THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2457/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sản xuất sản phẩm, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
2. Mục tiêu đến năm 2015
a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có các công nghệ bảo đảm cho việc sản xuất, cung ứng được ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao đạt trình độ quốc tế.
b) Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 30% tổng giá trị công nghiệp, nâng cao chất lượng các dịch vụ; tăng nhanh giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng nhanh quy mô, giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của đất nước.
c) Hình thành và phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, ít nhất 80 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm.
d) Xây dựng và phát triển khoảng 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và cơ sở hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao, ít nhất 40 cơ sở nghiên cứu, đào tạo, tập thể nghiên cứu khoa học mạnh về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ cao thực hiện các dự án, nhiệm vụ của Chương trình.
3. Mục tiêu đến năm 2020
a) Nghiên cứu, làm chủ, phát triển tạo ra các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Tạo ra được ít nhất 10 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
b) Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2015, tạo ra các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, giải quyết các nhiệm vụ chủ chốt trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
c) Hình thành và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm.
d) Xây dựng và phát triển khoảng 40 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và cơ sở hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Hình thành và phát triển 50 tập thể nghiên cứu khoa học mạnh về công nghệ có các công trình nghiên cứu về công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Phát triển được 20 cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ quốc tế.
1. Nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ cao
Tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, các công nghệ để sản xuất các sản phẩm thuộc Danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Trước mắt tập trung vào một số công nghệ sau:
a) Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông: công nghệ làm nền tảng cho phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ vi mạch điện tử, phần mềm nền. Các công nghệ bảo đảm cho xây dựng hạ tầng viễn thông hiện đại, mạng Internet thế hệ mới, chế tạo các thiết bị đầu cuối, nhận dạng và xử lý tiếng Việt cho các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông, an toàn và an ninh thông tin, vận hành và khai thác hiệu quả vệ tinh viễn thông của Việt Nam.
b) Trong lĩnh vực công nghệ sinh học: công nghệ gen ứng dụng trong chẩn đoán, giám định và điều trị các loại bệnh, đặc biệt là các loại bệnh hiểm nghèo; chế tạo và sản xuất vắc-xin tái tổ hợp, protein tái tổ hợp; tạo các giống cây, vi sinh vật chuyển gen có giá trị kinh tế cao. Công nghệ tế bào gốc phục vụ chẩn đoán, điều trị, thay thế các mô, cơ quan. Công nghệ tế bào trong chọn, tạo giống mới trong nông, lâm, thủy sản. Công nghệ enzym - protein phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm, dược phẩm. Công nghệ vi sinh định hướng công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường. Bước đầu hình thành bản đồ gen của người Việt Nam.
c) Trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa: công nghệ thiết kế và chế tạo với sự trợ giúp của máy tính trong công nghiệp, thiết lập hệ thống và chế tạo thiết bị đo, điều khiển tự động cho các nhà máy điện, chế biến thực phẩm, sản xuất dược liệu, khai thác dầu khí và sản xuất nông nghiệp. Các công nghệ để chế tạo máy công cụ điều khiển số, robot công nghiệp và dịch vụ, hệ thống vi cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử, sản xuất phần mềm nền cho chế tạo các thiết bị tự động, thiết bị điều khiển điện tử công suất cho hệ thống điện và thiết bị chuyên dụng công nghiệp, điện tử y - sinh.
d) Trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới: công nghệ để chế tạo các vật liệu hợp kim phục vụ cho công nghiệp chế tạo máy, đặc biệt là thép hợp kim chất lượng cao, các hợp kim có tính năng tổng hợp, vật liệu siêu bền, siêu nhẹ trong xây dựng. Các công nghệ chế tạo sản phẩm compozit, polyme, vật liệu điện tử và quang tử trong các linh kiện, thiết bị của hệ thống viễn thông, đặc biệt là mạng cáp quang. Công nghệ nano để ứng dụng trong công nghiệp, y tế, nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
2. Ứng dụng công nghệ cao
Tổ chức xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển vào các ngành, lĩnh vực. Trước mắt tập trung ứng dụng công nghệ cao cho các nhiệm vụ sau:
a) Trong công nghiệp và dịch vụ:
Chế tạo các thiết bị đo, điều khiển tự động, thiết bị y - sinh cho phát triển ngành điện tử và tin học. Nâng cao năng lực chế tạo máy, đặc biệt là chế tạo máy động lực, máy công cụ có độ chính xác cao. Nâng cao độ tinh khiết và tính năng của các sản phẩm trong luyện kim, đặc biệt các sản phẩm từ nguồn tài nguyên trong nước.
Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, bảo đảm tốt môi trường sinh thái và tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp hóa chất, dược phẩm, chế biến thực phẩm.
Hiện đại hóa các nhà máy điện hiện có, xây dựng các nhà máy điện mới; tạo các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân; giảm tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối; nâng cao hiệu quả điều khiển, điều độ và quản lý hệ thống điện; sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Tạo ra các dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Phát triển các dịch vụ mới như dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và truyền dữ liệu vệ tinh; dịch vụ xử lý ảnh vệ tinh; dịch vụ tính toán đám mây. Nâng cao hiệu quả của dịch vụ tích hợp hệ thống; dịch vụ thiết kế cổng thông tin; dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, ngân hàng di động, ngân hàng qua Internet; dịch vụ xác định trình tự và giám định gen; dịch vụ thử nhanh phát hiện vi sinh vật nguy hại và độc tố.
b) Trong nông nghiệp:
Tạo ra và áp dụng rộng rãi các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản mới có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu vượt trội; các sản phẩm cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm an toàn; các chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại và xử lý môi trường; các chất điều hòa sinh trưởng, chế phẩm sinh học cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi; các bộ kit, các loại vắc-xin, các chất phụ gia.
Thực hiện các quy trình công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý rừng, khai thác và nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển các cơ sở có điều khiển tự động hoặc bán tự động trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc; mở rộng sản xuất cây trồng an toàn, thâm canh trong trồng trọt; đưa vào sử dụng rộng rãi các loại vật tư, thiết bị mới trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.
Quy hoạch áp dụng và quản lý tốt đất đai trồng trọt, quản lý cây trồng tổng hợp và thu hoạch theo thời vụ, điều tra và khai thác nguồn lợi thủy sản, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý điều hành và thi công các công trình thủy lợi, sử dụng tài nguyên nước.
c) Trong y tế, môi trường:
Nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh, sản xuất được các loại thuốc phòng chống, điều trị các bệnh nguy hiểm phổ biến, có mức độ lây lan nhanh, các loại dược liệu y học cổ truyền, nguyên liệu làm thuốc kháng sinh, vitamin và thực phẩm chức năng, các sản phẩm điều trị được sản xuất từ tế bào gốc, các cảm biến sinh học, chip sinh học.
Bảo vệ môi trường, đặc biệt là xây dựng các hệ thống dự báo thời tiết kịp thời và chính xác, hệ thống cảnh báo, phòng chống thiên tai, các hệ thống thiết bị, chế phẩm vi sinh xử lý hiệu quả ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
d) Trong an ninh, quốc phòng:
Chế tạo trang thiết bị và xây dựng hệ thống phòng chống tội phạm công nghệ cao, hệ thống an ninh và phòng thủ quốc gia, hệ thống phòng, ứng phó và phản ứng nhanh đối với chiến tranh tin học, sinh học, hóa học. Chế tạo trang thiết bị tác chiến điện tử và chống khủng bố.
3. Xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao
Tổ chức xây dựng và triển khai các dự án, nhiệm vụ để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.
a) Nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao để đến năm 2020 đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu của nước ta. Công nghiệp phụ trợ đáp ứng mục tiêu nội địa hóa khoảng 50% về giá trị trong các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao sản xuất trong nước.
b) Hình thành, phát triển các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
c) Phát triển nhanh công nghiệp công nghệ thông tin: chế tạo được một số thiết bị máy tính, truyền thông, phần mềm và dịch vụ thương hiệu Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước, mở rộng xuất khẩu tại các thị trường mà Việt Nam có lợi thế. Phát triển nhanh một số doanh nghiệp mạnh về dịch vụ công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông, phần mềm và nội dung số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh các dịch vụ cung cấp thông tin và sản phẩm đa phương tiện trên mạng.
d) Hình thành, phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ để từng bước hình thành công nghiệp công nghệ sinh học, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp sản xuất thiết bị tự động hóa.
đ) Phát triển nhanh các dịch vụ công nghệ cao mới trong viễn thông, truyền hình, ngân hàng, tài chính, y tế, đào tạo, môi trường, khoa học và công nghệ và một số lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.
e) Hình thành các cụm công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao; chuyển dịch cơ cấu các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao.
g) Hình thành mạng lưới phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao chuyên ngành đáp ứng nhu cầu của thị trường, liên kết chuyên ngành về nghiên cứu - sản xuất - thị trường, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
h) Xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể, kế hoạch 5 năm và hằng năm về phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao. Hình thành hệ thống chỉ tiêu thống kê công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao.
4. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và thu hút được các chuyên gia có trình độ cao ở trong và ngoài nước tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
a) Đến năm 2020 hình thành được hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao.
- Xây dựng và đưa vào hoạt động một số cơ sở nghiên cứu trong các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
- Xây dựng và đưa vào hoạt động 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và phát triển 10 phòng thí nghiệm công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Xây dựng được 12 cơ sở hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có các trung tâm hỗ trợ về giải mã, hoàn thiện công nghệ, thiết kế và chế tạo vi mạch điện tử, chế tạo các chi tiết cơ khí chính xác. Hình thành Trung tâm chuyển giao công nghệ để hỗ trợ cho các dự án ứng dụng, sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ sao.
- Xây dựng mạng hạ tầng thông tin hiện đại để hỗ trợ cho nghiên cứu công nghệ cao, mạng thư viện điện tử, mạng khoa học điện tử (e-science) trong cả nước, các trung tâm dữ liệu điện tử, trung tâm tính toán hiệu năng cao.
- Nâng cấp, xây dựng các tạp chí chuyên ngành có uy tín thuộc các lĩnh vực công nghệ cao. Xây dựng hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp ứng dụng, sản xuất và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
b) Đào tạo và huy động được đội ngũ nhân lực công nghệ cao thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, bao gồm:
- Hình thành 50 tập thể nghiên cứu khoa học mạnh có các công trình nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ chuyên môn cho 500 lãnh đạo chủ chốt của các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, 10.000 kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
- Tổ chức cho 20.000 sinh viên thực hiện nghiên cứu và thực tập tại các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, dự án nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Tạo điều kiện cho 2.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài hợp tác thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.
- Huy động được 500 chuyên gia tình nguyện nước ngoài, 1.000 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động công nghệ cao tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam.
- Tổ chức được 20 cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ quốc tế.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ vũ trụ. Phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo tài năng trẻ.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
a) Tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao sau: đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra các dịch vụ công nghệ cao công ích, hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học; hình thành tập thể nghiên cứu khoa học mạnh; hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài để nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn có tác động quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
b) Tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao được hỗ trợ kinh phí để triển khai ứng dụng vào sản xuất và đời sống; sau khi có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường thì sẽ được xét duyệt qua các dự án chương trình cụ thể để hỗ trợ chi phí nghiên cứu đã tự đầu tư.
c) Hỗ trợ chi phí mua thông tin, công nghệ, máy móc thiết bị, sản phẩm mẫu, phần mềm, thuê chuyên gia tư vấn, sáng chế, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với các dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ cao giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.
d) Hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và chi phí vận hành của cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao trong 5 năm đầu hoạt động.
2. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao
a) Đầu tư, hỗ trợ đầu tư các dự án ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển; xây dựng trung tâm tư vấn, đào tạo cho ứng dụng và phát triển công nghệ cao.
b) Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao có nhu cầu vay vốn nước ngoài được Chính phủ xem xét bảo lãnh vốn vay cho từng trường hợp cụ thể.
c) Các tổ chức, cá nhân có dự án mua các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao thuộc Chương trình được vay vốn tín dụng Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định và được Chương trình hỗ trợ lãi suất vay.
d) Hỗ trợ một phần kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tham gia chợ, hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao ở trong nước và nước ngoài.
đ) Doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Chương trình được xem xét áp dụng chỉ định thầu hoặc giao thầu theo quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện các dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
e) Hỗ trợ thử nghiệm kinh doanh đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao mới.
3. Hỗ trợ và tạo điều kiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, đào tạo và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực công nghệ cao
a) Đầu tư, hỗ trợ đầu tư cơ sở nghiên cứu, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghệ cao tại một số khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, trường đại học.
b) Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới một số phòng thí nghiệm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao do các doanh nghiệp tự đầu tư, đặc biệt là các phòng thí nghiệm liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Tạo điều kiện thành lập các cơ sở nghiên cứu của các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới tại Việt Nam.
c) Đầu tư xây dựng một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Hỗ trợ tổ chức đào tạo ngắn hạn cho các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc các ngành công nghệ cao về quản trị công nghệ, quản lý đổi mới công nghệ; đào tạo nhân lực công nghệ cao theo từng nhiệm vụ của Chương trình; tổ chức cho sinh viên nghiên cứu, thực tập tại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ.
4. Áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi
Các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất thử nghiệm, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao thuộc Chương trình được:
a) Hưởng ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
b) Vay tối đa 85% vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được Chương trình hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời hạn 5 năm.
c) Hỗ trợ chi phí nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, xây dựng phòng thí nghiệm, xây dựng trung tâm thiết kế, sản xuất thử nghiệm, mua sản phẩm mẫu, thiết bị và dây chuyền mẫu, thiết bị đo kiểm.
d) Thực hiện quyết toán chỉ một lần đối với vốn ngân sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các nhiệm vụ của Chương trình sau khi nhiệm vụ kết thúc.
đ) Điều chỉnh nội dung và kinh phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đạt được mục tiêu và phù hợp với yêu cầu thực tế.
5. Đa dạng hóa và tập trung nguồn vốn thực hiện Chương trình
Huy động các nguồn vốn của xã hội, tập trung và tăng dần mức vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện Chương trình. Ưu tiên vốn ODA và các nguồn vốn hợp tác quốc tế cho các dự án của Chương trình. Chương trình được huy động kinh phí hợp pháp từ các quỹ, các loại hình tín dụng; đóng góp, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bao gồm: kinh phí thực hiện các chương trình thành phần, thực hiện các hoạt động chung của Chương trình, hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình và các nhiệm vụ khác của Chương trình.
6. Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế về công nghệ cao
Hỗ trợ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, sau đây:
a) Tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương, đặc biệt là với các nước có nền công nghiệp tiên tiến.
b) Thành lập cơ sở, trung tâm phục vụ tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu thập, nắm bắt thông tin, bí quyết công nghệ cao.
c) Hình thành cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu công nghệ cao; các dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về công nghệ cao.
d) Trao đổi chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu, sinh viên của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về công nghệ cao. Mời các chuyên gia công nghệ cao nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tình nguyện đến Việt Nam tham gia tư vấn, nghiên cứu, giảng dạy, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.
7. Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giới thiệu phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cao trong các trường phổ thông.
b) Mời và tạo điều kiện để lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ cao đến Việt Nam trao đổi, tư vấn với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, tham dự diễn đàn, hội thảo với các chuyên gia, sinh viên và học sinh trong nước.
c) Tổ chức các chuyến thăm quan khảo sát, tập huấn cho các cán bộ quản lý hoạch định chính sách của Việt Nam về hoạt động công nghệ cao ở trong nước và nước ngoài.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình thành phần
a) Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao có mục tiêu nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao để ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, sản xuất sản phẩm và cung ứng các dịch vụ công nghệ cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật tiên tiến và đào tạo nhân lực công nghệ cao phục vụ Chương trình với các nội dung được nêu tại II.1, II.2.c, II.2.d và II.4.
b) Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao có mục tiêu ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong công nghiệp và dịch vụ; hình thành và phát triển các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao, một số ngành công nghiệp công nghệ cao ở nước ta với các nội dung được nêu tại II.2.a và II.3.
c) Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong nông nghiệp theo các nội dung được nêu tại II.2.b, tổ chức các nhiệm vụ nhằm hình thành được các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm và một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29 tháng 1 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Phối hợp các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án có liên quan
Căn cứ các mục tiêu, nội dung của Chương trình, thực hiện việc phối hợp giữa các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt liên quan đến nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng và phát triển công nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ về tự động hóa, vật liệu mới, vũ trụ và năng lượng mới.
3. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình
Ban Chỉ đạo Chương trình do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó Trưởng ban thường trực, các thành viên khác gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo Chương trình có nhiệm vụ: tổ chức xây dựng các định hướng, kế hoạch hoạt động chung của Chương trình; thẩm định các chương trình thành phần; điều phối hoạt động của các chương trình thành phần và các chương trình có liên quan đến công nghệ cao; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động của Chương trình; kiểm tra, giám sát, phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời; chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban Chỉ đạo Chương trình có Văn phòng Chương trình đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ban chủ nhiệm các chương trình thành phần thực hiện quản lý hoạt động của các chương trình thành phần. Ban chủ nhiệm các chương trình thành phần do Bộ trưởng các bộ liên quan quyết định thành lập.
4. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương
a) Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Là cơ quan đầu mối giúp Ban Chỉ đạo Chương trình theo dõi, tổng hợp tình hình xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình; phối hợp các chương trình có liên quan đến công nghệ cao; tổ chức triển khai các nhiệm vụ và các biện pháp thực hiện Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, khuyến khích những người làm công nghệ cao.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối các nguồn lực để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
- Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch về công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; thống kê việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch này.
c) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan bố trí ngân sách nhà nước dành cho Chương trình theo quy định của Luật Công nghệ cao.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế tài chính thực hiện Chương trình; cơ chế, chính sách đặc thù cho việc thu thập thông tin, bí quyết công nghệ cao.
- Cấp phát kinh phí thực hiện Chương trình.
d) Các Bộ, chủ trì tổ chức thực hiện chương trình thành phần:
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao.
Bộ Công thương chủ trì xây dựng và triển khai Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng và triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các Bộ chủ trì tổ chức thực hiện chương trình thành phần có nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá; định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình tình hình thực hiện chương trình thành phần.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Xây dựng cơ chế, chính sách và bảo đảm các khoản tín dụng, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay cho các nhiệm vụ của Chương trình.
e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tạo điều kiện thuận lợi về bố trí sử dụng đất, thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi cho việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1 Thông tư 02/2012/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2 Quyết định 176/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật Công nghệ cao 2008
- 4 Luật Tổ chức Chính phủ 2001