BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 244-BXD/GĐ | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1990 |
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng số 196-HĐBT ngày 11-12-1989 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ.
Căn cứ Nghị định số 385-HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi bổ sung, thay thế Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản đã ban hạnh kèm theo Nghị định 232-CP ngày 6-6-1991;
Căn cứ Nghị định số 59-HĐBT ngày 14-4-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ xây dựng;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành "Điều lệ giám sát kỹ thuật của chủ đầu tư".
Điều 2: Bản điều lệ này được áp dụng thống nhất đối với mọi chủ đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| Nguyễn Mạnh Kiểm (Đã ký) |
GIÁM SÁT KỸ THUẬT CỦA CHỦ ĐẦU TƯ
(Ban kèm theo Quyết định số 244/BXD-GĐ ngày 24-12-1990 của Bộ trưởng Bộ xây dựng)
Điều 1. Công tác giám sát kỹ thuật trên hiện trường, xây lắp là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của chủ đầu tư nhằm mục đích:
- Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư xây dựng công trình;
- Giám sát một cách có hệ thống sự phù hợp của công tác xây lắp, với thiết kế dự toán được duyệt, các định mức, tiêu chuẩn, các chỉ dẫn kỹ thuật và quy định hiện hành.
- Nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Điều 2. Chủ đầu tư được quyền thuê các tổ chức khảo sát, thiết kế, nghiên cứu khoa học có tư cách pháp nhân làm công tác giám sát kỹ thuật trên hiện trường xây lắp.
Điều 3. Tất cả các công trình, xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước hoặc tập thể không phân biệt nguồn vốn và cấp hạn ngạch đều phải thực hiện giám sát kỹ thuật theo đúng quy định của bản điều lệ này.
Điều 4. Các cán bộ giám sát kỹ thuật là đại diện chủ đầu tư công trình trên hiện trường xây lắp về công việc được giao, có trách nhiệm thực hiện chức năng phù hợp với quy định của điều lệ này.
Điều 5. Cán bộ giám sát kỹ thuật phải là kỹ sư, kiến trúc đã qua thực tế sản xuất không dưới 3 năm hoặc trung cấp kỹ thuật đã qua thực tế ở hiện trường xây lắp từ 5 năm trở lên.
Điều 6. Các cán bộ giám sát kỹ thuật phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan giám định xây dựng các cấp về quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình.
NHIỆM VỤ CỦA CÁN BỘ GIÁM SÁT KỸ THUẬT
Điều7. Cán bộ giám sát kỹ thuật phải tuân theo các phương thức hoạt động sau:
- Giám sát thường xuyên
- Kiểm tra định kỳ
- Kiểm tra bộ phận hạng mục công trình bị che khuất hoặc đặc biệt quan trọng.
Điều 8. Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng, nhiệm vụ của cán bộ giám sát kỹ thuật là:
a. Đối chiếu đề án thiết kế với tiêu chuẩn điều kiện kỹ thuật và thực tế hiện trường, phát hiện những sai sót hoặc bất hợp lý để đề nghị với đơn vị thiết kế công trình sửa đổi.
b. Nghiên cứu bản vẽ thi công, nắm vững chi tiết kết cấu bộ phận hạng mục công trình được phân công theo dõi, các phần việc có tính chất quyết định đối với chất lượng công trình.
c. Kiểm tra việc bàn giao mặt bằng xây dựng công trình với tổ chức xây lắp (tim, cốt, các mốc định vị công trình...)
Điều 9. Trong giai đoạn xây lắp nhiệm vụ của cán bộ giám sát kỹ thuật là:
a. Theo dõi kế hoạch tiến độ thi công để thực hiện việc giám sát kỹ thuật kịp thời.
b. Kiểm tra sự thực hiện các công trình xây lắp phù hợp với thiết kế, tiêu chuẩn định mức, các điều kiện kỹ thuật thi công.
Điều 10. Khi thực hiện giám sát thường xuyên, nhiệm vụ của giám sát kỹ thuật là:
- Phối hợp với cán bộ kỹ thuật của đơn vị xây lắp để kịp thời phát hiện sai sót ngăn ngừa hiện tượng làm không đúng thiết kế, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, xác nhận những phần việc phát sinh (tăng giảm khối lượng, thay đổi quy cách vật liệu xây dựng, hậu quả, thiên tai...) làm cơ sở cho việc lập dự toán bổ sung và thanh quyết toán công trình.
Điều 11. Thực hiện kiểm tra định kỳ 10 ngày, kiểm tra theo giai đoạn quy ước để đánh giá chất lượng, xác nhận khối lượng hoàn thành làm căn cứ để tiến hành nghiệm thu bộ phận, hạng mục công trình và toàn bộ công trình.
+ Trong kiểm tra định kỳ cán bộ giám sát kỹ thuật cần tiến hành kiểm tra, tình trạng tim, cốt, tuyến các độ, kích thước kết cấu mối nối liên kết... của bộ phận, hạng mục công trình so với thiết kế; chất lượng xây lắp công trình trong thực tế và kiểm tra lại kết quả thử nghiệm.
+ Trong kiểm tra theo giai đoạn quy ước cần xác định khối lượng, đánh giá chất lượng bộ phận, hạng mục công trình đã hoàn thành làm cơ sở nghiệm thu bộ phận hạng mục công trình.
Những khối lượng thực hiện và cán bộ giám sát kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật thi công, chưa thống nhất đánh giá tình trạng chất lượng thì cán bộ giám định kỹ thuật phải kịp thời đề đạt lên cấp có thẩm quyền không để ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình.
Điều 12. Các bộ phận công trình sẽ bị che lấp và những bộ phận quan trọng chủ yếu của công trình phải được kiểm tra đánh giá chất lượng công tác xây lắp đã hoàn thành, nghiệm thu bộ phận đó trước khi lắp kín hoặc thi công tiếp tục.
Điều 13. Cán bộ giám sát kỹ thuật phải theo dõi quá trình lấy mẫu và kiểm tra kết quả thí nghiệm của tổ chức xây lắp (thí nghiệm dung trọng đất, đúc mẫu, kiểm tra cường độ bê tông, chất lượng mối hàn v.v...) Trường hợp thấy nghi ngờ phải tự làm để kiểm tra hoặc đề nghị các cơ sở thí nghiệm khác kiểm tra lại.
Điều 14. Cán bộ giám sát kỹ thuật phải lập các biên bản về việc đưa đến hiện trường xây lắp các loại vật liệu xây dựng, cấu kiện thiết bị chất lượng xấu không đáp ứng tiêu chuận, điều kiện kỹ thuật và không cho phép sử dụng chúng khi chưa có biện pháp xử lý kỹ thuật.
Điều 15. Cán bộ giám sát kỹ thuật phải ghi vào nhật ký công trình hoặc các biên bản những vấn đề sau:
a. Sự sai phạm so với thiết kế, các thiếu sót và các vi phạm những điều kiện kỹ thuật trong công tác xây lắp.
b. Các yêu cầu cụ thể, biện pháp khắc phục các khuyết tật các sai phạm so với thiết kế và sự vi phạm các điều kiện kỹ thuật xác định rõ yêu cầu về thời gian để khắc phục các thiếu sót đó.
c. Các thay đổi thiết kế trong quá trình thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các đề xuất của tổ chức xây lắp đã được thiết kế chấp nhận bằng văn bản và của cán bộ giám sát tác giả thuộc cơ quan thiết kế.
Điều 16. Cán bộ giám sát kỹ thuật, có trách nhiệm tham gia tiểu ban kỹ thuật của Hội đồng nghiệm thu cơ sở kiểm tra, nghiệm thu bộ phận hạng mục công trình và toàn bộ công trình.
Điều 17. Các cán bộ giám sát kỹ thuật trên cơ sở nhiệm vụ được giao có trách nhiệm bảo quản các tài liệu được thiết lập trong quá trình xây dựng, biên bản nghiệm thu, hồ sơ hoàn công để bàn giao cho tổ chức tiếp nhận đưa công trình vào sử dụng và cơ quan lưu trữ quản lý.
Điều 18. Các cán bộ giám sát kỹ thuật có trách nhiệm báo cáo tình hình, chất lượng bộ phận, hạng mục công trình mình phụ trách theo định kỳ hàng tháng, quý, năm cho Hội đồng nghiệm thu cơ sở.
QUYỀN HẠN CỦA CÁC CÁN BỘ GIÁM SÁT KỸ THUẬT
Điều 19. Yêu cầu các tổ chức xây lắp công trình thực hiện đúng thiết kế được duyệt tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và chế độ thể lệ quản lý xây dựng cơ bản.ý kiến của cán bộ giám sát kỹ thuật ghi trong nhật ký công trình là một yêu cầu bắt buộc các tổ chức xây lắp đơn vị thiết kế công trình phải xem xét giải quyết thoả đáng, kịp thời.
- Không nghiệm thu xác nhận những khối lượng xây lắp và đề nghị không thanh toán các dạng khối lượng sau:
+ Các khối lượng đã thực hiện không đúng thiết kế mà chưa được xử lý thoả đáng, không đảm bảo chất lượng.
+ Các khối lượng chưa được kiểm tra.
+ Các công tác xây lắp đã hoàn thành có sử dụng các loại vật liệu không đảm bảo yêu cầu của thiết kế.
- Ngừng có thời hạn phần việc xây lắp có chất lượng không bảo đảm hoặc phát hiện các biến dạng đáng ngờ, có nguy cơ xảy ra sự cố đột biến đồng thời phải báo nhanh cho lãnh đạo đơn vị xây lắp, thiết kế biết để giải quyết và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, cơ quan giám định xây dựng Nhà nước tại điạ phương.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ GIÁM SÁT KỸ THUẬT
Điều 20. Cán bộ giám sát kỹ thuật chịu trách nhiệm về việc:
a. Xác nhận không đúng với tổ chức xây lắp các khối lượng đã thực hiện không đúng thiết kế, không đúng với điều kiện kỹ thuật thi công và nghiệm thu công tác xây lắp không đảm bảo chất lượng.
b. Lập biên bản không đúng với thực tế và các tài liệu khác trong quá trình giám sát kỹ thuật.
c. Để tổ chức xây lắp thi công không phù hợp với thiết kế và không có lý do đầy đủ.
d. Các quyết định của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Điều 21. Cán bộ giám sát kỹ thuật của chủ đầu tư không được phép kiêm nhiệm các công tác của tổ chức xây lắp hoặc tổ chức thiết kế công trình, mình phụ trách hoặc thực hiện nhiệm vụ riêng của các cơ quan này giao cho.
Cán bộ giám sát không được quyết định cho thay đổi thiết kế và dự toán đã được duyệt trong quá trình xây dựng. Việc thay đổi chỉ tiến hành theo thủ tục đã được quyết định.
Ngoài ra cán bộ giám sát còn có trách nhiệm đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức xây lắp thi công đúng tiến độ và phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị và pháp luật Nhà nước nếu phát hiện thấy thiếu trách nhiệm, thiếu khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ.
- 1 Quyết định 21/2000/QĐ-BXD công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 2 Nghị định 385-HĐBT năm 1990 sửa đổi thay thế Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản kèm theo Nghị định 232-CP năm 1981
- 3 Nghị định 196-HĐBT năm 1989 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4 Nghị định 59-HĐBT năm 1988 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 5 Nghị định 232-CP năm 1981 Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản do Hội đồng Chính phủ ban hành