Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2500/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phê duyệt quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư 12/2014/TT-BXD, ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị;

Căn cứ Thông tư số 12/2017/TT-BXD ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quản lý đến đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Chỉ thị số 38-CT-TU ngày 08 tháng 11 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đến năm 2035;

Căn cứ Văn bản số 5977/BXD-PTĐT ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Bộ Xây dựng cho ý kiến về nội dung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đến năm 2035;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 192/TTr-SXD ngày 29 tháng 12 năm 2022 và biểu quyết của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh (bằng hình thức gửi phiếu ghi ý kiến).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đến năm 2035 với những nội dung chính như sau:

1. Sự cần thiết lập Chương trình phát triển đô thị

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Giang đến năm 2035 là cơ sở để quản lý phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch và Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/5/2009) và Kế hoạch phân loại đô thị quốc gia giai đoạn 2021-2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021). Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình phát triển mạng lưới đô thị theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí về phân loại đô thị.

2. Nội dung Chương trình phát triển đô thị

2.1. Phạm vi nghiên cứu: Chương trình phát triển đô thị được lập bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Hà Giang.

2.2. Quan điểm và mục tiêu phát triển đô thị

a) Quan điểm

- Phát triển đô thị phù hợp với sự phân bố các vùng kinh tế để mỗi đô thị có cơ sở kinh tế - kỹ thuật làm động lực phát triển, đáp ứng vai trò hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng vùng.

- Phát triển đô thị trên cơ sở phân bố một hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, kết hợp giữa cải tạo các đô thị cũ và xây dựng các đô thị mới để tạo thế cân bằng phát triển giữa các vùng và là hạt nhân phát triển nông thôn.

- Phát triển đô thị chú trọng việc xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật; cơ cấu chức năng phân bố hợp lý, bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, các vùng sản xuất nông lâm nghiệp trọng yếu, bảo vệ môi trường và sinh thái tự nhiên; việc xây dựng phù hợp với điều kiện và sắc thái đặc thù của từng vùng.

- Tạo điều kiện và khuyến khích áp dụng các mô hình đô thị bền vững, phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.

b) Mục tiêu

- Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế xã hội của Đảng bộ tỉnh Hà Giang tại Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và các đồ án Quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa tại trung tâm các huyện, khu trung tâm các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo nội dung Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 07/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

- Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Hà Giang phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có sắc thái kiến trúc đô thị riêng và môi trường, chất lượng sống tốt; có vị thế và tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực và quốc gia.

- Là cơ sở phân cấp, phân loại đô thị; xác định lộ trình đầu tư phát triển đô thị, các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng đô thị theo từng giai đoạn và định hướng đến năm 2035.

- Hoàn thành Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường Vụ Tỉnh ủy Hà Giang về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Các chỉ tiêu chính về phát triển đô thị giai đoạn 2020-2030

3.1. Tỷ lệ đô thị hóa

- Giai đoạn 2021 - 2025: Đạt khoảng 28,60%;

- Giai đoạn 2026 - 2030: Đạt khoảng 35%;

- Giai đoạn 2031 -2035 : Đạt khoảng 40 %.

3.2. Về chất lượng đô thị đến năm 2035

a) Về nhà ở: Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 24,8 m2 sàn/người trong đó: tại khu vực đô thị đạt 33,7 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 21,8 m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2 sàn/người. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 30,0 m2 sàn/người (chỉ tiêu Quốc gia đạt khoảng 30 m2 sàn/người), trong đó: tại khu vực đô thị đạt 37,3 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 25,1 m2 sàn/người, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 12 m2 sàn/người.

b) Về giao thông: Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị trung bình đạt 11% và đạt 13% vào năm 2030. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 15-20% vào năm 2025 và đạt 25-30% vào năm 2030.

c) Về cấp nước: Đến năm 2025, tỷ lệ hệ thống cấp nước đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75% và phấn đấu đạt 100% vào năm 2030.

d) Về thoát nước: Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước lên 80-95%, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của hệ thống. Các công trình thu nước mặt, các tuyến cống, mương đi qua khu dân cư tập trung đảm bảo yêu cầu không gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ hệ thống cống thoát nước được quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ.

d) Về chất thải rắn: 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh và 30% - 40% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, riêng ngoại thành thành phố Hà Giang đạt 85%; giảm tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 40%.

4. Danh mục, lộ trình và kế hoạch nâng loại hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh:

TT

Danh mục

Đề xuất

2021-2025

2026-2030

2031 - 2035

I

Tiểu vùng thấp

 

 

 

1

Thành phố Hà Giang

II

II

II

2

Huyện Bắc Mê

 

 

 

2.1

Thị trấn Yên Phú

V

V

V

2.2

Đô thị Minh Ngọc

 

V

V

3

Huyện Vị Xuyên

 

 

 

3.1

Thị trấn Vị Xuyên

IV

IV

IV

3.2

Thị trấn Việt Lâm

V

V

V

3.3

Đô thị Thanh Thủy

V

V

V

4

Huyện Bắc Quang (sau 2030 lên thị xã)

 

 

Thị xã

4.1

Thị trấn Việt Quang

IV

IV

4.2

Thị trấn Vĩnh Tuy

V

V

4.3

Đô thị Tân Quang

V

V

4.4

Đô thị Hùng An

V

V

4.5

Đô thị Quang Minh

V

V

4.6

Đô thị Đồng Yên

V

V

4.7

Đô thị Kim Ngọc

 

V

5

Huyện Quang Bình

 

 

 

5.1

Thị trấn Yên Bình

V

V

V

5.2

Đô thị Xuân Giang

V

V

V

5.3

Đô thị Tân Bắc

V

V

V

II

Tiểu vùng cao núi đá phía Bắc

 

 

 

6

Huyện Mèo Vạc

 

 

 

6.1

Thị trấn Mèo Vạc

V

V

V

6.2

Đô thị Pả Vi

 

V

V

7

Huyện Đồng Văn

 

 

 

7.1

Thị trấn Đồng Văn

V

IV

IV

7.2

Thị trấn Phố Bảng

V

V

V

8

Huyện Yên Minh

 

 

 

8.1

Thị trấn Yên Minh

IV

IV

IV

8.2

Đô thị Mậu Duệ

V

V

V

8.3

Đô thị Bạch Đích

 

V

V

9

Huyện Quản Bạ

 

 

 

9.1

Thị trấn Tam Sơn

V

V

V

9.2

Đô thị Quyết Tiến

V

V

V

III

Tiểu vùng cao núi đất phía Tây

 

 

 

10

Huyện Hoàng Su Phì

 

 

 

10.1

Thị trấn Vinh Quang

V

V

V

10.2

Đô thị Thông Nguyên

V

V

V

11

Huyện Xín Mần

 

 

 

11.1

Thị trấn Cốc Pài

V

V

V

11.2

Đô thị Nà Chì

V

V

V

5. Danh mục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung

Trên cơ sở thực trạng các đô thị và lộ trình nâng cấp các đô thị từ nay đến năm 2035, định hướng cần tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm như sau:

5.1. Danh mục các dự án:

Trên cơ sở thực trạng các đô thị và lộ trình nâng cấp các đô thị từ nay đến năm 2035, định hướng cần tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm như sau:

a) Hạ tầng kỹ thuật:

- Hệ thống giao thông đối ngoại: Cao tốc Mậu A - Bắc Quang; Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; Quốc lộ 4; Quốc lộ 4C; Quốc lộ 279; Quốc lộ 280 kéo dài; Quốc lộ 34.

- Hệ thống giao thông kết nối các trung tâm đô thị vùng: đường tỉnh ĐT.176 (Yên Minh - Mậu Duệ), từ thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Km100/QL.4C) đến xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh (giao với QL.280 kéo dài); Đường Tân Quang (Bắc Quang) - Bản Máy (Mốc 219); Đường tỉnh DT.178 (Yên Bình - Cốc Pài), từ thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình đến thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần (giao với QL.4); Đường tỉnh ĐT.182B (Đồng Văn - Khia Lía), từ thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Km142 500/QL.4C) đến Khia Lía, huyện Đồng Văn (Km 10 700/Đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú); Đường tỉnh ĐT.183 (Vĩnh Tuy - Đồng Yên - Yên Bình), từ thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang (Km207/QL.2) đến ngã ba Yên Bình, huyện Quang Bình (Km24 050/QL.279); Đường từ thành phố Hà Giang - Đồng Tâm - Kim Ngọc; đường từ Ngọc Đường (TP. Hà Giang) - Tùng Bá - Tráng Kìm - Lao Và Chải; đường Việt Quang - Xuân Giang; đường Nậm Dịch - Nam Sơn - Hồ Thầu - Quảng Nguyên - Nà Chì; đường Việt Lâm (Vị Xuyên) - Túng Sán (Hoàng Su Phì); đường Tân Trịnh - Xuân Minh (huyện Quang Bình) - Thông Nguyên - Km38, ĐT.177 (huyện Hoàng Su Phì); đường Thái An - Đường Thượng; đường Mèo Vạc - Khâu Vai - Niêm Tòng - QL.4C; đường Tả Lủng - Nậm Ban - Niêm Sơn; đường từ Km90 (Bắc Quang - Xín Mần) đi Cửa khẩu Xín Mần; đường Tam Sơn - Thanh Vân - Nghĩa Thuận - Mốc 325; đường đi Mốc 358, xã Bạch Đích; đường đi cửa khẩu Phó Bảng; Đường Pả Vi - Xín Cái - Cửa khẩu Săm Pun.

b) Cấp điện: Trạm biến áp 110kV; Đường dây 110kV; Lưới trung áp; Lưới hạ áp.

c) Hạ tầng viễn thông: Phát triển hạ tầng IoT; Xây dựng Chính quyền số.

d) Hạ tầng công cộng: Dự án nâng công suất NMN Sông Miện (26.000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng NMN Suối Sửu (10000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng NMN Suối Châng (5000 m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng NMN Suối Tha (5000m3/ngày.đêm); Dự án nâng công suất NMN TT Yên Phú (1500m3/ngày.đêm); Dự án nâng công suất NMN TT Minh Ngọc (1000m3/ngày.đêm); NMN TT Vinh Quang (2000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng hệ thống cấp nước ĐT Thông Nguyên (500m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng hệ thống cấp nước ĐT Bản Máy (500m3/ngày.đêm); Dự án nâng công suất NMN TT Cốc Pài (1000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng hệ thống cấp nước ĐT Nà Chì (500m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng HTCN ĐT Xín Mần (500m3/ngày.đêm); Dự án nâng công suất NMN Nậm Má (2000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng HTCN ĐT Vị Xuyên (2000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng HTCN ĐT Việt Lâm (1000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng HTCN ĐT Thanh Thủy (3000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng HTCN ĐT Minh Tân (1000m3/ngày.đêm); Dự án xây dựng HTCN ĐT Linh Hồ (1000m3/ngày.đêm); Dự án nâng công suất NMN TT Việt Quang; Dự án nâng công suất NMN Kim Ngọc; Dự án xây dựng HTCN TT Vĩnh Tuy; Dự án xây dựng HTCN ĐT Tân Quang; Dự án xây dựng HTCN ĐT Hùng An; Dự án xây dựng HTCN ĐT Quang Minh; Dự án xây dựng HTCN ĐT Kim Ngọc; Dự án nâng công suất NMN TT Yên Bình; Dự án xây dựng HTCN ĐT Xuân Giang; Dự án xây dựng HTCN ĐT Tân Bắc; Dự án nâng công suất NMN TT Mèo Vạc; Dự án xây dựng HTCN ĐT Pả Vi; Dự án xây dựng HTCN ĐT Xín Cái; Dự án nâng công suất NMN TT Đồng Văn; Dự án xây dựng HTCN ĐT Séo hồ; Dự án nâng công suất NMN TT Yên Minh; Dự án xây dựng HTCN ĐT Mậu Duệ; Dự án xây dựng HTCN ĐT Bạch Đích; Dự án nâng công suất NMN TT Tam Sơn; Dự án xây dựng HTCN ĐT Quyết Tiến; Dự án xây dựng HTCN ĐT Tùng Vài.

đ) Khu xử lý chất thải rắn: Khu xử lý chất thải rắn vùng tỉnh tại thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên; Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc; đầu tư mua sắm đủ các thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển CTR để mở rộng địa bàn và nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, chuyển CTR và triển khai rộng rãi phân loại CTR tại nguồn; đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại bằng công nghệ không đốt cho một số cơ sở y tế.

e) Hạ tầng Y tế: Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viện Y dược cổ truyền; Bệnh viện Mắt; Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; Bệnh viện đa khoa tư nhân; Bổ sung thêm chức năng khám chữa bệnh ngoại trú, khám chữa bệnh định kỳ cho 9 trung tâm y tế huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quảng Bình và Hoàng Su Phì.

g) Hạ tầng giáo dục đào tạo: sắp xếp các trường phổ thông dân tộc nội trú thành trường PTDTNT THCS&THPT các huyện giai đoạn 2021-2025; đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất hệ thống trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2030; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường PTDT bán trú 2021-2030; đầu tư, thành lập mới các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn các huyện, thành phố 2021-2030; thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (đặt tại thành phố Hà Giang); Quy hoạch khu nghiên cứu đào tạo tại khu vực Phong Quang gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Hà Giang quy mô khoảng 15ha. Thu hút đầu tư để thành lập khu nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp, các khu đào tạo nghề.

h) Hạ tầng thể dục, thể thao: xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh, diện tích khoảng trên 20 ha tại xã Phương Độ; xây dựng mới 05 sân vận động có khán đài tại các huyện Mèo Vạc, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang & Quang Bình; Nâng cấp 07 sân vận động có khán đài tại các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Mèo Vạc, Bắc Mê, Bắc Quang; Xây dựng mới 11 nhà thi đấu 1.000 chỗ tại 11 huyện, thành phố; xây dựng mới 10 bể bơi tại các huyện Yên Minh, Quang Bình, thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

i) Hạ tầng thương mại, dịch vụ: Chợ thị trấn (TT) Yên Phú (huyện Bắc Mê); Chợ TT Đồng Văn (huyện Đồng Văn); Chợ TT Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì); Chợ TT huyện Quản Bạ (chợ Tam Sơn cũ) (huyện Quản Bạ); Chợ TT Yên Bình (huyện Quang Bình); Chợ TT Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên); Chợ TT Yên Minh (huyện Yên Minh); Chợ Trung tâm thành phố Hà Giang Trần Phú - Tp. Hà Giang; Chợ Phương Thiện - Tp. Hà Giang; Chợ TT Vĩnh Tuy (huyện Bắc Quang); Chợ TT Phố Bảng (huyện Đồng Văn); Chợ TT Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc); TTTM (tổ 16, P.Minh Khai, TP. Hà Giang); TTTM Vị Xuyên; TTTM Phương Độ (Khu KTCK); TTTM Việt Quang; Siêu thị tổng hợp, Tp. Hà Giang; Siêu thị tổng hợp Phương Thiện, Tp. Hà Giang; Siêu thị tổng hợp Khu KTCK Thanh Thủy, H. Vị Xuyên; Siêu thị tổng hợp - TT Việt Quang, huyện Bắc Quang; Siêu thị tổng hợp - TT Đồng Văn, huyện Đồng Văn; Siêu thị tổng hợp - TT Tam Sơn, huyện Quản Bạ; Siêu thị tổng hợp - TT Yên Bình, huyện Quang Bình; Siêu thị tổng hợp - TT Cốc Pài, huyện Xín Mần; Siêu thị tổng hợp - TT Yên Phú, huyện Bắc Mê; Siêu thị tổng hợp - TT Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang; Siêu thị tổng hợp - TT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên; Siêu thị tổng hợp - xã Nà Chí, huyện Xín Mần; Siêu thị tổng hợp - TT huyện Yên Minh; Siêu thị tổng hợp - TT Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì; Siêu thị tổng hợp -TT Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc; Siêu thị tổng hợp - Mốc 21 - CK Săm Pun, huyện Mèo Vạc.

5.2. Nhu cầu vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và các giải pháp về vốn

a) Nhu cầu vốn đầu tư:

- Nhu cầu vốn đầu tư tổng thể cả chương trình: khoảng 34.650 tỷ đồng.

- Phân theo giai đoạn thực hiện:

Giai đoạn 2022 - 2025: khoảng 40.202 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030: khoảng 14.763 tỷ đồng.

Giai đoạn 2031 - 2035: khoảng 5.685 tỷ đồng.

b) Dự kiến cơ cấu nguồn vốn

- Ngân sách Trung ương: khoảng 11.436 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh: khoảng 13.183 tỷ đồng.

- Ngoài ngân sách và các nguồn vốn hỗ trợ khác: khoảng 10.031 tỷ đồng.

5.3. Giải pháp chính sách, huy động nguồn vốn

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư:

- Về huy động vốn ngân sách Nhà nước:

Ưu tiên nguồn vốn ngân sách tỉnh, đồng thời làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn Trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn tín dụng ưu đãi đầu tư, vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước.

Có biện pháp phù hợp để huy động tối đa nguồn vốn từ khai thác quỹ đất cho phát triển đô thị, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

- Về huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước:

Xác định việc sử dụng ngân sách đầu tư phát triển đô thị đúng chỗ, hiệu quả, có tác dụng làm hạt nhân kích thích thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách.

Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hình thức BOT, PPP.

Cải cách gọn nhẹ thủ tục hành chính trong đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt đối với các dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, nhà ở... nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các lĩnh vực này.

b) Giải pháp phân bổ nguồn lực phát triển đô thị

- Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (kể cả nguồn vốn ODA), nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi của Trung ương, nguồn vượt thu, tăng thu từ kinh tế địa phương: ưu tiên cho đầu tư phát triển trong đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, các hạ tầng khung trong các đô thị, các công trình đầu mối trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường đô thị.

- Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên cho phát triển các dịch vụ công trong đô thị như thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng; phát triển các khu vực mở rộng, tái thiết đô thị, các khu đô thị có chức năng chuyên biệt.

- Xây dựng cơ chế đặc thù, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên đầu tư và phát triển các đô thị trung tâm vùng kinh tế động lực làm khâu đột phá, có sức lan tỏa lớn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, kích thích phát triển đô thị từng vùng.

- Kết hợp, lồng ghép Chương trình phát triển đô thị với các mục tiêu, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.

- Đầu tư vào các hạ tầng thiết yếu có tác dụng thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển đô thị.

- Phân vùng, phân kỳ phát triển đô thị hợp lý để có chính sách phù hợp, hiệu quả nhất đối với phát triển đô thị từng vùng, từng giai đoạn.

- Phát triển đô thị bền vững, phát huy nguồn nội lực để vừa tăng trưởng nhanh về kinh tế, vừa đảm bảo sinh thái bền vững, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

b) Chủ trì, tổ chức lập Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Giang và các đô thị.

c) Hướng dẫn các địa phương lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị từng đô thị.

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh.

6.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Cân đối ngân sách hàng năm đảm bảo chi phí cho các sở, ngành trong việc thực hiện Chương trình phát triển đô thị và vận động thu hút nguồn vốn ODA, các hoạt động thuộc chương trình, tổ chức xúc tiến đầu tư phát triển đô thị từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước và quốc tế.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và hướng dẫn cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

6.3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp kinh phí hàng năm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cho phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua dự toán chi hàng năm và hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện và thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

6.4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại khu vực đô thị hiện hữu và các khu vực dự kiến phát triển đô thị; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm đảm bảo quỹ đất phát triển đô thị, trình cấp thẩm quyền quyết định.

b) Hướng dẫn các địa phương xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đặc biệt đất trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt làm cơ sở cho định hướng phát triển đô thị.

6.5. Sở Giao thông Vận tải

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương liên quan quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông toàn tỉnh (bao gồm Quốc lộ, Tỉnh lộ) gắn kết với hệ thống đô thị trung tâm và các trục giao thông chính đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị được duyệt.

6.6. Các sở, ngành liên quan

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến quản lý phát triển đô thị.

6.7. Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Hà Giang

a) Chủ động tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng phát triển các đô thị; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong đô thị thuộc địa phương quản lý.

b) Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị từng đô thị thuộc địa phương quản lý; chủ động, tích cực huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển đô thị phù hợp với lộ trình phát triển đô thị của địa phương và toàn tỉnh Hà Giang.

(chi tiết có Chương trình phát triển đô thị kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CV (NCTH).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn