Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 2549/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26  tháng 10  năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN “QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ BẾN, CẢNG SÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Nghị định số 141/HĐBT ngày 25 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc xử phạt vi phạm hành chánh trong lãnh vực an ninh, trật tự;
Căn cứ quyết định số 1286/QĐ-QLGTTB ngày 17 tháng 7 năm 1989 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa; quyết định số 1035/QĐ-VT ngày 12 tháng 6 năm 1990 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành thể lệ vận chuyển và xếp dỡ hàng hoá trên đường thủy nội địa và quyết định số 672/QĐ-VT ngày 27 tháng 4 năm 1992 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành quy chế quản lý cảng, bến sông.
Xét đề nghị của ông Giám đốc Sở Giao thông Công chánh thành phố tại văn bản số 101/CV.QLGT ngày 31 tháng 7 năm 1991 và văn bản số 109/CV.QLGT ngày 29 tháng 7 năm 1992; quan ý kiến của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh tại văn bản số 50/VP ngày 13 tháng 8 năm 1991 về dự thảo quy định quản lý trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành bản “Quy định quản lý trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và bến, cảng sông thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2. Quyết định kèm theo bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của các cơ quan, tổ chức trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Giám đốc Sở Giao thông Công chánh thành phố, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở Xây dựng thành phố có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp, phản ảnh trong quá trình tổ chức thi hành quy định này; nghiên cứu, đề xuất trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cần thiết.

Điều 4. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh thành phố, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có sử dụng, khai thác hoặc liên quan đến khai thác đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm và nghĩa vụ thi hành quyết định này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/ THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Văn Huấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ CẢNG SÔNG, BẾN TRÊN SÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo quyết định số 2549/QĐ-UB ngày 26 tháng 10 năm 1992 của UBND thành phố)

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tất cả sông, kinh rạch (sau đây gọi chung là sông) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng vào mục đích giao thông vận tải (theo danh bạ công bố) là đường thủy nội địa thp, do thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý (theo điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa” của Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện, trừ luồng tàu biển và luồng tàu sông thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện quản lý.

Điều 2.

a) Toàn bộ hệ thống kinh: kinh Tẻ, Kinh Đôi (trừ luồng tàu được xác định theo văn bản số 1060/CV.TK ngày 3/11/1991 của Liên hiệp các xí nghiệp quản lý giao thông đường thủy), rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hũ, kinh Lò gốm và các kinh ngang số 1, 2, 3 bao gồm cả vàng đất ven bờ đến sát mép đường bộ (nhưng không vào quá 30m so với biên độ nước lúc cao nhất, đối với những chỗ có khoảng cách lớn hơn 30m giữa mép bờ kinh và mép đường bộ) là khu vực cảng sông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh; tạm thời giao cho cảng Bình Đông trực tiếp điều hành và phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng thành phố để thống nhất quản lý theo quy hoạch.

b) Phạm vi các bến sông, cảng sông khác trên đường thủy nội địa thành phố được xác định theo quy định của “Thể lệ vận chuyển và xếp dỡ hàng hoá thủy nội địa”, “Quy chế quản lý cảng và bến sông” hiện hành và quy hoạch chung của thành phố.

Điều 3. Giao cho Sở Giao thông Công chánh thành phố quản lý Nhà nước về hệ thống đường thủy nội địa, bến sông và cảng sông thành phố trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được quy định tại quyết định số 1286/QĐ-GTTB ngày 17/7/1989, quyết định số 1035/QĐ-VT ngày 12/6/1990 và quyết định số 672/QĐ-VT ngày 27/4/1992 của Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện.

Việc phân cấp quản lý bến sông, cảng sông thành phố được quy định cụ thể tại chương II của bảng quy định này.

Điều 4. Những công trình (bao gồm nhà cửa, bến bãi, chợ, cửa hàng, nhà hàng nổi, đăng đáy cá…) đã và sẽ được xây dựng trong phạm vi quy định tại điều 1, điều 2 trong bảng quy định này phải phù hợp với quy hoạch thành phố và phải được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép.

Sở Giao thông Công chánh phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng thành phố giúp UBND thành phố xem xét các yêu cầu sử dụng, rà soát các công trình hiện hữu trong phạm vi đường thủy nội địa thành phố. Nghiên cứu, đề xuất việc tháo dỡ, giải tỏa những công trình xây dựng trái phép hoặc những công trình xét thấy làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy và bến cảng sông thành phố.

Điều 5. Bảng quy định này áp dụng đối với các loại phương tiện giao thông vận tải thủy và các đối tượng khác có nhu cầu sử dụng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đường thủy nội địa và bến cảng sông thành phố Hồ Chí Minh.

Chương II.

PHÂN CẤP QUẢN LÝ BẾN SÔNG VÀ CẢNG SÔNG THÀNH PHỐ

Điều 6. Sở Giao thông Công chánh thành phố  thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đường thủy nội địa, bến sông và cảng sông thành phố; có trách nhiệm và quyền hạn:

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và bến, cảng sông thành phố.

Thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện thủy như: nạo vét luồng lạch, thanh thải chướng ngại vật, thả phao tiêu, biển báo v.v… thực hiện các biện pháp bảo vệ  vùng đất ven sông để đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông đường thủy nội địa thành phố.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành luật lệ giao thông đường thủy.

Giám sát, kiểm tra  việc chấp hành và xử lý các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông đường thủy và quy chế quản lý bến cảng sông.

Phối hợp với Sở Xây dựng thành phố xem xét việc cấp, gia hạn hoặc thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời đường thủy nội địa và vùng đất ven sông, giấy phép kinh doanh xếp dỡ hàng hoá trên đường thủy nội địa.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng thành phố xử lý nghiêm minh việc xây dựng các công trình trên đường thủy nội địa và vùng đất ven sông không đúng các điều khoản được quy định trong bản quy định này.

Cấm hoặc hạn chế giao thông trên đường thủy nội địa thành phố khi cần thiết.

Điều 7. Các bến sông, cảng sông của các ngành thuộc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố đã có đầy đủ giấy phép hợp lệ thì được tiếp tục hoạt động trong phạm vi hiện hữu; phải thực hiện đúng quy định trong “Thể lệ vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa thủy nội địa, quy chế quản lý cảng, bến sông” và những điều khoản được quy định trong bản quy định này.

Điều 8. Cảng Bình Đông là đơn vị được tạm giao quản lý, điều hành khu vực cảng sông trọng điểm thành phố nói ở khoản a, điều 2 của bản quy định này. Ngoài việc thực hiện chức năng nhiệm vụ kinh doanh xếp dỡ, bảo quản hàng hóa, khai thác kho hàng, bến bãi theo đúng các quy định hiện hành; còn có trách nhiệm:

Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng quản lý hành chánh Nhà nước thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, quản lý vùng đất ven bờ, các bến bãi và lực lượng xếp dỡ hàng hoá trong khu vực do cảng quản lý.

Xem xét đề xuất với Sở Giao thông Công chánh và Sở Xây dựng giải quyết các nhu cầu về xây dựng công trình, bến bãi và tổ chức lực lượng xếp dỡ hàng hoá của mọi thành phần kinh tế thuộc vùng đất và vùng nước do cảng quản lý.

Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát hoạt động dịch vụ xếp dỡ hàng hoá tại các bến bãi nằm trong khu vực cảng.

Phát hiện, lập biên bản tạm đình chỉ và kiến nghị Sở Giao thông Công chánh và các ngành liên quan xử lý đối với các trường hợp chiếm dụng đường thủy và vùng đất ven bờ; khai thác bến bãi, tổ chức xếp dỡ hàng hoá không hợp pháp trong khu vực cảng.

Điều 9. Phòng Giao thông vận tải quận, huyện là cơ quan chức năng quản lý giao thông Công chánh trên địa bàn quận, huyện;p chịu sự chỉ đạo chuyên ngành của Sở Giao thông Công chánh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bến bãi, kinh doanh dịch vụ xếp dỡ, bảo quản hàng hoá và khai thác kho hàng trên đường thủy nội địa thành phố thuộc địa bàn quận, huyện (trừ khu vực do cảng Bình Đông quản lý) và có trách nhiệm:

Xem xét đề xuất với Sở Giao thông Công chánh giải quyết các nhu cầu về xây dựng công trình, bến bãi và tổ chức lực lượng xếp dỡ hàng hoá của mọi thành phần kinh tế trong quận, huyện.

Kiểm tra, giám sát hoạt động của các lực lượng xếp dỡ hàng hóa tại các bến bãi thuộc quận, huyện quản lý.

Phát hiện, lập biên bản tạm đình chỉ và kiến nghị với Sở Giao thông Công chánh và các ngành liên quan xử lý các trường hợp lấn chiếm đường thủy nội địa và vùng đất ven bờ; khai thác bến bãi và tổ chức xếp dỡ hàng hóa không hợp pháp trong địa bàn quận, huyện.

Điều 10. Các đối tượng thuộc các thành phần kinh tế muốn khai thác kinh doanh kho hàng, bến bãi, xếp dỡ hàng hóa, kể cả hoạt động dịch vụ của các lực lượng bốc xếp không thuộc biên chế thường xuyên của các đơn vị kinh tế nói ở điều 7 và điều 8 trong bản quy định này đều phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ tại Sở Giao thông Công chánh và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước theo pháp luật hiện hành.

Điều 11. Các phương tiện ra vào bến, cảng sông thành phố (trừ khi lưu thông theo phạm vi luồng tàu chạy) phải nộp phí cập bến cảng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Phương tiện vào cập cảng sông thì nộp phí cho đơn vị quản lý cảng; phương tiện vào cập các bến thì nộp phí cho Ban quản lý bến.

Điều 12. Việc thu phí nói ở điều 11 được quản lý thống nhất theo quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại thông tư số 48/TC/TCT ngày 28/9/1992.

Chương III.

ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

Điều 13. Những phương tiện giao thông, neo đậu trên đường thủy nội địa, ra vào các bến sông và cảng sông thành phố phải nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ về trật tự, an toàn giao thông đường thủy.

Nghiêm cấm để các phương tiện:

Đi hàng ngang, lai kéo đôi, ba theo hàng ngang chiếm luồng.

Neo đậu, lên xuống hàng hóa không đúng nơi quy định.

Neo đậu hàng hai trong các kinh: Lò gốm, Tàu hũ, Bến Nghé và các kinh ngang số 1, 2, 3; hàng ba trên các kinh: kinh Đôi, kinh Tẻ.

Neo đậu không xuôi theo dòng nước chảy; để chân vịt máy ghe – xuồng hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông và gây nguy hiểm cho các phương tiện thủy khác lưu thông trên đường thủy.

Buộc dây neo phương tiện thủy vào cây xanh trên bờ hoặc vào vật thể không dùng vào mục đích để neo buộc.

Điều 14. Những phương tiện thủy ra vào các bến sông, cảng sông phải nghiêm chỉnh chấp hành quy chế quản lý bến, cảng sông hiện hành của Bộ Giao thông Vận tải.

Điều 15. Các bến sông, cảng sông phải tổ chức quản lý chặt chẽ trong phạm vi vùng nước, vùng đất thuộc bến, cảng sông; phải có nội quy về xếp dỡ hàng hóa, về trật tự bến bãi, về trật tự an ninh, về trật tự an toàn giao thông trong phạm vi quản lý và điều hành của mình.

Điều 16. Khi xảy ra tai nạn giao thông thủy, người điều khiển phương tiện phải trình báo cho cảnh sát giao thông đường thủy hoặc cho cơ quan chánh quyền địa phương gần nhất. Nếu tai nạn gây chìm đắm phương tiện thì người điều khiển hoặc chủ phương tiện phải đặt ngay báo hiệu tạm thời tại chỗ xảy ra và khẩn cấp trình báo cho cơ quan quản lý đường thủy sở tại biết; có trách nhiệm trông coi và trục vợt thai thải kịp thời theo hướng dẫn của ngành Giao thông Công chánh để đảm bảo an toàn giao thông.

Điều 17. Bảo vệ sông và môi trường nước sông thành phố.

Ngoài các quy định đã nói trong điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa. Nghiêm cấm các hành vi sau:

Làm cạn, hẹp lòng sông và gây ô nhiễm môi trường nước như: san lấp mặt bằng, đổ rác, vứt xác súc vật và các loại phế thải khác xuống sông.

Dùng bờ sông vào mục đích để thiết bị, phương tiện hư hỏng, gỗ -củi, phế liệu, vật tư xây dựng (đất, cát, đá, sỏi…) mà chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép.

Mọi hành vi gây hư hại các công trình bảo vệ bờ sông, cửa đường biển và cửa công thoát nước.

Đối với trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ hoặc phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa, hóa chất, nhiên liệu bì chìm đắm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước thì phải khẩn cấp thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời và nhanh chóng giải quyết hậu quả xảy ra.

Điều 18. Những công trình được phép xây dựng trong phạm vi vùng đất, vùng nước thuộc đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện nghiêm ngặt những điều khoản quy định đã được ban hành trong điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa và các văn bản hiện hành có liên quan khác.

Chương IV.

KHEN THƯỞNG – XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Tổ chức hoặc cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ đường thủy nội địa thành phố hoặc có công phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm làm phương hại đến trật tự an toàn đường thủy, kịp thời báo cho cơ quan chức năng quản lý thừa hành sẽ được khen thưởng về vật chất và tinh thần theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 20. Tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm làm phương hại đến trật tự an toàn đường thủy nội địa thành phố, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các hình thức sau:

1. Bị xử phạt theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính với các mức độ đã được quy định tại Nghị định số 141/HĐBT ngày 25/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng và các quy định hiện hành của Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện, Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Nếu vi phạm có nhiều tình tiết tăng nặng gây ra hậu quả nghiêm trọng, ngoài bị xử phạt như quy định tại điểm 1 điều 20, còn bị buộc bồi thường thiệt hại hậu quả vi phạm gây ra.

3. Bị tạm giữ hoặc thu hồi giấy phép lưu hành của phương tiện, bằng lái của thuyền trưởng, giấy phép kinh doanh hành nghề.

4. Bị tạm giữ, kể cả việc tịch thu phương tiện, dụng củ, thiết bị, tang vật mà người vi phạm sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng.

Người bị tạm giữ phương tiện phải tự trông coi phương tiện của mình, phải chịu phí tổn dẫn giải phương tiện và chi phí bảo vệ khu vực tạm giữ phương tiện.

5. Bị truy tố trước pháp luật những trường hợp vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả đến tính mạng con người hoặc thiệt hại lớn về vật chất.

Điều 21. Thẩm quyền quyết định xử phạt.

Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát trật tự đô thị thực hiện quyền hạn theo quy định tại điều 17 và 18 chương II, nghị định số 141/HĐBT và các quy định có liên quan của Bộ Giao thông vận tải và bưu điện và của Ủy ban nhân dân thành phố.

Lực lượng thanh tra giao thông công chánh tiến hành việc xử lý phạt về mặt chuyên môn các vi phạm thuộc chức năng quản lý của ngành mình, nhưng phải thực hiện đúng các quy định của điều 17 và 18 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chánh và các điều khoản quy định có liên quan cua Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện và của Ủy ban nhân dân thành phố về đường thủy nội địa.

Chương V.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Mọi tổ chức và công dân có quyền khiếu nại quyết định xử phạt và tố cáo các hành vi lạm quyền hoặc trái pháp luật khác của cơ quan Nhà nước, của người có thẩm quyền xử phạt, lên cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức và người quyết định xử phạt hoặc Viện kiểm sát nhân dân quận hay thành phố.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét giải quyết và trả lời cho đương sự trong thời hạn 15 ngày; nếu trường hợp phức tạp thì việc giải quyết và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo.

Điều 23. Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký và được áp dụng trên toàn bộ đường thủy nội địa thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 24. Sở Giao thông Công chánh tổ chức bộ phận quản lý hệ thống đường thủy nội địa, bến, cảng sông thành phố theo điều 1 bản quy định này.

Phối hợp với ngành công an thành phố hướng dẫn và tổ chức thực hiện.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ