Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2009/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 26 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VÀNH ĐAI AN TOÀN VÀ VIỆC QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀNH ĐAI AN TOÀN CÁC KHO ĐẠN DƯỢC, VẬT LIỆU NỔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 148/NĐ-CP ngày 04/12/2006 của Chính phủ về việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ; nhà máy, xí nghiệp sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 08/2008/TTLT/BQP-BTNMT ngày 28/01/2008 của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 148/2006/NĐ-CP ngày 04/12/2006;

Căn cứ Thông tư số 25/2008/TT-BQP ngày 06/3/2008 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn thực hiện Nghị định 148/2006/NĐ-CP ngày 04/12/2006;

Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, tại Tờ trình số 636/TTr-BCH ngày 20 tháng 5 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định về Vành đai an toàn và việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt

 

QUY ĐỊNH

VỀ VÀNH ĐAI AN TOÀN VÀ VIỆC QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀNH ĐAI AN TOÀN CÁC KHO ĐẠN DƯỢC, VẬT LIỆU NỔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
(Ban hành kèm theo quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 26/5/2009 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về Vành đai an toàn và việc quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh (sau đây được gọi tắt là Vành đai an toàn kho).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều phải chấp hành Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho

Quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Mọi tổ chức, cá nhân khi quy hoạch, xây dựng công trình, khai thác, sử dụng vùng đất, khoảng không thuộc Vành đai an toàn kho trong phạm vi cho phép (tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Quy định này) phải có ý kiến của thủ trưởng cấp trên trực tiếp quản lý kho đạn dược và các ngành chức năng liên quan, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định về quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho. Trường hợp ngoài phạm vi cho phép (tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Quy định này) phải có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kho đạn dược, vật liệu nổ (sau đây gọi tắc là kho đạn dược): Là nơi sản xuất và dự trữ đạn dược, vật liệu nổ của Quân đội nhân dân Việt Nam, là công trình quốc phòng và khu quân sự loại 2.

2. Vành đai an toàn kho: Là phạm vi vùng bao quanh các nhà kho thuộc kho đạn dược, gồm trên mặt đất và trong lòng đất, nằm giữa giới hạn trong và giới hạn ngoài, với khoảng cách bằng bán kính an toàn của kho. Vành đai an toàn kho bao gồm các yếu tố: Đường cơ bản, giới hạn trong Vành đai an toàn, giới hạn ngoài Vành đai an toàn, vùng cấm, vùng sử dụng đất có điều kiện.

3. Đường cơ bản: Là đường khép kín nối các điểm hoặc cạnh ngoài của nền các nhà kho đạn dược ngoài cùng thuộc kho đạn dược.

4. Giới hạn trong của Vành đai an toàn kho:

a) Nếu tường rào (hàng rào) khép kín khu vực kho đạn dược cách đường cơ bản 55 mét trở xuống thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho là tường rào (hàng rào) khép kín khu vực kho đạn dược.

b) Nếu tường rào (hàng rào) khép kín khu vực kho đạn dược cách đường cơ bản lớn hơn 55 mét thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho cách đường cơ bản 55 mét.

Trường hợp có nhiều lớp tường rào (hàng rào) khép kín khu vực kho đạn dược thì lấy lớp tường rào (hàng rào) gần nhà kho nhất để xác định giới hạn trong của Vành đai an toàn kho.

c) Đối với kho cấp huyện, thị và tương đương thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trùng với đường cơ bản.

5. Giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho là một đường khép kín tập hợp bởi các điểm ngoài cùng của bán kính an toàn kho. Trường hợp điểm ngoài cùng của bán kính an toàn kho nằm bên trong lớp tường rào (hàng rào) phía ngoài khép kín khu vực kho đạn dược thì giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho là tường rào (hàng rào) phía ngoài đã có của kho.

6. Vùng cấm: là phạm vi được tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra đến giới hạn ngoài của vùng cấm.

- Giới hạn ngoài của vùng cấm cách giới hạn trong của Vành đai an toàn kho một khoản cách là 50 mét đối với kho đạn dược cấp sư đoàn, cấp tỉnh và tương đương; 25 mét đối với kho đạn dược cấp trung đoàn và tương đương; 05 mét đối với kho cấp huyện, thị và tương đương.

- Trường hợp lớp tường rào (hàng rào) phía ngoài khép kín khu vực kho đạn dược cách giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược một khoản cách bằng hoặc lớn hơn quy định nêu trên thì giới hạn trong của vùng cấm là tường rào (hàng rào) phía ngoài đã có của kho.

7. Vùng sử dụng đất có điều kiện: Là phạm vi tính từ giới hạn ngoài của vùng cấm trở ra đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược.

Điều 5. Quy định Vành đai an toàn kho

1. Tất cả các kho đạn dược phải xác định Vành đai an toàn kho. Vành đai an toàn kho phải bảo đảm ngăn chặn được các yếu tố xâm hại, gây mất an toàn cho kho đạn dược và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nếu kho đạn dược xảy ra sự cố cháy, nổ.

2. Vành đai an toàn kho được xác định trên thực địa bằng hàng rào, cột mốc, biển báo và có bản đồ địa chính, trong đó xác định rõ vị trí, diện tích chiếm đất của kho đạn dược và Vành đai an toàn kho.

3. Các kho đạn dược, ngoài hồ sơ quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự, phải có hồ sơ quản lý Vành đai an toàn kho. Nếu Vành đai an toàn kho hiện tại không thuộc phạm vi đất quốc phòng quản lý, đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương lập và quản lý hồ sơ Vành đai an toàn kho. Khi có quyết định giao mục đích sử dụng thành đất quốc phòng thì thực hiện việc lập và quản lý hồ sơ theo quy định.

Điều 6. Bán kính an toàn của kho đạn dược

Bán kính an toàn là khoảng cách nhỏ nhất tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra xung quanh, bảo đảm an toàn cho người và các công trình kinh tế dân sinh trên mặt đất, trong lòng đất nếu kho đạn dược xảy ra sự cố cháy, nổ. Bán kính an toàn của các kho đạn dược phụ thuộc vào đương lượng nổ của từng kho, tính chất của nền đất và công trình, các chướng ngại vật ngăn cách giữa kho đạn dược với người và các công trình khác, quy định cụ thể đối với kho từng cấp như sau:

1. Đối với kho cấp sư đoàn, kho cấp tỉnh và tương đương: Bán kính an toàn từ 800 mét đến 1.000 mét.

2. Đối với kho cấp trung đoàn và tương đương: Bán kính an toàn không vượt quá 1.000 mét.

3. Đối với các kho cấp huyện, thị và tương tương: Bán kính an toàn không dưới 14 mét. Nếu nhà kho có tường xung quanh bằng bê tông cốt thép dày từ 200mm đến 300mm, trần bằng bê tông cốt thép, xung quanh nhà kho có tường rào hoặc hàng rào cách mép ngoài của nền nhà kho không dưới 02 mét thì bán kính an toàn không dưới 07 mét.

Trường hợp các nhà kho được xây dựng kiên cố, có ụ chống nổ lây đúng quy cách theo tiêu chuẩn ngành 06 TN 584:1996 hoặc xung quanh sát hàng rào khu vực các nhà kho có đồi, núi che chắn, nếu lấy đỉnh núi thấp nhất kéo một đường thẳng tới chân nhà kho xa nhất tạo với mặt bằng nền nhà kho một góc lớn hơn 450 thì bán kính an toàn của kho được giảm 50% nhưng phải bảo đảm đỉnh của đồi, núi nằm giữa giới hạn trong và giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho.

Điều 7. Bảo vệ Vành đai an toàn kho

1. Trong phạm vi Vành đai an toàn kho, cấm các hoạt động sau:

a) Người không có trách nhiệm vào Vành đai an toàn kho;

b) Sử dụng lửa, thiết bị, vật liệu nổ, dễ gây cháy - nổ, vật thể bay mang lửa;

c) Xây dựng nhà ở, công trình kinh tế, dân sinh;

d) Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trong vùng cấm;

e) Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản;

f) Săn bắn, nổ mìn;

g) Neo đậu các phương tiện vận chuyển. Tham quan du lịch, các hoạt động tập thể (trừ các hoạt động phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động quân sự khác được sự đồng ý của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh).

2. Trong phạm vi vùng cấm thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược:

a) Đất trong vùng cấm thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược là đất sử dụng vào mục đích quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý việc sử dụng. Các công trình được phép xây dựng của kho đạn dược gồm: Tường rào, hàng rào, đường tuần tra, công sự chiến đấu, chòi canh, chốt gác, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cứu hỏa, ụ chống nổ lây.

b) Các công trình không được phép xây dựng: Gồm tất cả các công trình trừ các công trình được phép xây dựng của kho đạn dược nêu ở điểm a khoản này.

3. Trong phạm vi vùng sử dụng đất có điều kiện thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược được phép:

a) Xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động trực tiếp của kho;

b) Xây dựng các công trình thủy nông quy mô vừa và nhỏ gồm: Kênh, mương dẫn nước, hồ đập chứa nước thuộc quyền quản lý của cấp huyện, thị trở xuống.

c) Xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quy mô vừa và nhỏ để phục vụ cho hoạt động của kho và công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.

d) Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

4. Trong phạm vi cách giới hạn trong của Vành đai an toàn kho từ 500 mét trở ra đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho được xây dựng đường điện cao thế dưới 110 KV.

5. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng vùng đất, vùng nước, khoảng không vào các mục đích khác ngoài quy định của khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này, phải có ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh.

6. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này các hoạt động trong Vành đai an toàn kho phải tuân theo pháp luật về bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự.

7. Nghiêm cấm việc cấp giấy phép, tổ chức xây dựng nhà ở, các công trình kinh tế dân sinh vi phạm các quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 của Điều này.

8. Khi có sự cố hoặc nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ kho đạn dược, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải phối hợp với chỉ huy kho đạn dược tổ chức ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nghiêm cấm mọi cá nhân không có trách nhiệm vào Vành đai an toàn kho trong thời gian có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ hoặc đang xảy ra sự cố cháy, nổ hoặc đang khắc phục sự cố cháy, nổ đối với kho đạn dược.

9. Mọi tổ chức, cá nhân khi phát hiện các biểu hiện, hành vi vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

10. Mọi hành vi xâm hại đến Vành đai an toàn kho phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quy hoạch, xây dựng các kho đạn dược

1. Quy hoạch, xây dựng hệ thống kho đạn dược phải phù hợp với nhiệm vụ tác chiến phòng thủ của tỉnh và các quy định tại Điều 6 Quy định này, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tuân theo các quy định của pháp luật về đất đai.

2. Khi quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng mới kho đạn dược và sắp xếp, bố trí các nhà kho thuộc kho đạn dược phải ưu tiên lựa chọn vị trí có địa hình, địa vật che chắn, bảo đảm phạm vi Vành đai an toàn kho; phải tính toán sự ảnh hưởng của động đất, lũ lụt, sạt lở đất và các hiện tượng tự nhiên khác.

3. Việc xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho phải gắn với việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và phải tôn trọng quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

4. Khu vực, vị trí xây dựng kho đạn dược phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân theo quy định của pháp luật về đất đai, về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

5. Các loại đạn hỏa lực, thuốc nổ không được để ở các nhà kho gần khu dân cư. Các kho đạn dược hiện đang nằm gần các khu tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, đường quốc lộ, lưới điện quốc gia và các công trình quan trọng khác phải điều chỉnh trữ lượng, chủng loại đạn cho phù hợp; trường hợp không điều chỉnh được phải di dời đến vị trí khác để bảo đảm quy định về phạm vị Vành đai an toàn kho. Các nhà kho thuộc kho đạn dược không bảo đảm đủ tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ, phòng chống nổ lây phải gia cố, sửa chữa hoặc xây mới.

6. Không xây dựng mới kho đạn dược ở thị xã, thị trấn, nơi tập trung đông dân cư. Trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, khi quyết định xây dựng phải tính toán, thiết kế bảo đảm cự ly an toàn. Đối với kho đạn dược cấp sư đoàn, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các kho đạn dược cấp huyện, thị phải được Tư lệnh Quân khu phê duyệt.

Chương II

TRÁCH NHIỆM QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh, Sư đoàn bộ binh 5 tổ chức rà soát lại quy hoạch các kho đạn dược trong toàn tỉnh, xác định Vành đai an toàn cho từng loại kho đạn dược, tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Quân khu.

2. Căn cứ đề án quy hoạch hệ thống kho đạn dược đã được phê duyệt, hướng dẫn các đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng và cải tạo các kho đạn dược, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

3. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quản lý kho đạn dược phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xác định vành đai an toàn kho, cấm mốc giới, hoàn chỉnh thủ tục sử dụng đất đai, lập bản đồ địa chính; giải tỏa di dời nhà ở, công trình kinh tế dân sinh không phù hợp với khoản 1, khoản 2, Điều 7 Quy định này; xây dựng quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ an toàn các kho đạn dược thuộc phạm vi quản lý.

4. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập và thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước bảo đảm cho xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của sở liên quan đến Vành đai an toàn kho.

2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước phần chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung bảo đảm cho xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 11.Trách nhiệm của Sở Tài chính

Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước phần chi ngân sách quốc phòng thường xuyên bảo đảm cho xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xác định Vành đai an toàn các kho đạn dược trong tỉnh; tổ chức cấm mốc giới, hoàn chỉnh thủ tục sử dụng đất đai, lập bản đồ địa chính; quản lý, bảo vệ an toàn Vành đai kho đạn dược thuộc phạm vi quản lý.

Điều 13. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành khác

1. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý gắn với xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

2. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trực thuộc tỉnh

1. Phối hợp với cơ quan quản lý kho đạn dược xác định Vành đai an toàn kho đạn dược trên địa bàn, lập bản đồ điạ chính khu vực và tổ chức cấm mốc giới; quy hoạch xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho.

2. Khi đề án quy hoạch kho đạn dược và Vành đai an toàn kho được phê duyệt, chủ trì phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tiến hành các thủ tục giao đất để xây dựng kho, tổ chức quản lý và sử dụng đất thuộc Vành đai an toàn kho theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Tổ chức di dời, tái định cư các hộ dân, các công trình kinh tế dân sinh để xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có liên quan đến công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

5. Xử lý các vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho theo thẩm quyền.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm Vành đai an toàn kho

1. Đơn vị quản lý kho đạn dược chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

2. Khi phát hiện những hành vi xâm hại hoặc nguy cơ xâm hại đến kho đạn dược và vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho, đơn vị quản lý kho đạn dược chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan liên quan, tổ chức ngăn chặn và có biện pháp phù hợp để đình chỉ kịp thời các hành vi xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại đến kho đạn dược và vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

3. Hàng năm Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho đạn dược trong toàn tỉnh.

Điều 16. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo

1. Các tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm Vành đai an toàn kho có quyền khiếu nại đối với những quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

2. Công dân có quyền tố cáo các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Vành đai an toàn kho.

3. Khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy định này./.