Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2494/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THÁP ĐIỆN GIÓ CÓ XUẤT XỨ TỪ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;

Căn cứ Quyết định số 2639/QĐ-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được phân loại theo các mã HS 7308.20.11 và 7308.20.19, trong trường hợp được nhập khẩu như là một bộ phận của tổ máy phát điện chạy bằng sức gió thì được phân loại theo mã HS 8502.31.10 và 8502.31.20 (mã vụ việc: AD18) với nội dung chi tiết nêu tại Thông báo kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Trình tự, thủ tục điều tra thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NG, TTTT;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Các website: Chính phủ, Bộ Công Thương;
- Tổng cục Hải quan;
- Các Cục: CN, XNK;
- Các Vụ: AP, ĐB, KHCN, PC;
- Văn phòng BCĐLNHNQT về kinh tế;
- Lưu: VT, PVTM (8).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

THÔNG BÁO

ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THÁP ĐIỆN GIÓ CÓ XUẤT XỨ TỪ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
(Kèm theo Quyết định số 2494 QĐ-BCT ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Thông tin cơ bản

Ngày 17 tháng 5 năm 2022, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) (Cơ quan điều tra) nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp CBPG, CTC đối với sản phẩm tháp gió có xuất xứ từ Trung Quốc (Hồ sơ yêu cầu), (sau đây viết gọn là Hồ sơ yêu cầu). Bên yêu cầu (đại diện của ngành sản xuất trong nước) gồm hai công ty: Công ty TNHH CS WIND Việt Nam và Công ty TNHH Năng lượng xanh và tái tạo Phương Nam (SRE).

Trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm định và có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ một số thông tin, nội dung về phạm vi sản phẩm, căn cứ xác định hành vi bán phá giá cũng như dấu hiệu gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Ngày 25 tháng 7 năm 2023, Cơ quan điều tra nhận được hồ sơ hoàn thiện của Bên yêu cầu, trong đó bổ sung đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

Căn cứ khoản 1 Điều 30 và Điều 28 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định số 10/2018/NĐ-CP), ngày 09 tháng 8 năm 2023, Cơ quan điều tra có Thông báo số 73/TB-PVTM xác nhận Hồ sơ yêu cầu đã đầy đủ và hợp lệ.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 5 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 5.5 Hiệp định chống bán phá giá của WTO, ngày 15 tháng 8 năm 2023, Cơ quan điều tra đã có thư gửi Đại sứ quán Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam thông báo về việc nhận được Hồ sơ yêu cầu đầy đủ và hợp lệ.

Theo quy định tại Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp CBPG, Cơ quan điều tra xác định rằng:

- Bên yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước; và

- Có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.

Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương về trình tự, thủ tục điều tra vụ việc PVTM và Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp CBPG, Bộ Công Thương quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với hàng hóa bị điều tra Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc AD18).

2. Nội dung điều tra

Các nội dung điều tra sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 32 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

2.1. Hàng hóa bị điều tra

a) Mô tả hàng hóa:

Phạm vi hàng hóa đề nghị điều tra bao gồm các sản phẩm tháp điện gió có mô tả như sau:

Tên hàng hóa: Tháp điện gió, hoặc tháp gió

Tên tiếng Anh: Wind tower

Sản phẩm tháp điện gió được yêu cầu điều tra là một phần của các máy phát điện sử dụng sức gió, thường có kết cấu bằng thép theo dạng hình trụ. Tháp điện gió là phần nối giữa đế tháp (foundation) và buồng chứa tuabin điện gió (nacelle). Sản phẩm này được dựng trên phần đế tháp để chống đỡ tua bin gió và cánh quạt, có tác dụng chịu lực trong quá trình vận hành của máy phát điện sử dụng sức gió.

Sản phẩm tháp điện gió có thể được phân loại theo các mã HS 7308.20.11 và 7308.20.19, trong trường hợp được nhập khẩu như là một bộ phận của tổ máy phát điện chạy bằng sức gió thì được phân loại theo mã HS 8502.31.10 và 8502.31.20.

Sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu vào Việt Nam hiện đang có mức thuế suất MFN là 3%.

Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hóa bị điều tra để phù hợp với mô tả hàng hóa bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).

b) Xuất xứ của hàng hóa bị điều tra: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

2.2. Thời kỳ điều tra (POI):(i) Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá như sau: từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 đến ngày 30 tháng 6 năm 2023.

(ii) Thời kỳ điều tra để xác định thiệt hại như sau: từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 30 tháng 6 năm 2023.

2.3. Đề xuất về mức thuế của Bên yêu cầu:Bên yêu cầu đã cung cấp được các cơ sở hợp lý để chứng minh về hành vi bán phá giá của hàng hóa được đề nghị điều tra cũng như đã cung cấp dữ liệu để xác định biên độ bán phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ở mức 97%.

3. Trình tự, thủ tục điều tra

3.1. Đăng ký bên liên quan

a) Căn cứ Điều 6 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư số 37/2019/TT-BCT), tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương có thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc với Cơ quan điều tra để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung điều tra được nêu tại Thông báo này.

b) Tổ chức, cá nhân đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 37/2019/TT-BCT và gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ nêu tại Thông báo này trong thời hạn sáu mươi (60) ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định điều tra bằng cách gửi công văn chính thức kèm theo Đơn đăng ký bên liên quan theo một trong hai phương thức sau: (i) bưu điện hoặc (ii) thư điện tử.

c) Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Cơ quan điều tra khuyến nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để thực hiện quyền tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin và bày tỏ quan điểm trong quá trình điều tra của vụ việc.

3.2. Bản câu hỏi điều tra

Căn cứ Điều 35 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP:

Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày có quyết định điều tra, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi điều tra cho các đối tượng sau đây:

- Bên nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG;

- Các nhà sản xuất trong nước khác mà Cơ quan điều tra biết;

- Bên bị đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG mà Cơ quan điều tra biết;

- Các nhà nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;

- Cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của quốc gia nơi xuất xứ của hàng hóa bị điều tra;

- Các bên có liên quan khác.

3.3. Chọn mẫu điều tra

Trong trường hợp số lượng các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước quá lớn hoặc chủng loại hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG quá lớn, Cơ quan điều tra có thể giới hạn phạm vi điều tra. Việc giới hạn phạm vi điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.

3.4. Tiếng nói và chữ viết

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 37/2019/TT-BCT:

a) Tiếng nói và chữ viết dùng trong quá trình điều tra là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có biên dịch và phiên dịch.

b) Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Bên liên quan phải bảo đảm tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

3.5. Bảo mật thông tin

Cơ quan điều tra thực hiện việc bảo mật thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 11 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.

3.6. Hợp tác trong quá trình điều tra

Căn cứ Điều 10 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP:

a) Bất kỳ bên liên quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc gây cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc điều tra thì kết luận điều tra đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

b) Bất kỳ bên liên quan nào cung cấp các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì các chứng cứ đó sẽ không được xem xét và kết luận điều tra đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

c) Cơ quan điều tra khuyến nghị các bên liên quan tham gia hợp tác đầy đủ trong quá trình vụ việc để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

3.7. Quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra

Kể từ khi quyết định điều tra có hiệu lực cho đến khi kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện pháp CBPG, Cơ quan điều tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp CBPG để phục vụ công tác điều tra. Việc khai báo nhập khẩu không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Trình tự thủ tục thực hiện quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra được thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Công Thương sẽ có thông báo chi tiết trong trường hợp áp dụng biện pháp này.

3.8. Tham vấn

Các bên liên quan có quyền yêu cầu tham vấn riêng với Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP với điều kiện việc tham vấn này không ảnh hưởng tới thời hạn điều tra vụ việc.

Trước khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo về việc tổ chức tham vấn cho các bên liên quan chậm nhất ba mươi (30) ngày trước ngày tổ chức tham vấn. Việc tổ chức phiên tham vấn công khai được thực hiện theo thủ tục quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.

4. Áp dụng thuế CBPG tạm thời

Căn cứ kết luận điều tra sơ bộ, Cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế CBPG tạm thời theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thươngĐiều 37 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP. Mức thuế CBPG tạm thời không vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận điều tra sơ bộ.

5. Áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước

Căn cứ khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương:

a) Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước;

b) Thuế CBPG được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn chín mươi (90) ngày trước khi áp dụng thuế CBPG tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế CBPG tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

6. Thông tin liên hệ

Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: +84.24.73037898 (số máy lẻ 111) (cán bộ đầu mối: chị Bùi Thị Yến Minh và chị Vũ Diệu Linh)

Thư điện tử:

- Chị Bùi Thị Yến Minh - Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp: minhbty@moit.gov.vn

- Chị Vũ Diệu Linh - Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ: linhvd@moit.gov.vn

Quyết định và Thông báo về vụ việc có thể truy cập và tải xuống tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương: www.moit.gov.vn; hoặc Cục Phòng vệ thương mại: www.trav.gov.vn hoặc www.pvtm.gov.vn.