Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2456/2002/QĐ/UB-VX

Hà Tĩnh, ngày 14 tháng 11 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KH&KT HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam;

- Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TU ngày 31/5/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 2 Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh;

- Xét đề nghị của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh.

Điều 2: Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Các ông: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh, Thủ trưởng các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đ/c Chủ tịch, Các Đ/c PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Viện KSND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Chánh, Phó VP/UB;
- Lưu: VT, VX-TH

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quyết Thắng

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KH&KT HÀ TĨNH
(Ban hành kèo theo Quyết định số 2456/2002/QĐ/UB-VX ngày 14/11/2002)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích yêu cầu.

1. Liên hiệp hội KH&KT tỉnh chịu trách nhiệm tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách, các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học, công nghệ và môi trường (gọi chung là đề án) của tỉnh có tính phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành do các chủ đề án hoặc Hội đồng thẩm định đề án đề nghị hoặc do Liên hiệp Hội tự đề xuất và được sự đồng ý của UBND tỉnh.

2. Mục đích hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh là cung cấp cho chủ đề án hoặc hội đồng thẩm định đề án và UBND tỉnh có thêm các cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện các đề án.

3. Tính chất hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh là không vì lợi nhuận, không phải là hoạt động nghề nghiệp, là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các đề án của tỉnh.

Điều 2: Nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

1. Tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện các đề án.

2. Phản biện là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.

3. Giám định xã hội là hoạt động theo dõi việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện, mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án.

Chương 2.

HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

Điều 3: Trình tự tổ chức hoạt động

1. Khi xét thấy cần thiết, Chủ đề án hoặc Hội đồng thẩm định án, hoặc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đề xuất UBND tỉnh hoặc UBND tỉnh yêu cầu phải thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh đối với đề án.

2. Sau khi UBND tỉnh có yêu cầu, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh căn cứ nội dung, yêu cầu của đề án và hướng dẫn của Bộ Tài chính để làm đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí tư vấn, phản biện và giám định hiệp hội đối với đề án gửi đến cơ quan yêu cầu và UBND tỉnh kèm theo danh sách trích ngang các chuyên gia được bố trí thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đề án.

3. Chủ đề án hoặc Hội đồng thẩm định đề án đề xuất UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh lập.

4. Liên hiệp hội KH&KT tỉnh thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của mình theo đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí tư vấn, phản biện và giám định xã hội được UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 4: Trách nhiệm của cơ quan đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội đề án:

1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tư liệu cần thiết liên quan đến đề án. Tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp Hội KH&KT tỉnh thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề cương nhiệm vụ được tỉnh phê duyệt.

2. Bảo đảm các điều kiện thuận lợi về kinh phí và sử dụng cơ sở vật chất (nếu có thỏa thuận trên cơ sở chi phí được UBND tỉnh phê duyệt) cho Liên hiệp hội KH&KT tỉnh thực hiện nhiệm vụ được yêu cầu.

3. Xử lý các kiến nghị trong văn bản tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh. Văn bản tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh được tập hợp trong hồ sơ đề án gửi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5: Trách nhiệm của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh.

1. Có biện pháp tổ chức thích hợp để tập hợp các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi ở các cơ quan, tổ chức, hội chuyên ngành có liên quan để đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội các đề án theo yêu cầu và đề cương nhiệm vụ được duyệt đạt chất lượng cao.

2. Lập đề cương nhiệm vụ, dự toán chi phí, tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với đề án theo đúng quy định và yêu cầu của đề án. Lập danh sách trích ngang các chuyên gia được bố trí thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đề án trình cơ quan yêu cầu và UBND tỉnh xem xét và thỏa thuận.

3. Lập báo cáo kết quả và báo cáo quá trình thực hiện đề cương nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với đề án. Tập hợp những văn bản, ý kiến liên quan báo cáo cơ quan yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội đề án.

4. Đảm bảo yêu cầu về nội dung, tiến độ thực hiện và tính độc lập khách quan, trung thực của nội dung báo cáo kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội của mình.

5. Chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội và những ý kiến do Liên hiệp hội KH&KT tỉnh thống nhất đề xuất.

6. Quản lý bảo mật (nếu có yêu cầu) các hồ sơ, tư liệu của đề án được cung cấp. Bảo quản các phương tiện kỹ thuật và hoàn trả sau khi hoàn thành nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo yêu cầu (nếu được giao sử dụng).

Điều 6: Cơ chế tài chính:

1. Nguyên tắc xác định chi phí cho các hình thức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh là phi lợi nhuận.

2. Trước mắt chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Liên hiệp hội KH&KT tỉnh thực hiện chức năng nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của mình theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động của Liên hiệp hội KH&KT tỉnh tại Quyết định số 719/QĐ/UB.TKCT ngày 27/5/1995 của UBND tỉnh và được hưởng lương, phụ cấp theo quy định hiện hành.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7:

1. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chủ tịch Liên hiệp hội KH&KT tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy chế này.

2. Liên hiệp hội KH&KT tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy chế này đến các cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu có vướng mắc hoặc những vấn đề phát sinh ngoài các nội dung quy định trong quy chế này, các cơ quan, đơn vị cần báo cáo về Liên hiệp hội KH&KT tỉnh, UBND tỉnh để xem xét quyết định./.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH