Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2489/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 01 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA TỔ LIÊN NGÀNH XỬ LÝ CÁC VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2292/QĐ-UBND ngày 23/8/2016 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc kiện toàn Tổ liên ngành xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 427/TTr-SNV ngày 02 tháng 8 năm 2017 về việc ban hành Quy chế làm việc của Tổ liên ngành xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Quy chế làm việc của Tổ liên ngành xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quy chế làm việc gồm 3 chương, 9 điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 08/4/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế làm việc của Tổ liên ngành xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các thành viên Tổ liên ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Như điều 3 (t/h);
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Website CCHC tỉnh;
- Lưu VT, MCT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tịnh

 

 

QUY CHẾ LÀM VIỆC

CỦA TỔ LIÊN NGÀNH XỬ LÝ CÁC VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổ liên ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận và xử lý những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về thủ tục hành chính.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ liên ngành

1. Làm đầu mối tiếp nhận những ý kiến nêu lên những vướng mắc kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính thông qua các kênh: số điện thoại đường dây nóng cải cách hành chính, địa chỉ email trên Trang thông tin điện tử cải cách hành chính tỉnh, đường dây nóng Lãnh đạo tỉnh chuyển đến hoặc nhận thông tin phản ánh trực tiếp của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp... Phân tích, xử lý kịp thời những vướng mắc, kiến nghị trong phạm vi thẩm quyền của Tổ liên ngành.

2. Phát hiện và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh giải quyết dứt điểm những thủ tục hành chính mà các cơ quan, đơn vị hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị đã tùy tiện đặt thêm gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Yêu cầu và đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh giải quyết dứt điểm, kịp thời, đúng thẩm quyền các vướng mắc và kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

4. Tổ liên ngành trực tiếp và chủ động làm việc với các sở, ban, ngành chức năng, UBND các địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội và các tổ chức, cá nhân để xử lý vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính.

5. Đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý những thủ tục hành chính do các cơ quan, đơn vị hoặc cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tùy tiện đặt thêm gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương giải quyết các vướng mắc và kiến nghị về thủ tục hành chính vượt quá thẩm quyền của tỉnh.

6. Yêu cầu các Sở ngành, địa phương thường xuyên tự rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý để phát hiện những mâu thuẫn chồng chéo, không phù hợp, qua đó đề xuất việc điều chỉnh, bãi bỏ cho phù hợp.

7. Kiến nghị và theo dõi, giám sát việc xử lý nghiêm theo quy định đối với những cán bộ, công chức có hành vi chậm trễ, nhũng nhiễu, tự ý đặt thêm các thủ tục hành chính trong giải quyết công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

8. Được cấp quyền xem xét các yêu cầu của cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin liên quan đến phạm vi giải quyết công việc của Tổ trên cơ sở phục vụ cho các hoạt động tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính.

9. Được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và được sử dụng con dấu của Sở Nội vụ để phục vụ công tác.

Điều 3. Phạm vi giải quyết của Tổ liên ngành

1. Tổ liên ngành có trách nhiệm xử lý những vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính trong phạm vi:

- Những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính.

- Các vướng mắc, kiến nghị đã được các sở, ban, ngành, các địa phương trực tiếp giải quyết nhưng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhận thấy không thỏa đáng và tiếp tục kiến nghị.

- Các vướng mắc, kiến nghị có liên quan đến nhiều sở, ngành mà một sở ngành cụ thể không thể xử lý.

- Trường hợp đặc biệt: Theo chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh, hoặc qua phương tiện truyền thông đại chúng hoặc những thông tin khác mà Tổ liên ngành biết được những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết kịp thời cho cá nhân tổ chức và doanh nghiệp.

2. Tổ liên ngành không giải quyết các hồ sơ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gửi trực tiếp đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các hội tổ chức mà vấn đề đo thuộc chức năng, nhiệm vụ giải quyết của các cơ quan đơn vị này; không giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và những vấn đề khác không thuộc về thủ tục hành chính.

Điều 4. Nguyên tắc làm việc

1. Tổ liên ngành làm việc theo nguyên tắc tập thể. Tổ trưởng quyết định trên cơ sở nhất trí giữa các thành viên. Trong trường hợp ý kiến khác nhau giữa các thành viên mà số ý kiến ngang nhau thì ý kiến của Tổ trưởng là ý kiến quyết định.

2. Đảm bảo giải quyết nhanh, đúng thủ tục trình tự theo quy định và đạt hiệu quả. Tổ trưởng và các thành viên phải ưu tiên giải quyết các công việc của Tổ.

3. Tổ trưởng và các thành viên trao đổi giải quyết nhanh chóng các công việc qua điện thoại, fax, email...

4. Tổ liên ngành họp đột xuất để xử lý những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi khối lượng thông tin tập trung và yêu cầu cấp bách phải giải quyết theo sự triệu tập của Tổ trưởng. Khi lượng thông tin rải rác không cần thiết phải tổ chức họp thì Tổ trưởng sẽ chuyển đến các thành viên phụ trách hoặc chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý ngay và có báo cáo Tổ trưởng

Chương II

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN

Điều 5. Trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ liên ngành

Giám đốc Sở Nội vụ với vai trò là Tổ trưởng là đầu mối quản lý điều hành chung mọi hoạt động của Tổ liên ngành, có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình làm việc của Tổ.

2. Đầu mối tiếp nhận và yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

3. Nhận chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và triển khai việc tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động của Tổ liên ngành.

4. Phân công các thành viên theo dõi, giải quyết các công việc của Tổ liên ngành.

5. Tổ chức họp định kỳ hoặc đột xuất với tất cả các thành viên của Tổ để bàn bạc thống nhất cách thức xử lý, nắm bắt tiến độ giải quyết của các sở ban ngành, địa phương. Họp định kỳ hoặc đột xuất với một số thành viên để giải quyết công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

6. Tổ chức các buổi họp của lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất.

7. Báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Điều 6. Trách nhiệm của Tổ phó

1. Giúp Tổ trưởng thực hiện các công việc nêu tại Điều 5 Quy chế này.

2. Điều hành, giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của Tổ trưởng khi được ủy quyền.

3. Tiếp nhận sự phân công giải quyết công việc của Tổ trưởng.

4. Đề xuất chuẩn bị chương trình, kế hoạch làm việc của Tổ; chuẩn bị các nội dung cuộc họp của Tổ.

5. Dự thảo văn bản, báo cáo trình cấp có thẩm quyền; được quyền thay mặt Tổ trưởng quan hệ công tác với các sở, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan để thực hiện nhiệm vụ.

6. Được thay mặt Tổ trưởng tiếp nhận các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và tham mưu văn bản yêu cầu, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan giải quyết theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm của các thành viên

1. Nhanh chóng và kịp thời tổng hợp, giải quyết các vướng mắc và kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong phạm vi và thẩm quyền. Khi nhận được phản ánh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh, Tổ liên ngành chuyển đến, các thành viên có trách nhiệm giải quyết phải có xử lý và trả lời bằng văn bản, điện thoại, email hoặc trực tiếp làm việc với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; đồng thời báo cáo Tổ trưởng Tổ liên ngành về kết quả giải quyết. Trong trường hợp Tổ liên ngành tổ chức họp để xử lý vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, các thành viên phải có trách nhiệm phân tích, xử lý và giải quyết những thông tin về lĩnh vực, ngành mình quản lý theo thẩm quyền.

2. Nghiên cứu, rà soát những thủ tục hành chính và những quy định trong lĩnh vực mình phụ trách, phát hiện và đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những thủ tục mà các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức các cấp tự đặt thêm, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

3. Có báo cáo định kỳ hàng tháng các hoạt động có liên quan đến nhiệm vụ của Tổ liên ngành thuộc trách nhiệm của cơ quan mình phụ trách về Tổ liên ngành tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Tham dự đầy đủ, đúng thành phần và đúng ngày giờ các cuộc họp định kỳ và đột xuất của nội bộ Tổ liên ngành, họp với lãnh đạo UBND tỉnh và với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Điều 8. Trách nhiệm của Tổ chuyên viên giúp việc

1. Trực tiếp tiếp nhận thông tin về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh: số điện thoại đường dây nóng cải cách hành chính, địa chỉ email trên Trang thông tin điện tử cải cách hành chính tỉnh, đường dây nóng Lãnh đạo tỉnh chuyển đến hoặc nhận thông tin phản ánh trực tiếp của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp...

2. Tổng hợp, phân tích, tham mưu Tổ liên ngành xử lý dứt điểm, kịp thời, đúng hạn và đúng thẩm quyền những kiến nghị, vướng mắc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Chuẩn bị các báo cáo của Tổ liên ngành về kết quả giải quyết kiến nghị để trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

3. Tham mưu Tổ liên ngành đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh giải quyết kịp thời theo quy định những kiến nghị, vướng mắc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

4. Phát hiện và tham mưu Tổ liên ngành đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các địa phương bãi bỏ những thủ tục hành chính tùy tiện đặt thêm gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình giải quyết phản ánh, kiến nghị. Trong trường hợp phát hiện CBCC có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính thì kịp thời báo cáo và tham mưu Tổ liên ngành kiến nghị xử lý theo quy định hiện hành.

5. Chủ động nghiên cứu những vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính để kịp thời tham mưu Tổ liên ngành hướng giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bãi bỏ theo thẩm quyền những thủ tục hành chính không còn phù hợp với thực tiễn gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

6. Hàng năm tham mưu Tổ liên ngành xây dựng kinh phí hoạt động của Tổ liên ngành và Tổ chuyên viên giúp việc.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ liên ngành phân công.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện:

Tổ trưởng, các thành viên Tổ liên ngành, Tổ chuyên viên giúp việc Tổ liên ngành xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần phản ánh kịp thời để Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.