Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2673/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 02 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN Y - DƯỢC CỔ TRUYỀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng năm 2003;

Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dược;

Căn cứ Quyết định số 3342/QH-UBND ngày 27/10/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc ban hành Đề án phát triển ngành Dược tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 175/TTr-SYT ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Sở Y tế tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển Y - Dược cổ truyền tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển Y - Dược cổ truyền tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 (có bản Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao cho Sở Y tế tỉnh Hà Giang phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, hội Doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Sèn Chỉn Ly

 

UBND TỈNH HÀ GIANG
SỞ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

Hà Giang, ngày 01 tháng 12 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN Y - DƯỢC CỔ TRUYỀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 10/6/2010 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt đề cương Quy hoạch phát triển ngành y tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2003 tỉnh Hà Giang.

Căn cứ Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020;

Thực hiện Công văn số 6910/BYT-YDCT ngày 27/10/2011 của Vụ Y Dược cổ truyền Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch phát triển y dược cổ truyền đến năm 2020;

Sở Y tế Hà Giang xây dựng Kế hoạch phát triển Y Dược cổ truyền đến năm 2020 của tỉnh như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ Y DƯỢC CỔ TRUYỀN GIAI ĐOẠN 2003 - 2010

A.1. Các giải pháp đã thực hiện

I. Tổ chức thực hiện chính sách quốc gia về Y Dược cổ truyền

Ngày 27/5/2004 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1486/QĐ-UB về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền (YDCT) đến năm 2010 tỉnh Hà Giang. Sau khi phê duyệt kế hoạch Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền.

II. Mục tiêu chính sách phát triển Y Dược cổ truyền của địa phương đến năm 2010

Thực hiện Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg ngày 03/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 765/QĐ-BYT ngày 22/3/2005 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về Y Dược cổ truyền đến năm 2010. Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về Y Dược cổ truyền giai đoạn 2003 - 2010 của tỉnh Hà Giang với các mục tiêu cụ thể, gồm:

1. Xây dựng và triển khai tốt Kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về YDCT của tỉnh giai đoạn 2004 - 2010. Nhằm kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT, kết hợp với y học hiện đại trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

2. Xây dựng Bệnh viện YDCT tỉnh, thành lập các khoa YDCT tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Phát triển công tác YDCT tại các trạm y tế xã trong tỉnh. Để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

3. Đảm bảo chỉ tiêu sử dụng thuốc YDCT tại bệnh viện YDCT tỉnh luôn đạt > 20%, tuyến huyện đạt 25% kế hoạch hàng năm.

III. Những giải pháp đã triển khai thực hiện

1. Giải pháp về tổ chức quản lý: Bố trí sắp xếp cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách ở tuyến tỉnh, huyện.

2. Giải pháp về nguồn nhân lực: Hàng năm đã tổ chức đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác YDCT từ tỉnh tới cơ sở.

3. Giải pháp phát triển dược liệu và thuốc YDCT: Thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, cấp phép cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện nuôi trồng, cung ứng, sản xuất dược liệu YDCT trên địa bàn tỉnh.

4. Giải pháp xã hội hóa: Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực YDCT. Khuyến khích cộng đồng phối hợp với ngành Y tế tích cực tham gia đóng góp vào sự kế thừa, bảo tồn và phát triển nền YDCT tại tỉnh nhà.

5. Giải pháp đảm bảo tài chính cho hoạt động YDCT: Huy động mọi nguồn lực, ngân sách của địa phương để phục vụ cho các hoạt động YDCT.

6. Giải pháp về đảm bảo và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh đã được thành lập theo Quyết định số 2582/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

- 90% Bệnh viện đa khoa tuyến huyện thành lập khoa YDCT, đảm bảo tốt công tác thu dung và điều trị bệnh nhân bằng phương pháp YDCT đơn thuần và kết hợp giữa YDCT và Y học hiện đại (YHHĐ). 181/195 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về YDCT.

A.2. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHỈ TIÊU

I. Về tổ chức

1. Tổ chức quản lý YDCT

1.1. Sở Y tế

- Hiện tại Sở Y tế chưa có phòng quản lý công tác YDCT, chỉ có 01 chuyên viên thực hiện công tác theo dõi các hoạt động về YDCT biên chế tại phòng Nghiệp vụ y.

1.2. Trung tâm y tế huyện, thành phố

- Tổng số Trung tâm y tế huyện, thành phố trong tỉnh là: 11 trung tâm.

- Tổng số cán bộ chuyên trách công tác YDCT: 01

- Tổng số cán bộ bán chuyên trách công tác YDCT: 10

2. Tổ chức mạng lưới khám chữa bệnh

+ Bệnh viện YDCT tỉnh: 01.

- Thành lập năm 2003.

- Số giường bệnh viện: 100; số giường thực hiện:100.

- Hạng Bệnh viện hiện nay: Hạng 2.

- Tổng số nhân lực của Bệnh viện: 91 cán bộ.

+ Tổng số bệnh viện YHHĐ trong tỉnh: 14.

+ Hoạt động YDCT tại trạm y tế xã.

- Tổng số trạm y tế xã, phường, thị trấn: 195 xã, phường, thị trấn.

+ Trong đó: Số có hoạt động KCB bằng YDCT: 181.

Số có vườn thuốc nam: 181.

* Tình hình đầu tư cho các cơ sở khám chữa bệnh bằng YDCT trong những năm thực hiện Chính sách.

- Từ khi triển khai Kế hoạch đến nay cùng với sự đầu tư phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, mạng lưới y tế cơ sở trong toàn tỉnh không ngừng được được phát triển. Công tác YDCT cũng từng bước được đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả.

- Bệnh viện YDCT tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cũng ngày càng hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu chăm khám chữa bệnh bằng phương pháp YDCT cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

3. Số người hành nghề YDCT tư nhân tại địa phương

- Sở Y tế đã hướng dẫn và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho những thầy thuốc YDCT có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định được tham gia hành nghề YDCT theo quy định hiện hành.

- Tổng số người hành nghề YDCT tại địa phương hiện nay là: 38 cơ sở.

4. Giường bệnh

100% số giường bệnh biên chế phục vụ cho công tác khám, điều trị bằng phương pháp YDCT thuộc bệnh viện YDCT tỉnh và các khoa YDCT bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân.

II. Kết quả khám chữa bệnh

- Công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện YDCT và Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh hàng năm luôn đạt > 90%. Tại bệnh viện Đa khoa tuyến huyện đạt > 80% và tuyến xã là > 20%.

- Tổng số lần khám bệnh chung từ năm 2003 - năm 2010 là: 670.770 lượt người; Trong đó: Khám bệnh bằng YDCT là: 149.190 lượt người;

- Tổng số người bệnh điều trị nội trú bằng YDCT đơn thuần là: 80.352 lượt người; điều trị ngoại trú là 111.474 lượt người.

III. Về nhân lực

1. Tình hình nhân lực của địa phương

- Tổng số cán bộ y tế toàn ngành là: 3.740 cán bộ trong đó ( Bác sỹ 490; Dược sỹ ĐH 38). Phân bổ cơ cấu cán bộ cho các tuyến, cụ thể: Tuyến tỉnh: 1.064 cán bộ (Bác sỹ 205; Dược sỹ 22); tuyến huyện: 1.775 cán bộ (Bác sỹ; 229; Dược sỹ 13), tuyến huyện bao gồm các đơn vị Bệnh viện, Trung tâm y tế, phòng khám ĐKKV, Trung tâm Dân số - KHHGĐ; tuyến xã 901 cán bộ (Bác sỹ 56);

- Trường Trung cấp Y tỉnh quản lý: 57 cán bộ (Bác sỹ 31; Dược sỹ 2);

- Phòng Y tế các huyện, thành phố quản lý: 11 bác sỹ;

- Có 1.998/2.047 thôn bản có nhân viên y tế hoạt động đạt 97,61%.

* Thực hiện chỉ tiêu cán bộ

- Trung bình có: 6,6 bác sỹ/10.000 dân và 0,52 dược sỹ/10.000 dân; bình quân: 6 cán bộ/trạm y tế, toàn tỉnh có 56/195 xã có bác sỹ công tác đạt: 28,71 % (bao gồm cả Trạm y tế + Phòng khám ĐKKV) và 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi công tác.

2. Về công tác đào tạo

- Năm 2003 toàn tỉnh chỉ có 125 cán bộ làm công tác YDCT, tỷ lệ y, bác sỹ chuyên khoa về YDCT thấp. Đến nay nhờ tập trung chú trọng công tác đào tạo nên đã có sự thay đổi rõ rệt. Số lượng bác sỹ chuyên ngành về YDCT ngày càng tăng, hiện nay toàn tỉnh có 01 BS chuyên khoa II, 04 BS chuyên khoa I và 10 Bs chuyên khoa định hướng YDCT.

- Ngoài ra từ năm 2008 thực hiện Đề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn đi luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh". Bệnh viện YDCT tỉnh đã được tiếp nhận nhiều lượt cán bộ của bệnh viện YDCT trung ương tới hỗ trợ. Song song với việc chuyển giao kỹ tuật, cán bộ tăng cường còn mở nhiều lớp tập huấn theo phương thức "cầm tay chỉ việc" cho cán bộ tại các khoa phòng tại bệnh viện YDCT tỉnh.

IV. Về công tác nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp YDCT với YHHĐ

Có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như điều tra phân loại và điều trị trẻ em khuyết tật tỉnh Hà Giang, ứng dụng kỹ thuật điện châm trong điều trị, khảo sát bảo tồn thuốc quý hiếm, xã hội hóa công tác y học cổ truyền dân tộc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và đề tài xây dựng mô hình xã điểm thực hiện chuẩn quốc gia y tế về YHCT tỉnh Hà Giang….Nhiều đề tài đã được đưa vào áp dụng và đem lại những thành công đáng kể trong công tác YDCT.

V. Công tác thanh kiểm tra

Sở Y tế đã kết hợp với các ban, ngành có liên quan, thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra các cơ sở hoạt động về YDCT trong tỉnh, nhắc nhở và xử lý nghiêm minh những cơ sở vi phạm hoạt động hành nghề YDCT.

VI. Công tác xã hội hóa

- Qua 7 năm thực hiện chủ trương, chính sách quốc gia về YDCT, ngành y tế Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống khám chữa bệnh YDCT được xây dựng từ tỉnh đến xã phường, cả trong và ngoài công lập. Bên cạnh đó công tác xã hội hóa được tỉnh triển khai theo tốt Nghị định 69/2008/NĐ-CP về tăng cường công tác xã hội hóa trong đó có lĩnh vực y tế, khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tăng cường đầu tư vào lĩnh vực y tế trong và ngoài công lập. Hiện nay toàn tỉnh đã có nhiều cơ sở y tế tư nhân góp phần tích cực trong công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp YDCT.

- Bệnh viện YDCT tỉnh có quy mô 100 giường bệnh, các khoa YDCT của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh huyện đều có 5 - 10 giường bệnh. Trên 90% trạm y tế xã có hoạt động YDCT. Các hội nghề nghiệp: Hội đông y - Hội châm cứu đều hoạt động tích cực và có hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay trên toàn tỉnh có 38 cơ sở hành nghề YDCT tư nhân.

- Bệnh viện YDCT tỉnh đã kêu gọi liên kết với các nhà đầu tư, nâng cấp nhà thuốc bệnh viện, đầu tư một số máy móc trang thiết bị phục vụ theo yêu cầu. Một số khoa YDCT của BVĐK tuyến huyện, thị xã lắp đặt thiết bị khám chữa bệnh YDCT.

VII. Công tác dược liệu thuốc thành phẩm YDCT

- Trong những năm qua việc phát triển dược liệu và thuốc thành phẩm YDCT cũng đã nỗ lực cố gắng. Năm 2008 tại bệnh viện YDCT tuyến tỉnh đã tổ chức xây dựng và trồng vườn thuốc nam mẫu tại bệnh viện.

- Bệnh viện YDCT tỉnh, khoa YDCT của bệnh viện YHHĐ luôn đảm bảo thường xuyên việc cung ứng đủ thuốc đông dược và các chế phẩm đông y phục vụ cho điều trị theo đúng kết quả đấu thầu và Chỉ thị số 05/2004/CT-BYT ngày 16/4/2004 của Bộ Y tế.

VIII. Mối quan hệ với hội nghề nghiệp

- Ngành y tế Hà Giang và Hội Đông y, Hội Châm cứu tỉnh có truyền thống phối kết hợp chặt chẽ trong mọi mặt công tác. Phó Giám đốc Sở Y tế đồng thời là Ủy viên Thường vụ - Phó Chủ tịch Hội Đông y, Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh. Phối kết hợp tốt và đặc biệt hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lương y, lương dược trong xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã.

- Đối với các tổ chức Hội nghề nghiệp khác như Hội Nông dân, Hội Sinh vật cảnh, Hội Làm vườn….Thường xuyên tổ chức giao lưu, học tập phổ biến kiến thức kinh nghiệm trong nuôi trồng và chế biến dược liệu, tuyên truyền sử dụng thuốc nam trong cộng đồng.

- Các cơ sở phòng Chẩn trị đã đảm bảo duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh, có tinh thần thái độ phục vụ người bệnh chu đáo, tận tình. Chấp hành nghiêm túc pháp lệnh hành nghề và các quy định chuyên môn của ngành đề ra.

- Sưu tầm được nhiều bài thuốc gia truyền có giá trị ứng dụng trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

A.3. Đánh giá chung

1. Ưu điểm

- Việc phát huy, phát triển nền YDCT dân tộc đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh hết sức chú trọng và quan tâm. Trong những năm qua, công tác YDCT của tỉnh thực sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới khám chữa bệnh bằng YDCT đã được củng cố, các cơ sở khám chữa bệnh đã được đầu tư và nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

- Trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác YDCT ngày càng được nâng cao, số người bệnh đến khám và điều trị bằng YDCT cũng đông hơn. Thuốc YDCT lưu hành trên thị trường ngày càng nhiều, chất lượng tốt hơn, công tác nghiên cứu ứng dụng YDCT và nghiên cứu kết hợp với y dược học hiện đại được quan tâm, nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng, đem lại nhiều lợi ích cho việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

- Hoạt động của Hội Đông y, Hội Châm cứu ngày càng được chú trọng và phát triển, cán bộ Hội đều được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên về các lĩnh vực khám và điều trị bệnh không dùng thuốc.

Có thể nói việc triển khai thực hiện Chính sách Quốc gia về YDCT của tỉnh Hà Giang đã thực sự đem lại nhiều thành công đáng khích lệ.

2. Tồn tại

- Sở Y tế chưa có cán bộ chuyên trách về công tác Y Dược cổ truyền.

- Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã còn thiếu cán bộ chuyên khoa làm công tác Y Dược cổ truyền.

- Công tác phát triển nuôi trồng và sản xuất dược liệu YDCT chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất và đầu tư cho công tác này còn rất ít.

- Ngân sách đầu tư cho công tác YDCT còn nhiều hạn chế.

3. Nguyên nhân

* Khách quan

- Hà Giang là một tỉnh nghèo, ngân sách dựa vào nguồn phân bổ của Trung ương là chính, hiện tại thu ngân sách chưa đủ chi, cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề nên chưa có điều kiện quan tâm đầu tư nhiều hơn cho ngành Y tế nói chung và khối YDCT nói riêng.

* Chủ quan

- Đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn YDCT thiếu nên công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp và việc xây dựng phong trào, thu dung điều trị người bệnh chưa đạt mức yêu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống của nền YDCT tỉnh nhà.

- Kinh phí mua sắm trang thiết bị cho công tác khám chữa bệnh không đủ cung cấp cho các cơ sở. Kinh phí chi trả cho giường bệnh hàng năm còn quá thấp.

- Thiếu trang thiết bị lâm sàng và cận lâm sàng về chuyên ngành YDCT từ tỉnh tới huyện, xã, phường, thị trấn.

4. Những bài học kinh nghiệm

- Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tác động tích cực đến công tác phát triển YDCT.

- Luôn coi việc thực hiện tốt công tác YDCT còn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

- Có sự phấn đấu trau dồi kiến thức, sự nhiệt tình và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ làm công tác YDCT từ tỉnh tới cơ sở.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN 2012 ĐẾN NĂM 2020

I. Mục tiêu chung

Tiếp tục đẩy mạnh một bước hoạt động YDCT cả bề rộng lẫn bề sâu. Củng cố hệ thống quản lý và hệ thống chuyên môn YDCT từ tỉnh đến tận xã, phường. Quản lý tốt hành nghề y tế tư nhân, phát huy hoạt động của Hội Đông y, Hội Châm cứu trong lĩnh vực YDCT. Huy động mọi nguồn lực sẵn có trong cộng đồng nhằm nâng cao tỷ lệ khám chữa bệnh bằng YDCT, góp phần tích cực và hiệu quả vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh theo Quyết định số 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Phát triển từng bước công tác nuôi trồng và sản xuất thuốc YDCT đảm bảo từ 10% đến 20% nhu cầu.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y Việt Nam trong tình hình mới.

2. Tăng cường sự phối hợp với Hội Đông y, Hội Châm cứu các cấp sưu tầm những bài thuốc hay, kế thừa phát huy, phát triển y dược học cổ truyền.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tích cực ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh YDCT.

4. Thành lập phòng Quản lý Y Dược cổ truyền tại Sở Y tế.

5. 11/11 Trung tâm y tế huyện (thành phố) có Bác sỹ YHCT chuyên trách chỉ đạo công tác YDCT.

6. Đưa tỷ lệ 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trong đó có chuẩn về YDCT.

7. Nâng tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng YDCT tại tuyến tỉnh đạt > 15%, tuyến huyện > 25% và tuyến xã > 40%.

8. Tiếp tục đầu tư lắp đặt máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện YDCT tỉnh và các khoa YDCT của các bệnh viện đa khoa.

9. Quản lý và cấp giấy phép 100% tổng số đối tượng đang hành nghề YDCT trong tỉnh.

10. Chỉ đạo và khuyến khích các công ty, các doanh nghiệp dược trên địa bàn tỉnh, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng dược liệu, xây dựng hệ thống bào chế, sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối các sản phẩm dược liệu tại địa phương.

11. 100% các xã có Y sỹ YHCT hoặc được đào tạo định hướng YHCT.

III. Các giải pháp

1. Tham mưu cho UBND tỉnh, chỉ đạo cấp ủy Đảng chính quyền các cấp về việc phát triển YDCT trên địa bàn toàn tỉnh

- Kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai Chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền đến năm 2020 tại tuyến huyện, thành phố và các xã.

- Ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động Y Dược cổ truyền trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong công tác thực hiện công tác Y Dược cổ truyền.

2. Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ

- Từng bước đào tạo để bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác Y Dược cổ truyền tại Bệnh viện YDCT tỉnh, các khoa YDCT Bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế của 195 xã, phường, thị trấn.

- Củng cố mạng lưới cán bộ chuyên trách YDCT để triển khai thực hiện các hoạt động, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ và phổ biến các phương pháp khám chữa bệnh bằng YDCT.

3. Tăng cường đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách về công tác YDCT của các tuyến

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên khoa sâu cho các bác sỹ làm công tác khám chữa bệnh Y Dược cổ truyền trong toàn tỉnh. Phối hợp với các viện, trường mở lớp đào tạo bác sỹ định hướng, chuyên khoa I YHCT tại tỉnh.

- Cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ Y Dược học cổ truyền do tuyến trên tổ chức.

- Chỉ đạo Trường Trung cấp y của tỉnh xây dựng bộ môn YDCT thực hiện đào tạo lại cho cán bộ làm công tác YDCT của tỉnh. Đào tạo mới cho học sinh, sinh viên (của trường) những kiến thức về Y Dược cổ truyền dân tộc.

- Chuẩn hóa trình độ chuyên môn đội ngũ lương y, lương dược, tăng cường vai trò của Hội Đông y, Hội Châm cứu trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 1816 về việc “cử cán bộ chuyên môn đi luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” thuộc lĩnh vực YDCT.

4. Phân công cán bộ chuyên trách công tác YDCT

- Tuyến tỉnh: Giao cho bệnh viện YDCT tỉnh là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động về YDCT trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tuyến huyện: Giao cho Giám đốc các bệnh chỉ đạo Khoa YDCT của Bệnh viện huyện đảm nhiệm. Phân công cán bộ chuyên trách về công tác YDCT tại các TTYT huyện.

- Tuyến xã: Giao cho Giám đốc các TTYT huyện, thành phố, triển khai thực hiện các nội dung về Chuẩn Quốc gia y tế xã, phân công cán bộ chuyên trách về công tác YDCT.

5. Đảm bảo và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất của Bệnh viện YDCT tỉnh, các khoa YDCT tại các bệnh viện đa khoa huyện.

- Đảm bảo tốt công tác thu dung người bệnh, phấn đấu đưa công suất sử dụng giường bệnh hàng năm luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch giao.

- Chuẩn hóa trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở khám, chữa bệnh YDCT trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tăng cường thực hiện có hiệu quả Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; chủ động huy động các nguồn vốn thông qua xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh dưới nhiều hình thức như: Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc hiện đại hóa bệnh viện, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao, cải tạo cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị y tế theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế.

- Huy động việc nuôi trồng thu gom nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương.

- Xây dựng hệ thống bào chế, sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối các sản phẩm dược liệu tại địa phương.

- Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quá trình tiếp nhận, khám bệnh, quản lý người bệnh nằm viện, quản lý hồ sơ bệnh án, tiến tới áp dụng bệnh án điện tử trong công tác khám chữa bệnh.

6. Đảm bảo tài chính cho các hoạt động về YDCT

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực YDCT tại tỉnh.

- Xây dựng các Đề án để đào tạo nhân lực và nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị cho các bệnh viện trong toàn tỉnh.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác YDCT

Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra YDCT nhất là đối với việc buôn bán thuốc YDCT tại các chợ biên giới trong tỉnh.

8. Công tác xã hội hóa

- Tiếp tục duy trì và phát huy tốt công tác xã hội hóa theo Nghị định Chính phủ về tăng cường công tác xã hội hóa trong đó có lĩnh vực y tế, khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tăng cường đầu tư vào lĩnh vực y tế trong và ngoài công lập về khám chữa bệnh bằng phương pháp YDCT.

- Đẩy mạnh hoạt động của các hội nghề nghiệp như: Hội Đông y - Hội Châm cứu trong lĩnh vực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Kêu gọi và liên kết với các nhà đầu tư trong công tác nâng cấp nhà thuốc bệnh viện, trang bị máy móc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh bằng YDCT.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế

- Sở Y tế chủ trì và chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của y, dược cổ truyền trong phòng và chữa bệnh.

- Chủ trì nghiên cứu, bố trí các hoạt động về y, dược cổ truyền thực hiện, tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế theo kế hoạch.

- Xây dựng đề án hiện đại hóa y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; giữ gìn, phát huy bản sắc, tính đặc thù của y, dược cổ truyền dân tộc.

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phát triển YDCT; xây dựng Đề án nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực YDCT của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế ưu đãi trong việc nuôi trồng dược liệu và quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu cho công tác khám chữa bệnh bằng YDCT.

- Xây dựng kế hoạch trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu, trao đổi chuyên gia về YDCT.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh bằng YDCT và sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, đào tạo cán bộ YDCT.

- Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm gửi báo cáo về Bộ Y tế và UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính

- Bố trí ngân sách chi thường xuyên, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí chi đầu tư phát triển để thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ YDCT của Kế hoạch này; kiểm tra chi tiêu theo chế độ tài chính hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Có chính sách ưu tiên triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Đông y trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác YDCT.

6. Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu quảng bá và phát triển hình thức du lịch kết hợp chữa bệnh bằng YDCT tại Hà Giang.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Sở Y tế trong công tác nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế ưu đãi trong việc nuôi trồng dược liệu và quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu cho công tác khám chữa bệnh bằng YDCT.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả những nội dung và nhiệm vụ của Kế hoạch này.

- Căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch của huyện, thành phố và bố trí ngân sách để triển khai kịp thời Kế hoạch này.

- Xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y dược cổ truyền.

- Tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất, duy trì các cấp Hội Đông y, Hội Châm cứu trong hoạt động và phat triển YDCT tại địa bàn, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

9. Hội Đông y - Hội Châm cứu

- Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội, chú trọng nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về YDCT.

- Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động, chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng chuyên môn của các hội viên, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng Đề án tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT.

- Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này.

V. Lộ trình thực hiện

1. Năm 2011 và 2015

1.1. Các giải pháp thực hiện

- Đầu tư trang thiết bị y tế cho bệnh viện YDCT tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang, Yên Minh, Hoàng Su Phì.

- Xây dựng hệ thống cung ứng và quản lý chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu tại Bệnh viện YDCT.

- Nâng cao năng lực đào tạo nhân lực ngành YDCT trong tỉnh.

- Tăng cường vai trò của Hội Đông y trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển YDCT và các đề án khác thực hiện.

- Đạt mục tiêu cụ thể về tổ chức bộ máy quản lý YDCT, mạng lưới khám, chữa bệnh, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và tăng cường vai trò Hội Đông y, Hội Châm cứu theo các mục tiêu của Kế hoạch.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y Việt Nam trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tích cực ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh YDCT.

1.2. Các chỉ tiêu cụ thể

1. Thành lập phòng Quản lý YDCT thuộc Sở Y tế.

2. 5/11 Trung tâm y tế huyện (thành phố) có bác sỹ YHCT chuyên trách chỉ đạo công tác YDCT.

3. 100% số xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế trong đó có chuẩn về YDCT.

4. Tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh YDCT tại tuyến tỉnh đạt > 15%, tuyến huyện > 20% và tuyến xã > 30%.

5. Quản lý và cấp giấy phép 100% tổng số đối tượng đang hành nghề YDCT trong tỉnh.

6. Chỉ đạo và khuyến khích 01 Doanh nghiệp Dược trên địa bàn tỉnh, xây dựng hệ thống bào chế, sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối các sản phẩm dược liệu tại địa phương.

7. 100% các xã có y sỹ YHCT hoặc được đào tạo định hướng YHCT.

2. Giai đoạn 2016 - 2020

2.1. Các giải pháp thực hiện

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị: 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y Việt Nam trong tình hình mới.

- Tăng cường sự phối hợp với Hội Đông y, Hội Châm cứu các cấp sưu tầm những bài thuốc hay, kế thừa phát huy, phát triển YDCT.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tích cực ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh YDCT.

- Tiếp tục đầu tư lắp đặt máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện YDCT tỉnh và các khoa YDCT của các bệnh viện đa khoa và các trạm y tế xã, phường.

- Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, phát triển dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và tăng cường vai trò Hội Đông y, Hội Châm cứu theo các mục tiêu của Kế hoạch.

2.2. Chỉ tiêu thực hiện

1. 11/11 Trung tâm Y tế huyện (thành phố) có Bác sỹ YHCT chuyên trách chỉ đạo công tác YDCT.

2. Đưa tỷ lệ 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trong đó có chuẩn về YDCT.

3. Nâng tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng YDCT tại tuyến tỉnh đạt > 15%, tuyến huyện > 25% và tuyến xã > 40%.

4. Quản lý và cấp giấy phép 100% tổng số đối tượng đang hành nghề YDCT trong tỉnh.

5. Chỉ đạo và khuyến khích 02 đơn vị trở lên, xây dựng hệ thống bào chế, sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối các sản phẩm dược liệu tại địa phương.

6. 100% các kho thuốc đạt tiêu chuẩn GSP.

7. 100% khoa Y học cổ truyền các bệnh viện sử dụng đông dược và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc vào điều trị cho người bệnh.

8. 100% các trạm y tế xã sử dụng thuốc đông dược hoặc chế phẩm vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Trên đây là Kế hoạch phát triển YDCT đến năm 2020 của ngành Y tế tỉnh Hà Giang./.

 

 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Trần Thị Bích Hằng