Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 250/2003/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HẠ LONG, TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (các văn bản số 1802/TT-UB ngày 29 tháng 11 năm 2002 và số 1402/UB ngày 08 tháng 9 năm 2003) và của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (văn bản số 75/TTr-BXD ngày 14 tháng 10 năm 2003),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây :

1. Mục tiêu :

Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long nhằm xác định vị trí, chức năng của thành phố Hạ Long trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; kết hợp xây dựng đô thị với bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữa cải tạo với xây dựng mới để từng bước xây dựng thành phố Hạ Long xứng đáng là một trong những Trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại, cảng, dịch vụ hàng hải của cả nước.

2. Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung :

Phạm vi ranh giới điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long nằm trong ranh giới hành chính thành phố Hạ Long trên đất liền bao gồm 16 phường nội thành và 4 xã.

3. Tính chất :

- Thành phố Hạ Long trở thành một trung tâm du lịch quốc gia và có tầm vóc quốc tế gắn với di sản thiên nhiên thế giới;

- Là thành phố công nghiệp có cảng biển nước sâu, giữ vai trò là một trong những đô thị hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ;

- Là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hoá, dịch vụ công cộng và đầu mối giao thông của tỉnh Quảng Ninh;

- Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng.

4. Quy mô dân số :

- Đến năm 2010 : Dân số của thành phố Hạ Long khoảng 370.000 người, trong đó nội thành khoảng 279.700 người;

- Đến năm 2020 : Dân số của thành phố khoảng 630.000 người, trong đó nội thành khoảng 413.000 người.

5. Quy mô đất đai :

- Năm 2010 diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 4.747 ha với chỉ tiêu bình quân 170 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 2.247 ha với chỉ tiêu bình quân 80 m2/người;

- Năm 2020 diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 5.790 ha với chỉ tiêu bình quân 140 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 3.000 ha với chỉ tiêu bình quân 72 m2/người.

6. Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị :

a) Hướng phát triển đô thị :

- Hướng Tây : Phát triển về hướng Đại Yên, là vùng đất bờ biển kết hợp với đồi núi, phát triển các khu đô thị mới và khu du lịch sinh thái;

- Hướng Nam : Chủ yếu dành cho du lịch và nghỉ dưỡng kết hợp với bảo tồn vùng vịnh Hạ Long, đặc biệt là khu bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới; hạn chế việc lấn biển để xây dựng;

- Hướng Bắc : Chủ yếu dành cho công nghiệp và khu dân cư; có phát triển về phía đồi kết hợp với việc trồng và bảo vệ rừng;

- Hướng Đông : Chủ yếu là không gian cây xanh có chức năng cách ly và bảo vệ môi trường giữa các khu đô thị với các khu mỏ và nhà máy sàng tuyển than Nam cầu Trắng.

b) Phân khu chức năng :

- Các khu ở : bao gồm :

+ Khu hạn chế phát triển : Là khu vực trung tâm thành phố bố trí chủ yếu tại Hòn Gai Đông và Hòn Gai Tây có diện tích 1.181 ha; được phép cải tạo, nâng cấp, hạn chế xây dựng mới, tránh làm tăng thêm mật độ xây dựng;

+ Khu phát triển mở rộng : Là các khu đô thị mới có tổng diện tích 426 ha gồm khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh; khu Hùng Thắng; khu lấn biển Cọc 3, Cọc 5, Cọc 8 và một số khu nhà ở nhỏ khác phát triển theo dự án.

- Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng : Nằm trong khu vực nội thành có diện tích 368,5 ha bao gồm các khu du lịch Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu và các khu khác. Ngoài ra còn có các khu cảnh quan phục vụ thăm quan du lịch trên Vịnh, núi Bài Thơ và một số khu vực kết hợp với nhà nghỉ và nhà ở của nhân dân.

Phát triển một số khu du lịch ở ngoại thành như khu du lịch hồ Yên Lập, khu du lịch sinh thái Đại Yên.

- Các khu công nghiệp, kho tàng : Tổng diện tích đất khoảng 1.074 ha, bao gồm :

+ Khu vực nội thành (436 ha) gồm có : Khu công nghiệp cảng Cái Lân (112 ha); khu công nghiệp vật liệu xây dựng Giếng Đáy (80 ha); khu công nghiệp Sa To (30 ha); khu nhà máy sàng tuyển than Nam cầu Trắng (50 ha); các xí nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp (164,2 ha);

+ Khu vực ngoại thành (638 ha) gồm có : Khu công nghiệp Đồng Đăng (300 ha); khu công nghiệp Bắc Cửa Lục (338 ha).

- Hệ thống trung tâm chính trị - hành chính :

+ Trung tâm cấp tỉnh : Giữ nguyên tại Cọc 8 (15 ha);

+ Trung tâm chính trị - hành chính cấp thành phố : Tại Bến Đoan (2 ha).

- Hệ thống trung tâm chuyên ngành :

+ Trung tâm thương mại thành phố tại kho than cũ (10 ha);

+ Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch tại Hùng Thắng (14 ha);

+ Trung tâm thể dục thể thao thành phố tại Cọc 3 (6,8 ha);

+ Trung tâm thể dục thể thao phục vụ du lịch tại Hùng Thắng (9 ha);

+ Các cụm trung tâm văn hoá thành phố tại Hùng Thắng và Hòn Gai (7 ha);

+ Trung tâm y tế : Bệnh viện Kênh Đồng (2 ha); bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế chuyên ngành (4 ha);

+ Ngoài ra, còn có các trung tâm hội thảo quốc tế tại Hùng Thắng và Đại Yên (10 ha); trung tâm giải trí quốc tế đảo Tuần Châu (30 ha) và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thăm quan tại các khu du lịch khác.

- Hệ thống công viên, cây xanh :

+ Công viên thành phố tại Lán Bè (61 ha), có Bảo tàng sinh học Hạ Long và Trung tâm thông tin hướng dẫn trên bờ;

+ Công viên giải trí tại Cọc 5 và Cọc 8 (25,5 ha);

Công viên ven biển tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu (151,5 ha);

+ Các công viên, vườn hoa khác (146 ha).

c) Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị :

- Đối với khu vực hạn chế phát triển : Giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, tận dụng, khai thác triệt để cảnh quan thiên nhiên. Các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch tại khu vực này được quy định như sau : Mật độ xây dựng cho toàn khu là 55 - 60%; tỷ lệ đất xây dựng nhà ở 60%; đất cây xanh và công trình công cộng 40%; tầng cao trung bình 3 tầng;

- Đối với khu trung tâm du lịch, nghỉ ngơi, giải trí ở Bãi Cháy, Hùng Thắng : Tránh xây dựng trên các khu đất sát bờ biển hoặc lấn biển nhằm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và tầm nhìn giữa các khu du lịch và vùng Vịnh Hạ Long;

- Đối với khu vực phát triển mới : Phát triển kiến trúc hiện đại, tạo nhiều không gian xanh, công trình dịch vụ công cộng. Các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch tại khu vực này được quy định như sau : Mật độ xây dựng cho toàn khu là 30 - 35%; tỷ lệ đất xây dựng nhà ở 60%; đất cây xanh và công trình công cộng 40%; tầng cao trung bình 2,5 tầng.

7. Định hướng quy hoạch phát triển giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật :

a) Về giao thông :

- Giao thông liên tỉnh :

+ Đường sắt : Xây dựng tuyến đường sắt từ ga Yên Viên tới Cổ Thành khoảng 42,5km, tuyến Hạ Long - cảng Cái Lân; cải tạo tuyến Phả Lại - Hạ Long theo khổ lồng;

+ Đường bộ : Hoàn chỉnh việc nâng cấp quốc lộ 18A theo dự án, sau năm 2010 cải tuyến đoạn Loong Toong - ngã ba Cọc 10 theo tuyến Hà Lầm - Núi Béo tránh trung tâm đô thị; xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long - Mông Dương - Móng Cái qua phía Bắc vịnh Cửa Lục; nâng cấp quốc lộ 279 đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi; xây dựng hai bến xe khách liên tỉnh tại khu vực ga Hạ Long và phường Cao Thắng;

+ Đường thủy : Phát triển cụm cảng Cái Lân theo dự án đã được duyệt, tổng lượng hàng hoá qua cảng đạt 18 - 20 triệu tấn/năm, tổng diện tích xây dựng cảng khoảng 300 ha; cảng Hòn Gai chuyển thành cảng hành khách, dịch vụ du lịch;

+ Đường hàng không : Dự kiến xây dựng sân bay dân dụng tại xã Minh Thành, diện tích khoảng 500 ha.

- Giao thông nội thị :

Xây dựng các trục đường chính đô thị, bao gồm các đường : Phố Mới, Hùng Thắng, Bãi Cháy, đường nối ga Hạ Long đi Trới có lộ giới 30 - 55 m; các tuyến liên khu vực có lộ giới 23 - 32 m; xây dựng các bãi đỗ xe công cộng với tổng diện tích khoảng 75 ha; xây dựng các bến tàu phục vụ du lịch trên Vịnh tại công viên Hoàng Gia, Cái Dăm, Hùng Thắng, Tuần Châu.

b) Về chuẩn bị kỹ thuật đất đô thị :

- San nền : Bảo đảm cao độ nền quy hoạch sao cho các khu vực đã xây dựng trong thành phố giữ nguyên địa hình như hiện nay, chỉ cải tạo cục bộ; hạn chế san phá, bảo đảm giữ được cảnh quan thiên nhiên;

- Hệ thống thoát nước : Trong khu đô thị cũ, trong các khu đông dân, sử dụng hệ thống thoát nước chung, có cống bao, các trạm bơm và trạm xử lý nước; đối với các khu vực dân cư thưa, các khu đô thị mới sử dụng mạng lưới nước thải riêng, có các trạm bơm, trạm xử lý nước; nước mưa chảy riêng.

c) Về cấp nước :

- Tổng nhu cầu cấp nước đến năm 2020 khoảng 150.000 m3/ngày đêm;

- Nguồn nước cấp cho thành phố sử dụng nước mặt từ các hồ Yên Lập, Cao Vân, Đồng Giang, Thác Nhồng, Sông Man, Lưỡng Kỳ.

d) Về cấp điện :

- Tổng nhu cầu cấp điện đến năm 2020 khoảng 303.600 KW;

- Nguồn cung cấp : Lưới điện quốc gia qua trạm biến áp 220 KV Hoành Bồ có công suất 2 x125 MVA và trạm Cái Lân có công suất 250 MVA; xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 300 MW.

đ) Về thoát nước thải và vệ sinh môi trường :

- Khu vực Bãi Cháy và Hòn Gai thực hiện theo dự án đã được phê duyệt;

- Nước thải sinh hoạt trong đô thị, nước thải bệnh viện, các nhà máy và các khu công nghiệp được thu gom theo hệ thống cống bao và cống thoát nước thải tới các trạm xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thoát ra biển;

- Xây dựng hai khu xử lý chất thải rắn tại Đèo Sen và Hà Khẩu theo dự án.

8. Quy hoạch xây dựng đợt đầu :

a) Khu trung tâm đô thị :

- Hoàn thành và xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, nghĩa trang, các tuyến giao thông đối ngoại và nâng cấp các tuyến giao thông đối nội;

- Xây dựng một số công trình trọng điểm, các trung tâm công cộng mới như công trình hội thảo, hội nghị và thương mại, khu thể thao trung tâm, trường học, phát thanh truyền hình, công viên...

- Cải tạo một số khu nhà ở có kiến trúc không phù hợp; xây dựng một số khu nhà ở mới theo dự án;

- Xây dựng các khu du lịch trọng điểm.

b) Ngoại thành và các vùng phụ cận :

- Xác định các khu trồng hoa và rau xanh phục vụ khu vực nội thành;

- Chuẩn bị cơ sở vật chất cho các khu vực phát triển dân cư;

- Củng cố hệ thống công trình đầu mối kỹ thuật hạ tầng trong vùng có liên quan.

Điều 2. Giao ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh :

- Phê duyệt hồ sơ thiết kế, lập hồ sơ cắm mốc đường đỏ theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2020;

- Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2020;

- Tổ chức công bố đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2020 để nhân dân biết, thực hiện;

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập, xét duyệt các quy hoạch chi tiết; lập và trình duyệt các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt và theo các quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận :
- Ban Bí thư Trung ương Đảng,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng Trung ương
và các Ban của Đảng,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể,
- Công báo,
- VPCP : BTCN, các PCN, các Vụ, Cục,
các đơn vị trực thuộc,
- Lưu : CN (5), Văn thư.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng