Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2015/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 27 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ TƯ PHÁP TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Căn cứ Kết luận số 69-KL/BCS ngày 17/4/2015 của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tổ chức bộ máy;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 39/TTr-STP ngày 25 tháng 4 năm 2015 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 173/TTr-SNV ngày 07 tháng 5 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 27/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum.

Điều 3. Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Công báo tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài PTTH tỉnh;
- Lưu VT-TH3, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Xuân Lâm

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ TƯ PHÁP TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 24/2015/QĐ-UBND, ngày 27/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA SỞ TƯ PHÁP

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tư pháp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Thực hiện theo quy định tại Điều 2, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Sở: Sở Tư pháp có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.

2. Các tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ:

a) Văn phòng.

b) Thanh tra.

c) Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

d) Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính.

đ) Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

e) Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật.

g) Phòng Hành chính tư pháp.

h) Phòng Bổ trợ tư pháp.

3. Các tổ chức sự nghiệp thuộc Sở:

a) Phòng Công chứng số 1.

b) Phòng Công chứng số 2.

c) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh.

d) Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh.

4. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các tổ chức thuộc Sở quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý hiện hành.

Điều 4. Về biên chế

1. Biên chế của Sở Tư pháp bao gồm biên chế công chức và biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc) do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở Tư pháp do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định trong tổng số biên chế công chức và tổng số lượng người làm việc thuộc Sở Tư pháp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức của Sở Tư pháp phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể các tổ chức thuộc Sở nêu tại khoản 2, khoản 3, Điều 3 Quy định này thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở Tư pháp

1. Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở Tư pháp, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở, việc chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao.

2. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở xây dựng, thực hiện kế hoạch công tác của các đơn vị, của Sở và của toàn Ngành. Quyết định các vấn đề có liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ của Sở Tư pháp và các đơn vị trực thuộc theo quy định phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Thực hiện chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp về những vấn đề cần thiết thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

4. Phân công cho các Phó Giám đốc Sở phụ trách một số lĩnh vực công tác của Sở, Ủy quyền giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở khi Giám đốc Sở vắng mặt.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Giám đốc Sở Tư pháp

1. Phó Giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở phụ trách, chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở khi Giám đốc Sở phân công, ủy quyền.

Điều 8. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở Tư pháp thực hiện theo phân cấp quản lý hiện hành.

Chương II

NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA SỞ TƯ PHÁP

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động

Sở Tư pháp hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ với chế độ Thủ trưởng. Những công việc quan trọng, cần thiết, Giám đốc Sở sẽ quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân sau khi bàn bạc thống nhất trong Ban Giám đốc Sở. Trường hợp bàn bạc không thống nhất, Giám đốc Sở quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình, các ý kiến khác được bảo lưu.

Điều 8. Chế độ làm việc

1. Trên cơ sở đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; Quyết định, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Bộ Tư pháp trong từng thời kỳ, Sở Tư pháp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tương ứng làm cơ sở cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

2. Giải quyết công việc:

a) Những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở (nếu pháp luật không quy định về thời gian) thì trong thời hạn ba đến năm ngày làm việc (đối với các vấn đề lớn, quan trọng) và một ngày (đối với những công việc ít phức tạp), Giám đốc Sở (hoặc Phó Giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực được phân công hay được ủy quyền) phải giải quyết xong và trả lời cho tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp chưa giải quyết hoặc không giải quyết thì phải có văn bản trả lời để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết lý do.

b) Những vấn đề công tác của Ngành nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh thì Giám đốc Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Nếu công việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thì Giám đốc Sở Tư pháp trao đổi thống nhất (bằng văn bản) với các ngành, các cấp có liên quan trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Sở Tư pháp được tổ chức các hội nghị chuyên đề, các hội nghị phổ biến pháp luật, các hội thảo khoa học pháp lý (nếu có), tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tư pháp. Các hội thảo, tập huấn, hội nghị chuyên đề phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, cần thiết cho việc triển khai nhiệm vụ của Ngành.

4. Chế độ thông tin, báo cáo

a) Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo định kỳ (hằng quý, sáu tháng, năm) và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu. Ngoài ra, còn thực hiện các báo cáo chuyên đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.

b) Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức thực hiện quy định chế độ thông tin, báo cáo trong Ngành phù hợp để đảm bảo thông tin, báo cáo thông suốt từ cơ sở đến Trung ương.

c) Đi công tác ngoài tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp phải xin phép và được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Các Phó Giám đốc Sở đi công tác theo sự phân công của Giám đốc Sở.

Chương III

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 9. Đối với Bộ Tư pháp

1. Sở Tư pháp chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

2. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm báo cáo tình hình công tác chuyên môn cho Bộ Tư pháp theo chế độ báo cáo công tác định kỳ hoặc đột xuất.

Điều 10. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

Sở Tư pháp chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về những vấn đề vượt quá quyền hạn được giao. Ngoài ra, chịu sự kiểm tra của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các hoạt động của Ngành theo chức năng, nhiệm vụ.

Điều 11. Đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

1. Khi có yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc các cơ quan hữu quan khác về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành thì Giám đốc (hoặc Phó Giám đốc được ủy quyền, giao nhiệm vụ) Sở Tư pháp có trách nhiệm trình bày hoặc cung cấp thông tin theo quy định.

2. Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể khác trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể hoạt động theo quy định của Nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Điều 12. Đối với các Sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Sở Tư pháp quan hệ với các Sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trên nguyên tắc phối hợp công việc nhằm hoàn thành nhiệm vụ chung của tỉnh và nhiệm vụ của từng cơ quan.

2. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Sở Tư pháp chủ động phối hợp, bàn bạc với các sở, ngành khác những vấn đề quản lý Nhà nước mang tính liên ngành. Nếu không có sự thống nhất giữa các ngành thì trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Các vấn đề trình Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến các sở, ngành khác thì phải có ý kiến chính thức của các sở, ngành đó bằng văn bản. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày hết thời gian đề nghị tham gia ý kiến mà các sở, ngành có liên quan không có văn bản phúc đáp thì coi như đã đồng ý và chịu trách nhiệm về vấn đề được hỏi ý kiến.

Điều 13. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai những nội dung công tác ngành thuộc lĩnh vực quản lý cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Chỉ đạo các Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động công tác Tư pháp ở xã, phường, thị trấn.

2. Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo, kiểm tra công việc thuộc Ngành, trực tiếp giải quyết những đề nghị (trong phạm vi thẩm quyền) của Ủy ban nhân dân cấp huyện về nghiệp vụ công tác Tư pháp.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những quy định trên. Trên cơ sở Quy định này, Giám đốc Sở Tư pháp quy định nhiệm vụ cụ thể và lề lối làm việc giữa các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị thuộc Sở.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có những vấn đề mới phát sinh, nếu thấy cần thiết thì Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của Ngành và địa phương./.