THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 236/2006/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2006 |
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA 5 NĂM (2006 - 2010)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH :
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1. Thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
2. Nhà nước tạo môi trường về pháp luật và các cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển.
3. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phương châm tích cực, vững chắc, nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, góp phần tạo nhiều việc làm, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với các mục tiêu quốc gia, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; ưu tiên phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa do đồng bào dân tộc, phụ nữ, người tàn tật … làm chủ doanh nghiệp; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao.
4. Hoạt động trợ giúp của Nhà nước chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Gắn hoạt động kinh doanh với bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
6. Tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1. Mục tiêu tổng quát:
Đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng cho nền kinh tế.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Số doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới khoảng 320.000 (hàng năm tăng khoảng 22%);
b) Tỷ lệ tăng trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới tại các tỉnh khó khăn là 15% đến năm 2010;
c) Tỷ lệ trực tiếp tham gia xuất khẩu đạt từ 3 - 6% trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Tạo thêm khoảng 2,7 triệu chỗ làm mới trong giai đoạn 2006 - 2010;
đ) Có thêm 165.000 lao động được đào tạo kỹ thuật làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và chính sách tài chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
2. Đánh giá tác động của các chính sách đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, định kỳ tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó hướng dẫn và giải đáp các yêu cầu bức thiết cho phát triển kinh doanh.
3. Điều chỉnh hệ thống thuế phù hợp nhằm khuyến khích khởi sự doanh nghiệp, đổi mới chế độ kế toán, các biểu mẫu báo cáo theo hướng đơn giản hoá, khuyến khích doanh nghiệp tự kê khai và nộp thuế, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa chống thất thu thuế.
4. Cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và giá thuê đất phù hợp với khả năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa gây ô nhiễm, tác hại đến môi trường tại các khu dân cư và đô thị đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
5. Sửa đổi, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương; khuyến khích phát triển các loại hình ngân hàng, ngân hàng thương mại cổ phần chuyên phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bao gồm cả việc phát triển nghiệp vụ cho thuê tài chính và áp dụng biện pháp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản thế chấp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án khả thi, có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư và kinh doanh.
6. Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật; khuyến khích việc hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau; phát triển có hiệu quả các chương trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng và chứng nhận chất lượng phù hợp với quốc tế. Khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp phụ trợ.
7. Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp để có cơ sở dữ liệu đánh giá về tình trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ công tác hoạch định chính sách và cung cấp các thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kinh nghiệm, ý chí kinh doanh và làm giàu hợp pháp tới mọi đối tượng. Nghiên cứu thí điểm việc đưa các kiến thức về kinh doanh vào chương trình học ở trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học kỹ thuật và các trường dạy nghề nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển văn hoá doanh nghiệp, tạo sự ủng hộ trong toàn xã hội đối với doanh nghiệp kinh doanh theo pháp luật.
8. Phát triển thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh (cả về phía cung và phía cầu), hoàn thiện môi trường pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh, chú trọng quản lý về chất lượng các dịch vụ. Khuyến khích các tổ chức Hiệp hội thực hiện các dịch vụ phát triển kinh doanh; tích cực triển khai các chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia xây dựng thể chế, chính sách và các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường vai trò hỗ trợ của Hiệp hội và thực sự là đại diện lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
9. Nâng cao hiệu quả điều phối thực hiện các hoạt động trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường vai trò của Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường năng lực cho các địa phương về quản lý, xúc tiến, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
1. Nhóm giải pháp 1: đơn giản hoá các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường và các hoạt động của doanh nghiệp.
2. Nhóm giải pháp 2: tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Nhóm giải pháp 3: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng có giá trị gia tăng cao.
4. Nhóm giải pháp 4: các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Nhóm giải pháp 5: phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010.
6. Nhóm giải pháp 6: tạo lập môi trường tâm lý xã hội đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
7. Nhóm giải pháp 7: quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010.
Nội dung của các nhóm giải pháp và cơ quan chủ trì thực hiện được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5 năm 2006 - 2010, các Bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình mục tiêu của các Bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Ở Trung ương:
1. Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp chung trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch của các cơ quan chủ trì thực hiện ở các Bộ, ngành và địa phương. Nhiệm vụ của Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm:
a) Theo dõi cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch và báo cáo các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch;
b) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những thay đổi, điều chỉnh khi cần thiết về chương trình hành động, những nhóm giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện gặp vướng mắc, khó khả thi không đạt được mục tiêu đã đề ra;
c) Thành lập các Tiểu nhóm công tác triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do đại diện cơ quan chủ trì làm Trưởng Tiểu nhóm. Các Tiểu nhóm gồm đại diện các cơ quan chức năng liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các nhóm giải pháp và giải pháp theo nội dung của từng nhóm giải pháp.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng kế hoạch kinh phí thuộc ngân sách để đảm bảo việc thực hiện các giải pháp trong Chương trình hành động kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định.
3. Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm chuẩn bị và thực hiện theo lịch trình đối với mỗi giải pháp.
Ở cấp tỉnh:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kế hoạch hành động và lộ trình thực hiện; phối hợp với các Bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại điạ phương; bố trí nhân lực, ngân sách hàng năm đảm bảo thực hiện kế hoạch tại tỉnh.
2. Thành lập Ban Điều phối thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh trực thuộc Ủy ban nhân dân, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban. Thành viên của Ban Điều phối thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh gồm đại diện của các Sở liên quan và các Hiệp hội doanh nghiệp tại tỉnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Thư ký Thường trực.
3. Nhiệm vụ của Ban Điều phối thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh và Thư ký Thường trực do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
4. Hàng năm gửi báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA 5 NĂM (2006 - 2010)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)
Nhóm giải pháp 1: Đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường và các hoạt động của doanh nghiệp |
| |||||
Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì thực hiện | Kết quả | Thời gian hoàn thành |
| ||
Giải pháp 1: Kiện toàn công tác đăng ký kinh doanh |
| |||||
1.1. Xây dựng đề án tổ chức hệ thống cơ quan ĐKKD toàn quốc, thống nhất về nghiệp vụ, kinh phí hoạt động, tổ chức biên chế, nhân sự. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp | Đề án về hệ thống đăng ký kinh doanh toàn quốc | 2008 |
| ||
1.2. Áp dụng thống nhất một mã số cho đăng ký kinh doanh, thống kê, thuế. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê | Đề án về mã số chung được áp dụng thống nhất trên toàn quốc | 2008 |
| ||
1.3. Đẩy mạnh tin học hoá công tác đăng ký kinh doanh. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh. | Hình thành hệ thống thông tin toàn quốc về đăng ký kinh doanh | 2008 |
| ||
1.4. Rà soát, đánh giá các hồ sơ, trình tự, thủ tục, các khâu đăng ký kinh doanh, khắc dấu, đăng ký mã số thuế. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Tư pháp và Công an | Đề án thiết lập cơ chế “một cửa” tại các tỉnh/ thành phố | 2006 - 2008 |
| ||
Giải pháp 2. Quy định về điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực chưa được quy định |
| |||||
Nghiên cứu soạn thảo trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh của các ngành nghề hiện chưa có văn bản hướng dẫn. Cụ thể: - Quy định điều kiện kinh doanh (không phân biệt thành phần kinh tế) đối với các dịch vụ đòi nợ, đánh giá tín nhiệm v.v...; - Quy định về phát hành và quản lý phát hành chứng khoán không niêm yết ra công chúng ... | Bộ Tài chính Bộ Tài chính | Ban hành Nghị định Ban hành Nghị định | 2007 2007 |
| ||
Giải pháp 3: Điều chỉnh các quy định liên quan đến triển khai hoạt động sau đăng ký kinh doanh |
| |||||
3.1. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, phần liên quan đến dấu doanh nghiệp. | Bộ Công an | Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2001/NĐ-CP | 2007 |
| ||
3.2. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2002/NĐ-CP theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp tự in hoá đơn và đăng ký tại cơ quan thuế nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong các giao dịch. | Bộ Tài chính | Sửa đổi, bổ sung Nghị định sô 89/2002/NĐ-CP | 2007 |
| ||
3.3. Nghiên cứu, triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. | Bộ Tư pháp | Ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện | 2007 |
| ||
Giải pháp 4: Hoàn thiện các quy định pháp lý về giao dịch thương mại |
| |||||
4.1. Tăng cường thực hiện Pháp lệnh về Trọng tài thương mại năm 2003 | Bộ Tư pháp | Thành lập thêm 2 trung tâm trọng tài mới đưa tổng số các trung tâm này lên 7 | 2007 - 2008 |
| ||
4.2. Nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Luật Công chứng để có đủ hiệu lực pháp lý làm cơ sở pháp lý cho các văn bản được công chứng trong các giao dịch, khi xử lý các tranh chấp…. | Bộ Tư pháp | Ban hành Luật Công chứng | 2007 - 2008 |
| ||
4.3. Xây dựng Pháp lệnh về Đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm thống nhất các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, không phân biệt đối với động sản hay bất động sản, nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất về các giao dịch bảo đảm, công khai hoá và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, đồng thời có hiệu lực đối với người thứ ba; tổ chức đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm vào một hệ thống cơ quan đăng ký quốc gia, giúp cho cá nhân, tổ chức chỉ cần liên hệ đăng ký, tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm tại một địa chỉ duy nhất; quy định rõ hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm. | Bộ Tư pháp | Dự thảo Pháp lệnh về Giao dịch đảm bảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội | 2007 - 2008 |
| ||
4.4. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các quy định về hợp đồng trong các luật chuyên ngành như: Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Hàng hải, Luật Hàng không, Luật Dầu khí, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Xây dựng... để quy định được các vấn đề có tính chất đặc thù. | Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ liên quan | Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các hợp đồng thuộc lĩnh vực có tính chất đặc thù | 2006 - 2010 |
| ||
4.5. Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế bảo đảm tiền vay cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về thế chấp, cầm cố. | Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước | Ban hành quy định mới về giao dịch đảm bảo | 2007 |
| ||
4.6. Tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản nhằm khắc phục các hạn chế của Luật Phá sản 2004 theo hướng mở rộng việc áp dụng thủ tục phá sản cho mọi đối tượng kinh doanh, không phân biệt cá nhân, hộ gia đình hay doanh nghiệp; cho phép chủ nợ có bảo đảm được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình giải quyết phá sản; tăng cường tính chủ động, quyền tự định đoạt của các bên trong quá trình giải quyết phá sản. | Bộ Tư pháp | Các kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản | 2007 |
| ||
Giải pháp 5: Hoàn thiện các quy định về chế độ kế toán và báo cáo tài chính |
| |||||
5.1. Mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng chế độ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu xây dựng phương pháp kế toán đơn giản áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, trình độ quản lý thấp; đơn giản hoá hệ thống tài khoản | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2007 |
| ||
5.2. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1177/TC/QĐ/CĐKT ngày 23/12/1996 và Quyết định số 144/2001/QĐ-BTC theo hướng đơn giản hoá biểu mẫu báo cáo tài chính của doanh nghiệp. | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2007 |
| ||
5.3. Đơn giản hoá các quy định về lưu giữ hoá đơn chứng từ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng đối với chứng từ bắt buộc và chứng từ không bắt buộc. | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2007 |
| ||
Giải pháp 6: Hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế |
| |||||
6.1. Sửa đổi, bổ sung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; đơn giản hoá phương pháp và căn cứ tính thuế; giảm các trường hợp ưu đãi thuế để đơn giản hoá chính sách ưu đãi, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận và hưởng các ưu đãi. | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2008 |
| ||
6.2. Thu hẹp diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp khoán để khuyến khích các đối tượng nộp thuế khoán thực hiện đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2008 |
| ||
6.3. Mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế theo hướng ban hành quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế, đối tượng nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thu - nộp thuế. | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2007 |
| ||
6.4. Nghiên cứu, bổ sung quy định về khấu hao tài sản cố định theo hướng cho phép áp dụng chế độ khấu hao luỹ tiến, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ. | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2008 |
| ||
6.5. Sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Hải quan theo hướng đơn giản hóa thủ tục và quy trình thông quan hàng hóa, công khai hóa danh mục thuế xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tự kê khai, áp mã, áp giá. | Bộ Tài chính | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2006 - 2010 |
| ||
Giải pháp 7: Hoàn thiện các quy định liên quan đến công nghệ |
| |||||
7.1. Nghiên cứu dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm và Nghị định hướng dẫn thi hành . | Bộ Khoa học và Công nghệ | Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm và dự thảo Nghị định hướng dẫn | 2007 |
| ||
7.2. Tách hoạt động cung cấp dịch vụ ra khỏi chức năng quản lý Nhà nước của Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, | Bộ Khoa học và Công nghệ | Ban hành các quy định | 2009 |
| ||
Nhóm giải pháp 2: Tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa |
| |||||
Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì thực hiện | Kết quả | Thời gian hoàn thành |
| ||
Giải pháp 8: Hoàn thiện các chính sách liên quan đến đất đai. |
| |||||
8.1. Thiết lập hệ thống cơ quan đăng ký đất trong cả nước nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khuyến khích đăng ký các giao dịch về đất. | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Thành lập cơ quan đăng ký đất tại các tỉnh | 2008 |
| ||
8.2. Lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất và công khai các quy hoạch này làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất. | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | Quy hoạch sử dụng đất | 2010 |
| ||
8.3. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm di dời ra khỏi đô thị, khu dân cư thông qua việc cho phép chuyển quyền sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở và đất thương mại nhằm mục đích bán và trang trải chi phí di chuyển. | Bộ Tài nguyên và Môi trường
| Ban hành các quy định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. | 2006 - 2007 |
| ||
8.4. Thống kê và thu hồi đất đang hoang hoá, sử dụng không đúng mục đích để tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp thuê. | Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân địa phương | Triển khai thực hiện và đánh giá kết quả | 2008 |
| ||
Nhóm giải pháp 3: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính |
| |||||
Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì thực hiện | Kết quả | Thời gian hoàn thành |
| ||
Giải pháp 9: Tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa |
| |||||
9.1. Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tín dụng đối với khu vực II, III miền núi, hải đảo, vùng đồng bào khơme sống tập trung, thương nhân và các xã thuộc Chương trình 135 (vùng có điều kiện khó khăn) theo hướng tách bạch tín dụng chính sách, tín dụng thương mại: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển thực hiện tín dụng ưu đãi đối với vùng có điều kiện khó khăn; Ngân hàng thương mại cho vay theo cơ chế tín dụng thương mại đối với vùng có điều kiện khó khăn. | Ngân hàng Nhà nước | Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ tín dụng, ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại | 2006 |
| ||
9.2. Nghiên cứu, sửa đổi Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. | Bộ Tài chính | Sửa đổi, bổ dung các văn bản có liên quan | 2007 |
| ||
9.3 Nghiên cứu và ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm (đã được quy định tại Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế về khu công nghệ cao). | Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính | Ban hành văn bản hướng dẫn | 2006 |
| ||
Nhóm giải pháp 4: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa | ||||||
Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì thực hiện | Kết quả | Thời gian hoàn thành | |||
Giải pháp 10: Tối đa hoá ảnh hưởng tích cực của việc gia nhập WTO | ||||||
Tối đa hoá ảnh hưởng tích cực của việc gia nhập WTO bao gồm việc đánh giá những ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu nhất, lựa chọn nhóm hàng ưu tiên, triển khai thực hiện hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn 2006 - 2010, gồm 02 nội dung chính sau: Nội dung 1: Đánh giá các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu và lựa chọn 04 nhóm hàng có khả năng cạnh tranh nhất, bao gồm: - Lựa chọn nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu; - Lực chọn nhóm hàng có sức cạnh tranh nhất trong nhóm ngành hàng đã lựa chọn khi Việt Nam là thành viên WTO; - Tiến hành quảng bá, tuyên truyền về các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các nhóm hàng đã được lựa chọn; - Nâng cao kiến thức về tiêu chuẩn quốc tế trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh nhóm hàng đã lựa chọn. Nội dụng 2: Thực hiện các hoạt động hỗ trợ 04 nhóm hàng đã được lựa chọn, gồm: - Cung cấp dịch vụ dự báo công nghệ, đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh. - Nâng cao năng lực cho các chuyên gia tư vấn, các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo, dịch vụ phát triển kinh doanh…; - Hỗ trợ phát triển liên kết ngành, doanh nghiệp; - Hỗ trợ xuất khẩu cho các nhóm hàng được lựa chọn. | Bộ Thương mại phối hợp các Bộ quản lý ngành | Xác định được 04 nhóm hàng ưu tiên để thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mỗi nhóm hàng được tiếp cận chương trình - Phát triển 100 tổ chức tư vấn, đào tạo, dịch vụ phát triển kinh doanh trong mỗi nhóm hàng đã lựa chọn. - Phát triển 10 liên kết cho mỗi ngành - 1000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mỗi nhóm hàng được hỗ trợ xuất khẩu. | 2007 2007 - 2010 | |||
Giải pháp 11: Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhằm tạo thêm việc làm tại những vùng này | ||||||
11.1 Phổ biến thông tin pháp luật về doanh nghiệp | Bộ Tư pháp | Các tỉnh khó khăn nhất | 2007 | |||
11.2 Đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Đào tạo cho 5.000 lượt người của các tỉnh khó khăn nhất | 2006 - 2010 | |||
11.3. Trợ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. | Bộ Thương mại | Hỗ trợ cho 1000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tỉnh khó khăn nhất | 2007 - 2010 | |||
11.4. Trợ giúp, tăng số lượng và chất lượng đội ngũ chuyên gia tư vấn, các tổ chức và doanh nghiệp đào tạo đang hoạt động tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Phát triển 10 tổ chức tư vấn, đào tạo tại các tỉnh khó khăn nhất | 2007 - 2010 | |||
Nhóm giải pháp 5: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa | ||||||
Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì thực hiện | Kết quả | Thời gian hoàn thành | |||
Giải pháp 12: Phát triển thị trường lao động | ||||||
12.1. Nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, theo hướng gắn với yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, cung cấp cho người học các kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề và ý thức trách nhiệm; đưa nhanh công nghệ thông tin vào nội dung đào tạo và quản lý quá trình đào tạo; khuyến khích liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề với các doanh nghiệp để nâng cao khả năng thực hành của các học viên sau khi tốt nghiệp. | Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Đưa ra kế hoạch thực hiện | 2008 | |||
12.2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng xã hội hóa. | Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội | Điều chỉnh quy hoạch cơ sở dạy nghề | 2007 | |||
12.3. Phân cấp việc cấp giấy phép thành lập các trung tâm đào tạo nghề. | Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội | Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung | 2007 | |||
12.4. Đánh giá các hình thức giáo dục dạy nghề hiện có để đề xuất các cải cách nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động này.
| Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo | đánh giá các biện pháp đào tạo nghề kỹ thuật hiện có | 2008 | |||
Nhóm giải pháp 6: Tạo lập môi trường tâm lý xã hội đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa | ||||||
Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì thực hiện | Kết quả | Thời gian hoàn thành | |||
Giải pháp 13: Tạo lập môi trường tâm lý xã hội đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa | ||||||
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. | Bộ Văn hoá - Thông tin | Các chương trình tuyên truyền, phổ biến được phát sóng, in tài liệu, diễn đàn... | 2006 - 2010 | |||
Giải pháp 14: Giáo dục về văn hoá kinh doanh trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề | ||||||
Đưa một số chuyên đề không bắt buộc về doanh nghiệp vào chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề. | Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Chuyên đề về kinh doanh được đưa vào Chương trình đào tạo | 2007 | |||
Nhóm giải pháp 7: Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa | ||||||
Nội dung công việc | Cơ quan thực hiện | Kết quả | Thời gian hoàn thành | |||
Giải pháp 15: Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa | ||||||
15.1. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành | Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2001/NĐ-CP | 2007 | |||
15.2. Hoàn thiện hệ thống thu thập và xử lý thông tin, thống kê thống nhất về doanh nghiệp nhỏ và vừa. | Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính | Ban hành các văn bản hướng dẫn | 2007 | |||
15.3. Phối hợp các hoạt động trợ giúp từ quốc tế và tạo điều kiện tiếp cận cho các bên liên quan trong các ngành được lựa chọn. | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Tăng tổng vốn ODA viện trợ không hoàn lại cho hoạt động trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa | 2006 - 2010 | |||
|
|
|
|
|
|
|