Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 2502/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày  17 tháng  11 năm  2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC CON NUÔI QUỐC TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Cục Con nuôi quốc tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Bộ trưởng,
- Các Thứ trưởng;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, Vụ TCCB, Cục CNQT.

BỘ TRƯỞNG




Uông Chu Lưu

 

BỘ TƯ PHÁP

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC CON NUÔI QUỐC TẾ
(
Ban hành kèm theo Quyết định số:2502/QĐ-BTP ngày 17 tháng 11 năm  2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương1:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ

Điều 1. Chức năng

Cục Con nuôi quốc tế (sau đây gọi tắt là Cục) là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

Cục Con nuôi quốc tế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Đề xuất các chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

2. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các văn bản đó;

3. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành các mẫu sổ sách, giấy tờ về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

4. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ xin phép lập Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; trình Bộ trưởng quyết định việc cấp, thay đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt, thu hồi Giấy phép lập Văn phòng của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là Văn phòng Con nuôi nước ngoài); thực hiện quản lý các Văn phòng Con nuôi nước ngoài theo quy định;

5. Tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; kiểm tra hồ sơ của trẻ em Việt Nam được giới thiệu cho làm con nuôi người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giải quyết các thủ tục cho công dân Việt Nam xin nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi theo quy định;

6. Quản lý hồ sơ về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam là con nuôi người nước ngoài cho đến khi con nuôi đủ 18 tuổi; cung cấp thông tin cần thiết về trẻ em thuộc diện được cho làm con nuôi và trẻ em là con nuôi người nước ngoài cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan nước ngoài theo quy định;

7. Soạn thảo, đàm phán, hoàn thiện các thủ tục để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về nuôi con nuôi và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đó;

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước;

9. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo Quy chế về hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp;

10. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp thanh tra trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

11. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và hoạt động của các Văn phòng Con nuôi nước ngoài theo quy định;

12. Thực hiện quản lý, sử dụng đội ngũ công chức của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

13. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, quản lý kinh phí, tài sản thuộc Cục theo quy định;

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Cục gồm có Cục trưởng, các Phó Cục trưởng và các phòng chuyên môn sau:

a) Phòng Quản lý nghiệp vụ;

b) Phòng Tiếp nhận, giải quyết và quản lý hồ sơ;

c) Phòng Hành chính - Tổng hợp.

2. Biên chế của Cục thuộc biên chế hành chính của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế.

Điều 4. Phòng Quản lý nghiệp vụ

Phòng Quản lý nghiệp vụ có chức năng giúp Cục trưởng xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; giải quyết hồ sơ của tổ chức con nuôi nước ngoài xin cấp, gia hạn, thay đổi Giấy phép lập Văn phòng Con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; quản lý các Văn phòng Con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Điều 5. Phòng Tiếp nhận, giải quyết và quản lý hồ sơ

Phòng Tiếp nhận, giải quyết và quản lý hồ sơ có chức năng giúp Cục trưởng tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết, quản lý, lưu giữ hồ sơ con nuôi có yếu tố nước ngoài; theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam là con nuôi người nước ngoài cho đến khi con nuôi đủ 18 tuổi; cung cấp thông tin cần thiết về trẻ em thuộc diện được cho làm con nuôi và trẻ em là con nuôi người nước ngoài cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan nước ngoài theo quy định.

Điều 6. Phòng Hành chính - Tổng hợp

Phòng Hành chính - Tổng hợp có chức năng giúp Cục trưởng xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổng hợp, điều phối hoạt động chung của Cục; thực hiện các nhiệm vụ hành chính, tổng hợp, tài chính, kế toán và một số hoạt động hợp tác quốc tế của Cục.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG CHỨC THUỘC CỤC

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cục trưởng

Cục trưởng là công chức lãnh đạo, đứng đầu Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về quản lý, điều hành các hoạt động của Cục.

Cục trưởng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Trình Bộ trưởng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, dài hạn của Cục; tổ chức thực hiện  chương trình, kế hoạch đó sau khi được Bộ trưởng phê duyệt;

2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Cục quy định tại Điều 2 của Quy chế này;

3. Phân công nhiệm vụ, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Phó Cục trưởng;

Khi vắng mặt, Cục trưởng uỷ nhiệm cho một Phó Cục trưởng quản lý, điều hành công việc chung của Cục và chịu trách nhiệm về những công việc mà Phó Cục trưởng được uỷ nhiệm đã giải quyết;

4. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của các đơn vị và các chức danh cán bộ, công chức của Cục; ban hành các nội quy, lề lối làm việc nội bộ Cục;

5. Sắp xếp, bố trí, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động; thực hiện các trình tự, thủ tục về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng theo quy định của pháp luật;

6. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Cục, sử dụng có hiệu quả kinh phí và tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

7. Phối hợp tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

8. Tổ chức hoạt động kiểm tra, tham gia thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật;

9. Tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ;

10. Làm chủ tài khoản của Cục; quản lý tài sản và tổ chức thực hiện công tác tài chính, kế toán của Cục theo quy định của pháp luật;

11. Bảo đảm, phát huy dân chủ trong hoạt động của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ;

12. Ký các văn bản theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Bộ;

13. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng khi có những khuyết điểm về quản lý và để xảy ra tình trạng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, gây thiệt hại lớn trong đơn vị;

14. Duy trì kỷ luật lao động của Cục theo các quy định hiện hành;

15. Tạo điều kiện để tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của Cục hoạt động có hiệu quả; phối hợp với các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của Bộ và của Cục trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của cán bộ, công chức.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 8.  Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Cục trưởng

Phó Cục trưởng là công chức lãnh đạo, giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục, được Cục trưởng phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ của Cục, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Cục trưởng phân công.

Phó Cục trưởng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Cục trưởng phân công;

2. Chỉ đạo, kiểm tra, duy trì kỷ luật của các đơn vị và công chức được Cục trưởng phân công trực tiếp chỉ đạo;

3. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được Cục trưởng uỷ nhiệm, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những công việc được Cục trưởng uỷ nhiệm;

4. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật khi có những khuyết điểm về quản lý và để xảy ra tình trạng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, gây thiệt hại lớn trong lĩnh vực được phân công;

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng giao.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng

Trưởng phòng có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị mình.

Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng tổ chức, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ được Trưởng phòng phân công, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đó.

Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Cục trưởng quy định.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức và người lao động

Công chức và người lao động thuộc Cục được hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, chấp hành sự chỉ đạo của người quản lý trực tiếp, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chương 3:

NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 11. Nguyên tắc làm việc

Cục làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức và người lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Điều 12. Quan hệ của Cục trong cơ quan Bộ

1. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng trực tiếp phụ trách; báo cáo, đề nghị Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng trực tiếp phụ trách xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ về lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; đề xuất quan điểm và các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

2. Cục chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ chung của Bộ.

Điều 13. Quan hệ với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức địa phương

Cục giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức ở địa phương trong việc thực hiện pháp luật và giải quyết vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, nhằm bảo đảm sự quản lý thống nhất trong toàn quốc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 14. Quan hệ với Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế, Văn phòng nuôi con nuôi nước ngoài

Trên cơ sở quy định của pháp luật và Quy chế quản lý các hoạt động đối ngoại của Bộ, Cục được liên hệ với các cơ quan, tổ chức để giải quyết các việc sau đây:

1. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế liên hệ với các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

2. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế liên hệ với Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự nước ngoài, Tổ chức quốc tế tại Việt Nam về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

3. Trực tiếp liên hệ với Cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế và Tổ chức con nuôi của các nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam.

Điều 15. Chế độ tiếp người nước ngoài đến giải quyết hồ sơ

1. Việc tiếp người nước ngoài đến liên hệ, giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi được thực hiện tại phòng tiếp khách của cơ quan, với sự có mặt của ít nhất hai (02) công chức của Cục và phải được ghi vào Sổ theo dõi tiếp khách.

Thủ tục tiếp người nước ngoài phải tuân theo các quy định của pháp luật và Quy chế về hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.

2. Nghiêm cấm lợi dụng việc tiếp người nước ngoài đến liên hệ giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi để nhằm mục đích vụ lợi hoặc vì bất kỳ mục đích cá nhân khác trái quy định của pháp luật./.

 

BỘ TRƯỞNG




Uông Chu Lưu