Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2357/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi, ranh giới điều chỉnh quy hoạch:

Bao gồm 6 quận nội thành và hai huyện Hòa Vang, Hoàng Sa với tổng diện tích 128.543 ha (trong đó diện tích phần đất liền là 98.043 ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500 ha). Ranh giới được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam.

- Phía Đông giáp Biển Đông.

2. Tính chất:

- Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

- Là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

- Là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế.

- Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

3. Mục tiêu phát triển:

- Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên.

- Phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện và bền vững đảm bảo an ninh quốc phòng.

4. Tầm nhìn 2050

Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

5. Quy mô dân số

- Hiện trạng dân số năm 2012 khoảng 967.800 người, trong đó dân số đô thị khoảng 822.630 người.

- Dự báo đến năm 2020 dân số thành phố Đà Nẵng khoảng 1,6 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 1,3 triệu người.

- Dự báo đến năm 2030 dân số thành phố Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu người (bao gồm dân số tạm trú và dân số quy đổi lượng khách du lịch ước tính năm 2030), trong đó dân số đô thị khoảng 2,3 triệu người.

6. Quy mô đất đai:

- Đến năm 2020: Đất xây dựng đô thị khoảng 20.010 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 8.659 ha.

- Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 37.500 ha, trong đó đất dân dụng là 15.500 ha.

7. Mô hình phát triển không gian đô thị:

Kế thừa mô hình phát triển không gian của quy hoạch chung được duyệt năm 2002 theo các chuỗi khu đô thị tập trung dọc theo các trục giao thông chính gắn kết với cấu trúc khung thiên nhiên của đô thị.

8. Định hướng phát triển không gian

a) Phân vùng phát triển

- Khu vực đô thị cũ: Có diện tích khoảng 3.264 ha; bao gồm các phường: Vĩnh Trung, Thạc Gián, Tân Chính, Chính Gián, Hòa Khê cùng các phường Hải Châu I, Hải Châu II, Thạch Thang, Thanh Bình, Thuận Phước, Bình Thuận, Hoà Thuận, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Hoà Cường và phường Khuê Trung (thuộc quận Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ).

- Khu ven biển Tây Bắc: Có diện tích khoảng 3.647 ha; bao gồm các phường: An Khê, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà, Tam Thuận, cùng các phường Hòa Minh, một phần phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, và Hòa Hiệp Nam (thuộc quận Thanh Khê, Liên Chiểu).

- Khu ven biển phía Đông: Có diện tích khoảng 3.331 ha; bao gồm các phường: An Hải Bắc, An Hải Đông, An Hải Tây, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, Thọ Quang, cùng các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải (thuộc quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn).

- Khu vực phía Tây: Có diện tích khoảng 13.606 ha; bao gồm các phường: Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (thuộc quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu), cùng một phần các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên và xã Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang.

- Khu vực bán đảo Sơn Trà: Có diện tích khoảng 4.439 ha; thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

- Khu vực phía Nam: Có diện tích khoảng 9.075 ha; bao gồm các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước huyện Hòa Vang và phường Hòa Quý, Hòa Xuân thuộc quận Ngũ Hành Sơn.

- Khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa: Có diện tích khoảng 91.181 ha, bao gồm đất lâm nghiệp (rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn), rừng bảo tồn tự nhiên và hải đảo.

b) Định hướng phát triển không gian đô thị:

- Khu vực đô thị cũ: Là trung tâm lịch sử truyền thống, tập trung chủ yếu các cơ quan ban ngành và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục của thành phố Đà Nẵng; các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung.

Xây dựng, cải tạo khu trung tâm đô thị tập trung theo hướng phát huy vai trò, vị trí, chức năng là trung tâm giao lưu của Đà Nẵng về thương mại dịch vụ, văn hóa du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo... Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 466.000 người, đến năm 2030 khoảng 543.980 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 2.800 ha, đến năm 2030 khoảng 3.264 ha.

- Khu ven biển Tây Bắc: Phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển, phát triển các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung mật độ trung bình. Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 149.700 người, đến năm 2030 khoảng 280.000 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 1.946 ha, năm 2030 khoảng 3.647 ha.

- Khu ven biển phía Đông: Có vị trí thuận lợi về phát triển kinh tế và du lịch, nghỉ dưỡng; giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố, là đầu mối giao thông quan trọng về vận tải; phát triển các lĩnh vực bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo. Khu vực ven biển Đông từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí; trục Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến Trần Đại Nghĩa phát triển các văn phòng cho thuê. Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 104.500 người, năm 2030 khoảng 195.930 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 1.770 ha, năm 2030 khoảng 3.331 ha.

- Khu vực phía Tây: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 315.200 người, đến năm 2030 khoảng 680.300 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 6.305 ha, năm 2030 khoảng 13.606 ha.

- Khu vực bán đảo Sơn Trà: Là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên tại các khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà.

- Khu vực phía Nam: Hình thành và phát triển đô thị gắn với bảo tồn, lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa, hình thành các khu đô thị du lịch sinh thái, các khu nhà vườn, nhà cổ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên mang nét làng quê truyền thống. Đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo và thể dục thể thao cấp quốc gia. Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 342.670 người, đến năm 2030 khoảng 797.050 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 4.843 ha, đến năm 2030 khoảng 9.076 ha.

- Khu vực đồi núi phía Tây và huyện Hoàng Sa: Là khu vực có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Khu vực đồi núi phía Tây có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết các dòng chảy, bảo vệ các công trình hồ chứa nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn. Đây là khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Huyện đảo Hoàng Sa là khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế biển và quốc phòng an ninh quốc gia.

c) Định hướng phát triển hệ thống các trung tâm chuyên ngành:

- Trung tâm hành chính - chính trị của thành phố có diện tích khoảng 20 ha bố trí tại các trục đường Trần Phú, Bạch Đằng, Quang Trung, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Lê Hồng Phong. Trung tâm hành chính - chính trị của các quận, huyện có diện tích khoảng 128 ha.

- Trung tâm văn hóa tổng diện tích khoảng 550 ha. Trung tâm văn hóa cấp vùng bố trí tại phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Trung tâm văn hóa cấp thành phố ở quận Cẩm Lệ, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn và các trung tâm văn hóa cấp quận, huyện.

- Trung tâm y tế tổng diện tích khoảng 231 ha. Trung tâm y tế cấp vùng, quốc gia bố trí ở khu đô thị cũ thuộc quận Hải Châu; Trung tâm y tế đa khoa và các trung tâm y tế chuyên khoa cấp thành phố bố trí tại quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn; Trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa và y tế dự phòng của các quận, huyện bố trí theo các khu đô thị có bán kính phục vụ phù hợp.

- Trung tâm giáo dục - đào tạo tổng diện tích khoảng 1.996 ha. Các trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng, quốc gia và quốc tế bố trí tại khu vực làng đại học mới tại Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn. Các cơ sở đào tạo đại học, đào tạo nghề được bố trí tại các vùng đô thị truyền thống và phân tán.

- Trung tâm thể dục - thể thao tổng diện tích khoảng 491 ha. Các trung tâm thể dục - thể thao cấp vùng, cấp quốc gia bố trí tại phía Bắc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn; Các trung tâm thể dục - thể thao hiện có tại các điểm dân cư trên địa bàn thành phố được cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa.

- Trung tâm nghiên cứu khoa học có diện tích khoảng 145 ha, bố trí tại quận Hải Châu, huyện Hòa Vang.

- Trung tâm công nghệ - bưu chính viễn thông có Diện tích khoảng 4 ha, bố trí tại phường Hòa Cường (quận Hải Châu), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).

- Trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng: Diện tích khoảng 130 ha; đầu tư phát triển mới các trung tâm thương mại, siêu thị tại các khu trung tâm, khu đô thị, xây dựng trung tâm thương mại phức hợp cấp quốc tế tại sân vận động Chi Lăng (quận Hải Châu); khu phức hợp thương mại, văn phòng tại đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà). Xây dựng khu trung tâm thương mại tài chính ngân hàng tại các trục đường Nguyễn Văn Linh, khu vực trung tâm phố cũ Hùng Vương, Lê Duẩn... (quận Hải Châu), Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà). Nâng cấp trung tâm thương mại chợ Hàn, chợ Cồn. Bố trí quỹ đất và đầu tư phát triển hệ thống tổng kho bãi logistics, kho dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa nội địa.

- Trung tâm dịch vụ du lịch có tổng diện tích khoảng 3.700 ha, gồm có: Dịch vụ du lịch biển (các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch) bố trí từ khu vực bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam, phát triển khu vực du lịch biển Xuân Thiều - mỏm Nam Ô - sông Trường Định - đèo Hải Vân; Du lịch sinh thái sông, hồ bố trí dọc các sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cu Đê, hồ Đồng Nghệ. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên núi bố trí tại quần thể khu du lịch Bà Nà, Suối Mơ; phía nam đèo Hải Vân, khu du lịch Làng Vân. Du lịch di tích lịch sử tập trung ở khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu di tích K20, bảo tàng cổ Viện Chàm, khu di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, khu di tích thành Điện Hải...

Định hướng phát triển các sân golf: Thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam.

d) Định hướng phát triển không gian các khu dân cư đô thị:

- Các khu ở đô thị chỉnh trang và phát triển hỗn hợp: Diện tích khoảng 7.250 ha; tập trung chủ yếu ở 6 quận nội thành: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, một phần tại các khu dân cư trung tâm các đô thị ngoại thành thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Châu.

+ Các khu ở đô thị tập trung mật độ cao: Tập trung chủ yếu tại 2 khu đô thị Hải Châu, Thanh Khê; đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị, kết hợp với xây dựng thêm các khu chung cư cao tầng theo hướng phát triển đô thị nén.

+ Các khu ở nhà vườn mật độ thấp: Phân bố tại vùng ven của trung tâm các khu đô thị, bao gồm các khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Hòa Quý, khu đô thị sinh thái Golden Hill và các khu đô thị sinh thái dọc theo các con sông.

+ Từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời chuyển đổi chức năng những khu đất này thành đất phục vụ phát triển đô thị.

đ) Định hướng phát triển không gian các khu dân cư nông thôn:

- Khu ở nông thôn có diện tích khoảng 2.600 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Hòa Vang, bao gồm các làng nghề truyền thống cải tạo chỉnh trang, các làng nghề mới mở rộng, gắn liền với các trục giao thông thủy - bộ, các khu nhà vườn gắn kết với các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái.

- Liên kết giữa vùng đô thị và nông thôn: Các điểm dân cư trung tâm xã khu vực nông thôn được xây dựng, cải tạo đảm bảo yêu cầu tập trung dân cư cao, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối với các khu vực đô thị.

e) Định hướng không gian cây xanh cảnh quan, công viên chuyên đề và không gian mở có quy mô diện tích khoảng 1.750 ha; bao gồm:

- Các công viên, vườn hoa hiện hữu; các không gian xanh ven biển.

- Xây dựng công viên Châu Á tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm, công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn.

- Xây dựng công viên Đại Dương tại khu vực Nam bán đảo Sơn Trà, công viên Bách thảo - Bách thú tại Hòa Vang...

- Các vườn hoa trong các khu đô thị và các khu dân cư.

- Các không gian xanh mở bao gồm những khu vườn, công viên, cây xanh trên các trục đường chính trong đô thị, dọc theo bờ biển, bờ sông...

- Hình thành không gian mở tại các khu vực hồ, đầm lớn...

g) Định hướng không gian phát triển công nghiệp:

Các khu công nghiệp tập trung gồm các khu: Khu công nghiệp Liên Chiểu (370 ha); Khu công nghiệp Hòa Khánh (423,5 ha) Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng với diện tích (124 ha); Khu công nghiệp Hoà Cầm (136,7 ha) Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (77,3 ha); Cụm công nghiệp Thanh Vinh (17,23 ha).

- Phát triển các ngành công nghiệp sạch, có kỹ thuật cao để không ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch và môi trường khu vực.

- Bố trí các cụm tiểu thủ công nghiệp tại vị trí phù hợp trong khu vực các quận và đô thị thuộc huyện.

h) Định hướng đầu mối hạ tầng kỹ thuật:

- Cảng hàng không: Nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng, từng bước chuyển thành, sân bay dân dụng thuần túy.

- Ga đường sắt: Tiếp tục định hướng xây dựng ga đường sắt mới nhằm chuyển hệ thống đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch đường sắt Việt Nam. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực ga đường sắt cũ thành đất phục vụ phát triển đô thị.

- Hệ thống cảng tổng hợp, cảng du lịch: Phát triển cảng Liên Chiểu, nâng cấp cảng Tiên Sa; chuyển đổi công năng cảng sông Hàn thành cảng phục vụ du lịch.

- Các nhà máy cấp nước - điện, các khu xử lý rác thải, trạm xử lý nước thải, các khu nghĩa trang: Bố trí đồng bộ và hiện đại phù hợp với bán kính phục vụ của các khu đô thị.

9. Định hướng thiết kế đô thị

a) Phân vùng kiến trúc cảnh quan, gồm:

- Khu vực đô thị cũ: Khu phát triển hỗn hợp có mật độ xây dựng cao. Phát triển các khối nhà cao tầng đa chức năng dọc các trục đường chính đô thị tăng diện tích cây xanh, không gian công cộng.

- Khu vực ven biển Tây Bắc (vịnh Đà Nẵng): Kiểm soát không gian cảnh quan dọc tuyến ven biển; phát triển khu đô thị mật độ xây dựng thấp, tầng cao trung bình;

- Khu ven biển Đông: Kiểm soát không gian dọc tuyến ven biển đối với các khu đô thị và du lịch theo hướng ưu tiên phát triển cao tầng, giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất.

- Khu vực phía Tây: Kiểm soát không gian khu công nghiệp, khu đô thị theo hướng đô thị sinh thái mật độ thấp, nhà thấp tầng đảm bảo phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

- Khu vực bán đảo Sơn Trà: Kiểm soát và duy trì cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn hệ sinh thái, tuân thủ các quy định của luật bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

- Khu vực phía Nam: Kiểm soát không gian kiến trúc làng truyền thống, cảnh quan hạ lưu sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê với mật độ xây dựng, tầng cao thấp.

- Khu đồi núi phía Tây và huyện Hoàng Sa: Kiểm soát và bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên.

b) Các trục không gian chính của đô thị theo các tuyến giao thông Đông - Tây, Bắc - Nam: Từ trục quốc lộ 1A (Liên Chiểu - Ngã Ba Huế), Điện Biên Phủ, đường Lê Duẩn qua cầu sông Hàn tới khu du lịch ven biển; Trục Cách mạng tháng Tám, Mùng 2 tháng 9, qua cầu Tuyên Sơn ra biển; Trục Ngũ Hành Sơn, Ngô Quyền ra Cảng Tiên Sa. Trục ven biển Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa - Trường Sa; Trục Võ Chí Công, đi Ngũ Hành Sơn - Đại học Đà Nẵng; Trục phía Đông sân bay, Lê Độ tới vịnh Đà Nẵng; Trạc Phạm Hùng (khu vực Miếu Bông) ra quốc lộ 1A; Trục Hoàng Văn Thái đi Bà Nà.

c) Trục cảnh quan: Trục ven biển Hoàng Sa - Trường Sa từ bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam; Trục ven biển Nguyễn Tất Thành; trục ven sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò, sông Cu Đê...

d) Các công trình điểm nhấn và cửa ngõ:

- Các công trình điểm nhấn bố trí tại các khu vực ven biển Đông, khu đô thị cũ dọc các trục đường chính, dọc sông Hàn.

- Các khu vực cửa ngõ: Khu vực các nút giao thông quốc lộ 1 với đường Nguyễn Tất Thành nối dài; đường Trần Đại Nghĩa (đi Hội An) với đường Vành đai phía Nam; quốc lộ 1 (đi Tam Kỳ) với đường Vành đai phía Nam và khu vực nút giao thông giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với ranh giới tỉnh Quảng Nam.

10. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật

a) Chuẩn bị kỹ thuật

- San nền: Đối với khu vực ven sông: Cho phép ngập lụt với tần suất p=10% nhằm đảm bảo thoát lũ an toàn và giảm khối lượng san nền. Đối với khu vực trung tâm thành phố: San nền cục bộ cho từng công trình; cao độ xây dựng tối thiểu đối với khu vực đô thị cũ. Cao độ xây dựng tối thiểu tại các khu đô thị thuộc các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang bằng cao trình mực nước ứng với tần suất 5%. Độ dốc nền quy hoạch từ 0,1% đến 0,2%. Cao độ tối thiểu tại các khu vực nội thành như sau:

+ Khu đô thị cũ thuộc quận Thanh Khê và Hải Châu: +2.15 m (đối với khu vực ven biển); +2.00 m (đối với khu vực ven sông Hàn).

+ Quận Cẩm Lệ: +3.50 m (đối với khu vực ven sông Hàn).

+ Quận Liên Chiểu: +2.19 m (đối với khu vực ven biển); +3.50 m (đối với khu vực ven sông Cu Đê).

+ Quận Sơn Trà: +3.00 m (đối với khu vực ven biển); +2.00 m (đối với khu vực ven sông Hàn).

+ Quận Ngũ Hành Sơn: +3.00 m (đối với khu vực ven biển); +3.00 m (đối với khu vực ven sông).

+ Khu vực Hòa Xuân: +3.50 m.

- Thoát nước mưa:

+ Đảm bảo tiêu chuẩn mật độ cống thoát nước đối với đô thị là 100 ÷ 140 m/ha.

+ Đối với các đô thị cũ: Cải tạo hệ thống cống đã có, xây dựng bổ sung hệ thống cống thoát mới những khu vực thiếu hay chưa có, xây dựng mới hệ thống cống bao thu gom nước với giếng tách nước mưa khi có mưa tại các khu vực ven sông, ven biển.

+ Đối với các khu đô thị mới, khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung, khu du lịch sinh thái xây dựng hệ thống thoát nước độc lập, hoàn chỉnh và kết nối được với hệ thống thoát nước chung của toàn thành phố.

b) Giao thông

- Giao thông đối ngoại:

+ Đường bộ: Tiếp tục nâng cấp quốc lộ 1A (đoạn từ Quảng Nam đến Đà Nẵng), mở rộng tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân (giai đoạn 2), nâng cấp đường quốc lộ 14G đi Tây Giang (Quảng Nam). Từng bước chuyển quốc lộ 1A thành đường phố chính đô thị (đoạn từ cầu Nam Ô đến cầu vượt Hòa Cầm).

+ Đường sắt: Không nâng cấp ga kỹ thuật tàu hàng hóa Kim Liên. Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm Thành phố, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch đường sắt Việt Nam.

+ Đường hàng không: Nâng cấp sân bay Đà Nẵng, từng bước đến năm 2020. Lượng hành khách tiếp nhận: 6.000.000 lượt hành khách/năm; lượng hàng hóa tiếp nhận: 200.000 tấn/năm; lượng hành khách giờ cao điểm: 3.000 hành khách/giờ cao điểm; đến năm 2030 mở rộng Ga hàng không quốc tế về phía Nam, đáp ứng cho 10-15 triệu khách/năm.

+ Đường thủy: Di chuyển cảng xăng dầu Mỹ Khê sang phía vịnh Đà Nẵng; xây dựng mới cảng Liên Chiểu; nâng cấp, mở rộng khu hậu cần cảng Tiên Sa với quy mô 5,5 triệu tấn/năm và 300.000 lượt khách/năm. Giao thông thủy nội địa: Xây dựng 7 bến thuyền tại các khu du lịch ven bán đảo Sơn Trà, 3 bến tại các bãi biển như: Phạm Văn Đồng, T20, Non Nước và 10 bến du thuyền dọc sông Hàn. Phối hợp với tỉnh Quảng Nam khơi thông nhánh sông Cổ Cò nhằm phục vụ du lịch đường thủy từ Đà Nẵng đi Hội An.

- Giao thông đối nội:

Xây dựng mới: Đường Vành đai phía Nam; đường Vành đai phía Tây (bắt đầu từ đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quốc đến đường Hồ Chí Minh); đường ven biển, ven sông: Xây dựng tuyến đường ven sông phía bắc sông Cu Đê và phía nam sông cầu Đỏ tạo thành các trục đường chính nối các khu đô thị ven sông; xây dựng đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà, đường Trục 1, 2 Tây Bắc, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vào khu du lịch Làng Vân...

- Hệ thống giao thông công cộng: Bao gồm 15 tuyến hành lang xe buýt, 8 tuyến hành lang BRT, 3 tuyến metro kết nối hầu hết với các khu du lịch lớn như: Bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà, Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An... đồng thời kết nối với Làng Đại Học, các khu công nghiệp và trung tâm thành phố.

- Bến bãi đỗ xe ô tô: Bao gồm 43 bãi đỗ xe tĩnh; bến xe ô tô liên tỉnh bố trí ở phía Bắc và phía Nam thành phố; các bến xe tải bố trí tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hoà Vang.

c) Cấp nước

- Chỉ tiêu cấp nước:

+ Tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt đô thị và sản xuất đến năm 2020 khoảng 420.000 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 680.000 m3/ngày.

+ Tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt dân cư nông thôn đến năm 2020 khoảng 120.000 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 150.000 m3/ngày.

- Các công trình đầu mối:

+ Giai đoạn 2020: Tổng công suất cấp nước 530.000 m3/ngày, bao gồm các nhà máy nước: cầu Đỏ, 170.000 m3/ngày; Sân Bay, 30.000 m3/ngày; Sơn Trà, 5.000 m3/ngày; Hải Vân, 5.000 m3/ngày; cầu Đỏ 2, xây mới với công suất ban đầu 80.000 m3/ngày; Hòa Liên, xây mới với công suất ban đầu: 240.000 m3/ngày.

+ Giai đoạn 2030: Tổng công suất cấp nước 830.000 m3/ngày, bao gồm các nhà máy nước: cầu Đỏ, nâng công suất 200.000 m3/ngày; cầu Đỏ 2, nâng công suất đạt 240.000 m3/ngày; Sân Bay, 30.000 m3/ngày; Hòa Liên, nâng công suất đạt: 360.000 m3/ngày

- Mạng lưới cấp nước:

+ Tập trung xây dựng các tuyến ống D200 ÷ D2.000 theo dự án mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng.

+ Tuyến ống D600, từ nhà máy nước Hòa Liên dọc theo đường tránh Nam hầm Hải Vân đến nút giao thông đường DT 602.

+ Các tuyến ống D500 ÷ D300, dọc theo đường quốc lộ 14B

+ Tuyến ống D1200 ÷ D500, từ nhà máy nước Hòa Liên 2 dọc theo đường sắt mới.

+ Tuyến ống D600 ÷ D300, dọc theo đường ĐT602.

+ Tuyến ống D500 ÷ D400, dọc theo đường Hoàng Văn Thái nối dài.

+ Tuyến ống D1200 ÷ D800, từ nhà máy nước cầu Đỏ 2 dọc theo đường ven sông đến cầu Trần Thị Lý.

+ Tuyến ống D800 ÷ D400, từ nhà máy nước cầu Đỏ 2 dọc theo đường ven sông và đường tránh Nam hầm Hải Vân.

d) Cấp điện:

- Nguồn điện: Hệ thống điện quốc gia; nhà máy thủy điện sông Nam 8.5 MW, nhà máy thủy điện sông Bắc I 16 MW, nhà máy thủy điện sông Bắc II 16.5 MW, nhà máy thủy điện A Vương 210 MW.

- Chỉ tiêu cấp điện: Tổng công suất dùng điện toàn thành phố đến năm 2020 khoảng 1.376 MVA; đến năm 2030 khoảng 1.815 MVA.

- Lưới điện: Lưới điện trung áp ở nội thành chuyển sang lưới 22 kV và đi ngầm. Cấp điện áp phân phối hạ áp chọn thống nhất là 380 V với lưới 3 pha, 220 V với lưới 1 pha và 2 x 220 V với lưới 2 pha. Lưới điện áp được xây dựng với kết cấu trục chính là 3 pha 4 dây hoặc 1 pha 2 dây, 1 pha 3 dây và các nhánh rẽ 1 pha 3 dây. Mỗi mạng điện áp có từ 1 đến 3 đường dây trục chính và các nhánh rẽ. Các đường dây trục chính sử dụng hệ thống 3 pha 4 dây, điện áp 380/220 V.

- Chiếu sáng đô thị:

+ Thay thế các loại đèn chất lượng thấp, đã hết thời hạn sử dụng bằng các loại đèn mới có chất lượng cao, tiết kiệm điện, kiểu dáng đẹp, hiện đại để nâng cao hiệu quả chiếu sáng.

+ Chuyển sang sử dụng nguồn sáng Sodium cao áp có hiệu suất phát quang cao và loại đèn 2 cấp công suất để tăng cường chiếu sáng, giảm điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng đô thị. Thay thế các cột bê tông cốt thép hiện có bằng cột thép mạ kẽm với kiểu dáng cột và cần đèn đẹp, hiện đại.

+ Từng bước hạ ngầm tuyến cáp chiếu sáng trên các trục giao thông chính nhằm đảm bảo cảnh quan và mỹ quan cho đô thị.

đ) Thoát nước thải:

- Tổng lưu lượng thoát nước thải sinh hoạt toàn thành phố đến năm 2020: Q= 180.000 m3/ngày; đến năm 2030: 380.000 m3/ngày.

- Xử lý nước thải đạt loại B đến năm 2020; năm 2030 xử lý đạt loại A (theo QCVN 40:2011/BTNMT, QCVN 11:2008/BTNMT).

- Đến năm 2020: Sử dụng hệ thống nước mưa để thoát nước thải sinh hoạt sau khi đã qua bể tự hoại trong các hộ gia đình, cơ quan, công trình công cộng; đến năm 2030: Kết hợp hai hệ thống thoát nước chung và hệ thống thoát nước thải riêng dẫn về trạm xử lý.

- Các công trình đầu mối:

+ Giai đoạn 2020: Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (mở rộng, xử lý đạt loại B) 20.000 m3/ngày; trạm xử lý nước thải Hòa Liên (xây mới, xử lý đạt loại B) 60.000 m3/ngày; trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (xây mới, xử lý đạt loại B) 100.000 m3/ngày.

+ Giai đoạn 2030: Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (mở rộng, xử lý đạt loại A) 60.000 m3/ngày; trạm xử lý nước thải Hòa Liên (mở rộng, xử lý đạt loại A) 120.000 m3/ngày; trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (mở rộng, xử lý đạt loại A) 200.000 m3/ngày.

e) Quản lý chất thải và nghĩa trang:

- Quản lý chất thải rắn:

+ Khối lượng CTR toàn đô thị đến năm 2030 khoảng 3.700 tấn/ngày.

+ Khu xử lý hiện có: Khu xử lý chất thải rắn Khánh Sơn. Xây dựng khu xử lý CTR tập trung tại bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu, quy mô 100 ha; xây dựng hệ thống thu hồi khí gas theo cơ chế phát triển sạch tại các bãi rác.

+ Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện.

+ Xây dựng khu xử lý bùn thải, xử lý và tái chế phế thải xây dựng.

- Quản lý nghĩa trang:

+ Di dời các khu vực nghĩa địa chưa có quy hoạch về khu nghĩa trang quy hoạch mới tại Hòa Sơn và Hòa Ninh. Xây dựng mới nghĩa trang tại thôn An Châu, xã Hòa Phú.

+ Nâng cấp nhà hỏa táng trong khu nghĩa trang Hòa Sơn, thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

g) Về thông tin liên lạc

- Xây dựng mới khu công viên phần mềm số 2 tại khu đô thị Đa Phước (quận Hải Châu) với quy mô 10 ha và Khu công nghệ thông tin tập trung tại Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) với quy mô 397 ha.

- Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc theo công nghệ mới, hiện đại, hội tụ được các loại hình viễn thông, internet, truyền hình và tiếp thu các công nghệ mới của thế giới.

- Đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội văn hóa: Nâng cấp mở rộng hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn toàn thành phố. Triển khai đồng bộ mạng cáp ngầm theo hệ thống.

- Quản lý và tối ưu hệ thống hạ tầng khung cho phát triển mạng thông tin di động, khai thác các vệ tinh viễn thông phát triển dịch vụ. Nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội.

11. Đánh giá môi trường chiến lược

- Bảo vệ môi trường rừng và vùng ven biển:

+ Phòng chống suy thoái môi trường do xói lở và bồi tụ vùng cửa sông, ven biển.

+ Phòng ngừa và ứng cứu các sự cố do thiên tai lũ lụt, tràn dầu.

+ Phòng chống ô nhiễm nước biển và ven biển do hoạt động của các cầu cảng, do giao thông vận tải, do nuôi trồng đánh bắt chế biến thủy hải sản.

+ Bảo vệ các hệ sinh thái rừng ngập mặn, cửa sông, ven biển.

- Bảo vệ môi trường đô thị:

+ Các đô thị cần phải xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tùy theo lưu vực thoát nước.

+ Thực hiện quy hoạch và thu gom, xử lý chất thải rắn theo hướng xây dựng và vận hành các bãi rác hợp vệ sinh theo quy định; đặc biệt chú ý đến các công trình xử lý rác thải công nghiệp, y tế, độc hại...

- Bảo vệ môi trường khu công nghiệp:

+ Di chuyển các cơ sở công nghiệp cũ, đặc biệt là công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Thực hiện quản lý môi trường và nâng cấp hệ thống xử lý chất thải khu công nghiệp đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường.

+ Các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn như công nghiệp sản xuất thép, luyện kim, khai thác,... cần được bố trí xa khu dân cư.

- Bảo vệ môi trường nông thôn:

+ Bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm và phòng chống ô nhiễm do các nguồn chất thải: Phân, rác, nước thải do sinh hoạt và các hoạt động chăn nuôi.

+ Hạn chế ô nhiễm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong nông nghiệp.

+ Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường theo hướng tập trung các hộ sản xuất thành các cơ sở tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa hoặc nhỏ thành các cụm tiểu thủ công nghiệp chuyên môn hóa từng công đoạn sản xuất.

+ Giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện chương trình quan trắc giám sát chất lượng môi trường tại các làng nghề.

Các vùng cần được quan tâm hơn về đánh giá tác động môi trường là: vùng cửa sông ven biển; vùng xây dựng các công trình lớn; vùng xây dựng các cảng; vùng bảo vệ đa dạng sinh học.

12. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư

 a) Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội

Phát triển nhà ở: Xây dựng nhà ở, chung cư cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp. Hoàn thành chương trình “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp” trước năm 2015.

- Y tế: Nâng cấp bệnh viện C Đà Nẵng; Trung tâm cấp cứu và phòng chống thảm họa tại khu vực quận Liên Chiểu.

- Giáo dục đào tạo: Xây dựng và phát triển các làng Đại học Đà Nẵng.

- Văn hóa thể thao: Xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao thành phố tại Hòa Xuân, Trung tâm văn hóa thông tin thành phố và thư viện thành phố, xây dựng hệ thống tượng đài, biểu trưng văn hóa, phù điêu...

b) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật

- Giao thông: Đường Nguyễn Tất Thành nối dài; đường Hoàng Văn Thái nối dài; đường vành đai phía Nam, vành đai phía Tây (đoạn còn lại); đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất; nút giao thông khác mức Ngã ba Huế; di dời ga đường sắt về Hòa Minh (quận Liên Chiểu); mở rộng ga hàng không Đà Nẵng; phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT; hoàn thành các dự án Phát triển bền vững (SCDP) do ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.

- Cấp nước: Xây dựng nhà máy nước Hòa Liên (240.000 m3/ngày), nhà máy nước cầu Đỏ 2 (80.000 m3/ngày); nâng công suất nhà máy nước cầu Đỏ (170.000 m3/ngày).

- Cấp điện: Ngầm hóa lưới điện trung, cao thế trong một số khu vực nội thị nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị và tiết kiệm đất xây dựng.

- Thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn: Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, Hòa Xuân; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ hiện đại, quy mô 2.000 tấn/ngày đêm tại bãi rác Khánh Sơn.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện các công việc sau:

1. Ban hành Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt.

2. Tổ chức lập và rà soát các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xây dựng xã nông thôn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.

3. Lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý đầu tư xây dựng theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT các Vụ: TH, KTTH, NC, V.III, KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải