Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2001/QĐ-UB

Lạng Sơn,ngày 6 tháng 6 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT- TỔNG DỰ TOÁN CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số: 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Xét Tờ trình số 104 /TT-SXD ngày 23/4/2001 của Sở Xây dựng Lạng Sơn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về thủ tục thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán công trình xây dựng cơ bản.

Điều 2. Quyết định này được thực hiện đối với các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư do địa phương quản lý và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- TT Tỉnh ủy
- TT HĐND tỉnh (2 bản)
- Ban KT HĐND tỉnh
- CT, PCT UBND tỉnh
- CPVP, các BP Chuyên viên.
- Lưu: XD, VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

QUY ĐỊNH

THỦ TỤC THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT - TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN
(Ban hành kèm theo QĐ số: 26 /2001/QĐ-UB ngày 06/6/2001 của UBND tỉnh)

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1- Quy định này tuân thủ những nội dung cơ bản của các Quy định hiện hành của Nhà nước về các thủ tục hành chính trong công tác thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật- tổng dự toán. (Sau đây viết tắt là TKKT-TDT) công trình xây dựng cơ bản (sau đây viết tắt là XDCB).

2- Quy định này áp dụng cho các Sở Xây dựng chuyên ngành và các cơ quan có chức năng thẩm định, phê duyệt TKKT-TDT công trình XDCB thuộc các dự án đầu tư do địa phương quản lý.

Điều 2. Hồ sơ trình thẩm định TKKT-TDT gồm:

1- Tờ trình của chủ đầu tư đề nghị thẩm định, phê duyệt TKKT-TDT hoặc thiết kế kỹ thuật thi công - tổng dự toán (theo phụ lục 2 của Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành theo Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

2- Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư kèm theo hồ sơ thiết kế sơ bộ cùng dự án đầu tư được duyệt.

3- Hồ sơ khảo sát, hồ sơ thiết kế (theo phụ lục 1 của Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành theo Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, kèm theo đĩa mềm dữ liệu tính toán kết cấu, tiên lượng, dự toán và tổng dự toán của công trình),

4- Các biên bản nghiệm thu sản phẩm khảo sát, thiết kế (theo Điều 7 Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành theo Quyết định số: 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

5- Các văn bản chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về an toàn môi trường, an toàn phòng chống cháy, nổ, an toàn đê điều, an toàn giao thông và các yêu cầu có liên quan.

6- Tùy trường hợp cụ thể, theo yêu cầu kiểm tra của cơ quan thẩm định, Chủ đầu tư phải bổ sung các bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các tổ chức khảo sát, thiết kế và chứng chỉ hành nghề thiết kế của chủ trì thiết kế công trình phê duyệt.

7- Cơ quan thẩm định từ chối không nhận thẩm định các hồ sơ không đảm bảo các quy định tại Điều 2 của Quy định này. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên. Ngoài những hồ sơ theo quy định trên, cơ quan thẩm định không được yêu cầu thêm bất kỳ một loại tài liệu nào khác.

Điều 3. Trình tự, thời gian thẩm định TKKT -TDT:

1- Thời gian thẩm định TKKT-TDT (hồ sơ hợp lệ)

- Dự án nhóm B: 30 ngày làm việc.

- Dự án nhóm C: 20 ngày làm việc.

2- Khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của chủ đầu tư (tính từ ngày nhận qua văn thư) cơ quan thẩm định tiến hành kiểm tra hồ sơ thông báo cho chủ đầu tư tính hợp lệ của hồ sơ. Thời gian kiểm tra hồ sơ không quá 02 ngày và không tính vào thời gian thẩm định.

3- Trong quá trình thẩm định nếu phát hiện hồ sơ có những sai sót phải chỉnh lý, bổ sung thì cơ quan thẩm định sẽ thông báo cho chủ đầu tư biết (bằng văn bản). Chủ đầu tư có trách nhiệm tiến hành sửa chữa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thẩm định với thời gian nhanh nhất. Thời gian sửa chữa, bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.

4- Trường hợp có nhiều dự án trình thẩm định tại cùng một thời điểm hoặc do yêu cầu đặc biệt của cơ quan quản lý cấp trên về thời gian và quy định thẩm định thì cơ quan thẩm định được phép thuê các tổ chức, cá nhân có đủ trình độ chuyên môn tham gia thẩm định. Chi phí thuê thẩm định sẽ được chi trả theo quy định hiện hành của Nhà nước (định mức chi phí tư vấn đầu tư và xây dựng, ban hành theo Quyết định số 14/2000/QĐ-BXD , ngày 20/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

5- Cơ quan thẩm định có trách nhiệm trình kết quả thẩm định TKKT-TDT kèm theo dự thảo quyết định tới cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời gửi kết quả thẩm định cho chủ đầu tư và cá cơ quan liên quan, thời gian trình, gửi không quá 3 ngày kể từ ngày ký văn bản thẩm định.

Điều 4. Phê duyệt KTKT-TDT:

1- Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt TKKT-TDT của cơ quan thẩm định thì Thủ trưởng cơ quan thẩm định tiến hành phê duyệt ngay sau khi thẩm định xong.

2- Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt TKKT-TDT của Chủ tịch UBND tỉnh thì Văn phòng UBND tỉnh tiến hành thẩm tra báo cáo thẩm định và trình Chủ tịch ký phê duyệt chậm nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Điều 5. Quy định trách nhiệm:

1- Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng hồ sơ trình duyệt và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm định và các cơ quan có liên quan giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thẩm định.

2- Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, đồng thời tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề thẩm định.

3- Khi cần thiết cơ quan thẩm định có quyền yêu cầu chủ đầu tư hoặc các tổ chức tư vấn của chủ đầu tư giải trình những vấn đề liên quan tới công tác thẩm định. Mọi yêu cầu giải trình cũng được thông báo tới chủ đầu tư.

4- Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm về nội dung và kết quả thẩm định theo quy định hiện hành đối với những công trình thuê chuyên gia hoặc các tổ chức tư vấn cùng tham gia thẩm định.

5- Cơ quan thẩm định phải chịu trách nhiệm hành chính khi không thực hiện đúng những quy định cho công tác thẩm định. Các chủ đầu tư có quyền khiếu nại cơ quan thẩm định về chất lượng thẩm định, thời gian thẩm định và những vấn đề liên quan theo quy định của Pháp luật.

Điều 6. Kinh tế:

1- Chủ đầu tư có trách nhiệm nộp lệ phí (hoặc lệ phí và chi phí thẩm định trong trường hợp phải thuê thẩm định) theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2- Cơ quan thẩm định được sử dụng phần lệ phí thẩm định để lại theo quy định của Nhà nước chi cho công tác thẩm định và hàng năm quyết toán với cơ quan Tài chính (theo Thông tư số 109/TT-BTC ngày 13/11/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng lệ phí thẩm định đầu tư).

Điều 7. Điều khoản thi hành:

Các Sở xây dựng chuyên ngành, các tổ chức có chức năng thẩm định, chủ đầu tư các dự án và các Sở, Ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này./.