Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2563/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 19 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY HOẠCH THUỶ LỢI TỈNH HOÀ BÌNH GIAI ĐOẠN 2006 – 2020.

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/ND-CP ngày 29/5/2005 của Chính phủ về quy định quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 10/4/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình về việc phê duyệt đề cương, dự toán rà soát, bổ sung quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2006 – 2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 1844/|KHĐT-NN ngày 04-10-2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án rà soát, bổ sung quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2006 – 2020, như sau:

1. Tên dự án: Rà soát, bổ sung quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2006 – 2020.

2. Phạm vi quy hoạch: Trên địa bàn 10 huyện và 1 thành phố tỉnh Hoà Bình.

3. Đơn vị quản lý lập quy hoạch: Sở Nông nghiệp và PTNT Hoà Bình;

4. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội.

5. Mục tiêu, nhiệm vụ :

Quy hoạch thuỷ lợi làm cơ sở để thực hiện kế hoạch hoá việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và sử dụng có hiệu quả các công trình thuỷ lợi đến năm 2020 chủ động tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cho phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế khác góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân.

- Về tưới : Đảm bảo nguồn nước để tưới ổn định và chủ động cho 16.000 ha diện tích lúa chiêm xuân và 26.000 ha diện tích lúa mùa, tạo nguồn nước cho 49.500 ha diện tích màu và cây trồng cạn vào năm 2020.

- Tiêu lũ và chống úng:

Đến năm 2020 đảm bảo chủ động tiêu úng hoàn toàn cho 800 ha lúa được bảo vệ trong các tuyến đê bao, trong đó có toàn bộ khu dân cư trong đê Quỳnh Lâm thuộc thành phố Hoà Bình. Tiêu cắt được hết các trận lũ tần suất 10% cho hạ du lưu vực sông Bôi (Chi Nê), giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của lũ sông Đáy đối với các xã vùng ngoài thuộc huyện Kim Bôi và vùng ảnh hưởng do xả lũ nhà máy thuỷ điện Hoà Bình thuộc thành phố Hoà Bình và huyện Kỳ Sơn.

- Về nước sinh hoạt :

Tạo nguồn cho việc cấp nước sinh hoạt nông thôn, nhằm đáp ứng mục tiêu:

+ Đến năm 2010 có trên 70% dân số được sử dụng nước sạch; 75-80% số dân có hố xí tự hoại, chuồng trại hợp vệ sinh. Đến năm 2020 có 100% dân số được dùng nước sạch; 90-95% số dân có hố xí, chuồng trại hợp vệ sinh.

- Cấp nước cho phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế khác:

Xây dựng công trình để tạo nguồn cho các cụm công nghiệp chế biến, chăn nuôi (theo quy hoạch KTXH và quy hoạch công nghiệp).

6. Các chỉ tiêu để tính toán cân bằng nước :

- Chỉ tiêu cấp nước tưới: Theo tiêu chuẩn Việt Nam.

+ Tưới cho nông nghiệp dùng tần suất mưa: 75% và dòng chảy P = 75%.

+ Cấp nước sinh hoạt cho nông thôn suất mưa P = 95%, nguồn nước đảm bảo P = 95%. Hệ số tưới, mức tưới theo định mức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành q=1,2l/s ( đối với miền núi ).

- Tiêu thoát và chống lũ: P = 10%.

- Cấp nước cho sinh hoạt nông thôn, dịch vụ lấy bằng 1% tổng lượng tính toán.

- Nước sinh hoạt cấp cho nhân dân vùng cao năm 2010 phấn đấu 100 l/người/ngày đêm và đến năm 2020 là 150 l/người/ngày đêm.

- Cho chăn nuôi :

+ Đại gia súc 150 l/ngày đêm.

+ Lợn: 50 l/ ngày đêm.

+ Gia súc có sừng: 50 l/ngày đêm

+ Gia cầm 1,2 l/ngày đêm

- Nước cho công nghiệp tính bằng 3% tổng lượng.

7. Các giải pháp :

a) Giải pháp công trình:

Từ năm 2006 đến năm 2020 tập trung đầu tư xây dựng mới 564 công trình thuỷ lợi các loại, sửa chữa nâng cấp 660 công trình thuỷ lợi; Chia làm 2 giai đoạn như sau

Giai đoạn I : Từ 2006 đến 2012.

- Xây dựng mới 227 công trình tại những vùng còn thiếu nguồn nước trong cả 5 lưu vực sông, gồm: 68 Hồ chứa, 131 bai đập, 24 trạm bơm điện, 2 trạm thuỷ luân và 2 trạm thuỷ điện.

- Sửa chữa nâng cấp 138 công trình, gồm: 80 Hồ chứa, 41 bai đập, 9 trạm bơm điện, 6 trạm thuỷ luân và 2 trạm thuỷ điện.Trong đó ưu tiên đầu tư cho sửa chữa và nâng cấp các công trình thuỷ lợi kiên cố hiện có công trình đầu mối và kênh mương đang bị hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Trước mắt, từ nay đến năm 2010: Hoàn thành xây dựng một số Hồ chứa có dung tích lớn như: Hồ Trọng (Tân Lạc), Hồ Cạn Thượng (Cao Phong), Hồ Thượng Tiến, Hồ Yên Lịch (Kim Bôi), Hồ Mòng ( Lương Sơn ); Hoàn thành việc lập và phê duyệt dự án xây Hồ Hưng Thi (Lạc Thuỷ), Hồ Khả (Lạc Sơn), Hồ Lạng, Hồ Sòng Sếu (Yên Thuỷ), dựng Hồ Buốc (Mai Châu)... để đảm bảo nguồn nước. Đầu tư cải tạo, nâng cấp một số hệ thống công trình lớn có hiệu quả nay đang bị xuống cấp như : Hệ thống thuỷ lợi sông Cầu Đường ( Kim Bôi), hệ thống Hồ Ngọc Lương, hệ thống thuỷ lợi sông Lạng ( Yên Thuỷ ), Hồ Vưng, Hồ Bông Canh (Tân Lạc ), Suối Ong (Lương sơn), Đầm Khánh, Hồ Rộc Cọ ( Lạc Thuỷ )… vv.

- Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương để đảm bảo tiết kiệm nước.

- Về tiêu: Cần tập trung cải tạo, sửa chữa nâng cấp trạm bơm Quỳnh Lâm, hoàn thành hệ thống kênh tiêu phía nam Yên Thuỷ;

- Về phòng chống lũ: Cần nâng cấp tuyến đê Ngòi Dong bảo vệ cho khu vực bờ trái sông Đà thành phố Hoà Bình; nâng cấp đê Trung Minh, Phú Cường (huyện Kỳ Sơn) để ngăn lũ sông Đà, đê Kim Bình (huyện Kim Bôi) để ngăn lũ sông Bôi.

Giai đoạn II :

- Tiếp tục xây dựng mới bổ sung 337 công trình cho các vùng, gồm : 18 Hồ chứa, 246 bai đập, 42 trạm bơm điện, 31 trạm thuỷ luân.

- Sửa chữa nâng cấp 522 công trình, gồm: 176 Hồ chứa, 312 bai đập,12 trạm bơm điện, 16 trạm thuỷ luân, 6 trạm thuỷ điện.

- Đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới thích hợp để tưới cho cây vùng đồi

- Tiếp theo là xây dựng các công trình bơm thuỷ luân và bơm điện phân bố rải rác trên địa bàn các huyện có điều kiện tự nhiên thích hợp (có nguồn nước), lắp đặt thiết bị bơm sử dụng năng lượng nước ( bơm va ) tại chỗ tưới cho phần diện tích canh tác nằm cao hơn lòng suối.

b) Giải pháp quản lý:

- Tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi , củng cố các tổ chức quản lý khai thác hiện có theo hướng phân cấp những công trình nhỏ, phạm vi tưới gọn trong 1 xã ( thôn) hoặc 1 huyện cho địa phương .

- Tổ chức vận động nhân dân các địa phương tích cực tham gia quản lý và bảo vệ công trình thuỷ lợi nhất là tổ chức quản lý ở cơ sở (địa phương), thành lập các ban (tổ) quản lý công trình, xây dựng mô hình nông dân tham gia quản lý công trình thuỷ nông ở các xã.

- Tổ chức thực hiện việc tập huấn nội dung kỹ thuật quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đến các ban (tổ) quản lý công trình ở xã và cán bộ chủ chốt của xã.

- Duy trì và phát huy tốt phong trào toàn dân tham gia chiến dịch thuỷ lợi hàng năm để kiên cố hoá kênh mương nội đồng, tu sửa công trình đầu mối nhằm duy trì và nâng cao năng lực tưới, tiêu của các công trình thuỷ lợi.

c) Giải pháp bảo vệ và trồng rừng:

- Thông qua các chương trình, dự án cần tập trung và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng đầu nguồn các lưu vực sông, suối có Hồ đập để giữ nước, giảm bồi lắng;

- Thực hiện việc giao đất giao rừng cho hộ nông dân để trồng và khoanh nuôi chăm sóc và bảo vệ rừng nhất là đầu nguồn, nhằm làm tăng độ che phủ của rừng lên trên 55% vào năm 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân tỉnh, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chi Cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Hữu Duyệt