Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2606/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHI HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH BỆNH COVID - 19 TRONG ĐỢT BÙNG PHÁT DỊCH LẦN THỨ 4 TỪ NGÀY 27/4/2021

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

- Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012;

- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;

- Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2018;

- Căn cứ Nghị định 191/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính Công đoàn;

- Căn cứ Quyết định số 1355/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2021;

- Căn cứ Quyết định số 2036/QĐ-TLĐ ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc phê duyệt dự toán tài chính công đoàn năm 2021;

- Căn cứ diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đối với đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân lao động;

- Xét đề nghị của Ban Quan hệ Lao động, Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Hỗ trợ đơn vị tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Giao các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành trung ương và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021, với đối tượng và mức hỗ trợ như sau:

1. Lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, mức hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/đơn vị.

2. Đoàn viên; người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người.

3. Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.

4. Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.

5. Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.

6. Các trường hợp đặc biệt khác cần hỗ trợ giao ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phòng, chống dịch và khả năng cân đối tài chính công đoàn của địa phương, đơn vị nhưng mức hỗ trợ không quá các quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 của Điều này; báo cáo kết quả về Tổng Liên đoàn.

Điều 2. Hỗ trợ cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch Covid-19

Chi hỗ trợ cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch trong đợt bùng phát lần thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021 gồm: người làm nhiệm vụ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, khu công nghiệp; tham gia hỗ trợ truy vết, xét nghiệm, cưỡng chế cách ly y tế; rà soát, thống kê người lao động trong các khu cách ly, khu phong tỏa; trao và phát quà hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, người lao động tại các khu cách ly, khu phong tỏa, với đối tượng và mức hỗ trợ như sau:

1. Cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở: mức chi hỗ trợ từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/người. Giao ban thường vụ công đoàn các cấp phân công nhiệm vụ, quyết định và chịu trách nhiệm.

2. Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị: mức chi hỗ trợ từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người. Ban chấp hành công đoàn cơ sở tự cân đối trong nguồn tài chính được duyệt chi để quyết định và chịu trách nhiệm.

3. Cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Đoàn viên, người lao động thuộc nhiều đối tượng được hưởng mức hỗ trợ khác nhau theo quy định tại Điều 1 Quyết định này thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hỗ trợ ở mức thấp, sau đó lại chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ.

2. Các đối tượng nêu tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 1 là lao động nữ mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi thì được hưởng mức hỗ trợ tối đa.

3. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ một lần. Các đối tượng F0, F1 đang điều trị bệnh, bị cách ly, phong tỏa tại địa phương nào thì địa phương đó lập danh sách và thực hiện việc chi hỗ trợ. Công đoàn các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm thông tin, phối hợp để thực hiện đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

4. Tiêu chí cụ thể về hoàn cảnh khó khăn hoặc trường hợp đặc biệt của các đối tượng nêu tại khoản 4, 5, 6 Điều 1 do ban thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ vào tình hình thực tế đời sống đoàn viên, người lao động, diễn biến dịch trên địa bàn và khả năng cân đối tài chính công đoàn của đơn vị để quy định và hướng dẫn thực hiện.

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí để chi hỗ trợ theo Quyết định này (không bao gồm nội dung Khoản 2 Điều 2) được cân đối trong dự toán thu, chi tài chính công đoàn năm 2021 tại các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (bao gồm cả nguồn kinh phí dự phòng năm 2021) và nguồn xã hội hóa. Trường hợp các đơn vị không tự cân đối được nguồn thu, chi theo dự toán được giao năm 2021, phải sử dụng tài chính công đoàn tích lũy của đơn vị hoặc đề nghị Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ thì báo cáo Tổng Liên đoàn xem xét, quyết định.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Ban thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ vào tình hình thực tế đời sống đoàn viên, người lao động, diễn biến dịch trên địa bàn và khả năng cân đối tài chính công đoàn của đơn vị để xác định cụ thể đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mức chi, hình thức hỗ trợ (có thể quy đổi thành nhu yếu phẩm đối với người lao động trong khu vực bị phong tỏa). Việc thanh quyết toán đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

2. Ban Quan hệ Lao động phối hợp với Ban Tài chính Tổng Liên đoàn đôn đốc, hướng dẫn Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn triển khai và hướng dẫn cấp dưới triển khai thực hiện Quyết định này.

3. Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn hướng dẫn uỷ ban kiểm tra các cấp kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Quyết định này; tiến hành giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị.

4. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có các hành vi lợi dụng việc hỗ trợ theo Quyết định này để trục lợi. Nếu có hành vi vi phạm, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải bồi thường và xem xét xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các ban, Văn phòng Uỷ ban Kiểm tra, Văn phòng Tổng Liên đoàn, các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn; Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:

- Như Điều 5;
- Ban Dân vận TW (b/c);
- VPTW, VPCP;
- Bộ Tài chính;
- Thường trực ĐCT TLĐ ;
- Các Ban, VP, VPUBKT TLĐ;
- Các đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu: VT, TC, QHLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Phan Văn Anh