Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2516/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 26 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CHO CÁN BỘ ĐỐI TƯỢNG 3 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2019

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh;

Căn cứ Thông tư số 38/2014/TT-BQP ngày 30/5/2014 của Bộ Quốc phòng ban hành nội dung, chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng;

Xét đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tượng 3 trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Điều 2. Giao Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CHO CÁN BỘ ĐỐI TƯỢNG 3 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2019
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2516/QĐ-UBND ngày 26/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Bồi dưỡng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc cơ bản về Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, yêu cầu mới về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vận dụng tham mưu, lãnh đạo và tổ chức thực hiện trên từng cương vị công tác theo chức trách nhiệm vụ được giao, phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Yêu cầu

- Có sự chỉ đạo thống nhất, phát huy trách nhiệm, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; chuẩn bị đầy đủ, chu đáo mọi mặt để các khóa học đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực;

- Tổ chức triệu tập học viên các khóa học đúng đối tượng theo quy định, tham gia các khóa học đạt 100% chỉ tiêu;

- Nắm chắc nội dung, vận dụng kiến thức đã học vào việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên từng cương vị công tác;

- Tham gia đóng góp ý kiến về nội dung, phương pháp giảng dạy để rút kinh nghiệm tổ chức các khóa học sau được tốt hơn.

II. NỘI DUNG

1. Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quốc phòng, an ninh;

2. Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại trong tình hình mới;

3. Chiến lược quốc phòng, an ninh một số nước có liên quan đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam;

4. Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

5. Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong tình hình mới;

6. Đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về dân tộc, tôn giáo gắn với quốc phòng, an ninh trong tình hình mới;

7. Phòng, chống chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với Việt Nam;

8. Biên giới quốc gia và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới;

9. Phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, vũ khí công nghệ cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

10. Thứ tự các bước chuyển cơ quan, tổ chức, địa phương vào các trạng thái quốc phòng; chuyển hoạt động của lực lượng vũ trang trong các trạng thái sẵn sàng chiến đấu;

11. Những vấn đề cơ bản về Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý sự nghiệp quốc phòng; công tác quốc phòng ở bộ, ngành, địa phương;

12. Nội dung cơ bản của Luật: Quốc phòng, An ninh quốc gia, Nghĩa vụ quân sự, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Dân quân tự vệ, Biên giới quốc gia, Biển Việt Nam; Pháp lệnh Dự bị động viên;

13. Một số vấn đề về xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ;

14. Nội dung, phương pháp soạn thảo hệ thống văn kiện chuyển cơ quan, tổ chức, địa phương từ thời bình sang thời chiến;

15. Tổ chức phản động PULRO và âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trên địa bàn Tây Nguyên;

16. Vấn đề dân tộc, tôn giáo và đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng trên địa bàn Quân khu 5;

17. Nội dung, phương pháp diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã;

18. Luyện tập và bắn súng K54 bài 1.

III. THÀNH PHẦN, SỐ LƯỢNG

1. Thành phần

Theo Điểm c, Khoản 1 và Điểm a, Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/02/2014 của Chính phủ; Hướng dẫn số 90/HD-HĐGQPAN ngày 31/5/2016 của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) Trung ương.

2. Số lượng: Dự kiến 05 khóa (khóa 55, khóa 56, khóa 57, khóa 58, khóa 59); khóa 55 bồi dưỡng 200 đồng chí, các khóa còn lại mỗi khóa bồi dưỡng 80 đồng chí.

IV. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM

1. Thời gian

- Thời gian bồi dưỡng mỗi khóa: 12 ngày làm việc.

- Dự kiến:

+ Khóa 55: Từ ngày 04/4 - 19/4/2019;

+ Khóa 56: Từ ngày 02/5 - 17/5/2019;

+ Khóa 57: Từ ngày 06/6 - 21/6/2019;

+ Khóa 58: Từ ngày 04/7 - 19/7/2019;

+ Khóa 59: Từ ngày 08/8 - 23/8/2019.

2. Địa điểm

- Khóa 55: Bồi dưỡng tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (37 Ngô mây, thành phố Quy Nhơn);

- Các khóa còn lại: Bồi dưỡng tại Trường Quân sự tỉnh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát).

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt học tập, giáo trình, tài liệu, giảng đường cho học viên học tập, sinh hoạt;

2. Bảo đảm cấp Giấy chứng nhận cho học viên theo quy định;

3. Đánh giá, thông báo kết quả học tập cho học viên khi kết thúc khóa học; báo cáo kết quả các khóa học về cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN tỉnh để tổng hợp báo cáo Hội đồng GDQPAN Quân khu 5;

4. Kinh phí: Sử dụng nguồn ngân sách GDQPAN năm 2019;

5. Đối với học viên: Tự bảo đảm tư trang và đồ dùng sinh hoạt cá nhân, nộp tiền ăn theo chế độ hiện hành.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN tỉnh)

a. Là cơ quan chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các ngành, cơ quan chức năng có liên quan, các cơ quan Trung ương có trụ sở trên địa bàn, Hội đồng GDQPAN các huyện, thị xã, thành phố rà soát nắm chắc các đối tượng chưa tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (KTQPAN); tham mưu cho Hội đồng GDQPAN tỉnh phân bổ chỉ tiêu bồi dưỡng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và ra quyết định triệu tập cán bộ từng khóa học đúng thành phần, số lượng, tổ chức bồi dưỡng KTQPAN theo kế hoạch.

b. Chỉ đạo Trường Quân sự tỉnh

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng KTQPAN cụ thể từng khóa học, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, chất lượng và đúng quy định;

- Là đơn vị chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức bồi dưỡng KTQPAN khóa 55 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;

- Tổ chức tập huấn thống nhất nội dung, phương pháp giảng dạy cho giảng viên; phân công giảng viên chuẩn bị bài giảng và tổ chức thông qua trước khi giảng bài cho các khóa học;

- Chủ động liên hệ mời Báo cáo viên là lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh; phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh bảo đảm giảng dạy các chuyên đề có liên quan;

- Bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt học tập, giáo trình, tài liệu, giảng đường cho học viên học tập, sinh hoạt;

- Chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa học viên đi tham quan, nghiên cứu thực tế; kết hợp bố trí chương trình chính khóa với hoạt động ngoại khóa để nâng cao năng lực vận dụng vào thực tiễn cho đối tượng bồi dưỡng;

- Tổ chức khung quản lý, biên chế học viên, xây dựng quy chế khóa học, cấp chứng chỉ cho học viên theo quy định. Đánh giá, thông báo kết quả học tập cho học viên khi kết thúc khóa học; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thời gian tổ chức bồi dưỡng KTQPAN;

- Tổng hợp kết quả bồi dưỡng KTQPAN của từng khóa học báo cáo cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN tỉnh và thông báo kết quả học tập về các cơ quan, đơn vị có học viên tham gia bồi dưỡng KTQPAN.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có liên quan cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương có trụ sở trên địa bàn tỉnh

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tốt công tác bồi dưỡng KTQPAN năm 2019 theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Rà soát nắm chắc các đối tượng chưa tham gia bồi dưỡng KTQPAN, lập danh sách đăng ký từng khóa học báo cáo cho Hội đồng GDQPAN tỉnh; cử cán bộ tham gia bồi dưỡng đúng thành phần, đủ số lượng theo quyết định triệu tập.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a. Chỉ đạo cơ quan Thường trực Hội đồng GDQPAN các huyện, thị xã, thành phố rà soát nắm chắc các đối tượng chưa tham gia bồi dưỡng KTQPAN, lập danh sách đăng ký từng khóa học báo cáo cho Hội đồng GDQPAN tỉnh ra quyết định triệu tập.

b. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia bồi dưỡng KTQPAN đúng thành phần, đủ số lượng quy định; đồng thời tổ chức xe đưa, đón cán bộ tham gia bồi dưỡng bảo đảm an toàn.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện./.