Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2640/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 06 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP VÀ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê về hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại;
Căn cứ Thông tư số 74/2003/TT-BNN ngày 04/7/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung mục III của Thông tư Liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê;
Thực hiện Công văn số 261/HTX ngày 20/5/2004 của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn nay là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp giấy chứng nhận trang trại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1144/SNN-HTX ngày 31/5/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Cục trưởng Cục thống kê, Cục trưởng Cục thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP VÀ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2640/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

Quy định này quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại (KTTT) cho hộ nông dân, công nhân viên Nhà nước và lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu, các hộ thành thị và cá nhân chuyên sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp các hoạt động dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (có hoặc không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh); hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp pháp trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và cá nhân thừa kế hợp pháp trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo điều kiện nêu tại Điều 3 của Quy định này.

Điều 2. Mục đích cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại

Việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại quan hệ giao dịch với các tổ chức có liên quan để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và được hưởng các chính sách của Nhà nước đối với trang trại.

Điều 3. Cơ sở pháp lý cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại

Gia đình, cá nhân thuộc các đối tượng cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại phải có đủ một trong hai điều kiện sau:

1. Có giá trị hàng hóa và dịch vụ bình quân một năm đạt 200 triệu đồng (hai trăm triệu) trở lên.

2. Có quy mô sản xuất:

a) Đối với trang trại trồng trọt (đất liền vùng, liền khoảnh):

- Trang trại trồng cây hàng năm: Có diện tích trang trại 03 ha trở lên;

- Trang trại trồng cây lâu năm: Có diện tích trang trại 05 ha trở lên;

- Trang trại trồng hồ tiêu: 0,5 ha trở lên;

- Trang trại lâm nghiệp: Có diện tích trang trại 10 ha trở lên.

b) Đối với trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm:

- Trang trại chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò…):

+ Chăn nuôi sinh sản, lấy sữa có thường xuyên 10 con trở lên;

+ Chăn nuôi lấy thịt có thường xuyên 50 con trở lên.

- Trang trại chăn nuôi gia súc (lợn, dê…):

+ Chăn nuôi sinh sản có thường xuyên 20 con trở lên đối với lợn và 100 con trở lên đối với dê, cừu và gia súc khác;

+ Chăn nuôi lấy thịt có thường xuyên 100 con trở lên đối với lợn (không kể lợn sữa), 200 con trở lên đối với dê cừu và gia súc khác.

- Trang trại chăn nuôi gia cầm: Có thường xuyên 2.000 con trở lên (không tính số đầu con dưới 07 ngày tuổi).

c) Đối với trang trại nuôi trồng thủy sản:

- Diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản có từ 02 ha trở lên. Riêng đối với nuôi tôm thịt theo kiểu công nghiệp (nuôi thâm canh có áp dụng công nghệ cao) thì mức tối thiểu là 01 ha diện tích mặt nước.

d) Đối với trang trại tổng hợp có nhiều loại sản phẩm kể cả dịch vụ và những trang trại sản xuất các loại sản phẩm có tính chất đặc thù như trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, nuôi ong, giống thủy sản và thủy đặc sản thì áp dụng khoản 1, Điều 3 của Quy định này.

3. Các trang trại phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng trọt của địa phương, tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, các quy định khác do Nhà nước ban hành và sản xuất các loại cây trồng vật nuôi theo danh mục cho phép của Nhà nước.

Chương II

HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KINH TẾ TRANG TRẠI

Điều 4. Đối với gia đình, cá nhân đã có doanh thu từ sản phẩm chính, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận KTTT được làm thành 02 bộ gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (theo mẫu 1).

2. Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ trang trại hoặc hợp đồng thuê đất, hợp đồng nhận khoán đất để sản xuất kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Đối với diện tích hộ đang sử dụng không có tranh chấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải làm đơn nêu rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và được UBND cấp xã nơi trang trại tổ chức hoạt động xác nhận.

3. Báo cáo tóm tắt về loại hình trang trại, quy mô, kết quả đầu tư và tình hình sản xuất, kinh doanh của trang trại có xác nhận của UBND xã, phường nơi trang trại đang hoạt động (mẫu 2).

Điều 5. Đối với gia đình, cá nhân đang trong quá trình kiến thiết cơ bản, chưa có doanh thu từ sản phẩm chính, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại được làm thành 02 bộ gồm:

1. Hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của Quy định này.

2. Báo cáo tóm tắt về loại hình trang trại, quy mô, kết quả đầu tư, tình hình sản xuất kinh doanh của trang trại, dự kiến giá trị sản lượng hàng hóa dịch vụ bình quân năm của trang trại (mẫu 2).

Điều 6. Đối với gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp pháp trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại được làm thành 02 bộ gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (mẫu 1).

2. Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đã cấp cho người chuyển nhượng.

3. Hợp đồng chuyển nhượng trang trại có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi trang trại đang hoạt động.

Điều 7. Đối với cá nhân được thừa kế hợp pháp toàn bộ trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận kinh tế trang trại được làm thành 02 bộ gồm:

1. Hồ sơ được nhận thừa kế theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 của Quy định này.

3. Giấy chứng nhận KTTT đã cấp cho chủ trang trại để thừa kế.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP VÀ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN KINH TẾ TRANG TRẠI

Điều 8. Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại

UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) là cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cấp và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Điều 9. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại

1. Để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chủ trang trại nộp hồ sơ tại phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế (đối với các huyện không có phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thuộc UBND cấp huyện nơi có trang trại.

2. Khi nhận được hồ sơ theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy định này, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế tổ chức thẩm định trên cơ sở lấy ý kiến các phòng có liên quan như: Phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Tài nguyên - Môi trường, phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, UBND xã, phường, thị trấn nơi trang trại hoạt động.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế cấp huyện trình UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho chủ trang trại.

4. Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ và văn bản đề nghị của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế, UBND cấp huyện phải cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo mẫu giấy chứng nhận thống nhất trên toàn tỉnh; nếu xét thấy không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, phải trả lời bằng văn bản cho chủ trang trại.

Điều 10. Thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại

1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế trên cơ sở theo dõi về tình hình kinh tế trang trại ở địa phương, hàng năm lập danh sách các trang trại có sự thay đổi quy mô sản xuất và giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ bình quân năm, lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định kinh tế trang trại cấp huyện, trình UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận KTTT trong các trường hợp sau:

- Trang trại chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Trang trại sản xuất kinh doanh không đúng theo quy trình sản xuất kinh doanh đã đăng ký ban đầu;

- Trang trại có quy mô sản xuất giảm xuống dưới mức quy định, hoặc trong 03 (ba) năm liền vẫn không đạt tiêu chuẩn quy định về giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân năm trong điều kiện sản xuất bình thường.

- Trang trại nằm trong vùng quy hoạch khác, chồng lấn sang vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiện hữu.

2. Quyết định thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại gửi chủ trang trại bị thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế; UBND xã, phường, thị trấn nơi chủ trang trại tổ chức sản xuất kinh doanh.

Điều 11. Kinh phí hỗ trợ công tác thẩm định, cấp và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại

Kinh phí phục vụ công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, in ấn giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo yêu cầu của chủ trang trại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại do ngân sách của UBND cấp huyện quy định tùy theo điều kiện thực tế của địa phương.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi tình hình cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, tham mưu đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện.

Điều 13. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tuyên truyền chủ trương cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thông qua việc niêm yết các văn bản liên quan tại UBND cấp xã, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế cấp huyện để các chủ trang trại biết và thực hiện. Báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hàng quý, sáu tháng và hàng năm về UBND tỉnh, thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN