạt lở đất và các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, nhất là ứng phó kịp thời với những thiên tai có cấp độ mạnh và siêu mạnh có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện việc xây dựng phương án ứng phó với các loại hình và cấp độ rủi ro của thiên tai cụ thể, chi tiết sát thực tế địa phương mình, ngành mình; từ đó tổ chức thực hiện tốt phương án ứng phó cụ thể, có hiệu quả với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro, nhất là những loại hình thiên tai có cấp độ mạnh, nguy hiểm có thể xảy ra trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”;

Hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Đảm bảo an toàn về con người, tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều từ cấp V đến cấp I trên địa bàn tỉnh khi thiên tai xảy ra với cấp độ phù hợp với tần suất thiết kế của công trình kể cả khi thiên tai lũ xuất hiện như lũ lịch sử năm 1971.

Đảm bảo giao thông được thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thành hệ thống thông tin liên lạc từ cấp tỉnh đến cấp xã (hữu tuyến, vô tuyến, di động, lực lượng hỏa tốc).

Đảm bảo an toàn môi trường về đất, nước; an toàn vệ sinh dịch tễ, khống chế dịch bệnh sau khi thiên tai đi qua. Khắc phục và phục hồi kịp thời về sản xuất nông - công nghiệp trên địa bàn tỉnh khi thiên tai qua đi; ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

Thống kê, đánh giá thiệt hại; bảo vệ môi trường, phục hồi sản xuất; có cơ chế chính sách, hỗ trợ để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai.

3. Xác định đối tượng, phạm vi tác động của các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn

a. Đối với áp thấp nhiệt đới và bão: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 5

Bão và áp thấp nhiệt đới không gây ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhưng hoàn lưu của nó gây mưa lớn, lũ, ngập lụt tác động trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất.

- Số cơn bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh trung bình: Từ 01÷ 05 cơn//năm

- Khu vực ảnh hưởng: Toàn bộ tỉnh

b. Đối với lốc, sét và mưa đá: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2

- Lốc, sét, mưa đá không thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đây là loại hình thiên tai gây chết người, tốc mái, đổ nhà cửa, cây cối; gây thiệt hại nặng về hoa màu

- Số trận lốc, sét, mưa đá xảy ra trên địa bàn tỉnh trung bình: Từ 01÷ 03 trận/năm.

- Khu vực ảnh hưởng: Toàn bộ tỉnh

c. Đối với mưa lớn: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2

Mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ATNĐ; rãnh thấp, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao; không khí lạnh bị nén bởi khối áp cao lục địa phía Bắc. Các loại hình thời tiết này thường gây mưa vừa, mưa to đến rất to. (Điển hình năm 2017 trên địa bàn tỉnh đợt mưa từ ngày 14/8 ÷ 18/8 lớn nhất với tổng lượng mưa là 237,5 mm).

- Số đợt mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh trung bình: 04÷05 đợt/năm (lượng mưa >100 mm/ đợt).

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

d. Đối với lũ, ngập lụt: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 4

- Mùa lũ trong năm của tỉnh bắt đầu từ tháng 6÷10, lũ lớn nhất thường xảy ra vào các tháng 7, 8 và 9 trong năm. Thời gian đỉnh lũ kéo dài từ 3÷10 ngày.

- Vùng bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt: Toàn tỉnh.

e. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 1

- Sạt lở đất, sụt lún thường xảy ra khi có mưa to hoặc dòng chảy mạnh. Do địa hình tỉnh không có đồi núi cao nên hiện tượng sạt lở, lún đất do mưa lũ chủ yếu xẩy ra ở các bờ bãi sông.

- Vùng ảnh hưởng: Bờ bãi sông Đuống, sông Thái Bình, sông Cầu và sông Cà Lồ.

f. Đối với nắng nóng: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

- Nắng nóng thường xảy ra vào tháng 5÷tháng 8 hàng năm. Các đợt nóng nắng diễn ra từ 3÷10 ngày với nền nhiệt từ 35 c C÷40c C.

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

g. Đối với hạn hán: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp độ 2

- Hạn hán thường xảy ra vào các tháng mùa khô trong năm như: Các tháng đầu năm từ tháng 1, 2, 3 và các tháng cuối năm từ tháng 10,11, 12.

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

h. Đối với rét hại, sương muối,: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

- Khi nhiệt độ trung bình ngày và đêm xuống dưới 130C được gọi là rét hại. Rét hại kèm sương muối thường xảy ra vào các tháng mùa đông do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh từ phía Bắc.

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

i. Đối với sương mù: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 1

- Sương mù thường xảy ra vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông.

- Vùng ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

k. Đối với động đất: Cấp độ rui ro cao nhất là cấp 2

- Động đất ít xảy ra trên địa bàn tỉnh. Động đất cường độ nhỏ gây rung lắc nhà cửa, một số công trình có hiện tượng nứt; động đất cường độ có thể phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất. Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận một vài trận động đất nhẹ gây rung nhà cửa, không có thiệt hại về tài sản và người.

- Vùng bị ảnh hưởng: Toàn tỉnh.

Phần IV

PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI

I. BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI

1. Các biện pháp ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới

1.1. Bão, áp thấp nhiệt đới cấp độ 3

a. Cấp tỉnh

- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cập nhật kịp thời diễn biến của bão, ATNĐ; chủ động tham mưu cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ban hành công điện, văn bản chỉ đạo đến các cấp, các ngành để có phương án ứng phó với thiên tai trong thời gian tối thiểu trước 12 giờ; trường hơp̣ đột xuất chuyển ngay thông tin đến các điạ phương.

- Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh: Tổ chức họp để triển khai các biện pháp ứng phó theo phương án; triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương.

- Thực hiện theo các nội dung công điện của Trung ương.

- Chỉ đạo các sở, ban ngành theo nhiệm vụ ngành quản lý để thực hiện các phương án ứng phó.

- Phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ huy kiểm tra thực tế tại các địa phương theo nhiệm vụ đã được phân công.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

b. Cấp huyện

- Thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới.

- Thực hiện các công điện của tỉnh và của Trung ương.

- Chỉ đạo các đơn vị, ngành và cấp xã trong phạm vi quản lý thực hiện công tác tuyên truyền về bão, ATNĐ.

- Chỉ đạo, thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ATNĐ và các thông tin, chỉ đạo từ Trung ương và công điện của tỉnh.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó.

- Nội dung về truyền thông đến các cơ quan, đơn vị, và UBND cấp huyện, xã: Hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bão trên các phương tiện truyền thông, thông báo các tầu bè, phà qua sông có biện pháp tránh trú bão; các khu nuôi trồng thủy sản…

- Chỉ đạo đối với các hoạt động, sinh hoạt của người dân để đảm bảo không bị thiệt hại xảy ra như cho học sinh nghỉ học, dừng các hoạt động sản xuất,…

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó về:

Thông tin truyền thông về cơn bão, ATNĐ trên loa phát thanh của xã.

Tùy theo cấp độ của bão, ATNĐ: Chỉ đạo các thôn, xóm thực hiện công tác chằng chống nhà cửa; đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động trên địa bàn đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Rà soát các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng chuẩn bị để di dời, sơ tán dân.

Huy động các lực lượng để hỗ trợ nhân dân thu hoạch vụ mùa, chằng chống nhà cửa, di dời đồ đạc,…

Thường trực tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng.

Kiểm tra, rà soát các hộ gia đình có các đối tượng dễ bị tổn thương để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.

1.2. Bão, áp thấp nhiệt đới cấp độ 4, 5

a. Cấp tỉnh

- Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh: Tổ chức họp để triển khai các biện pháp ứng phó theo phương án; triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương.

- Thực hiện theo các nội dung công điện của Trung ương.

- Chỉ đạo các sở, ban ngành theo nhiệm vụ ngành quản lý để thực hiện các phương án ứng phó.

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, rà soát tại khu vực xung yếu.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

- Ban hành lệnh nghỉ học; nghỉ làm,…

- Thực hiện công tác đảm bảo về giao thông, thông tuyến đối với các khu vực bị ảnh hưởng;

- Thực hiện công tác khắc phục hậu quả nhanh để đảm bảo cho công tác chỉ huy ứng phó kịp thời.

b. Cấp huyện

- Thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ATNĐ.

- Thực hiện các công điện của Tỉnh và của Trung ương.

- Chỉ đạo các đơn vị, ngành và các xã trong phạm vi quản lý thực hiện công tác cảnh báo về bão và các biện pháp ứng phó.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó:

Công tác đảm bảo an toàn nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng.

Chỉ đạo rà soát, kiểm tra và hướng dẫn đối với các hoạt động, sinh hoạt của người dân để đảm bảo không bị thiệt hại xảy ra;

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực trũng thấp, khu vực thường xảy ra sự cố; các công trình trọng điểm;`

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó về:

Thông tin truyền thông về cơn bão, ATNĐ trên loa phát thanh của xã.

Chỉ đạo các thôn, xã thực hiện công tác chằng chống nhà cửa; đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động trên địa bàn đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Cử người canh gác tại các các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời ứng phó;.

Kiểm tra, rà soát các hộ gia đình có các đối tượng dễ bị tổn thương để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.

2. Các biện pháp ứng phó với lốc, sét, mưa đá (02 cấp)

2.1. Lốc, sét, mưa đá cấp độ 1

a. Lực lượng, phương tiện và vật tư tại chỗ

- Đảm bảo an toàn cho người:

Khuyến cáo người dân không ở trong những căn nhà tạm, yếu; tìm nơi trú ẩn an toàn khi có lốc và mưa đá (không di chuyển đến dưới các cây lớn, nhà tạm).

Khuyến cáo việc sử dụng điện thoại, điện gia dụng khi có sấm sét (rút phích cắm, ăng ten tivi và những đồ điện tử đang sử dụng). Trường hợp trục trặc lưới điện chung thì tốt nhất nên ngắt cầu dao hoặc rút hết phích cắm của các đồ điện trong gia đình ra khỏi ổ điện.

Không nên ra ngoài lúc trời có mưa dông kèm theo sấm sét và không được lại gần nơi có dây điện rơi xuống.

Nếu ở ngoài trời khi mưa dông có nguy cơ bị sét đánh phải tìm chỗ trú ẩn an toàn, không đứng trên đồi cao hay những khoảng đất trống, rộng rãi như cánh đồng, sân chơi... không núp dưới cây cao ngoài đồng trống; không khuân vác vật dụng bằng kim loại như cuốc, xẻng, búa, liềm...

Nếu đang làm ngoài đồng, nên chạy đến nơi nào gần nhất để giữ mình được khô ráo. Nếu không kịp đến nơi an toàn, thì nên núp nơi thấp nhất, thu mình và chụm hai chân lại.

Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, phải dừng lại tìm chỗ ẩn, đội mũ bảo hiểm để tránh đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi để tránh trơn ngã.

- Đảm bảo an toàn cho nhà cửa, công trình và tài sản:

Khuyến cáo người dân, đơn vị, doanh nghiệp,.. lắp đặt hệ thống cột thu lôi, cột chống sét thích hợp cho từng công trình.

Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng lốc xoáy, gió giật, mưa đá. Ở nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có lốc xoáy, gió giật.

- Cứu hộ, cứu nạn người, nhà cửa bị sập do lốc sét gây ra; hỗ trợ nhà ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà ở.

- Khắc phục hậu quả do lốc, sét, mưa đá: huy động lực lượng, phương tiện, vật chất trang bị để nhanh chóng giải quyết hậu quả, tập trung một số công việc như: Thu dọn cành cây đổ; sửa chữa, khắc phục nhà sập, nhà tốc mái...; khắc phục các sự cố, tổ chức tìm kiếm người bị mất liên lạc; cứu trợ các cá nhân, gia đình khó khăn; thống kê và đánh giá thiệt hại.

b. Công tác chỉ đạo, chỉ huy tại chỗ

- Chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và ban hành các công điện, thông báo về chỉ đạo ứng phó với thiên tai lốc, sét, mưa đá tới các cấp, các ngành để chủ động phòng tránh.

- Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, ngành triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với từng tình huống cụ thể; UBND cấp huyện, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn sử dụng hệ thống truyền thanh của địa phương để truyền các bản tin dự báo, cảnh báo giông, lốc, sét,... và hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống dông, lốc, sét, mưa đá đến với người dân trên địa bàn.

2.2. Lốc, sét, mưa đá cấp độ 2

a. Lực lượng, phương tiện và vật tư tại chỗ

- Thực hiện như cấp độ 1.

- Ngành điện chủ động cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của dông, lốc xoáy, mưa đá, sét. Sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp điện cho khu vực để nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất.

- Huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các gia đình sửa chữa gia cố công trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi trường theo quy định.

- Huy động lực lượng, phương tiện y tế để kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại sau thiên tai.

- Huy động lực lượng, phương tiện để thu dọn cây xanh, xử lý môi trường sau thiên tai.

- Huy động lực lượng để cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người, nhà cửa và các vật dụng khác.

b. Công tác chỉ đạo, chỉ huy

- Thực hiện như cấp độ 1.

- Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường.

- Chỉ huy lực lượng hỗ trợ dân ứng phó và khắc phục hậu quả do lốc, sét và mưa đá gây ra.

3. Các biện pháp ứng phó với mưa lớn

3.1. Mưa lớn cấp độ 1

a. Cấp tỉnh

- Theo dõi diễn biến của mưa lớn.

- Chỉ đạo công tác trực ban và nắm bắt các thông tin, chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với mưa lớn: Ban hành văn bản, công điện, thông báo,…

- Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền: Phát tin trên các phương tiện truyền thông của tỉnh về tình hình mưa lớn, thời gian mưa và cường độ mưa đang diễn ra.

- Chỉ đạo việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, các thành viên Ban chỉ huy nắm chắc địa bàn, căn cứ vào bản tin dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến cụ thể của mưa lớn để triển khai các công việc ứng phó.

- Chỉ đạo công tác sẵn sàng lực lượng để kịp thời cứu hộ, cứu nạn đối với vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị ngập lụt, các trọng điểm đối với các công trình phòng chống lũ (đê, kè, cống, …).

b. Cấp huyện

- Chỉ đạo, thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thông tin, chỉ đạo từ Trung ương và công điện của tỉnh.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với mưa lớn:

Thông tin truyền thông tới cấp xã.

Ứng phó đảm bảo an toàn cho người trong vùng bị ảnh hưởng mưa lớn.

Ứng phó đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản,…

Ứng phó đối với các khu nuôi trồng thủy sản trong vùng bị lũ, ngập lụt.

Hướng dẫn các biệp pháp ứng phó với mưa lớn trên các phương tiện truyền thông của cấp huyện.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó:

Thông tin truyền thông về mưa lớn trên loa phát thanh.

Triển khai lực lượng xung kích PCTT để hỗ trợ người dân.

Thông tin, cảnh báo tới bà con và nhân dân về tình hình mưa, các sự cố có thể xảy ra do mưa lớn, …

Kiểm tra, rà soát các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng mưa lớn.

Chỉ đạo các lực lượng dân quân tự vệ, xung kích cấp xã để kiểm tra, rà soát các khu vực ngầm tràn, vùng trũng thấp, hạ lưu các lưu vực sông; các trọng điểm đối với các công trình phòng chống lũ.

3.2. Mưa lớn cấp độ 2

a. Cấp tỉnh

- Tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó; triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương.

- Thực hiện theo các nội dung công điện của Trung ương.

- Chỉ đạo các sở, ban ngành theo nhiệm vụ ngành quản lý để thực hiện các phương án ứng phó.

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, sự cố các công trình, quy trình vận hành, …

- Lực lượng Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

- Thực hiện công tác đảm bảo về giao thông, thông tuyến đối với các khu vực bị ảnh hưởng.

- Thực hiện công tác khắc phục hậu quả nhanh để đảm bảo cho công tác chỉ huy ứng phó kịp thời.

b. Cấp huyện

- Thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn và ngập lụt.

- Thực hiện các công điện của Tỉnh và Trung ương.

- Chỉ đạo các đơn vị, ngành và các xã trong phạm vi quản lý thực hiện công tác cảnh báo về mưa lớn và ngập lụt và các biện pháp ứng phó.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với mưa lớn:

Công tác đảm bảo an toàn cho người dân.

Công tác đảm bảo an toàn nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng.

Chỉ đạo rà soát, kiểm tra và hướng dẫn đối với các hoạt động, sinh hoạt của người dân để đảm bảo không bị thiệt hại xảy ra.

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực trũng thấp, khu vực thường xảy ra sự cố; các công trình trọng điểm.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó:

Thông tin các biện pháp ứng phó về mưa lớn trên loa truyền thanh.

Triển khai lực lượng xung kích PCTT để hỗ trợ người dân.

Chỉ đạo các thôn, xóm thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động trên địa bàn đảm bảo an toàn trong vùng bị mưa lớn và ngập lụt.

Cử người canh gác tại các các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời ứng phó.

Đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm tại nơi sơ tán (nếu có).

4. Các biện pháp ứng phó với lũ, ngập lụt

4.1. Lũ, ngập lụt cấp độ 1

a. Cấp tỉnh

- Theo dõi diễn biến của lũ và ngập lụt.

- Chỉ đạo công tác trực ban và các thông tin, chỉ đạo từ Trung ương.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với lũ, ngập lụt: Ban hành văn bản, công điện, thông báo,…

- Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền: Phát tin trên các phương tiện truyền thông của tỉnh về tình hình mưa lũ và ngập lụt đang diễn ra.

- Chỉ đạo việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, các thành viên Ban chỉ huy nắm chắc địa bàn, căn cứ vào bản tin dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến cụ thể của lũ, ngập lụt để triển khai các công việc ứng phó.

- Chỉ đạo công tác sẵn sàng lực lượng để kịp thời cứu hộ, cứu nạn đối với vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị ngập lũ, các trọng điểm đối với các công trình phòng chống lũ (đê, kè, cống, …).

b. Cấp huyện

- Chỉ đạo, thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và tình hình ngập lụt; thông tin, chỉ đạo từ Trung ương và công điện của tỉnh.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với lũ và ngập lụt:

Nội dung về truyền thông tới cấp huyện, xã.

Nội dung về ứng phó đảm bảo an toàn cho người trong vùng bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt.

Nội dung về ứng phó đối với dân cư vùng ngập lụt nhất là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người dân mưu sinh trong vùng lũ như không vớt củi, không đi qua các vùng trũng thấp, vùng dòng lũ chảy xiết, vùng ngập lụt, trẻ em.

Nội dung ứng phó đối với các hoạt động sản xuất mùa màng.

Nội dung ứng phó đối với các khu nuôi trồng thủy sản trong vùng bị lũ và ngập lụt,…

Hướng dẫn người dân các biệp pháp ứng phó với lũ, ngập lụt trên các phương tiện truyền thông của cấp huyện.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó về:

Thông tin truyền thông về lũ, ngập lụt trên loa truyền thanh.

Kiểm tra, rà soát các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng lũ, ngập lụt.

Chỉ đạo các lực lượng dân quân tự vệ, xung kích cấp xã để kiểm tra, rà soát các khu vực ngầm tràn, vùng trũng thấp, hạ lưu các lưu vực sông; các trọng điểm đối với các công trình phòng chống lũ.

4.2. Lũ, ngập lụt cấp độ 2

a. Cấp tỉnh

- Tổ chức họp để triển khai các biện pháp ứng phó; triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương.

- Thực hiện theo các nội dung công điện của Trung ương.

- Chỉ đạo các sở, ban ngành theo nhiệm vụ ngành quản lý để thực hiện các phương án ứng phó.

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, rà soát các trọng điểm về các công trình phòng chống lũ.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

- Thực hiện công tác đảm bảo về giao thông, thông tuyến đối với các khu vực bị ảnh hưởng.

- Thực hiện công tác khắc phục hậu quả nhanh để đảm bảo cho công tác chỉ huy ứng phó kịp thời.

b. Cấp huyện

- Thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, ngập lụt.

- Thực hiện các công điện của tỉnh và Trung ương.

- Chỉ đạo các đơn vị, ngành và các xã trong phạm vi quản lý thực hiện công tác cảnh báo về lũ, ngập lụt và các biện pháp ứng phó.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với lũ, ngập lụt:

Thực hiện di dời, sơ tán dân (trong vùng bị ngập sâu, lũ lên cao).

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn khu vực di dời.

Công tác đảm bảo an toàn nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng.

- Chỉ đạo rà soát, kiểm tra và hướng dẫn đối với các hoạt động, sinh hoạt của người dân để đảm bảo không bị thiệt hại xảy ra.

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực trũng thấp, khu vực thường xảy ra sự cố; các công trình trọng điểm.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó về:

Thông tin các biện pháp ứng phó với lũ, ngập lụt.

Chỉ đạo các thôn, xóm thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động trên địa bàn đảm bảo an toàn khi bị lũ, ngập lụt.

Cử người canh gác tại các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời ứng phó.

Cử người kiểm soát hoạt động vớt củi, tắm sông, đi qua khu vực ngập sâu, ngầm tràn hoặc đi qua dòng chảy lũ.

Thực hiện các biện pháp hỗ trợ dân vùng lũ như trông trẻ tập trung, giám sát việc đi lại của người dân, của trẻ em,…

Đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là vùng bị chia cắt bởi lũ.

- Huy động lực lượng trong thôn, xóm để hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn nơi sơ tán và nơi dân đi sơ tán (nếu có).

4.3. Lũ, ngập lụt cấp độ 3

a. Cấp tỉnh

- Tổ chức họp để triển khai các biện pháp ứng phó; triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương.

- Thực hiện theo các nội dung công điện của Trung ương.

- Chỉ đạo các sở, ban ngành theo nhiệm vụ ngành quản lý để thực hiện các phương án ứng phó.

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, sự cố các công trình, quy trình vận hành, xả lũ hồ chứa,…

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

- Ban hành lệnh sơ tán dân; cho học sinh nghỉ học; người lao động nghỉ làm,…

-Thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh khu vực sơ tán dân.

- Thực hiện công tác đảm bảo về giao thông, thông tuyến đối với các khu vực bị ảnh hưởng.

- Thực hiện công tác khắc phục hậu quả nhanh để đảm bảo cho công tác chỉ huy ứng phó kịp thời.

b. Cấp huyện

- Thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, ngập lụt.

- Thực hiện các công điện của tỉnh và Trung ương.

- Chỉ đạo các đơn vị, ngành và các xã trong phạm vi quản lý thực hiện công tác cảnh báo về lũ, ngập lụt và các biện pháp ứng phó.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với lũ, ngập lụt:

Thực hiện di dời, sơ tán dân.

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn khu vực di dời.

Công tác đảm bảo an toàn nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng.

- Chỉ đạo rà soát, kiểm tra và hướng dẫn đối với các hoạt động, sinh hoạt của người dân để đảm bảo không bị thiệt hại xảy ra.

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực trũng thấp, khu vực thường xảy ra sự cố; các công trình trọng điểm.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó về:

Thông tin các biện pháp ứng phó về lũ, ngập lụt.

Chỉ đạo các thôn, xóm thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động trên địa bàn đảm bảo an toàn trong vùng ngập lụt.

Cử người canh gác tại các các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời ứng phó.

Thực hiện di dời, sơ tán dân trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi không thực hiện lệnh.

Hỗ trợ quá trình sơ tán.

Đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm tại nơi sơ tán.

- Huy động lực lượng trong thôn, xóm để hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn.

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn nơi sơ tán và nơi dân đi sơ tán.

- Chủ động dừng các hoạt động trên sông khi thấy không an toàn

4.4. Lũ, ngập lụt cấp độ 4

a. Cấp tỉnh

- Tổ chức họp để triển khai các biện pháp ứng phó; triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương;

- Thực hiện theo các công điện của tỉnh và trung ương;

- Chỉ đạo các Sở, ban ngành theo nhiệm vụ ngành quản lý để thực hiện các phương án ứng phó;

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, sự cố các công trình, quy trình vận hành, ,…

- Tùy theo tình hình để đưa ra các quyết định ứng phó: Cho học sinh, sinh viên nghỉ học,…;

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn;

 - Thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh khu vực sơ tán dân;

- Thực hiện công tác đảm bảo về giao thông, thông tuyến đối với các khu vực bị ảnh hưởng;

- Thực hiện công tác khắc phục hậu quả nhanh để đảm bảo cho công tác chỉ huy ứng phó kịp thời.

b. Cấp huyện

- Thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, ngập lụt;

- Thực hiện các công điện của Tỉnh và BCĐ;

- Chỉ đạo các đơn vị, sở ngành và các xã trong phạm vi quản lý thực hiện công tác cảnh báo về lũ, ngập lụt và các biện pháp ứng phó;

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với lũ, ngập lụt:

Thực hiện di dời, sơ tán dân;

Cung cấp lương thực kịp thời cho các hộ trong vùng bị chia cắt;

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn khu vực di dời;

- Chỉ đạo rà soát, kiểm tra và hướng dẫn đối với các hoạt động, sinh hoạt của người dân khu vực ngập lụt;

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực trũng thấp, khu vực thường xảy ra sự cố; các công trình trọng điểm;

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên;

- Thực hiện các phương án ứng phó về:

Thông tin các biện pháp ứng phó về lũ, ngập lụt;

Triển khai lực lượng xung kích PCTT để hỗ trợ người dân;

Chỉ đạo các thôn, xã thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động trên địa bàn đảm bảo an toàn trong vùng ngập lụt;

Cử người canh gác tại các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời ứng phó;

Thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi không thực hiện lệnh;

Hỗ trợ quá trình sơ tán, di dời dân;

Cung cấp lượng thực tại khu vực sơ tán tập trung.

- Huy động lực lượng trong thôn, xóm để hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn;

- Kiểm soát các hoạt động trên sông, khu vực ngoài đê, khu vực ngập lụt.

5. Các biện pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp độ 1

a. Cấp tỉnh

- Tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó.

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra hiện trường, khắc phục nhanh để sớm ổn định đời sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

- Tùy theo tình hình để đưa ra các quyết định ứng phó.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh thực hiện việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

b. Cấp huyện

- Thực hiện công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến về lũ quét, sạt lở đất và các cảnh báo tiếp theo.

- Thực hiện các công điện của Tỉnh và Trung ương.

- Chỉ đạo công tác phòng, tránh ứng phó với mưa lớn:

Công tác đảm bảo an toàn cho người dân.

Công tác đảm bảo an toàn nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị ảnh hưởng.

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực trũng thấp, khu vực thường xảy ra sự cố; các công trình trọng điểm.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các phương án ứng phó về:

Thông tin các biện pháp ứng phó về mưa lớn.

Tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương.

Sơ tán các gia đình đến khu vực an toàn.

Cử người canh gác tại các các khu vực trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng để kịp thời ứng phó.

Đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm tại nơi sơ tán.

6. Các biện pháp ứng phó với nắng nóng cấp độ 1, 2

a. Lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ

- Sử dụng hệ thống truyền thanh của địa phương để truyền tải các bản tin dự báo, cảnh báo về nắng nóng và hướng dẫn kiến thức, kỹ năng ứng phó với nắng nóng.

- Triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh, đặc biệt là cho trẻ em và người già.

- Khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong những ngày nắng nóng, khi ra đường phải có biện pháp bảo vệ, che tránh.

- Phân luồng giao thông, tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định, đảm bảo cho người dân tham gia giao thông thông suốt, nhất là trong những giờ cao điểm nắng nóng.

- Chỉ đạo công tác phòng, chống đuối nước nhất là cho học sinh, trẻ nhỏ.

- Thực hiện các biện pháp tiết kiệm nguồn nước; xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước hiện có, phòng chống sâu bệnh, dịch bệnh, đặc biệt cần chú ý đến tình huống cháy rừng trong thời gian xảy ra nắng nóng.

- Tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt. Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết.

- Tổ chức vận hành các công trình thủy lợi, các cống lấy nước, trạm bơm nước tưới đảm bảo điều kiện các công trình thủy lợi vận hành tốt, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống cháy rừng, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

- Rà soát cây trồng trên các tuyến phố, thực hiện trồng mới thay thế cây có dấu hiệu chết, khô héo.

- Khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội, người dân lắp đặt hệ thống thu năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của nắng nóng đồng thời cung cấp năng lượng sạch, phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

b. Công tác chỉ đạo, chỉ huy

- Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh: Cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và ban hành các văn bản để chỉ đạo ứng phó với nắng nóng tới các cấp, các ngành và cấp huyện, xã bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh. Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế để chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với từng tình huống cụ thể.

- Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; chỉ đạo các bệnh viện, các trung tâm y tế đảm bảo tốt nhất việc khám chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu người bệnh trong những ngày nắng nóng.

7. Các biện pháp ứng phó với hạn hán cấp độ 1, 2

a. Cấp tỉnh

- Ban hành các công điện, chỉ thị về phòng chống hạn hán.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên ngành theo chức năng quản lý thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

- Chỉ đạo công tác bổ sung nguồn nước cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất.

- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình,…Tùy theo tình hình để đưa ra các quyết định ứng phó.

b. Cấp huyện

- Thực hiện các công điện của tỉnh và Trung ương

- Thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn nước.

- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, ưu tiên đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người và gia súc.

- Chỉ đạo thực hiện sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát nước.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ khi có yêu cầu.

c. Cấp xã

- Thực hiện các công điện, thông báo, chỉ đạo của cấp trên.

- Thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, ưu tiên đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người và gia súc.

- Tuyên truyền, hỗ trợ dân thực hiện sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát nước.

- Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ khi có yêu cầu.

- Đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm để hỗ trợ nhân dân bị mất mùa khi cần thiết.

8. Các biện pháp ứng phó với rét hại, sương muối cấp độ 1, 2

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT tỉnh chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm và tham mưu, ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với rét hại, sương muối tới các ngành, các cấp để chủ động phòng tránh.

- Chỉ đạo các huyện, thành phố căn cứ tình thực tế khẩn trương triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với rét hại, sương muối đối với vật nuôi, cây trồng và hoạt động sản xuất,…

- Phòng chống rét cho người, đặc biệt lưu ý đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật.

- Phương án đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm:

Tổ chức che chắn, làm chuồng cho gia súc, gia cầm.

Bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc.

- Đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất:

Thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng phù hợp.

Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ che chắn, bảo vệ cây trồng và vật nuôi khi cần thiết.

- Phương án khắc phục và phục hồi sản xuất sau thiên tai (chuẩn bị đủ cơ số về giống cây trồng, vật nuôi).

- Xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thức ăn chăn nuôi; thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, chất đốt để đề phòng hiện tượng rét hại kéo dài.

- Bố trí lực lượng, phương tiện để xử lý, khắc phục thiên tai: khẩn trương hỗ trợ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân

9. Các biện pháp ứng phó với sương mù cấp độ 1

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ động cập nhật các bản tin cảnh báo sớm đến nhân dân để chủ động phòng tránh;

- Lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông;

- Thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, tàu thuyền về diễn biến của sương mù để chú ý quan sát, giảm tốc độ đảm bảo lưu thông an toàn; giữ liên lạc với các tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

- Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu;

- Chấp hành nghiêm chỉnh quy định, quy chuẩn khi lưu thông trên biển của Bộ Giao thông vận tải.

10. Các biện pháp ứng phó với động đất cấp độ 1, 2

a. Lực lượng, phương tiện và vật tư tại chỗ

- Sẵn sàng các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an để ứng phó khi xảy ra các sự cố;

- Sẵn sàng các phương tiện, vật tư để di chuyển và xử lý các sự cố.

b. Công tác chỉ đạo, chỉ huy

- Chỉ đạo công tác trực ban 24/24 giờ để nhận và truyền tin cảnh báo từ Viện Vật lý địa cầu;

- Chỉ đạo các sở, ngành nhất là lực lượng công an, quân đội chuẩn bị lực lượng, phương tiện và trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố về công trình, cơ sở hạ tầng.

II. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VÀ TRÁCH NHIỆM ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ

1. Thiên tai cấp độ 1

1.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, chỉ huy của các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên.

1.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

- Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện.

- Vật tư dự trữ do nhân dân chuẩn bị, vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp xã và tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn.

1.3. Các lực lượng tham gia ứng phó thiên tai trên địa bàn cấp xã phải phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ huy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người được ủy quyền.

1.4. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện hỗ trợ.

1.5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai trong trường hợp thiên tai cấp độ 1 xảy ra trong phạm vi từ hai xã trở lên hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; chịu trách nhiệm thực hiện chỉ huy, chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp trên.

1.6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

- Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện.

- Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp huyện và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn.

2. Thiên tai cấp độ 2

2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ huy các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến thiên tai tại địa phương; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

2.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai:

- Lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, lực lượng kiểm ngư và các tổ chức, cá nhân tình nguyện.

- Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp tỉnh, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và của tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn.

2.3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy định tại thiên tai cấp độ 1; tuân thủ sự chỉ huy của cơ quan cấp trên; hướng dẫn và tổ chức sơ tán người đến nơi an toàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tổ chức cưỡng chế sơ tán trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn sơ tán phòng, tránh thiên tai vì mục đích an toàn cho người.

2.4. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.

3. Thiên tai cấp độ 3

3.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực theo thẩm quyền, triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trên địa bàn.

3.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại thiên tai cấp độ 1, 2 phù hợp với tình huống cụ thể tại địa phương; tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.

3.3. Trường hợp rủi ro thiên tai trên cấp độ 3 hoặc thiên tai có diễn biến phức tạp nguy cơ cao gây hậu quả nghiêm trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.

III. CÔNG TÁC HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ, Y TẾ, NHU YẾU PHẨM

1. Nguồn nhân lực

Được huy động từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn; dân quân tự vệ; thanh niên xung kích; các doanh nghiệp; tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh (tùy theo tình hình thực tế cụ thể, chủ tịch UBND các cấp huy động lực lượng phù hợp với diễn biến của thiên tai).

2. Lực lượng

Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng huy động để đáp ứng yêu cầu ứng cứu kịp thời khi có thiên tai xảy ra; dự kiến huy động được từ các sở, ban, ngành, đoàn thể, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, tình nguyện viên, các đơn vị, huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn tham gia công tác phòng, chống, ứng phó khi xảy ra thiên tai. Tùy theo tính chất và tình hình diễn biến, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của thiên tai; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương phù hợp theo yêu cầu.

3. Nhiệm vụ của các lực lượng được huy động ứng phó thiên tai

Tùy theo từng tình huống, các lực lượng được huy động thực hiện các nhiệm vụ sau:

3.1. Nhiệm vụ ứng phó với bão

- Giúp dân sơ tán lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

- Giúp dân thu hoạch mùa vụ trước khi bão đổ bộ.

- Giúp dân chằng chống nhà cửa.

- Hỗ trợ giúp dân sơ tán đến các địa điểm do chính quyền quy định khi có lệnh sơ tán, di dời dân.

- Tuần tra, túc trực tại các khu vực trũng thấp, các ngầm, tràn, các công trình phòng chống thiên tai.

- Đảm bảo xử lý nhanh khi xảy ra các sự cố để đảm bảo cho quá trình chỉ đạo, chỉ huy thiên tai được nhanh chóng, thuận lợi…

- Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực quản lý:

Lực lượng công an: Đảm bảo an ninh trật tự tại nơi sơ tán; đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt khi bão (ATNĐ) đổ bộ.

Lực lượng của Công ty điện lực: Đảm bảo an toàn điện lưới; khắc phục nhanh các sự cố về điện để phục vụ quá trình chỉ đạo điều hành cũng như triển khai các kế hoạch khác.

Lực lượng Viễn thông: Đảm bảo an toàn các cột viễn thông, thông tin liên lạc; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Lực lượng Quân đội: Điều phối các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, xung kích,… trên các địa bàn để tránh chồng chéo.

3.2. Nhiệm vụ ứng phó với lốc, sét, mưa đá

- Ngành điện chủ động cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của dông, lốc xoáy, mưa đá, sét. Sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp điện cho khu vực để nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất.

- Huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các gia đình sửa chữa gia cố công trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi trường theo quy định.

- Ngành y tế huy động lực lượng, phương tiện y tế để kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại sau thiên tai.

- Huy động lực lượng, phương tiện để thu dọn cây xanh, xử lý môi trường sau thiên tai.

- Huy động lực lượng để cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người, nhà cửa và các vật dụng khác.

3.3. Nhiệm vụ ứng phó mưa lớn

- Tổ chức sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp; đảm bảo hậu cần từ nguồn dự trữ của chính quyền và nhân dân tại nơi sơ tán.

- Tuần tra canh gác đê; tổ chức thực hiện phương án hộ đê; phương án đảm bảo an toàn hồ chứa; thực hiện tích nước xả lũ hợp lý nhằm hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

- Hỗ trợ, giúp dân sơ tán dân đối với vùng mưa lớn, bị ngập lụt nặng.

- Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất như: đẩy nhanh thu hoạch các diện tích sản xuất nông nghiệp đã chín vụ, các diện tích nuôi trồng thủy, bảo vệ bờ bao các ao, hồ…

- Rà soát, kiểm tra bảo đảm các hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu thông tin cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai.

- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.

- Tổ chức cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực chốt, chặn, cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập.

3.4. Nhiệm vụ ứng phó với lũ, ngập lụt

- Tuần tra canh gác đê; tổ chức thực hiện phương án hộ đê; phương án đảm bảo an toàn hồ chứa; thực hiện tích nước xả lũ hợp lý nhằm hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

- Hỗ trợ, giúp dân sơ tán dân vùng bị ngập lụt nặng.

- Hỗ trợ dân thu hoạch lúa, hoa màu; di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn.

- Tổ chức cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực chốt, chặn, cấm người, phương tiện qua lại những đoạn đường bị ngập và những nơi có dòng chảy xiết.

- Kiểm tra các thiết bị điện; di dời các tài sản, lương thực ra khỏi nơi có nguy cơ bị ngập.

- Không thực hiện hoạt động vớt củi trên sông khi có lũ.

- Đảm bảo an ninh trật tự tại nơi sơ tán đến, đảm bảo an ninh khu vực dân đi sơ tán; phương án đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt phục vụ quá trình chỉ đạo điều hành; đảm bảo phương án cấp điện, vật tư, nhu yếu phẩm và các vật dụng khác để thực hiện.

- Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn: tổ chức tìm kiếm người, phương tiện do lũ cuốn trôi; cứu chữa người bị thương; lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn các trụ sở, cơ quan, trường học, bệnh viện để tiếp nhận cứu người.

- Hỗ trợ trông giữ trẻ tập trung; kiểm soát thường xuyên trẻ em để không đi ra các khu vực nguy hiểm.

- Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực quản lý:

Lực lượng công an: Đảm bảo an ninh trật tự khu vực bị ảnh hưởng; bố trí lực lượng bảo vệ tài sản, cơ sở hạ tầng…;

Lực lượng điện lực: Kiểm tra hệ thống lưới điện tại các địa bàn để xử lý kịp thời tình huống sự cố.

Lực lượng viễn thông: Duy trì thông tin liên lạc tại các trọng điểm xung yếu bằng hệ thống điện thoại cố định, vô tuyến cố định hiện có; xử lý kịp thời các sự cố về viễn thông; tăng cường giám sát mạng lưới, khi xảy ra sự cố, chỉ đạo ứng cứu, xử lý kịp thời, theo thứ tự ưu tiên.

Lực lượng giao thông: Khắc phục, xử lý ách tắc giao thông vùng lũ, ngập lụt; cắm biển báo hiệu tại khu vực bị ảnh hưởng; bố trí cán bộ điều khiển giao thông; phân luồng giao thông để các phương tiện được lưu thông dễ dàng; xử lý, khắc phục những tuyến đường bị ách tắc do sạt lở, cây cối gãy đổ hoặc bị các sự cố khác do bão gây ra.

Lực lượng Quân đội: Điều phối các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, xung kích,… trên các địa bàn để tránh chồng chéo.

3.5. Nhiệm vụ ứng phó với lũ quét, sạt lở đất

- Xác định các địa điểm sơ tán với các yêu cầu tối thiểu về chỗ ở, chất đốt, nước sạch, lương thực; dịch vụ y tế, vệ sinh môi trường.

- Hỗ trợ, di dời dân đến nơi an toàn trước khi xảy ra lũ quét hoặc sạt lở đất. Chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương: người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, …

- Thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn người bị vùi lấp, mất tích; cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị sạt lở; hỗ trợ chỗ ở cho những hộ bị mất nhà ở do lũ quét, sạt lở đất gây ra.

- Triển khai nhanh các điều kiện tối thiểu theo phương án đã chuẩn bị trước để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân tại nơi sơ tán (nhu yếu phẩm, lương thực, nước uống; bố trí nhà tạm tại nơi an toàn).

- Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực quản lý:

Lực lượng công an: Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.

Lực lượng giao thông: Tổ chức cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực chốt, chặn, cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập; xử lý các điểm ách tắc giao thông do sạt lở gây ra.

Lực lượng quân đội: Điều phối các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, xung kích,… trên các địa bàn để tránh chồng chéo.

3.6. Nhiệm vụ ứng phó với nắng nóng

- Lực lượng cảnh sát PCCC: Chủ động các biện pháp phòng cháy chữa cháy; chuẩn bị sẵn sàng về thiết bị, phương tiện, nhân lực duy trì lệnh trực 24/24 giờ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra cháy nổ.

- Ngành Y tế: Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè, không để bùng phát dịch bệnh; bổ sung thêm phòng khám, giường bệnh để khám chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu người bệnh trong những ngày nắng nóng.

3.7. Nhiệm vụ ứng phó với hạn hán

- Ngành nông nghiệp, các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi: Thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn nước; thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, chống thất thoát nước, ưu tiên đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người và gia súc.

4. Phương tiện, trang thiết bị, y tế

- Các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị cơ động, chi viện của các sở, ngành, đơn vị, huyện, thành phố và phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của các địa phương.

- Các sở, ngành, các cơ quan đơn vị, huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết, tham mưu cho Chủ tịch UBND các cấp việc huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, y tế, nhu yếu phẩm đảm bảo công tác phòng chống thiên tai.

5. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, tài chính phục vụ công tác phòng, chống thiên tai

- Giao các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được phân công chuẩn bị và sẵn sàng huy động đảm bảo khối lượng hàng năm để thực hiện tốt Phướng án này.

- Nguồn phương tiện, vật tư, trang thiết bị (cấp tỉnh) hiện có trên địa bàn tỉnh để phòng, chống thiên tai.

- Trên cơ sở trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, vật tư, phương tiện trên địa bàn tỉnh (các sở, ban, ngành, địa phương…) quản lý cơ bản đáp ứng nhu cầu của công tác PCTT & TKCN. Căn cứ tình hình thực tế và loại hình thiên tai, mức độ ảnh hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh huy động phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng cứu phù hợp. Rà soát, đánh giá chất lượng, số lượng trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có để đề xuất nhu cầu trang bị, cấp mới nhằm đảm bảo đáp ứng công tác ứng phó với sự cố, thiên tai.

Phần V

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ CÁC CẤP, CÁC NGÀNH

I. CƠ CẤU TỔ CHỨC VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

1. Cấp tỉnh

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh được kiện toàn hàng năm theo Nghị định 160/2018/NĐ-CP (Trong đó: Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; 01 đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực phụ trách chung; Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh là phó trưởng ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Phó trưởng ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm Phó trưởng ban phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn; và Lãnh đạo các sở, ngành, các tổ chức Hội, đoàn thể tỉnh là thành viên), kèm theo phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh có Quy chế về tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 10/QĐ-BCHPCTT ngày 18/3/2020 của Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.

2. Cấp huyện, cấp xã

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai &TKCN cấp huyện, xã căn cứ Điều 21, Điều 22 của Nghị định 160/2018/NĐ-CP, hàng năm được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Căn cứ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn; UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH TRONG CÔNG TÁC ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI

Các cấp, các ngành và các đơn vị Bộ đội chủ lực xây dựng kế hoạch PCTT của ngành mình, đơn vị mình theo chức năng nhiệm vụ được giao với phương châm 4 tại chỗ, chủ động đối phó với bão, ATNĐ, mưa lũ lớn có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Nhiệm vụ cụ thể của các ngành, các đơn vị Quân đội tham gia hộ đê, phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Là cơ quan thư­ờng trực tham m­ưu cho UBND Tỉnh về công tác PCTT và chống úng. Chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật xử lý sự cố đê điều và kỹ thuật hộ đê phòng chống lũ, điều hành tiêu úng và chỉ đạo triển khai kế hoạch bảo vệ hậu ph­ương, khắc phục hậu quả ổn định sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng thiên tai.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự huyện, thị xã, thành phố tổ chức hiệp đồng với các đơn vị Bộ đội chủ lực tham gia PCTT trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, đê điều chủ động tham mư­u cho UBND tỉnh ra quyết định để huy động lực lượng Bộ đội chủ lực cơ động ứng cứu kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Khi có lệnh điều động các đơn vị tham gia hộ đê trên địa bàn phải đảm bảo đủ quân số, trang thiết bị, phương tiện, vật chất và thời gian theo kế hoạch hợp đồng đã ký. Chịu sự điều hành trực tiếp của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, thị xã, thành phố nơi đơn vị tham gia hộ đê.

3. Công an tỉnh

Tổ chức thực hiện phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và di dời dân ra khỏi vùng thiên tai, chịu trách nhiệm chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo an ninh trật tự ở những đoạn đê, kè, cống xung yếu, các trạm bơm và kho vật tư­, phư­ơng tiện, đư­ờng dây thông tin liên lạc phục vụ cho công tác PCTT. Bố trí lực l­ượng giữ gìn an ninh, trật tự, trị an đảm bảo giao thông thông suốt ở những nơi có sự cố. Ngăn chặn mọi âm mưu lợi dụng lũ, bão phá hoại công trình chống lũ, chống úng. Đôn đốc Công an các huyện, thị xã, thành phố xử lý các hành vi vi phạm Luật Đê điều, công trình thủy lợi.

4. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh

Chịu trách nhiệm cung cấp kịp thời những bản tin về dự báo diễn biến mư­a, bão, lũ, áp thấp nhiệt đới với độ chính xác cao. Dự báo tình trạng lũ trên các triền sông, thông báo cho Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, Đài phát thanh truyền hình, Báo Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh để đăng tải và phát trên các ph­ương tiện thông tin đại chúng cho mọi người dân biết để chủ động phòng tránh khi cần thiết.   

5. Đài PTTH tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử

Phát kịp thời các bản tin về lũ, bão do Đài KTTV cung cấp. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền Luật Đê điều, Luật phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi và các chủ trương chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về PCTT, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh về công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

6. Sở Thông tin và Truyền Thông, VNPT tỉnh

Chịu trách nhiệm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống và có kế hoạch dự phòng một số ph­ương tiện thông tin cơ động để phục vụ cho công tác chỉ huy xử lý sự cố khi cần thiết.

7. Sở Tài nguyên & Môi tr­ường

Có trách nhiệm kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm về khai thác cát, sỏi, tập kết nguyên vật liệu ảnh h­ưởng đến an toàn của đê điều. Giải quyết thủ tục đất đai phục vụ cho việc xử lý sự cố đê điều và phòng chống thiên tai.

8. Sở Nội vụ, Sở Lao động Th­ương binh và Xã hội

Có trách nhiệm nắm chắc lực lư­ợng, xây dựng kế hoạch bố trí điều động cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động, học sinh của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tr­ường học đóng trên địa bàn của tỉnh tham gia phòng chống thiên tai theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình.

9. Sở Giao thông Vận tải

Có trách nhiệm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt, có kế hoạch điều động ph­ương tiện vận tải khi cần thiết. Nắm chắc các phương tiện, khả năng vận tải của các cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh để điều động khi cần thiết và có phư­ơng án bố trí phư­ơng tiện làm nhiệm vụ thường trực khi lũ, bão căng thẳng và khẩn cấp theo lệnh của tỉnh.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cân đối nguồn ngân sách để phục vụ công tác sửa chữa đê, kè, cống tr­ước mùa lũ, mua sắm vật tư­, dụng cụ hộ đê và chuẩn bị phư­ơng tiện cần thiết cho hoạt động của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.

11. Sở Tài chính,

Chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí để sửa chữa đê, kè, cống tr­ước mùa lũ, mua sắm vật tư­, dụng cụ hộ đê và chuẩn bị phư­ơng tiện cần thiết cho hoạt động của BCH phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh và có kế hoạch dự phòng kinh phí để xử lý sự cố đột xuất.

12. Sở Xây dựng

Chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tai nạn, thảm họa trong xây dựng công trình, nhà ở; phối hợp với các sở - ngành, tổ chức hướng dẫn kiểm tra, xử lý, đề xuất hướng giải quyết các nhà ở, chung cư, xưởng, công trình xuống cấp, công trình đang xây dựng không bảo đảm an toàn khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, giông, lốc xoáy, động đất.

13. Sở Công th­ương

Phối hợp với BCH phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị hậu cần, dự phòng các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ PCTT và nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt của lực l­ượng hộ đê và nhân dân nh­ư: L­ương thực, thực phẩm, dầu, muối, phèn chua, pin đèn... để chi viện cho các vùng ngập lụt.

14. Công ty Điện lực Bắc Ninh

Chịu trách nhiệm kiểm tra và sửa chữa kịp thời và lập kế hoạch dự phòng thiết bị điện để xử lý những sự cố về điện phục vụ cho công tác PCTT và chống úng. Có kế hoạch tận dụng mọi khả năng và điều kiện để giải quyết và cung cấp điện kịp thời phục vụ cho công tác xử lý sự cố tại hiện trường.

15. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch

Chuẩn bị sẵn sàng lực l­ượng thợ lặn có đủ khí tài và ph­ương tiện để làm nhiệm vụ kiểm tra và xử lý đê, kè, cống khi có sự cố xảy ra.

16. Sở Y tế

Chuẩn bị lực lượng cán bộ y tế, cơ số thuốc để phục vụ việc khám chữa bệnh cho lực lượng tham gia hộ đê và dự phòng cho công tác chống dịch, khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng bị thiên tai.

17. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch di dời cho cán bộ, học sinh tại những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao đến người và tài sản trước các tình huống thiên tai lớn như bão, lũ... tới các vị trí an toàn. Chủ động xây dựng chương trình tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh các cấp.

18. Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên nhận thức đầy đủ công tác PCTT, tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng thanh niên làm nòng cốt cho lực l­ượng hộ đê.

19. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Hội Nông dân tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh;

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh tổ chức tuyên truyền vận động các đoàn thể, nhân dân tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ của các tổ chức tài trợ.

20. Cục Thuế tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh xây dựng kế hoạch thu Quỹ và triển khai, đôn đốc công tác thu quỹ phòng chống thiên tai của các doanh nghiệp do đơn vị quản lý và các Chi cục Thuế cấp huyện và nộp vào tài khoản Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh theo quy định.

Trên đây là phương án phòng tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan trên cơ sở phương án được phê duyệt chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, phương án nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh./.