Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2017/QĐ-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 694/TTr-STC ngày 30 tháng 5 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nguồn kinh phí

1. Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tổ chức chính trị - xã hội các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành, cụ thể:

a) Kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh do ngân sách tỉnh bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

b) Kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

2. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 3. Nội dung, mức chi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội

1. Chi công tác phí cho các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khảo sát: Thanh toán công tác phí, tiền thuê chỗ ở nơi công tác, phương tiện phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội, thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các quy định của địa phương về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Chi tổ chức hội nghị:

a) Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các quy định của địa phương về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Đối với hội nghị đối thoại, tọa đàm, hội thảo, ngoài các khoản chi theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các quy định của địa phương về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, được chi một số khoản sau:

- Chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/cuộc họp.

- Thành viên tham dự cuộc họp: 100.000 đồng/người/cuộc họp.

- Chi báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng: 500.000 đồng/bài viết.

3. Chi thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập:

Trường hợp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nội dung phức tạp, thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, cần lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh quyết định việc thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập nhưng phải có hợp đồng công việc, có sản phẩm chất lượng được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt, số lượng chuyên gia do cơ quan chủ trì quyết định, nhưng tối đa không quá 05 chuyên gia cho nội dung cần thẩm định hoặc tư vấn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Mức chi 1.000.000 đồng/báo cáo kết quả thẩm định hoặc tư vấn.

4. Chi bồi dưỡng thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các quy định của địa phương về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

a) Trưởng đoàn giám sát: 120.000 đồng/người/ngày.

b) Thành viên chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/ngày.

c) Các thành viên khác: 70.000 đồng/người/ngày.

5. Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội (báo cáo theo định kỳ, báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội theo chuyên đề được giao); văn bản kiến nghị (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý) được quy định như sau:

a) Cấp tỉnh: 2.000.000 đồng/báo cáo hoặc văn bản.

b) Cấp huyện: 1.500.000 đồng/báo cáo hoặc văn bản.

c) Cấp xã: 1.000.000 đồng/báo cáo hoặc văn bản.

6. Các khoản chi khác: Trong phạm vi kinh phí phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao, căn cứ tình hình thực tế triển khai công việc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định việc chi tiêu cho các nội dung công việc thực tế phát sinh, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 4. Việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí giám sát, phản biện xã hội

Thực hiện theo quy định tại các Điều 3, Điều 6 của Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2017.

Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng