Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2574/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP KIỂM NGƯ TỈNH THANH HÓA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;

Căn cứ Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức lại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4”;

Căn cứ Kết luận số 2384-KL/TU ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quản lý;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 450/TTr-SNV ngày 30 tháng 6 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa”, với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG QUẢN LÝ

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung:

Thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển, vùng nước nội địa thuộc phạm vi quản lý và trên địa bàn tỉnh đảm bảo tinh gọn, thống nhất trong công tác quản lý, điều hành hoạt động kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương theo quy định.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

Năm 2023, thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các phòng, trạm thuộc Chi cục Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và các quy định của pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thủy sản nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần phát triển thủy sản bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Đến năm 2030: Tăng cường lực lượng Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa mạnh về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện hoạt động, bảo đảm hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

2. Phạm vi

2.1. Phạm vi điều chỉnh: Phòng Thanh tra, pháp chế; Trạm Thủy sản và tàu công vụ thuộc Chi cục Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2. Phạm vi hoạt động: Kiểm ngư tỉnh thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trong lĩnh vực thủy sản khu vực vùng biển, vùng nước nội địa thuộc phạm vi quản lý và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật.

3. Đối tượng quản lý

Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất thủy sản trên vùng biển và vùng nước nội địa thuộc phạm vi quản lý và trên địa bàn tỉnh.

II. TÊN GỌI, VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP

1. Tên gọi: Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa.

2. Vị trí, chức năng

Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa là tổ chức hành chính thuộc Chi cục Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng tham mưu, giúp Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thực hiện chức năng thực thi pháp luật Việt Nam về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phạm vi vùng ven bờ, vùng lộng và vùng nước nội địa và hoạt động nuôi trồng thủy sản do tỉnh quản lý và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa chịu sự chỉ đạo, quản lý của Chi cục Thủy sản; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nhiệm vụ kiểm ngư của Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các Trạm Kiểm ngư được cấp con dấu để phối hợp hoạt động với các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh theo quy định.

3. Nhiệm vụ

3.1. Phòng Kiểm ngư:

Tham mưu, giúp Chi cục trưởng và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Trình Chi cục trưởng ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực thủy sản theo quy định;

c) Thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong lĩnh vực thủy sản; áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; điều động lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ thanh tra và trong trường hợp khẩn cấp, cần thiết khác theo sự chỉ đạo của Chi cục trưởng và cấp có thẩm quyền;

d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện chuyên môn nhiệm vụ cho công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư;

đ) Tham mưu phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân trong lĩnh vực được giao theo quy định;

e) Thực hiện kiểm tra, giám sát, theo dõi, báo cáo về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

g) Xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa và trang bị cho tàu, xuồng Kiểm ngư;

h) Quản lý, sử dụng hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định;

i) Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm ngư theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;

k) Quản lý trang thiết bị, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm ngư; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính, công cụ hỗ trợ được giao theo quy định của pháp luật;

l) Công tác pháp chế:

Chủ trì, phối hợp với các phòng, trạm tham mưu đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Chi cục Thủy sản;

Chủ trì, phối hợp với các phòng, trạm thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Chi cục Thủy sản; đề xuất phương án xử lý những văn bản quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp;

Chủ trì, phối hợp với các phòng, trạm lập kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản;

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật; chủ trì xây dựng báo cáo kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định;

m) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng giao.

3.2. Trạm Kiểm ngư:

Tham mưu, giúp Chi cục trưởng và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện và lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực thủy sản theo địa bàn được giao quản lý và quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp của ngư dân trên ngư trường theo quy định của pháp luật;

b) Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển theo quy định của pháp luật;

c) Điều động lực lượng, phương tiện phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật; tham gia công tác phòng, chống thiên tai;

d) Phối hợp với cơ quan khác có liên quan trong hoạt động kiểm ngư; tổ chức và thực hiện các quy chế, kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng, đơn vị có liên quan và các địa phương trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát;

đ) Thực hiện nhiệm vụ Văn phòng đại diện Thanh tra kiểm soát nghề cá kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá;

e) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản;

g) Phối hợp, tham gia thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc phạm vi trách nhiệm của Chi cục trưởng hoặc tham gia các Đoàn thanh tra chuyên ngành thủy sản theo yêu cầu của Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

h) Quản lý tài sản, phương tiện, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm ngư; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính; vũ khí, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động của kiểm ngư được giao theo quy định của pháp luật;

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng giao.

4. Quyền hạn

4.1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

4.2. Quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4.3. Truy đuổi, bắt, giữ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy.

5. Công tác phối hợp của Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa với các đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ

5.1. Phối hợp với các đơn vị Biên phòng tuyến biển thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản; tuyên truyền Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định chống khai thác hải sản (IUU); cung cấp, trao đổi thông tin tình hình về an ninh trật tự tại các cảng cá, các tàu cá vi phạm quy định trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động của các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản; kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi ra, vào cửa lạch.

5.2. Phối hợp với các phòng, ban tham mưu thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong hoạt động thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn tỉnh; phối hợp tham mưu xây dựng kế hoạch trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng cho lực lượng Kiểm ngư tỉnh theo quy định của pháp luật.

5.3. Phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh trong thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản; tuyên truyền Luật Thủy sản và các quy định trong lĩnh vực thủy sản; trao đổi thông tin trong công tác tuần tra kiểm soát ở vùng nước nội địa và trên biển theo Kế hoạch phối hợp số 73/KHPH-CCTS-CSGT ngày 02 tháng 06 năm 2021.

5.4. Tham mưu thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

5.5. Phối hợp với lực lượng Kiểm ngư Vùng I trong công tác tuyên truyền các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cung cấp thông tin về hoạt động các tàu cá; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý tàu cá vi phạm về khai thác IUU trên biển; cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động thủy sản.

5.6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển và Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa trong công tác tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khai thác IUU trên địa bàn; phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

5.7. Phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá và Văn phòng Đại diện Thanh tra, kiểm soát nghề cá trong công tác tuyên truyền; tuần tra, kiểm soát tàu cá tại cửa lạch và trên biển; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho tàu cá; xử lý đối với tàu cá vi phạm ra vào cảng cá.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ

1. Cơ cấu tổ chức của Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa

1.1. Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng phụ trách kiểm ngư.

1.2. Phòng Kiểm ngư: Thành lập trên cơ sở tổ chức lại Phòng Thanh tra, pháp chế, gồm có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các Kiểm ngư viên.

1.3. Trạm Kiểm ngư:

a) Trạm Kiểm ngư Hòa Lộc: Thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trạm Thủy sản Hòa Lộc và điều chuyển Tàu Kiểm ngư 210CV về Trạm quản lý.

b) Trạm Kiểm ngư Lạch Hới: Thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trạm Thủy sản Lạch Hới và điều chuyển Tàu Kiểm ngư 400 CV về Trạm quản lý.

c) Trạm Kiểm ngư Lạch Bạng: Thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trạm Thủy sản Lạch Bạng và điều chuyển Tàu Kiểm ngư 380CV về Trạm quản lý.

Các Trạm Kiểm ngư có Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Kiểm ngư viên và Thuyền viên tàu Kiểm ngư (gồm: Thuyền trưởng, Thuyền phó, Máy trưởng, Thợ máy, Thủy thủ).

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng; Trạm trưởng; Phó Trạm trưởng; Thuyền trưởng, Thuyền phó, Máy trưởng do Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản quyết định theo quy định hiện hành của pháp luật và Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban nhân dân tỉnh. Số lượng Phó Trưởng phòng, Phó Trạm trưởng, Thuyền viên tàu Kiểm ngư thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Biên chế

Tổng số biên chế và lao động hợp đồng được bố trí cho Kiểm ngư là 29 người (trong đó có 01 công chức lãnh đạo kiêm nhiệm, 14 công chức chuyên trách và 14 lao động hợp đồng) được bố trí cụ thể như sau:

2.1. Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng phụ trách Kiểm ngư: 01 công chức kiêm nhiệm.

2.2. Phòng Kiểm ngư: 05 công chức.

2.3. Ba (03) Trạm Kiểm ngư và 03 Tàu Kiểm ngư: 23 người, gồm: 09 công chức, và 14 lao động hợp đồng, cụ thể:

- Trạm Kiểm ngư Hòa Lộc và Tàu Kiểm ngư 210CV: 07 người, gồm 03 công chức và 04 lao động hợp đồng (trong đó, bố trí 03 công chức thực hiện nhiệm vụ tại Trạm và 04 lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ trên Tàu).

- Trạm Kiểm ngư Lạch Hới và Tàu Kiểm ngư 400CV: 08 người, gồm 03 công chức và 05 lao động hợp đồng (trong đó, bố trí 03 công chức thực hiện nhiệm vụ tại Trạm và 05 lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ trên Tàu).

- Trạm Kiểm ngư Lạch Bạng và Tàu Kiểm ngư 380CV: 08 người, gồm 03 công chức và 05 lao động hợp đồng (trong đó, bố trí 03 công chức thực hiện nhiệm vụ tại Trạm và 05 lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ trên Tàu).

Sau khi thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa, cơ cấu, tổ chức và biên chế, lao động hợp đồng của Chi cục Thủy sản được sắp xếp, bố trí như sau:

- Lãnh đạo Chi cục: 03 công chức (Chi cục trưởng và 02 Phó Chi cục trưởng).

- Phòng Hành chính, tổng hợp: 05 công chức, 02 lao động hợp đồng.

- Phòng Khai thác thủy sản (thành lập trên cơ sở tổ chức lại Phòng Quản lý tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá và Phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản): 05 công chức.

- Phòng Nuôi trồng thủy sản: 05 công chức.

- Phòng Kiểm ngư: 05 công chức.

- 03 Trạm Kiểm ngư (Hòa Lộc, Lạch Hới, Lạch Bạng) và 03 tàu Kiểm ngư (Công suất: 210CV, 380CV và 400CV): 09 công chức và 14 lao động hợp đồng.

- Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên).

Tổng biên chế, lao động hợp đồng của Chi cục Thủy sản: 32 công chức và 16 lao động hợp đồng.

Biên chế Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa được sắp xếp trên cơ sở biên chế, lao động hợp đồng được giao của Chi cục Thủy sản và bổ sung 06 lao động hợp đồng cho Chi cục Thủy sản để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 90, Điều 91 Luật Thủy sản năm 2017.

IV. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Năm 2023: Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Giai đoạn 2025 - 2030: Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định đầu tư cơ sở vật chất, văn phòng làm việc, phương tiện và trang thiết bị làm việc cho Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

V. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Kinh phí hoạt động của Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1.1. Phối hợp với Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi cục Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của Chi cục Thủy sản theo quy định.

1.2. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các trạm thuộc Chi cục Thủy sản theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản.

1.3. Chuyển đổi, xếp lại ngạch cho số biên chế chuyên trách nhiệm vụ kiểm ngư, thuyền viên tàu kiểm ngư để chuẩn hóa chức danh nghiệp vụ lực lượng kiểm ngư, đảm bảo các chế độ, chính sách đối với lực lượng kiểm ngư theo quy định.

1.4. Phối hợp với Cục Kiểm ngư, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử lực lượng Kiểm ngư tỉnh tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ; cập nhật kiến thức quản lý nhà nước, pháp luật, nhất là các quy định pháp luật chuyên ngành trong nước và quốc tế; đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

2. Sở Nội vụ

2.1. Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2. Thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.3. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giao bổ sung lao động hợp đồng cho Chi cục Thủy sản theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển, bảo đảm cho hoạt động của Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa theo quy định.

4. Sở Tài chính

4.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn kinh phí để thành lập Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa và bố trí kinh phí đảm bảo chế độ và nghiệp vụ theo quy định.

4.2. Tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí chi hoạt động mua sắm, đóng mới, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

5.1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, triển khai quy chế phối hợp giữa lực lượng biên phòng với lực lượng Kiểm ngư trong hoạt động tuyên truyền pháp luật, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, gắn với bảo vệ an ninh, an toàn khu vực biên giới trên biển.

5.2. Chỉ đạo các đơn vị Biên phòng tuyến biển phối hợp với lực lượng Kiểm ngư tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, chủ tàu cá trong thực hiện Luật Thủy sản; phối hợp, hỗ trợ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

6.1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng cho lực lượng Kiểm ngư tỉnh theo quy định của pháp luật.

6.2. Chỉ đạo các phòng, ban tham mưu phối hợp với lực lượng Kiểm ngư tỉnh xây dựng quy chế phối hợp hoạt động trong thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

7. Công an tỉnh

7.1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm tình hình, phát hiện điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân của tỉnh đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xác minh, khởi tố đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trên lĩnh vực thủy sản theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

7.2. Hướng dẫn Chi cục Thủy sản lập kế hoạch trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm ngư tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển và Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp lực lượng kiểm ngư trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khai thác IUU trên địa bàn, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, THKH, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Giang