Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2019/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 21 tháng 11 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Theo đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 117/TTr-CAT-PV01 ngày 28 tháng 10 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này;

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2019./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- MTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Như Điều 3;
- Bộ CHQS tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- LĐVP,Tg,TH;
- TT CB tỉnh, TT TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, PV01.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm

 

QUY ĐỊNH

VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 21/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chỉ huy của lãnh đạo cơ quan Công an, cơ quan Quân sự; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.

2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

3. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý, giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự phải khách quan, thận trọng, tích cực, chủ động, phát huy vai trò cơ quan chủ trì, nòng cốt trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, trật tự, quốc phòng và đối ngoại của địa phương.

5. Chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chương II

NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an tỉnh

1. Thu thập thông tin, trao đổi, thống nhất phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tham gia thẩm định, đánh giá tác động về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đối với quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo quy định của pháp luật; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, trật tự với hoạt động quốc phòng và đối ngoại tại địa phương.

2. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, loại trừ nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh trong các lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, kinh tế, quốc phòng, đối ngoại, thông tin, xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ; bảo vệ các lợi ích khác; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

3. Bảo vệ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại địa phương; bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cá nhân nắm giữ hoặc liên quan mật thiết đến bí mật nhà nước; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ trì thực hiện quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài, công dân Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện quản lý về an ninh mạng, bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện quản lý về công tác điều tra và phòng, chống tội phạm; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, bạo loạn và giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố, điều tra tội phạm theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác thống kê hình sự; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, về bảo vệ môi trường và kiến nghị biện pháp khắc phục; giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện quản lý về thi hành án hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam; quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ; tổ chức thi hành bản án, quyết định về hình sự, biện pháp tư pháp; thực hiện giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; quản lý đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác dẫn giải, áp giải, quản lý kho vật chứng, bảo vệ phiên tòa và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp khác theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh.

8. Thực hiện quản lý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

9. Thực hiện quản lý về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, con dấu, trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và giấy tờ tùy thân khác; đăng ký, cấp, quản lý biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thực hiện quản lý về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

10. Chủ trì, phối hợp quản lý và thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

11. Làm nòng cốt xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh mạng, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh xã hội, an ninh môi trường trên địa bàn tỉnh.

12. Hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

13. Áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

14. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ lực, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác để tấn công, truy bắt tội phạm, ngăn chặn người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác và để phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.

15. Quyết định hoặc kiến nghị đình chỉ, đình chỉ có thời hạn hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại hoặc đe dọa gây nguy hại đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật. Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo đảm an ninh, trật tự hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh.

16. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật khi có tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp hoặc khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.

17. Nghiên cứu, ứng dụng, huy động thành tựu khoa học và công nghệ, kỹ thuật trong bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh.

18. Xây dựng lực lượng Công an tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

19. Thực hiện hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của pháp luật.

20. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Công an tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền, Dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức thu thập thông tin, trao đổi, thống nhất phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp, phương án bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

2. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ trì tham mưu tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, kết hợp diễn tập phương án phòng, chống tập trung đông người phá rối an ninh, trật tự, bạo loạn, khủng bố, sẵn sàng ứng phó khi có tình hình phức tạp xảy ra.

4. Phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

5. Cùng Công an và các ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, tổ chức, công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ quốc phòng.

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh trong thực hiện quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an và có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức bảo đảm an ninh, trật tự cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; giáo dục, động viên cán bộ, công chức, người lao động và mọi công dân tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

2. Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, đề án về an ninh, trật tự và bảo vệ an toàn cơ quan, đơn vị theo nhiệm vụ được giao.

3. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội, quốc phòng, đối ngoại với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng Công an nhân dân trên địa bàn tỉnh.

4. Tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; phát hiện, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cho cơ quan Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất biết, xử lý kịp thời.

5. Chủ trì hoặc phối hợp với Công an tỉnh định kỳ hoặc đột xuất tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trước hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tội phạm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng tiềm lực bảo đảm an ninh, trật tự; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh ở địa phương.

3. Tập trung củng cố, kiện toàn lực lượng vũ trang, lực lượng trị an cơ sở; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức diễn tập, bảo đảm vận hành cơ chế xử lý khi có tình hình phức tạp xảy ra.

4. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp dự toán ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của địa phương. Quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

5. Chỉ đạo các cơ quan phối hợp với lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, tham gia xây dựng lực lượng Công an, bảo đảm chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân và các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

6. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và tham gia xây dựng lực lượng Công an ở địa phương.

7. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an ở địa phương.

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng Công an

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự được bảo vệ, giữ bí mật theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có thành tích thì được khen thưởng; khi bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân trên địa bàn tỉnh có công trạng, thành tích trong chiến đấu, công tác thì được xét tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước và hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng Công an, Quân đội trong bảo đảm an ninh, trật tự thì tùy theo công trạng được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

3. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân trên địa bàn tỉnh vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh có hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an, Quân đội, chống đối, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc cản trở hoạt động của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an, Quân đội trong thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự theo Quy định này. Chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm điều kiện về ngân sách và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, bao gồm đầu tư tài chính, trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác, đất đai, trụ sở, công trình và các điều kiện vật chất, kỹ thuật khác.

2. Sở Tài chính hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, dự toán kinh phí của Công an tỉnh và các ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí thực hiện theo thẩm quyền.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

4. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy định này gửi về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định; nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh; các cơ quan, đơn vị có ý kiến phản ánh về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.