Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2005/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 25/2005/QĐ-BGTVT NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 2005 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng ;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn trong xây dựng các công trình giao thông”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng giám đốc các Ban quản lý dự án, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN TRONG XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25 /2005/QĐ-BGTVT ngày 13 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định những việc cần thực hiện khi áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm... (sau đây được gọi chung là tiêu chuẩn) trong hoạt động xây dựng các công trình giao thông đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản pháp quy khác liên quan đến đầu tư xây dựng.

2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xây dựng công trình giao thông trên lãnh thổ Việt Nam bằng các nguồn vốn khác nhau.

Điều 2: Giải thích từ ngữ

1. Quy chuẩn Xây dựng là các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành.

2. Tiêu chuẩn Xây dựng là các quy định về chuẩn mực kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật, trình tự thực hiện các công việc kỹ thuật, các chỉ tiêu, các chỉ số kỹ thuật và các chỉ số tự nhiên được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động xây dựng. Tiêu chuẩn xây dựng gồm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng.

3. Tiêu chuẩn xây dựng bắt buộc áp dụng là các tiêu chuẩn xây dựng bắt buộc áp dụng liên quan đến xây dựng giao thông do Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải ban hành theo quy định của Nghị định số 179/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài là các tiêu chuẩn xây dựng cấp quốc gia của các nước trên thế giới, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức tiêu chuẩn khu vực. Việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài phải theo “ Quy chế áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam” do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BXD ngày 7/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Chương 2:

GIAI ĐOẠN LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 3. Khung tiêu chuẩn

Khi lập hồ sơ trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, chủ đầu tư cần chỉ đạo và có trách nhiệm cùng tư vấn xác định “các số liệu về điều kiện tự nhiên, tải trọng và tác động; danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn” (sau đây được gọi tắt là Khung tiêu chuẩn) áp dụng cho dự án đáp ứng yêu cầu của điểm a) khoản 2. Điều 7 của Nghị định số16/2005/NĐ-CP của Chính phủ và các Điều 8; 13; 14; 16 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án được lựa chọn từ các qui chuẩn xây dựng, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đã được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng ban hành và các tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng (kể cả tiêu chuẩn nước ngoài) nêu ở Điều 2 của Quy định này sao cho phù hợp với khả năng của nguồn vốn và các điều kiện tự nhiên, xã hội và các điều kiện khác liên quan.

Điều 4. Phê duyệt khung tiêu chuẩn

Trong giai đoạn lập dự án, Khung tiêu chuẩn nêu ở Điều 3 của Quy định này phải được Bộ Giao thông vận tải, hoặc cơ quan, tổ chức được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền, phê duyệt. Hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án phải tuân thủ Khung tiêu chuẩn này. Khung tiêu chuẩn này sẽ là các tiêu chuẩn bắt buộc phải áp dụng đối với tất cả các bước tiếp theo của dự án bao gồm: khảo sát, thiết kế, nghiệm thu hồ sơ thiết kế, thi công, kiểm soát - giám sát chất lượng, nghiệm thu bàn giao và quản lý, bảo trì, khai thác công trình.

Chương 3:

LẬP HỒ SƠ THIẾT KẾ VÀ HỒ SƠ MỜI THẦU

Điều 5. Hồ sơ thiết kế

Thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế một bước); thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) hoặc thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế ba bước) phải tuân thủ "Khung tiêu chuẩn” đã được phê duyệt ở giai đoạn lập dự án. Việc thay đổi hoặc bổ sung tiêu chuẩn ở bước lập hồ sơ thiết kế khác với “Khung tiêu chuẩn” của dự án phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải hoặc của cơ quan, tổ chức được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền.

Điều 6. Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật

Hồ sơ mời dự thầu hoặc hồ sơ mời đấu thầu (sau đây được gọi tắt là hồ sơ thầu) theo quy định của Nghị định 16/2005/NĐ-CP phải có thông tin về gói thầu, các yêu cầu và chỉ dẫn cần thiết hoặc các điều kiện của hợp đồng. Một trong những tài liệu của hồ sơ thầu để thể hiện nội dung của yêu cầu này là tập “Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật” của từng gói thầu hoặc của toàn dự án. Đây là một tài liệu bắt buộc của hồ sơ thầu và phải được chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt. Tập “Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật” được soạn thảo phải tuân thủ và căn cứ vào “Khung tiêu chuẩn” của dự án đã được phê duyệt nêu ở Điều 3 của Quy định này. Trong trường hợp khi lập “Qui định và chỉ dẫn kỹ thuật” còn phải bổ sung các tiêu chuẩn chưa được đề cập trong “Khung tiêu chuẩn” đã được phê duyệt thì phải lập danh mục các tiêu chuẩn bổ sung trình Bộ Giao thông vận tải, hoặc cơ quan, tổ chức được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền, phê duyệt.

Điều 7. Yêu cầu đối với quy định và chỉ dẫn kỹ thuật

Tập “Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật” cần có nội dung như là một tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu cụ thể và chi tiết của từng gói thầu hoặc của toàn dự án để làm căn cứ

1) cho tư vấn giám sát và chủ đầu tư giám sát chất lượng, nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu công trình hay dự án

2) cho nhà thầu triển khai lập hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đấu thầu bao gồm cả bản vẽ, giải pháp thực hiện, biện pháp kỹ thuật, thiết kế công nghệ, qui trình công nghệ, phòng thí nghiệm hiện trường, biện pháp kiểm soát và tự đảm bảo chất lượng thi công.

3) cho cơ quan, đơn vị tiếp nhận bàn giao và quản lý, bảo trì khai thác công trình.

Chương 4:

TRIỂN KHAI THI CÔNG VÀ KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG

Điều 8: Quản lý chất lượng thi công của nhà thầu

Việc quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình của nhà thầu tuân theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ bao gồm việc lập hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ cũng như việc lập biện pháp thi công phải tuân thủ và căn cứ vào "Khung tiêu chuẩn” và “Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật” đã được duyệt nêu tại Điều 4 và Điều 6 của Quy định này.

Điều 9. Kiểm soát, giám sát chất lượng và nghiệm thu

Việc kiểm soát, giám sát chất lượng và nghiệm thu phải tuân thủ và căn cứ vào “Khung tiêu chuẩn” và “Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật” đã được duyệt nêu tại Điều 4 và Điều 6 của Quy định này.

Chương 5:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Vụ Khoa học công nghệ là cơ quan tham mưu của Bộ trưởng trong việc tổ chức thẩm định và trình duyệt “Khung tiêu chuẩn” nêu ở Điều 3 và Điều 4 của Quy định này.

Điều 11. Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông là cơ quan tham mưu của Bộ trưởng trong việc tổ chức thẩm định và trình duyệt “Quy định và chỉ dẫn kỹ thuật” nêu ở Điều 6 của Quy định này đối với các dự án mà Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư.