Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2016/QĐ-UBND

Long An, ngày 30 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC ĐỘ ĐẠT CHUẨN CỦA TỪNG TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành, sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xét công nhận, công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013, Thông tư số 40/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Xét Tờ trình số 1543/TTr-SNN ngày 23/5/2016 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Về việc ban hành Quy định mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Long An, đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 4101/QĐ-UBND ngày 25/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định tạm thời đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Long An đến năm 2015.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở ngành, đơn vị liên quan thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- TT.UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Phòng NCKT;
- Chi cục PTNT (VPĐP NTM);
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Lâm

 

QUY ĐỊNH

MỨC ĐỘ ĐẠT CHUẨN CỦA TỪNG TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này hướng dẫn phương pháp xác định mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí nông thôn mới, phục vụ cho việc xét công nhận và công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các xã, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

b) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc xét công nhận xã, đạt chuẩn nông thôn mới.

Điều 2. Điều kiện công nhận, công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới

Xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo 02 điều kiện sau:

1. Xã có đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) xác nhận theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 40/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Xã có 100% tiêu chí nông thôn mới thực hiện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định tại Chương II của Quy định này.

Điều 3. Trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới

Trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương II

NỘI DUNG VÀ MỨC ĐỘ ĐẠT CHUẨN CỦA TỪNG TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI

Điều 4. Tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch

1. Xã đạt tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch khi đáp ứng đủ 03 yêu cầu sau:

a) Có quy hoạch nông thôn mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được công bố rộng rãi đến các ấp;

b) Các bản vẽ quy hoạch được niêm yết công khai để người dân biết và thực hiện; có cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt;

c) Có quy chế quản lý quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Tiêu chí giao thông

1. Xã đạt tiêu chí giao thông khi đáp ứng đủ 04 yêu cầu sau:

a) Có 100% số km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn của Bộ Giao thông vận tải;

b) Có ít nhất 50% số km đường trục ấp được cứng hóa đạt chuẩn;

c) Có 100% số km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội, trong đó có ít nhất 30% số km được cứng hóa;

d) Có ít nhất 50% số km đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn.

2. Giải thích từ ngữ

a) Đường giao thông nông thôn bao gồm các tuyến nối từ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đến các ấp, ruộng đồng, trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi... phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương (quốc lộ, tỉnh lộ không được xem là đường giao thông nông thôn).

b) Đường trục xã là đường nối từ trung tâm hành chính huyện đến trung tâm hành chính xã, trung tâm hành chính huyện lân cận hoặc đường nối từ trung tâm hành chính xã đến các ấp.

c) Đường trục ấp là đường nối từ đường trục xã đến ấp hoặc đường nối từ ấp này đến ấp lân cận.

d) Đường ngõ xóm là đường nối từ đường trục ấp, trục xã đến cụm dân cư, hộ gia đình hoặc đường nối giữa các hộ gia đình với nhau.

đ) Đường trục chính nội đồng là đường chính nối từ khu dân cư tập trung đến khu vực sản xuất tập trung, vùng trồng cây công nghiệp, làng nghề, trang trại, đồng ruộng.

e) Tiêu chuẩn kỹ thuật chính của các đường giao thông

- Đường trục xã: Kết cấu mặt đường được cứng hóa bằng vật liệu đá dăm láng nhựa hoặc bê tông xi măng; chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,5 m, lề đường tối thiểu 1,25 m, nền tối thiểu 6,0m; có điểm tránh xe với khoảng cách 500 m bố trí 1 điểm.

- Đường trục ấp: Kết cấu mặt đường được cứng hóa bằng vật liệu đá dăm láng nhựa bê tông xi măng trải cấp phối có lu lèn bằng đá dăm; chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m, lề đường tối thiểu 0,5m, nền đường tối thiểu 4,0m; có điểm tránh xe với khoảng cách 500 m bố trí 1 điểm.

- Đường ngõ, xóm: Kết cấu mặt đường được cứng hóa bằng vật liệu đá dăm láng nhựa, bê tông xi măng, trải cấp phối có lu lèn bằng đá dăm; chiều rộng mặt đường tối thiểu 2,0m, lề đường tối thiểu 0,5m, nền đường tối thiểu 3,0m.

- Đường trục chính nội đồng: Kết cấu mặt đường được cứng hóa bằng vật liệu đá dăm láng nhựa, bê tông xi măng, trải cấp phối có lu lèn bằng đá dăm chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,0m, lề đường tối thiểu 0,5m, nền đường tối thiểu 4,0m; có điểm tránh xe với khoảng cách 500 m bố trí 1 điểm.

Điều 6. Tiêu chí thủy lợi

1. Xã đạt tiêu chí thủy lợi khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu sau:

a) Xã có hệ thống thủy lợi trong phạm vi xã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh;

b) Xã có ít nhất 45% số km kênh hoặc số cống trong phạm vi xã được kiên cố hóa.

2. Giải thích từ ngữ

a) Hệ thống thủy lợi trong phạm vi xã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh phải đạt đủ các yêu cầu sau:

- Được xây dựng theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên bảo đảm phát huy trên 80% năng lực thiết kế;

- Phục vụ sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn để cơ bản đáp ứng yêu cầu nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động sản xuất phi nông nghiệp trên địa bàn xã;

- Có tổ chức (hợp tác xã hoặc tổ hợp tác) quản lý khai thác và bảo vệ, đảm bảo vận hành có hiệu quả bền vững, phục vụ cho sản xuất, dân sinh, được đa số người dân hưởng lợi đồng thuận.

b) Kiên cố hóa là gia cố kênh, cống bằng các vật liệu (đá xây, gạch xây, bê tông, composite) để bảo đảm kênh, cống hoạt động ổn định, bền vững. Trường hợp tưới tiêu bằng đường ống cố định cũng được coi là kiên cố hóa.

c) Tỷ lệ kênh, cống trong phạm vi xã được kiên cố hóa được tính bằng tỷ lệ % (phần trăm) giữa tổng số km kênh, số cống đã được kiên cố hóa so với tổng số km kênh, số cống cần được kiên cố hóa theo quy hoạch.

d) Các xã không có kênh, cống thuộc diện cần kiên cố hóa thì được tính là đạt.

Điều 7. Tiêu chí điện nông thôn

1. Xã đạt tiêu chí điện nông thôn khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu sau:

a) Xã có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện;

b) Xã đạt chỉ tiêu hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

2. Giải thích từ ngữ

a) Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện phải đạt đủ các yêu cầu sau

- Đường dây trung áp:

+ Hồ sơ pháp lý (dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu) có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

+ An toàn điện: Đảm bảo khoảng cách thẳng đứng (đến khu đông dân cư, đường ô tô: ≥ 7 m; đến khu ít dân cư, đến bãi sông và nơi ngập nước không có tàu qua lại: ≥ 5,5 m; đến khu vực khó đến: ≥ 4,5 m; đến mức nước cao nhất ở sông, kênh có tàu qua lại tĩnh không + 1,5 m; đến mức nước cao nhất trên sông, kênh mà tàu và người không thể qua lại được: ≥ 2,5 m; từ đường điện áp 22 kv đến đường dây có cấp điện áp thấp hơn: ≥ 2 m; từ đường điện áp 35 kv đến đường dây có cấp điện áp thấp hơn: ≥ 3m; đến đường dây thông tin: ≥ 4 m). Đảm bảo chiều rộng hành lang an toàn (dây bọc 22 kv: ≥ 1 m; dây trần 22 kv: ≥ 2 m). Có các biển báo (100%). Đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi (tiếp đất, không có cây cối đổ xô cành vào dây điện);

+ Nguồn cung cấp, điện áp đạt (+ 5%, - 10% điện áp định mức);

+ Kết cấu chịu lực: Cột (bêtông, thép), hỗ trợ chịu lực, móng cột, xà giá đỡ;

+ Có đầy đủ quy trình vận hành, kiểm tra, khắc phục sự cố.

- Trạm biến áp phân phối:

+ Hồ sơ pháp lý (dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu) có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

+ An toàn điện: Đảm bảo khoảng cách giữa phần mang điện với các bộ phận xung quanh (đến 22 kv: ≥ 2,0 m); nối đất; có các biển báo (100%);

+ Nguồn cung cấp, chất lượng điện đạt (+5%, -10% điện áp định mức);

+ Vận hành: Công tơ đo đếm điện, đồng hồ kiểm tra thông số, thiết bị đóng cắt, biết bị bảo vệ đạt (100%);

+ Kết cấu chịu lực, bảo vệ: Cột, móng cột, giá đỡ, cổng, hàng rào bảo vệ trạm (nếu có) đạt.

- Đường dây hạ áp:

+ Hồ sơ pháp lý (dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu) có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

+ An toàn điện: Đảm bảo khoảng cách thẳng đứng (đến mặt đất tự nhiên khu vực đông dân cư, đến bãi sông và nơi ngập nước không có tàu qua lại: ≥ 5,5 m; đến mặt đất tự nhiên khu vực ít dân cư: ≥ 5 m; đến mặt đất tự nhiên khu vực khó đến: ≥ 4 m; đến mặt đường ô tô cấp I, II: ≥ 7 m; đến mặt đường ô tô các cấp còn lại: ≥ 6 m; đến mức nước cao nhất ở sông, kênh có tàu qua lại tĩnh không +1,5 m; đến mức nước cao nhất trên sông, kênh mà tàu và người không thể qua lại được: ≥ 2,5 m; đến đường dây thông tin: ≥ 1,25 m; đến mặt đê, đập: ≥ 6 m). Có nối đất và các biển báo (100%). Không có cây cối đổ xô cành vào dây điện;

+ Chất lượng điện năng; quy trình vận hành, kiểm tra: Đảm bảo (+5%, -10% điện áp định mức);

+ Dây dẫn điện: Kiểu dây, nối dây, cách điện (dây trần, dây bọc) phải đạt;

+ Kết cấu chịu lực: Cột, hỗ trợ chịu lực, móng cột, xà giá đỡ phải đạt;

+ Vận hành: Chỉ rõ tên và mạch trên vị trí cột; có sổ theo dõi kiểm tra an toàn vận hành, sửa chữa theo dõi khắc phục sự cố; thiết bị đóng cắt.

- Dây dẫn về hộ gia đình sau công tơ và công tơ điện:

+ Dây sau công tơ: Loại dây, treo dây, dây dẫn căng vượt đường ôtô phải đạt. Không có cây đổ xô cành vào dây điện;

+ Kết cấu sau công tơ và loại công tơ: Loại cột (cột gỗ hoặc tre cao ≥ 4,0 m, đường kính ≥ 80 mm), an toàn cột (không nghiêng, vững chắc, không ảnh hưởng đến giao thông...), công tơ (đảm bảo, có hòm bảo vệ công tơ);

+ Hợp đồng mua bán điện: Có 100% số hộ dân được ký hợp đồng mua bán điện theo giá quy định của Chính phủ;

+ Điện trong nhà: Bảng điện tổng của các hộ dân (100% số hộ dân) có cầu chì/aptomat, công tắc, ổ cắm đặt cố định và đảm bảo an toàn. Dây dẫn có vỏ cách điện, đặt cố định, an toàn.

b) Xã đạt chỉ tiêu hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn phải đạt đủ các yêu cầu sau:

- Xã có tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt từ 98% trở lên;

- Có thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện cho khách hàng trước 05 ngày và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước 03 ngày.

Điều 8. Tiêu chí trường học

1. Xã đạt tiêu chí trường học khi có ít nhất 70 % số trường học các cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.

Trường hợp xã chỉ có 3 trường học các cấp, nhưng có 2 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia thì xem như xã đạt tiêu chí trường học.

2. Giải thích từ ngữ

Trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là trường được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia phải còn trong thời gian 5 năm theo quyết định công nhận. Cụ thể như sau:

a) Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia từ mức độ 1 trở lên;

b) Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia từ mức độ 1 trở lên;

c) Trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

Điều 9. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

1. Xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu sau:

a) Xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn;

b) Toàn bộ các ấp hoặc liên ấp trên địa bàn xã có Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn.

2. Giải thích từ ngữ

a) Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn phải đạt đủ các yêu cầu sau:

- Diện tích đất quy hoạch Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã từ 2.500 m2 trở lên (chưa tính diện tích sân vận động);

- Diện tích xây dựng Hội trường Văn hóa đa năng (Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã) từ 500 m2 trở lên; diện tích xây dựng khu thể thao từ 2.000 m2 trở lên (chưa tính diện tích sân vận động);

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã có đủ 5 phòng chức năng: Phòng hành chính; phòng đọc sách - báo - thư viện; phòng thông tin truyền thanh; câu lạc bộ; phòng tập các môn thể thao đơn giản;

- Diện tích sân vận động tối thiểu 10.800 m2 (90 m x 120 m);

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã có đủ các công trình phụ trợ (Nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa....) và trang thiết bị (bàn, ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh);

- Cán bộ quản lý Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã có trình độ trung cấp về văn hóa, thể thao trở lên. Cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn về văn hóa thể thao. Đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên, ổn định hàng năm;

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã thực hiện tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tối thiểu 12 cuộc/năm; liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng tối thiểu 04 cuộc/năm; duy trì hoạt động thường xuyên từ 5 câu lạc bộ trở lên; thư viện, phòng đọc sách, báo hoạt động tốt; hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, nếp sống văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc hoạt động tốt; thu hút từ 30% dân số trở lên hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hóa;

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã tổ chức thi đấu thể thao tối thiểu 06 cuộc/năm; thu hút từ 25% dân số trở lên tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; Hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí phục vụ cho trẻ em đạt 30% thời gian hoạt động.

b) Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp đạt chuẩn phải đạt đủ các yêu cầu sau:

- Diện tích đất quy hoạch tối thiểu 800 m2, trong đó diện tích quy hoạch Nhà văn hóa tối thiểu 300 m2, diện tích quy hoạch khu thể thao tối thiểu 500 m2;

- Hội trường Nhà văn hóa từ 100 chỗ ngồi trở lên;

- Diện tích sân khấu trong hội trường từ 30 m2 trở lên;

- Diện tích sân tập thể thao từ 250 m2 trở lên;

- Có đủ các công trình phụ trợ, trang thiết bị (Nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa, cổng, tường rào bảo vệ, bộ trang âm thanh, bộ trang trí-khánh tiết, bàn ghế, tủ sách, tranh ảnh tuyên truyền, bản tin nội bộ, một số nhạc cụ phổ thông) và các dụng cụ thể dục thể thao theo nhu cầu sử dụng;

- Cán bộ nghiệp vụ của Nhà văn hóa ấp phải có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên và được hưởng thù lao theo công việc;

- Thu hút từ 50% dân số trở lên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên; thu hút từ 25% dân số trở lên tham gia các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên; Hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí phục vụ cho trẻ em đạt 30% thời gian hoạt động.

c) Diện tích đất quy hoạch Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp được tính gộp là tổng diện tích các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn xã, ấp. Địa điểm công trình văn hóa, thể thao không nhất thiết phải nằm trên cùng một vị trí.

d) Đối với các ấp gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động các nguồn lực để xây dựng mới Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp thì tạm thời sử dụng các cơ sở vật chất hiện có, như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà văn hóa liên ấp, Nhà văn hóa đã xây dựng trước, đình làng (phải được sự đồng ý của nhân dân) để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng và vẫn được tính đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Điều 10. Tiêu chí chợ nông thôn

1. Chợ nông thôn đạt chuẩn khi đáp ứng đủ 05 yêu cầu sau:

a) Diện tích, mặt bằng xây dựng chợ từ 12-16 m2/điểm kinh doanh;

b) Nhà chính chợ phải bảo đảm kiên cố hoặc bán kiên cố;

c) Các bộ phận phụ trợ và kỹ thuật công trình tối thiểu phải đảm bảo các hạng mục, yêu cầu sau và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, gồm có:

- Bảng hiệu thể hiện tên chợ, địa chỉ, số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức quản lý chợ;

- Khu vệ sinh bố trí nam, nữ riêng;

- Bãi để xe phù hợp, đảm bảo trật tự, an toàn cho khách;

- Có khu thu gom rác và xử lý rác; có phương án vận chuyển rác về khu xử lý tập trung;

- Có phương án và hệ thống cấp điện, cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; thiết bị, phương án phòng cháy chữa cháy;

- Có khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch vụ ăn uống được bố trí riêng.

d) Chợ có tổ chức quản lý, kinh doanh và khai thác theo quy định; có Nội quy chợ được cấp có thẩm quyền quy định và niêm yết công khai; có sử dụng cân (thiết bị đo lường) đối chứng;

đ) Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; đảm bảo điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện.

2. Giải thích từ ngữ

a) Chợ nông thôn đạt chuẩn chỉ áp dụng đối với các xã có chợ đang hoạt động và nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Đối với các xã chưa có chợ do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng chợ và trong qui hoạch không có chợ thì không xem xét tiêu chí chợ nông thôn. Việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới được thực hiện trên cơ sở đánh giá các tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Điều 11. Tiêu chí thông tin và truyền thông

1. Xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu sau:

a) Xã có ít nhất 1 điểm phục vụ được 2 dịch vụ bưu chính và viễn thông đạt tiêu chuẩn hoặc trường hợp xã không có điểm phục vụ bưu chính và viễn thông đạt tiêu chuẩn, nhưng có từ 30% số hộ gia đình trở lên có thuê bao riêng sử dụng dịch vụ viễn thông;

b) Xã có internet đến ấp.

2. Giải thích từ ngữ

a) Điểm phục vụ bưu chính, viễn thông là địa điểm cung ứng một/hoặc cả hai dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông công cộng. Điểm phục vụ bưu chính, viễn thông gồm có:

- Điểm phục vụ bưu chính;

- Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.

b) Xã đạt tiêu chí có internet đến ấp khi có ít nhất 30% số ấp thuộc xã đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

- Có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy nhập internet cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn ấp đạt tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Có các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng (dịch vụ truy nhập internet) đạt tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 12. Tiêu chí nhà ở dân cư

1. Xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu sau:

a) Xã có không có hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát;

b) Xã có từ 70% số hộ gia đình trở lên có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

2. Giải thích từ ngữ

a) Nhà tạm, nhà dột nát là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời dễ cháy có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” (nền cứng khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

b) Nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng là nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Nhà ở đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) và diện tích nhà ở đạt từ 14m2/người trở lên;

- Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên;

- Các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ...) phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt;

- Kiến trúc, mẫu nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng.

Điều 13. Tiêu chí thu nhập

1. Xã đạt tiêu chí thu nhập khi có mức thu nhập bình quân đầu người/năm đạt mức thu nhập bình quân đầu người/năm của vùng đồng bằng Sông Cửu Long trở lên, do Trung ương quy định.

2. Mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã do xã tự điều tra thu thập thông tin và tính toán theo hướng dẫn thống nhất của Tổng cục Thống kê. Chi cục Thống kê huyện có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các xã điều tra, đồng thời thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận.

Điều 14. Tiêu chí hộ nghèo

1. Xã đạt tiêu chí Hộ nghèo khi có tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 7%.

2. Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Điều 15. Tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên

1. Xã đạt tiêu chí này khi tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt từ 90% trở lên.

2. Giải thích từ ngữ

a) Lao động có việc làm thường xuyên của xã là những người trong độ tuổi (nam từ đủ 15 đến 60 tuổi, nữ từ đủ 15 đến 55 tuổi) có khả năng lao động, có thời gian làm việc bình quân từ 20 ngày công/tháng trở lên trong năm cả ở trong và ngoài địa bàn xã.

b) Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là tỷ lệ phần trăm (%) giữa số lao động có việc làm thường xuyên trên số người trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế của xã (bao gồm người có việc làm và thất nghiệp).

Điều 16. Tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất

1. Xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất khi xã có ít nhất 01 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác có đăng ký; hoạt động đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo luật; có hợp đồng liên kết lâu dài giữa hộ nông dân (hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp, tổ chức khoa học hoặc nhà khoa học.

2. Giải thích từ ngữ

a) Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả khi đảm bảo 03 yêu cầu:

- Được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã;

- Tổ chức được ít nhất 01 loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ thành viên hợp tác xã và người dân trên địa bàn;

- Kinh doanh có lãi liên tục trong 03 năm liền kề (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liền kề có lãi liên tục).

b) Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả khi đảm bảo 02 yêu cầu:

- Được thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động theo đúng quy định;

- Hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi liên tục trong 03 năm liền kề được Ủy ban nhân dân xã xác nhận (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liên tục có lãi).

c) Liên kết giữa hộ nông dân (hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp, tổ chức khoa học hoặc nhà khoa học lâu dài là có hợp đồng được ký kết giữa các bên và thực hiện có hiệu quả các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với thời hạn tối thiểu 03 năm.

Điều 17. Tiêu chí giáo dục

1. Xã đạt tiêu chí giáo dục khi đáp ứng đủ 03 yêu cầu sau:

a) Xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

b) Xã có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông (trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) đạt từ 80 % trở lên, số học sinh con lại theo học chương trình trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề;

c) Xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 20%.

2. Giải thích từ ngữ

a) Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông (trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) hoặc học chương trình trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề là số học sinh của xã đã tốt nghiệp trung học cơ sở đã và đang được tiếp tục học cấp trung học hoặc tương đương tại các trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề.

b) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông (trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) hoặc học chương trình trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề là tỷ lệ phần trăm (%) giữa số học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở của xã đã và đang được tiếp tục học cấp trung học hoặc tương đương tại các trường trung học phổ thông giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề trên tổng số học sinh của xã đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

c) Lao động qua đào tạo của xã là lao động trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 15 đến 60 tuổi, nữ từ đủ 15 đến 55 tuổi), có khả năng lao động, đã được tham gia các khóa đào tạo và được cấp các loại chứng chỉ, văn bằng: Chứng chỉ đào tạo nghề (chứng chỉ nghề), chứng chỉ sơ cấp (chứng chỉ sơ cấp nghề), bằng tốt nghiệp trung cấp (bằng trung cấp chuyên nghiệp, bằng trung cấp nghề), bằng tốt nghiệp cao đẳng (bằng cao đẳng nghề, bằng cao đẳng chuyên nghiệp), bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ.

d) Tỷ lệ lao động qua đào tạo là tỷ lệ phần trăm (%) giữa số lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo và được cấp các loại chứng chỉ, văn bằng trên tổng số lao động trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế (bao gồm người có việc làm và thất nghiệp) của xã.

Điều 18. Tiêu chí y tế

1. Xã đạt tiêu chí y tế khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu sau:

a) Xã có tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt từ 70% trở lên;

b) Y tế xã đạt chuẩn quốc gia.

2. Giải thích từ ngữ

a) Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế là tỷ lệ phần trăm (%) giữa số người dân trong xã có thẻ Bảo hiểm y tế còn hiệu lực trên tổng số dân trong xã.

b) Bảo hiểm y tế bao gồm: Bảo hiểm do nhà nước hỗ trợ, bảo hiểm bắt buộc hoặc bảo hiểm tự nguyện.

c) Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là xã được UBND tỉnh quyết định công nhận theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020.

Điều 19. Tiêu chí văn hóa

Xã đạt tiêu chí văn hóa khi hàng năm có từ 70% số ấp trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “ấp văn hóa”.

Điều 20. Tiêu chí môi trường

1. Xã đạt tiêu chí môi trường khi đáp ứng đủ 05 yêu cầu sau:

a) Xã có từ 90% số hộ trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh thường xuyên;

b) Xã có từ 90% số cơ sở sản xuất - kinh doanh trở lên đạt chuẩn về môi trường (số cơ sở còn lại tuy còn một số tồn tại về môi trường nhưng đang khắc phục);

c) Đường ấp, xóm, cảnh quan từng hộ đạt tiêu chuẩn “xanh - sạch - đẹp” và không có hoạt động làm suy giảm môi trường. Cụ thể là phải đạt 03 yêu cầu sau:

- Toàn bộ các trục đường giao thông trên địa bàn xã đảm bảo sạch, không có các điểm đổ rác tự phát; các tuyến kênh, rạch trên địa bàn xã đảm bảo thông thoáng;

- Xã có trên 90% số hộ đã thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội;

- Các cơ sở chăn nuôi (hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp) trên địa bàn xã có hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh.

d) Nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Cụ thể phải đạt 03 yêu cầu sau:

- Mỗi ấp hoặc liên ấp hoặc xã, liên xã có quy hoạch đất làm nghĩa trang lâu dài phù hợp với tập quán của địa phương (trừ nơi có tập quán an táng không ở nghĩa trang);

- Có Quy chế quản lý nghĩa trang;

- Việc táng người chết phải được thực hiện phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.

đ) Rác thải, nước thải được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Cụ thể phải đạt 03 yêu cầu sau:

- Xã có từ 65% số hộ trở lên có nhà tiêu hợp vệ sinh; các hộ (100% số hộ) có nhà tắm, hệ thống tiêu thoát chất thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm không khí và nguồn nước xung quanh;

- Mỗi khu dân cư tập trung của ấp, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước thải thông thoáng, hợp vệ sinh;

- Mỗi ấp hoặc liên ấp, xã có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung.

2. Giải thích từ ngữ

a) Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thỏa mãn yêu cầu chất lượng: Không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

b) Cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường là cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình hoạt động thực hiện đầy đủ các nội dung theo Luật Bảo vệ môi trường quy định; các chất thải, tiếng ồn đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn theo quy định hiện hành.

c) Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là chuồng trại đáp ứng các yêu cầu: Nằm cách biệt với nhà ở; chất thải chăn nuôi (phân, nước tiểu) được thu gom xử lý không xả, chảy tràn trên bề mặt đất, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

d) Nhà tiêu hợp vệ sinh là nhà tiêu đạt các yêu cầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu - điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh (QCVN01:2011/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 27/2011/TT-BYT ngày 24/6/2011 của Bộ Y tế.

Điều 21. Tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh

1. Xã đạt tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh khi đáp ứng đủ 04 yêu cầu sau:

a) Xã có từ 95% cán bộ, công chức trở lên đạt chuẩn;

b) Xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định;

c) Đảng bộ, chính quyền xã đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”;

d) Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã được công nhận đạt danh hiệu “khá” trở lên.

2. Giải thích từ ngữ

a) Cán bộ, công chức xã là các chức vụ, chức danh quy định tại Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

b) Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn khi có đủ 03 điều kiện sau:

- Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;

- Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên đối với cán bộ hoặc tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của chức danh công chức được đảm nhiệm;

- Trình độ tin học: Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên;

c) Tiêu chuẩn đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự xã và Trưởng Công an xã thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ và Điều 6 Quy định về quản lý công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An ban hành kèm theo Quyết định số 57/2014/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

d) Hệ thống tổ chức chính trị - xã hội ở xã bao gồm: Tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã.

đ) Danh hiệu Đảng bộ cấp xã đạt “Trong sạch, vững mạnh” do Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện xét và công nhận hàng năm. Danh hiệu chính quyền cấp xã (Ủy ban nhân dân xã) đạt “Trong sạch, vững mạnh” do Ủy ban nhân dân cấp huyện xét và công nhận hàng năm. Danh hiệu thi đua của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xã do các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện xét và công nhận hàng năm.

Điều 22. Tiêu chí an ninh, trật tự xã hội

Xã đạt tiêu chí an ninh, trật tự xã hội khi đáp ứng đủ 04 yêu cầu sau:

1. Xã không có tổ chức, cá nhân hoạt động chống Đảng, chính quyền, phá hoại kinh tế, truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài;

2. Xã không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội và không phát sinh thêm người mắc các tệ nạn xã hội trên địa bàn;

3. Xã có trên 70% số ấp được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự;

4. Hàng năm Công an xã đạt danh hiệu đơn vị “tiên tiến” trở lên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh

a) Căn cứ vào Quy định này và các quy định của Trung ương, các sở ngành được giao phụ trách tiêu chí nông thôn mới chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đánh giá và thẩm định mức đạt của từng tiêu chí, chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành.

b) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh) tiếp nhận hồ sơ và chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện thủ tục thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận, công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chỉ đạo cho các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân xã rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí nông thôn mới.

b) Tổ chức thẩm tra, lấy ý kiến về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của xã và hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định, xét công nhận, công nhận lại xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Tổ chức đánh giá mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí nông thôn mới.

b) Tổ chức lấy ý kiến của người dân và các tổ chức về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của xã.

c) Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm tra, xét xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Điều 24. Sửa đổi bổ sung Quy định

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy định này; tổng hợp các ý kiến đóng góp, nghiên cứu, đề xuất kịp thời việc bổ sung, sửa đổi Quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh./.