Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2531/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 22 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ TAI NẠN MÁY BAY; TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1831/QĐ-UBND ngày 27/5/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2028/SGTVT-QLHTGT ngày 08/8/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ứng phó tai nạn máy bay; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh; Giám đốc: Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBQG ƯPSCTT và TKCN, Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia (b/c);
- Bộ Giao thông vận tải (b/c);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CPVP;
- Lưu: VT, NC, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ TAI NẠN MÁY BAY; TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2531/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

I. SỰ CẦN THIẾT

Quảng Nam có nhiều loại hình giao thông: Về đường hàng không có sân bay Chu Lai và mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay bay qua không phận; Về đường bộ có 10 tuyến quốc lộ và 01 tuyến đường cao tốc đi qua với tổng chiều dài 993km, 19 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 369km và 2.192km đường GTNT do UBND cấp huyện quản lý; Về đường sông có 941km sông ngòi tự nhiên, đang quản lý và khai thác khoảng 317km, trong đó đường sông Trung ương 165km và đường sông địa phương 152km; Đường sắt qua địa bàn tỉnh có 91,5km, trên đường sắt có 61 đường ngang hợp pháp (có người gác 26, không người gác 35) và 72 đường ngang dân sinh bất hợp pháp.

Với hệ thống giao thông như trên thì nhiệm vụ đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi, an toàn và thông suốt là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện hằng ngày. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xảy ra sự cố tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố về tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra cần phải được thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội nhận thức được và phải có sự chung tay của chính quyền, của cả hệ thống chính trị xã hội và của toàn thể nhân dân.

II. MỤC ĐÍCH

1. Bảo đảm chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đồng thời khắc phục về hậu quả, ngăn chặn những hệ lụy xấu phát sinh sau khi có tình huống xảy ra.

2. Là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch hành động theo nhiệm vụ được phân công.

3. Là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị đề xuất kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

III. YÊU CẦU

1. Cơ quan chỉ huy thống nhất điều hành là Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.

2. Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

3. Tích cực, chủ động phòng ngừa, thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo kế hoạch linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.

4. Trong mọi trường hợp sự cố xảy ra thì người chỉ huy cao nhất hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường của tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người được ủy quyền điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các địa phương, đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn để tham gia ứng cứu.

5. Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

6. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị - xã hội trên cơ sở chủ động tại chỗ từ cơ sở, kết hợp ứng cứu nhanh, huy động vật tư, phương tiện, lực lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để cứu người, cứu tài sản. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

7. Tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh thành lân cận, các ngành, các tổ chức theo từng tình huống xảy ra.

Phần II

KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ CỨU HỘ VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

I. TAI NẠN MÁY BAY

1. Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia.

2. Cơ quan chỉ huy hiện trường:

- Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan.

- Địa phương: UBND tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng Hàng không Chu Lai, Sở Giao thông vận tải, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

3. Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và các lực lượng khác thuộc thẩm quyền điều động của UBND tỉnh.

- Tai nạn máy bay xảy ra trên biển: Lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn chủ lực của tỉnh là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam và chính quyền địa phương.

- Tai nạn máy bay xảy ra trên đất liền và rừng núi của tỉnh: Lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn chủ lực của tỉnh là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương.

4. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin tàu bay bị tai nạn, Cảng Hàng không Chu Lai báo cáo ngay cho Trung tâm khẩn nguy cảng hàng không, UBND tỉnh biết: Loại tàu bay, số lượng tổ bay và hành khách trên tàu bay, vị trí và thời gian, địa phương, tình hình thời tiết tại khu vực tàu bay gặp nạn theo sơ đồ tọa độ và thông tin từ Kiểm soát viên không lưu, đồng thời triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị lên đường đến hiện trường xảy ra tai nạn.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh trực tiếp chỉ huy hiện trường, đồng thời thông báo cho các cơ quan phối hợp triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Quá trình triển khai công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, chính quyền địa phương triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện có của các đơn vị đến hiện trường để thực thi nhiệm vụ.

- Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế tại địa phương triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật loại tàu đánh cá có công suất lớn và loại tàu lớn của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng khác để thực hiện cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn xảy ra trên biển, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và các lực lượng thuộc ngành trong công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi tai nạn xảy ra ở khu vực rừng núi.

- Sở Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật các thiết bị thi công có thể thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và các loại phương tiện vận chuyển trên địa bàn tỉnh, tùy theo từng trường hợp xảy ra tai nạn cụ thể để huy động lực lượng, các phương tiện của địa phương cũng như các nhà thầu đang thi công trên địa bàn theo yêu cầu của UBND tỉnh nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

- Sở Ngoại vụ phối hợp với Công an tỉnh, Cục Hàng không để nắm bắt đồng thời báo cáo với Bộ Ngoại giao đối với trường hợp có người mang quốc tịch nước ngoài (ngoại kiều, Việt kiều) trong vụ tai nạn.

- Trường hợp tàu bay xảy ra tai nạn nằm ở vị trí hiểm trở không có các tuyến giao thông đi đến, việc đi đến hiện trường của các lực lượng, phương tiện cứu hộ gặp khó khăn và những tình huống vượt khả năng ứng phó, Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.

II. TAI NẠN ĐƯỜNG BỘ

1. Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

2. Cơ quan chỉ huy hiện trường:

- Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và các cơ quan liên quan.

- Địa phương: UBND tỉnh.

3. Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ III, đơn vị quản lý đường cao tốc, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

4. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin xảy ra tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn của tỉnh, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ báo cáo ngay cho Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh về lý trình, tuyến đường, loại phương tiện, biển đăng ký kiểm soát, thời gian và địa phương nơi xảy ra tai nạn. Song song với việc triển khai công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn của ngành, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời báo cáo ngay cho các ngành liên quan, chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

- Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải trực tiếp chỉ huy hiện trường đồng thời thông báo cho các cơ quan phối hợp triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Quá trình triển khai công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho mọi người, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.

- Lực lượng và các phương tiện, thiết bị của Công an tỉnh và của ngành Giao thông vận tải là lực lượng chủ lực trong công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương để triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo hoặc đề nghị Cục Quản lý đường bộ III, đơn vị quản lý đường cao tốc (đối với đường cao tốc và các quốc lộ do Cục Quản lý đường bộ III quản lý) chỉ đạo Thanh tra GTVT, các đơn vị quản lý và bảo trì đường bộ kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh, phân luồng đảm bảo giao thông hạn chế thấp nhất thời gian ách tắc giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn, phong tỏa hiện trường phục vụ công tác thực thi pháp luật.

- Sở Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật các thiết bị thi công có thể thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và các phương tiện vận chuyển trên địa bàn tỉnh, huy động lực lượng, các phương tiện của địa phương cũng như các nhà thầu đang thi công trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của UBND tỉnh nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

- Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế tại địa phương triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.

III. TAI NẠN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

1. Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

2. Cơ quan chỉ huy hiện trường:

- Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và các cơ quan liên quan.

- Địa phương: UBND tỉnh.

3. Cơ quan thực hiện: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

4. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn của tỉnh, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phối hợp ngay với các đơn vị trực tiếp quản lý tuyến sông và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải về lý trình, tuyến sông, loại phương tiện, biển đăng ký kiểm soát, số lượng thuyền viên và người trên tàu, thuyền bị nạn, thời gian và địa phương xảy ra tai nạn.

- Lực lượng và các phương tiện, thiết bị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và ngành Giao thông vận tải là lực lượng chủ lực trong công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn, sự phối hợp chặt chẽ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương để triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo hoặc đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (trường hợp đường sông Trung ương quản lý) chỉ đạo Thanh tra GTVT, các đơn vị quản lý và bảo trì đường thủy nội địa kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh phân luồng đảm bảo giao thông hạn chế thấp nhất thời gian ách tắc giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn, phong tỏa hiện trường phục vụ công tác thực thi pháp luật.

- Sở Giao thông vận tải thường xuyên cập nhật số lượng, loại tàu thuyền trên địa bàn, liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm bắt tàu, thuyền của ngành thủy sản để tham mưu UBND tỉnh điều động ứng cứu khi cần thiết nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Trường hợp các phương tiện giao thông thủy trôi dạt làm ảnh hưởng đến công trình giao thông bắc ngang sông, công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn tiến hành song song vừa cứu hộ dưới sông đồng thời triển khai nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường có công trình bị ảnh hưởng do sự va đập của các phương tiện thủy.

- Lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải duy trì liên lạc thường xuyên với Chỉ huy hiện trường để chỉ đạo hoạt động, phân chia lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo tổ chức điều tiết giao thông, thông báo có tai nạn giao thông đường thủy, phân luồng giao thông, tạm thời cấm tàu thuyền hành trình qua khu vực đang tiến hành hoạt động cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

- Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế tại địa phương triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

- Trong trường hợp lực lượng tại chỗ không đủ khả năng cứu hộ, cứu nạn, Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh đề nghị lực lượng, phương tiện của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham gia ứng cứu.

- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.

IV. TAI NẠN ĐƯỜNG SẮT

1. Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

2. Cơ quan chỉ huy hiện trường:

- Trung ương: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và các cơ quan liên quan.

- Địa phương: UBND tỉnh.

3. Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

4. Tổ chức thực hiện: Nhận được thông tin xảy ra tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn của tỉnh, Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng báo ngay cho UBND tỉnh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải về lý trình, số hiệu đoàn tàu, sơ bộ tình trạng tai nạn, thời gian và địa phương xảy ra tai nạn.

- Lực lượng và các phương tiện, thiết bị của Công an tỉnh và ngành Giao thông vận tải là lực lượng chủ lực trong công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn giao thông Đường sắt xảy ra, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương triển khai các lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

+ Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh tham gia điều tiết, hướng dẫn giao thông; phối hợp với các lực lượng liên quan phong tỏa hiện trường phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và điều tra xử lý vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật.

+ Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải duy trì liên lạc thường xuyên với chỉ huy hiện trường để chỉ đạo hoạt động, phân chia lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

- Tùy theo tình hình thực tế, Sở Giao thông vận tải điều động các thiết bị thi công có thể thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và các phương tiện vận chuyển trên địa bàn tỉnh, các phương tiện của các nhà thầu đang thi công trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của UBND tỉnh nhằm phục vụ hiệu quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.

- Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng chịu trách nhiệm trong việc điều phối lịch chạy, dừng tàu trong thời gian xảy ra tai nạn nhằm tránh trường hợp xảy ra tai nạn liên hoàn trên tuyến đường sắt, điều động các thiết bị cứu hộ đặc chủng của ngành, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của các đơn vị khác trong ngành đường sắt.

- Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế tại địa phương triển khai công tác cứu thương (đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị y tế, một số cơ số thuốc cần thiết và xe cứu thương phục vụ cấp cứu). Trong điều kiện cần thiết UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan y tế thành lập bệnh viện dã chiến tại hiện trường để cấp cứu ban đầu sau đó chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

- Trường hợp tình huống vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng ở địa phương, Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, tham mưu UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch.

2. Các Sở, Ban, ngành, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách theo quy định đảm bảo nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, các cơ quan quản lý đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình; định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) để theo dõi chỉ đạo.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan chủ động phối hợp giải quyết; trường hợp cấp bách, vượt thẩm quyền, báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết.