Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2561/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị (khóa IX);

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Tăng cường vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Đối tượng áp dụng

- Người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số (bao gồm cả người Kinh có uy tín sống ở vùng dân tộc thiểu số).

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong hệ thống chính trị các cấp của các địa phương có vùng dân tộc thiểu số.

3. Phạm vi thực hiện: Vùng dân tộc thiểu số trong cả nước.

4. Tiêu chí xác định, nguyên tắc lựa chọn và trách nhiệm của người có uy tín

a) Tiêu chí xác định:

- Tiêu chí chung: Người có uy tín là người nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; bản thân và gia đình gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn và khả năng tập hợp đồng bào dân tộc ở những phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

- Các ngành công an, quốc phòng xây dựng và thực hiện tiêu chí phù hợp với đặc thù, yêu cầu của ngành.

b) Nguyên tắc lựa chọn người có uy tín: Bảo đảm đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc.

c) Trách nhiệm của người có uy tín:

Bản thân và gia đình người có uy tín phải nắm vững, gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương; tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.

Căn cứ tình hình và điều kiện cụ thể, các địa phương có thể điều chỉnh hoặc quy định bổ sung trách nhiệm của người có uy tín cho phù hợp.

5. Nhiệm vụ, giải pháp

a) Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín.

b) Thực hiện phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín:

- Người có uy tín chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền và giữ mối quan hệ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp.

- Cấp Trung ương trực tiếp quản lý và hỗ trợ cấp tỉnh vận động những người có phạm vi ảnh hưởng từ một tỉnh trở lên hoặc phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn nhưng là địa bàn trọng điểm, xung yếu; cấp tỉnh trực tiếp quản lý, vận động những người có phạm vi ảnh hưởng từ một huyện trở lên, hoặc phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn nhưng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; những người có uy tín còn lại do cấp huyện trực tiếp quản lý, vận động hoặc giao cho cấp xã thực hiện.

- Hàng năm cơ quan có thẩm quyền công nhận người có uy tín thực hiện việc rà soát, bổ sung hoặc thay thế người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số.

c) Nghiên cứu sửa đổi, thay thế hoặc ban hành mới các chế độ, chính sách đối với người có uy tín cho phù hợp, đảm bảo thống nhất về nội dung và các mức chi tương ứng đối với cùng một đối tượng thụ hưởng. Các ngành Quốc phòng, Công an thực hiện chế độ, chính sách riêng đối với người có uy tín do ngành quản lý.

d) Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, tăng cường cung cấp thông tin cần thiết cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

đ) Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

6. Nguồn kinh phí thực hiện

a) Nguồn ngân sách nhà nước: Được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương liên quan theo quy định.

b) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

b) Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, thay thế hoặc ban hành mới các chế độ, chính sách đối với người có uy tín cho phù hợp, đảm bảo thống nhất về nội dung và các mức chi tương ứng đối với cùng một đối tượng thụ hưởng.

2. Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách hằng năm của Ủy ban Dân tộc, các cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án theo quy định.

3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của ngành.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và các địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5. Các bộ, ngành, cơ quan trung ương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban Dân tộc lồng ghép thực hiện các hoạt động liên quan góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

6. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các tổ chức đoàn thể nhân dân phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số và giám sát việc triển khai thực hiện Đề án.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp dưới xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo quy định tại Quyết định này và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; bố trí ngân sách địa phương để thực hiện; kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Đề án tại địa phương, định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- BCĐ Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, QHĐP (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc