Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 248-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1973 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC XÂY DỰNG TRƯỜNG SỞ THUỘC NGÀNH GIÁO DỤC.

 

I. PHƯƠNG HƯỚNG, CHỦ TRƯƠNG VỀ XÂY DỰNG CÁC TRƯỜNG HỌC

Sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ trong những năm qua phát triển với quy mô lớn và tốc độ nhanh, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, những điều kiện vật chất cần thiết để bảo đảm chất lượng giáo dục thì còn quá thiếu thốn, nhiều địa phương phải tổ chức học nhiều ca, học sinh phải ngồi chen chúc, lớp học thiếu ánh sáng, mùa hè quá nóng bức, mùa đông quá rét, nhiều trường chưa có phòng thí nghiệm, vườn trường, xưởng trường, sân chơi, bãi tập… Giáo viên thiếu chỗ làm việc. Việc bảo quản bị buông lỏng. Tình trạng như trên cần được chấm dứt càng sớm càng tốt. Vì vậy việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các trường mẫu giáo, phổ thông, sư phạm đã trở thành một vấn đề hết sức cấp bách, không những chỉ nhằm có đủ chỗ học cho học sinh mà còn phải nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục  và chuẩn bị một số điều kiện để thực hiện cải cách giáo dục trong thời gian tới.

Căn cứ vào khả năng của ta hiện nay, cần phấn đấu để trong một thời gian tương đối ngắn tranh thủ xây dựng tất cả các trường học bằng gạch ngói, nửa kiên cố hoặc kiên cố, trước mắt bảo đảm học 2 ca, sau này từng bước sẽ tiến lên học hai buổi bình thường trong ngày.

Trong những năm 1973-1975, cần huy động mọi khả năng để bảo đảm đủ trường sở cho học sinh học tập; chấm dứt tình trạng phải học 3 ca, 4 ca. Muốn vậy, phải nhanh chóng khôi phục những trường bị chiến tranh tàn phá, tích cực cải tạo các trường hiện có, bảo đảm đủ ánh sáng, không khí, thoáng mát về mùa hè, đủ ấm về mùa đông, đồng thời làm thêm những trường mới; cố gắng tranh thủ xây dựng trường nửa kiên cố hoặc kiên cố; những nơi chưa có điều kiện thì xây dựng bằng tre lá, nhưng phải đúng quy cách. Trong khi xây dựng trường sở, ngoài việc bảo đảm xây dựng các phòng học, phải tuỳ theo khả năng của từng địa phương mà tranh thủ lần lượt xây dựng những cơ sở khác của trường, như phòng thí nghiệm, thư viện, xưởng trường, vườn trường, nhà làm việc và nhà ở của giáo viên, sân chơi, bãi tập…

Từ năm 1976 trở đi, cần đẩy mạnh tốc độ xây dựng bảo đảm tất cả các trường đều làm nửa kiên cố hoặc kiên cố, đồng thời hoàn thành việc xây dựng những cơ sở khác (ngoài những phòng học) của trường.

Đi đôi với việc xây dựng trường sở, phải tích cực và từng bước giải quyết trang bị cần thiết cho trường học: bàn ghế, bảng đen, tủ, tranh ảnh, bản đồ, sách, đồ dùng dạy học, thí nghiệm, lao động, thể dục thể thao.

Quy hoạch xây dựng trường sở phải kết hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn. Việc thiết kế xây dựng, trang bị, thiết bị… cần phải quy định thành mẫu tiêu chuẩn và có quy hoạch chặt chẽ.

II. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

A. Nguồn vốn xây dựng và phương hướng sử dụng nguồn vốn đó.

Trong việc xây dựng các trường học của ngành giáo dục, cần kết hợp sự đóng góp hợp lý, tự nguyện của nhân dân với sự đầu tư thích đáng của Nhà nước.

1. Nguồn vốn dành cho việc xây dựng các trường học của ngành giáo dục bao gồm:

a) Sự đóng góp của nhân dân địa phương về công, tiền, vật liệu. Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục phối hợp nghiên cứu chính sách cụ thể huy động sự đóng góp này để trình Chính phủ thông qua vào tháng 12-1973;

b) Toàn bộ số tiền học phí  thu được của học sinh phổ thông;

c) Phần trích từ quỹ phúc lợi của nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường và quỹ công ích của hợp tác xã;

d) Phần vốn xây dựng cơ bản mà hàng năm Nhà nước dành cho việc xây dựng cơ bản của ngành giáo dục, theo một tỷ lệ thích đáng, phần trích trong tổng số vốn xây dựng cơ bản của các tỉnh, thành phố hàng năm cố gắng dành ít nhất 5%. Ngân sách của các xã cũng cần dành một số vốn theo tỷ lệ do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố hướng dẫn.

2. Phương hướng sử dụng các nguồn vốn trên đây vào việc xây dựng các loại trường học như sau:

a) Việc tu bổ, mở rộng, xây dựng các trường lớp mẫu giáo, vỡ lòng, phổ thông cấp 1, cấp 2, do công trường, nông trường, lâm trường, nhà máy, hợp tác xã, khu phố đảm nhiệm bằng cách trích quỹ phúc lợi của nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, quỹ công ích của hợp tác xã cùng với sự đóng góp của nhân dân. Ngoài ra, ngân sách xã và ngân sách tỉnh, thành phố bổ trợ.

b) Việc tu bổ, mở rộng, xây dựng các trường phổ thông cấp 3 do ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ. Khi thật cần thiết cũng có thể huy động thêm một cách có mức độ sự đóng góp của nhân dân bằng những hình thức thích hợp.

c) Đối với những khu kinh tế mới, những công trường, nông trường, lâm trường mới thành lập… Nhà nước sẽ cấp vốn xây dựng trường lớp mẫu giáo, vỡ lòng, phổ thông cấp 1, 2, 3 cùng với vốn xây dựng toàn bộ cơ sở đó.

d) Việc xây dựng các trường sư phạm (đào tạo và bồi dưỡng) về mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa của các tỉnh, thành phố thì do vốn xây dựng cơ bản của trung ương cấp (nếu ngân sách địa phương không có vốn để xây dựng ) Bộ Giáo dục cần sắp xếp lại cho hợp lý mạng lưới các trường sư phạm hiện nay ở các địa phương.

e) Riêng đối với miền núi, nếu ngân sách của địa phương và sự đóng góp của nhân dân vẫn không đủ để xây dựng  các trường lớp mẫu giáo, phổ thông, thì ngân sách Nhà nước có trách nhiệm trợ cấp cho đủ.

B. Việc quy hoạch xây dựng trường sở, thiết kế thi công và cung cấp nguyên liệu, vật liệu, xây dựng.

Bộ Giáo dục cân hướng dẫn các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố lập quy hoạch xây dựng trường sở của ngành ở địa phương và tổng hợp thành quy hoạch chung để trình Chính phủ và ghi vào kế hoạch Nhà nước.

Bộ Xây dựng cùng với Bộ Giáo dục cần ban hành các bản thiết kế mẫu và quy định tiêu chuẩn sử dụng đất đai và vật liệu. Trên cơ sở kế hoạch của các địa phương, Ủy ban kế hoạch các cấp cần cân đối lực lượng thi công và vật liệu xây dựng cần thiết như gỗ, sắt thép, xi măng, than…để xây dựng và trang bị đủ cho trường học.

Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm lập và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng trường sở của ngành giáo dục ở địa phương. Cụ thể là:

- Ủy ban hành chính các xã, thị trấn chỉ đạo việc xây dựng các trường mẫu giáo, vỡ lòng, các trường phổ thông cấp 1, cấp 2;

- Uỷ ban hành chính các huyện, khu phố chỉ đạo việc xây dựng các trường  phổ thông cấp 3;

- Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc xây dựng các trường sư phạm (đào tạo và bồi dưỡng).

Cần động viên và tổ chức tốt cho giáo viên và học sinh tham gia trồng cây lấy gỗ, làm gạch, ngói, vôi và góp phần xây dựng trường sở theo đúng chỉ thị số 237-TTg ngày 1-12-1970 của Thủ tướng Chính phủ.

C. Việc bảo quản trường sở.

Bảo quản nhà cửa, thiết bị của trường học là trách nhiệm chung của giáo viên, học sinh, trước hết là của Ban giám hiệu với sự giúp đỡ tích cực của chính quyền và nhân dân địa phương.

Để tạo thêm điều kiện đưa việc quản lý nhà trường vào nền nếp, từ nay quy định cho mỗi trường 2 người để làm các việc: bảo quản trường sở, thiết bị (người coi trường); công tác văn phòng, thu học phí, thống kê, kế toán… (cán bộ văn phòng trường).

Ở các trường phổ thông cấp 1, cấp 2 ở thành phố, thị xã, khu công nghiệp và ở tất cả các trường phổ thông cấp 3 (cả thành phố và nông thôn) người coi trường thuộc biên chế Nhà nước; ở các trường phổ thông cấp 1, cấp 2 ở nông thôn người coi trường hưởng theo chế độ định suất áp dụng cho cán bộ xã. Bộ Giáo dục, Bộ Lao động và Bộ Tài chính cần có thông tư liên bộ để hướng dẫn thực hiện vấn đề biên chế này.

Bộ Giáo dục cần ban hành quy chế quản lý các trường sở thuộc ngành giáo dục.

Các Bộ và Uỷ ban hành chính các cấp trong phạm vi trách nhiệm của mình, cần thi hành nghiêm chỉnh và hướng dẫn thi hành quyết định này.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh