ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2002/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUI HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN SÓC SƠN GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010;
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Sóc Sơn giai đoạn 2001 - 2010" tại thông báo số 309/TB-KHĐT ngày 04/12/2001;
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tại tờ trình số 82/TT-UB ngày 26/12/2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tại tờ trình số 159/TTr-KH&ĐT ngày 25 tháng 2 năm 2002.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Sóc Sơn giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây :
1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội huyện Sóc Sơn giai đoạn 2001 - 2010.
Phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của huyện vào phát triển kinh tế - xã hội; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hình thành các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ, khu đô thị mới; từng bước xây dựng thành phố Nội Bài; tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng; xây dựng đời sống văn hoá văn minh, hiện đại đồng thời duy trì thuần phong mỹ tục và văn hoá truyền thống; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đảm bảo an ninh chính trị, củng cố quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu.
2.2. Kinh tế
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2010 : 19 - 20%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 15 - 16%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 là 22 - 23%/năm.
- Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn :
+ Năm 2005 : Công nghiệp mở rộng chiếm 46,12%, Dịch vụ 41,30%; Nông nghiệp 12,58%.
+ Năm 2010 : Công nghiệp mở rộng 59,67%; Dịch vụ 34,38%, Nông nghiệp 5,95%.
- Tỷ lệ lao động công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 60% tổng số lao động trên địa bàn.
2.2. Văn hoá - xã hội :
- Phấn đấu đến năm 2005 phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho 60% đối tượng trong độ tuổi; hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương vào năm 2010.
- Đến năm 2005 hoàn thành xoá phòng học cấp 4; 70% học sinh tiểu học và 10% học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày; phấn đấu có 6 trường tiểu học và 3 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.
- Phấn đấu đến năm 2010, 100% học sinh tiểu học và 50% học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày; có khoảng 13 trường tiểu học, 13 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.
- Đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 17% năm 2005 và dưới 10% năm 2010.
- Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên xuống khoảng 1,1 % từ năm 2004. Đến năm 2005, dân số huyện khoảng 260.000 người; năm 2010 khoảng 281.600 người.
- Phấn đấu đến năm 2005, tỷ lệ lao động trẻ em qua đào tạo nghề chiếm 20 - 25%, đến năm 2010, tỷ lệ này đạt 60%.
- Đến năm 2010 có 85 - 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%.
2.3. Đô thị :
- Xây dựng các tuyến giao thông trên địa bàn huyện, đảm bảo gắn kết với mạng lưới giao thông của Thành phố và quốc gia; Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ diện tích đất giao thông khoảng 4,08%.
- Đến năm 2010 có 100% số hộ gia đình được cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn 170 lít/người/ngày – đêm; cung cấp đủ nhu cầu nước cho khu vực sản xuất và dịch vụ; giảm tỷ lệ thất thoát xuống dưới 15%.
3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu.
3.1. Phát triển kinh tế :
a. Công nghiệp
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2001 - 2010 bình quân khoảng 24,90%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 20,84%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 là 29,10%/năm.
- Kết hợp phát triển công nghiệp tập trung với công nghiệp phân tán; phát triển công nghiệp với công nghệ hiện đại, đảm bảo giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
- Phát triển công nghiệp phù hợp với tiềm năng và lợi thế của huyện; từng bước hình thành các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại; công nghiệp vật liệu xây dựng; chế biến nông sản, sản xuất thiết bị điện, điện tử, tin học.
- Phát triển công nghiệp tập trung tại khu công nghiệp Nội Bài và 3 trung tâm vùng của huyện là : Trung Giã - Nỉ, Minh Trí - Tân Dân, Kim Lũ - Đông Xuân. Đồng thời phát triển tiểu thủ công nghiệp phân tán để tạo việc làm và góp phần xây dựng bản sắc văn hoá riêng của Sóc Sơn.
b. Dịch vụ
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ giai đoạn 2001 - 2010 khoảng 16,52%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 khoảng 14,87%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 18,20%/năm.
- Tập trung phát triển đồng bộ các loại hình kinh doanh thương mại - dịch vụ tổng hợp phù hợp với giá trị hình thành các khu công nghiệp và khu đô thị mới; mở rộng giao lưu hàng hoá giữa huyện với các vùng lân cận.
- Chú trọng khai thác tiêu thụ các nguồn hàng từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; phát triển các hình thức kinh doanh dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.
- Đầu tư hình thành các trung tâm dịch vụ, nghỉ ngơi giải trí: Đền Sóc - Đồng Quan, Núi Đôi, Minh Trí; chú trọng xây dựng các trung tâm thương mại, phát triển tốt hệ thống chợ : Nỉ, Sóc Sơn, Phủ Lỗ ...
c. Nông nghiệp
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2010 khoảng 5,62%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 5,68%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 là 5,56%/năm.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, gắn với phát triển du lịch nghỉ ngơi cuối tuần; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng qui mô sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
- Tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao; cây ăn quả các loại, cây công nghiệp, cây rau đậu, hoa, cây cảnh. Phát triển mạnh đàn bò và đàn lợn gắn liền với việc sữa hoá đàn bò, nạc hoá đàn lợn; phát triển đàn gia cầm, đàn dê, ong. Khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước các hồ và chân ruộng trũng để phát triển thuỷ sản kết hợp phát triển du lịch.
3.2. Phát triển văn hoá - xã hội.
a. Giáo dục - Đào tạo.
- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên trình độ cao, tăng cường công tác quản lý giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Tăng cường đào tạo nghề phổ thông và nghề kỹ thuật; phấn đấu đến năm 2005 có 20 - 25% và năm 2010 có 60% số lao động trẻ được đào tạo nghề.
- Đến năm 2005 hoàn thành xoá phòng học cấp 4; từng bước hiện đại hoá trang thiết bị dạy và học; phấn đấu có 6 trường tiểu học và 3 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 100% trẻ 6 tuổi được đến trường, phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho 60% đối tượng trong độ tuổi ; 70% học sinh tiểu học và 10% học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày.
- Phấn đấu đến năm 2010 có khoảng 13 trường tiểu học; 13 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương; 100% học sinh tiểu học và 50% học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày.
b. Văn hoá - Thông tin.
Huy động mọi nguồn lực phát triển văn hoá - thông tin; tăng cường đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá - thông tin trên địa bàn; khôi phục và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc của các vùng dân cư; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá" phấn đấu đến năm 2010 có 85- 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.
c. Y tế :
- Tăng cường hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm xá cấp xã, nhằm thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; tăng cường kỹ thuật chuyên sâu và kỹ thuật cao cho bệnh viện huyện; thực hiện chương trình xã hội hoá y tế, khuyến khích phát triển các tổ chức y dược ngoài nhà nước.
- Đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng; thực hiện tốt các chương trình y tế phòng chống các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 17% vào năm 2005 và dưới 10% vào năm 2010; thực hiện tốt công tác kế hoạch hoá gia đình, từ năm 2004 trở đi ổn định tỷ lệ sinh ở mức khoảng 1,4%/năm.
d. Thể dục thê thao
- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao, xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao. Đầu tư xây dựng trung tâm thể thao huyện; hỗ trợ xây dựng các sân vận động thôn, làng, xã.
- Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng và một số môn thể thao mũi nhọn : bóng đá, điền kinh, cầu lông, bóng bàn; đào tạo và đào tại lại đội ngũ cán bộ thể dục thể thao đảm bảo về số lượng và chất lượng.
3.3 Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Tập trung xây dựng các tuyến giao thông toàn huyện đảm bảo gắn kết với mạng lưới giao thông của Thành phố và quốc gia; xây dựng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 3, quốc lộ 2, đường 35 .... xây dựng, mở rộng mạng lưới đường giao thông trên địa bàn huyện.
- Đến năm 2010, tỷ lệ diện tích đất giao thông khoảng 4,08%.
- Bảo đảm đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn; cải tạo mạng lưới điện theo qui hoạch.
- Đảm bảo 100% số hộ gia đình được cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày - đêm vào năm 2005 và 170 lít/ người/ngày - đêm vào năm 2010; giảm tỷ lệ thất thoát kỹ thuật xuống dưới 20% năm 2005 và 15% năm 2010; xây dựng một số nhà máy nước, cung cấp đủ nhu cầu nước cho khu vực sản xuất và dịch vụ.
3.4. Bảo vệ môi trường sinh thái.
Xây dựng mới và cải tạo hệ thống mương, lạch thoát nước, xây dựng mới các trạm xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đô thị trước khi xả ra hệ thống thoát nước chung; tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện.
4. Các trọng điểm đầu tư và danh mục những dự án đầu tư lớn trên địa bàn
Xây dựng, nâng cấp đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 3, quốc lộ 2. Tập trung đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ ngơi cuối tuần Đền Sóc - hồ Đồng Quan, khu giải trí Đồng Đò - Minh Trí, xây dựng công viên văn hoá Núi Đôi; ưu tiên đầu tư mở rộng khu công nghiệp Nội Bài, xây dựng khu công nghiệp Nỉ - Trung Giã, khu công nghiệp Minh Trí - Tân Dân, khu công nghiệp Kim Lũ - Đông Xuân; xây dựng hệ thống hồ, đập thuỷ lợi xã Minh Trí, kiên cố hoá hệ thông kênh, mương.
Điều 2 : Tổ chức thực hiện qui hoạch.
* UBND huyện Sóc Sơn có nhiệm vụ :
- Công bố công khai qui hoạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh.
- Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của Qui hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của huyện và Thành phố.
- Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị với Thành phố ban hành các qui chế, qui chế phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện qui hoạch.
- Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt là đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các định hướng của qui hoạch này.
- Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà Huyện có thế mạnh.
- Theo dõi, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, định kỳ tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của Huyện và Thành phố.
* Các ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn huyện Sóc Sơn trong quá trình thực hiện qui hoạch này để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn Huyện có trách nhiệm cùng Huyện thực hiện tốt mục tiêu của qui hoạch,.
Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết dịnh này.
| T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1 Quyết định 4642/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề cương Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đến 2025
- 2 Quyết định 1512/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh xã Huổi Một huyện Sông Mã đến năm 2020 do tỉnh Sơn La ban hành
- 3 Quyết định 427/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013-2017