ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 240/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 11 năm 1987 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983.
- Để thực hiện Nghị quyết của Thành ủy (thông báo số 24/TB-TU) về một số qui chế và chính sách đối với khu vực nông thôn và nông nghiệp ngoại thành.
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh ;
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU 1: Ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp.
ĐIỀU 2: Qui định này có giá trị thực hiện trên địa bàn thành phố kể từ ngày ký.
ĐIỀU 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ-UB ngày 7-11-1987 của UBND Thành phố)
Để tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn, gắn cải tạo nông nghiệp với cải tạo công thương nghiệp, xóa bỏ đồng thời các hình thức bóc lột, tổ chức lại sản xuất và đời sống từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp.
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
ĐIỀU 1 : Hợp tác xã nông nghiệp là tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa do nông dân lao động tự nguyện lập ra, hạch toán kinh tế đầy đủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được vay vốn và mở tài khoản ở ngân hàng theo quy định của Nhà nuớc, Hợp tác xã nông nghiệp chịu sự quản lý và kiểm tra của Ủy ban nhân dân xã (phường) trong phạm vi pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước. Mối quan hệ kinh tế của hợp tác xã với các công ty, xí nghiệp, công-nông-lâm trường, trạm trại quốc doanh và giữa các hợp tác xã với nhau là quan hệ ngang, bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi trên cơ sở hợp đồng kinh tế và pháp luật Nhà nước.
ĐIỀU 2 : Hợp tác xã nông nghiệp được chủ động tổ chức sản xuất – kinh doanh trên cơ sở khai thác tốt nhất mọi khả năng về lao động, đất đai, mặt nước, cơ sở vật chất - kỹ thuật, nguyên liệu tại chỗ và các nguồn vốn có thể huy động được nhằm mục đích phát triển sản xuất, cải thiện đời sống xã viên, tăng tích lũy tái sản xuất, mở rộng và đóng góp đầy đủ các khoản nộp ngân sách theo quy định Nhà nước. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, phạm vi kinh doanh của hợp tác xã được xác định bởi điều kiện kinh tế tự nhiên khả năng lao động qui mô tổ chức và trình độ quản lý của mỗi hợp tác xã.
ĐIỀU 3 : Mọi hoạt động kinh tế của Hợp tác xã nông nghiệp được tiến hành theo kế hoạch, hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp qui hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và vùng lãnh thổ. Kết quả sản xuất kinh doanh được phân phối hài hòa lợi ích 3 khu vực (người lao động, tậo thể và toàn xã hội), bảo đảm nguyên tắc thống nhất kinh doanh và thống nhất phân phối theo lao động. Trong tình hình hợp tác xã đang xây dựng phát triển các ngành nghề, trước mắt hợp tác xã được thự hiện chế độ hạch toán và phân phối theo ngành nghề, kết hợp với sự điều tiết hợp lý thu nhập giữa lao động các ngành nghề trong hợp tác xã. Phương án phân phối phải được hội nghị xã viên nhất trí thông qua.
II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
ĐIỀU 4 : Căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và chế độ quản lý của Nhà nước, qui hoạch tổng thể của huyện, quận ven, theo nhu cầu đời sống và điều kiện lao động, đất đai, mặt nước, cơ sở vật chất - kỹ thuật, nguyên liệu và mọi nguồn vốn có thể huy động được, kể cả khả năng liên doanh, liên kết; hợp tác xã nông nghiệp tự quyết định phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, thông qua việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề hợp lý.
a) Về nông nghiệp :
Hợp tác xã được lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương án kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Thông qua chính sách kinh tế, chế độ quản lý, qui trình kỹ thuật và hệ thống chi tiêu, định mức chuẩn. Nhà nước thực hiện quyền chỉ đạo và kiểm soát đối với hợp tác xã.
Khi thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hợp tác xã không được làm trái mục đích sử dụng ruộng đất được xác định trong qui hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương như : không được chuyển diện tích trồng cây hàng năm sang cây lâu năm, đất nông nghiệp sang đất lâm nghiệp, đất sản xuất sang đất chuyên dùng… Trường hợp cần thiết phải thay đổi mục đích sử dụng ruộng đất, hợp tác xã phải kiến nghị và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì mới được thực hiện.
b) Về ngành nghề :
Thông qua cải tạo xã hội chủ nghĩa theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, hợp tác xã được vận dụng các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh : đưa vào tập thể hóa, liên doanh và hợp đồng sử dụng các cơ sở tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong địa bàn hợp tác xã ; xây dựng thêm các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm hoặc gia công cho nhà nước, phát triển lò rèn cơ khí sửa chữa, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói), sửa và làm đồ mộc gia dụng v.v.. dựa vào nguyên liệu tại chỗ tự cân đối được. Ngoài khả năng tự có, hợp tác xã có thể liên doanh với các hợp tác xã nông nghiệp trong khu vực hoặc liên doanh với các thành phần kinh tế khác để phát triển ngành nghề nhất là chế biến nông sản phẩm nhằm tạo thêm việc làm, tăng giá trị hàng hóa và cải thiện đời sống xã viên.
Khi xây dựng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã không phải đăng ký xin được công nhận về tư cách pháp nhân nhưng phải lập luận chứng kinh tế kỹ thuật thông qua Ủy ban nhân dân xã trình lên Ủy ban nhân dân huyện nhằm bảo đảm sự phát triển hợp lý công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện và có thể sử dụng điện, nước, vay vốn ngân hàng và cung ứng một phần nguyên liệu, vật liệu hoặc gia công cho Nhà nước.
c) Về dịch vụ :
Sau khi làm tròn nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp và bán sản phẩm theo hợp đồng kinh tế hai chiều với Nhà nước, hợp tác xã nông nghiệp được mở các cửa hàng bán sản phẩm do tập thể và kinh tế gia đình sản xuất ở xã hoặc ở thị trấn huyện hoặc ở phường nội thành thông qua hợp tác liên doanh với phường. Hợp tác xã được mua tư liệu sản xuất ngoài kế hoạch và hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ sản xuất và đời sống xã viên. Hợp tác xã bán sản phẩm ngoài nghĩa vụ và hợp đông kinh tề hai chiều cho các đơn vị thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (quốc doanh và tập thể) không hạn chế địa giới hành chánh, theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Trường hợp thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không mua, thiếu hàng bán theo yêu cầu của hợp tác xã thì hợp tác xã được mua bán tự do trong khuôn khổ quy định về quản lý thị trường. Nếu hợp tác xã khơi được nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống của xã viên từ các tỉnh, thành phố khác thì phải xin phép Ủy ban nhân dân huyện, quận.
Hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức các loại dịch vụ cho xã viên như : cắt tóc, may đo, sửa chữa đồ dùng gia đình, cưới hỏi, vui chơi, giải trí cùng một số văn hóa phẩm lành mạnh và phục vụ mai táng v.v…
d) Về nguồn vốn :
Hợp tác xã nông nghiệp được nhận vốn ứng trước và huy động vố nhàn rỗi của xã viên để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của hợp tác xã. Ngược lại hợp tác xã có vốn nhàn rỗi, có thể cho xã viên vay mượn theo lãi suất tín dụng nội bộ do đại hội hoặc đại hội đại biểu xã viên quyết định. Hợp tác xã nông nghiệp có trách nhiệm phối hợp với hợp tác xã tín dụng trong việc huy động vốn và cho vay đúng đối tượng, đúng hướng sản xuất của tập thể và gia đình.
ĐIỀU 5 : Hợp tác kinh tế.
Sau khi đã khai thác hết mọi khả năng tự có, khả năng hỗ trợ của Nhà nước và liên doanh, liên kết với khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa trong và ngoài thành phố. Hợp tác xã còn được liên doanh, hợp tác với những hộ tư nhân có vốn và thực sự có tay nghề trên địa bàn thành phố nhằm mục đích phát triển sản xuất, trước hết là khai thác đất hoang hóa, mặt nước và các ngành nghề đòi hỏi đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, trình độ kỹ thuật và tay nghề cao.
ĐIỀU 6 : Chế độ trả công lao động :
Hợp tác xã nông nghiệp cần thực hiện phổ biến hình thức khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp và ngành nghề khác. Áp dụng chế độ trả công cho lao động quản lý, chuyên khâu, chuyên việc… gắn với hiệu quả làm việc của mỗi người.
ĐIỀU 7 : Giải quyết lương thực đối với lao động ngành nghề :
Những lao động làm ngành nghề theo sự phân công của hợp tác xã, được tập thể và Nhà nước bán lương thực theo định lượng của lao động ngành nghề bằng giá bảo đảm kinh doanh của Công ty lương thực. Những hợp tác xã có trồng lúa, trước hết phải tự cân đối lương thực cho lao động ngành nghề. Trường hợp thực sự không đủ lương thực để cân đối, Nhà nước sẽ bán bổ sung phần thiếu cho lao động ngành nghề của hợp tác xã. Những hợp tác xã chuyên canh rau và cây công nghiệp, lao động ngành nghề được bán lương thực định lượng theo giá kinh doanh.
ĐIỀU 8 : Hợp tác xã có nghĩa vụ đóng góp ngân sách Nhà nước như sau :
a) Phải bảo đảm làm tròn nghĩa vụ nộp thuế theo pháp lệnh thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp hiện hành. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ có văn bản riêng hướng dẫn thực hiện trên địa bàn thành phố nhằm vận dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
b) Ngoài các loại thuế nói trên, hợp tác xã nông nghiệp có nghĩa vụ trích nộp 20% tổng số quỹ công ích vào ngân sách xã (phường), Ban quản lý hợp tác xã không được thay mặt xã viên đóng góp tiền và hiện vật cho các cuộc lạc quyên, rồi trừ vào phương án phân phối của xã viên. Để thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hưởng ứng các cuộc lạc quyên chính đáng do thành phố và cấp huyện phát động, hợp tác xã có trách nhiệm tích cực cùng với các cơ quan, đoàn thể đến vận động từng hộ xã viên tự nguyện đóng góp.
ĐIỀU 9 : Tổ chức bộ máy và chế độ thù lao cán bộ.
a) Bộ máy quản lý của hợp tác xã nông nghiệp gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm do đại hội hoặc đại hội đại biểu xã viên bầu cử theo nguyên tắc trực tiếp và bỏ phiếu kín, cùng một số cán bộ giúp việc do Ban quản lý chọn và phân công. Số lượng các Phó Chủ nhiệm và cán bộ giúp việc do qui mô diện tích, ngành nghề và chế độ quản lý mà đại hội xã viên quyết định trên nguyên tắc bộ máy quản lý tinh gọn, có hiệu lực, số lượng Phó Chủ nhiêm không quá 4 người.
b) Chế độ thù lao cán bộ, về cơ bản vẫn thực hiện theo thông tư số 09 ngày 12 tháng 9 năm 1984 của Bộ Nông nghiệp. Song để gắn lao động quản lý và chuyên việc với sản phẩm cuối cùng, cán bộ chuyên trách ngành nào (kể cả Phó Chủ nhiệm) được phân phối theo hiệu quả sản xuất kinh doanh và hạch toán và ngành đó. Những cán bộ phụ trách chung như Chủ nhiệm, kế toán trưởng… và cán bộ phụ trách ngành nghề mới xây dựng, sản xuất chưa ổn định có thể được điều tiết thêm một phần thu nhập hợp lý, do hội nghị xã viên quyết định.
ĐIỀU 10 : Cơ quan quản lý chỉ đạo cấp trên của hợp tác xã.
Để giúp cho Ủy ban nhân dân các cấp quản lý chỉ đạo và kiểm tra mọi hoạt động của hợp tác xã, ngành nông nghiệp là cơ quan quản lý Nhà nước đối với các hợp tác xã nông nghiệp và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp. Các ngành công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng có chức năng hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
ĐIỀU 11 : Giám đốc các Sở nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, thủ trưởng các cơ quan đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận ven chịu trách nhiêm tổ chức thực hiện quy định này.
Sau thời gian thực hiện, trên cơ sở kết rút kinh nghiệm Ủy ban nhân dân thành phố sẽ sửa đổi bổ sung hoàn chỉnh quy định cho sát hợp với tình hình thực tiễn.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh