ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2006/QĐ-UBND | Vị Thanh, ngày 05 tháng 9 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần;
Căn cứ Nghị định số 23-HĐBT ngày 24 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ vệ sinh;
Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Mọi công dân, gia đình trong tỉnh Hậu Giang có trách nhiệm thực hiện nghiêm những điều quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trong tỉnh phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện Quy định này.
Các từ ngữ sau đây dùng trong Quy định này được hiểu như sau:
1. Mê tín: Tin vào những điều huyền bí không có thật, cho rằng những sự việc nhất định có thể đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa, từ đó trở nên mê muội, tin theo những hiện tượng trái lẽ tự nhiên, mà không suy xét theo lẽ phải.
2. Dị đoan: Những điều kỳ lạ khác thường không đúng với sự thật mà con người đặt lòng tin vào nhưng không có căn cứ.
3. Công quỹ: Quỹ ngân sách, quỹ chung như quỹ Công đoàn, quỹ phúc lợi tập thể.
4. Đánh bạc: Gồm các hành vi: chơi tài xỉu, lô tô, bầu cua, đỏ đen, các loại bài được thua bằng tiền hay hiện vật; đánh bạc bằng máy; cá cược được thua qua các môn thể thao; mua bảng đề, ô số đề.
5. Thời gian làm việc: Giờ hành chính hoặc thời gian được lãnh đạo cơ quan, tổ chức phân công thực hiện nhiệm vụ theo ca, theo công việc cụ thể.
6. Tiệc đãi ăn chính: Là tiệc đãi khách mời đến chúc mừng cô dâu, chú rể; không kể những bữa ăn gia đình, thân tộc đến phụ giúp trước và sau lễ cưới.
7. Không có nhiệm vụ: Không được cơ quan, đơn vị phân công hoặc cử đi dự hoặc tham gia Ban Tổ chức.
Tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội phải đảm bảo:
1. Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và quy ước của ấp, khu vực; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan như: xem tử vi, bói bài, xin xăm, lên đồng, múa bóng, yểm bùa, trừ tà, coi ngày, đốt vàng mã, tiền âm phủ.
2. Không gây mất trật tự, an ninh xã hội; không truyền đạo trái phép hoặc có các hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
3. Không làm cản trở giao thông hoặc các hoạt động công cộng.
4. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.
5. Giữ gìn sự yên tĩnh, hạn chế gây tiếng ồn vào giờ nghỉ trưa (11 giờ -13 giờ), vào ban đêm (từ 22 giờ - 5 giờ sáng ngày hôm sau).
6. Các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Quy định này không mời, không dự tiệc cưới trong giờ làm việc; không sử dụng thời gian làm việc, công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi dự lễ hội khi không có nhiệm vụ. Chỉ sử dụng quỹ Công đoàn hay quỹ phúc lợi tập thể để viếng đám tang của những đối tượng theo quy định của cơ quan, đơn vị.
1. Tổ chức việc cưới phải tuân thủ các Điều 3, 4, 5, Mục 1, Chương II của Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Thủ tướng Chính phủ), các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và của Quy định này.
2. Tiệc đãi ăn chính không kéo dài quá 1 ngày; không sử dụng phương tiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi rước dâu, đưa dâu.
3. Hộ tổ chức lễ cưới không mời thuốc lá, hạn chế đãi rượu, bia; không cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia.
4. Việc cưới khuyến khích không tổ chức quá 2 lễ: lễ hỏi (gọi là lễ Đính hôn); lễ cưới (gọi là lễ Thành hôn, Tuyên hôn, Vu qui, Tân hôn). Các lễ cần được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ.
1. Tổ chức việc tang phải tuân thủ các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, Mục 2, Chương II của Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Điều 5 của Quy định này.
2. Cờ tang hình chữ nhật màu trắng, chính giữa có chữ thập đen chạy suốt chiều dài và chiều ngang của lá cờ, kích thước không lớn hơn 0,4m x 0,6m. Chỉ treo cờ tang tại nơi tổ chức lễ tang.
3. Khi đưa đám tang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng; không rải vàng mã, tiền âm phủ trên đường.
4. Khuyến khích sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho đội nhạc lễ, kèn tây, chỉ sử dụng những bài nhạc phù hợp với lễ tang. Cấm sử dụng Quốc thiều, nhạc ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi lãnh tụ trong lễ tang (trừ trong chương trình truy điệu của lễ Quốc tang).
1. Tổ chức lễ hội phải tuân thủ các Điều 12, 13, 14, Mục 3, Chương II của Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Điều 6 của Quy định này.
2. Việc tổ chức Lễ hội Giao thừa, Lễ hội kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Ban Tổ chức lễ các ngành, các địa phương căn cứ vào kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm cho ngành, địa phương mình. Qui mô và kinh phí tổ chức ở cấp nào do Ban Chỉ đạo cấp đó quyết định, không tính trong kinh phí sự nghiệp đã phân bổ hàng năm cho các ngành.
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 7. Khen thưởng
Hằng năm, trong tổng kết Phong trào thi đua, các địa phương cần xem xét khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích sau đây:
1. Tập thể là những điển hình tiên tiến về tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội:
Cơ quan, tổ chức hoặc đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới; xây dựng nhà văn hóa, nhà tang lễ, trang bị xe tang, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
2. Cá nhân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo Điều 4, Điều 8 Chương II Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội kèm theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Các đối tượng tại Khoản 2 Điều 1 của Quy định này có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị tổ chức lễ hội, các địa phương để xảy ra những hành vi vi phạm Điều 3 Chương I Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên lĩnh vực, địa bàn quản lý mà không có biện pháp xử lý kịp thời thì đơn vị, địa phương đó không được xét khen thưởng, không được công nhận các danh hiệu thi đua, không được phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước.
3. Các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, chiến sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan, đoàn viên, hội viên thuộc cấp mình quản lý có hành vi vi phạm việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thì không được xét khen thưởng, không được công nhận các danh hiệu thi đua, không được phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở VHTT-TT hướng dẫn việc tổ chức lễ cưới bằng tiệc trà tại hội trường cơ quan, nhà văn hóa; phân công các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Trung tâm VHTT-TT các huyện, thị xã nhận tổ chức các đám cưới theo nếp sống văn minh; thực hiện các băng, đĩa nhạc lễ tang, nhạc “Hồn sĩ tử” phục vụ cho các địa phương.
2. Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã lập quy hoạch và có kế hoạch đầu tư xây dựng các nghĩa trang nhân dân, lò hỏa táng, điện táng; quy định cụ thể việc xây mộ và chôn cất trên đất nhà.
3. Giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở VHTT-TT hướng dẫn các địa phương tổ chức Lễ đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và theo nếp sống văn minh.
4. Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức hoặc hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ mai táng gồm đội mai táng, xe tang, nhạc lễ và cho thuê vòng hoa.
5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể tỉnh phát động trong đoàn viên, hội viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chủ trì tổ chức lễ cưới cho đoàn viên, hội viên theo nếp sống văn minh.
6. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã lập quy hoạch xây nhà tang lễ; xây dựng đài tưởng niệm, nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại xã, phường, thị trấn như một công trình văn hóa của địa phương để cô dâu, chú rể đến đặt vòng hoa, trồng cây lưu niệm nhân ngày cưới.
7. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định những đối tượng mà cơ quan, đơn vị, tổ chức được dùng quỹ Công đoàn hay quỹ phúc lợi tập thể để viếng đám tang.
1. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm phổ biến, giáo dục, động viên và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thực hiện tốt Quy định này.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đến toàn thể nhân dân ở địa phương; xem đây là một trong những nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
3. Các cơ quan Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang, các Bản tin trong tỉnh, các Đài Truyền thanh huyện, thị xã có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng, phát hiện, cổ vũ, động viên và nhân rộng những mô hình hay, kinh nghiệm tốt; đồng thời, phê phán các biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy định này./.
- 1 Kế hoạch 13/KH-UBND thực hiện Chương trình 04/CTr-UBND về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới năm 2012 của ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang
- 2 Quyết định 19/2007/QĐ-UBND Ban hành Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 3 Quyết định 308/2005/QĐ-TTg về quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 155/2004/QĐ-UB Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang
- 5 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6 Nghị định 62/2001/NĐ-CP ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần
- 7 Quyết định 39/2001/QĐ-BVHTT ban hành Quy chế Tổ chức lễ hội do Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin ban hành
- 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000
- 1 Kế hoạch 13/KH-UBND thực hiện Chương trình 04/CTr-UBND về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới năm 2012 của ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang
- 2 Quyết định 19/2007/QĐ-UBND Ban hành Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 3 Quyết định 155/2004/QĐ-UB Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang