Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 09 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TICH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá;

Căn cứ Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc ban hành Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Quyết định số 132/1998/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Bảo tàng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tich lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc các sở: Văn hoá - Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Du lịch, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, Giám đốc Công an thành phố, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường và các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LÍCH SỬ - VĂN HOÁ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định về công tác quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài liệu, di vật thuộc di tích đó (sau đây gọi chung là di tích) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến công tác quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Di tích đề cập trong Quy định này bao gồm:

1. Di tích cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định xếp hạng.

2. Di tích cấp thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định xếp hạng.

3. Các di tích chưa được xếp hạng nhưng đã được kiểm kê ghi vào sổ danh mục do Sở Văn hoá – Thông tin quản lý, bảo vệ.

Chương II

TU BỔ, TÔN TẠO, PHỤC HỒI, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC DI TÍCH

Điều 4. Lập dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích:

1. Việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích phải lập thành dự án (trừ trường hợp tu sửa cấp thiết di tích) và phải tuân thủ đúng quy định tại các văn bản pháp luật sau đây:

a) Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;

b) Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

c) Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá;

d) Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình;

đ) Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc ban hành Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh.

2. Hàng năm, Sở Văn hoá - Thông tin lập kế hoạch, dự án về trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

3. Các hồ sơ, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đối với các di tích được quy định tại mục 3, Điều 3 do Uỷ ban nhân dân quận, huyện hoặc tổ chức, cá nhân khác làm chủ đầu tư phải có ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hoá - Thông tin.

Trong thời hạn không quá hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm thẩm định và trả lời bằng văn bản.

Điều 5. Nguồn vốn thực hiện việc tôn tạo, tu bổ di tích bao gồm:

1. Kinh phí ngân sách nhà nước.

2. Đóng góp của nhân dân.

3. Tài trợ, đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Điều 6. Các nguồn thu từ di tích phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và ưu tiên cho việc bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị của di tích.

Chương III

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Điều 7. Lập hồ sơ xếp hạng di tích:

1. Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm lập hồ sơ di tích trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, đề nghị Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia và trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, xã, phường có trách nhiệm phối hợp trong việc lập hồ sơ di tích.

Điều 8. Gắn bia, biển di tích:

1. Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm gắn biển ghi tên và số quyết định xếp hạng di tích đối với những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố.

2. Đối với những di tích chỉ còn lại địa điểm hoặc chưa được xếp hạng, nhưng có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương; Sở Văn hoá – Thông tin sẽ lập hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc gắn bia di tích.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp quận, huyện, xã, phường có trách nhiệm phối hợp, thực hiện việc gắn bia, biển và quản lý các bia, biển di tích trên địa bàn mình.

Điều 9. Di tích phải được sử dụng vào mục đích giáo dục truyền thống, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân.

Điều 10. Các địa phương tổ chức các hình thức lễ hội tại di tích phải phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, thực hiện tốt nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, tránh phô trương hình thức, lãng phí. Nghiêm cấm các hình thức thương mại hoá lễ hội, các hoạt động mê tín dị đoan, phục hồi hủ tục và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Văn hoá - Thông tin:

1. Sở Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích - lích sử văn hoá, danh lam thắng cảnh có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

b) Trực tiếp quản lý các di tích quốc gia thuộc sở hữu nhà nước;

c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị của di tích;

d) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về di sản văn hoá, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về các vấn đề có liên quan đến di tích;

đ) Tổ chức hội nghị hàng năm về di tích với các nội dung: đánh giá tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di tích, tình trạng xuống cấp của các di tích, công tác trùng tu, tôn tạo và các nội dung khác liên quan đến di tích;

e) Tổ chức thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích;

g) Thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến di tích trên địa bàn thành phố.

2. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chịu trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác quản lý di tích, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được quy định tại Điều 1 của Quy định này.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và các Sở, ngành có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt;

2. Hằng năm chịu trách nhiệm tổng hợp và cân đối nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

1. Sở Tài chính bảo đảm kinh phí thường xuyên cho hoạt động quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lích sử - văn, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố;

2. Kiểm tra việc cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:

1. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và các Sở, ngành có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch về xây dựng bảo đảm cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt;

2. Chịu trách nhiệm thẩm định các dự án về xây dựng, cải tạo các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích hoặc các công trình cải tạo, xây dựng trong quá trình xây dựng mà phát hiện có di tích, di vật, cổ vật trên địa bàn thành phố.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và các Sở, ngành có liên quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định địa giới và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt;

2. Hướng dẫn việc lập và xác nhận vào bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Du lịch:

1. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin, các Sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường trong việc tổ chức, khai thác những giá trị của di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh phục vụ cho việc phát triển du lịch;

2. Hướng dẫn khách thực hiện đúng nội quy, quy chế tại các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và giữ gìn, bảo vệ di tích trong hoạt động du lịch.

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố:

1. Các cơ quan phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường giữ gìn trật tự trong các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.

2. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường ngăn chặn, xử lý việc mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật ở các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố ra các tỉnh, thành trong cả nước và ra nước ngoài.

Điều 18. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân quận, huyện:

1. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn theo chức năng, quyền hạn của mình;

2. Hằng năm bố trí kinh phí từ ngân sách chi cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trong phạm vi địa phương;

3. Định kỳ 6 tháng, hằng năm chịu trách nhiệm báo cáo với Sở Văn hoá - Thông tin về tình hình quản lý, bảo vệ, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị của di tích trong phạm vi địa phương;

4. Phòng Văn hoá - Thể thao chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cập thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong phạm vi địa phương.

Điều 19. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường:

1. Thực hiện việc quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn xã, phường theo phạm vi quyền hạn được phân công;

2. Tổ chức bảo vệ và bảo quản cấp thiết về di tích;

3. Tiếp nhận các khai báo về di tích để chuyển lên cấp trên;

4. Kiến nghị xếp hạng di tích;

5. Ban hành quyết định thành lập Ban quản lý, Tổ bảo vệ các di tích đã được xếp hạng tại địa phương;

6. Phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi làm ảnh hưởng đến sự an toàn của di tích và các hoạt động mê tín, dị đoan;

7. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động, quán triệt các quy định pháp luật về bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn các thôn, tổ dân phố đưa nội dung này vào hương ước, quy ước…không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố thì được xem xét khen thưởng theo quy định pháp luật về thi đua khen thưởng.

Điều 21. Tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan đến di tích thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Thanh tra nhà nước về văn hoá - thông tin có chức năng thanh tra, kiểm tra các hoạt động quản lý, tu bổ, khai thác di tích trong phạm vi thành phố. Nếu phát hiện sai phạm thì trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, Thanh tra nhà nước về văn hoá - thông tin có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thi công việc tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn thành phố, đồng thời đề xuất hình thức xử lý và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 23. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành thanh tra các hoạt động tu bổ, khai thác di tích trong phạm vi địa phương. Khi phát hiện sai phạm thì xử lý theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định, đồng thời báo cáo Sở Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban nhân dân thành phố.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định:

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, xã, phường có kế hoạch phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 25. Sửa đổi, bổ sung Quy định:

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh, các tổ chức, đơn vị và cá nhân phản ánh về Sở Văn hoá - Thông tin thành phố để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.