THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2622/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại tờ trình số 6158/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia.
2. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững phù hợp với các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ các hoạt động “nâu” sang “xanh”, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp phi khai khoáng, đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác than được sạch hơn và bền vững hơn.
3. Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nội lực là chính kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh, tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa độc đáo và đa dạng của Quảng Ninh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
4. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo phát triển và công bằng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực nông thôn với thành thị và giữa các địa phương trong tỉnh.
5. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, nắm bắt các điều kiện thuận lợi, khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực; bảo đảm đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đảm bảo giữ gìn và bảo vệ môi trường bền vững. Giữ gìn và phát huy tốt bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và những khác biệt, đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long; phấn đấu trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 12% - 13%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,5% - 10,5%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14% - 15%/năm; giai đoạn 2020 - 2030 đạt khoảng 6,7%/năm.
- Cơ cấu GDP năm 2015, dịch vụ chiếm 45,0% - 45,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 49,0% - 49,5%; nông nghiệp chiếm 5,0% - 5,5%. Năm 2020 dịch vụ chiếm 51% - 52%; công nghiệp và xây dựng chiếm 45% - 46%; nông nghiệp chiếm 3% - 4%. Đến năm 2030, dịch vụ chiếm khoảng 51%; công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 46%; nông nghiệp chiếm khoảng 3%.
- GDP bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2015 đạt 3.600 - 4.000 USD; năm 2020 đạt 8.000 - 8.500 USD; năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD.
- Phấn đấu đến năm 2020: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng từ 18 - 20%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11 - 12%/năm, nhập khẩu 10 - 11%/năm; tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân trên 10%/năm.
b) Về văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo:
- Tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,11%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 0,96%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia mới) giảm 1,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 0,7%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ thất nghiệp thành thị duy trì ở mức dưới 4,3%.
- Đến năm 2015: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong lực lượng lao động đạt 73%; tỷ lệ số xã có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đạt 100%; tỷ lệ người có bảo hiểm y tế đạt trên 80%; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,5; tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân đạt 2,2; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%.
- Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong lực lượng lao động đạt 89%; tỷ lệ người có bảo hiểm y tế đạt trên 90%; tỉ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 12,0; tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân đạt 2,5; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%.
- Huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 100% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, ở trung học cơ sở là 95%; 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề; 90% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và duy trì tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 là hơn 99,5%.
- Phấn đấu 100% giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông đạt chuẩn về trình độ đào tạo, 40% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 70% giáo viên cao đẳng và 100% giáo viên đại học các trường trực thuộc tỉnh đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Các cơ sở đào tạo nghề có đủ khả năng tiếp nhận 15% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt là chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học.
c) Về bảo vệ môi trường:
- Đến năm 2015: Thu gom 90% chất thải rắn ở đô thị; 100% các khu công nghiệp và các mỏ than, nhà máy, bệnh viện và các trung tâm du lịch có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 53,5%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%.
- Đến năm 2020: trên 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%/năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 55%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98%.
- Áp dụng hạn mức ô nhiễm không khí và nguồn nước đối với các khu du lịch và dân cư theo các tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn châu Âu).
d) Về xây dựng nông thôn mới
Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản là tỉnh đạt các tiêu chí về nông thôn mới, 60% các xã cơ bản đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới theo quy định; đến năm 2020 là 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; những xã còn lại sẽ đạt tiêu chuẩn nông thôn mới cho tiêu chí phát triển cơ sở hạ tầng và tỷ lệ nghèo đói.
đ) Về đảm bảo an ninh - quốc phòng
Xây dựng quốc phòng vững mạnh, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tạo bước chuyển biến rõ rệt về trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách chủ động tích cực.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển thương mại dịch vụ và du lịch
- Phát triển nhanh thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế nhất là với Trung Quốc, là một trong những đầu tàu kinh tế thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh phía Bắc và cả nước.
- Du lịch: Phát triển du lịch một cách toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, trên cơ sở các tài sản vốn có như các di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới, văn hóa riêng của tỉnh; bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa của Quảng Ninh, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại Vịnh Hạ Long; khu di tích danh thắng tại Yên Tử... Phấn đấu đến năm 2020, du lịch là một trong những nguồn tăng trưởng kinh tế chính của Quảng Ninh với lượng du khách đến Quảng Ninh đạt khoảng 10,5 triệu lượt người.
- Thương mại: Phát triển trên cơ sở tận dụng thế mạnh hiện có của tỉnh, tạo ra tác động tích cực tới hoạt động sản xuất và cung cấp thêm nhiều dịch vụ cho xã hội; có sự tham gia của nhiều ngành kinh tế để các ngành phát huy và bổ trợ lẫn nhau; phát triển theo định hướng đô thị hóa bằng cách dần dần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và củng cố hệ thống phúc lợi xã hội tổng thể.
Chú trọng phát triển hoạt động xuất khẩu kết hợp với phát triển thị trường nội địa tại các khu vực nông thôn, đô thị, miền núi và hải đảo. Đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại để nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển dịch vụ kho vận; phấn đấu đến năm 2020, ngành vận tải và kho vận đóng góp vào GDP lên 11 - 12%.
Thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện và hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính, tín dụng theo đẳng cấp quốc tế, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ tài chính vào GDP tỉnh lên 6 - 7% đến năm 2020.
2. Phát triển công nghiệp, xây dựng:
- Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn tới; phấn đấu đến năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 14%/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp lắp ráp và kiểm thử thiết bị điện tử (EMS), chế biến thực phẩm quy mô lớn kết hợp với phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm.
- Khai thác than bền vững, đảm bảo hoạt động khai thác phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch và chất lượng sống. Tập trung nghiên cứu công nghệ khai thác tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, tận thu tối đa nguồn tài nguyên, cải thiện điều kiện cho người lao động; chú trọng giải quyết môi trường. Phấn đấu tăng trưởng giá trị gia tăng ngành than là 3,5%/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 3,1%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.
- Đảm bảo cung cấp điện bền vững, ổn định và thân thiện với môi trường tới tất cả các hộ gia đình vào năm 2015 để giảm thiểu mức độ lãng phí điện. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành điện tăng trưởng với tốc độ 25,3%/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và 22,1%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.
- Tiếp tục duy trì phát triển các tiểu ngành như: Khai thác khoáng sản phi kim loại (vật liệu xây dựng); gốm sứ và hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt để hỗ trợ ngành du lịch; ngành sản xuất vật liệu xây dựng và ngành cơ khí. Tỷ lệ tăng trưởng ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở mức 10%/năm tới năm 2020.
3. Phát triển nông nghiệp:
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ hỗ trợ cho ngành du lịch thông qua các mặt hàng nông sản, ẩm thực... đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Từng bước hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao. Xây dựng các cơ sở cung cấp giống cây trồng, vật nuôi nhằm chủ động trong việc cung cấp các loại giống chất lượng tốt, tạo ra sản phẩm có giá trị cao trong ngành. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao đồng thời duy trì một tỉ lệ thích hợp các cây lương thực, đặc biệt là cây lúa, để đảm bảo an ninh lương thực. Phấn đấu đến năm 2020 tăng trưởng ngành trồng trọt khoảng 8%/năm, duy trì từ 20.000 đến 25.000 ha đất trồng lúa (19.000 ha là đất lúa 2 vụ), tăng diện tích đất gieo trồng từ 70.400 ha lên 80.000 ha, chuẩn hóa kỹ thuật trồng lúa để tăng năng suất thêm 1,3 tấn/ha.
- Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa để đưa ngành chăn nuôi (lợn và gia cầm) trở thành một động lực tăng trưởng, chiếm tỷ trọng cao hơn trong ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, phát triển đàn lợn đạt 1,7 triệu con/năm trên cơ sở phát triển khu chăn nuôi tổng hợp tại Hải Hà.
- Hình thành 2 vùng sản xuất lâm nghiệp: Vùng cây nguyên liệu gỗ cho chế biến phục vụ xuất khẩu, cung cấp gỗ mỏ cho ngành than, gỗ xây dựng; vùng cây lâm nghiệp đặc sản phục vụ xuất khẩu (quế, hồi, thông nhựa). Phấn đấu đến năm 2020, độ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt khoảng 55%. Kết hợp giữa phát triển kinh tế rừng với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
- Phát triển ngành thủy sản toàn diện và bền vững trên tất cả các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến, nhất là công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu đối với những mặt hàng chất lượng cao. Đảm bảo bảo vệ môi trường vùng biển và ven biển, đặc biệt là môi trường cho các hoạt động du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, tăng sản lượng đánh bắt thêm 60.000 tấn, giá trị gia tăng từ nuôi trồng thủy sản gấp 4 lần, tiếp tục phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ven bờ khoảng 18.400 ha.
4. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
a) Giáo dục và đào tạo:
- Tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao, kêu gọi đầu tư xây dựng trường đại học đa ngành Hạ Long thành trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng trường đại học quốc tế tại khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu cho các khu vực lân cận. Hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín trong và ngoài nước trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh như phát triển kinh tế xanh, kinh tế biển và dịch vụ để nâng cao chất lượng giáo viên và chương trình học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ giảng dạy ở tất cả các cấp học, ngành học, nhất là học ngoại ngữ và tự học.
- Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu về nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dạy nghề theo nhu cầu thị trường; chú trọng dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ phát triển giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách để từng bước bảo đảm công bằng trong giáo dục.
b) Y tế
- Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào y tế, nghiên cứu xây dựng bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế ở Hạ Long, Vân Đồn và Móng Cái, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm; thành lập các khu vực bảo tồn và sản xuất các loại cây thuốc có giá trị ở Ba Chẽ, Bình Liêu, Đông Triều, Hoành Bồ và vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử; xây dựng các bệnh viện chuyên khoa mới bao gồm một bệnh viện lão khoa kết hợp với một viện dưỡng lão ở Hạ Long, một bệnh viện mắt; xây dựng các bệnh viện mới cho các xã đảo; phấn đấu đến năm 2015, 100% các trạm y tế xã được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt tiêu chí Quốc gia.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực phòng bệnh, khám bệnh và sản xuất thuốc để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các cơ quan cứu trợ khác để nâng cao kết quả chăm sóc bà mẹ và trẻ em, chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu; tiếp tục nghiên cứu áp dụng các ý tưởng sáng tạo để thực hiện dịch vụ y tế trên quy mô lớn với chi phí thấp, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa.
- Phát triển mạng lưới y tế dự phòng và kiểm soát dịch, bệnh tật; tăng cường y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện để chăm sóc tốt sức khỏe của người dân nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số....
c) Văn hóa, thể thao và thông tin truyền thông
- Về văn hóa: Nghiên cứu số hóa tất cả các văn bản có giá trị trong thư viện; phấn đấu hoàn thành các công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch gồm: Thư viện - Bảo tàng Quảng Ninh, Trung tâm tổ chức Hội chợ và Cung triển lãm quy hoạch tỉnh, Bảo tàng sinh thái Hạ Long, Cung văn hóa thiếu nhi, Công viên hoa Hạ Long, cụm công trình Văn hóa núi Bài Thơ....
Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy có hiệu quả văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn; tăng cường quản lý nhà nước, tạo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Coi trọng phát triển ngành công nghiệp giải trí trên cơ sở phát triển các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng, tiêu biểu nhằm phục vụ nhân dân nhất là khách du lịch.
- Về thể thao: Tiếp tục tập trung nguồn lực vào các môn thể thao thế mạnh của tỉnh. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho những khu phức hợp thể thao lớn với hệ thống trang thiết bị thi đấu và luyện tập đồng bộ; trang bị cơ bản cho những huyện còn khó khăn; tiếp tục xây dựng Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để phục vụ không chỉ nhu cầu của tỉnh mà cả vùng Đông Bắc Việt Nam. Xây dựng mới Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao để thực hiện mục tiêu đào tạo vận động viên thi đấu thể thao thành tích cao của tỉnh.
- Phấn đấu tỉnh đứng trong tốp 15 trong các Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc; đến năm 2015, 100% các trường trong tỉnh được triển khai chương trình giáo dục thể chất toàn diện.
d) Thông tin truyền thông:
- Phát triển hạ tầng truyền thông, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ internet công cộng, rút ngắn khoảng cách về công nghệ số; tăng cường các dịch vụ chính quyền điện tử, thành lập các “trung tâm công nghệ” cung cấp dịch vụ internet cộng đồng với chi phí thấp; nghiên cứu áp dụng công nghệ không dây mới như WiMax, công nghệ truyền thông quang qua không gian; nâng cao nhận thức và năng lực của các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng mạng internet.
- Phấn đấu đến năm 2014, hoàn thiện hạ tầng và các cấu phần lõi của dịch vụ chính quyền điện tử; xây dựng Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh và 6 trung tâm cấp huyện cho 4 thành phố là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên; sau năm 2014 phấn đấu các thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, dần dần nâng tiêu chuẩn dịch vụ lên cấp 4.
- Xây dựng Đài phát thanh truyền hình tỉnh hiện đại, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ đồng bộ và tháp truyền hình để nơi này là trung tâm sản xuất phát thanh truyền hình. Trong giai đoạn từ 2015 - 2020 sẽ từng bước số hóa truyền hình trên toàn tỉnh theo quy hoạch về số hóa truyền hình toàn quốc; xây dựng tòa soạn Báo theo hướng báo điện tử, hội tụ công nghệ, tích hợp nhiều loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in...); đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới toàn diện của Báo; tăng cường phát hành báo in đến các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng
a) Hạ tầng giao thông:
- Đường bộ: Đầu tư xây dựng các tuyến đường huyết mạch để kết nối nội tỉnh cũng như với các địa phương khác trong cả nước và quốc tế phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực trong từng giai đoạn gồm: Đường nối Hạ Long với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là đường Hạ Long - Hải Phòng); đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; nâng cấp Đường Quốc lộ 18; xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; nâng cấp đường quốc lộ 4B, xây dựng cầu Vân Tiên nối Vân Đồn với Tiên Yên, các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Vân Nam Trung Quốc.
Hoàn thành tuyến đường từ khu công nghiệp Việt Hưng đến cảng Cái Lân; nâng cấp mạng lưới tỉnh lộ để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trong đó tập trung ưu tiên phát triển tuyến nối Hòn Gai, Bãi Cháy và Tuần Châu; tuyến nối Hạ Long với Yên Tử với Cửa Ông - Cẩm Phả, nối dài tới Đông Triều để trở thành “Tuyến đường lịch sử” nhằm khai thác hệ thống di tích lịch sử từ thời nhà Trần.
- Đường sắt: Trong giai đoạn đến năm 2020, ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Cái Lân, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Uông Bí - Lạch Huyện và Lạng Sơn - Mũi Chùa vào giai đoạn đến năm 2030.
- Cảng: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển tại cảng Cái Lân đồng thời quản lý các tác động về mặt môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng hiện tại và nghiên cứu phát triển mở rộng đến năm 2020 phù hợp với yêu cầu thực tế; nghiên cứu đánh giá phương án chuyển đổi cảng Cẩm Phả thành cảng tổng hợp để tận dụng công suất dư thừa (do điều chỉnh hoạt động xuất khẩu than), nghiên cứu phát triển cảng nước sâu tại khu vực Hòn Nét, Con Ong; phát triển cảng Tiền Phong để kết nối khai thác hiệu quả cảng Lạch Huyện - Hải Phòng và phục vụ khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc khi có đủ điều kiện đồng thời tranh thủ cơ hội từ hoạt động thương mại và dịch vụ cảng biển của tổ hợp cảng Lạch Huyện - Tiền Phong; phát triển cảng Hải Hà khi các điều kiện về thị trường, quy mô sản xuất và các điều kiện kết nối thương mại được bảo đảm; phát triển cảng Hòn Gai thành cảng khách du lịch quốc tế.
- Đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn trong thời gian tới theo quy hoạch và được tiếp tục mở rộng đến trước năm 2030.
b) Hạ tầng cấp điện:
- Đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định cho những khu vực chiến lược, bao gồm các khu công nghiệp và các điểm du lịch lớn. Nâng cấp khả năng tiếp cận lưới điện quốc gia cho hầu hết các khu vực của tỉnh nhằm nâng cao dịch vụ công cộng, cải thiện mức sống cho người dân vùng nông thôn. Triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Kế hoạch phát triển lưới điện quốc gia với 55 dự án cấp điện cho các thôn; tiếp tục thực hiện các kế hoạch mở rộng lưới điện quốc gia đang được triển khai tại các làng xã nông thôn trên các đảo ở Vân Đồn và Hải Hà.
c) Hạ tầng cấp nước:
- Ưu tiên đầu tư các dự án cấp nước cho các khu vực: Khu vực phía Đông Hạ Long thành phố Cẩm Phả; phía Tây Hạ Long - Hoành Bồ - Uông Bí; khu vực Đông Triều - Mạo Khê; cấp nước khu vực Móng Cái và cấp nước cho các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, đặc biệt khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc.
- Nghiên cứu lập kế hoạch đối với các dự án cấp nước sau đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng: Dự án nhà máy cấp nước gần sông Thái Bình; Dự án nhà máy cấp nước và làm hồ phía Đông thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông, Mông Dương và Vân Đồn; Dự án nhà máy cấp nước cho Hải Hà, Móng Cái và Trà Cổ; Dự án đập Lưỡng Kỳ để tăng công suất hiện tại của nhà máy nước Hoành Bồ hiện có; Dự án Nhà máy cấp nước thị xã Quảng Yên đặt tại phường Minh Thành; Dự án Nhà máy cấp nước khu vực đảo Hà Nam phục vụ 08 xã đảo Hà Nam và Khu công nghiệp dịch vụ tổng hợp - du lịch Đầm Nhà Mạc, dịch vụ thương mại cảng Tiền Phong.
6. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế
a) Khu công nghiệp:
Tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển 6 khu công nghiệp sau, đảm bảo phát triển các khu công nghiệp này thành những trung tâm sản xuất.
- Khu công nghiệp Cái Lân: Duy trì tỷ lệ lắp đầy 100%, thường xuyên nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo các nhà đầu tư thứ cấp tiếp tục thuê đất đầu tư tại khu công nghiệp này.
- Khu công nghiệp Việt Hưng: Xây dựng trở thành một khu công nghiệp sạch chuyên dụng với hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nhà ở phát triển đồng bộ; tập trung phát triển các ngành công nghiệp đột phá như ngành dịch vụ sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử (EMS), ngành sản xuất chế biến thực phẩm và nước uống để thu hút các tập đoàn sản xuất chế biến lớn trong và ngoài nước; đồng thời đảm bảo hoàn thiện đường giao thông kết nối đến Cảng Cái Lân để tăng tính cạnh tranh.
- Khu công nghiệp Hoành Bồ: Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp.
- Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc: Phát triển nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần và vận chuyển phục vụ nhu cầu dự kiến của tổ hợp cảng Tiền Phong - Lạch Huyện và khu công nghiệp Đình Vũ tại Hải Phòng; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.
- Khu công nghiệp Hải Yên: Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là trong các lĩnh vực đang có thế mạnh như sản xuất dệt may và may mặc.
- Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà: Phát triển đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nặng và sản xuất công nghệ cao.
- Các khu công nghiệp còn lại sẽ được phát triển theo thời gian và lộ trình thực tiễn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
b) Phát triển các khu kinh tế:
- Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái: Phát triển thành khu vực kinh tế cửa ngõ giữa Trung Quốc - ASEAN cho các hoạt động về thương mại, du lịch và sản xuất.
- Khu kinh tế Vân Đồn: Xây dựng phát triển trở thành khu kinh tế đặc biệt với bộ máy tổ chức hành chính phù hợp; là khu vực phát triển năng động, văn minh, hiện đại; là trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp cao cấp về tài chính, ngân hàng, viễn thông; là một cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo thế đan xen lợi ích góp phần bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
7. Bảo vệ môi trường
a) Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia về giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng sạch và xanh. Thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát và điều chỉnh các quy hoạch ngành hiện tại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi các hoạt động kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh” và giảm nhẹ các tác động đến môi trường.
- Tăng cường phòng tránh ô nhiễm, trước mắt tập trung giảm ô nhiễm không khí, nước và đất mà không giảm sản lượng công nghiệp, đầu tư phát triển hệ thống quan trắc tự động nhằm cải thiện công tác quan trắc, đánh giá số liệu và có biện pháp khắc phục khi cần thiết. Đến năm 2015, đảm bảo đạt tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam về chất lượng không khí và chất lượng nước.
- Giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường các biện pháp khắc phục, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Thay đổi phương pháp tưới tiêu kết hợp với hệ thống phân phối nước hiệu quả hơn để đảm bảo giảm thiểu thất thoát nước trong quá trình phân phối; điều chỉnh phương pháp canh tác để đạt hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp; áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả cấp nước sinh hoạt và công nghiệp nhằm giảm áp lực về nhu cầu sử dụng nước và bảo vệ môi trường nước.
b) Bảo tồn đa dạng sinh học: Thực hiện đầy đủ các nội dung của kế hoạch hành động đa dạng sinh học đã được phê duyệt;
c) Bảo vệ môi trường xuyên biên giới:
- Đầu tư xây dựng năng lực thể chế, chính sách và trang thiết bị tiên tiến trong cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa việc vận chuyển trái phép chất thải, du nhập sinh vật ngoại lai; thực hiện nghiêm các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Tăng cường công tác quan trắc với công nghệ cao, đánh giá các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới tại các khu vực cửa sông ven biển biên giới với Trung Quốc.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường xuyên biên giới.
- Xây dựng các thỏa thuận hợp tác và trao đổi khoa học, công nghệ về các vấn đề môi trường biên giới với Trung Quốc. Hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.
8. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng
Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững mạnh của vùng Đông Bắc tổ quốc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tiếp tục tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của địa phương. Phát triển kinh tế xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
IV. TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ - XÃ HỘI
Tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh Tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo định hướng này, Hạ Long là tâm, hai tuyến đa chiều là tuyến hành lang phía Tây và tuyến hành lang phía Đông, hai mũi đột phá là khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.
1. Vùng trung tâm (thành phố Hạ Long):
Phát triển thành phố Hạ Long thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh để xứng tầm là một trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế trong tương lai; trở thành một thành phố đô thị hiện đại trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Phát triển thành phố Hạ Long gắn liền với công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Không gian thành phố sẽ được phát triển mở rộng về phía Tây và phía Bắc, trong phía Tây là khu Bãi Cháy sẽ tập trung phát triển du lịch; phía Đông là khu Hòn Gai là trung tâm hành chính và thương mại.
2. Tuyến hành lang phía Tây: Phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến đường từ Hạ Long đi Hà Nội, Hải Phòng; phát triển các ngành công nghiệp xanh và du lịch tâm linh trên cơ sở truyền thống văn hóa và lịch sử của vùng, theo định hướng:
- Hiện đại hóa ngành khai thác than và sản xuất điện theo hướng sản xuất xanh, sạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ khai thác than như cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải.
- Đa dạng hóa ngành vật liệu xây dựng ở Đông Triều để sản xuất các sản phẩm có giá trị cạnh tranh như gạch lát, kính xây dựng; phát triển du lịch văn hóa và lịch sử ở Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều.
- Phát triển cụm công nghiệp ở Quảng Yên, tập trung vào sản xuất, sửa chữa tàu, các dịch vụ thương mại và kho vận cũng như chế biến hải sản gắn với các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Nghiên cứu xây dựng “Thành phố thông minh” tại Quảng Yên gồm các khu chức năng: Khu đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao và thân thiện với môi trường, khu mậu dịch tự do, các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao,... được triển khai theo lộ trình phát triển khu công nghiệp hiện đại - khu đô thị thông minh.
- Phát triển kinh tế lâm nghiệp tại Hoành Bồ và Ba Chẽ kết hợp du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, khai thác môi trường rừng, bản sắc văn hóa dân tộc và lợi thế gần các trung tâm du lịch Hạ Long và Vân Đồn. Hình thành vùng cung cấp thực phẩm tại Hoành Bồ, tham gia vào dây chuyền cung cấp rau, hoa cao cấp và các loại thị gia súc gia cầm. Nghiên cứu chuyển các hoạt động công nghiệp từ Hạ Long và Cẩm Phả đến Hoành Bồ và Ba Chẽ để tạo thêm không gian phát triển đô thị cho Hạ Long và Cẩm Phả.
3. Tuyến hành lang phía Đông: Tập trung phát triển hai Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái theo định hướng sau:
a) Khu kinh tế Vân Đồn:
- Dịch vụ, du lịch: Phát triển du lịch biển - đảo cao cấp gắn với công nghiệp giải trí tiên tiến, hiện đại có casino để tạo điều kiện thúc đẩy các ngành nghề và dịch vụ khác phát triển như: Mua sắm, thời trang, biểu diễn nghệ thuật, phim trường, mỹ thuật, thể thao và các khu vực giải trí hiện đại đặc thù khác; phát triển Trung tâm du thuyền và dịch vụ cảng du lịch. Phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, trung tâm dịch vụ cao cấp về tài chính, ngân hàng, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông quốc tế.
- Công nghiệp: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, truyền thông, điện tử,...) hướng vào phục vụ phát triển du lịch, công nghiệp giải trí và xuất khẩu.
- Nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao hướng vào phục vụ nhu cầu dịch vụ du lịch; đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển tài nguyên rừng bền vững gắn với du lịch; xây dựng và phát triển đội tàu đánh bắt phù hợp, kết hợp phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh bảo vệ quyền và chủ quyền trên biển.
b) Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái:
- Dịch vụ du lịch: Phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ đối tượng du khách qua cửa khẩu với Trung Quốc như khu vui chơi giải trí, ẩm thực, trung tâm mua bán...; đầu tư các điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của gia đình để khai thác du khách Trung Quốc từ các khu vực gần biên giới.
- Dịch vụ thương mại: Phát triển theo hướng dịch vụ vận tải và kho vận để phấn đấu trở thành một trong những trung tâm thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc.
- Công nghiệp, sản xuất: Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn trong ngành dệt may thời trang để lấp đầy khu công nghiệp Hải Yên; nghiên cứu phát triển khu nuôi lợn và chế biến thịt lợn tổng hợp có quy mô lớn.
c) Các huyện thị khác:
- Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường của ngành khai thác khoáng sản, đảm bảo cho phát triển bền vững.
- Phát triển lâm nghiệp bền vững, chế biến gỗ theo phương thức tạo giá trị gia tăng, chuyển đổi cây trồng ngắn ngày giá trị thấp sang các cây lâu năm giá trị cao hơn; nghiên cứu phương án chuyển sang sản xuất các mặt hàng giá trị cao như sản xuất đồ gia dụng từ nguồn nguyên liệu lâm nghiệp phục vụ xuất khẩu và phục vụ cho du khách.
- Nông nghiệp: ứng dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại trong sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm hữu cơ và đặc sản có chứng chỉ, thương hiệu; phát triển trồng trọt và chăn nuôi gắn với chế biến sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn tại Hải Hà.
- Thương mại, dịch vụ du lịch: Phát triển hoạt động biên mậu, đặc biệt với hàng tiêu dùng và nông sản tại các khu vực cửa khẩu Bình Liêu và Hải Hà; phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại Bình Liêu trên cơ sở khai thác cảnh quan độc đáo của Bình Liêu với khí hậu ôn hòa, địa hình rừng đồi để phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch và khu nghỉ dưỡng độc đáo; xem xét phát triển hình thức du lịch văn hóa với những giai điệu dân gian, các lễ hội truyền thống.
- Phát triển kinh tế biển bền vững; tập trung tại các vùng biển đảo của tỉnh, đặc biệt tại huyện đảo Cô Tô theo hướng tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm: Đánh bắt cá chất lượng cao, xa bờ; dịch vụ hậu cần, cung cấp nhiên liệu và nhu yếu phẩm, khai thác các đảo và vùng nước nguyên sơ để phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
4. Phát triển mạng lưới đô thị:
- Giai đoạn đến năm 2015: Nâng cấp thành phố Móng Cái lên đô thị loại II; phát triển mở rộng và kết nối đô thị Mạo Khê và Đông Triều của huyện Đông Triều đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; nâng cấp thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) nâng cấp lên đô thị loại IV, xây dựng Tiên Yên trở thành đô thị trung tâm tiểu vùng có chức năng tổng hợp, liên kết, hỗ trợ với các trung tâm vùng và là khu vực trung chuyển hàng hóa qua biên giới, dịch vụ hậu cần cho các khu kinh tế Móng Cái, Vân Đồn.
- Giai đoạn đến năm 2020: Nâng cấp thành phố Cẩm Phả lên đô thị loại II; các thị trấn Trới (Hoành Bồ), Cô Tô (huyện Cô Tô) nâng cấp lên đô thị loại IV.
Nghiên cứu nâng cấp thị trấn Quảng Hà (Hải Hà), thị trấn Đầm Hà, thị trấn Bình Liêu lên đô thị loại IV, đô thị Quảng Yên lên đô thị loại III, thành lập mới đô thị Hoành Mô (Bình Liêu) khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
Danh mục các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm được trình bày trong Phụ lục kèm theo.
VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về nguồn lực
a) Huy động các nguồn vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn đến năm 2020 dự kiến từ 580 - 600 nghìn tỷ đồng; để thu hút đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu này, cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau đây:
- Triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp nhằm huy động các nguồn vốn, trong đó nguồn nội lực là chủ yếu, các nguồn đầu tư trong nước đóng vai trò làm đòn bẩy tăng trưởng chính của tỉnh.
- Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA) dự kiến sẽ đáp ứng được 16,6% tổng nhu cầu vốn đầu tư chủ yếu dành cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu tư phù hợp để đảm bảo vốn cho các công trình, các dự án trọng điểm. Tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các chương trình phát triển và các cơ chế chính sách ưu đãi.
- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình v.v. tham gia đầu tư phát triển kinh tế. Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư, chú trọng huy động nguồn vốn từ khai thác quỹ đất. Phấn đấu các thành phần kinh tế trong nước đáp ứng 46,8% tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội.
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đáp ứng 36,6% tổng nhu cầu còn lại thông qua các biện pháp cải thiện năng lực các cơ quan xúc tiến đầu đầu tư; chủ động tìm hiểu, tiếp cận và giới thiệu các dự án đến nhà đầu tư tiềm năng, tích cực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Cải thiện môi trường đầu tư trước và sau khi cấp giấy phép; phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư FDI lên tối thiểu 60%.
b) Phát triển nguồn nhân lực:
- Phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho việc chuyển dịch cơ cấu việc làm từ các hoạt động nông nghiệp và khai thác khoáng sản sang các ngành dịch vụ và công nghiệp; trong giai đoạn đến năm 2020, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp và khai thác khoáng sản sẽ giảm từ khoảng 60% xuống còn xấp xỉ 40%, tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp tăng từ 15% lên khoảng 25% và tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ sẽ tăng từ 5% lên khoảng 20% trong tổng lực lượng lao động.
- Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế đang tăng trưởng, thực hiện thông qua thu hút lao động nhập cư và tăng cường đào tạo cho người lao động. Cụ thể:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp để thu hút lao động có tay nghề cho các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử, các ngành cần có tay nghề cao; thu hút lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ du lịch, thương mại và các ngành nghề không đòi hỏi tay nghề cao.
Đào tạo sinh viên mới ra trường và người lao động có kinh nghiệm thông qua các chương trình đào tạo nghề được hình thành từ các vị trí việc làm mới; đảm bảo sinh viên mới ra trường được trang bị những kỹ năng phù hợp để có thể làm việc ngay mà không cần đào tạo thêm nhiều; nâng cao tay nghề của đội ngũ lao động cho các công việc hiện tại thông qua tăng năng suất lao động và năng lực.
c) Về sử dụng đất:
Triển khai thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) trên nguyên tắc ưu tiên triển khai đất hiệu quả hơn theo mục đích sử dụng nhằm đảm bảo những dự án ưu tiên sẽ không bị chậm trễ. Coi trọng đánh giá hiệu quả sử dụng đất một cách thường xuyên, liên tục và kịp thời.
2. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, môi trường:
- Thu hút các ngành công nghiệp và công đoạn sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ sạch, năng suất cao như: Đầu tư vào các nhà máy lắp ráp và đóng gói hàng điện tử quy mô lớn, mở rộng ngành chế biến thực phẩm, sản xuất nhiệt điện và khai thác than bằng công nghệ sạch.
- Tăng năng suất và hiệu quả của các hoạt động kinh tế xã hội hiện tại theo hướng phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng và cải tiến khoa học công nghệ thay vì tăng lao động cơ học, vốn và tài nguyên thiên nhiên; áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại có thể tăng sản lượng nông nghiệp thay vì tăng lực lượng lao động hay diện tích canh tác; công nghệ internet có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và kết nối hiệu quả với khách hàng; giải pháp chính quyền điện tử sẽ nâng cao hiệu quả của chính quyền nhờ giảm bớt thời gian trình nộp và xử lý hồ sơ.
- Cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và nâng cao mức sống với chi phí thấp: Áp dụng giải pháp dựa trên công nghệ như các trạm y tế di động, tổng đài y tế và các lớp học điện tử để cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục cho người dân với chi phí hoạt động thấp hơn, đồng thời phục vụ được nhiều nhóm dân cư, kể cả tại vùng sâu vùng xa, chỉ cần nơi đó có internet hay điện thoại với sự hỗ trợ bằng các dịch vụ y tế giáo dục trực tiếp chất lượng cao.
- Bảo vệ môi trường hiệu quả hơn: ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong các quá trình sản xuất kinh doanh nhằm giảm thiểu được tác động tiêu cực lên môi trường như: Vận tải than bằng băng chuyền kín để ngăn chặn bụi, áp dụng kỹ thuật đốt than hiệu quả cao trong các nhà máy nhiệt điện để cắt giảm lượng khí thải...
3. Giải pháp về hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế:
Tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng, trong cả nước và quốc tế là một ưu tiên quan trọng để khai thác các lợi thế cạnh tranh của tỉnh và mở rộng thị trường cũng như thu hút đầu tư, nguồn nhân lực.
a) Hợp tác vùng và quốc gia:
- Hợp tác với Hải Phòng: ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng như: Nâng cấp đường bộ từ Hạ Long đi trung tâm Hải Phòng và sân bay Cát Bi; phát triển khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc ở thị xã Quảng Yên gắn với cảng Lạch Huyện và khu công nghiệp Đình Vũ của Hải Phòng; liên kết phát triển cảng Tiền Phong và cảng Lạch Huyện trong các lĩnh vực cung cấp phương tiện vận tải, kho vận, đóng gói và lưu giữ hàng hóa. Phát triển các tour du lịch kết hợp quần thể Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, đảo Cát Bà.
- Hợp tác với Hà Nội: Để thu hút đầu tư và lao động tay nghề cao; phát triển giáo dục, đào tạo, kinh tế, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; nâng cấp quốc lộ 18 đi Hà Nội và sân bay Nội Bài để thu hút du lịch, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch; nâng cấp đường sắt từ Cái Lân đi Yên Viên. Phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ bao gồm Hà Nội, Nhà Trần (Đông Triều), Yên Tử, Vịnh Hạ Long, Cửa Ông (Cẩm Phả) và Vịnh Bái Tử Long.
- Hợp tác với các địa phương lân cận và các vùng trong cả nước trong lĩnh vực: Tạo việc làm và cung cấp dịch vụ đào tạo nhân lực cho lao động; cung cấp dịch vụ cảng biển cho các tỉnh lân cận ở vùng đông bắc Việt Nam như Lạng Sơn, Bắc Giang; đảm bảo, cung cấp dịch vụ thương mại quốc tế kết nối các địa phương khác trong cả nước với Trung Quốc qua Móng Cái.
b) Hợp tác quốc tế:
Phát huy các quan hệ vốn có giữa tỉnh Quảng Ninh với Trung Quốc, Hàn Quốc; mở rộng hợp tác với những đối tác khác như: Hong Kong, Macau, Trùng Khánh (Trung Quốc), các địa phương thuộc diễn đàn Du lịch Đông Bắc Á; các đối tác truyền thống thuộc Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á; các tỉnh, thành phố ở châu Âu, châu Mỹ có điều kiện tương đồng với tỉnh Quảng Ninh.
VII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, Tỉnh cần tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh. Căn cứ nội dung của Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và giám sát, kiểm tra đạt kết quả.
2. Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện và có đánh giá kết quả đạt được. Trên cơ sở đó tiến hành rà soát lại Quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ. Nghiên cứu, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; các địa phương và các quy hoạch chi tiết, xây dựng các kế hoạch để thực hiện quy hoạch đạt kết quả và hiệu quả cao. Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
3. Công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch cần được đổi mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bố trí bộ máy lãnh đạo tâm huyết, cán bộ đủ năng lực với cơ chế quản lý mạnh và độc lập để triển khai thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là định hướng cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác), các dự án đầu tư trên địa bàn của Tỉnh theo quy định.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong quy hoạch này, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực Hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực trong Tỉnh để đảm bảo sự phát triển toàn diện và đồng bộ.
2. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và luật pháp của nhà nước trong từng thời kỳ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
3. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể ưu tiên để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp.
Điều 4. Giao các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
2. Phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; trong việc nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn; hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch. Đẩy nhanh đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất Vùng và có vai trò quan trọng, động lực đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh đã được quyết định đầu tư.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 269/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | TÊN DỰ ÁN |
A | CÁC DỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN |
1 | Đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long |
2 | Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái |
3 | Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân |
4 | Mở rộng Quốc lộ 4B |
5 | Cầu Vân Tiên |
6 | Sân bay Vân Đồn |
7 | Hệ thống cảng biển: Tiền Phong, Cái Lân, Hải Hà, Hòn Gai |
8 | Kè sông, suối biên giới; hệ thống đê biển; hồ chứa nước trên các xã đảo |
9 | Hạ tầng các Khu kinh tế cửa khẩu; khu kinh tế ven biển |
10 | Trung tâm thể thao Vùng Đông Bắc tại Thành phố Hạ Long |
11 | Dự án di đời, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long |
B | CÁC DỰ ÁN DO TỈNH QUẢN LÝ |
1 | Các tuyến đường nối từ đường cao tốc đến Trung tâm các huyện, thị xã, thành phố |
2 | Các tuyến đường nối từ đường cao tốc đến các Khu kinh tế, Khu công nghiệp và hệ thống cảng biển |
3 | Các tuyến đường giao thông liên huyện; hệ thống cảng sông và các bến cập tàu tại các các xã ven biển |
4 | Các dự án ODA về môi trường, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; y tế, giáo dục và môi trường |
5 | Xây dựng bệnh viện Quốc tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái; nâng cấp hệ thống Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh; bệnh viện tuyến huyện và xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế xã, phường |
6 | Các dự án: Trường đại học đa ngành Hạ Long; các trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh |
7 | Các dự án về lĩnh vực văn hóa, thể thao như: Bảo tàng, thư viện, Cung triển lãm các quy hoạch: Trung tâm thể thao của tỉnh |
8 | Các dự án hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi |
9 | Hệ thống cấp, thoát nước các khu đô thị, các khu kinh tế |
10 | Các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các Khu công nghiệp, khu kinh tế và hệ thống đường cao tốc |
11 | Các dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh |
C | CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ |
I | HẠ TẦNG |
1 | Đường Hạ Long - Hải Phòng có quy mô tương đương đường cao tốc |
2 | Nâng cấp Quốc lộ 18 từ Đông Triều đi thành phố Cẩm Phả (các đoạn còn lại) |
3 | Đường nối khu công nghiệp Việt Hưng với cảng Cái Lân |
4 | Cảng Cái Lân - mở rộng cảng |
5 | Khu phi thuế quan, khu công nghiệp sạch tại khu kinh tế Vân Đồn |
6 | Đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp: Việt Hưng, Hải Hà, Quán Triều, Đầm Nhà Mạc |
7 | Đầu tư xây dựng các sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại các địa bàn: Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái, Cô Tô |
II | DU LỊCH |
1 | Xây dựng hệ thống khách sạn 4-5 sao chuẩn quốc tế (7.500 phòng) và dự án tàu ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long (2.500 phòng) |
2 | Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, trong đó có hạng mục casino |
3 | Xây dựng một khu đi bộ ven biển tại Bãi Cháy |
4 | Dự án phát triển sản phẩm du lịch nâng cấp trải nghiệm tại làng chài trên Vịnh Hạ Long |
5 | Dự án xây dựng các khu du lịch hạng sang khép kín tại Vịnh Bái Tử Long (du thuyền; leo núi đá; nghỉ dưỡng; hội nghị, hội thảo...) |
6 | Khôi phục các mỏ than đã đóng cửa trở thành các địa điểm du lịch hấp dẫn (có thể biến thành bảo tàng ngành than, vườn bách thảo hay hồ nước) |
7 | Khu nghỉ dưỡng tổng hợp và hệ thống giải trí gia đình |
8 | Thành lập trường đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn |
9 | Xây dựng các dự án phát triển phi trường, thời trang, biểu diễn nghệ thuật trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long |
III | MÔI TRƯỜNG |
1 | Xây dựng các nhà máy thu gom/xử lý nước thải, rác thải, chất thải rắn tại các địa phương |
2 | Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường |
3 | Xây dựng hệ thống thu gom xử lý chất thải và nước thải tại các mỏ than |
4 | Dự án xử lý nước thải, chất thải tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế |
5 | Các dự án cải tạo và phục hồi môi trường tại bãi thải và các khu khai thác than |
6 | Các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trên Vịnh Hạ Long |
IV | THƯƠNG MẠI |
1 | Xây dựng các Trung tâm thương mại lớn tại các thành phố và thị xã |
2 | Khu thương mại ở Móng Cái, bao gồm một Trung tâm thương mại quốc tế |
V | CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO |
1 | Đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp: Việt Hưng, Hoành Bồ, Hải Yên, Cái Lân, Đầm Nhà Mạc và khu công nghiệp cảng biển Hải Hà |
2 | Sản xuất, lắp ráp và kiểm thử thiết bị điện tử (EMS) |
3 | Xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, đóng gói đối với các sản phẩm từ: Hải sản; thịt lợn... gắn với các khu nuôi trồng và chăn nuôi có quy mô công nghiệp |
4 | Các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ |
VI | NÔNG NGHIỆP |
1 | Dự án phát triển các khu chăn nuôi lợn xuất khẩu quy mô công nghiệp và chăn nuôi gia cầm tập trung |
2 | Dự án chuyển dịch mục đích sử dụng đất sang trồng các loại cây nông nghiệp gắn với chế biến sản phẩm |
3 | Dự án trồng các loại cây lâm nghiệp có giá trị tăng thêm cao như tếch, cây năng lượng,... |
4 | Dự án mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đảm bảo cung cấp sản phẩm cho các nhà máy chế biến đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững |
5 | Xây dựng các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại: Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà |
6 | Xây dựng trung tâm sản xuất và cung cấp giống thủy sản chất lượng cao tại Đầm Hà |
7 | Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ |
VII | GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ Y TẾ |
1 | Xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo quốc tế tại địa phương |
2 | Bệnh viện tư (theo tiêu chuẩn quốc tế) tại thành phố Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn. |
Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.
- 1 Quyết định 269/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 269/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 228/QĐ-TTg năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 13-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 199/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 2631/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 2341/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 2270/QĐ-TTg năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 28-KL/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 1959/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 8 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 9 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 1 Quyết định 269/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 1959/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 2270/QĐ-TTg năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 28-KL/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 2341/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 2631/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 199/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 228/QĐ-TTg năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Kết luận 13-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành