Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2544/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA ĐƯỢC ĐƯA VÀO, ĐƯA RA DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử; Quyết định 103/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 149/2005/QĐ-TTg;

Căn cứ Thông tư 222/2009/TT-BTC ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy định về thí điểm thủ tục hải quan điện tử;

Xét đề nghị của Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh thì kịp thời báo cáo, đề xuất để Tổng cục xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Lưu: VT, CCHĐH (20b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

QUY TRÌNH

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA ĐƯỢC ĐƯA VÀO, ĐƯA RA DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2544/QĐ-TCHQ ngày 28 tháng 11 năm 2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi áp dụng

Quy trình thủ tục này áp dụng cho hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất theo quy định pháp luật và các quy định tại Mục 1 Chương V Thông tư 222/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 25/11/2009 (sau đây gọi là Thông tư 222/2009/TT-BTC).

1.2. Đối tượng áp dụng

Công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất; Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu có liên quan đến việc làm thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử sắp xếp tổ chức và bố trí nhân sự trong Chi cục thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho phù hợp để triển khai hiệu quả. Trường hợp Chi cục hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử không có cấp Đội, Chi cục trưởng Chi cục hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử chịu trách nhiệm quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Đội trưởng quy định trong Thông tư số 222/2009/TT-BTC. Quy trình quy định trình tự các việc phải thực hiện và hướng dẫn thêm một số nghiệp vụ đối với công chức hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

3. Việc phân luồng kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất được thực hiện theo nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro.

MỤC 2. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Thủ tục đăng ký, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa đưa vào, danh mục hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất.

1.1. Thủ tục đăng ký danh mục hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất: Thực hiện như hướng dẫn tại Điểm 1, Khoản I, Phần III Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 2396/QĐ-TCHQ ngày 9/12/2009 (sau đây gọi là Quyết định số 2396/QĐ-TCHQ).

1.2. Thẩm quyền quyết định đối với thủ tục sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa đưa vào, danh mục hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất:

a. Khi người khai hải quan có yêu cầu sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất theo thời điểm quy định tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 52 Thông tư 222/2009/TT-BTC, công chức tiếp nhận trực tiếp kiểm tra nội dung thông tin sửa đổi, bổ sung trên hệ thống để quyết định việc cho phép sửa đổi, bổ sung.

b. Trường hợp người khai hải quan yêu cầu sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất trong thời điểm quy định Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 52 Thông tư 222/2009/TT-BTC, công chức thực hiện việc tiếp nhận và đề xuất, Chi cục trưởng Chi cục hải quan quyết định việc cho phép sửa đổi, bổ sung.

2. Thủ tục đăng ký, điều chỉnh định mức của doanh nghiệp chế xuất.

Thủ tục đăng ký, điều chỉnh định mức của doanh nghiệp chế xuất được thực hiện như quy định đối với thủ tục đăng ký, điều chỉnh định mức nguyên liệu, vật tư của hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài được hướng dẫn tại Khoản III Mục 1 Phần II Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 2396/QĐ-TCHQ.

3. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất.

3.1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nước ngoài đưa vào doanh nghiệp chế xuất và thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ doanh nghiệp chế xuất đưa ra nước ngoài: Thực hiện theo thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán quy định Phần I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 2396/QĐ-TCHQ (trừ việc kê khai thuế).

3.2. Thủ tục hải quan đưa hàng hóa từ nội địa, từ doanh nghiệp chế xuất khác, từ kho ngoại quan vào doanh nghiệp chế xuất; thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa từ doanh nghiệp chế xuất ra nội địa, ra doanh nghiệp chế xuất khác, ra kho ngoại quan:

Bước 1: Kiểm tra sơ bộ, đăng ký chứng từ đưa hàng vào, đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất.

Trường hợp hệ thống yêu cầu, công chức trực tiếp kiểm tra sơ bộ nội dung khai của người khai hải quan trong Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Công việc của bước này bao gồm:

a. Kiểm tra điều kiện đăng ký chứng từ đưa hàng vào, đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất (cưỡng chế làm thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng …).

b. Kiểm tra tên hàng, đơn vị tính, mã số HS của hàng hóa khai trên chứng từ. Cụ thể như sau:

b.1. Tên hàng phải đầy đủ, chi tiết ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, tên hàng khai báo là tên thương mại thông thường kèm theo các đặc trưng cơ bản về hàng hóa, như: cấu tạo, vật liệu cấu thành, thành phần, hàm lượng, công suất, kích cỡ, kiểu dáng, công dụng, nhãn hiệu, đáp ứng được yêu cầu về phân loại hàng hóa.

Ví dụ: Mặt hàng xe máy, ô tô cần có các thông tin về nhãn hiệu xe, hãng sản xuất, nước sản xuất, kiểu dáng, dung tích xi lanh, model, ký mã hiệu khác …;

b.2. Đơn vị tính: phải được định lượng rõ ràng theo đơn vị đo lường (như m, kg, …), trường hợp không định lượng được rõ ràng (như thùng, hộp …) thì phải tiến hành quy đổi tương đương (như thùng có bao nhiêu hộp, mỗi hộp bao nhiêu kg, bao nhiêu gói, chiếc …);

b.3. Đối chiếu sự phù hợp giữa tên hàng và mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

c. Kiểm tra việc khai đủ các tiêu chí trên chứng từ đưa hàng vào, chứng từ đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất. Cụ thể: Căn cứ vào tên hàng và mã số hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất, công chức kiểm tra đầy đủ các tiêu chí cần phải có cho mặt hàng đó như thông tin giấy phép …

d. Trường hợp thông tin khai của người khai hải quan gửi đến đưa phù hợp theo quy định, công chức kiểm tra thông qua hệ thống hướng dẫn người khai hải quan điều chỉnh cho phù hợp hoặc từ chối đăng ký và nêu rõ lý do bằng “Thông báo từ chối cho phép đưa hàng vào nội địa; đưa hàng vào doanh nghiệp chế xuất”.

đ. Nếu thông tin khai báo phù hợp thì chấp nhận đăng ký chứng từ đưa hàng vào, đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất, cập nhật kết quả kiểm tra vào hệ thống để hệ thống cấp sổ và phân luồng chứng từ.

đ.1. Trường hợp lô hàng được Hệ thống chấp nhận “Thông quan” thì công chức phản hồi thông qua hệ thống và chuyển sang Bước 4 của quy trình.

đ.2. Trường hợp lô hàng được Hệ thống chấp nhận “Thông quan” trên cơ sở thông tin khai hải quan điện tử, nhưng thuộc diện “Giải phóng hàng” hoặc “Đưa hàng về bảo quản” thì công chức đề xuất Đội trưởng Đội thủ tục quyết định và chuyển sang Bước 4;

đ.3. Đối với lô hàng hệ thống yêu cầu phải xuất trình chứng từ để kiểm tra, hoặc xuất trình chứng từ và kiểm tra thực tế hàng hóa thì chuyển sang Bước 2 để kiểm tra hồ sơ.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ hải quan.

a. Hình thức, mức độ kiểm tra hồ sơ hải quan và nội dung kiểm tra thực hiện theo Điều 18, Điều 20 Thông tư 222/2009/TT-BTC.

b. Nếu kết quả kiểm tra phù hợp với các quy định của pháp luật thì công chức được giao kiểm tra hồ sơ thực hiện:

b.1. Trường hợp kiểm tra chứng từ giấy: in “Phiếu ghi kết quả kiểm tra chứng từ giấy” theo quy định tại Điểm 3.3, Khoản 3, Điều 16 Thông tư 222/2009/TT-BTC

b.2. Quyết định “Thông quan” trên Hệ thống;

b.3. Đề xuất Đội trưởng Đội thủ tục quyết định “Giải phóng hàng”, “Đưa hàng về bảo quản” trên Hệ thống.

c. Nếu kiểm tra hồ sơ phát hiện có sự sai lệch, chưa phù hợp giữa chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và thông tin khai, cần phải điều chỉnh thì công chức kiểm tra hồ sơ yêu cầu người khai hải quan sửa đổi bổ sung. Trường hợp có nghi vấn, công chức đề xuất Chi cục trưởng quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra.

e. Đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa: Công chức thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ; cập nhật kết quả kiểm tra vào hệ thống; chuyển hồ sơ sang Bước 3 của quy trình.

Bước 3: Kiểm tra thực tế hàng hóa.

a. Công chức kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện việc kiểm tra quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 22 Thông tư 222/2009/TT-BTC và quyết định hình thức mức độ kiểm tra của Chi cục trưởng ghi tại ô số 9 Phiếu ghi kết quả kiểm tra chứng từ giấy.

b. Công chức kiểm tra thực tế hàng hóa cập nhật kết quả vào hệ thống, in 02 phiếu ghi kết quả kiểm tra hàng hóa theo Mẫu “Phiếu ghi kết quả kiểm tra hàng hóa”, ký tên, đóng dấu công chức và yêu cầu người khai hải quan ký, ghi rõ họ tên; giao người khai hải quan 01 bản, lưu hồ sơ 01 bản.

c. Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp thì công chức kiểm tra thực tế hàng hóa quyết định “Thông quan” hoặc đề xuất Đội trưởng Đội thủ tục quyết định “Giải phóng hàng”, “Đưa hàng về bảo quản”.

Việc quyết định được thực hiện trên Hệ thống hoặc chứng từ đưa hàng vào, đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất nhưng sau đó phải cập nhật vào hệ thống.

d. Trường hợp kết quả kiểm tra không phù hợp thì công chức kiểm tra thực tế hàng hóa đề xuất biện pháp xử lý theo quy định hiện hành và chuyển hồ sơ cho Đội trưởng Đội thủ tục xem xét, xử lý.

Bước 4: Xác nhận đã thông quan điện tử; giải phóng hàng; đưa hàng hóa về bảo quản.

a. Thu lệ phí hải quan theo quy định

b. Công chức được giao nhiệm vụ xác nhận “Thông quan”, “Giải phóng hàng”, “Cho phép đưa hàng về bảo quản” thực hiện việc kiểm tra đối chiếu đúng nội dung chứng từ đưa hàng vào, đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất với thông tin trên hệ thống; kiểm tra hình thức chứng từ tin và xác nhận đúng nội dung đã được quyết định trên hệ thống vào các ô quy định trên chứng từ in đồng thời cập nhật thông tin xác nhận vào hệ thống. Việc xác nhận được thực hiện trên 02 bản chứng từ in (lưu 01 bản, trả người khai hải quan 01 bản).

Trường hợp chứng từ in đưa hàng vào, đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất có phụ lục tờ khai, các bản kê (nếu có) thì công chức thực hiện việc đối chiếu và ký tên, đóng dấu số hiệu công chức vào góc phải phía trên hàng mã vạch các chứng từ này.

Bước 5: Quản lý, hoàn chỉnh hồ sơ.

a. Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử bố trí công chức theo dõi và quản lý, hoàn chỉnh hồ sơ của các lô hàng đã được thông quan, giải phóng hàng, cho phép hàng đưa về bảo quản mà còn nợ các chứng từ chậm nộp thuộc bộ hồ sơ hải quan hoặc còn vướng mắc chưa hoàn tất thủ tục hải quan.

b. Công chức hải quan đã giải quyết thủ tục cho các lô hàng tại các Bước 1, 2, 3, 4 của Điểm 3.2, Quy trình này có trách nhiệm tiếp nhận các chứng từ chậm nộp, xử lý các vướng mắc của lô hàng; Sau khi hoàn thành thì chuyển cho công chức được giao nhiệm vụ quản lý, hoàn tất hồ sơ. Công chức quản lý, hoàn tất hồ sơ kiểm tra việc hoàn chỉnh hồ sơ, cập nhật thông tin vào hệ thống và chuyển sang Bước 6.

Bước 6: Phúc tập hồ sơ

Việc phúc tập hồ sơ hải quan được thực hiện theo quy trình về phúc tập hồ sơ hải quan điện tử hiện hành theo Quyết định 2294/QĐ-TCHQ ngày 11/9/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

4. Kiểm tra báo cáo đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất và kiểm tra hàng tồn kho.

4.1. Báo cáo hàng hóa đưa vào, đưa ra, tồn kho trong quý được lập theo từng mục đích đưa hàng hóa vào doanh nghiệp chế xuất. Cơ sở để kiểm tra báo cáo là những chứng từ đã hoàn thành thủ tục hải quan hoặc chứng từ giải trình đã được cơ quan hải quan chấp nhận trong quý đó.

Số liệu tồn kho tại thời điểm báo cáo của một mã hàng hóa sử dụng cho một mục đích nhất định được xác định bằng: Số liệu tồn kho cuối kỳ trước liền kề cộng (+) số đưa vào trong kỳ trừ (-) số đưa ra trong kỳ của chính mã hàng hóa đó (đối với hàng hóa là sản phẩm, bán thành phẩm thì phải được quy đổi theo định mức của mã hàng hóa sử dụng mà doanh nghiệp đã khai báo với cơ quan hải quan). Số liệu trên hệ thống của cơ quan hải quan với số liệu trên sổ sách, thực tế tồn kho của doanh nghiệp chế xuất phải thống nhất.

4.2. Các bước kiểm tra:

Bước 1: Chuẩn bị kiểm tra bao gồm:

a. Nghiên cứu kỹ hồ sơ của doanh nghiệp chế xuất cần kiểm tra, xây dựng các nội dung cụ thể cần kiểm tra, chuẩn bị các phương án để xử lý các tình huống theo đúng quy định.

b. Chuẩn bị các thông tin có liên quan: Về mặt hàng đưa vào, đưa ra thường xuyên của doanh nghiệp chế xuất, hoạt động chính, tình hình xuất nhập khẩu, tình hình đầu tư tạo tài sản cố định, quy mô đầu tư, quy mô hoạt động và các thông tin nghiệp vụ cần thiết khác liên quan cho công tác kiểm tra …

Bước 2: Kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của doanh nghiệp

a. Công chức được phân công tiến hành kiểm tra đối chiếu giữa số liệu báo cáo của doanh nghiệp và thông tin, số liệu của cơ quan hải quan để đề xuất phương án xử lý theo các hướng sau:

a.1. Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp, công chức hải quan chấp nhận kết quả báo cáo của doanh nghiệp chế xuất và phản hồi cho doanh nghiệp.

a.2. Trường hợp có nghi vấn kết quả báo cáo của doanh nghiệp, công chức hải quan đề xuất Chi cục trưởng kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra hồ sơ và kiểm tra hàng tồn kho thực tế (sử dụng Mẫu “Thông báo quyết định kiểm tra thực tế hàng tồn kho”) và chuyển sang Bước 3 của quy trình (trường hợp kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc kiểm tra đột xuất khi có nghi vấn, công chức thực hiện lần lượt Bước 3 và Bước 4 không qua khâu xử lý kết quả kiểm tra của Bước 3).

Bước 3: Kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp chế xuất

a. Công chức hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ hàng hóa theo quy định tại Khoản 2.2, Điểm 2, Điều 57 Thông tư 222/2009/TT-BTC trong đó lưu ý kiểm tra những nội dung:

a.1. Những tờ khai, chứng từ đưa hàng vào, đưa hàng ra doanh nghiệp chế xuất đã thanh lý hết số lượng mà vẫn đưa vào báo cáo;

a.2. Kiểm tra, đối chiếu việc sử dụng đúng mục đích hàng hóa đưa vào và nguồn gốc hàng hóa đưa ra doanh nghiệp chế xuất.

b. Xử lý kết quả kiểm tra:

b.1. Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp thì công chức hải quan chấp nhận và tiến hành cập nhật kết quả kiểm tra vào hệ thống.

b.2. Trường hợp kết quả kiểm tra không phù hợp, công chức hải quan báo cáo Chi cục trưởng phê duyệt cho phép chuyển sang Bước 4 để kiểm tra thực tế hàng tồn kho.

Bước 4: Kiểm tra thực tế hàng tồn kho

Công chức hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng tồn kho theo quy định tại Khoản 2.3 Điều 57 Thông tư 222/2009/TT-BTC.

a. Trường hợp thực tế hàng tồn kho đúng như khai báo thì chấp nhận nội dung báo cáo của doanh nghiệp và cập nhật kết quả vào hệ thống.

b. Trường hợp thực tế hàng tồn kho không đúng khai báo, công chức báo cáo Lãnh đạo Chi cục và đề xuất phương án xử lý./.