Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 261/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 01 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH NĂM 2021

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 - 2021;

Căn cứ Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động trên cạn;

Căn cứ Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y;

Căn cứ Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;

Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động trên cạn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 289/TTr-SNN ngày 26 tháng 01 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quyết định này theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Công Thương, Giao thông Vận tải, Quản lý thị trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Thú y;
- TT:TU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP, CVK;
- Lưu: VT, VP UBND tỉnh
04KT_V NAM_QĐUB

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Chiến

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH NĂM 2021
(Kèm theo Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời khống chế, ngăn chặn các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh. Góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống.

- Triển khai các biện pháp phòng bệnh: tiêm phòng vắc xin, tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật; kiểm soát ấp nở gia cầm; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng.

- Duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh:

Vùng an toàn dịch bệnh về cúm gia cầm và niu-cát-xơn tại huyện Dương Minh Châu.

03 xã: Long Khánh, Long Phước, Long Giang thuộc huyện Bến Cầu đạt cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng.

- Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh:

03 xã: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh và Phước Trạch thuộc huyện Gò Dầu đạt an toàn dịch bệnh về cúm gia cầm và niu-cát-xơn.

03 xã: Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận thuộc huyện Bến Cầu đạt cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng.

- Tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh đã xây dựng; tổ chức xây dựng mới các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh khi có nhu cầu của người chăn nuôi.

II. NỘI DUNG

1. Công tác tiêm phòng

- Tổ chức 02 đợt tiêm phòng chính trong năm.

- Đối tượng tiêm phòng: trâu, bò, heo, dê, gà, vịt, ngan, cút, chó trong diện tiêm phòng.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng (bao gồm tiền mua vắc xin và tiền công tiêm phòng):

Vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM): 53.600 liều.

Vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm: 1.200.000 liều.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin, hỗ trợ tiền xăng đi tiêm phòng:

Vắc xin phòng bệnh niu-cát-xơn: 571.000 liều.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin (chủ hộ tự lo tiền công tiêm phòng):

Vắc xin lở mồm long móng trên heo, dê: 5.000 liều.

Vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò (THT) trâu, bò: 35.000 liều.

Vắc xin phòng bệnh tai xanh: 4.100 liều.

Vắc xin phòng bệnh dại chó: 4.000 liều.

2. Giám sát dịch bệnh

a) Giám sát chủ động

- Giám sát sự lưu hành vi rút:

Cúm gia cầm và niu-cát-xơn: lấy mẫu swab 420 mẫu đơn (84 mẫu gộp) tại huyện Dương Minh Châu để duy trì vùng an toàn dịch bệnh đã xây dựng và 03 xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh và Phước Trạch thuộc huyện Gò Dầu xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Heo tai xanh: 20 mẫu.

Thủy sản: 28 mẫu thủy sản, 04 mẫu môi trường.

LMLM: 180 mẫu huyết thanh trâu, bò đánh giá tỷ lệ nhiễm vi rút LMLM thực địa và 90 mẫu phát hiện kháng thể lao bò.

Giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm, niu-cát-xơn tại cơ sở an toàn dịch bệnh: chủ cơ sở tự lo kinh phí.

Giám sát chủ động sự lưu hành vi rút cúm gia cầm theo Chương trình quốc gia: Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.

- Giám sát sau tiêm phòng:

Lấy 642 mẫu huyết thanh sau tiêm phòng cúm và 196 mẫu huyết thanh sau tiêm phòng niu-cát-xơn.

Lấy 80 mẫu huyết thanh sau tiêm phòng LMLM.

b) Giám sát bị động

- Khi có dịch bệnh xảy ra:

Giám sát phát hiện vi rút bệnh dịch tả heo Châu Phi: 10 mẫu.

Giám sát cúm gia cầm nhập lậu: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã biên giới xây dựng Kế hoạch giám sát cúm gia cầm trên gia cầm nhập lậu bị bắt giữ; kinh phí của huyện, thị xã bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát này.

Giám sát tại các ổ dịch.

3. Vệ sinh tiêu độc khử trùng

Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng hóa chất nhằm triệt tiêu đường truyền lây của mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Năm 2021, tổ chức 05 đợt tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán gia cầm sống ở nông thôn, cơ sở giết mổ và nơi công cộng, với tổng số thuốc sát trùng sử dụng: 12.500 lít.

4. Truyền thông

- Tổ chức 05 lớp tập huấn gồm các Kế hoạch: phòng chống bệnh cúm gia cầm; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn huyện Bến Cầu; thủy sản; phòng bệnh dại chó.

- Tuyên truyền 99 cuộc thông tin tuyên truyền về các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, thủy sản và biện pháp phòng chống bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn nhằm đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn.

- Thực hiện theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

- Từng bước xây dựng hệ thống và cấp mã nhận dạng cho các trang trại chăn nuôi, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc.

- Tăng cường hoạt động của các Chốt kiểm dịch động vật và Đội kiểm tra liên ngành.

6. Xử lý ổ dịch

Thực hiện theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

7. Xây dựng vùng, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh, quản lý chăn nuôi an toàn sinh học

- Thực hiện theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

- Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào cơ sở nhất là các cơ sở sản xuất con giống.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Tổng kinh phí thực hiện là 4.855.000.000 đồng (Bốn tỷ tám trăm năm mươi lăm triệu đồng), bao gồm các nội dung sau:

Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 1.996.000.000 đồng.

Kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 1.100.000.000 đồng.

Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 1.000.000.000 đồng.

Kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 328.000.000 đồng;

Kế hoạch phòng, chống bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 140.000.000 đồng.

Kế hoạch phòng, chống bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 49.000.000 đồng.

Kế hoạch phòng, chống bệnh tụ huyết trùng trâu bò trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 112.000.000 đồng.

Kế hoạch phòng, chống bệnh dại và bắt chó chạy rông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2021 với kinh phí 130.000.000 đồng.

- Ngân sách tỉnh đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như: tiêm phòng (mua vắc xin, công tiêm phòng...), lấy mẫu giám sát, chi phí xét nghiệm, tiêu độc sát trùng, truyền thông, tập huấn; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Ngân sách huyện chủ động sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra như: hỗ trợ tiêu hủy, hỗ trợ cán bộ thú y, người tham gia chống dịch, kinh phí xử lý ổ dịch...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn quản lý; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động, phòng, chống dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xử lý ổ dịch, tổ chức giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, thực hiện công tác thú y, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường.

- Rà soát, thống kê đàn vật nuôi của địa phương làm cơ sở phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Vận động người dân chuyển đổi chăn nuôi thả rông gia súc, gia cầm sang chăn nuôi có kiểm soát, có chuồng trại, để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc giám sát và phòng, chống các bệnh động vật lây sang người theo quy định.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh... tổ chức phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021.

4. Các Sở, ban, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức, triển khai công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2021./.