ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2379/2004/QĐ-UB | Tân An, ngày 14 tháng 7 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước”;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại tờ trình số 337/TT-TP ngày 17/6/2004 và ý kiến đề xuất của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2: Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước triển khai, tổ chức thực hiện.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH LONG AN VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo quyết định số: 2379/2004/QĐ-UB ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2: Chức năng của tổ chức pháp chế:
1. Tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có chức năng giúp Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và thực hiện những công tác khác được giao.
2. Tổ chức pháp chế doanh nghiệp nhà nước có chức năng giúp Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý và những vấn đề khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ
Điều 3: Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:
1. Trong công tác xây dựng pháp luật:
a. Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn (sau đây gọi tắt là Thủ trưởng cơ quan) trong việc đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý lĩnh vực chuyên ngành ở tỉnh.
b. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ trưởng cơ quan.
c. Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan.
d. Giúp Thủ trưởng cơ quan chuẩn bị văn bản góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gởi lấy ý kiến.
đ. Giúp Thủ trưởng cơ quan chuẩn bị các kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành ở tỉnh.
2. Tổ chức rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành của cơ quan chuyên môn và đề xuất phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
3. Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:
a. Giúp Thủ trưởng cơ quan trong việc phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
b. Chuẩn bị báo cáo kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để Thủ trưởng cơ quan báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (đồng gởi Giám đốc Sở Tư pháp).
4. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật:
a. Chủ trì hoặc tham gia với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý tủ sách pháp luật của đơn vị.
b. Phối hợp với Thanh tra cơ quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đôn đốc theo dõi, kiểm tra thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan.
c. Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế cơ quan.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
Điều 4: Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước:
1. Giúp Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
2. Giúp Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho cán bộ, người lao động, quản lý tủ sách pháp luật; phối hợp với các phòng, ban và tổ chức đoàn thể kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế và kiến nghị những biện pháp xử lý vi phạm.
4. Giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp chuẩn bị ý kiến cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đề nghị do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi ,bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
5. Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo hợp đồng kinh tế, văn bản do các đơn vị khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp giao.
Chương III
TỔ CHỨC PHÁP CHẾ
Điều 5: Tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:
1. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhu cầu công tác pháp chế của cơ quan có phòng pháp chế hoặc công chức pháp chế chuyên trách.
2. Việc thành lập Phòng pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, có ý kiến thống nhất của Giám đốc Sở Tư Pháp và Giám đốc Sở nội vụ.
3.Phòng pháp chế hoặc công chứng pháp chế chuyên trách của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Giám đốc Sở Tư pháp.
Điều 6: Tổ chức pháp chế doanh nghiệp nhà nước:
Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế,Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước thành lập tổ chức pháp chế phù hợp, bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc thuê cố vấn pháp lý.
Điều 7: Chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của công chức pháp chế:
Công chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh phải là công chức từ ngạch chuyên viên trở lên, có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân chuyên ngành, có kiến thức pháp lý, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:
a. Xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn;
b. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn;
c. Sơ kết, tổng kết công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d. Bảo đảm biên chế và kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn.
Giám đốc Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các điểm a, b, và c khoản 1 điều 8 của quy định này.
2. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:
a. Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn;
b. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở cơ quan chuyên môn;
c. Bố trí cán bộ và bảo đảm kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn;
d. Sơ kết, tổng kết công tác pháp chế ở cơ quan và báo cáo Sở Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Sở Tư pháp tổng hợp báo báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.
3. Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm:
a. Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp;
b. Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở doanh nghiệp;
c. Bố trí cán bộ và bảo đảm kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp;
d. Sơ kết, tổng kết công tác pháp chế ở doanh nghiệp và báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời gởi báo cáo cho Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.
Điều 9: Hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành:
Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành quy định này.
- 1 Quyết định 2996/QĐ-UBND năm 2008 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của cấp xã về lao động, người có công và xã hội do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 2 Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 36/2011/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành
- 2 Quyết định 2996/QĐ-UBND năm 2008 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của cấp xã về lao động, người có công và xã hội do tỉnh Thanh Hóa ban hành