Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 238/2008/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 18 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN, CHÍNH SÁCH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II TỈNH QUẢNG NGÃI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 08/8/2006 của Liên Bộ: Uỷ ban Dân tộc - Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 và Thông tư số 79/2007/TT-BNN ngày 20/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 01/2007/TT-BNN ngày 15/01/2007;
Căn cứ Quyết định số 40/2008/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Bản quy định  một số nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
Căn cứ Quyết định số 42/2007/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi Ban hành Quy chế quản lý đầu tư thực hiện các dự án, chính sách thuộc Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) của tỉnh Quảng Ngãi;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 200/TTr-BDT ngày 29/7/2008 về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý đầu tư thực hiện các dự án, chính sách thuộc Chương trình 135 tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn II và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 135/BC-STP ngày 22/7/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư thực hiện các dự án, chính sách thuộc Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) của tỉnh Quảng Ngãi ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:

1. Tại Khoản 2, Điều 1 (gạch đầu dòng thứ 2 từ dưới lên của trang)  được sửa đổi như sau:

- Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phát triển  kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;

2. Tại điểm b, Khoản 4,  Điều 3 được sửa đổi như sau:

b) Chi phí lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật, dự toán chi tiết thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng, cụ thể như sau: Chi phí lập, thẩm định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật được tính bằng 2,2% giá trị nguồn vốn đầu tư phát triển trong báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán chi tiết được phân bổ hàng năm.

3. Tại điểm c, Khoản 7, Điều 4 được sửa đổi như sau:

c) Quản lý chi phí đầu tư công trình cơ sở hạ tầng: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 01/01/2008 của Bộ Xây dựng.

4. Tại tiết a.2, điểm a, Khoản 8, Điều 4 được sửa đổi như sau:

a.2- Việc chọn nhà thầu xây lắp là các doanh nghiệp, Ban quản lý dự án phải thông báo công khai tại nơi công cộng, trên đài, báo và truyền hình địa phương và gửi thư cho các nhà thầu trước 10 ngày về các thông tin của công trình và điều kiện tuyển chọn. Mỗi công trình phải có ít nhất 03 nhà thầu tham gia tuyển chọn, Ban quản lý dự án lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất để trình Chủ tịch UBND huyện quyết định.

5. Tại tiết a.4, điểm a Khoản 8, Điều 4 được sửa đổi như sau:

a.4- Đối với hình thức chỉ định thầu:

a.4.1- Đối với nhà thầu là tổ chức doanh nghiệp:

Đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn có giá trị gói thầu dưới 300 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá trị dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển; gói thầu mua sắm hàng hoá có giá trị dưới 100 triệu đồng thuộc dự án hoặc dự án mua sắm thường xuyên khi áp dụng hình thức chỉ định thầu cần thực hiện theo trình tự sau đây:

- Ban Quản lý dự án căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc và giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư, chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc, dịch vụ, hàng hoá cần đạt được và giá trị tương ứng.

- Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, Ban Quản lý dự án và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện dự thảo hợp đồng làm cơ sở để ký kết hợp đồng.

- Sau khi thương thảo, hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu, Ban quản lý dự án trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu để triển khai thực hiện.

a.4.2- Chỉ định thầu cho người dân địa phương thực hiện (Sự tham gia của cộng đồng):

Trường hợp các công việc đơn giản, nhỏ lẻ, khối lượng công việc chủ yếu sử dụng lao động thủ công mà người dân địa phương có thể đảm nhiệm được thì Chủ đầu tư tạo điều kiện để nhân dân trong xã, thôn và lực lượng lao động khác như bộ đội biên phòng, bộ đội đóng quân tại địa bàn được tham gia xây dựng công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135 có giá trị gói thầu dưới 100 triệu đồng. Ban quản lý dự án tổng hợp lại thành một gói thầu (hoặc nhiều gói thầu tuỳ theo tính chất và địa bàn thực hiện) để tiến hành giao cho người dân hoặc đơn vị quân đội thực hiện.

- Chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án chuẩn bị dự thảo Hợp đồng gồm các nội dung như: Phạm vi, số lượng, khối lượng công việc phải thực hiện, thời gian phải hoàn thành, yêu cầu về chất lượng phải đạt được, điều kiện để nghiệm thu và dự toán của các hạng mục công việc…

- Tổ chức họp bàn công khai với cộng đồng dân cư ở địa phương để giới thiệu về dự án và công việc cần phải làm nhằm cung cấp cho người dân các thông tin cần thiết. Trong quá trình thương thảo, Ban quản lý dự án có trách nhiệm giải thích rõ mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ cần thực hiện của người dân để người dân hiểu rõ được công việc cần làm, cụ thể những vấn đề sau đây sẽ được bàn là:

+ Khối lượng công việc phải làm.

+ Giá trị được thanh toán (ngày công lao động….).

+ Giờ giấc làm việc và thời gian phải hoàn thành công việc.

+ Chất lượng công việc phải đạt được và điều kiện nghiệm thu, ký kết biên bản nghiệm thu để làm cơ sở cho việc thanh toán.

+ Danh sách người dân cam kết tham gia thực hiện công việc.

- Sau khi thương thảo xong, cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể sẽ cử đại diện để ký kết hợp đồng với Ban quản lý dự án.

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Ban Quản lý dự án phải cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân thực hiện công việc theo đúng yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Ban Quản lý dự án tiến hành nghiệm thu theo từng hạng mục công trình để làm cơ sở thanh toán cho người dân.

a.4.3- Công trình do nhân dân trong xã tự làm được tạm ứng tối đa 50% tổng số vốn theo dự toán được phê duyệt của công trình; công trình do các tổ chức doanh nghiệp thi công được tạm ứng tối đa 30% tổng số vốn theo dự toán được phê duyệt của công trình.

6. Tại tiết a.5, điểm a, Khoản 8, Điều 4 được điều chỉnh như sau:

Đối với các gói thầu thuộc trường hợp sự cố bất khả kháng: Do thiên tai, địch hoạ, sự cố cần khắc phục ngay thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu.

7. Tại điểm b, Khoản 8, Điều 4 được điều chỉnh như sau: 

b) Về quy trình ký kết hợp đồng:

b.1- Hợp đồng được ký kết căn cứ vào các tài liệu sau:

- Kết quả thương thảo, hợp đồng đã được hoàn thiện.

- Quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

b.2- Việc ký kết hợp đồng phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Hồ sơ của nhà thầu được đề nghị chỉ định phải còn hiệu lực.

- Thông tin về năng lực kỹ thuật, tài chính của nhà thầu được cập nhật tại thời điểm ký hợp đồng phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đề ra của Chủ đầu tư.

8. Tại điểm b, Khoản 2, Điều 9 được điều chỉnh như sau:

b) Vốn xây dựng cơ bản đầu tư cho công trình được chia ra: Chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí Ban Quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng của công trình thực hiện theo Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng.

Chi phí khác và chi phí Ban quản lý được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010.

9.- Tại điểm b, khoản 3, Điều 12 được sửa đổi lại như sau:

b) Thông báo kế hoạch thanh toán vốn hằng năm của Chương trình cho Kho bạc Nhà nước tỉnh để cấp phát, thanh toán theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện miền núi và các huyện: Bình Sơn; Tư Nghĩa, Nghĩa Hành; Thủ trưởng các Sơ, Ban ngành và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế