Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2346/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 11 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CẬP NHẬT, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ “Về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội”;

Căn cứ Quyết định số 162/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1103/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh Phú Yên “Về việc phân cấp, ủy quyền và phân giao nhiệm vụ trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do tỉnh Phú Yên quản lý”;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên: số 3766/QĐ-UB ngày 29 tháng 12 năm 2003 “Về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên giai đoạn 2000-2010”; số 1970/QĐ-UB ngày 21 tháng 7 năm 2004 “Về việc phê duyệt Quy hoạch mạng giao thông khu kinh tế Đông Tác - Vũng Rô”; số 2280/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2005 “Về việc phê duyệt nội dung công việc và dự toán kinh phí cập nhật, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Thông báo số 495/TB-UB ngày 30 tháng 5 năm 2005 của UBND tỉnh Phú Yên “Về việc cho phép cập nhật bổ sung Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo số 1207/BC- KHĐT-TH ngày 07 tháng 8 năm 2007) và Giám đốc Sở Giao thông vận tải (tại Tờ trình số 95/TTr-GTVT ngày 27 tháng 6 năm 2007 và văn bản số 640/GTVT ngày 12 tháng 10 năm 2007),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt cập nhật, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải Phú Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung như sau:

I. TÊN DỰ ÁN

Cập nhật, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

II. CHỦ DỰ ÁN

Sở Giao thông Vận tải Phú Yên.

III. NỘI DUNG CẬP NHẬT, BỔ SUNG QUY HOẠCH

1. Sự cần thiết phải cập nhật, bổ sung Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

- Triển khai Nghị quyết số 39/NP-TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị được thể hiện qua các thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đồng ý cho tỉnh Phú Yên triển khai một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh.

- Xu thế liên kết vùng để khai thác tiềm năng, bổ sung và phát huy thế mạnh của nhau cùng phát triển đã và đang trở thành xu thế phổ biến hiện nay.

- Một số vùng miền núi của tỉnh, vùng ven biển rất nhiều tiềm năng, lợi thế, mạng giao thông phân bổ chưa đều, còn thiếu, chưa nối thông với các vùng khác hoặc với các trục đường chính hiện có nên việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng này để phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng còn rất nhiều hạn chế, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, chưa hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Phân kỳ trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2000-2010 được duyệt không còn phù hợp với thực tế.

- Chế độ chính sách thay đổi, giá cả tăng nhanh, quy mô đầu tư cũng cần thay đổi để phù hợp tốc độ phát triển của tỉnh nhất là phục vụ cho những dự án lớn nói trên.

- Tốc độ đầu tư trên địa bàn phát triển nhanh đòi hỏi khả năng đáp ứng về vận tải hàng hoá, hành khách cũng phải tăng nhanh. Phải hình thành đồng bộ các đầu mối giao thông như hệ thống bến xe, nhà ga, sân bay, điểm đỗ xe,… cũng như vấn đề khai thác có hiệu quả cảng biển và các cảng chuyên dùng.

- Tỉnh Phú Yên đã bổ sung thêm 03 đơn vị hành chính là huyện Phú Hòa, huyện Đông Hòa và huyện Tây Hòa nên cần thiết phải điều chỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng trong đó có giao thông đến trung tâm các thị trấn của các huyện.

- Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 162/QĐ-TTg ngày 15/11/2002, do vậy cần thiết phải bổ sung điều chỉnh lại Quy hoạch Giao thông vận tải của tỉnh Phú Yên cho phù hợp với quy hoạch chung của bộ.

2. Quan điểm và mục tiêu phát triển

2.1. Quan điểm phát triển

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, xác định giao thông vận tải là cơ sở hạ tầng hết sức quan trọng, làm tiền đề thúc đẩy và động lực cho phát triển, tăng trưởng của các ngành kinh tế xã hội khác và xác định giao thông vận tải phải được đi trước một bước.

Trước cơ hội và thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đòi hỏi phải có giải pháp và bước đi thích hợp để đẩy nhanh hơn tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung, lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

2.2. Mục tiêu phát triển

2.2.1. Hoàn thiện cơ bản mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh và trên địa bàn, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Đẩy nhanh việc xây dựng các đầu mối giao thông trọng yếu như: cảng biển, sân bay, nhà ga, hệ thống bến xe,…

a) Về giao thông đường bộ

- Hình thành 03 trục giao thông chạy dọc suốt tỉnh theo hướng Bắc Nam (quốc lộ 1A, trục giao thông phía Tây, trục giao thông phía Đông, trong tương lai sẽ hình thành tiếp trục quốc lộ cao tốc chạy dọc suốt chiều dài tỉnh), nâng cấp các trục ngang theo hướng Đông Tây để tạo mạng lưới liên hoàn làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa nền kinh tế, xã hội, đảm bảo và giữ vững an ninh quốc phòng của tỉnh, phục vụ cho các dự án lớn của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2010 và hướng phát triển đến năm 2020.

- Mở thêm một số tuyến phục vụ khai thác tiềm năng rất có lợi thế về du lịch, kinh tế biển, các tuyến đường lên các vùng núi để kích thích và phát triển các vùng này.

- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành Trung ương đồng thuận sớm cho đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (từ các nguồn trong và ngoài nước hoặc bằng hình thức BOT, BT,…).

- Xây dựng các cầu vượt, nút giao khác mức trong đô thị, các tuyến đường vành đai.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, mạng lưới đường giao thông tuyến huyện, xã theo đúng quy hoạch.

b) Về đường sắt

- Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, ngành Đường sắt sớm đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên, xây dựng đường sắt cao tốc qua Phú Yên.

- Nâng cấp đường sắt, hệ thống ga (chú trọng đầu tư ga Tuy Hòa và ga hàng hoá chính của tỉnh - dự kiến ga Phú Hiệp), hệ thống thông tin tín hiệu để nâng cao hiệu quả khai thác.

- Xây dựng hệ thống đường gom dọc theo đường sắt để tránh giao cắt quá nhiều điểm giữa đường bộ và đường sắt, xây dựng các gác chắn có cảnh báo.

c) Hàng không

- Nâng cấp sân bay Tuy Hòa, phục vụ cho phát triển chung của vùng Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên, tiến tới sẽ nâng cấp thành sân bay quốc tế khi có điều kiện.

- Nâng tần suất bay và mở thêm các đường bay mới từ sân bay Tuy Hòa.

d) Cảng biển, hệ thống bến xe

- Cảng hiện có (tại Bãi Lách):

+ Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô đã được phê duyệt.

+ Đầu tư xây dựng thêm một cầu cảng mới dài 220m, đầu tư thiết bị để tiếp nhận tàu 10.000DWT, nâng công suất lên 2.000.000 tấn/năm vào năm 2020.

- Chuẩn bị các bước để đầu tư xây dựng cảng vận tải tổng hợp tại Bãi Chính.

- Xây dựng các cảng chuyên dùng của các Khu công nghiệp, các dự án của các nhà đầu tư bằng nguồn vốn của các nhà đầu tư (như cảng chuyên dụng Bãi Gốc đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư, cảng biển Bắc Sông Cầu,…) để thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, mở cửa với khu vực và thế giới.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống bến xe trên địa bàn, phân cấp quản lý thích hợp.

2.2.2. Phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình vận tải để đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển chung.

- Phát triển lực lượng vận tải đường bộ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

- Phát huy lợi thế của tỉnh có bờ biển chạy dọc suốt chiều dài, lại nằm giữa khu vực vịnh Vân Phong và khu kinh tế Nhơn Hội - Quy Nhơn, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế phát triển đội tàu vận tải biển nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nói trên cũng như phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Phát triển loại hình vận tải bằng xe buýt tại các đô thị, thị trấn, thị tứ.

3. Nội dung, bổ sung cập nhật

3.1. Đường giao thông a) Dự án mới bổ sung

- Đường Gò Mầm - Đông Mỹ - Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1: đây là tuyến nhánh của ĐT645, nối quốc lộ 1A vào Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 và ĐT645B. Chiều dài tuyến 13km.

- Đường nối Hòa Xuân Tây - ĐT645 (Sơn Thành - huyện Tây Hòa): tuyến dài 37km nối quốc lộ 1A tại xã Hòa Xuân Tây (phía Nam sông Bàn Thạch) thuộc huyện Đông Hòa, điểm cuối nối ĐT645 tại km33 (Sơn Thành, huyện Tây Hòa).

- Đường nối thành phố Tuy Hòa - Tuy An - Sơn Hòa: đây là tuyến đường vành đai phía Tây Bắc của thành phố Tuy Hòa nối với các xã miền núi huyện Tuy An và huyện miền núi Sơn Hòa. Chiều dài tuyến 50km.

- Tuyến từ thành phố Tuy Hòa - Long Thủy - Gành Đá Dĩa - Sông Cầu: đây là một phần của trục phía Đông từ Sông Cầu - Vũng Rô (đoạn từ cầu Hùng Vương đến Vũng Rô, nối quốc lộ 1A tại Đèo Cả hiện nằm trên tuyến giao thông động lực). Tuyến bắt đầu từ Bắc cầu Hùng Vương - nối quốc lộ 1D tại Sông Cầu. Toàn tuyến dài khoảng 106km, hiện nay Bộ Quốc phòng và ngành Du lịch đang đầu tư một số đoạn.

- Tuyến An Thọ - Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa: tuyến đường này cần được đầu tư nâng cấp để phục vụ phát triển khu vực phía Tây Bắc thành phố Tuy Hòa, phía Đông Nam huyện Tuy An và khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế vùng này. Chiều dài tuyến 13km.

- Đường nối ĐT647, ĐT641 huyện Đồng Xuân - Phú Yên với huyện Kongchro của tỉnh Gia Lai: đây là tuyến đường dự kiến mở theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai nhằm khai thác các thế mạnh kinh tế vùng núi phía Tây Bắc tỉnh, tạo thêm cửa ngõ lên Tây Nguyên và Bình Định, đồng thời phục vụ dân sinh của vùng này đang phát triển rất chậm so với các vùng lân cận của hai tỉnh. Chiều dài tuyến: 40km, điểm đầu tại Km30+500 ĐT641 nối điểm cuối ĐT647, điểm cuối tuyến giáp biên giới huyện Kongchro của tỉnh Gia Lai.

- Tuyến Sông Cầu - Đá Giăng - Bình Thạnh: tuyến được xây dựng để phục vụ phát triển kinh tế vùng núi phía Tây Sông Cầu đồng thời phục vụ mở rộng thị trấn Sông Cầu lên thị xã vào giai đoạn 2010-2020. Toàn tuyến dài 18km.

- Tuyến Hòa Kiến - Kênh N1 - huyện Phú Hòa: đây là tuyến nối phía Tây thành phố Tuy Hòa với huyện Phú Hòa, cũng là tuyến vành đai của thành phố. Tuyến đường này cần được sớm xây dựng để phát triển kinh tế, văn hoá, giao lưu của vùng này. Chiều dài tuyến dài 20km.

- Cầu Hòa Định: cầu vượt Sông Ba tại vị trí xã Hòa Định Đông tại Km13 của tuyến quốc lộ 25 (huyện Phú Hòa) nối với Phú Thứ tại Km10 của tuyến ĐT645 (huyện Tây Hòa).

- Xây dựng các nút giao cắt lập thể, cầu vượt: trong giai đoạn từ 2010 đến 2020 đầu tư xây dựng các cầu vượt đầu mối vào trung tâm thành phố Tuy Hòa và các điểm giao cắt khác.

b) Dự án chuyển tiếp (phần quy hoạch đã được duyệt)

- Trục giao thông phía Tây tỉnh: đầu tư hoàn thành phần đường toàn tuyến nối Bình Định - Phú Yên và ĐắkLắk. Tổng chiều dài trên địa bàn Phú Yên: 115km.

- Tuyến giao thông động lực (trên trục giao thông phía Đông của tỉnh):

+ Cầu Hùng Vương.

+ Đường Nam cầu Hùng Vương đi cầu Đà Nông.

+ Đường Phước Tân - Bãi Ngà.

+ Đường nối quốc lộ 1A tại Phú Khê - ĐT645B.

- Đường Ba Bản–Phú Hiệp: tuyến nối quốc lộ 1A với ĐT645B (tuyến động lực), ga đường sắt Phú Hiệp, ga hàng hóa chính của tỉnh, dự kiến là đầu mối đường sắt lên Tây Nguyên, nối với các Khu công nghiệp tập trung Hòa Hiệp. Chiều dài tuyến 5,4km.

- Đường Phú Khê - Phước Tân: tuyến nối ĐT645B vào quốc lộ 1A, phục vụ cho các Khu công nghiệp Hòa Hiệp và khai thác vùng phía Nam sông Bàn Thạch, phục vụ dân sinh vùng này và công nghiệp lọc hóa dầu tại Vũng Rô. Chiều dài tuyến 9km.

- Đường nối ngã ba Ba Bản - Phú Hiệp - ĐT645B: các tuyến tỉnh lộ (không nằm trong trục giao thông phía Tây tỉnh):

+ Giai đoạn đến năm 2010: đầu tư từng phần các tuyến ĐT641, ĐT642, ĐT643, ĐT644, ĐT646, ĐT645 (mở rộng đoạn qua thị trấn Hai Riêng) ĐT647, ĐT648, ĐT650. Giải quyết cơ bản nền đường, hệ thống thoát nước và giải quyết mặt đường ưu tiên những đoạn qua dân cư và đèo dốc trước.

Phấn đấu đến năm 2010 giải quyết từ (75÷80)% mặt đường bê tông nhựa, vĩnh cữu và vượt lũ công trình thoát nước ngang.

+ Đến giai đoạn 2020: đầu tư hoàn chỉnh theo đúng cấp đường quy hoạch.

c) Đường huyện, thành phố, giao thông nông thôn

- Đường huyện:

+ Đến năm 2010:

* Hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới đường huyện.

* Đầu tư nhựa hóa (30÷50)% tổng số đường huyện, ngoại ô thành phố.

* Vĩnh cửu hóa 70% hệ thống công trình thoát nước.

+ Đến năm 2020:

Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường huyện, nhựa hoá 100% mặt đường, vĩnh cữu hoá toàn bộ các công trình trên tuyến.

- Đường giao thông nông thôn: mỗi năm một xã làm 1km đường nhựa hoặc bê tông xi măng.

- Đường đô thị, thị trấn:

+ Đến năm 2010, nhựa hóa toàn bộ các tuyến đường trong nội thị, nhất là thành phố Tuy Hòa, các thị trấn thị tứ, chú trọng xây dựng các tuyến đường giao thông cho các huyện mới chia tách.

+ Đến năm 2020, hoàn chỉnh và nâng cấp mạng đường giao thông nội đô, các tuyến vành đai, xây dựng một số nút giao lập thể, cầu vượt.

3.2. Kết cấu hạ tầng giao thông khác a) Cảng biển

- Cảng tổng hợp Bãi Chính -Vũng Rô: giữ nguyên quy mô đầu tư như quy hoạch đã được duyệt tại Quyết định số 3766/QĐ-UB ngày 29 tháng 12 năm 2003 của UBND tỉnh Phú Yên chỉ điều chỉnh mặt bằng giá đầu tư.

- Cảng vận tải tại Bãi Lách (cảng hiện có):

+ Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô đã được phê duyệt cho tàu có trọng tải 3.000 DWT.

+ Đầu tư xây dựng thêm một cầu cảng mới dài 220m, nối vào cầu cảng hiện có tạo thành chữ T để tiếp nhận tàu 10.000DWT để nâng công suất lên 2.000.000 tấn/năm vào năm 2020.

- Cảng chuyên dụng Bãi Gốc, xã Hòa Tâm có thể tiếp nhận tàu đến 250.000DWT phục vụ cho Khu công nghiệp hoá dầu Hòa Tâm đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

- Cảng biển Bắc Sông Cầu phục vụ cho Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu cho phép tiếp nhận tàu 50.000DWT, hiện nay đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư.

b) Hệ thống bến xe

Theo quy hoạch dự kiến, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 27 bến xe, 4 bãi đỗ xe, 1 trạm dừng xe và 24 điểm dừng xe đón trả khách.

c) Khu dịch vụ tổng hợp giao thông vận tải

Trong khu này dự kiến sẽ đầu tư xây dựng để thành lập khu sát hạch lái xe tập trung, kiểm định phương tiện vận tải, khu sửa chữa, bảo dưỡng, khu ăn nghỉ cho xe đường dài, khu đỗ xe.

3.3. Phát triển vận tải a) Về vận tải đường bộ

- Chú trọng nâng cao chất lượng phương tiện vận tải, đáp ứng yêu cầu quy định của Bộ Giao thông vận tải khi tham gia vận tải công cộng, thanh lý dần các phương tiện không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

- Phát triển luồng tuyến và địa bàn vận chuyển, chú trọng các tuyến phục vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa, các vùng có quy hoạch xây dựng các dự án quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh.

- Phát triển loại hình vận tải bằng xe buýt tại thành phố Tuy Hòa và các trung tâm đô thị khác kể từ năm 2010.

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống bến xe, điểm đỗ, trạm dừng, điểm dừng hợp lý theo quy hoạch.

b) Vận tải bằng đường biển

- Xây dựng cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế tham gia phát triển đội tàu vận tải biển. Phấn đấu đến năm 2020 có đội tàu vận tải biển với tổng trọng tải từ 15.000-20.000DWT.

- Khai thác tốt cảng Bãi Lách, giai đoạn đến năm 2010, lượng hàng thông qua cảng đạt 500.000T. Đến năm 2020, cảng Bãi Lách và cảng vận tải tổng hợp tại Bãi

Chính công suất đạt (2.000.000÷2.500.000) tấn hàng thông qua cảng (chưa tính cảng chuyên dùng tại Bãi Gốc của Nhà đầu tư SPC đã được Chính phủ đưa vào hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng chuyên dùng của Nhà máy lọc dầu và cảng biển Bắc Sông Cầu).

c) Vận tải bằng đường sắt

Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam:

- Xây dựng, cải tạo nâng cấp đường, hệ thống thông tin tín hiệu, nhà ga, trong đó có ga chính Tuy Hòa và ga hàng hóa chính tại Phú Hiệp để nâng năng lực khai thác đường sắt qua tỉnh.

- Đẩy nhanh việc quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên.

- Xây dựng đường sắt cao tốc qua Phú Yên.

d) Vận tải bằng đường hàng không

Đến năm 2010, kiến nghị Chính phủ, Tổng Công ty Hàng không Dân dụng Việt Nam đầu tư nâng cấp sân bay Tuy Hòa thành sân bay dân dụng có thể tiếp nhận máy bay có sức chở lớn để phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch khu vực Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên, khách đi máy bay giá rẻ đối với các nước trong khu vực và thế giới, nâng quy mô của sân bay Tuy Hòa lên thành sân bay quốc tế khi có đủ điều kiện.

4. Khối lượng đầu tư, kinh phí

4.1. Phần bổ sung quy hoạch

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Dự án

Khối lượng

Kinh phí

 

TỔNG SỐ

 

1.748.000

I.

Phần đường giao thông

 

1.728.000

1.

Tuyến Gò Mầm - Đông Mỹ - KCN Hòa Hiệp 1 - ĐT645B

13 km

70.000

 

- Gò Mầm - Đông Mỹ

8,4 km

24.000

 

- Đông Mỹ - KCN Hòa Hiệp 1 - ĐT645B

4,6 km

46.000

2.

Tuyến Hòa Xuân - Sơn Thành

37 km

185.000

3.

Tuyến nối TP Tuy Hòa - Tuy An - Sơn Hòa

50 km

150.000

4.

Tuyến TP Tuy Hòa - gành Đá Đĩa - Sông Cầu (có 40km trùng quốc lộ1A,1D)

106 km

610.000

 

- Đường, công trình vừa, nhỏ

66 km

530.000

 

- Cầu An Hải

180 m

30.000

 

- Cầu Tiên Châu

300 m

50.000

5.

Tuyến Bình Kiến, TP Tuy Hòa - An Thọ

13 km

39.000

6.

Tuyến nối ĐT641, ĐT647 - Gia Lai

40 km

280.000

7.

Tuyến Sông Cầu - Đá Giăng - Bình Thạnh

18 km

54.000

8.

Tuyến Hòa Kiến - Kênh N1 - Phú Hòa

20 km

60.000

9.

Cầu Hòa Định (nối Hòa Định - Phú Thứ)

400m

80.000

10.

Các cầu vượt và nút giao lập thể

2 cầu vượt, 3-5 nút giao

200.000

II.

Khu dịch vụ tổng hợp giao thông vận tải

30 ha

20.000

4.2. Cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Dự án

Khối lượng

Kinh phí

 

TỔNG SỐ

 

4.694.000

I.

Đường giao thông

 

3.699.000

1.

Đường tỉnh

 

2.099.000

1.1.

- Trục giao thông phía Tây tỉnh

118 km

550.000

 

- Đường và cầu cống nhỏ

117 km

440.000

 

- Cầu La Hai

400 m

70.000

 

- Cầu Sông Ba

400 m

40.000

1.2.

Tuyến động lực

38 km

840.000

 

- Cầu Hùng Vương + đường dẫn

2,030 km

340.000

 

- Nam cầu Hùng Vương - KCN Hòa Hiệp 1

8,05 km

170.000

 

- KCN Hòa Hiệp 1 - cầu Đà Nông

7 km

150.000

 

- Cầu Đà Nông (2 giai đoạn)

3,9 km

59.000

 

- Đường Phước Tân - Bãi Ngà

13 km

106.000

 

- Bãi Ngà - quốc lộ 1A

3,7 km

15.000

1.3.

Tuyến Ba Bản - Phú Hiệp - ĐT645B

5,4 km

36.000

1.4.

Tuyến Phú Khê - Phước Tân

9 km

50.000

1.5.

Các tuyến tỉnh lộ (phần không nằm trong trục giao thông phía Tây)

 

623.000

2.

Đường huyện, thành phố

726 km

900.000

3.

Đường giao thông nông thôn

1.042 km

700.000

II.

Hệ thống bến xe, trạm dừng

27 bến, 4 bãi đỗ, 1 trạm dừng, 24 điểm dừng

60.000

III.

Cảng biển

 

715.000

1.

Nâng cấp cảng Bãi Lách cho tàu từ 3.000 DWT lên 10.000 DWT

 

300.000

2.

Cảng vận tải tổng hợp Bãi Chính

 

415.000

3.

Cảng chuyên dụng Bãi Gốc

Đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư

 

4.

Cảng biển Bắc Sông Cầu (cảng chuyên dụng)

Đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư

 

IV.

Phát triển đội tàu

 

220.000

 

TỔNG HỢP KINH PHÍ ĐẦU TƯ

CHO GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2000 ĐẾN NĂM 2020

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Dự án

Kinh phí

 

TỔNG SỐ

6.442.000

I.

Phần đường giao thông

5.427.000

1.

Đường tỉnh

3.827.000

2.

Đường thành phố, huyện

900.000

3.

Đường giao thông nông thôn

700.000

II.

Hệ thống bến xe, trạm dừng

60.000

III.

Cảng biển

715.000

IV.

Phát triển đội tàu

220.000

V.

Khu dịch vụ tổng hợp giao thông vận tải

20.000

5. Phân kỳ đầu tư

Tổng vốn đầu tư giai đoạn từ 2000-2010 và 2020: 6.442 tỷ đồng.

Trong đó:

- Giai đoạn từ 2000-2005: 652 tỷ đồng. Bình quân: 130,4 tỷ đồng/năm.

- Giai đoạn từ 2006-2010: 1.946 tỷ đồng. Bình quân: 389,2 tỷ đồng/năm.

- Giai đoạn từ 2010–2020: 3.844 tỷ đồng. Bình quân: 384,4 tỷ đồng/năm.

6. Nguồn vốn đầu tư

- Vốn ngân sách: đây là nguồn vốn đầu tư quan trọng. Tỉnh cần dành một tỷ lệ vốn đầu tư đúng mức để đầu tư mang tính kích thích các nguồn đầu tư khác, đầu tư chủ yếu đường huyện, thành phố, hỗ trợ giao thông nông thôn. Những dự án không thể sử dụng các nguồn đầu tư khác mới tính đến việc sử dụng ngân sách để đầu tư.

- Vốn khai thác quỹ đất: đây là nguồn đầu tư hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng nhằm để đầu tư các trục giao thông mang tính động lực thúc đẩy và kích thích tăng trưởng kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh.

- Vốn Trái phiếu Chính phủ:đây là nguồn đầu tư hết sức quan trọng của Chính phủ. Tỉnh cần tập trung xin Chính phủ cho sử dụng nguồn này càng nhiều càng tốt.

- Vốn đầu tư nước ngoài: nguồn vốn này bao gồm vốn viện trợ chính thức ODA (ADB, WB, JBIC), viện trợ có mục tiêu hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi của các nước và các tổ chức tài chính quốc tế, vốn tư nhân nước ngoài, vốn tổ chức phi Chính phủ.

Đây là nguồn vốn quan trọng và rất có ý nghĩa đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Phú Yên. Tỉnh cần tập trung để thu hút càng nhiều càng tốt nguồn vốn đầu tư hết sức quan trọng này.

- Vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp: tạo cơ chế thích hợp và thuận lợi để các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong tỉnh, trong nước, kể cả nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BT, BOT,… Những doanh nghiệp đặc thù sử dụng đường giao thông cần có nghĩa vụ phải đóng góp để xây dựng đường giao thông.

- Vốn huy động trong dân: đây là nguồn vốn rất lớn còn nằm trong xã hội cần được huy động để xã hội hoá công tác làm đường giao thông.

- Nguồn vốn từ các tổ chức phi Chính phủ: đây là nguồn vốn không lớn lắm, chủ yếu dùng vào mục đích nhân đạo, vì vậy việc thu hút nguồn vốn này nên ưu tiên cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng dân tộc ít người, vùng căn cứ cách mạng cũ, cải tạo các công trình giao thông quy mô nhỏ, không yêu cầu kỹ thuật cao.

7. Cơ cấu nguồn vốn

Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và tỉnh Phú Yên, định hướng phát triển giao thông vận tải của cả nước, khu vực và tỉnh đến năm 2010 và2020, dự kiến khả năng huy động từ các nguồn để đầu tư cho giao thông. Qua thực tế đã thực hiện từ 2000-2005, dự kiến phân bổ cơ cấu nguồn vốn đầu tư phát triển cho giao thông vận tải tỉnh Phú Yên giai đoạn từ 2000-2010 và 2020 như sau:

Đơn vị tính: tỷ đồng

Nguồn vốn

Vốn đầu tư

Chiếm tỷ lệ %

TỔNG SỐ

6.442

100

1. Vốn ngân sách

1.859

28,9

2. Vốn từ quỹ đất

1.030

15,99

3. Vốn Trái phiếu Chính phủ

1.080

16,76

4. Vốn ODA, JBIC

1.230

19,10

5. Vốn đóng góp của dân

390

6,05

6. Vốn của các doanh nghiệp và các ngành khác

853

13,20

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, Sở Giao thông vận tải tiến hành việc cập nhật thường xuyên. Nếu có những bất cập phát sinh thì có đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thương mại và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi